Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Ví dặm không chỉ đơn thuần là một làn điệu dân ca

Ví dặm không chỉ đơn thuần 
là một làn điệu dân ca 
Tác giả bài viết hát dân ca Nghệ Tĩnh
Những loại hình âm nhạc dân gian, theo thường lệ phải có người viết sẵn lời, còn diễn viên chỉ việc thuộc lời là diễn, có chăng chỉ là sự sáng tạo trong khâu diễn xuất mà thôi. Riêng Ví Dặm thì khác. Diễn viên không những phải hát hay những làn điệu, mà còn phải tự sáng tác lời. Hơn thế nữa, lời hát lại còn phải sáng tác nhanh để có thể đối đáp tại chỗ. Điều đó đòi hỏi diễn viên phải thật sự hiểu biết trên nhiều lĩnh vực, như phải có năng khiếu về văn chương, phải tài ứng khẩu, phải uyên thâm về chữ nghĩa, sử học, triết học, phải tận tường về đạo lý cuộc sống, vv…
Sự khác biệt này của Ví Dặm, khiến nhiều người nghi ngờ, cho rằng nguồn gốc môn hát này là do các Đồ Nghệ dựng nên. Nhưng khi đi sâu tìm hiểu, các chứng cứ thu thập về của các nhà nghiên cứu cho thấy sự giỏi giang của các ca nương phường ví căn bản là do năng lực của chính họ. Ví dụ như o Nhẫn ở phường vải Đan Du (Kỳ Anh), xuất thân vốn chỉ là con ở của nhà địa chủ. Văn chương cô có được chỉ là sự học lóm trong khi bưng trà nước phục vụ thầy đồ dạy học cho con chủ nhà, mà rồi trở thành người thông hiểu khá nhiều điển tích trong Tứ thư, Ngũ kinh, Đường Thi, Nam Bắc chính sử…Cho đến một ngày, cơ duyên đẩy đưa cuộc đời o Nhẫn vào vai kép nữ chính của phường vải Đan Du với lời tuyên bố đầy thách thức:
“Trừ trời cao năm tấc cho én nhạn lượn bay
Tản văn hữu võ, ai đến đây ta cũng không trừ!”.
Sự thách thức này đã gây nên làn sóng hiếu kỳ trong giới văn nho thi sĩ, khiến họ phải cơm đùm cơm nắm “đường xa chẳng quản” từ Thanh Chương, Nam Đàn, Nghi Xuân, Can Lộc… vào tận Đan Du để “cân sức cân tài”, để được hát đối đáp cùng nàng. Câu chuyện o Nhẫn, và những o phường ví khác đã đã khẳng định điều ngược lại: Chính phường ví mới là lò luyện tài năng văn chương của các Đồ Nghệ. Nhờ có phường ví mà văn nhân nho sĩ xứ Nghệ có nơi trổ tài, để tạo nên danh hiệu Đồ Nghệ nổi tiếng trong lịch sử thi đàn Việt Nam.
Trong Ví Dặm, nghệ sĩ vừa hát vừa lao động sản xuất.         
“Tấn Tần rắp ranh
Vì chưng kéo vải mới sinh ra phường
Nguyệt dạ canh trường
Dăm ba  o ngồi lại
Trước là nghề bông  vải
Sau đàn hát vui cười
Cuộc thanh lịch vui chơi…”
Chỉ mấy câu thôi, cũng hình dung ra được ví phường vải được hình thành như thế nào. Ấy vậy mà ở Nghệ – Tĩnh đâu chỉ có mỗi phường vải là có hát ví, mà phường cấy,phường nón, phường củi, phường chè, vv… đều có làn điệu ví riêng của mình. Mỗi phường có thủ tục nhập cuộc riêng tùy vào loại hình lao động sản xuất. Nếu như phường muối:
Sớm mai quảy gánh đi ra
Chờ nhau Đồng Gác¹  phường ta đủ đầy
Thì phường chè lại:
Dừng chân ở trại Cổ Cò ²
Gặp bầy gặp bạn hát hò vài câu
Lấy câu tình nghĩa làm đầu
Cho dù nắng dãi mưa dầu cũng cam
            Còn phường củi  thì:
Lên non truông ngái đàng xa
Em chờ anh với để mà đi chung
Đường vô trong rú trong rừng
Mình em đơn lẻ hãi hùng lắm thay
Không chỉ vừa hát vừa lao động, nghệ sĩ hát ví đồng thời còn là người sáng tác lời ca:
Đồn đây có gái hát tài
Để ta đối địch một vài trống canh
Dẫu thua, dẫu được cũng đành
Bõ công đèn sách học hành bấy lâu
Chá chà! đi hát mà để cho “bõ công đèn sách”, nghe rồi cứ ngỡ như đi thi hương vậy! Đó là lời dạo cảnh đánh tiếng của kép nam khi đi ngang qua phường vải, động lòng nghe câu ví xa đưa, những muốn nhập cuộc vui. Nhưng chàng trai chưa chắc đã vào được bên trong để mà coi người đẹp vừa hát vừa quay tơ dệt vải,  vì thủ tục chào hỏi khá gay cấn đúng như là một cuộc thi sát hạch trình độ và tư cách chàng trai. Từ lúc chàng mở lời xin qua ngõ, các cô gái sẽ cử người nói lời chào, lời hỏi thăm tên tuổi, địa chỉ, quê quán và thách đối để kiểm tra tài năng của chàng khách đến đâu.  Cái khó là người đẹp phường ví ý nhị mở lời bằng thơ, lại là thơ của chính nàng sáng tác:
Hỏi chàng khách lạ đàng xa
Đến đây cân sắc hay là kết duyên?
Nên chàng trai cũng phải tỏ ý mình là người lịch lãm có học:
– Sa chân bước xuống cõi tiên
Trước thời cân sắc, sau kết duyên Châu Trần.
Ví Dặm là một cuộc chơi chữ  trí tuệ
Người ta gọi hát ví phường vải là một “cuộc hát”, bởi vì hát ví phường vải có tới ba lớp, chín hồi, từ hát dạo, hát chào, mời, đố, đối, nghịch, xe kết, cho tới hát hẹn, hát tiễn, nội dung kết cấu thứ tự chặt chẽ. Trong đó lớp hai có phần hát đố, hát đối là lớp đấu trí gay cấn của các kép hát.  Thời gian kéo dài  bao lâu, một buổi, một tuần, hay một tháng, không hạn định trước được, mà phải phụ thuộc vào kết quả đấu trí của hai bên nam thanh nữ tú, chỉ khi nào ngã ngũ, “đối ra đáp được nên lời” thì cuộc hát của phường vải mới kết thúc được.
Cái cổng “đơn sơ nhà nàng” gần như  không khép bao giờ, vậy mà nhiều lúc khó hơn qua quan ải, nhận phải câu đối khó, các kép nam thậm chí không thể đáp lời phường vải ngay được, phải về nhà vắt óc những mấy ngày, đôi khi đến cả tháng trời để sáng tác lời,  mới hòng hát sao cho vừa lòng đẹp ý phường vải. Sự thông minh của các cô đào phường vải tạo cho khách văn chương một cảm giác tò mò, vừa khó khăn, lại vừa cuốn hút say mê, như một sự khích lệ bùng phát tài năng. Nếu nói phường vải là lò luyện văn chương, hay trại sáng tác thơ ca của các Đồ Nghệ cũng không ngoa tí nào. Đó vừa là đặc thù, vừa rất đặc biệt của Ví Dặm, mà không một loại hình nghệ thuật dân gian nào khác có được.
Khởi đầu để cho khách lạ dễ dàng nhập cuộc, các cô gái chỉ đưa ra những câu hát với ý nghĩa đơn thuần là chào, hỏi thăm thân thế:
Mừng chàng quần áo mọi màu
Quần hồ lơ trứng sáo, áo trắng phau cánh cò.
