Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

Ký ức mùa trăng

Ký ức mùa trăng
Trung thu xưa, những vầng trăng màu ngà, to một cách kỳ lạ, với những giải mây giăng ngang, những chiếc đèn ngôi sao lung linh nến, chiếc đầu sư tử màu sắc dữ dội… kỷ niệm lắng sâu như một đáy gương trong, không màu mè, không vồn vã, không đẩy đưa…. rất tinh khôi và bình yên…
Hồi xưa ở Hà nội, trẻ con thường hay nói Rằm tháng Tám, chứ không mấy khi nói Tết Trung Thu, không hiểu tại sao. Mỗi lần nhớ lại những cái tết trung thu ngày xưa, tôi lại nhớ đến những vầng trăng màu ngà, to một cách kỳ lạ, với những dải mây giăng ngang, xuất hiện bất chợt ở đằng cuối phố Hàng Bồ, Hàng Bạc, phía bờ sông Cái, và lên từ từ trên bầu trời chưa tối hẳn. Tôi lại nhớ đến những chiếc đèn hình ngôi sao thắp bằng nến, ánh nến lung linh trong đêm tối, những chiếc đầu sư tử màu sắc dữ dội, những phố Hàng Gai, Hàng Thiếc, đầy đồ chơi và đầy bóng người qua lại tấp nập…
Ngày ấy, hàng năm, lũ trẻ con chúng tôi vẫn thường xuýt xoa với nhau: “Bao giờ mới đến Rằm Tháng tám?”, để được “chơi con giống”, chơi rước đèn, làm đèn, làm những con thỏ xinh xinh bằng vỏ trứng, cho chúng tôi đi xem đồ chơi ở các phố Hàng Gai, Hàng Thiếc, đi xem làm sư tử ở phố Hàng Mành, đi xem làm những ông tiến sĩ giấy ở phố Hàng Mã, làm bánh dẻo ở phố Hàng Đường, hay phố Nhà Hoả, và nhất là để được múa sư tử, và đi xem những đám rước sư tử “của người lớn”.
Cái truyền thống đầy màu sắc tươi vui, đầy đồ chơi, bánh trái, đầy vật tượng trưng và đầy cả… trăng rằm ấy, không biết đã có từ thời nào? Chỉ biết rằng, ở Hà Nội, có những phố rất xưa, chuyên sống về nghề làm đồ chơi cho TếtTrung Thu, và nghe đâu, những phố phường này đã có ngay từ lúc kinh đô nước ta còn ở Hoa Lư (Ninh Bình).
Phố Hàng Gai, với cây đa già và ngôi đình cổ ở ngay giữa phố, từ bao giờ vẫn là dãy phố đầy những sự bí mật - mà ngày đó bầy trẻ chúng tôi chưa biết tìm hiểu - và đầy những thứ để xem, nhất là vào dịp này. Tôi thích nhất là những chiếc đèn con thiền thừ, với cái đầu, cái đuôi lắc lư, in bóng lên tường vách của các cửa hàng, những chiếc đèn kéo quân với đầy sự tích và nhân vật quen thuộc, những hình ảnh người, ngựa, cử động nhịp nhàng, nhìn thật là vui mắt!
Tết Trung Thu ở Hà Nội ngày ấy có nhiều trò chơi cho trẻ em ở những lứa tuổi khác nhau. Những em bé nhất thường chơi con giống, chơi thỏ, chơi đèn, v.v. Còn đối với lũ trẻ từ 7, 8 tuổi đến 11, 12 tuổi, thì cái thú vui lớn nhất và hấp dẫn nhất vẫn là múa sư tử, đánh trống, và làm đèn. Sung sướng nhất đối với chúng tôi, là lúc được đội chiếc đầu sư tử vào để múa theo nhịp trống, và nhất là múa cho người khác xem để lấy giải.
Kỷ niệm lắng sâu như một đáy gương trong, không màu mè, không vồn vã, không đẩy đưa…. rất tinh khôi và bình yên…
