Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Nước mắt Trịnh Công Sơn

Nước mắt Trịnh Công Sơn
Trịnh Công Sơn (28/02/1939) sinh ra và lớn lên tại làng Minh Hương, tổng Vĩnh Tri, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vào năm 1959, do một tai nạn trong khi tập Nhu đạo phải nằm điều trị ở bệnh viện suốt bốn năm liền. Trong thời gian này, những làn điệu dân ca xứ Huế, dân ca dân tộc và những bản nhạc của Bob Dylan, Paul Simon, Joan Baez bắt đầu thấm sâu vào từng mạch máu đang chảy trong con người ông. 
Từ đó, các ru khúc và ca khúc tình cảm đầu tiên bắt đầu được sáng tác. Trong quá trình tìm tòi, sáng tạo, Trịnh Công Sơn đã tìm thấy cho mình một hướng đi riêng và tạo ra cơn lốc âm nhạc có khả năng len lỏi vào sâu trong tâm thức và tiềm thức con người. Đó chính là cơn lốc âm nhạc Trịnh Công Sơn. Các ca khúc của ông được chia thành ba nhóm: ca khúc viết về chiến tranh, ca khúc viết về tình yêu và ca khúc viết về thân phận. Xuyên suốt từ đầu đến cuối dòng nhạc này là dòng nước mắt Trịnh Công Sơn không ngừng tuôn chảy…
Hành trình tìm tòi và sáng tạo nghệ thuật đã đưa nhạc sĩ họ Trịnh đi lạc vào nỗi đau thương của con người trong cuộc chiến tranh của dân tộc. Ông không phán xét bên nào chính nghĩa, bên nào phi nghĩa; không xác định đâu là đồng đội, đâu là kẻ thù; ông chỉ nhìn thấy ở đó sự tàn khốc, chết chóc, đau thương, ông phản đối điều đó và than khóc cho số phận của những con người lầm than, đau khổ…. “Một ngày, ngày đã qua/ Ôi một ngày chóng qua/ Một chiều, một ngày âm thầm đã? Đã trôi đi không còn gì/ Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè/ Ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương/ Còn có ai không, còn người? Ôi nhân loại, mặt trời và em thôi/ Này đôi môi xin thương người/ Ôi nhân loại mặt trời trong tôi”(Xin mặt trời ngủ yên). Chiến tranh tàn khốc cứ lặng lẽ nhưng vô cùng nhanh chóng cướp đi biết bao người thân, bạn bè của chúng ta và trả về sự mất mát, khổ đau… Cái dai dẳng và tàn khốc của “chinh chiến” đã làm mệt mỏi nhiệt huyết và sức mạnh của tuổi trẻ dẫn đến cái chết ngay trên “đồi quê hương”. Cuối cùng ta còn ai, còn lại gì để yêu thương, chia sẻ mỗi ngày? Chỉ còn ta và nước mắt khóc thương người, thương nhân loại…
Thời gian trôi đi thật nhanh, đồng nghĩa với nó là cái chết là sự hủy diệt cũng diễn ra một cách choáng váng!“Chiều đi lên đồi cao/ Hát trên những xác người/ Tôi đã thấy,tôi đã thấy/ Trên con đường người bồng bế nhau chạy trốn/ Tôi đã thấy/ Bên khu vườn một người mẹ ôm xác đứa con”… “Chiều đi qua bãi dâu/ Hát trên những xác người/Tôi đã thấy những hầm những hố/ Đã chôn vùi thân xác anh em” (Hát trên những xác người). Trịnh Công Sơn lặng lẽ quan sát nỗi thống khổ của con người trong đạn lửa và lên tiếng: “tôi đã thấy, tôi đã thấy”… Nhưng đó chưa phải là tất cả. Bộ mặt thật sự và đầy đủ nhất của chiến tranh, của thân phận con người sẽ được phơi bày ngay sau đây:“Xác người nằm trôi sông/ Phơi trên ruộng đồng/ Trên nóc nhà thành phố/ Trên những đường quanh co/ Xác người nằm bơ vơ/ Dưới mái hiên chùa/ Trong giáo đường thành phố/ Trên thềm nhà hoang vu”… “Xác người nằm quanh đây/ Trong mưa lạnh này/ Bên xác người già yếu/ Có xác còn thơ ngây/ Xác nào là em tôi, dưới hố hầm này”(Bài ca dành cho những xác người). Nhân loại như bị nhấn chìm trong cái chết. Khắp nơi là xác người, sự sống bị hủy diệt đến tận cùng, thậm chí không còn cả một tiếng than khóc cho ta cảm nhận về dấu hiệu cuối cùng của sự sống. Chết chóc tràn lan từ “trên sông”, ngoài “ruộng đồng”, trên “nóc nhà” đến cả “mái hiên chùa”, “giáo đường thành phố”…với đủ lứa tuổi, giới tính nằm phơi trong mưa lạnh. Cả nhân loại như lặng đi trong tiếng nức nở của âm nhạc cứa vào lòng người.
Dẫu có đớn đau là thế, dẫu cho nhân loại có chìm trong dòng nước mắt khổ đau thì Trịnh Công Sơn vẫn chưa bao giờ và không bao giờ đánh mất niềm hi vọng. “Nơi đây tôi chờ/ Nơi kia anh chờ/ Trong căn nhà nhỏ/ Mẹ cũng ngồi chờ/ Anh ngồi chờ trên đồi hoang vu/ Người tù ngồi chờ bóng tối mịt mù/ Chờ đã bao năm/ Chờ đã bao năm/ Chờ đã bao năm” (Chờ nhìn quê hương sáng chói)… Dưới con mắt và trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, người Việt Nam có một niềm tin phi thường vào tương lai. Chính niềm tin ấy đã giúp cho họ trở nên kiên cường, mạnh mẽ vượt qua mọi đau khổ, nước mắt để tiếng ru của mẹ vẫn vút cao trong mưa bom bão đạn: “Hò ơ ớ ơ hò/ Con ngủ đi con/ Đứa con của mẹ da vàng/ Ru con ru đạn nhuộm hồng vết thương/ Hai mươi năm đàn con đi lính/ Đi rồi không về/ Đứa con da vàng của mẹ”(Ngủ đi con). Đau đớn thay, lời ru vẫn chỉ là tiếng khóc, tiếng than van nỉ non trong đêm trường hun hút. Các con vẫn phải lớn lên trong chiến tranh và tiếp tục cầm súng lao vào cuộc chiến tàn khốc.
Nước mắt Trịnh Công Sơn chảy tràn từ hiện thực cuộc chiến tranh qua thân phận con người đến những nỗi khổ đau trong tình yêu. “Trịnh Công Sơn vào đời với vóc dáng độc đáo, với những đắm đuối đến tận cùng của đam mê, hòa trộn cùng niềm đau thương rã cánh của một tâm hồn ngu ngơ, nhìn cuộc đời với lo sợ và chán chường. Chính vì những mâu thuẫn nội tâm phát triển một cách quá mạnh mẽ trong mỗi suy nghĩ, nên tiếng nhạc của Sơn lúc nào cũng choáng váng, ngây ngất trong từng vũng âm thanh run rẩy, nghẹn ngào để chạy trốn vào tiềm thức của người thưởng ngoạn. Rồi nó nằm chết trong đó với buồn thương lãng đãng. Nó đưa con người đi dần vào cơn mê hoặc. Nó làm cho tâm tư bị vò xé bởi niềm đau không thành tiếng. Nó ray rứt, đứt nuối trong mỗi ưu tư về thân phận vật vã trước định mệnh. Nó kéo dài từng cơn mệ loạn làm ngất ngư thân xác” (Tạ Tỵ). “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai vươn hình hài lớn dậy/ Ôi cát bụi tuyệt vời/ Mặt trời soi một kiếp rong chơi/ Hạt bụi nào hoá kiếp trong tôi/ Để một mai tôi về làm cát bụi/ Ôi cát bụi mệt nhoài/ Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi”(Cát bụi). Có lẽ, tài năng âm nhạc của Trinh Công Sơn không được điều khiển và dẫn dắt bởi tâm thức, ý thức mà bị chi phối gần như tuyệt đối bằng định mệnh, vì thế dù ở chiều suy tư nào, ông cũng dễ dàng tìm ra sự đau thương, hoài nghi, chán chường…. Con người sinh ra từ cát bụi, lớn lên và tồn tại trong lầm than, cuối cùng cũng sẽ quay trở về với cát bụi.
“Trời còn làm mưa, mươi rơi mênh mang/ Từng ngón tay buồn/ Em mang em mang đi về giáo đường/ Ngày chủ nhật buồn còn ai, còn ai/ Đóa hoa hồng cài lên tóc mây/ Ôi đường phố dài lời ru miệt mài/ Ngàn năm ngàn năm/ Ru em nồng nàn/ Ru em nồng nàn” (Tuổi đá buồn). Âm thanh tha thiết, nghẹn ngào, kéo lê qua không gian thinh lặng, thời gian nặng nề trôi. Những bản nhạc về thân phận tình yêu của Trịnh Công Sơn có sức quyến rũ và lay động lạ thường, chính nó đã làm mê đắm bao trái tim trong khung cảnh hoang sơ! Qua những ca khúc này ta thấy: con người có mặt thực ra chỉ là những chứng tích lạc loài, đau đớn và cô đơn. Tiếng hát là những âm thanh khóc than vọng về cuối trời tiếc nuối để đến với biệt ly. Tất cả mọi thứ đều tồn tại trong tư thế mong manh, chông chênh giữa đôi bờ hư thực và có chiều hướng xóa nhòa đi tất cả, đưa cong người, nhân thế và tình yêu trở về với cát bụi.
Tâm hồn Trịnh Công Sơn như bị nhúng trong bi thương nên mọi thứ tồn tại trong cuộc đời đều là ảo mộng. Nó mang đến nhiều đau buồn hơn niềm vui, nhưng cũng may đó là nỗi buồn cao đẹp, thanh tao. Nỗi buồn đã khiến cho nhiều kẻ “điên rồ” phải thèm khát được nếm trải một lần.“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/ Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao/ Nghe lá thu rơi reo mòn gót nhỏ/ Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu/Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ/ Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua/Trên bước chân em âm thầm lá đổ (Diễm xưa). Và một ngày chợt thấy “hồn xanh buốt”, lòng “xót xa” trên hành trình xa ngái qua hoang vu, trống trải để tìm tuổi nào cho ta, cho em và cho con người. “Tuổi nào nhìn lá úa vàng chiều nay/ Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời/ Tay măng trôi trên vùng tóc dài/ Bao nhiêu cơn mưa vừa tuổi nào/ Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may/ Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai/ Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời/ Xin cho em tay còn muốt dài/ Xin cho cô đơn vào tuổi này/Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài”… “Ôi buồn/ Tuổi nào ngồi khóc tình đã nghìn thu”(Còn tuổi nào cho em). Trịnh Công Sơn chợt nhận ra rằng: tuổi nào ta cũng đi qua, cũng được nếm trải một chút dư vị man mác nỗi buồn và tiếc nuối nhưng chẳng tuổi nào thuộc về ta mãi mãi. Cuối cùng tất cả chỉ còn lại tuổi “ngàn thu”.
Ngày 01/04/2001, Trịnh Công Sơn từ giã cõi đời để tìm đến một “chân trời mới” trong niềm tiếc thương vô hạn của những người yêu âm nhạc. Không biết ở phía bên kia cuộc đời, ông có tìm thấy niềm vui, thấy một điểm tựa vững chắc để làm bến neo đậu cho tâm hồn mình? Có một điều rõ ràng là cho đến những giây phút cuối cùng, những giọt nước mắt Trịnh Công Sơn vẫn không ngừng chảy. “Chúa đã bỏ loài người/ Phật đã bỏ loài người/ Này em, em cứ phụ người/Này em, xin cứ phụ tôi/ Này em có nhớ cuộc đời/ Này em có biết loài người/ Này em có nhớ gì tôi”(Này em có nhớ). Cho đến bao giờ những ca khúc của Trịnh Công Sơn vẫn còn cất lên thì những người yêu nhạc Trịnh hay những người dù chỉ mới một lần được nghe nhạc của ông cũng không bao giờ quên được. Nhạc sĩ của dòng nước mắt khóc thương đời, thương người, thương tình yêu… không còn nữa nhưng dòng nước mắt Trịnh Công Sơn sẽ còn chảy mãi, chảy đến vô tận trong tâm hồn người yêu nhạc Trịnh mọi thế hệ.
Nguyễn Thị Ánh Huyền
Nguồn: motthegioi
Theo https://nghiemluongthanh.wordpress.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ - Bị quên tên trong những ca khúc

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ Bị quên tên trong những ca khúc... Ở thị trấn Phan Rí (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có một nhà thơ tuổi sáu mươi H...