Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

Cuộc đời qua lăng kính Phật giáo

Cuộc đời qua lăng kính Phật giáo
A. DẪN NHẬP
Hai khát vọng thống thiết nhất của con người là hạnh phúc và chân lý. Lịch sử của nhân loại là lịch sử đi tìm kiếm hai đối tượng đó. Chúng ta sống trên hành tinh này với mục đích duy nhất là đem lại hạnh phúc cho mình và cho người, chứ không phải để gieo rắc tang tóc và đau khổ cho nhau.
Trong thế giới đầy bóng tối và hận thù của đe dọa chiến tranh và nếp sống phi đạo đức, chúng ta hãy thắp lên ngọn đèn của trí tuệ, của hiểu biết và tình thương bao dung. Đó cũng là bức thông điệp đức Phật để lại cho chúng ta, bức thông điệp kêu gọi nhân loại hãy phấn đấu để trở thành những con người toàn thiện, những bậc Thánh giả thoát khỏi mọi sự ràng buộc và đau khổ của kiếp nhân sinh.
Qua lăng kính Phật giáo, theo lời Thế Tôn dạy: “Cuộc đời và cả cuộc sanh tử chỉ là khổ đau”. Trong đó, con người là một hiện hữu phức tạp của một tổng thể tâm lý, vật lý, tình cảm, ý chí và trí tuệ, của quá khứ, hiện tại và tương lai, của sầu bi ưu khổ não, của sanh già bệnh tử và muôn vàn khổ đau khác ràng rịt con người, khuấy đảo nhân loại trong bến mê, trong nhà lửa tam giới. “Vua chết nuốt chúng sanh, suy già nuốt tuổi trẻ, bệnh đến mạnh khỏe tiêu, người thế gian không biết” (Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ).
“Tất cả các thế gian, vật sống đều phải chết, thọ mạng tuy rất nhiều, rốt cuộc quyết phải hết. Lúc thạnh dần đến suy, hội họp quyết biệt ly, hoa niên được bao lâu, thinh sắc bị bịnh cướp. Các khổ chạy vòng tròn, trôi lăn không chút nghỉ, ba cõi đều vô thường, các cõi đâu có vui!”
(Kinh Niết-bàn)
Những bậc Thánh nhân thấy được thực tướng của sự vật. Tất cả đời sống đều là khổ não và không thể có hạnh phúc thật sự bền vững trong một thế giới huyền ảo, mong manh, tạm bợ, vô thường, khổ, vô ngã. Không thể có hạnh phúc trường tồn vĩnh cửu trong một thế gian luôn luôn biến đổi, sinh diệt. Hạnh phúc của cuộc đời chỉ là sự thỏa mãn một vài ước vọng, thật mong manh rồi chợt tắt “Khi ta vừa đạt được nó, thì nó đã vội lìa bỏ ta”.
Chính vì trần thế bi ai, phù du, tạm bợ và các khổ đau vô thường, bất toại nguyện làm ta đau khổ. Chúng ta không muốn sống chung với người ta không ưa thích và cũng không muốn xa lìa những người thương yêu. Những hoàn cảnh nghịch lòng, trái ý và nghiệt ngã lắm lúc xảy đến đột ngột làm cho ta vô cùng khổ sở, khốn đốn.
Đối với người thế gian, chưa tỏ ngộ được chân tướng vạn hữu, thì thọ hưởng dục lạc là hạnh phúc tốt đẹp duy nhất, như những tình yêu, vật chất, danh sắc, tài sản, quyền thế, danh vọng, địa vị …. Nếu sự nghiệp vật chất ấy được thâu đoạt bằng bạo lực hay bằng một phương tiện bất công nào khác, hoặc nếu sự nghiệp ấy được hướng theo một chiều lầm lạc, hay ta đem lòng luyến ái nó, triều mến nó, thì đó là nguồn đau khổ và phiền não vô biên.
Chắc chắn rằng có hạnh phúc nhất thời khi mơ ước, lúc thọ hưởng dục lạc vật chất, nhưng hạnh phúc ấy quả thật ảo huyền và tạm bợ, mong manh và  dễ mất. Theo đức Phật, vượt lên trên mọi dục lạc, cám dỗ, sân hận, si mê, … mới chính là hạnh phúc cao thượng và trường cửu.
Thế nhưng cuộc sống giả tạm, đổi thay và nhiều cạm bẫy vẫn luôn rình rập kiếp người trong từng sát na, âm ba diệu pháp vang vọng khắp chân trời mà nhân thế vẫn còn chìm trong bể khổ.
Chính trong sự khổ đau như xé lòng đó, đức Phật Thích Ca đã ra đời, đem phương thuốc diệt khổ để cứu khổ cho chúng sanh, bằng vô số pháp môn phương tiện để ứng hợp với từng căn bệnh chúng sanh mà cho thuốc.
“Vườn Nai Phật chuyển pháp luân
Rống lên tiếng rống uy hùng thậm thâm
Đoạn sanh tử diệt mê lầm
Khai thông nẻo đạo pháp âm nhiệm mầu”.
(Tập Thư Tiểu Viên)
Suốt cuộc đời giáo hóa gần nửa thế kỷ, đến lúc trước khi nhập Niết-bàn, đức Phật cũng chỉ tuyên bố rằng: “Này chư Tỳ Kheo! Xưa cũng như nay ta chỉ nói khổ và con đường diệt khổ”.
(Kinh số 22, Ví Dụ Con Rắn, Trung Bộ1, trang 319) 
Điều này mang ý nghĩa: toàn bộ giáo lý đều được quy vào trong Tứ Thánh Đế. Thế nên có lần tôn giả Xá Lợi Phất đã tuyên bố: “Tất cả các thiện pháp đều bao hàm trong Tứ Thánh Đế, như dấu chân của các động vật đều thu nhiếp trong dấu chân voi”.
Phật giáo như thế, khởi hành từ thực tại khổ đau của cuộc đời, nhìn cuộc đời như cuộc đời đang là. Từ đây ta đi tìm nguyên nhân của khổ đau có mặt ngay trong chính cuộc đời này.
