Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2024

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung

Hoa Khích - Truyện ngắn
của Nguyễn Khương Trung

Thường thì những bài đồng dao khó hiểu, câu chữ nhiều đoạn như đánh đố, bí hiểm. Ấy nhưng những câu mấy ngày nay lũ trẻ làng Gực túm năm tụm ba nhảy chân sáo mà gào lại rõ nghĩa lắm, ít nhất là với người làng. Chẳng hiểu nó là vè hay đồng dao, nhưng đích thị nó kích thích, làm sướng cái thói quen ngồi lê đôi mách vốn có sẵn trong không ít người. Cũng chẳng phải vô tình mà lũ trẻ thường túm tụm bên gốc duối già đã bị đốn đổ, chõ lên gò Mả Tháp mà gào: “Giếng Nguyên Thượng vừa trong vừa ngọt/ Đường Nguyên Hạ lát gạch dễ đi/ Gái Nguyên Thượng là giống Hoa Khích/ Giai Nguyên Hạ dám thích thì theo”.
Thiên hạ chưa chắc biết Hoa Khích là cái giống gì! Nhưng, người làng Gực thì cho rằng mình biết. Biết và sợ! Nói là “cho rằng” bởi ngoài một anh cứ khăng khăng đã tận mắt nhìn thấy Hoa Khích còn mọi người thì chỉ là nghe kể. Bông Hoa Khích cứ dật dờ trôi trong không gian làng bằng câu chuyện truyền miệng nhuốm đầy huyền bí từ xa xưa. Bởi sự dật dờ, nên có thời người ta ngỡ nó đã chìm vào quên lãng. Thiển cận thì mới “ngỡ” thế! Còn làng còn nước thì mãi mãi còn những câu chuyện có hồn cốt nhuốm màu huyền hoặc, mà làng nước thì bất diệt. Chuyện Hoa Khích của làng Gực là bất diệt.
Hoa Khích này, cái giếng thơi đá lỗ nước trong như mắt mèo này, con đường lát gạch nghiêng rộng cả thước, dài suốt Nguyên Hạ thì đến trẻ con làng Gực cũng có thể giảng giải một cách tường tận cho bất cứ ai. Đây là vốn cổ, là máu thịt, là niềm tự hào ngấm ngầm để người làng ngẩng mặt với thiên hạ. Còn cái anh chàng xóm Nguyên Hạ? Chuyện này có lẽ phải bắt đầu từ Mềm, người đàn bà tận nẻo trung du đã theo không anh lái trâu xóm Nguyên Hạ vào một năm đói kém. Tình cảm là điều không thể cắt nghĩa! Đêm ấy rét lắm. Đám rượu đang tưng bừng quanh đống lửa bên con mương đào dở. Tiếng khua bát, gõ thìa cùng tiếng la hét ngô nghê của cái đám đang trong cơn quá khích theo nhịp bài ca “ con vỏi con voi…” Lẫn vào đấy còn có cả tiếng rên la của một con nghé bị cột đứng vào bốn cái cọc gần sát đống lửa. Bất ngờ một nhát đâm gọn. Chính xác. Cần cổ con nghé ngất ngược lên, cong như cánh cung trước khi ruội ật xuống. Lưỡi dao rút nhanh khỏi gáy con nghé, vung lên, điên cuồng phạt dọc theo từng cọc buộc chân nghé. Những mảng dây thừng văng ra, thân thể bị xẻo nham nhở của con nghé đổ ập xuống. Tròng mắt trắng dã trợn ngược của con nghé bắt lửa, xẹt một vệt vàng rộm ngang những bát rượu, một đoạn ruột ộc ra, bật cong như hình con rắn rồi rơi gọn xuống đống lửa. Không gian dậy mùi máu nướng.
– Tiên sư thằng này. Sao tự dưng đến đây phá các bố? Một gã bật lên, lao về phía kẻ đâm nghé – Có ngon thì đâm bố mày đây này.
– Đâm được thì bố không tha mày đâu. Miệng nói, cánh tay dài và mạnh như tay gấu của kẻ đâm nghé đã vả vào mặt gã. Gã loạng choạng khụy xuống. Kẻ đâm nghé như điên cuồng trong những cái vung tay, gạt chân. Bát vỡ, lửa văng, đám rượu nhốn nháo dạt ra. Kẻ đâm nghé gầm gừ – Chúng mày là quỷ. Một lũ quỷ vừa sổng ra từ địa ngục. Vò rượu bị gạt đổ nghiêng, rượu xối ra, ngọn lửa bắt ngay vào miệng vò. Một dây lửa nhoằng ra xanh lét, nhập nhằng bắt gió rồi bất ngờ bật lên quàng ngay vào đầu một gã sâu rượu. Gã rống lên ôm đầu lăn lộn. Kẻ đâm nghé lao đến nắm tóc dập lửa trên đầu gã. Không gian dậy mùi tóc cháy.
– Tiên nhân nhà mày, sướng cho lắm vào…
Cơn tức giận bị chặn lại bởi một cô gái, cô đã đứng đối diện với kẻ đâm nghé. Mắt cô gái còn ngấn nước, nhấp nhoáng trong ánh than hồng.
– Thôi, em xin anh…
– Cô là…
– Đây là đội thủy lợi làng em… chúng em…
– Quỷ! Đàn ông làng cô là một lũ ác quỷ.
– Cũng không hẳn thế đâu ạ. Cô gái nói trong tiếng nấc – Cũng chỉ có cái đám như anh thấy… lũ man rợ thích nhai tươi nuốt sống. Chúng em đau đớn nhìn con nghé quằn quại, gào thét nhưng không làm gì được.
Ngọn lửa chợt bùng lên từ đám than hồng. Mái tóc dài và đôi mắt đen ngấn nước đã khiến sự phẫn lộ của kẻ đâm nghé chùng xuống. Có lẽ nhận ra sự thô thiển của mình, cái dáng cao lớn, lưng hơi gù như lưng gấu lung túng, ngượng ngập mỉm cười, rồi không hiểu sao lại ngập ngừng vươn ra nắm tay cô gái. Bàn tay cô gái run run, ngoan ngoãn nằm yên trong tay hắn.
Cô gái đó tên Mềm. Phải nói thêm rằng đã ba năm liền Mềm đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua, hiện đang là kiện tướng thủ mai của đội thủy lợi. Có nghĩa Mềm là cô gái giỏi dang, đang sốt sắng trong sự cống hiến. Nhưng, trái tim lại có lý lẽ riêng của nó, cái lý lẽ bất khả cưỡng lại. Chính Quàng, cái anh chàng lái trâu làng Gực cũng không ngờ lại được vợ sau trận đánh nhau. Mềm đã vượt lên tất cả theo không anh lái trâu về xóm Nguyên Hạ. Quyết liệt, sống hết mình, cô kiện tướng thủ mai đang đong đầy hạnh phúc cho người mình yêu. Tình yêu là cho đi! Anh lái trâu nhiều phen cảm động, ngỡ ngàng trước tình cảm của vợ. Là người trọng tình nghĩa, anh cũng sống hết lòng cùng vợ. Người ta nói ở hiền gặp lành, hình như điều đó lại chưa đúng với vợ chồng nhà này. Nói khác đi là cuộc sống con người ta chẳng bao giờ được vẹn tròn. Ông giời cứ nhất quyết vươn tay rờ rẫm, kiếp người không ai thoát khỏi những tiếng rên. Đó là số phận? Mềm có tình yêu. Phải nói là một tình yêu tuyệt vời với Mềm. Tình yêu sẽ thăng hoa… kết tụ vào những đứa con. Nhẽ tự nhiên là thế! Oái oăm thay điều này lại bị đẩy thành niềm khát khao, thành nỗi tuyệt vọng nơi cô. Sự tuyệt vọng cứ bị đẩy lên… đẩy mãi lên rồi biến thành nước mắt. Như một định mệnh, cô gặp chồng bắt đầu bằng những giọt nước mắt; lạy giời, đừng bắt tội người ta phải kết thúc như thế. Ba lần thụ thai rồi ba lần sẩy đã làm héo úa đời người đàn bà. Mềm nghĩ gì về một thời hăng hái? Một thời ngâm nước ngâm bùn, một thời lẫy lừng cái danh hiệu kiện tướng thủ mai? Niềm vui, sự vinh danh của ngày hôm qua sao lại là nỗi buồn, sự tuyệt vọng của hôm nay? Thế mà thế đấy! Bùn bẩn, nước bẩn, những cái vặn mình, dậm mai thái quá của những tháng   ngày hăng hái đã ảnh hưởng đến sự sinh nở của cô gái. Nỗi dày vò, niềm khát khao được làm mẹ đang đốt cháy Mềm. Rồi ông giời cũng một lần thương đến cho Mềm được toại nguyện, được nghe tiếng khóc chào đời như tiếng mèo hen của đứa con, được chăm bẵm, khổ đau cùng nó ngót ngoét ba tháng; để dẫn dắt cuộc đời Mềm gắn với Hoa Khích làng Gực.
Cái đêm Mềm mang con ra gò Mả Tháp, cũng là đêm Quán bị bà đỡ đuổi ra sau nhà lội nước, lộn đầu trồng chuối cho vợ dễ đẻ. Phải nói thêm rằng đến Quán đã là đời thứ tư phải sống đơn độc trên gò Mả Tháp. Cụ nội Quán là dân ngụ cư, là một kẻ vô danh mò vào làng dựng lều sống liều bên cái mả vô danh. Để được sống bên cái mả, kẻ vô danh cũng phải bảy nổi ba chìm, khi thì liều mạng, lúc lại cung cúc tuân phục trước cái oai của ông lý, ông trương… Chuyện này thì dài, nhưng thôi, không kể ở đây. Ta nói về chuyện giòng giống của kẻ vô danh đang sống trên gò. Phải nói ngay rằng Mả Tháp là cái gò hoang, chẳng biết từ  thuở nào làng Gực đã mặc nhiên công nhận sự nhập nhằng về tên giữa gò đất và ngôi mả. Ngôi mả của người vô danh mang tên gò? Hay chính gò đất này lại mang tên mả? Hương ước của làng cũng chẳng thấy ghi, cũng chẳng ai để ý, người ta nói Mả Tháp tức là chỉ cả cái gò đấy. Người trong mả tên tuổi ra sao, là người làng hay kẻ chết đường chết chợ, được chôn cất từ bao giờ hình như cũng chẳng ai biết. Thực ra thì Mả Tháp chỉ chiếm một diện tích nhỏ bên sườn phía tây gò. Mả có viền bao bằng gạch khá rộng, trẻ làng đã cắm xuống đây nhiều cọc buộc trâu. Phần thân mả cao gần cả thước, đã ngả nghiêng nứt toác, nhiều lỗ to nhỏ sâu hút ăn thẳng xuống, chẳng biết nó ăn đến đâu mà chỉ thấy những cái lỗ không đáy đen ngòm, có lẽ là hang hốc của lũ rái cá, chuột đồng… Gò Mả Tháp nằm ở rìa phía đông, cách biệt hẳn với làng. Như thế là sự nhập nhằng giữa gò đất và kẻ vô danh nằm trong lòng gò coi như đã yên. Phải nói kỹ thế vì gò này từ khi xuất hiện cái lều, đâu chỉ còn có một người vô danh đã nằm yên!
Nguồn sáng chấp chới của cây đuốc nơi chân gò đã cuốn ngay vào cái anh đang thất thần vì vợ đẻ lần đầu. Anh dè dặt bước về phía nguồn sáng. Một người đàn bà đang hì hục dưới cái hố choen hoẻn, sâu chưa đến đầu gối. Cái thân hình dưới hố ấy mỗi khi bắt lửa, lại tạo ra những mảng đen ngắn dài theo cử động. Những mảng đen rờn rợn, quái dị ẩn hiện hướng về phía ngọn đuốc.
– Đào bới gì đêm hôm như ma thế này?
Câu nói bị chặt từng khúc, bởi sự va chạm nặng nhẹ đất đập đất. Trong khuya khoắt, giữa chốn đồng không mông quạnh thế này sự va chạm ấy nghe rợn lắm, nghe không thật, nghe rời rạc, lãng đãng như từ chốn âm ty địa ngục vọng về. Những mảng đất vừa bị hất lên cũng đè luôn xuống cái bóng vừa được kéo dài theo độ nhổm của kẻ dưới hố. Kẻ dưới hố như chẳng nghe thấy gì, vẫn cắm mặt đào.
– Người hay ma thì cũng phải lên tiếng đi chứ. Anh chàng vợ đang đau đẻ run giọng.
– Ma đây! Ma đi chôn người đa…ây…
– Chị Mềm! Sao thế này?
– Cho…ôn!… kia kìa… nó kia kìa…
Cuối đường tay chỉ của Mềm là gốc duối già. Không biết từ thuở nào mà dứa dại, xương rồng… dây tơ hồng bíu chặt lấy nhau ở cái góc hoang phế này. Một nét hoang phế mang tính muôn thuở, hình như ngay từ thuở sơ khai nó đã thế rồi. Gốc duối già nằm trên một doi đất ngắn. Con đường mòn chạy vòng dưới chân nó. Nếu chiếu thẳng, phải lội nước cả hơn hai chục thước mới đến được chân gò. Doi đất ngắn được bao bởi những hàng gạch xiêu vẹo, sứt mẻ nhưng lại bám dai dẳng, chắc chắn từ cái thuở nảo thuở nào. Cỏ cũ và mới, mảnh sành mảnh chĩnh cũ và mới cứ chồng chất, lấn lướt hoang tàn. Dù muốn vuông vắn mảnh ruộng sình lầy, đến đời Quán cũng không dám động đến góc này bởi những chuyện ma cây duối được truyền miệng từ xửa xưa. Ma thật chứ chả chơi đâu, chính anh đã được tận mắt chứng kiến cái cảnh đom đóm rước ma. Đã hẳn là gò Mả Tháp nhiều đom đóm, vô vàn là vòng sáng nhập nhòe cợt nhả ngay từ chập tối. Buổi nào oi trời thì phải biết, đến bữa cơm của vợ chồng anh cũng chả được yên. Phải tắt đèn ăn mò để tránh những giống côn trùng biết bay nhao tới, nhai và nuốt phải chúng cũng là chuyện thường. Bình thường là thế nhưng khuya ấy lại không thế. Cây duối và đám cây dại quanh nó không còn chìm sâu, những mảng trăng đông không còn ma quái lay động qua kẽ lá theo gió nữa. Đám ấy là cả một vùng sáng! Một vùng sắp đặt nhấp nháy có chiều sâu! Những ống sáng phía ngoài cây duối được khởi đầu bằng hình bát quái, chạy sâu vào lùm cây, thắt dần rồi tụ về một điểm sâu hút. Nếu nhìn từ cái điểm sáng sâu hút kia hắt ra, cây duối phảng phất hình thù một bông hoa, một thứ hoa kỳ quái mà theo người làng kể nó có tên là Hoa Khích. Cái thứ hoa đom đóm rước ma! Xưa nay chẳng biết sợ là gì anh cũng thấy rờn rợn, anh đưa tay kéo cái vật đang khiến anh nhồn nhột nơi cổ áo. Một con cào cào ma vờn cổ! Anh giật lùi vào nhà.
Dưới tán duối theo tay chỉ của Mềm là một bó chiếu nhỏ buộc túm hai đầu. Đom đóm nối nhau vẽ những vòng quái đản trên nó. Trạng thái mộng du đã đưa Quán đứng bên cái bó chiếu.
– Làm ơn mang nó lại đây…
Một cảm giác lạnh buốt chạy dọc sống lưng khi Quán ôm cái bó chiếu.
– Bỏ xuống đi. Giúp một tay. Đào đi.
– Anh Quàng đâu? Đêm hôm… chị…
– Còn đang dong ruổi trên mạn ngược, giúp một tay không thì bảo.
