Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

Những ngày đã cũ

Những ngày đã cũ
Chiều một mình lang thang ra đầu phố, bắt gặp một cụ bà bán hàng rong. Gánh nặng trên vai bà oằn xuống làm cho dáng người gầy nhỏ càng trở nên yếu ớt và khắc khổ. Nhìn cảnh ấy, tự nhiên nhớ mẹ đến nao lòng.
Cuộc sống bận rộn đến nỗi nhiều khi như quên cả lối về, dẫu biết ở quê nghèo mẹ cha vẫn mỏi mắt chờ trông. Những cuộc gọi ngắn ngủi chỉ để biết rằng mẹ cha vẫn khỏe, chỉ để nói rằng cháu đã lớn đến đâu. Chỉ thế thôi rồi lại chìm dần vào những hào hoa đô thị. Để đôi khi như chiều nay, lòng bỗng thổn thức dội về bao kỉ niệm chỉ còn trong kí ức.
Nhớ những ngày còn thơ ấu theo mẹ đi chợ phiên, háo hức thèm thuồng những viên kẹo đủ màu, những chiếc bóng bay đủ màu sặc sỡ. Dăm bảy mớ rau mẹ bán chỉ đủ bữa cơm đạm bạc qua ngày, còn lại dành tiền cho con đi học. Bánh kẹo là một thứ đồ ăn cực kì xa xỉ. Có lần đi chợ, cứ đòi ăn quà, mẹ dắt đến hàng lòng lợn, mua cho một miếng ruột non, bảo ăn hết mới được đòi thứ khác, miếng ruột dai nhằng, nhai hoài không hết.
Nhớ những ngày sau mùa thu hoạch khoai, cùng lũ bạn thả trâu trên đồng rồi cùng nhau đi mót khoai để ăn chống đói. Những củ khoai nhỏ bị người ta bỏ sót nằm lấp ló dưới đất được moi lên, đem ra bờ mương rửa sạchh rồi đứa nào đứa nấy nhai rau ráu ngon lành. Ăn uống bậy bạ thế mà chẳng bao giờ thấy đau bụng gì cả.
Giờ mỗi lần về quê, mỗi bữa ép con ăn đến rạc cổ, hết cháo rồi đến trái cây, rồi sữa chua, sữa bột. Mẹ chau mày bảo: Ngày xưa mẹ nuôi mày, chỉ có cơm độn khoai thôi, vậy mà vẫn khôn lớn khỏe mạnh, ép con làm gì cho khổ thân nó mà mình lại rước bực vào người. Đừng sợ con đói, mà hãy mong nó đói chứ, đói rồi nó khắc ăn, không phải ép. Nghe lời mẹ, thả con cho nó chân trần chạy theo mấy đứa trẻ hàng xóm.
Ai cũng bảo trẻ con thành phố sướng, nhưng mỗi lần về quê tôi lại thấy thương con nhiều hơn. Nhìn những đứa trẻ thôn quê mặt mày lấm lem, chân đất chạy khắp nơi chơi đủ trò vui như hội. Chúng tự do chơi nhởi khắp làng, đến bữa nghe tiếng mẹ ới về ăn cơm mới co giò chạy. Lại nhớ tuổi thơ mình với những trò con trẻ, rôm rả những trưa hè, ầm ĩ những đêm trăng. Chơi mệt nhoài rồi vồ vập ăn rồi lăn ra ngủ. Con mình giờ sinh ra ở phố, rời một bước cũng thấy bất an, ngoài giờ ở trường, chỉ rú rú trong nhà làm bạn với điện thoại, mấy tính, những con thú bông và những miếng xếp hình bằng nhựa. Những đứa trẻ sinh ra ở phố sẽ không bao giờ có một tuổi thơ hồn nhiên và trọn vẹn như những đứa trẻ nông thôn. Đó là những kỉ niệm quý giá bình yên tôi đã mang bên mình như một hành trang suốt những ngày bôn ba nơi phố thị. Để những lúc mệt mỏi lại lẩm nhẩm nhớ về, rồi tỉ tê kể cho con nghe, để nghe tiếng con nằn nì: “Hè này mẹ cho con về quê nhé”.