Phật giáo không liệt kê những khổ đau tưởng tượng, những nguyên nhân phi thực, bi quan yếm thế. Phật giáo phân tích tỷ mỹ và quan sát tận tường, sự quan sát này dẫn đến tri kiến chơn chánh thực tướng của vạn hữu. Chân lý này phải được chứng ngộ bằng con đường Bát Chánh Đạo, đó là con đường dẫn đến Niết-bàn.
Nhận thức về cuộc đời của Phật giáo là nhận thức rất khách quan và rất như thật. Thái độ sống của Phật giáo là thái độ sống “Trung đạo” xa lìa các thái cực hành khổ hay phóng túng trong dục lạc. Phật giáo nói đến sự sống của con người một cách thiết thực, rất nhân bản, khoa học và hoàn toàn không dựa trên một niềm tin siêu hình nào. Vì lợi ích thiết thực là giải thoát. Phật giáo đưa ra quan điểm về vũ trụ, về nhân sinh để người ta có thể hiểu biết đúng đắn và hướng nội tâm về con đường tu tập, hầu thoát khỏi các nỗi đau khổ sanh tử.
Hơn 25 thế kỷ đã trôi qua, giáo lý Phật Đà vẫn luôn tồn tại với thời gian, vẫn đi vào lòng người và không có gì chống trái với thực tế, với đà tiến hóa của nhân loại. Cho đến nay, những phát hiện mới của khoa học về vũ trụ, về con người càng khẳng định tính chất đúng đắn, khách quan trong giáo lý của đức Phật.
Trong kinh Tương Ưng V phẩm Chuyển Pháp Luân, trang 424 có ghi lại bài thuyết pháp đầu tiên của đức Phật là “Tứ Đế”. Bài pháp đầu tiên này là bức thông điệp cứu độ loài người, là tinh yếu cốt lõi, là giáo lý chân thật, tối thượng, thiết thực, cụ thể. Con người là gốc khổ đau và sự giải thoát của chính mình. “Khổ và con đường diệt khổ” là con đường chân chánh “Trung đạo”. Tám phương cách cần để tu tập.
Nói là bốn Thánh Đế, nhưng thật sự ra chỉ có một sự thật muôn thuở: “Ai thấy rõ khổ đế thì người ấy đồng thời cũng thấy suốt Tứ Thánh Đế đúng như Thế Tôn dạy: “Người nào thấy được khổ, cũng thấy được sự phát khởi, sự chấm dứt và con đường đưa đến sự chấm dứt khổ”. (Tạp A Hàm câu 437)
Quả thật đó là một chân lý bất diệt, một con đường rất thiết thực và hiện tại cho những ai muốn tìm hạnh phúc và sự bình an trong cuộc đời qua con đường tâm linh. Bất cứ ai với lòng quyết tâm và thiện ý đều có thể đi trên con đường này để đạt được hạnh phúc miên viễn cho chính bản thân mình.
Khi ta thấy đúng sự thật là ta đang ở trong một cuộc chiến vô vọng, nếu ta cứ tiếp tục đòi hỏi dục lạc và bảo vệ cái tôi của chính mình, là ta đang đi trên con đường đạo và đó là giây phút tuyệt vời, có thể tìm hiểu và chứng nghiệm được vị ngọt của Thánh quả. Chỉ có thực hành mới giúp ta kiện toàn đạo đức và phát triển tâm linh.
Suốt cuộc đời tu tập, truyền bá gần nửa thế kỷ, đức Như Lai không khi nào có bàn tay nắm lại của một đạo sư. Tất cả những kinh nghiệm máu xương đều được Ngài truyền dạy cho đệ tử. Hãy y cứ vào những lời Phật dạy mà phụng hành thì sẽ được giác ngộ và giải thoát. Đó là tự mỗi người phải nổ lực và nương tựa vào chánh pháp, không nương tựa vào một ai khác “Các ngươi hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp lên chánh pháp, đừng thắp lên với một pháp nào khác, hãy nương tựa vào chính mình, nương tựa với chánh pháp”.    (Hảy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi-Bd HT Minh Châu, xb 1999)
Suốt 45 năm thuyết pháp đức Phật đã để lại một kho tàng kinh điển vô giá đã được các vị Thánh Tăng kiết tập và hậu thế hoằng truyền đến ngày nay. Nội dung tam tạng kinh điển gồm thâu không ra ngoài con đường thắp lên ngọn đuốc trí tuệ soi sáng cho mình và tha nhân bằng ý chí tự lực, tự cường, bằng sự nghiên cứu tìm tòi, thực tu, thực chứng của chính bản thân mình. Thấm thía lời Phật dạy, trải qua hằng bao thế kỷ, chư vị tiền bối, lịch đại tổ sư đã thực sự sống một cuộc sống hạnh phúc chân thật khi thực hành theo lời dạy của đức Phật. Các Ngài luôn là tấm gương sáng ngời cho đàn hậu thế noi theo.
Để hoàn thành bản luận văn này, người viết đã tham cứu nhiều tài liệu Phật học. Trải qua bốn năm dưới mái trường Học Viện, con đã được thấm nhuần lời dạy của các bậc Tôn Sư và các vị thân Giáo sư, thế nhưng con thiết nghĩ, những nhận thức kia chỉ là hạt cát trong lòng đại dương mênh mông, giữa biển Phật pháp bao la không bờ mé. Nhưng người viết cũng đành chấp bút để làm tròn bổn phận của một sinh viên theo lời chỉ dạy của Hội Đồng Điều Hành Học Viện. Đồng thời được sự giúp đỡ, động viên của chư vị Tôn sư, con mạnh dạn chọn đề tài “Cuộc Đời Qua Lăng Kính Phật Giáo” làm bản luận văn tốt nghiệp của mình. Bằng thủ pháp lập luận, dẫn chứng, chứng minh, phân tích người viết hết sức cố gắng hoàn thành bản luận văn, nhưng với hiểu biết nông cạn của mình không làm sao tránh khỏi những thiếu sót. Kính mong quý Ngài từ bi chỉ giáo.
Cuộc sống của tha nhân vẫn đang trôi chảy theo dòng đời bất tận, nó đi đi mãi có chờ đợi ai. Ta là ai, ta đang làm gì? Khổ đau và hạnh phúc ở đâu? Hay tất cả đang là câu hỏi lớn không có sự hồi âm thỏa đáng. Để thật sự tìm được câu giải đáp này, nhận thức được “Cuộc Đời Qua Lăng Kính Phật Giáo”, chúng ta hãy thông qua đạo lý “Khổ Thánh Đế” mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chỉ dạy.
“Thời gian đang săn đuổi
Ta chạy về nơi đâu?
Hay nhịp chân thanh thản
Ta về với nhiệm mầu”.
(Những Bước Chân, Tiểu Viên, trang 95)

B. NỘI DUNG
I. Nhận Thức Về Cuộc Đời. Luận Về Chữ Khổ Của Con Người.
Kiếp người mong manh, phù du, tạm bợ và đầy thống khổ tang thương, nhưng dưới ánh sáng của đạo Phật, khổ đau nhưng không hề tuyệt vọng, như từ dưới bùn nhơ vẫn vươn lên những đóa sen thơm ngát tỏa hương dâng cho đời.
Đạo Phật nhận chân cuộc đời đau khổ là sự thật luôn khống chế tâm thức mọi người, luôn gắn liền với kiếp sống của con người, con người bị ràng rịt và không sao thoát khỏi sự thật thống khổ đó, khổ đau đã do sự kết tập truyền kiếp của mỗi người để tạo thành nghiệp dĩ, khổ đau còn do sự cộng tập của chúng sanh. Đạo Phật đã đặt trách nhiệm về nghiệp dĩ của mỗi người trong tay chính mỗi người, trong thực tế của hoàn cảnh. Con người không thể lẫn trốn thực tại được và lẫn trốn thực tại chính là chui vào lớp võ vô minh nguy hiểm, tức là đã đầu độc nhận thức để đành buông xuôi theo nghiệp lực, theo vòng xoáy của luân hồi sanh tử, của khổ đau triền miên. Mọi hiện tượng vật lý đều bị nằm trong định luật vô thường, ảo hóa, sanh diệt biến dị, như bóng trăng, bọt sóng, như mộng huyễn bào ảnh. Như Thiền Sư Vạn Hạnh nói:
“Cuộc đời như áng mây bay
Trăm năm như cái nhướng mày đó thôi”.
Mọi hiện tượng tâm lý đều nhuộm màu thống khổ, đau thương, tuyệt vọng, ý thức bị quay cuồng trong vọng niệm giả tạo, sướng khổ vui buồn, hờn giận yêu ghét … luôn khát vọng để rồi thất vọng và khổ đau triền miên trải dài theo năm tháng, theo nhịp hối hả của thời gian.
“Tuồng huyễn hóa đã bày ra đấy,
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.
Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nắm cỏ khô xanh rì”. (Sđd, câu 101-104)
Thân người như bọt nước trong bể khổ, ngẫm nghĩ cho cái thân phận nổi trôi trong phù thế, những cánh bèo trôi dạt trong bến mê, bị lạc lối lênh đênh như lục bình trên sóng nước “Khi hiểu ra thì than ôi!”
“Mùi phú quý nhữ làng xa mã,
Bã vinh hoa lừa gã công khanh.
Giấc nam kha khéo bất bình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”. (Sđd, câu 81-84)
Tuy người đời thấy vô thường là khổ nhưng họ lại chấp chặt vào lòng khát ái và tự ngã, nên khổ đau thì lại thở than, càng than thở càng thấy khổ đau thống thiết.
“Gót danh lợi bùi pha sắc sám,
Mặt phong trần nắng táp mùi dâu.
Nghĩ thân phù thế mà đau,
Bọt trong bể khổ, bèo đầu nước trôi”.
(Cung Oán Ngâm Khúc, câu số 65-68)
Khổ đau thật sự theo Phật giáo không phải vì vô thường, mà vì lòng tham ái, chấp thủ. Do lòng tham ái muốn nắm giữ cuộc sống không ngừng trôi chảy biến dịch mà cảm thấy khổ đau. Phật giáo đi sâu vào bản chất khổ đau, thấy được sự thật, căn nguyên của từng nỗi khổ đau và tìm phương pháp làm triệt tiêu, chuyển hóa chúng.
II. Nhận Thức Sự Thật Về Khổ Đau (Dukkha) Trong Phật Giáo
             (Chân Lý Thực Nghiệm Về Khổ)
1. Trầm Tư Về Cuộc Đời
Những bậc vĩ nhân như các triết gia, thi sĩ, văn sĩ cũng như thái tử Tất Đạt Đa đã từng có những giây phút trầm tư về cuộc đời, về những khổ đau của nhân loại, đau khổ còn gợi cho các văn thi sĩ sáng tác những tác phẩm bất hủ. Chẳng hạn qua bài hát “Trở Về Cát Bụi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
“Này là nhà lớn, lầu vàng son, này là lợi danh, chức quyền cao sang, có nghĩa gì đâu sẽ mất người ơi, như nước trôi qua cầu. Này là lời hứa, lời thủy chung, này là tình yêu chót lưỡi đầu môi, có thế mà thôi sẽ mất người ơi, như áng mây cuối trời”. Vì cuộc đời đen bạc, nhạc như nước ốc, bạc như vôi nên nhạc sĩ lại tha thiết gởi gấm lòng mình “Cuộc sống mong manh xin nhắc ai đừng đổi trắng thay đen”.
Xuân Diệu cũng có nhiều trăn trở, khắc khoải về khổ đau của kiếp người, cuộc đời đối với nhà thơ thật buồn theo giọt lệ lăn dài theo thời gian:
“Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi trong giọt lệ giữa không trung
Trong những đời đau khổ ấy tôi sinh
Như đoạn kết nỗi buồn trong thiên hạ
Như góp thu giọt lệ của muôn đời.
Máu của linh hồn và nước mắt
Còn rơi biết tới thuở nào trôi!”. (Sđd-câu 72-83)
Hay như Thái tử Tất Đạt Đa sau khi thăm bốn cửa thành, chứng kiến các khổ đau kiếp người. Ngài buồn ủ rũ giữa cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh.
“Em ơi!
Làm sao nguôi quên
Trước thời gian hung hãn
Làm sao ngăn cản
Cảnh vật chẳng điêu tàn
Mắt trong của em rồi sẽ mờ đục
Môi đỏ của em rồi sẽ úa màu!
Xuân xanh hạnh phúc là hư thật?
Cay đắng làm sao hóa ngọt ngào”. (Ánh Đạo Vàng của Võ Đình Cường)
Từ tư duy về nỗi khổ sanh lão bệnh tử của kiếp người, Ngài không muốn thứ hạnh phúc tạm bợ, mong manh. Ngài muốn tìm con đường giải thoát cho mình và tất cả chúng sanh. Ngài đã mở ra cho nhân loại một nhận thức mới, một lối sống mới để có thể cảm nhận nguồn hạnh phúc vĩnh hằng từ cuộc sống thực tại.
2. Sự Thật Của Khổ Đau.
Khổ là nguyên lý chạy dài và bao trùm hệ thống tư tưởng Phật giáo, “Khổ” là một chân lý thực nghiệm, không những chỉ sinh, lão, bệnh, tử mới là khổ. Còn bao nhiêu cái khổ khác đầy phiền toái. Nhận thức cái khổ (Dukkha) nghĩa là phải nhận chân một cách rõ rệt và xâu xa tính cách vô thường, vô ngã chống đối nhau của vạn sự, vạn vật. Con người phải thực nghiệm một cách sâu sắc, thâm thúy cái “Khổ” ấy, cái sự thật vô thường, vô ngã, bất tịnh và mâu thuẫn ấy. Có như thế con người mới đặt vấn đề cần thiết. Tìm nguyên do sự khổ và phương pháp diệt khổ.
Chính vì khổ đau của chúng sanh là đôỉng lực đưa đến sự thị hiện của chư Phật ở thế gian.
“Khổ” do chữ “Dukkha” mà ra, “Du” nghĩa là khó, “Kkha” là chịu đựng, là những kham nhẫn, là đau khổ. Tàu dịch là Khổ, nghĩa là đắng. Nói rộng ra “Khổ” là trạng thái bất như ý, mọi khát vọng chủ quan bị bác bỏ, thiếu hụt mọi thứ, là cái gì khó chịu đựng lâu dài, khổ có thể về tình cảm, về tinh thần, khổ về thân xác và mọi thứ khách quan chung quanh. Khổ là một kinh nghiệm mà bất cứ hữu tình nào cũng thể hiện hơn một lần ngay cả bản thân mình, không nhiều thì ít không một ai trốn khỏi cả.
Có một số người cho rằng đời là một bữa tiệc dài, không hưởng thụ cũng uổng. Do đó họ không để lỡ một dịp nào để hưởng thụ những khoái lạc vật chất. Nhưng họ không hiểu rằng những khoái lạc ấy là hư ngụy, giả tạm, giả dối, lừa phỉnh như người khát mà uống nước mặn, càng uống lại càng khát bởi lòng tham của con người là vô cùng, là túi tham không đáy, càng mong ước, khát vọng thì lại càng khổ đau.
Có bao nhiêu thứ khổ? Kể sao cho hết tất cả sự khổ của thế gian bởi sự khổ đau thì vô cùng. Song căn cứ theo kinh Phật có thể phân loại ra ba thứ khổ (tam khổ) hay tám thứ khổ (bát khổ).
a)         Ba khổ là:
            Khổ khổ.
            Hoại khổ.
            Hành khổ.
1)         Khổ Khổ:
Khổ khổ là cảm giác khổ đau về thân tâm hiện tiền, là sự bất toàn, không ổn, là vô thường, hoại diệt, kham nhẫn khó chịu, là cay đắng … Nói rộng ra “Khổ” là trạng thái bất như ý, mọi khát vọng chủ quan bị bác bỏ, thiếu hụt mọi thứ, là cái gì khó chịu đựng lâu dài, khổ có thể về tình cảm, về tinh thần, khổ về thân xác và mọi thứ khách quan chung quanh. Khổ là khổ không thể nói khổ là vui, không thể nói sanh lão bệnh tử là vui vẻ hạnh phúc. Khổ là khổ, không ai có thể nói khác đi được.
Mỗi chúng sanh tự mình là nạn nhân của bao nhiêu cái khổ, cái xấu xa. Thân thể chứa đầy bất tịnh, mạng sống mong manh lại thường sanh ra bệnh tật, đau yếu và những biến cố xảy ra chung quanh khiến cho con người không thể không lo âu và sợ hãi, không biết cái chết đến lúc nào và chết ra sao? Nên đối với sự sống chết, bệnh tật, đau yếu lại cộng thêm vào đó những thiên tai, bão lụt, động đất … con người không thể làm chủ được cho chính bản thân mình. Chỉ có diệu pháp thần dược của đức Phật mới có thể làm cho con người thăng hoa, vượt lên tất cả những khổ đau của cuộc đời.
2) Hành Khổ:
Đứng về mặt vật chất con người bị hoàn cảnh bên ngoài chi phối, phá hoại. Về tinh thần lại không thể tự chủ, yên ổn, an vui … trong từng phút, từng giây, từng sát na. Thân thể và tâm hồn con người âm thầm thay đổi không ngừng, thường bị dục vọng lôi kéo trong vọng tưởng, tà kiến, vô thường chấp là thường, vô ngã chấp là ngã … nên bị luân hồi sanh tử triền miên.
Đức Phật dạy rằng: “Thực tế cuộc đời người ta ngắn ngủi, giới hạn, phù du, đầy khổ não, dày vò. Nó giống như giọt sương buổi sáng tan đi khi mặt trời vừa mọc, nó giống như bọt nước, như một đường vạch trên nước, như một dòng thác cuốn đi tất cả những gì nó gặp và trôi chảy mãi không ngừng, nó giống như con vật tại lò sát sinh, lúc nào cũng đương đầu với cái chết”.
(An,III,70)                                                                                                                       
Tất cả mọi sự vật trên đời, đau khổ là một quá trình được tạo tác mà nguồn gốc là từ con người, là nguyên nhân chính yếu của nỗi khổ đau. Xét kỹ hơn, tâm hồn còn bị chi phối bởi tiềm thức nó sai sử một cách mãnh liệt trong mỗi ý nghĩ, mỗi hành động như buồn, giận, ghét, thương. Con người còn bị chi phối bởi dục vọng, tiềm thức và luôn chịu dưới sự điều khiển của chúng. Đó là Hành Khổ.
3) Hoại Khổ:
Trong kinh Kim Cang đức Phật dạy: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, vạn vật trong vũ trụ đều bị vô thường chi phối, đều phải biến chuyển không ngừng, chúng bị sanh, trụ, dị, diệt hoặc thành, trụ, hoại, không.