– Vâng, nhưng sao không để sáng mai… bó chiếu thế này… mà gò này làng đâu có cho chôn.
– Thôi cái mồm. Mềm vẫn cắm mặt đào.
Một người đào, một người hất đất câm lặng như đêm. Khi chiếc chiếu bó vừa bỏ xuống chấm đáy huyệt, tiếng khóc oe oe từ phía nhà cũng đột ngột cất lên. Quán bừng tỉnh, lao về. Mềm thì đổ bệt xuống.
– Một cái đĩ. Gớm! Chào đời đến là to. Bà đỡ vừa cắt rốn cho con bé vừa làu bàu.
***
Kẻ nhìn thấy Hoa Khích thì phải rước Hoa Khích về nhà! Không biết đây là lời nguyền theo câu chuyện Hoa Khích làng Gực từ xa xưa, hay chỉ là câu nói bất chợt của ai đó trong lúc mê mẩn chuyện Hoa Khích? Là thế nào thì không thể biết! Nhưng một câu nhuốm màu huyền hoặc, giống một lời nguyền thế này thì ắt có sức rung động làng xóm. Kẻ nhìn thấy Hoa Khích thì rõ rồi. Chính Quán đã kể về Hoa Khích cây duối với bất cứ ai khi có dịp. Rồi Nhẫn được sinh ra. Câu chuyện đêm cái bó chiếu của đứa trẻ chết non vừa chấm đáy huyệt, cũng là lúc con cái Nhẫn cất tiếng khóc chào đời cũng được Quán kể một cách thành thật với bất cứ ai. Chuyện nghe kinh! Chuyện khơi gợi những điều bí ẩn của âm dương thế này thì nhẽ nào người ta chẳng ngẫm ngợi. Nhẽ nào người ta chẳng tưởng tượng mà thêu dệt thêm lên. Chuyện đời xưa nay vẫn vây! Và, con cái Nhẫn không thể không hóa thành cái con nửa ma nửa người. Nó bị xa lánh, bị sợ, bị cả cung kính…
Hình như ông giời muốn triệt ai, thì dứt khoát phải triệt đến tận gốc tận rễ cho hả thì phải. Khổ thân nhà Quán! Chuyện vợ Quán đẻ con ma càng được khẳng định khi Nhẫn có em. Thảm thương hơn là vợ Quán cũng hóa ra ma ngay sau khi sinh nở. Chị em Nhẫn là hai thái cực. Thằng em của Nhẫn là một quái thai. Là gì thì nó cũng là khúc ruột cắt ra, Quán phải thân tàn ma dại mới nuôi nổi con. Tội thân thằng bé, nếu là người thì đâu lại có cái hình hài quái dị đến thế. Đầu nó to như cái giành tích, không lông mày, không tai mà chỉ có hai cái lỗ thâm thâm màu lỗ hậu môn ở gần hai thái dương. Nó dậm lông, lông đen lay láy phủ khắp cơ thể nhưng lại chừa ra cái đầu. Gần mười tuổi mà nó vẫn không nói được. Khi di chuyển thì chân lê đất, hai tay luân phiên đấm ngực, mồm re ré những âm thanh của loài khỉ.
Chiều muộn Nhẫn hay cõng em ra ngồi phía nam gò hóng về cổng làng. Phía ấy có những cậu bé tóc cháy nắng nghễu nghện trên lưng trâu, có tiếng hò hét rượt đuổi của cái lũ chỉ ngang tầm tuổi em Nhẫn. Phía ấy có những gánh cỏ chùm quang, chùm luôn cả cái hình hài bé nhỏ của cô bé bước thấp bước cao. Phía ấy thỉnh thoảng còn réo rắt tiếng sáo lưng trâu của bọn trẻ bên Nguyên Hạ.
Gò Mả Tháp có cái hố chôn chung những người chết đói Năm Dậu. Năm Dậu người ta vùi người chết đói thế nào thì có lẽ ai cũng biết. Phải gọi chính xác đó chỉ là sự lấp đất qua loa lên những thây người bị hất xuống chung một hố. Chuyện này là chính xác. Nhưng nói rằng cái môi trường ấy ảnh hưởng đến thai nhi, biến con nhà Quán ra cái nông nỗi thế thì người làng dứt khoát không chịu. Ảnh hưởng thì sao con cái Nhẫn lại đẹp được đến thế? Đẹp ma đẹp quái! Còn cái thằng em nó, eo ơi là khủng khiếp, xấu đâu mà lại xấu như ma! Đây dứt khoát là chuyện của giời đất quỷ thần, không thể vô duyên vô cớ mà con cái nhà ấy lại ra đến nông nỗi thế. Thật cũng thú vị! Ma dứt khoát phải có cái vẻ khôn lường. Đẹp và xấu cũng đều có thể như ma cả là sao? Người ta có thể thêu dệt đủ điều, chả có cãi được, mà cũng biết nó là thế nào đâu mà cãi. Kể vậy thì người ta nói cũng có cái lý của người ta. Cái lý sự về môi trường kia không thể thắng nổi sự đồn thổi chuyện vợ Quán đẻ con ma vì cái lẽ đó chăng?
Giá cứ được bé mãi thì Nhẫn cũng đỡ khổ. Con bé con thì cùng lắm là biết đến sự tủi thân, khóc thầm. Nhưng nó vẫn có thể lủi thủi chơi một mình. Không ai chơi với nó thì nó chơi với đứa em tật nguyền, chơi với con sâu, con kiến…. có thể bồng bế con mèo xưng chị xưng em.. Nhưng bé mãi sao được! Tất cả cứ phải tuân theo lẽ tự nhiên. Đã đến thì Nhẫn không thể lơ đãng, thân thể cô cứ phổng phao từng ngày. Nhẫn thấy lạ lẫm, sờ sợ, từ trong sâu thẳm của sức sống tràn trề thi thoảng như hắt lên cảm giác gì đó, mơ hồ nhưng ngút ngát. Cái cơ thể dồi dào ấy đang phải tự ghìm nén nỗi niềm thầm kín, bâng khuâng mà không thể cắt nghĩa, không hiểu nổi. Cũng như Nhẫn không hiểu nổi tại sao người làng lại không coi chị em nhẫn là người. Bàn tán, mê mẩn sắc đẹp của cô, sao họ sợ hãi xa lánh cô? Nhẫn đến thì người ta lấm lét lảng đi. Còn gì đau đớn nhục nhã cho bằng! Nhẫn đẹp thì người ta lại bảo đẹp ma đẹp quái. Ma quái là cái giống gì? Có phải người làng nói đúng không? Có đúng là mắt Nhẫn phát sáng, dẫn dụ làm mê hồn người? Và cái mùi hương thân thể nữa, điều này thì chính Nhẫn cũng cảm nhận được ở thân thể mình và chẳng hiểu vì sao. Nhưng rõ ràng thân thể Nhẫn tiết ra mùi hương đặc biệt, mùi thơm cứ phảng phất mơ hồ mê luyến. Người làng thì khẳng định đó là hương Hoa Khích, cái thứ hương khiến người ta mụ mị đi để hút máu. Vì vậy người ta chỉ dám tò mò ngắm Nhẫn từ xa. Trai làng có thèm muốn, cũng chỉ dám đứng từ đẩu từ đâu nhìn trộm.
Cái ác tâm hay sự thờ ơ của người làng đã dồn Nhẫn đến độ chẳng còn biết mình là người hay ma. Nhẫn thường xuyên rơi vào trạng thái thất thần, hồn vía cứ phiêu diêu bất định. Hoa Khích là thứ hoa đom đóm rước ma – Là ma. Nếu là Hoa Khích như người ta nói thì hóa ra mình là ma? Nhẫn sợ lắm – Sợ chính cái thân mình. Sau cái lần ngửa mặt khanh khách cười – Nhẫn cũng chẳng hiểu sao tự dưng mình lại cười như thế, khi thấy đám đông tán loạn bỏ chạy miệng rầm rĩ kêu ma khi Nhẫn bất ngờ xuất hiện trước họ vào một tối trăng lu. Sau sự việc ấy thì Nhẫn phẫn uất. Đã thế thì ta sẽ là ma! Cô nghĩ cách, bày trò nát người. Nát người ngay giữa ban ngày ban mặt.
