Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Chữ tài liền với…

Chữ tài liền với…
Peggy Lee xinh đẹp và… quái đản
Peggy Lee là ca sĩ và nhạc sĩ quan trọng bậc nhất thời đại mình. Mười hai năm sau khi qua đời ở tuổi 81 (21.2.2002), ảnh hưởng của bà vẫn còn.
Năm 1957, ca sĩ Peggy Lee thu âm tình khúc Uyên ương trên đồi (The Folks Who Live on the Hill) của Jerome Kern và Oscar Hammerstein II. Nhiều ca sĩ đã trình bày bài hát này, nhưng lời nhạc thơ mộng qua giọng ca sâu lắng của Lee mới thực sự hút hồn khán giả.
Someday we’ll build a home on a hilltop high
You and I, shiny and new
A cottage that two can fill
And we’ll be pleased to be called
“The folks who live on the hill”
(Mai mốt tìm ngọn đồi cao
Mình xây tổ ấm ngọt ngào tinh khôi
Lều tranh đầy bóng hai người
Uyên ương hạnh phúc trên đồi mơ hoa)

Đời thực, niềm hạnh phúc tuyệt đẹp ấy lảng tránh Peggy. “Peggy có bốn đời chồng và nhiều mối tình dọc đường”, James Gavin, tác giả cuốn tiểu sử Cuộc đời lạ thường của Peggy Lee(The Strange Life of Peggy Lee) cho biết. Peggy cô đơn. Uyên ương trên đồi chỉ là ảo tưởng. Peggy có một ngôi nhà trên đồi, nhưng sống một mình.
Đầu thập kỷ 1940, Lee phát triển phong cách tối giản khi hát với ban nhạc đình đám của nhạc sĩ Benny Goodman, quyến rũ khán thính giả bằng sự trình diễn đầy hào hứng, lôi cuốn qua những ca khúc thành công như Why Don’t You Do Right?, Maëana(Is Soon Enough for Me), I’m a Woman và Is that all there is?
Nữ ca sĩ bắt đầu sáng tác nhạc trong thập kỷ 1940 với người chồng đầu tiên là tay guitar Dave Barbour, gồm I Do not Know Enough about You và It’s a Good Day. Lee đồng sáng tác và đóng bốn vai trong bộ phim nổi tiếng Tiểu thư và chàng lang thang(Lady and the Tramp) năm 1955 của hãng Walt Disney. Ba thập kỷ sau, bà thắng Disney trong vụ kiện tiền bản quyền doanh số bán video gia đình phim này. Ít đóng phim, nhưng Lee được đề cử Oscar cho diễn xuất tuyệt vời trong bộ phim Pete Kelly’s Blues năm 1955, thủ vai một ca sĩ nghiện ngập kết thúc sự nghiệp ở bệnh viện tâm thần.
Tên thật là Norma Deloris Egstrom, sinh ngày 26.5.1920 ở Jamestown (bang Bắc Dakota, Mỹ), Lee là con thứ bảy trong một gia đình bán rượu ở tuyến đường sắt Midland Continental có tám người con. Lên bốn, mẹ qua đời. “Hằn sâu tâm khảm Peggy, mẹ là thiên thần hoàn hảo, yêu thương và bao la”. Mẹ chết, cha tái hôn với mụ già độc ác người Đức tên Min. “Đương nhiên, bọn trẻ ghét dì ghẻ”. Về sau, Peggy kể nhiều câu chuyện về sự ngược đãi thô bạo của Min. Nhà văn Gavin cho rằng cô bé Lee đã phải sống trong một thế giới mơ mộng tự tạo ra để đối phó với đau khổ. Cố quên thực tế và bước vào thế giới tưởng tượng riêng mình. Quá khó để nhổ bật gốc bất hạnh. Nửa đầu đời, Peggy triền miên say khướt. Nửa sau, bà nghiện valium và nhiều loại thuốc giảm đau, an thần.
Nhạc sĩ Stoller gặp Lee lần đầu vào năm 1962, nhớ về nữ danh ca. “Mối quan hệ của chúng tôi tan vỡ vài lần. Peggy thường giận cá chém thớt. Bà không giận thì chẳng có chuyện gì. Khi làm album Mirrors, bà cấm nhạc sĩ Jerry vào phòng thu chỉ vì ghét ông. Sau đó, bà chĩa mũi dùi vào tôi”. Nhưng Lee có năng khiếu hoàn hảo, đặc biệt bộc lộ khi ghi âm album Is that all there is? phát hành năm 1969, đoạt giải Grammy. Hãng thu âm Capitol lo bài hát có một số chuỗi thoại sẽ tạp nham. Nhưng Peggy tuyệt đối tin tưởng ca khúc này sẽ thành công.
Gavin nhận định: Mặc dù quái đản, Peggy chiến thắng ở rất nhiều phương diện. Khán thính giả tha thứ hầu hết lỗi lầm của Peggy Lee vì tài năng, hình ảnh quyến rũ và cuộc đời bất hạnh của nữ danh ca đã in sâu trong tim họ.
Tri Sơ tổng hợp
Theo https://nghiemluongthanh.wordpress.com/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  GS Mai Quốc Liên - Người đất Quảng cương trực Tôi gặp GS-TS Mai Quốc Liên tại nhiều sự kiện của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội đồng Lý luận...