Chúng ta đang ở trong cuộc chiến đấu để được trường tồn, nhưng không có ai còn hiện hữu khi cuộc sống của người ấy chấm dứt. Muốn có được dục lạc, ta cũng phải tranh đấu vật vã không kém nhưng điều đó cũng vô vọng, vì dục lạc và hạnh phúc thế gian tạm thời, chóng qua. Chúng đều phải bị hoại diệt, ta hoàn toàn bất lực trước thời gian.
Chúng ta đang sống một cuộc đời thiếu ý nghĩa, nếu chúng ta cảm thấy rõ rằng lòng ham muốn của chúng ta khó có thể thỏa mãn thì ta phải tìm phương cách thoát ra những cảnh khổ mà ai ai cũng phải chịu. Muốn đạt đến mức tự vượt con người không chỉ tự nhận khổ đau với sự thật hiện tại, mà còn phải biết nguồn gốc của sự khổ đau đến từ đâu.
“Niềm vui qua mau quá
Nỗi buồn sao mênh mang?
Thuyền trôi trong bến lạ,
Nhiều cay đắng bẽ bàng.
Nhìn đời qua ảnh củ,
Treo trong nhà u mê.
Thì làm sao mỗi sáng,
Thấy xuân nhẹ bước về?”
        (Cây Đời Màu Xanh của Tiểu Viên, Thiền ca 99)
b) Bát Khổ.
Phật học còn nói đến tám thứ khổ thế gian đó là sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ và ngũ ấm xí thạnh khổ. Tám thứ khổ này quay cuồng chúng sanh trong vòng xoáy tội lỗi, nhiễm ô, hụp lặn trong biển đời dâu bể.
1) Sanh Khổ:
Nói đến sanh khổ, Phật học thường nhấn mạnh hai điểm là khổ trong lúc sanh và khổ trong đời sống.
Kinh dạy rằng: “Mỗi mỗi loài chúng sanh trong từng giới loại, sự sản xuất, xuất sanh, xuất thành, tái sanh, sự xuất hiện của các uẩn hoặc sự đắc thành các căn gọi là sanh”. (Trung Bộ III, Đế Phân Biệt Tâm Kinh, tr 471)
a. Khổ trong lúc sanh: “Với con người, sanh có nghĩa là từ khi kết thai cho đến khi ra đời, sự kết thai khởi đầu đã là khó khăn, phải có ba điều kiện thai nhi mới hình thành nghiệp thức, tinh khí của cha mẹ và phải trong thời kỳ người mẹ có thể thụ thai” (Kinh Đại Duyên, Trường Bộ III)
Chín tháng trong lòng mẹ, với thai nhi là cả thời gian dài dằng dặc và hãi hùng. Khi thì nghe nóng như ở sa mạc nắng cháy, khi thì nghe như ở giữa tuyết lạnh. Thức ăn và những chuyển biến của người mẹ đều có ảnh hưởng mạnh vào thai nhi. Thai mỗi ngày mỗi lớn thì người mẹ phải mệt mõi nặng nề, đi đứng khó khăn. Thai nhi tăng trưởng và hình thành ngoài sự mong muốn của mình, đây là điều khổ lớn.
Lại nữa, nghiệp thức vào thai là kết quả của ái, thủ, hữu, vô minh, khiến quên hết những gì thuộc về đời sống quá khứ của mình. Đây là điều khổ lớn khác.
“Thảo nào khi mới chôn nhau,
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra.
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,
Ai bày trò bãi bể nương dâu”.
(Ôn Như Hầu)
b. Khổ Trong Đời Sống: Về phương diện vật chất hay tinh thần, đời sống đều có nhiều điều khổ sở.
Về vật chất, con người đòi hỏi những nhu cầu thiết yếu như món ăn, thức uống, đồ mặc, nhà ở, thuốc men. Muốn có những nhu cầu ấy con người phải cần lao kham khổ, đổ mồ hôi sôi nước mắt, cực nhọc vô cùng … mỗi người một cảnh khổ khác nhau, giàu cũng khổ, nghèo cũng khổ … không thể nói cho hết được những khổ đau của kiếp người trong cõi thế.
Về phương diện tinh thần, đời người cũng có nhiều điều khổ sở, khổ về tinh thần còn khủng khiếp hơn nhiều, hơn cả những thiếu thốn vật chất. Về sự học hỏi, thực nghiệm từng trải của con người lắm khi phải trả một giá rất đắt, ta phải bị phỉnh gạt, lừa dối, áp bức, kẻ nọ oán thù, người kia ganh ghét …. Con người phải luôn đối phó với bao tình huống, có khi vui vẻ hạnh phúc nhưng lắm lúc cũng trớ trêu nghiệt ngã không cùng … niềm vui chỉ thoáng qua rồi chợt tắt, còn nỗi đau khổ cứ trải dài theo năm tháng, theo nhịp gõ khắc nghiệt của thời gian.
2. Già Là Khổ:
“Sự niên lão, sự hư họai, trạng thái rụng răng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ rút ngắn, các căn biến hoại. Như vậy gọi là già”.
  (Đế Phân Biệt Tâm Kinh, Trung Bộ III, tr 471)
Ai lại không muốn mình trẻ mãi, càng mong trẻ thì càng thấy khổ và già. Già là sự kiện không ai mong muốn nó đến nhưng nó cứ đến, như hoàng hôn, như chiều tà, vùi chôn bao mộng ước. Có nhiều người chưa kịp già đã chết, hoặc chết từ trong bụng mẹ, chết khi còn ấu thơ …
Nếu trẻ là đẹp và đầy sức sống bao nhiêu thì già càng ngược lại bấy nhiêu. Càng già, khí huyết càng hao mòn, tóc bạc, da nhăn, mắt mờ, tai điếc, các căn suy hoại …. Già cướp đi sức khỏe, cướp đi cái thứ hạnh phúc của ăn, mặc, ngủ …. Nó như con ngựa bất kham trên đường dài ngàn dặm … Ở đó, cái chết đang tiến gần, cái mà mọi người đều sợ hãi.
“Già nua là cảnh điêu tàn,
Cây già cây cỗi, người già người suy”.
