Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

Cái lạ trong ca từ Trịnh Công Sơn

Cái lạ trong ca từ Trịnh Công Sơn
Người ta thường nói: Nếu Phạm Duy là phù thủy về âm thanh thì Trịnh Công Sơn chính là phù thủy về ngôn ngữ...Có một bài viết của một tác giả (không tên) bên Nhacviet.plus - một cách nhìn về ca từ Trịnh Công Sơn.Tất nhiên còn nhiều điều phải bàn lại...tùy theo cấp độ cảm nhận của từng người...
Cái lạ trong ca từ Trịnh Công Sơn
Cái mới được đẩy đi xa chút nữa dễ trở thành cái lạ. Cái lạ dễ thấy trong lời nhạc TCS trước tiên là những điều không lý giải được. Những ý tưởng trong một bài nhạc lại như có vẻ chắp vá thiếu mạch lạc thậm chí đứt đoạn rời rạc thường tạo những khó hiểu hoặc bất ngờ cho người nghe:
"Tim nào có bình yên" mà sao lại "ta rêu rao đời mình"?
"Từ khi trăng là nguyệt" mà sao lại "trong tôi có những mặt trời"? (mà không phải là mặt trăng).
"Đôi khi thấy trăm vết thương" mà sao lại "rồi như đá ngây ngô"?
"Mặt trời nào soi sáng tim tôi" mà sao lại "để tình yêu xay mòn thành đá cuội"?
"Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng" mà sao lại "ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau"?
Người nghe tuy có thích nhạc TCS nhưng lại ít khi thuộc được trọn bài nào của ông cũng vì những chỗ khó hiểu và những ý tưởng không liền lạc như vậy.
Ta còn gặp những cái bất ngờ thú vị khác. "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng để làm gì em biết không?" Ông hỏi vậy và người nghe chưa kịp suy nghĩ để trả lời thì ông đã giải đáp luôn: "Để gió cuốn đi". Lát sau lại hỏi tiếp: "Sống trong đời sống cần có một mối tình để làm gì em biết không?" Câu trả lời vẫn là "để gió cuốn đi". Một người bạn tôi gọi những câu hát này là "đố vui để học".
Đến cả những cái tựa bài hát nghe cũng là lạ. "Gần Như Niềm Tuyệt Vọng" nghĩa là sao? Mới chỉ gần gần thôi chưa đến nỗi tuyệt vọng lắm vẫn còn có chút hy vọng (?). Vậy thì cũng được an ủi phần nào. "Cỏ Xót Xa Đưa" nghe cũng hay hay nhưng đến "Tình Xót Xa Vừa" thì lại hơi khó hiểu. Biết thế nào là vừa. Là xót xa vừa phải thôi không nhiều lắm chắc? "Nghe Những Tàn Phai" nghe cũng hay hay nhưng đến "Xanh Lòng Phai Tàn" thì lại hơi lấn cấn. Nghe giống như ... "xanh vỏ đỏ lòng".
Có những chữ TCS hay dùng đi dùng lại nhiều lần đôi lúc có hơi lạm dụng nghe không được ổn lắm. "Khói trời mênh mông" hoặc "tuổi đời mênh mông" nghe vẫn hay và dễ hình dung hơn là "mắt cười mênh mông giữa đôi bàn tay" (Vẫn Có Em Bên Đời). Dù là mắt cười hay môi cười thì cũng khó mà mênh mông được (không giống như "mắt em mênh mông buồn"). Tương tự không dễ gì hình dung được thế nào là một tiếng hát... rực rỡ xanh xao hay vàng vọt như là "nghe tiếng hát xanh xao của một buổi chiều" (Lời Buồn Thánh). Nhưng cũng không hề gì người hát vẫn cứ hát người nghe vẫn cứ nghe có khi lại thấy thích vì những cái là lạ ấy.
Có khi những cái sai vẫn cứ được mọi người chấp nhận và đấy cũng là một cái lạ nữa. "Một trăm năm đô hộ giặc Tây" (Gia Tài Của Mẹ) câu ấy một đứa bé lên mười ở Việt nam cũng biết là sai vậy mà vẫn cứ được hát đi hát lại một thời nào ở trong nước. Lỗi ấy hoặc vì thiếu chữ (để sánh đôi với "môt ngàn năm nô lệ giặc Tầu" ở câu trước) hoặc vì trong lúc đặt lời phải chịu gò ép theo những nốt nhạc cao thấp trầm bổng. (Phạm Duy chẳng hạn cũng không vượt qua được cái khó tương tự. "Chuyện đôi ta... buồn ít hơn vui" là câu hát mà ông rất muốn viết ngược lại để kể về một chuyện tình buồn thảm mà hai kẻ yêu nhau nay đã "Nghìn Trùng Xa Cách"). Hoặc trong một lúc vội vàng nhạc sĩ họ Trịnh đã viết nhầm một chữ trong câu hát đọc thành "công viên chiều qua rất... ngắn" (Nhìn Những Mùa Thu Đi) và đến nay nhiều người vẫn cứ hát theo như vậy mà không bao giờ chịu đổi lại thành "rất nắng" cũng không bao giờ tự hỏi đâu là sự khác biệt giữa... công viên ngắn và công viên dài.
