Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

Một trà...một rượu, một đàn bà...

   Một trà...một rượu, một đàn bà...
Chẳng thà bỏ rượu với bỏ BÀ, quên bỏ trà. 
Trong đời sống con người, nhất là nam giới thường mắc phải vài thói hư tật xấu. Tứ đổ tường thường dính phải một, hai. Có nhiều người còn tự hào về những thói hư tật xấu của mình.

Xin đọc câu chuyện vui sau đây:“Một người đàn ông đi làm việc về thấy một gã lạ mặt, quần áo rách rưới đứng trước sân nhà, liền hỏi:- Ông là ai mà đứng trước nhà tôi? Gã lạ mặt trả lời:- Thưa ông, tôi lỡ đường, lại đói quá, xin ông vui lòng giúp tôi ít tiền để tôi có được buổi ăn chiều.Người đàn ông từ chối:

- Tôi có thể giúp anh nhưng tôi biết cho anh tiền anh sẽ đi uống rượu hoặc đánh bạc.Gã lạ trả lời:
- Tôi thề với ông, đời tôi chẳng biết tứ đổ tường là gì, thì khi nào tôi lại đi uống rượu hay đánh bạc.
Mắt người đàn ông sáng lên, vui vẻ nói:
- Vậy thì mời anh bước vào nhà uống miếng nước rồi tôi giúp anh chút tiền ăn cơm chiều
Gã lạ mặt ngạc nhiên:
- Sao lại phải bước vào nhà, áo quần tôi rách rưới, dơ bẩn.
Người đàn ông nói:
- Tôi chỉ muốn vợ tôi nhìn thấy một người không có thói hư tật xấu nó như thế nào. Vậy thôi!
Như ông Tú Vị Xuyên:
 “Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ. Rượu chè, trai gái đủ tam khoanh.”
Thế mà ông Tú chẳng ngại miệng đời, ngông nghênh làm thơ nói ra cho thiên hạ biết đời người có tứ khoái: Ăn, ngủ, ấy, ể.Những cái khoái của ông Tú là:
“Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thứ nào hay thứ nấy
Hoạ chăng chừa rượu với chừa trà.”
Vậy ta hãy tán gẫu về những thứ mà ông Tú là Vị Xuyên vướng phải cho vui:
1- MỘT TRÀ:
Chẳng được bao lâu. Một lần sau buổi cơm chiều, bà vợ đang rửa chén sau nhà thì nghe chồng gọi: “Bà nó ơi! Vào xơi chè với tôi.”Trà là thức uống thanh nhã của người Á đông. Trà, tiếng miền Bắc gọi là chè. Có cặp vợ chồng, chồng Bắc, vợ Nam , cưới nhau. Bà vợ ngạc nhiên la lên: “Mới ăn cơm xong no muốn chết, bụng dạ đâu ăn chè cho nổi.” Ba miền Bắc, Trung, Nam có nhiều tiếng khiến dân ba miền hiểu lầm nhau. Có lần người viết bài nầy đến thăm cô bạn gái người Huế, thuộc dạng hoàng tộc, cũng là người trong giới cầm bút.  Vừa mở cổng, có hai con chó chạy ào ra sủa toáng lên làm tôi sợ hãi. Lúc đó, người bạn từ trong nhà chạy ra vừa xua đuổi hai con chó vừa trấn an tôi: “Không răng mô! Không răng mô!” Tôi vừa sợ vừa giận, nói lớn: “Chó nhà em răng chơm chởm thế kia, sao bảo không răng?”
