Trong số tất cả các nhạc trưởng
trên thế giới chỉ một mình ông có vinh dự được ghi tên trên tấm bảng lưu niệm bởi
một buổi biểu diễn duy nhất. Nhưng buổi biểu diễn này đã và mãi mãi sẽ trở
thành huyền thoại. Người nhạc trưởng ấy tên là Karl Ilich Eliasberg.
Tấm bảng lưu niệm bằng đá
hoa cương gắn trên tòa nhà Đại lễ đường của Hội khuyến nhạc ở thành phố
Leningrad dưới thời Xôviết, hay St. Peterburg ngày nay, ghi rõ rằng: “Tại đây,
ngày 9 tháng 8 năm 1942, dàn nhạc của Ủy ban phát thanh Leningrad dưới sự chỉ huy
của Karl Eliasberg đã trình diễn bản giao hưởng số 7 của nhạc sĩ Dimitri
Shostakovich”.
Vào thời điểm ấy, quân Đức
đang chuẩn bị cuộc tổng tấn công vào thành phố. Và bản nhạc đầy khí thế hào
hùng trong cái cố đô bất khuất bị phong tỏa, thiếu thốn đủ bề ấy chính là cú
đòn tâm lý cực mạnh giáng vào những kế hoạch của kẻ thù. Không phải ngẫu nhiên
mà sự kiện này được gọi là Ngày chiến thắng trong chiến tranh. Còn bản thân việc
trình diễn bản giao hưởng nổi tiếng đó không chỉ được khắc bằng chữ vàng vào cuốn
sử biên niên của thành phố anh hùng, mà còn đi vào lịch sử của nền âm nhạc thế
giới như một bằng chứng về tinh thần dũng cảm vô song của những người làm nghệ
thuật trong tình thế hiểm nghèo ngàn cân treo sợi tóc.
Nghệ sĩ công huân của Liên
bang Nga Karl Eliasberg (1907-1978) quê ở Minsk (thuộc Belarus), nhưng với tư
cách là một nhạc sĩ, ông sinh trưởng ở Leningrad. Tại đây, ông tốt nghiệp lớp
vĩ cầm của Nhạc viện và tự học môn nghệ thuật chỉ huy dàn nhạc. Thoạt tiên, ông
làm việc tại nhà hát ca kịch Leningrad, từ năm 1932 đến năm 1950 tại dàn nhạc đại
giao hưởng của đài phát thanh Leningrad. Cùng với dàn nhạc này, ông đã đi vào
thiên sử thi của thành phố kỳ quan bên bờ sông Neva.
Sau đây là cuộc trao đổi giữa
nhà báo Nga Oleg Serdobolski với nhạc trưởng Eliasberg chung quanh buổi hòa nhạc
huyền thoại này.
– Thưa Karl Ilich, nhạc sư
có những cảm nghĩ như thế nào trong buổi biểu diễn tại thành phố bị phong tỏa?
– Tất nhiên là tôi hiểu rằng
đây không hoàn toàn là một buổi biểu diễn thông thường. Bản thân cái tên
Shostakovich và bản giao hưởng số 7 đã nói lên nhiều điều. Chúng tôi nhận thức
được rằng, đây là một sự kiện, nhưng có lẽ chỉ là một sự kiện âm nhạc mà thôi.
Tôi không ngờ rằng nó lại có một ý nghĩa lớn lao như vậy.
– Xin nhạc sư cho biết cảm
tưởng đầu tiên của mình khi làm quen với tổng phổ.
– Tôi bị sửng sốt. Bởi lẽ bản
giao hưởng được viết cho hai nhóm kép của nhạc kèn; không phải bốn kèn cor như
trong dàn nhạc thông thường, mà là tám, không phải ba trompet mà là sáu, thêm một
nhóm tăng cường của kèn gỗ và bộ gõ. Tập trung được một đội ngũ như thế trong
những điều kiện lúc bấy giờ không phải là chuyện giản đơn. Trong thời gian bị
phong tỏa, 27 người trong dàn nhạc đã qua đời. Tôi đành đến xin nhờ sự chi viện
của Thành ủy và Cục chính trị của phương diện quân Leningrad. Người tiếp riêng
tôi về vấn đề này là Bí thư Thành ủy Aleksei Aleksandrovich Kuznesov, đồng thời
cũng là ủy viên Hội động quân sự của phương diện quân. Các đồng nghiệp đã gợi ý
cho tôi danh tính của những nhạc công cần thiết, nhưng vấn đề liên hệ rất khó
khăn bởi lẽ bộ đội không có địa chỉ cố định mà chỉ có số hòm thư dã chiến.