Tiết thương cho tuổi trẻ đã trôi qua, mà cuộc đời này ta còn lại gì? Tuổi già, bóng xế trăng lu, mờ mờ một áng mây trôi cuối trời.
“Già lụm cụm mắt mờ tai điếc,
Thời tráng niên oanh liệt còn đâu?”
Thật đúng là “Lão khổ”.
3) Bệnh Khổ: 
Thân tứ đại có ai thoát khỏi bệnh đau, bệnh hành hạ xác thân con người, làm cho nó khổ sở, đau đớn khó chịu. Đã đau bất luận là đau gì, từ cái đau lặc vặt như chóng mặt, nhứt đầu … đến như đau trầm trọng như đau tim, gan, bao tử … đều làm cho con người phải rên xiếc, khổ sở, khó chịu, không ăn được, ngủ được. Nhất là những căn bệnh trầm kha lâu ngày khó chữa thì lại càng hành hạ xác thân, thân thể đau nhứt mõi mệt, chán đời, cầu chết không được, cầu sống không xong, dở dở ương ương ngày qua tháng lại thật là khổ sở, than ôi!
Thân đã đau mà tiền lại hết, có nhiều người sau một trận đau, chỉ còn hai bàn tay trắng, cho nên ngạn ngữ có câu: “Bệnh thì giỏi cũng thành dở, giàu thành nghèo, sang cũng thành hèn”.
Ngoài ra, bệnh còn làm cho cha mẹ, bà con, anh em, quyến thuộc buồn rầu, lo sợ, hao tiền tốn của, mệt mõi trăm bề. Thật đúng là bệnh khổ.
 4) Tử Khổ:
Trong bốn hiện tượng sanh, già, bệnh, chết, thì chết làm người ta kinh hãi nhất.
Mọi người trên thế gian đều phải chết, chỉ khác nhau chết sớm hay muộn mà thôi, chết nhẹ nhàng hay chết trong đau đớn, quằn quại tùy theo cận tử nghiệp của mỗi người.
Cũng có người chết bất đắc kỳ tử vì tai nạn, thiên tai như trận sóng thần vào ngày 26-12 vừa qua tại các nước Đông Nam Á, làm cho hàng ngàn người tử vong, thây nổi đầy biển cả làm mồi cho cá và nạn động đất tại Nhật Bản … đã làm cho những người thân ruột thịt đau đớn không nguôi, cả thế giới phải kinh hoàng, sợ hãi.
Những chiến tranh loạn lạc, máu chảy thành sông, xác phơi đầy đồng, làm mồi cho chim trời, khiến cho con xa cha, vợ lìa chồng, tiếng kêu than dậy trời ngập đất.
Lại cũng có những cái chết thật nhẹ nhàng qua một giấc ngủ ngàn thu nhưng không kém phần đau khổ.
“Một giấc ngủ không bao giờ dậy,
Ngàn năm ngăn cách chẳng ngày mai.
Đó là chia ly, là tử biệt
Chẳng bao giờ nghe được tiếng con…”. (Lời Nhắn Nhủ Của Mẹ)
Có những người lực sĩ, những kẻ giàu sang tỷ phú, những bậc vua quan “vạn tuế … vạn tuế” tưởng chừng như sống trăm năm, nhưng chỉ một cơn gió thoảng qua làm tay chân cứng đờ, lăn đùng ra đất, hai mắt không nhắm lại được. Than ôi!
“Dép lên giường xuống giường vội biệt,
Sống ngày nay ai biết ngày mai”.
Cái chết đến với con người thật bất ngờ, không hẹn trước với một ai. Khi sắp chết, tâm hồn rối loạn sợ hãi vô cùng, phần xót thương cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái từ đây đoạn tuyệt, phút chia ly vĩnh biệt này thật đau đớn biết bao.
Người chết ra đi một thế giới nào thật mịt mù xa lạ để lại cho người sống bao nỗi lưu luyến, tiếc thương, những giọt nước mắt tang thương và não lòng biết bao. Có khi quá đau khổ vì vĩnh biệt sinh ly người ta không khóc được, chỉ biết câm nín, nỗi đau lặng vào hồn không nói nên lời được nữa.
Cái chết làm cho tứ đại phân tán như ngàn kim châm đau đớn không cùng, thân thể tan rã, hư hoại, thần thức theo nghiệp dẫn đi thọ sanh ở một cõi nào chưa rõ. Thật đáng sợ và vô nghĩa thay cho một kiếp người.
Càng muốn ham sống thì lại càng sợ chết, càng sợ chết thì tâm lý càng dao động và có thể nhiều bất thiện tâm và đọa vào đường ác, nếu không biết tu tập giải thoát.
5) Ái Biệt Ly Khổ:
Ái biệt ly là đối tượng thương yêu bị xa lìa, cho nên sinh ra thất vọng, sầu não và khổ đau.
Những gì muốn nghe, muốn biết, muốn xúc chạm, muốn tận hưởng lại không đến, không tồn tại bên mình nên sanh cảm thọ khổ đau. Có khi người mình yêu mến cách xa ngàn dặm mà không có ngày tao ngộ, đây cũng là điều làm cho con người đau khổ suốt cuộc đời.
“Bốn phương mây nước người đôi ngã,
Hai chữ  tương tư một gánh sầu”.     (Tảng Đà)
Trong cái tình yêu thương giữa vợ chồng con cái, anh em đang mặn nồng, thắm thiết mà bị chia ly thì thật không có gì đau đớn hơn. Sự chia ly có hai loại đó là sanh ly và tử biệt.
a. Sanh ly khổ: một gia đình đang sống đầm ấm vui vầy, bỗng vì hoàn cảnh bắt buộc, hay vì tai nạn chiến tranh loạn lạc mỗi người một nơi, kẻ đầu này trông đợi, ngước góc kia đứng chờ. Thật đau lòng xót dạ.
b. Tử biệt khổ: Nhưng, mặc dù xa cách nhau, người sống còn có ngày gặp lại, chứ chết rồi có bao giờ được đoàn tụ? Do đó, lâm vào cảnh tử biệt này thật đáng sợ. Đau thương và tuyệt vọng hãi hùng.
