Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Mỗi ngày được nhìn thấy cuộc đời

Mỗi ngày được nhìn thấy cuộc đời
Lại một ngày. Từ rạng sáng, tiếng kinh cầu từ chùa vọng sang. Nhịp nhàng. Du dương. Trầm buồn. Ngày mới. Mới của một giây phút mở mắt ngồi vào bàn làm việc. Mới của cảm hứng khỏe khoắn. Thèm viết. Từng giọt cà phê chậm rãi nhỏ xuống ly. Từng giọt. Từng giọt hiền lành. Không âm mưu tạo nên những cảm xúc ảo tưởng điên cuồng như rượu. Tự nhiên, lại nhớ đến vài người bạn. Đã khuất. Nói như Đoàn Tuấn, “Những người không gặp nữa”. Có lẽ do âm điệu nhịp nhàng, lê thê của tiếng kinh cầu chăng?
Chợt nhiên nhớ đến Võ Phi Hùng, nhà văn của bụi đời vỉa hè. Nhớ đến Đơn Phương, thi sĩ của trại phong Bến Sắn. Nghĩ đến một người, luôn nhớ đến nụ cười của họ. Hầu như những ai hiền hậu, lương thiện đều có nụ cười giống nhau. Tự tin và sảng khoái.
Những năm tháng cuối đời, sáng nào Võ Phi Hùng cũng ngồi viết tại quán cà phê vỉa hè gần đường rầy xe lửa. Gần trước hẻm nhà y. Bất chấp âm thanh đường phố, tiếng rao mời vé số, tiếng chửi rủa tục tằn… anh vẫn cắm cúi viết. Những lúc ấy, anh như cậu học trò chăm chỉ, viết bằng bút bi nắn nót từng dòng trên giấy A4. Viết xong, anh đọc lại và sửa trực tiếp lên đó; ưng ý rồi anh mới chép sang một trang giấy khác, xem như hoàn chỉnh.
Có lần anh bảo: “Tôi có thói quen ngồi viết tại những quán cóc vỉa hè. Tôi chỉ có thể viết được khi nhìn người đi qua đi lại, nghe tiếng xe cộ ồn ào, tiếng rao hàng, hít thở và đắm mình vào nhịp sống của nhân gian… Nếu đóng cửa ở nhà, ngồi vào bàn viết nghiêm chỉnh, nhìn vào bức tường lạnh ngắt trước mặt thì tôi chỉ có nước đi ngủ chứ không cách nào viết được. Tôi chỉ viết tay chứ không thể viết bằng máy vi tính; những con chữ gõ từ máy tính sao mà vô hồn, không cá tính, không cảm xúc, làm tôi mất hứng…”.
Mỗi người có một cách viết. Chẳng ai giống ai. Nhìn thi sĩ Đơn Phương viết mới khó khăn làm sao. Những ngón tay của anh đã rụng gần hết. Mỗi lần sáng tác thơ, anh phải dùng răng siết sợi dây để cột chặt cây bút bi vào bàn tay co quặp. Và viết. Thơ anh mang âm điệu, ngôn từ của Hàn Mặc Tử. Anh đã viết tiếp kịch bản Quần tiên hộicủa Hàn Mặc Tử. Làm nhiều thơ. Thơ hay và nhiều tâm sự bi thiết của một kiếp đời đã gánh quá nhiều tai ương.
Số phận của họ lạ lùng. Cả hai lọt lòng mẹ đã là đứa trẻ mồ côi trong cô nhi viện. Sống cù bơ cù bất ngoài vỉa hè. Kiếm sống lương thiện và đã làm được bao điều có ích cho cộng đồng. Chỉ cần nghĩ thế, đã là quý. Đã có thể chơi với nhau được rồi.
Những ngày cuối đời, Võ Phi Hùng tâm sự chua chát: “Tôi đã không ngừng tìm mẹ từ thuở còn ấu thơ cho đến lúc tóc trên đầu đã bạc, nhưng vô vọng! Năm nay tôi đã 62 tuổi. Cách đây hơn một năm, tôi đã ngưng việc tìm kiếm mẹ, vì thấy không còn hy vọng, vì nghĩ có lẽ mẹ tôi không còn sống trên cõi đời này. Thôi thì đành tự an ủi mình: cuộc đời có những bí mật không thể giải được và ta đành phải chấp nhận. Có những điều ngang trái mà mình phải chấp nhận, dù đã cố gắng hết sức”.