Nhưng các chàng trai chớ vội chủ quan. Ẩn trong câu chào mừng tưởng chừng như bình thường ấy là trò chơi chữ, chơi tiếng: “hồ ” và “trứng sáo” là một màu, “trắng phau” và “cánh cò” cũng là một màu.  Và để xem chàng trai đối lại thế nào:
– Mừng nàng má phấn môi son
Áo màu huyền cánh quạ, tóc xanh non đuôi gà.
Đối được thế là cũng giỏi rồi, cũng coi như có thể nhập cuộc hát ví rồi. Nhưng để đánh giá người khách đến chơi là bậc tài trí cỡ nào trong thiên hạ, các diễn viên phường ví sẽ nâng dần độ khó của vế đố:
Ra về thiếp dặn thiệt nha
Mai răng cũng lại đàng nhà thiếp chơi.
Đến đây thì các cô không chỉ chơi chữ, mà còn là chữ Hán Nôm cơ đấy, “thiệt” là lưỡi, “nha” là răng, như vậy cả hai câu của các cô đều nói đến răng với lưỡi. Ái chà, nữ nhi mà văn chương cỡ đấy thì trai nam nhi tính sao đây:
Chưa khi hương vị ngát nồng
Bóng dần trước dậu, sao đông láy đoài.
Với tài chữ nghĩa như thế, diễn viên phường ví có thể gộp cả “cầm kỳ thi tửu”, “tuyết nguyệt phong hoa”, “xuân hạ thu đông” chỉ trong hai câu lục bát, khiến người chơi tìm được lời mà đối cho đặng cũng toát mồ hôi hột chứ chả chơi:
Thơ đông tuyết, cờ thu phong
Đờn vui hạ nguyệt, rượu nồng xuân hoa.
Ví Dặm đòi hỏi người chơi phải tinh tường sử sách, phải có kinh nghiệm cuộc sống, đạo đức tư cách:
– Thuyền quyên muốn hỏi anh hùng
Ông chi thuở trước vun trồng cây Lê?
Hay:
Đố chàng quán cổ thông kim
Tình hình thế giới nổi chìm dường bao?
Nghe anh kinh sử đã làu
Chị dâu rớt xuống giếng anh nắm đằng nào kéo lên?…
Là yêu thương sâu đằm, là “nỗi buồn tận đáy”!
Trong cuộc trò chuyện giữa nhà báo Phan Thắng và nhạc sĩ An Thuyên.  Nhạc sĩ An Thuyên cho rằng “làn điệu của dân ca Ví Dặm được xây dựng trên cái trục 3 nốt nhạc Mi – La – Đô”, đặc trưng của Ví Dặm là “buồn tận đáy”. Ông cho rằng các làn điệu khác cũng có buồn, nhưng không “tận đáy” được bằng Ví Dặm. Ông nói: “Tôi đã đi nhiều nơi, dù ở phương trời nào, không một người Việt Nam nào khi nghe những bài hát hay có chất liệu Nghệ Tĩnh mà họ không rung động khác thường. Họ yêu thích đến cuồng nhiệt, đến kỳ lạ, cứ như là bài hát ấy của riêng mình dù rằng họ không phải người sinh ra từ xứ Nghệ. Tại sao vậy? Tôi cho rằng vì nỗi buồn Nghệ Tĩnh đã chạm vào được nỗi buồn chung của nhiều người Việt Nam”
Bởi vì lời đối đáp trong Ví Dặm là sự chắt lọc của trí tuệ, được trải qua cao trào đấu trí tinh tuệ, rồi đằm sâu trong sự cảm phục tài trí của nhau, cho nên cái kết của một cuộc hát ví thường có nhân hậu để đời. Khi cuộc hát tàn canh thì đồng thời cũng ươm mầm nên những mối tình keo sơn bền chặt. Ví dụ  như o Cúc ở phường vải Trường Lưu nặng tình với Nguyễn Du, o Diên phường vải Ngọc Đình nhan sắc thuở nào, đã trọn đời thủy chung với chí sĩ Phan Bội Châu. “Trai khôn tìm vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân” há chẳng phải là đây sao? Liệu có sự ứng xử thanh lịch nào tuyệt vời hơn khi nam thanh nữ tú dùng âm nhạc để ngỏ lời tình yêu? Lời của Ví Dặm không phải do một vài tác giả ngồi gom góp kinh nghiệm của mình để soạn ra phục vụ người đời,  mà lời và nhạc của Ví Dặm  được soạn ra từ trái tim người hát, là lời “tận đáy” của tình yêu. Tình trong Ví Dặm là tình mặn nồng keo sơn của kép hát chính, cho nên có nghe là có sâu đằm da diết dấy lên trong lòng.