Kuznesov bèn nhờ trung tướng Kholostov, Cục trưởng Cục Chính trị của phương diện
quân. Với sự giúp đỡ của ông, tôi đã xác định được nơi ở của một số người cần
tìm. Các nhạc công của dàn nhạc, như những tài xế taxi, cái gì cũng biết. Và
khi những người đầu tiên có mặt, họ lập tức thông báo cho tôi rõ: Ở đơn vị ấy
có người thổi kèn trompet rất giỏi, còn ở đơn vị nọ có anh chàng thổi trombon
thật điệu nghệ. Chúng tôi xin được phép điều động những quân nhân đó đến phục vụ
tại dàn nhạc trong thời gian trình diễn giao hưởng. Thật ra, sau đó họ đã ở lại
luôn chỗ chúng tôi.
– Trước đó họ có quan hệ như
thế nào đối với dàn nhạc của nhạc sư?
– Nhiều người có quan hệ lắm
chứ. Họ bị động viên hoặc tình nguyện ra mặt trận trong những ngày đầu chiến
tranh. Nhưng có nhiều người tôi mới gặp lần đầu. Tôi cố chạy vạy xin thêm một số
người dự phòng bởi lẽ trong thành phố bị bao vây có thể xảy ra bất cứ chuyện
gì.
– Và sự phòng xa có giúp ích
gì cho nhạc sư không?
– May mà không ai bị loại khỏi
đội ngũ. Mọi người đều hăng hái tập dượt, đều tham gia biểu diễn, đều giúp đỡ lẫn
nhau.
– Ở đây có một chi tiết:
Trong tờ chương trình không thấy đề ngày tháng. Tại sao vậy?
– Đó là do đầu óc thực tiễn
của giám đốc Hội khuyến nhạc hồi đó là Boris Hais. Mọi người đều biết rằng bản
giao hưởng sẽ không chỉ được trình diễn một lần, và để khỏi phải in lại tờ
chương trình mới cho mỗi buổi biểu diễn nên ông đã đặt in luôn những tờ chương
trình không ghi ngày tháng, cho cả bốn lần biểu diễn.
– Thế mà người ta đồn rằng
ngày tháng được giữ bí mật để bọn Đức không biết trước.
– Bọn Đức biết tất cả mọi thứ.
Chúng đã nghe buổi tiếp âm của chúng tôi vốn chỉ được mở ra trong thời gian
pháo kích hoặc báo động phòng không. Chúng biết rõ có thêm một cửa hàng bán
bánh mì mới được khai trương và từ ngày ấy, ngày nọ, khai thông thêm đoàn tàu
điện số 8 hoặc số 5. Trên những tấm bản đồ thu lượm được của chúng, những địa
điểm tập trung đông người được đánh dấu bằng những vòng tròn xanh đỏ – đó là những
cửa hàng bánh mì, các rạp chiếu bóng, các ga tàu điện. Chúng cố pháo kích vào
những vòng tròn ấy. Như thế là chúng biết rõ tất cả mọi thứ.
– Kể cả việc bản giao hưởng
được trình diễn?
– Tôi không dám chắc, rằng ở
một chừng mực nào đó đài phát thanh Leningrad đã thông báo cho dân chúng biết về
chuyện này. Song tôi nghĩ bọn Đức đã biết.
– Còn chính cái ngày biểu diễn
có gì đáng ghi nhớ đối với nhạc sư không?
– Chúng tôi đều dậy sớm như
mọi khi. Kỷ luật rất mẫu mực. Chúng tôi trù tính tất cả gồm bảy hoặc tám buổi tập,
nhưng đến buổi thứ năm thì mọi chuyện đã ổn. Một bầu không khí tưng bừng của
ngày hội và tất cả chúng tôi rất xúc động. Buổi biểu diễn được bắt đầu không phải
vào thời điểm thông thường, mà, nếu như tôi không nhầm, thì vào 5 hoặc 6 giờ
chiều. Trong thính phòng có mặt tư lệnh phương diện quân Leningrad là tướng
Aleksandrovich Govorov. Sau buổi biểu diễn, khi bước vào phòng khách danh dự,
tôi nhìn thấy ở đó toàn bộ các cán bộ chủ chốt của Thành ủy và Tỉnh ủy. Mọi người
chúc mừng chúng tôi. Khi ra về, Govorov nắm tay tôi và nói một câu lạ lẫm:
“Chúng tôi hôm nay cũng làm ăn đến nơi đến chốn vì các bạn đấy.” Tôi không hiểu
gì cả. Nhưng không được phép hỏi lại tư lệnh. Và chỉ 20 năm sau, tôi mới giải
mã được câu nói đó.
– Bằng cách nào vậy?