Mỗi con người đã là một số phận. Nó đã được lập trình rồi chăng? Nghĩ thế, vậy hóa ra, với cái tử vi ấy, cung mạng ấy thì người ấy phải như thế ấy? Nghe vô lý quá chăng? Có tin được không?
Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: “Con tinh yêu thương chưa từng hội ngộ”, hầu hết các ca sĩ đều hát “con tim”. Hát như thế là không hiểu gì về “lời ăn tiếng nói” đặc trưng của người Huế. Khi họ gọi cô gái ấy là “con tinh” hoặc “con yêu”, tức mang ý nghĩa chỉ một người nữ lém lỉnh, ranh mãnh, nghịch ngợm như loài “ma quái yêu tinh” nhưng cũng vừa thuần hậu, e ấp, mặn mà… Nhà văn Trần Kiêm Đoàn có tác phẩm Con yêu bánh nậm là cũng nằm trong ý nghĩa đó. “Gọi buốt trăm trăm”, có người lại hát“Gọisuốt trăm năm”, không cần phân tích dài dòng, đã thấy sự tầm thường của từ “suốt”, nó hoàn toàn không gợi lại sự lẻ loi, đớn đau cô độc của một tâm hồn “nhất phiến tài tình thiên cổ lụy”.
Chữ trong thơ. Chữ trong nhạc. Cả thảy đều phải chắt lọc. Tìm lấy từ đắt giá nhất. Thơ, đọc thoáng qua, không kịp cảm nhận. Đã khép bài thơ lại. Đã quên. Nhạc lại khác. Nghe đi nghe lại nhiều lần. Có quên, nghe lại nhiều lần sẽ nhớ. Dần dần sẽ phát hiện ra cái hay của chữ đó. “Đất mẹ đầy cỏ úa”, nhạc Nguyễn Hiền phổ thơ Kim Tuấn. Nghe kỹ, đọc kỹ sẽ thấy nó tầm thường. Ông bạn hiền hậu Kim Tuấn viết thế này: “Đất mẹ gầy cỏ lúa”. Nghe rờn rợn một nỗi niềm nhớ về quê mẹ. Ngay cả cỏ lúa cũng gầy guộc. Có thế, mới có thể hình dung ra hết cái sự nghèo nàn ở quê mẹ, mới thấy hiện ra không khí chiến tranh bi thảm của một thời…
Y từng nghe đi nghe lại Vũng lầy của chúng ta của nhạc sĩ Lê Uyên Phương, bởi thích câu: “Cho nhau chất ngất thơ ngây”. Nghe nhiều lần nên ngày nọ phát hiện ra sao câu ấy tầm thường đến vậy? Bèn tra lại ở tuyển tập nhạc Khi loài thú xa nhau, nguyên văn:“Cho nhau chắt hết thơ ngây”. “Chắt”, gợi lên sự trao thân trọn vẹn. Tràn trề cảm hứng. Cho nhau một lần. Và cho tất cả. Dâng hiến tột cùng.
Những cái sai sót linh tinh này, còn nhiều. Mà thôi, cũng chẳng sao, cứ viết thế, người này cứ hiểu thế, người khác cứ hiểu thế. Cũng chẳng sao. Trên hành trình mưu sinh vẫn còn nhiều chuyện đáng quan tâm hơn. Nghĩ thế để thấy mỗi một ngày được nhìn thấy cuộc đời này, đã là một hạnh phúc, một may mắn. Sống nhẹ nhàng, buông xuôi, bằng lòng và tận hưởng lấy giây phút của hiện tại.
Vậy là đủ. Phải không?.
Lê Minh Quốc
Nguồn: thanhnien
Theo https://nghiemluongthanh.wordpress.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ - Bị quên tên trong những ca khúc

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ Bị quên tên trong những ca khúc... Ở thị trấn Phan Rí (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có một nhà thơ tuổi sáu mươi H...