Trở lại chuyện uống trà. Uống trà tinh thần sảng khoái, quên cả mệt nhọc. Trong trà có chất thebaine, giống như chất cafeine có tác dụng giúp cho tỉnh ngủ. Thuở xưa các dân du mục bên Tàu, mỗi lần đi săn hay chinh chiến về, thấy loài ngựa mệt nhọc, thường hay tìm một thứ lá cây để ăn. Ăn xong loài ngựa như khoẻ ra. Loài người thấy vậy bèn lấy lá nấu nước, uống thử, thấy nước có vị hơi đắng và chát nhưng hậu ngọt. Uống vào một lát sau thấy người khoẻ khoắn. Từ đó người ta tìm ra được một thức uống mới và mỗi ngày một cố gắng cải tiến để trà uống được ngon hơn.
Trà uống có nhiều cách. Có người tính tình giản dị, đun nước cho sôi, bỏ trà vào bình rồi châm nước vào đợi một lúc cho ra trà, rót vào chén lớn uống ừng ực đến đã thì thôi. Uống như vậy gọi là “ngưu ẩm.”Có nhiều người cách uống cầu kỳ. Họ không nấu trà bằng nước mưa mà bằng nước giếng khơi ở trên núi hoặc bằng nước suối. Các cụ bảo: “Tuyền dĩ trà vi hữu.” Suối là bạn của trà. Còn nước giếng thì phải trong, ngọt và không có phèn.
Bậc vua chúa uống trà còn cầu kỳ hơn nữa. Mỗi sáng các cung phi ra vườn, hứng những giọt sương đêm đọng trên lá sen rồi đem đước đun sôi trên cái lò than nhỏ. Than phải đốt đến lúc đỏ rực để không còn khói mới bắc ấm nước lên. Nước sôi, châm nước vào cái bình bằng đất nung màu đồng vỏ cua để tráng ấm. Rồi mới châm nước vào trà. Nước đầu tiên cốt để rửa trà cho sạch, gọi là nước Khất Cái. Kế đó châm nước lần thứ hai, đậy nắp bình lại giữ nóng cho ra trà. Nước nầy gọi là nước Hoàng đế. Xong đổ ra chén tống rồi 
chuyển sang chén quân, mới uống.
Loại bình trà tốt có màu như gan gà. Thứ nhứt Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội thứ ba Mạnh Thần.
Uống trà phải uống thong thả để tận hưởng hương vị trà. Nhiều người chỉ uống một mình vào buổi sáng tinh mơ, vừa uống vừa suy nghĩ chuyện đời. Uống như vậy gọi là độc ẩm. Nếu có thêm một tri kỷ ngồi uống với mình gọi là đối ẩm. Trà có nhiều loại không sao biết hết. Loại trà Bạch Mao Hầu, trà Thiết Quan Âm, trà Trảm M. thường thấy ở Việt Nam . Vùng Thái Hồ, huyện Bích La bên Tàu có trà Bích La Xuân nước trà màu xanh biếc, rất thơm có vị đắng nhưng hậu ngọt. Vùng Vân Nam có thứ sơn trà danh tiếng được mệnh danh là Điền Trà, màu vàng sậm. đắt tiền nhất là trà Mạn Đà. Trà nầy chỉ có bậc vua chúa hoặc rất giàu có mới dùng nổi. Ngoài ra còn trà Mạn Nguyệt, trà Hồng Trang Tố Lữ, trà Thập Bát Học Sĩ có mười tám bông màu sắc đều khác nhau. Trà Phong Trấn Tam Hiệp có ba bông. Trà Nhị Kiều có hai bông và còn nhiều nữa.