Sau một quá trình nhiều năm nghe nhạc TCS và lắm lúc còn hát nghêu ngao nữa tôi thấy cần phải thú nhận một điều có đôi khi nghe những lời nhạc của ông tôi thực tình không hiểu ông muốn nói điều gì và tôi nghĩ may ra chỉ có ông mới giải thích nổi. Tôi nói "may ra" là bởi vì nói thật nhiều khi tôi chắc ông cũng không hiểu gì... hơn tôi lắm. Có khác một điều ông viết ra những lời ấy là xong là "thân nhẹ nhàng như mây" còn lại người nghe là chúng tôi thì cứ phải suy gẫm phải loay hoay giải đoán này nọ thật là mệt mỏi.
Tôi có đứa cháu thích nhạc TCS. Có hôm cháu hỏi: "Cháu thích bài này. Nhưng mà có mấy câu cháu không sao hiểu được. Tại sao "trong khi ta về lại nhớ ta đi"? Nghe giống như "Vân Tiên cõng mẹ chạy vô chạy ra" quá. Còn "từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe" nghĩa là sao?" Sau khi loay hoay giải thích những đối nghịch và tương quan giữa đi về sông biển mà đứa cháu có vẻ vẫn không chịu hiểu tôi đành phải nói: "Vấn đề là cháu thích nghe hay không thích nghe thế thôi. Nếu thích là tốt cứ tiếp tục nghe. "Đừng băn khoăn đừng nghi ngại". Nhạc TCS là nhạc "đừng hỏi tại sao". Tất nhiên là câu trả lời không làm đối tượng thỏa mãn nên sau đó tôi lại phải đưa ra lối giải thích khác: "Câu hỏi của cháu là những "lời bể sông" mà cách đây ba mươi năm nghĩa là "từ độ suối khe" chú cũng đã từng hỏi như vậy." Không rõ đối tượng có thỏa mãn hơn nhưng từ đó không thấy hỏi han gì thêm nữa trong lúc nghe thì vẫn cứ nghe. Nói điều này để thấy rằng đã có đến hai thế hệ nghe và yêu thích nhạc TCS.
Cái lạ được nâng lên một bậc nữa lại đi đến chỗ cầu kỳ lập dị hoặc sáo rỗng vô nghĩa thường thấy trong những bài nhạc TCS viết ở thời kỳ đầu như: "Ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương..." hay "người hãy nhớ mang theo hành trang qua khoang trời vắng chân mây địa đàng" (Xin Mặt Trời Ngủ Yên); hoặc như: "Có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím..." (Chiều Một Mình Qua Phố); hoặc như: "Bài ca dao trên cồn đá trên ngai vàng quê nhà... (Vết Lăn Trầm) hoặc như: "Rồi dòng sông cũng mang theo tên người vào huyền thoại tay hư vô che dấu chiều qua truông mây sâu..." (Lời Của Dòng Sông). Những lời lẽ khiến người nghe cứ phải suy gẫm mãi và dễ cảm thấy mình... "rồi như đá ngây ngô".
Tôi nhớ có lần nghe TCS loay hoay giải thích ý nghĩa về cái tựa một bài hát của ông và câu "giật mình ôi chiếc lá thu phai" và về chữ "da du" do ông sáng chế trong câu "chờ ta da du một chuyến" (Vết Lăn Trầm). Ông sợ người nghe không hiểu rõ ý nghĩa những từ này thế nhưng ông càng cố gắng giải thích người nghe là tôi lại càng... thấy khó hiểu. Ông muốn nói gì thì nói với tôi chiếc lá thu phai là... chiếc lá thu phai. Như thế là đủ như thế là hay rồi đâu có cần lời giải thích nào thêm nữa. Ngày xưa chúng tôi đã không đòi ông phải cắt nghĩa thế nào là "lời buồn thánh" với lại "vết lăn trầm" thì bây giờ có lẽ nào lại đi thắc mắc vớ vẩn về chữ nghĩa của TCS.         
Nguồn Nhacviet plus.vietnamnet.vn/
 Theo http://nguyenquocdong.vnweblogs.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Quá nửa cuộc đời đi nhặt hoàng hôn rơi Những sợi mây cõng vệt nắng chiều/ Khúc xạ lung linh lênh loang mặt sóng/ Vị đàn đàn bà đi qua tr...