– Viện bảo tàng học đường
“Các nàng thơ không im lặng” đã tổ chức một buổi giao lưu giữa các nhạc công của
dàn nhạc với các chiến sĩ pháo binh, những người trước buổi công diễn, bằng một
đợt pháo kích dữ dội đã trực tiếp chế áp tất cả các hỏa điểm của địch. Họ đến
đây, những con người đã luống tuổi, nghễnh ngãng như tất cả các pháo thủ. Điều
đó thật cảm động đến nỗi tất cả mọi người đều khóc- cả các pháo thủ lẫn chúng
tôi. Và họ đã kể lại việc họ tóm được “cái lưỡi” như thế nào, đã chuẩn bị cho
cuộc pháo kích ra sao. Họ đã kể về những tính toán pháo binh cần thiết cho trận
đánh. Đó là chiến dịch mang tên “Bão lửa”. Tất cả mọi chuyện đã được thực hiện
hết sức hoàn hảo. Không một quả đạn pháo nào của địch nổ ở nội đô trong suốt thời
gian trình diễn bản giao hưởng.
– Đấy, thưa Karl Ilich, nhạc
sư coi sự kiện này như một sự kiện âm nhạc, còn những người ngay từ hồi ấy đã
hiểu rằng đây là một sự kiện có tầm quan trọng rất lớn.
– Lẽ tất nhiên, trong Thành ủy
người ta đã biết rằng đây là một sự kiện có ý nghĩa chính trị to lớn. Nhưng
chúng tôi, những công nhân đứng bên cỗ máy của mình, bên bàn thợ của mình, ngày
nào cũng làm công việc quen thuộc. Chúng tôi đến tập, uốn nắn những sai sót
trong bản nhạc, đã chạy những bè riêng lẻ, đã suy nghĩ và tranh luận về những đặc
điểm… Và điều này là lẽ tự nhiên. Bởi lẽ không thể không nghĩ đến công việc cụ
thể trong giờ phút ấy. Nếu không thế thì mọi việc sẽ hỏng hết. Vào thời kỳ đó tất
cả mọi cái đều có ý nghĩa: Liệu hôm nay có tắm rửa được không, loại bánh mì nào
sẽ được cấp tem phiếu – loại bánh mì ngon hay loại kém chất lượng, liệu có xoay
được một ít thuốc lá sợi không, hôm nay cuộc pháo kích sẽ dữ dội hay không đáng
kể. Nhưng dứt khoát sẽ có pháo kích – điều này chả ai nghi ngờ. Vào ngày bản
giao hưởng được trình diễn theo dự kiến, cuộc pháo kích của địch đã kéo dài suốt
ngày. Không thể nào chuyển các nhạc cụ đến được. Bởi vậy cuộc hòa nhạc này đành
tạm hoãn. Trở lại với ngày hôm ấy, tôi nghĩ bụng: Sở dĩ chúng ta chịu đựng được
cuộc phong tỏa bởi vì mỗi người đều làm tốt công việc của mình. Mà công việc
thì ngập đầu, ngập cổ. Nhưng âm nhạc và công việc đã cứu chúng ta. Dàn nhạc đại
giao hưởng của Ủy ban phát thanh trong suốt thời kỳ phong tỏa đã biểu diễn ở
Leningrad. Tất cả các đoàn nghệ thuật khác, trừ nhà hát hài kịch, theo quyết định
của chính phủ đã sơ tán đến miền Đông. Trong thời gian đó gần 240 buổi hòa nhạc
đã được thực hiện. Ngoài ra, bằng lực lượng của các nghệ nhân ở lại trong thành
phố, nhà hát ca vũ kịch đã được khai trương, và ở đó, với phần nhạc đệm của dàn
nhạc do Eliasberg chỉ huy, hơn 50 vở diễn đã được trình bày dưới ánh đèn sân khấu.
– Thưa Karl Ilich, những người
thuộc thế hệ hậu chiến khó hình dung được rằng nhạc sư đã vượt qua những thử
thách đó như thế nào?