Cây duối già bị chặt đổ làm xao động làng Gực. Không những chặt cây, hàng gạch từ bao đời bó doi đất ngắn cũng bị đập phá tanh bành trong đêm. Mọi người tái mặt. Người ta sợ hãi là phải, bởi góc này là góc thiêng, cả làng kiêng kỵ từ bao đời nay không ai dám động đến. Những con mắt sợ sệt hướng lên gò. Như vậy là chẳng cần bàn cãi, người ta cũng thầm khẳng định với nhau là chỉ có Nhẫn mới dám làm cái việc động giời này. Sự ồn ào đã kéo Nhẫn ra khỏi nhà. Cô bước xuống gò, liếc đám đông rồi đứng trân trân nhìn cây duối đổ. Mọi con mắt lại trân trân hướng vào cô.
– Không được rồi! Phải mời thầy về yểm thế nào chứ không thì họa cả làng. Một giọng nói không lớn, nhưng cũng đủ cho cả đám đông cùng nghe.
– Đúng đấy! Không tơ lơ mơ được đâu, phải mời ngay cô Phao bên Vọng về yểm không thì nguy khốn đến nơi đấy.
Nhiều tiếng nhao nhao hưởng ứng.
– Mày thì làm gì tao! Tao thì làm gì mày!
Đám đông ngơ ngác, im phắc, còn đang chẳng hiểu ra làm sao thì vẫn cái giọng đều đều nhưng cao vút ấy cất lên
– Mày thì là cái gì! Tao thì là cái gì!
– Gì là cái gì? Thế nghĩa là làm sao? Một giọng run rẩy, phá tan sự im lặng đang kéo dài không biết đến bao giờ…
– Ma rồi! Chỉ ma mới ăn nói thế. Có kẻ buột miệng, chắp tay về phía Nhẫn vái lấy vái để.
Nhẫn ngửa mặt khanh khách cười. Tiếng cười như khánh vỡ, tan ra, rồi ngưng lại buôn buốt không gian. Đám đông tím tái, ngơ ngẩn còn chưa biết ra làm sao thì một giọng vang lên như quát :
– Nó không phải là Hoa Khích. Không phải ma. Tôi mới là người đêm qua chặt cây duối. Bà Mềm vừa nói, vừa bước nhanh tới nắm lấy tay Nhẫn kéo về phía gò. Nhiều cái miệng há hốc nhìn theo.
Kể thì bà Mềm cũng liều, động vào phép lề quê thói đâu phải chuyện chơi. Làng xã có những lệ, những định kiến dù bất thành văn nhưng là điều cấm chỉ, nhất là những việc của quỷ thần. Gốc duối già – Hoa Khích thuộc những điều loại ấy; là con đường mòn ngàn năm tồn tại trong không gian, trong tim óc của biết bao thế hệ người làng. Kẻ dám vác dao đốn đổ cái gốc duối già này thì quả là to gan lớn mật. Phải hiểu thế nào về người đàn bà này?
Nhẫn lấm lét nhìn người đối diện. Câu chuyện người đàn bà bó chiếu chôn con vào cái đêm cô ra đời năm xưa tấm tức tìm về. Câu chuyện hư thực, mơ hồ này qua miệng người làng đã biến cô thành cái thứ hoa đom đóm rước ma. Chuyện đến nông nỗi thế cô không thể không oán người đàn bà này. Lâu nay bà còn thường kín đáo theo cô. Cô biết! Nhẫn bỗng ngửa mặt cười cợt :
– Mày thì là cái gì! Tao thì là cái gì!
– Đừng thế, em! Bà Mềm âu yếm vịn vai cô gái. Đừng để người ta xô đẩy. Em là cô gái đẹp.
