Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

Đất miền cổ tích

Đất miền cổ tích
Chúng tôi qua cầu sông Cái, đi thẳng đến Phú Thượng rồi rẽ sang phía tay phải chừng 200 mét là đến Dương Xá (nay thuộc Hà Nôị). Nơi đây có đền thờ Nhiếp Chính Ỷ Lan. Giữa những mảnh ruộng xanh với đủ gam mầu khác nhau. Ngôi đền thờ một người phụ nữ phi thường, nổi bật lên, nghiêm trang nhưng rêu phong cái kiểu: "Miếu cổ vàng son nhạt". Đó là nói về mầu sắc, chứ những gì mà bà để lại cho đất nước vẫn cứ đằm thắm với non sông và lòng người. Bà là hóa thân của Mẫu Thượng Ngàn của bà Man Nương, bà Trưng...
Đến Sủi, đi vào quê hương của nhà thơ Cao Bá Quát. Đi tiếp chừng 7km nữa, chúng tôi đến cầu Dâu. Một cái cầu rất cổ. Nơi đây, chúng tôi ngắm mãi chỗ sông Đuống cắt ngang sông Dâu để hình thành một bên là Thiên Đức, một bên là Nguyệt Đức. Nơi đây... một cái cây, một dãy gò, một mô đất, đống gạch vụn, ngôi đền v.v... đều có những chuyện kể về mình. Trước mắt chúng tôi là cả một khu vực thành Dâu (Bắc Ninh) với hình vuông mênh mông. Tên chính thức của nó là Luy Lâu hoặc Liên Lâu. Vì khi xưa, thành chính có những vọng gác mà ở tầng trên tỏa ra như những cánh hoa sen, nên thường gọi là Liên Lâu. Hoa sen tượng trưng cho sự phồn. Phồn thóc gạo, phồn giống nòi. Sông Dâu chảy quanh tạo thành con hào thiên nhiên, bảo vệ thành. Xưa kia, khi đê La Thành và Thăng Long chưa hình thành mà mới chỉ là những vùng nước, lau lách, hoang vu thì nơi đây đã là một thành trấn phồn hoa, nhộn nhịp. Đây chính là thủ phủ của đất Giao Châu, là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa. Đại bản doanh của Thái thú Tô Định đặt ở đây. Hai Bà Trưng đã đánh vào nơi này. Trong suốt thời kỳ dài, quân Hán đóng quân ở Liên Lâu, đã có nhiều cuộc khởi nghĩa liên tục đốt phá, đánh thành. Nghĩa là binh lửa liên miên. Chính điều này đã giải thích được một hiện tượng đáng chú ý. Đó là những vùng đất chung quanh đều đỏ như son. Duy chỉ có khu vực Thành Liên Lâu, đất có màu đen, xám, xỉn. Đất đỏ vì phía dưới có quặng sắt. Còn đất đen là do binh lửa triền miên, đốt phá dữ dội, đã làm than hóa tất cả những sỏi, đá, đất, gỗ, tre, v.v.. Hiện tượng than hóa này đã làm cho đất Thành Liên Lâu không đỏ như đáng lẽ nó phải đỏ. Thật là: "Dấu binh lửa, nước non như cũ". Khiến cho người thấy cảnh chạnh lòng về vùng Dâu.
Đứng bên Thành, tôi bỗng nhớ đến một buổi đi xem hát cải lương cùng với nhà văn Nguyên Hồng. Tối hôm đó, chị Lệ Thanh đóng vai Trưng Trắc trong vở "Trưng Vương". Chị vận võ phục có cách điệu. Trông vô cùng uy nghi và lộng lẫy. Mắt phượng, mày ngài, chị diễn có thần và hát rất hay. Nhà văn Nguyên Hồng khóc lên rưng rức và xuýt xoa: "Hay quá, đẹp quá!...".

Trong cuốn: "Viết về lịch sử đất An Nam", nhà nghiên cứu Patris viết: "Tinh thần độc lập của người Lạc Việt rất cao. Suốt trong thời kỳ bị đô hộ dài dặc, họ không hề sao nhãng việc đứng dậy. Đó là một thứ ánh sáng chói lọi của ý chí quật cường không nguôi".