Người Tàu và người Việt Nam, không ai không biết uống trà. Miếng trà đậm đà câu chuyện. Có lẽ vì vậy, mỗi lần khách đến, chủ nhà vội vàng nấu nước pha trà ngay. Có một ông khách đến thăm ngay lúc nhà bà bạn đang sửa ống nước. Ống nước chính dẫn vào nhà bị khoá. Trong nhà không còn nước để nấu trà. Bà chủ hoảng quá, chạy vội vào phòng tắm vét hết số nước còn lại trong một cái xô” đem nấu trà đãi khách. Khi khách uống, bỗng thấy ở cổ vương vướng một vật gì, cố gắng khạc ra thì là một sợi lông. Ông khách là người thiếu tế nhị, đưa sợi lông ra hỏi: “Sao trong trà lại có lông?” Bà chủ nhà đỏ mặt, ấp úng đáp: “Thưa, đó là trà Ô Long.” Ông khách thầm nghĩ Ô Long là con rồng đen đâu phải sợi lông đen nhưng ông khách im lặng. Lúc ra về ông ghé qua khắp các tiệm trà trong phố, hỏi xem thì không có loại trà nào là Ô Lông cả..
Còn một thứ trà rất rẻ tiền, người nghèo cũng có thể uống được. Hương trà rất thơm ngon, tên là trà Thái Đức. Uống vào thức đái suốt đêm. Rượu chữ nho gọi là tửu. “Nam vô tửu như kỳ vô phong.” Cờ không gặp gió, lá cờ rũ xuống, xem chẳng oai hùng chút nào đàn ông thiếu rượu, giống như lá cờ rũ, kim đồng hồ thường chỉ sáu giờ, trông phát nản. Rượu cất bằng gạo nếp, nấu xong dùng men ủ, vài ngày sau mới đem ra cất. Rượu ngon hay dở còn tuỳ vào bí quyết và kinh nghiệm nấu. Rượu là lộc Trời cho.Bậc vua chúa ngày xưa, đã biết dùng rượu để di dưỡng thiên hạ, dùng vào việc tế Trời, lễ đất, cầu phúc, cầu lợi. Vô tửu bất thành lễ. Các bậc thánh nhân ngày xưa không ai không uống rượu. Lưu Bang Hán Cao Tổ nhân lúc rượu say, cầm gươm chém rắn bạch, khởi nghĩa, lập nên cơ đồ nhà Hán. Phàn Khoái dự tiệc Hồng Môn Phàn, lấy cao cắt thịt, uống rượu, thi đua múa gươm, mưu đồ đại sự Khổng Tử lúc hứng uống cả ngàn chung. Tử Lộ uống như hũ chìm. Lã Bạch càng uống, làm thơ càng hay.
Nhiều người không quen mùi rượu, đọc xong thơ của Lã Bạch cũng lăn quay ra say khước. Một lần Kinh Kha rượu đã ngà ngà, uống thêm một chén rượu tiễn đưa, rút gươm chỉ xuống dòng sông Dịch chửi thề: - Mẹ kiếp! Chuyến nầy không thành công thì ông đíu thèm qua sông nầy nữa.Và lần đó Kinh Kha đã hát bài nhạc Pháp “Aller Sans Retour,” mua tấm vé tàu suốt rong chơi miền tiên cảnh.Người tài hoa phải biết đủ cầm, kỳ, thi, hoạ, nhưng chưa sành sọi về rượu thì chưa trọn vẹn. Người sành rượu không phải chỉ biết vị, biết hương của rượu mà còn phải nhập vào linh hồn của rượu nữa.
Rượu giúp con người thêm can đảm. Nếu không say rượu thì có cho kẹo, Lưu Bang cũng không khi nào dám chơi dại cầm gươm chém rắn. Chỉ nhờ lúc có rượu làm liều mà dựng nên sự nghiệp. Rượu gây thêm hào hứng cho kẻ anh hùng đàn ông có rượu vào, khí thế oai minh, thái độ hùng dũng như cờ gặp gió, như lân gặp pháo.
      Thứ nhứt rượu đã ngà ngà,
      Thứ nhì chàng ở phương xa mới về. 