6) Mong Cầu Không Được:
Sống thì ai cũng bị sanh, lão, bệnh, tử và muôn vàn sự trái ý, nghịch lòng, bất hạnh, khổ đau …. Nhưng lòng thì luôn mong cầu đừng bị những nỗi khổ của cuộc đời dày vò, chi phối. Mong được giàu sang, hạnh phúc, mong gặp người thật lòng yêu thương mình …. Mong ước những điều cũng có thể thành tựu được, nhưng cũng có vô vàn mong ước viễn vông để rồi thất vọng u sầu.
Người ta ở đời hể hy vọng càng nhiều thì thất vọng càng lắm, số người được tọai nguyện thì quá hiếm hoi và quá đỗi mong manh, mà người thất bại, bất như ý thì không sao kể được. Cuộc sống còn có những mong ước thiết tha khác nữa: mong muốn lấy được và sống trọn đời bên người mình yêu thương, mong được hạnh phúc đến đầu bạc răng long, mong có bạn tốt, mong được giàu sang …. Có những mong ước không bao giờ trở thành hiện thực nhưng mà người ta vẫn cứ ước mong. Long lanh và đầy ắp những giọt nước mắt của Chức Nữ, Ngưu Lang, của vợ xa chồng, con xa cha mẹ.
Trong đời danh vọng, tiền tài, vinh hoa phú quý là miếng mồi ngon mà mọi người trong đời hầu như đều yêu thích và nổ lực không ngừng để đạt được, có người còn dùng nhiều thủ đoạn, mưu mô, phỉnh gạt người, đảo điên, điên đảo giữa dòng đời trôi cồn cuộn có trộn lẫn cả máu, mồ hôi và nước mắt của con người.
Thất vọng vì vật chất cũng nhiều và đầy khổ sở, nhưng thất vọng làm cho người ta còn đau đớn hơn gấp vạn lần đó là thất vọng về tinh thần, thất vọng về tình duyên, trong trường tình ái thử hỏi mấy ai được tọai nguyện và sống hạnh phúc trong tình yêu. Thật là đau lòng và không sao kể xiết. “Đấy là cầu bất đắc khổ”.
7) Oán Tắng Hội Khổ:
Con người ở trong cảnh thương yêu chẳng ai muốn chia ly, cũng như ở trong thù ghét, chẳng ai muốn gặp gỡ. Nhưng ở đời con người phải thường chịu cảnh xa lìa người mình yêu thương lại phải thường găỉp gỡ kẻ mình không ưa thích thù nghịch lẫn nhau.
Người ta thường nói: “Thấy mặt kẻ thù như kim đâm vào mắt. Ở chung với người nghịch, như nếm mật nằm gai”.
Tóm lại, yêu thương mà các đối tượng yêu thương bị xa lià, ly biệt thì sẽ  thất vọng, sầu não và khổ đau, nỗi đau về tình ái mới thật tái tê và kinh khủng có khi đến suốt cả cuộc đời.
Những gì mình ghét bỏ mà phải chung đụng, gặp gỡ thật cũng khó chịu, bực bội vô cùng. Để rồi oan gia, nghiệp báo cứ kéo dài mãi từ đời này sang đời khác.
8) Ngũ Ấm Xí thạnh Khổ:
Là khổ đau được Đức Phật tóm lại trong năm thủ uẩn là khổ.
Sự thật bảy cái khổ trên đều do năm uẩn sinh ra do sự chấp trước năm uẩn để từ đó gieo ra cảnh khổ và nghiệp quả.
Biển khổ tam giới chính là năm uẩn. Tất cả năm uẩn do điều kiện sinh ra, do nhân duyên sinh nên nó biến dịch thay đổi, vô thường. Con người không thể làm chủ được chính những biến đổi của bản thân, cảnh vật, cuộc sống và thiên nhiên. Theo quy luật tự nhiên, nhan sắc của con người cũng sẽ dần biến hoại.
Tất cả sự vật đều do điều kiện sinh, khi các điều kiện có mặt thì nó tồn tại, khi các điều kiện nhân duyên tan rã thì nó tan rã. Chính khổ đau là do biến dịch vô thường nó đem lại nỗi nhứt nhối cho con người và nhân loại.
Nói rõ hơn, năm uẩn thật sự không khổ đau, sự chấp thủ về năm uẩn mới là khổ đau. Còn năm uẩn cứ tiếp tục thay đổi lạnh lùng và cuồn cuộn chảy theo dòng thời gian, nó đi đi mãi không đợi ai, điều đó khiến con người khổ đau. Đó là sự thật khổ đau của bậc Thánh.
Người đời quen nhìn sự vật bằng con mắt hời hợt, đuổi theo những dục lạc tầm thường, mà không biết rằng vui buồn, sung sướng, khổ đau, cười khóc, tái ngộ, chia ly … đều là cái mặt phải trái không tách rời nhau trong cuộc sống. Đời sống con người có muôn chiều, muôn mặt thì nỗi khổ con người cũng như thế.
Cái thân tứ đại của con người cũng gọi là thân ngũ ấm. Sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm và thức ấm ấy con người không biết bao nhiêu là điều khổ. Năm uẩn do duyên sanh nên vô ngã, vô thường. Vì vô thường, biến hoại, đi ngược với tham ái và chấp thủ của con người nên khổ đau.
Vì vô minh con người chấp thân sắc uẩn, chấp cảm thọ, tư duy, hiểu biết… là của mình, là mình, là tự ngã của mình, nên khi chúng thay đổi, biến dịch thì nghe mình khổ đau. Cái thân tứ đại cho đến các tế bào trong cơ thể chúng ta thay đổi trong từng giờ, từng sát na mà ta không hay biết.
Sống với năm uẩn như sống trong căn nhà đang bốc cháy. Lửa tham, lửa sân, lửa si đang bốc cháy ở sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Chấp nhận thân năm uẩn là mình thì sẽ bị thiêu cháy. Như vậy năm uẩn là khổ, cho nên điểm trọng yếu của chân lý về Khổ Đế là ngũ uẩn. Ta phải hiểu rằng, điều quan trọng chân lý thứ nhất là thấy được ngũ uẩn, thấy được nguyên nhân và con đường thoát khổ.