Trong khu vực Thành Dâu, có chợ Dâu, tháp Dâu. Tháp này 4 tầng, có chóp kiểu Stupa, cao chừng 20 mét, và chùa Dâu. Chùa Dâu phản ánh những nét của đạo Phật từ Ấn Độ sang và được bản địa hóa. Nơi đây là trung tâm Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam rồi mới tỏa đi khắp nơi. Cũng là nơi in những bản kinh sớm nhất. Tục truyền, một cây đa thần thoại trôi dưới sông, được bàn tay thần thoại của Á Nam Tiên nữ (Man Nương) vớt lên. Khi cây đa được đặt lên mặt đất thì tiên nữ đã biến mất, đã "hạc nội mây ngàn". Cây đa được xẻ ra, tạc thành 4 pho tượng để thờ. Đó là 4 vị Phật Mẫu gồm 4 chị em: Phật Vân, Phật Vũ, Phật Lôi, Phật Điện (cũng gọi là tứ Pháp). Chị cả được thờ tại Chùa Dâu, chị hai ở Chùa Đậu, chị Ba thì ở Chùa Tướng và cô em út được thờ ở Chùa Dàn. Mấy ngôi chùa này ở gần nhau. Có điều, chùa Dâu là chùa chính, nguy nga nhất. Tượng bà Dâu đặt ở chính giữa chùa chính, cao 2m85 (cả tượng lẫn bệ). Lại có nền cao và vỉa đá. Tượng bà to hơn so với tất cả những pho tượng khác trong chùa. Bà vừa là Phật, vừa là nữ chúa bản địa.
Nơi đây, hàng năm có mở hội. Gọi là chùa Dâu, khắp nơi nô nức về dự hội. Có tế lễ, rước xách, vui chơi, rất tưng bừng, náo nhiệt. Người ta kể vè:
Dù ai buôn bán trăm nghề
Tháng tư, mồng tám thì về chùa Dâu.
Dù ai buôn đâu, bán đâu
Nhớ ngày mồng tám, hội Dâu thì về...
Cách khu vực thành Liên Lâu chừng 3 km là lăng mộ Lạc Long Quân, là cả một tòa Việt điện. Đi chừng một đoạn đường nữa, rẽ sang bên trái là lăng Sĩ Nhiếp hình tròn trên một cái gò rợp bóng những cổ thụ. Những gò, đống nhấp nhô kéo lên. Dưới những gò đống đó là cơ quan những ngôi mộ Hán. Nơi đây thuộc về làng Á Lữ. ở ngã ba Đông Côi cũng có nhiều ngôi mộ Hán có xây những vòng cuốn. Đứng nơi đây, ta có thể nhìn thấy núi Thiên Thai "nằm nghiêng nghiêng với mái tóc xanh rêu". Chúng tôi đi chừng hơn 2km nữa về phía Đông Bắc, đến làng Đại Trạch có ngôi chùa Đại Trạch nổi tiếng, là nơi trước đây vợ thứ ba Cai Vàng đến tu và trụ trì sau khi làm cuộc khởi nghĩa thất bại. Bà thông thuộc 18 môn võ nghệ, đã dạy võ cho các trai làng và làm nhiều điều thiện, trừ kẻ gian ác. Cuộc đời của bà đủ để viết nên môt pho sách bi hùng. Dân làng nơi đây coi bà như tiên, như Phật. Từ Đại Trạch đi xuống phía nam là đến bến Hồ, gối đầu lên sông Cầu. Ở đây có làng tranh Đông Hồ mà những bức tranh đậm đà tâm hồn dân tộc của nó đã có mặt ở nhiều gia đình trong nước và chúng cũng được trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật của nhiều nước trên thế giới. Làng Đông Hồ được gọi là làng tranh, làng đẹp như tranh và cũng được gọi là làng các nghệ nhân. Họ vẽ tranh, khắc tranh, in tranh. Lại còn làm nghề vàng, mã và những mặt hàng trang trí mỹ thuật mang lại thao thức cho nghiều người. Ngược lên phía trên, ta chạm phải đất Lim và 49 làng Quan họ. Nơi mà một làn gió cũng mang điệu dân ca. Với những "liền anh, liền chị" ăn mặc xông xênh, trèo lên quán Giốc, đi trẩy hội. Từ Đại Trạch đi ngược lên là đến Trí Quả, rồi đến làng Đình Tổ có chùa Bút Tháp, và đền Đô Vàng son lấp lánh, nơi thờ 8 vị vua Lý. Lý Chiêu Hoàng được thờ riêng ở ngôi đền bênh cạnh. Bà mang một nỗi buồn nguyên khối, không tan. Chính cái dải đất này đã nuôi dưỡng nhà thơ Hoàng Cầm để có được: "Bên kia
sông Đuống", "Mưa Thuận Thành", "Cây bài tam cúc" nổi tiếng.