Chàng ở phương xa mới về thì phải biết đá liên tu bất tận nhưng nói nào ngay đá chẳng được bền. Còn rượu đã ngà ngà thì không thể chê vào đâu được đá mạnh, đá bền bĩ, đá đến lúc các bà ngả nón chào thua mới thôi.
Lờ rằng lờ chẳng sợ ai
Sợ thằng say rượu ấy dai đau lờ.

Đấy, thằng say rượu nó hung hăng đến như thế. Vì vậy các bà có kinh nghiệm sống lại thích có một ông chồng say.Thấy chồng đôi ba ngày không uống rượu thì tìm cách làm thức ăn ngon bày ra trước mắt. Dân nhậu thấy thức ăn ngon thì chém chết cũng đòi rượu mà đòi rượu coi như sụp bẫy các bà.
Đốt than nướng cá cho vàng
Lấy tiền mua rượu cho chàng nhậu chơi.

Dân nhậu có tính thảo ăn. Có thức ăn ngon thì nghĩ ngay đến bạn hiền. Nếu trong lòng tâm sự đa mang, có được người bạn hiền để chén chú, chén anh, nỉ non tâm sự thì còn gì bằng:
Một ly nhâm nhi tình bạn
Hai ly uống cạn lòng sầu
Ba ly mũi chảy tới râu
Bốn ly ngồi đâu gục đó
Năm ly cho chó ăn chè
Sáu ly vợ đè cạo gió.
Giai thoại về rượu rất nhiều, không sao kể xiết. Mỗi quốc gia có vài thứrượu đặc biệt. Rượu Pháp nổi tiếng nhất thế giới như rượu vang Champagne. Ai cũng biết Champange là loại rượu sủi bọt (Sparkling wine) thường dùng trong các cuộc vui như đám cưới, sinh nhật v...v... Napoléon, Hoàng đế nước Pháp đã nói một câu để đời về rượu Champange:
 - Khi thắng trận ta uống Champange để mừng chiến thắng.
 - Khi bại trận ta càng cần phải uống Champange để giải sầu.
Nho để làm rượu Champange phải là loại Chardonnay (chát trắng) và loại Pinot noir (chát đỏ) của vùng Bourgonge mới số dzách. Mở Champagne cũng là một nghệ thuật. Mở thế nào cho rượu nổ một tiếng pop khá lớn mà rượu không vọt ra ngoài do áp suất của khí carbonique trong chai. Lan man về Champange đã hơi nhiều, người viết xin nói tiếp về rượu Pháp. Ngoài Champange còn rượu khai vị như Cointreau, Grand Marnier, rượu mạnh có Martell, Hennessy, Courvoisier, Remy Martin, thứ nào cũng hết xảy nhưng phải loại XO mới tuyệt cú mèo. Đó là rượu Tây.
Người Tàu coi trọng vấn đề ăn uống. Gặp nhau câu hỏi đầu tiên là: - Lứ chía pừng b.i? hay Nị xực phàn m.? hoặc Nị sứ phán mĩ dầu? có nghĩa là Anh ăn cơm chưa? Vì quí trọng miếng ăn nên người Tàu chủ trương miếng ăn, thức uống phải ngon và bổ nên người Tàu nghĩ ra rượu thuốc như: Nhứt dạ lục giao sinh ngũ quỷ. Một đêm lâm trận với sáu bà sinh ra năm thằng quỷ sống, hoặc nhứt long quần ngũ hổ, một con rồng quần với năm chị cọp cái. Ngoài ra còn Mai Quế Lộ, Ngũ Gia Bì. Thứ nào cũng cường dương, cũng số dzách.
Nhật bản có Sa-kê. Nga có Vodka, Việt Nam có Whiskyson. Nói lái hai âm ky-song là công xi Rượu công xi Bạc Liêu thì hết xảy. Rượu đế Phước Long rất nổi tiếng. Chất rượu trong như nước mưa, rót ra, bọt nổi vòng quanh miệng ly, uống vào nóng muốn cháy cổ. Thở ra nếu ngồi gần vách lá có thể làm cháy nhà như chơi. Ngoài ra còn rượu Bình tây, rượu nếp than. 
Tôi có một người bạn là Công tử Bạc Liêu, tự pha chế một loại rượu thuốc và đặt tên là Phu ẩm phụ hoà hài tửu. có nghĩa là rượu chồng uống vợ khen. Nếu có văn thi hữu nào viếng nhà Công tử Bạc-liêu, nếm thử vài chung xem đức phu nhân có khen không cho biết.Rượu ngon, thức nhấm ngon, chỗ ngồi nhậu thoải mái, lại có thêm bạn hiền thì uống ngàn chung cũng còn quá ít.
“Rượu ngon không có bạn hiền, 
Không mua là tại không tiền không mua.”

Như trên đã nói, thời tiết có bốn mùa, con người có tứ khoái. Người ta thắc mắc không hiểu tại sao cái khoái thứ ba thường làm người ta điên đảo thần hồn, khốn khổ đến chết lên chết xuống mà vẫn muốn tìm hưởng cho bằng được lại bị xếp vào hàng thứ ba, sau ăn và ngủ? Thật ra cũng chẳng khó khăn gì để thắt mắc. Ca dao có câu:
Còn ăn, còn ngủ, còn gân,
Hết ăn, hết ngủ, có mần được chi?