Ai về về với ai ơi
Ai ngược ngược với, ai xuôi xuôi cùng.
Anh về mai đã lên chưa
Để em bưng bát cơm trưa em chờ?
– Cơm trưa em cứ ăn đi
Còn lưng cơm túi (tối), em thì đợi anh.
Ví Giặm quyến rũ mê say
Không động lòng say mê sao được khi mỗi lời hát cất lên, thâm ý chỉ bộc lộ nửa chừng,  nửa thâm tình còn lại bị người hát ý tứ dấu vào đâu đó, lẩn khuất trong không gian, trong cỏ hoa, sông núi, trăng sao, đất trời… Đúng là cái kiểu “người khôn ăn nói nửa vời” như thế chỉ có gái ngoan và bậc chính nhân quân tử mới thốt lên được, xô đẩy cuộc hát vào một kết cục người về, người ở đều lưng chừng cảm xúc cái kiểu  “nửa trong như đã, mặt ngoài còn e”. Nên mới than thở mà rằng:
Nửa về nửa muốn ở đây
Nửa thiên địa vận, biết xuây đường nào?
Phường vải thì cũng dường như nửa muốn đoan chính, tiễn đưa khách ra về kẻo trời đã khuya, nửa lại muốn níu giữ bạn hát ở lại dốc hết tâm tình cho trọn canh thâu. Với những lời hát non biển như thế này, nếu bạn là người trong cuộc liệu có vô tư ra về nổi hay không:
Anh về em chỉ ngong theo,
Ngong truông truông rậm, ngong đèo đèo cao
Chàng về ngoảnh mặt lại đây,
Em ngong một  chút đỡ khuây cơn buồn.
Rốt cuộc thì bậc chính khách quả là đã không thể dấu nổi lòng mình:
– Lời sao cặn kẽ chí tình
Nàng ơi ở lại cho anh lên tàu
Mình đang trò chuyện cùng nhau
Trách con gà kia vội gáy, giục mau ba tuần.
Làn điệu da diết, lời hát sâu sắc, đấu trí tài tình, yêu thương chân tình, kết cục có hậu, đó là lý do vì sao Ví Dặm có sức cuốn hút cả những bậc tri thức tài cao học rộng như Nguyễn Du, Nguyễn Huy Quýnh, Phan  Bội Châu… cùng tích cực tham gia làm kép hát.  Để rồi khi người trai trẻ vì xã tắc giang sơn mà ra đi không về, phường vải ở lại vẫn tha thiết đợi chờ, thủy chung trọn đời. Nước chảy cho đá trôi nghiêng / Chàng lo chung thiên hạ, thiếp sầu riêng một mình³. Và vì như thế, vì mỗi khi mà tình yêu của kép hát phường ví trở thành chuyện tình lịch sử, Ví Dặm theo đó mà thành danh tiếng, là cuộc chơi nghệ thuật tiếng tăm bất hủ muôn đời…
(¹) Đồng Gác: Thuộc xã Diễn Kỷ ngày nay
(²) Cổ Cò: Nằm trên đoạn đường số 7 từ Diễn Châu lên Đô Lương
(³) Đó là lời than thở của o Diên phường vải Ngọc Đình trong những ngày ngóng trông Phan bội Châu.
Phan Lan Hoa
Nguồn: vanhoanghean
Theo https://nghiemluongthanh.wordpress.com/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹ ơi

Mẹ ơi... XUÂN VỀ NHỚ MẸ TÔI XA… Câu ca dao: “Ngồi buồn nhớ Mẹ ta xưa Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”… Còn tôi, mỗi lần Tết đến Xuân ...