Tất nhiên, trước đấy, lũ chúng tôi sẽ họp bàn, cử ra một đứa có tài ăn nói, mặt mày sáng sủa, đi làm công tác “ngoại giao”, vận động khắp đầu làng cuối xóm ‘ vui lòng” đặt giải. Có nhà vẫn còn giữ được truyền thống treo giải bằng một sợi dây buộc lơ lửng ở đầu một cái sào dài như cái cần câu. Nhiều khi họ buộc cao đến nỗi chúng tôi phải công kênh nhau lên đến hai ba tầng người mới lấy được giải. Có nhà có cửa sổ thượng song, hạ bản còn treo từ trên gác treo xuống. Cũng có nhà chỉ đưa thẳng tiền, hoặc một món hàng nào có sẵn trong cửa hiệu của họ. Mỗi lần được phần thưởng  lại giơ cao lên ở ngay ngưỡng cửa cho mọi ngườI đều nhìn thấy, rồi xướng to lên với vẻ mặt rạng rỡ và điệu bộ hóm hỉnh : “Một bao nến !..”, “Một bánh pháo !…”, “Một cái bánh dẻo !…”, làm cho đứa nào cũng phấn chấn ra mặt.
Những chiếc đầu sư tử mà chúng tôi nâng niu ngày ấy thường của các bậc đàn anh để lại. Lúc đầu nó rách bươm, rách nát, chúng tôi phải hì hục trong mấy ngày liền bồi lại bằng giấy báo, rồi sơn phết, gắn bông làm lông mày, lông cổ, gắn râu cước, may đuôi lại đàng hoàng. Cuối cùng nó cũng khá nặng, mà chúng tôi thì hãy còn nhỏ quá, nên cứ phải thay phiên nhau múa, mỗi đứa độ vài phút rồi lại đổi người. Vậy mà đứa nào đứa nấy mồ hôi vã ra như tắm.
Cái trống năm ấy cũng là một cái trống khá lớn, mà chúng tôi mượn được của một nhà ở trong phố, phải buộc hai cái gậy ở hai bên thành trống để khiêng đi. Năm sau, chúng tôi có cả một chiếc xe bò kết lá để chở trống. Tiếng trống sư tử đánh ở trong chiếc xe bò kết lá cũng có một âm thanh đặc biệt, và trông cũng oai hơn, giống như những đám rước sư tử của ngườI lớn.
Hào hứng nhất là tiết mục phá. Mâm cỗ này được chuẩn bị khá cầu kì và tươm tất bởi bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị. Một chú chó xù làm bằng tép bưởi được gắn hai hạt đậu đen là mắt, xung quanh có nhiều hoa quả, đặc biệt là những quả hồng chín mọng. Đối với người Hà Nội, mùa trông trăng tháng Tám cũng là mùa cốm nức hương. Những hạt cốm mềm dẻo thơm lừng tỏa hương nhè nhẹ làm cho không khí thêm đầm ấm.
Trẻ con đeo những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh, gõ trống đợi trăng lên cao. Đến khi vầng trăng tròn vành vạnh tỏa sáng giữa bầu trời thì mâm cỗ được phá. Trong đêm Tết Trung thu, trẻ cũng rất thích chơi trò rồng rắn. Đi trước là đội múa lân, đội gõ trống, trên tay cầm những chiếc đèn rực rỡ sắc màu và hình thù, hát vang những giai điệu vui tươi rộn ràng: “Ông giẳng ông giăng/ Xuống chơi với tôi/ Có nồi cơm nếp/ Có nệp bánh trưng/ Có lưng hũ rượu/ Có khiếu đánh đu/ Thằng cu vỗ chài/ Bắt chai bỏ giỏ…
Thêm vào đó là ông địa vui nhộn với cái bụng tròn, khuôn mặt phúc hậu với nụ cười rạng rỡ. Đoàn múa lân và các em nhỏ cùng nhau đi đến từng nhà chúc mừng Trung thu vui vẻ, được các gia đình thưởng kẹo bánh. Sau khi đi hết một vòng, số kẹo bánh này lại được mọi người mang ra tổ chức liên hoan vui chung. Đêm cứ thế rộn rã cho đến khuya.….
Giờ đây mỗi lần thấy phố phường bày bán bánh trung thu là tôi lại thèm được nghe những bài hát đồng dao quen thuộc, thèm được thấy sắc nến lung linh của những chiếc đèn ông sao, đèn quả châu được thắp sáng từ những đôi tay bé xíu của đám trẻ ngày ấy. Lũ chúng tôi lớn lên đều đã rời xóm nhỏ tìm đến những phương trời mới, để rồi vẫn mãi mang theo hoài niệm về những mùa trăng cũ trôi vào ký ức.
Hiếu Minh 
Theo http://vanhoagiaoduc.vn/


    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...