– Như ông thấy đấy, ngoài tất
cả những điều kể trên còn có cả lòng tự hào nữa. Chúng tôi tự hào rằng mình đã
làm việc trong những điều kiện như vậy, rằng cái tên Leningrad vang vọng khắp
thế giới. Quả thật chúng tôi đã làm việc quên mình, một cách tận tụy, ăn thì bữa
no bữa đói. Với khối lượng công việc như vậy thật rất thương các nhạc công thổi
kèn. Tôi đứng sau giá nhạc không ít hơn sáu, bảy tiếng đồng hồ mỗi ngày. Thoạt
tiên là buổi tập kéo dài ba giờ liền, còn sau đó là vở diễn “Con đầm pich” hoặc
“Evgeni Onegin” gồm bảy cảnh – ông có hình dung điều đó là thế nào không? Chúng
tôi đã từng cãi cọ, than phiền, kêu ca nhưng rất tự hào về những gì mà mình đã
làm được. Thật ra hồi đó tôi mới 34 -35 tuổi. Bây giờ thì không thể làm nổi. Vả
lại, làm sao mà biết được…
– Trong tòa nhà của Hội khuyến
nhạc, mãi tận trên tầng sáu nơi có trần bằng kính. Các bạn đồng nghiệp nói đùa
rằng Eliasberg đã tìm cho mình được một hỏa điểm kiên cố lợp kính. Nhưng tôi rất
thích, ở đó có đèn điện, có lò sưởi bằng hơi nước.
– Thế nếu có sóng do hơi nổ
thì sao?
– Lúc ấy sẽ còn trơ lại một
khoảng đất trống ẩm ướt. Chỉ có tuần lễ đầu tiên là chúng tôi chui xuống hầm
trú ẩn, còn sau đó thì hiểu rằng chuyện đó là vô nghĩa, và không chú ý nhiều đến
bom đạn nữa. Có lần tôi đi xe đạp qua khách sạn Châu Âu, trong lúc đang có pháo
kích. Một anh bộ đội chạy lại quát: “Nếu mày không nằm ngay xuống thì tao cho một
quả đấm vào mõm bây giờ”. Tôi dựng chiếc xe đạp vào tường và nằm xuống. Không
thể giận được. Tất nhiên là anh ta ăn nói thô bạo đấy, nhưng rất chân tình. Còn
trong Ủy ban phát thanh tôi là phó ban phụ trách hầm trú ẩn. Sáng nào cũng phải
kiểm tra hệ thống thông gió, chiếu sáng, xem nhà vệ sinh có hoạt động không,
xem có nôi cho trẻ em và sách báo cho người lớn không để có cái mà đọc chứ
không phải ngồi run như cầy sấy. Xem có nước sạch không. Và tất cả những khoản
đó cần phải để mắt đến.
– Nhạc sư còn giữ được những
vật kỷ niệm của thời đó không?
– Tôi đã phân phát hết cả rồi.
Bức điện của Shotakovich gửi nhân dịp trình diễn bản giao hưởng, tôi đã trao
cho Viện bảo tàng lịch sử Leningrad. Chiếc áo đuôi tôm mà tôi mặc trong buổi biểu
diễn thì tặng phòng lưu niệm “Các nàng thơ không im lặng” của trường trung học
235. Tôi cũng gửi ở nơi đó bản tổng phổ giao hưởng số 7 và tấm huân chương Sao
đỏ mà phương diện quân Leningrad đã trao tặng tôi vì những việc làm trong thời
kỳ phong tỏa. Thật lòng mà nói, tôi đã nhận được phần thưởng đó bằng xương máu
của mình.
– Thưa nhạc sư, nhạc sư có
những chứng cứ cho thấy rằng âm nhạc của nhạc sư đã tác động tới quân Đức như
thế nào không?
– Tôi có một cuộc gặp gỡ rất
đáng nhớ. Tại khách sạn Astoria. Ban chấp hành Xôviết Leningrad đã tổ chức một
cuộc chiêu đãi nhân “đoàn tàu hữu nghị” từ hai nước Đức vừa đến. Tôi cũng được
mời tham dự. Người điều hành bữa tiệc nói: “Có mấy vị khách muốn làm quen với
ông” và dẫn tôi đến một cái bàn nhỏ có hai phụ nữ và hai người đàn ông trung
niên bận quân phục. Trong lúc giới thiệu tôi, họ đứng dậy và dập gót giày. Một
trong số đó rút trong túi ra một cuốn sổ và bắt đầu đọc những chương trình biểu
diễn của tôi. “Chúng tôi từng ngồi trên đồi Quạ ở Dudergf”. Và tôi lập tức hiểu
rằng chính họ hồi đó đã pháo kích thành phố từ đồi Quạ. Người Đức này thú nhận
rằng âm nhạc là nguồn ánh sáng duy nhất giữa chốn địa ngục kinh hoàng mà họ đã
chịu đựng ở đấy. “Trong những điều kiện như vậy các ngài làm thế nào mà có thể
tổ chức được dàn nhạc?”- Ông ta hỏi. Và câu chuyện đó đã xảy ra chính ở cái
khách sạn Astoria, nơi trong thời gian phong tỏa đã từng là một trong những bệnh
xá điều trị chứng loạn dinh dưỡng và là nơi hai vợ chồng chúng tôi đã từng sống
ngắc ngoải…
(Theo “Ekho planety”)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét