Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Đầu xuân đi chợ tình, hát Soong hao để tìm gặp người xưa

Đầu xuân đi chợ tình, hát Soong hao 
để tìm gặp người xưa
Trong phiên chợ tình đặc biệt ấy, ai chưa có gia đình thì hát để tỏ tình, hát để tìm người yêu, còn với những người đã có gia đình, họ hát cùng người tình cũ để nhớ lại kỷ niệm đẹp một thuở yêu nhau.
Cả vợ và chồng đều có thể đi hát như vậy, họ hát trước mặt nhau mà không ai tỏ ghen tuông… Phiên chợ đặc biệt ấy diễn ra ở xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Sức hút của những câu hát Soong hao
Mỗi năm, chợ tình Tân Sơn họp một lần vào ngày 12 tháng Giêng. Phiên chợ có từ bao giờ, ngay cả những người già nhất trong xã cũng không ai nhớ rõ. Chỉ biết rằng, phiên chợ cùng những làn điệu Soong hao, hát Lượn… đã gắn liền, tồn tại và là nét văn hóa có từ hàng trăm năm nay của người Nùng, người Tày nơi đây. Với người dân xã Tân Sơn, phiên chợ tình cùng những câu hát Soong hao như một nét văn hoá đẹp không thể thiếu trong đời sống tinh thần.
Từ già tới trẻ mọi người nô nức xuống chợ tình để hát Soong hao.
Ông Lý Văn Tìn (65 tuổi, người ở xã Tân Sơn) là người có hàng chục năm tham gia hội hát Tân Sơn cho biết: Ngay từ sáng sớm ngày diễn ra phiên chợ, người dân già, trẻ, gái, trai, các cặp vợ chồng đã xúng xính trong trang phục độc đáo, chàm xanh ngắt, màu xanh của núi rừng quê hương, đeo túi vải nâu cùng nhau xuống chợ để mua sắm và để hát trao duyên.
Ông Tìn kể lại: “Tôi được theo cha mẹ đi chợ tình và học hát Soong hao từ khi 6 tuổi. Năm nào cũng vậy, dù gia đình có công việc bận rộn đến mấy nhưng đều gác lại hết để xuống chợ vui cùng mọi người. Vào ngày đó, nếu không được đi hát, cảm giác bứt rứt rất khó chịu, như thiếu thiếu điều gì đó”.
Người đàn ông này cũng cho biết, khi lớn lên một chút, ông cùng các bạn của mình còn tìm đến các nơi khác cũng có làn điệu Soong hao như chợ Chũ, chợ Biển Động (Lục Ngạn), thậm chí còn khăn gói đi bộ lên tận Lạng Sơn để trổ tài. Mỗi chuyến đi có khi hàng tuần mới về, vốn có giọng hát hay lại sáng tác được nhiều câu đối đáp thông minh nên ngày ấy, ông Tìn còn được tín nhiệm làm trưởng nhóm hát đối giao duyên trong các ngày hội.
Theo ông Tìn, hàng năm, cứ vào dịp Tết xóm làng của ông lại tụ tập nhau lại rồi ôn lại những câu hát để đến tham gia hội. “Những làn điệu Soong hao có sức hút lạ lắm, nếu đã hát thì chỉ muốn hát nữa, hát mãi. Mỗi lời ca của Soong hao thể hiện sự ứng đối tài hoa của mỗi người theo lối ví von, bóng bẩy, tinh nghịch, xa xôi mà ẩn chứa rất nhiều hàm ý. Ngày xưa, làn điệu này có rất nhiều loại, như hát trong nhà, hát khi có đám cưới, hát vào ngày hội, phiên chợ, nhưng hiện nay Soong hao chỉ còn những câu hát trao duyên ở chợ tình”, ông Tìn chia sẻ.
Gia đình ông Vi Đức Vinh (thôn Nam Sơn) có đến bốn thế hệ biết hát Soong hao. Theo ông Vinh kể lại, mẹ ông đã dạy các con hát từ nhỏ, tiếng hát Soong hao cất lên ở bất cứ đâu dù lên rừng lấy củi, xuống suối giặt giũ, hay ở nhà lo bếp núc. Những làn điệu Soong hao cổ hiện chỉ có gia đình ông và số ít người còn giữ được. Lo mất đi những giá trị văn hóa này, ông không chỉ dạy cho con cháu trong gia đình mà còn thường xuyên vận động hàng xóm và lớp trẻ cố gắng học hát để gìn giữ bản sắc.
Ông Vinh đã dịch một số lời hát đối đáp nam nữ từ tiếng Nùng sang tiếng Kinh, những câu hát tỏ tình. Trong men say của người nặng tình với câu hát Soong hao, ông Vinh cất tiếng hát cho chúng tôi nghe và hiểu rõ nét văn hoá độc đáo:
Nam: Anh và em cùng xuống chợ rồi rủ nhau lên đồi tâm sự /Cả năm vất vả, đôi ta chỉ có dịp này là thảnh thơi.
Nữ: Mặt trời khuất sau cánh rừng, đêm xuống rồi anh ơi / Anh hãy kéo mặt trời lên đi, em sẽ đi cùng anh vui chơi.
Hoặc:
Nam: Anh nghèo chẳng có gạo, có trâu, cũng chẳng bạc trắng rượu ngon biết lấy gì hỏi em làm vợ.
Nữ: Anh không có gạo, có trâu cùng bạc trắng, rượu ngon, nhưng có lòng yêu em, em vẫn theo anh về nhà.
Vợ, chồng tự do đi với… tình xưa
Phiên chợ tình Tân Sơn không chỉ dành cho các đôi nam nữ hát đối đáp để tìm người yêu mà còn để những người yêu nhau không đến được với nhau ôn lại kỷ niệm xưa. Điều đặc biệt mà phiên chợ này là những người đã có gia đình họ có thể hát, ngồi tâm tình trò chuyện với người yêu cũ của mình. Những lời trách hờn, những kỷ niệm xưa cũ và cả những tiếc nuối ngày họ còn yêu nhau có thể bộc lộ qua những câu hát mà không ai bị ngăn cấm, ghen tuông.
Cả vợ, chồng đều có thể đi hát như vậy, họ tôn trọng nhau, tôn trọng những điều riêng tư của mình. Nhưng họ cũng biết giữ gìn hạnh phúc của gia đình mình không vì người tình xưa mà phá hỏng hạnh phúc của gia đình hiện tại, đó là giá trị nhân văn vô cùng cao đẹp còn lưu giữ lại được.
Hát đối đáp Soong hao bên dòng suối
Chị Vi Thị Tươi (39 tuổi, người Nùng ở Tân Sơn) cho biết: “Tôi và chồng đều cùng xuống chợ để hát. Gặp lại người xưa, kể chuyện về cuộc sống, gia đình, sức khỏe và tâm tình với nhau về những tháng ngày đã từng hạnh phúc. Nhưng chúng tôi không hề ghen tuông nhau, vì đó là những điều riêng tư, quá khứ của mỗi người”.
Cũng như vậy, ông Tìn nói rằng, cứ mỗi khi đến phiên chợ tình ấy ông lại gặp người yêu năm xưa. Hai người hát hò, tâm sự với nhau rồi còn tỏ ý cả sự tiếc nuối. Nhưng ai cũng hiểu rằng, đó chỉ là câu chuyện trong quá khứ. Sau phiên chợ, ông bà trở về cuộc sống thực tại, lại những lo toan, vun vén cho tổ ấm riêng của mình. “Tại phiên chợ chúng tôi thoải mái nói ra những tâm sự của mình qua những câu hát. Ở đây, chưa gia đình nào lục đục chỉ vì đi hát ở chợ tình, dù nhận thức người dân không cao, nhưng ai cũng hiểu rằng, đó là khoảng trời riêng và họ tôn trọng điều đó”.
Theo lời nhiều người dân, trước đây làn điệu Soong hao được hát quanh năm, đặc biệt vào mùa xuân, trai gái thường rủ nhau ra chợ hát trao duyên để tìm người yêu. Bà Nguyễn Thị Luyến (63 tuổi) kể lại: “Ngày xưa chỉ có vài nóc nhà, cứ đến phiên chợ mọi người lại rủ nhau xuống chợ để hát với nhau. Trai ngồi một bên, gái ngồi đối diện và hát đối đáp nhau. Sau nhiều canh hát, nếu đôi trai gái nào thấy ai hợp với mình thì có thể hẹn riêng nhau đi chơi.
Cuộc hát có thể kéo dài cả ngày lẫn đêm, có khi, nhiều nhóm còn ngủ cả trong rừng, bờ suối để hát. Nhiều đôi đã thành vợ chồng sau những cuộc hát kéo dài ấy. Còn đối với những người đã quen nhau trong hội hát, họ gặp lại nhau, hát để hỏi thăm sức khỏe, gia đình và kể cho nhau nghe về những dự định sắp tới. Kết thúc buổi hát ai cũng lưu luyến, không muốn chia tay. Họ hẹn nhau vào ngày này sang năm sẽ gặp lại, chúc gia đình mạnh khỏe, chúc gia đình bình an”.
Gìn giữ phiên chợ và những câu hát đặc biệt
Trao đổi với PV, Đặng Minh Tuy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Lục Ngạn cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp xuân người dân xã Tân Sơn lại xuống chợ để hát Soong hao, để tìm người yêu. Gần 10 năm trở lại đây, huyện Lục Ngạn đã duy trì Ngày hội văn hoá thể thao các dân tộc nhằm giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc. Cùng với đó, huyện đã quan tâm thành lập các câu lạc bộ hát dân ca và mở các lớp dạy hát miễn phí ở các xã vùng cao nhằm khôi phục lại làn điệu dân ca các dân tộc nhất là hát Soong hao của người Nùng.
“Qua các câu lạc bộ, mọi người có thể giao lưu, chia sẻ những làn điệu dân gian nhằm giữ gìn nét văn hóa riêng. Chúng tôi cũng mở nhiều lớp dạy tiếng dân tộc, dạy hát, múa các làn điệu dân ca truyền thống như Soong hao, Then, Lượn và thường xuyên tổ chức các hội diễn, hội thi văn nghệ… để giữ gìn nét văn hóa độc đáo”, ông Tuy nói.
Ong Lý
Nguồn nguoiduatin
Theo https://nghiemluongthanh.wordpress.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ - Bị quên tên trong những ca khúc

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ Bị quên tên trong những ca khúc... Ở thị trấn Phan Rí (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có một nhà thơ tuổi sáu mươi H...