Chúng tôi nhớ lại một thời vào những năm chống Pháp, khu vực gần Bút Tháp, Rừng Thông, Bãi Tháp v.v.. là khu những du kích nổi tiếng với những chiến công oanh liệt. ở những làng quê nơi đây còn thấp thoáng những tập tục đáng chú ý. Có tục "Ngủ bạn". Nó là chuyện trong ngày cưới, cô dâu và chú rể chưa động phòng vội. Ngày thứ nhất và ngày thứ hai, cô dâu còn gọi mấy người bạn thân đến ngủ cùng với mình. Nơi đây, họ coi nhẹ trường hợp có cô gái chửa bụa. Sau khi cô gái chửa bụa rồi sinh con được một hoặc hai năm, sẽ có một chàng trai nào đó đến xin cưới làm vợ. Mẹ chú rể mang lễ vật đến nhà gái và nói xanh rờn: "Ngày lành tháng tốt, chúng tôi rất sung sướng được có con dâu và có luôn cả thằng cu nữa". Khi có trường hợp một đứa trẻ nào đó ở vào hoàn cảnh thập tử nhất sinh mà có được một người nào cứu sống thì đứa trẻ đó nhận người cứu mạng làm cha nuôi. Những ngày giỗ, tết phải đến thăm cha mẹ nuôi, phải đóng góp và có nhiệm vụ như con đẻ. Đó là hình ảnh và dư vị của thời mẫu hệ xa xôi. Những chuyện như vậy còn rất nhiều.
Chúng tôi cũng theo dõi trong tâm tưởng khi đi trên con đường cổ từ bến hồ, đi Bắc Ninh, tới Phả Lại, Lục Đầu giang rồi ra biển hoặc đi ngược lên phía bắc, sang Trung Quốc... Đó là con đường mà các nhà sư Ấn Độ đi từ chùa Dâu sang Trung Quốc truyền đạo. Là con đường mà con trâu vàng từ Trâu Sơn, giếng Việc ở Phả Lại đã chạy một mạch về Tống Bình (tên xưa của Thăng Long) rồi đẫm mình nơi vũng nước ở phía Tây Bắc, làm nên hồ Trâu Đằm và sau được gọi là hồ Dâm Đàm hoặc hồ Tây. Đó là con đường để cha ông cha ta đánh giặc Nguyên, Mông...
Khách hành hương tới mảnh đất này thấy mình được lớn lên. Chỗ nào cũng có những di tích, tín hiệu, huyền thoại v.v... minh chứng cho sự tồn tại hào hùng của dân tộc. Chúng ta chắt lại những mảnh vụn lịch sử để phần nào phục hồi lại chút ít nguyên mẫu mà suy ngẫm về những bí ẩn của quá khứ, phục vụ cho hiện tại và mai sau.
Mùa xuân đã đến và mùa xuân đã qua. Nhưng dẫu vậy thành Dâu vẫn đượm mầu cổ tích.
Lý Khắc Cung
Theo http://www.dactrung.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung Thường thì những bài đồng dao khó hiểu, câu chữ nhiều đoạn như đánh đố, bí hiểm. Ấy nhưng ...