Những lần về quê, tôi vẫn thường đi qua nhà người yêu cũ. Nơi ấy, tôi đã ngại ngùng đến vài lần. Ngôi nhà không có gì đổi thay, chỉ có người đã thay đổi quá nhiều theo ngày tháng. Tôi yêu anh từ thửa mới bước qua tuổi trăng tròn, mối tình đầu nhiều ngây thơ vụng dại. Những bông hồng bằng giấy, những dòng thư nguệch ngoạc của anh đã theo tôi cả vào trong giấc ngủ. Anh đẹp trai, hài hước, và trái tim rộng lớn đủ để chứa nhiều bóng hình chứ không phải riêng tôi. Tôi đã từng khóc rất nhiều, có lẽ bởi trái tim mới lớn đã chót mộng mơ nhiều quá.
Ai đó từng nói, nếu bạn yêu một lúc hai người, thì tốt nhất nên chọn người thứ hai. Vì nếu bạn yêu người thứ nhất thì bạn đã không yêu người thứ hai nữa. Tôi đã chọn cách từ bỏ anh vì như thế. Vì tôi là người đến trước những tình cảm được nhận về không thể vẹn nguyên. Hồi đó tiếc anh nhiều vì anh quá đỗi đẹp trai, cứ nghĩ sau này, làm sao mình có thể gặp một người đẹp trai như thế nữa. Giờ đây, khi đã va vấp đôi lần, khi đã hiểu rõ giá trị đích thực của tình yêu, mới nhận ra những thứ quý giá đôi khi lại được bao bọc trong những cái vỏ xù xì và cứng cỏi, chứ không phải là cái vỏ hào nhoáng láng mượt bên ngoài. Thi thoảng chạm mặt anh, khẽ chào nhau như những người quen biết. Chợt nhận ra, thời gian kì diệu đã xoa dịu mọi nỗi đau, nhưng cũng phũ phàng xóa tan đi mọi niềm hạnh phúc đã từng tồn tại. Tất cả chẳng còn lại gì ngoài hai từ “người cũ” dửng dưng.
Những lần theo chồng về quê, hình như đôi lần có ngang qua chốn hẹn hò của chồng và “một cô gái cũ”. Kỉ niệm chắc chợt vụt ngang nên lời trên môi anh định kể lại dừng lại, sợ tôi chạnh lòng. Chẳng ai muốn làm tổn thương ai, bởi hạnh phúc nay đã vẹn tròn phủ che đi tình yêu của những ngày xưa khiếm khuyết. Tôi bảo anh: kỉ niệm dù hạnh phúc hay đớn đau vẫn là những trải nghiệm đáng giá trong một phần đời của ta. Bởi nhờ có nó mà ta cảm nhận hạnh phúc hiện tại một cách đủ đầy. Nếu có lần gặp lại người xưa của anh, đừng ngại ngần giới thiệu. Bởi với em, cô ấy như một người ơn đã buông tay anh, để bàn tay ấy hôm nay nắm tay em đi qua những ngày giông gió.
Cuộc đời mỗi người, ai cũng từng đi qua con đường dĩ vãng, có những hồn nhiên thơ trẻ, những nông nổi và va vấp, những yêu thương và đớn đau. Để rồi có những khi thảnh thơi nhìn lại, nhận ra bao điều đã ở phía sau lưng không bao giờ tìm về được nữa. Có một chút buồn, một chút nhớ, một chút thương, đủ để nhận ra ta đã bao phần trưởng thành và cứng cáp.
Tôi biết, hoài niệm về quá khứ quá nhiều, nó chỉ mang tới những giọt nước mắt thôi, mà nghĩ nhiều về tương lai, nó chỉ mang đến những nỗi lo sợ. Chỉ cần sống hết mình cho hiện tại, và thỉnh thoảng cứ hồn nhiên cười vang như trẻ thơ, hạnh phúc chắc chỉ quanh quẩn đâu đây chứ chẳng phải nơi nào xa xôi lắm. Cuộc đời có lúc chỉ cho mình một cốc nước và một quả chanh, điều mình cần làm là tìm thêm đường để bỏ vào đó. Mùi vị cuộc sống của mỗi người đều do chính người đó tạo ra. Nguyên liệu cuộc sống đã ban sẵn cho chúng ta rồi, và tôi chúc mọi người đều là những người pha chế giỏi.
Lê Giang
Nguồn Dantri
Theo http://baohatinh.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...