Ăn không được, ngủ không được làm gì có xí quách mà hưởng cái khoái thứ ba. Ăn không được thì thác, ngủ không được cũng đi đong. Không hưởng được cái khoái thứ ba tuy có buồn nhưng vẫn sống phây phây, lại không bị đau lưng nhức mỏi. Con người vốn yếu đuối, thường làm nô lệ cho thói quen. Nghiện rượu, nghiện trà muốn bỏ không phải chuyện dễ nhưng theo cụ Tú Xương nghiện rượu, trà gì cũng có thể bỏ được, còn món đàn bà thì vô phương: Hoạ chăng chừa rượu với chừa trà. Thế mới biết món đàn bà khó mà thiếu được.
Trà, rượu là sản phẩm của con người. Đàn bà là tác phẩm của Thượng Đế: Giê-hô-va, Đức Chúa Trời làm cho Adam ngủ mê bèn lấy xương sườn rồi lắp thịt thế vào. Giê-hô-va Đức Chúa Trời dùng xương sườn đã lấy nơi Adam làm nên một người nữ, đưa đến cùng Adam. (Sáng Thế K. 2: 21, 22.)
Từ lúc Adam có thêm bà Eve để đêm đêm đem gà ra chọi chơi cho đỡ buồn thì bao nhiêu chuyện khốn nạn xảy ra cho Adam và cũng từ đó bọn đàn ông thất điên bát đảo luôn cho tới bây giờ. Thế mà cũng không ai tởn.  
Nhìn lại đời xưa, nụ cười của Đắc Kỷ làm sụp đổ nhà Thương, Bao Tự làm tiêu tan nhà Chu , Dương Quí Phi chỉ mỉm cườicũng đủ làm Đường Huyền Tôn són đái đó là chuyện xưa.Còn ngày nay, xếp Edward Kennedy cũng vì nàng Mary Jo mà thân bại danh liệt. Chú nhỏ Gary Hart cũng vì cái “lima” của chị Donna Rice mà tiêu tùng sự nghiệp. Cả đến các bậc tu hành Jim Baker, Oral Robert, Marvin Gorman và Jimmy Swaggart cũng vì “cái sự đời” mà sự nghiệp tiêu ma. Thế mới biết, cổ nhân ngày xưa đã nói: Sắc bất ba đào dị nịch nhân. Nhan sắc đàn bà không có sóng mà đánh chìm được con người. Nhưng cứ đem đàn bà ra tố khổ là điều bất công. Đàn bà cũng trăm thứ đàn bà. Đàn bà của cụ Tú Xương thuộc loại:
 “Đàn bà lặn lội bờ sông. Gánh gạo nuôi chồng, tiếng khóc nỉ non” nên Tú Xương không bỏ được, lại còn được sống trong chế độ ba nuôi: Nhỏ cha mẹ nuôi, lớn vợ nuôi, già con nuôi.
“Nhỏ thì nhờ mẹ nhờ cha,
Lớn lên nhờ vợ về già nhờ con.”

Đàn bà như vậy ngu sao mà bỏ. Cái đau là gặp phải loại đàn bà cột tìm trâu, tối ngày mò tới đàn ông, chằn ăn, trăn quấn:
“Chữ trinh đáng giá ngàn vàng
Từ anh chồng cũ đến chàng là năm
Còn như yêu vụng nhớ thầm

Họp chợ trên bụng có trăm con người.”
Gặp loại đàn bà như vậy mà vẫn không sao bỏ được mới là tai hoạ. Đời sống tị nạn gặp phải cảnh gái thiếu trai thừa, cộng thêm cái hoạ là phong tục xứ người nữ trọng nam khinh. Lộ trình của các ông cứ dần dần đi xuống cực tiểu, trong khi lộ trình của các bà thênh thang như xa lộ không đèn. Nếu may mắn chớp được một bà dù đẹp, dù xấu, dù hư, dù nên chắc cũng phải khư khư giữ lấy và cũng bắt chước cụ Tú Xương mà ngâm nga: Hoạ chăng chừa rượu với chừa trà.
 QUÁCH TỐ VƯƠNG
Theo http://ailaongayxua.weebly.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...