Nhẫn run rảy, chỉ một chút âu yếm ấy thôi đã khiến cô run rẩy. Nhẫn như mê đi, nhịp thở nhẹ lại, đều đặn. Cặp mi cũng từ từ khép lại, hình như Nhẫn đang ru mình để được tận hưởng những giây phút đời cô chưa bao giờ có. Bà Mềm thấy xót thương, cảm động. Bà xoa nhẹ lên tấm lưng thon thả, và lúc này chính bà cũng bị hút vào cặp mắt khép hờ. Bà mơ hồ thấy một khe suối lênh láng, được phủ bởi bức rèm cong cong, tha thướt dài. Trách nào người ta nói Nhẫn có cặp mắt dẫn dụ hút hồn người.
– Bà!!! Bất ngờ Nhẫn đẩy mạnh bà Mềm, mắt long lên – Dối trá, dối trá… bà cũng chỉ coi tôi là cái giống đom đóm rước ma. Cô hằn học – Tôi lạ gì bụng dạ các người.
– Không phải thế! Bà Mềm rũ xuống. Không thể là như thế! Ta…ta… Ánh mắt người đàn bà có sự truyền cảm kỳ lạ, khiến Nhẫn lại run rảy. Như có ai xô đẩy, cô xà xuống lòng bà.
Bà run run vuốt tóc cô gái – Ta thương em! Đứa em tội nghiệp, khốn khổ của ta. Câu nói như lời ru, Nhẫn từ từ úp mặt vào ngực người đàn bà. Bà Mềm vỗ nhè nhẹ lên tấm lưng – Đừng oán ta! Ta chẳng tội tình gì. Sự việc đêm ấy ta nghĩ không đơn giản chỉ là sự trùng hợp, mà đã có sự sắp đặt của đất trời đấy em ạ. Có lẽ là sự nối dây giữa em và đứa con gái tội nghiệp của ta; là sự kết nối âm dương, nối luôn cả cái số kiếp ta và em. Thương cho em, thương cả cho cái thân ta. Nhẫn ơi! Ta muốn chuyển gánh sang vai em. Hãy giúp ta!
– Giúp gì cơ ạ. Giọng Nhẫn như gió thoảng.
– Việc hệ trọng của đời người đàn bà.
– Đời người đàn bà!
– Đúng! Nghe theo ta, em còn hóa giải được câu chuyện phi lý, hoang đường và nhẫn tâm về Hoa Khích làng mình. May mắn hơn em là ta còn có một tấm chồng, nhưng ta lại vô phúc, không thể sinh cho chồng mình một mụm con. Tội ấy lớn lắm. Với tổ tông nhà chồng thì tội ấy không thể tha thứ. Không thể biện bạch, ta là kẻ vô phúc. Ta thương ông ấy lắm. Em hãy giúp ta…
– Bà! Nhẫn thảng thốt ngước lên.
– Tất nhiên trước khi cầu xin em, ta đã thuyết phục ông ấy. Ông ấy là người tình nghĩa. Chắc em cũng đã nghe câu chuyện ta theo không ông ấy. Ta chẳng ân hận gì, chỉ trách mình bạc phước.
– Cháu sợ…
– Đừng có sợ gì cả. Mọi chuyện ta đã tính toán sắp xếp đâu đấy cả rồi, sẽ có sính lễ cưới hỏi đàng hoàng. Phải là một đám cưới ra ngô ra khoai! Sẽ không bao giờ có chuyện em phải chịu khổ nhục. Người đàn bà hạ giọng, lẩm bẩm – Phải xóa đi cái câu chuyện phi lý, nhẫn tâm về bông Hoa Khích…
… Lũ trẻ vẫn đứng trên doi đất ngắn bên cây duối già đã bị đốn đổ ca bài đồng dao. Dưới kia, người đàn bà kiện tướng thủ mai năm xưa vẫn cặm cụi xắn đất. Một nền nhà mới đã bắt đầu vượt lên, có hình có dạng trong khu sình lầy quanh gò Mả Tháp…
7/8/2024
Nguyễn Khương Trung
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung Thường thì những bài đồng dao khó hiểu, câu chữ nhiều đoạn như đánh đố, bí hiểm. Ấy nhưng ...