Như thế, chúng ta thấy rằng, sỡ dĩ con người luôn bị “Tam khổ” và “Bát khổ” chi phối làm đau khổ là vì con người luôn cho thân ngũ uẩn này là có thật, là của ta. Mà đã quan niệm của ta thì luôn sanh tâm chấp thủ, giữ gìn. Nên khi bị mất đi, sanh luyến tiếc, đau khổ. Vậy chúng ta biết rằng những thống khổ của con người đều do chính con người tạo nên. Và khi đã nhận chân được thân ngũ uẩn này là vô thường, là không thật có thì lúc đó những sự khổ đau không còn tồn tại.
III. Nguyên Nhân Khổ Đau Theo Phật Giáo:
1. Nhân Tố Đưa Đến khổ Đau Là Khát Ái:
Đức Phật giải thích nguồn gốc của khổ đau, bất toại nguyện.
Trong nền giáo lý đạo Phật không có một đấng tạo hóa nào ban phước lành hoặc giáng khổ đau, tai hoạ cho con người hay kiểm soát vận mệnh con người. Về cái khổ của con người, Phật giáo không đặt trách nhiệm vào một động lực nào ngoài con người, mà tìm nguyên nhân sâu kín bên trong con người. Nguyên nhân ấy là ái dục, chính ái dục bị vô minh chi phối đã đem lại trạng thái bất như ý và chính năng lực mạnh mẽ của ái dục đã làm bốc cháy khát vọng và làm luân chuyển mãi kiếp sinh tồn đầy khổ đau của nhân loại, quay mãi trong guồng quay vô tận. Chỉ có diệu pháp của Phật mới có đủ năng lực đưa con người thăng hoa và tìm được nguồn hạnh phúc miên viễn.
Ái dục không chỉ là nguyên nhân đưa chúng sanh đến kiếp hiện tiền, mà cũng là đôỉng lực đẩy chúng sanh vào kiếp sinh tồn quá khứ và tương lai. Thật vậy, ái dục ở đời được thể hiện bởi lòng ham muốn, sự khát khao, sự say đắm mê mờ. Nó đưa đến kết quả của sự khổ đau, đè nặng lên thân phận con người như lời đức Phật dạy:
“Từ tham dục nẩy mầm đau khổ
Từ tham dục nẩy mầm sợ hãi
Với ai thoát vòng tham dục
Thì không còn khổ đau, không còn sợ hãi”.
Đức Phật dạy rằng: Nguyên nhân chủ yếu của mọi khổ đau là “Khát ái”. Trong kinh Chánh Tri Kiến, Trung Bộ I, Tôn giả Xá Lợi Phất bàn đến ba nhóm ái như sau:
“Này chư hiền, thế nào là sự sinh khởi của khổ đau? Chính là ái hướng đến một đời sống khác, đi cùng vơí hỷ và tham, tìm kiếm hỷ lạc ở chỗ này, chỗ kia, đó là dục ái, hữu ái và vô hữu ái. Này chư hiền, đây là nguồn gốc của khổ đau”.
Con người luôn luôn bị những gì thích thú và vừa lòng thu hút và trong cuộc mưu tìm dục lạc, không ngừng chạy theo chúng trong tham vọng, khát khao và mong muốn thỏa mãn dục vọng. Họ tự buộc chặt trong vòng luân hồi, tự mình dày xéo tâm hồn trong khổ đau và tuyệt vọng trong bến mê mà không biết lối ra. Con người khát khao hít thở hạnh phúc, mơ ước một hạnh phúc chân thật và trường cửu, nhưng thế gian này có gì là trường cửu chứ? Tất cả rồi sẽ bị hủy diệt theo thời gian đầy khắc nghiệt, cho cuộc sống con người thêm bơ vơ và khắc khoải, khổ đau và điên cuồng trong dục vọng của chính mình.
“Lạc thú là dây trói buộc, một thích thú ngắn ngủi, rất thú vị, dẫn đến đau khổ, u sầu đằng đẵng. Bậc thiệân tri thức biết rằng mồi đã móc vào lưỡi câu”.
(Kinh Pháp Cú, 216)
Khuynh hướng của con người là tìm kiếm và ham thích những sắc đẹp, âm thanh du dương ru dịu lòng người và tránh xa các thanh, hương, vị , xúc trái ngược. Lòng tham ái càng nặng thì chấp thủ ngã càng nặng, thức càng được nuôi dưỡng. Đây chính là động cơ, là nghiệp lực dẫn đến tái sanh đời này, đời khác. Những ham muốn năm trần ấy được gọi là Dục Ái.
Khi năm trần ấy thay đổi thì khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Ngay cả khi con người đang nắm giữ năm trần đẹp ấy, thì nỗi lo sợ năm trần biến đổi, hoại diệt cũng đủ gây khổ đau ray rức lòng người.
Con người ham muốn và bị lệ thuộc vào tình cảm cũng như vật chất. Chưa có muốn cho có, có rồi lại gìn giữ nó, gìn giữ rồi lo sợ bị mất đi cũng làm cho ta đau khổ lắm rồi, tâm hồn luôn bị xáo trộn. Có phút giây nào ta quay về với chính mình và nghe lòng đầy thư thái thanh thản chăng?
Kinh Tứ Thập Nhị Chương đức Phật dạy rằng: “Người chạy theo tình dục cầu mong được thanh danh, là một điều dại dột đáng thương, vì khi thanh danh vừa được hiển lộ thì thân thể đã hao mòn. Cho nên kẻ chỉ ham danh, cầu lợi … mà không lo tu thân, học đạo thì thật uổng công, mệt xác, phí cả cuộc đời. Sự kiện đó như người đốt hương, khi người nghe được mùi hương thì nén hương kia đã tàn lụi, mà ngọn lửa hại thân lại theo sát bên mình”.
 Ước muốn của con người đã là vô cùng thì sự khát khao thỏa mãn của con người cũng là vô tận, lòng ham muốn không lúc nào để chúng ta được yên tỉnh.  Ước muốn thì phải được thỏa mãn, nhưng sự thỏa mãn chỉ trong phút giây rồi tan biến, còn đau khổ lại kéo dài theo năm tháng với những ước muốn không ngừng, vì thế suốt đời con người cứ mãi lận đận, gian nan.
Con người có thể phạm vào muôn vàn tội ác để thỏa mãn tham vọng, dục vọng. Con người còn trở nên gian xảo, dối trá, can tâm cắt bỏ tình thân thuộc và đành lòng tàn hại đồng loại, làm cho người khác phải thân sơ thất sở để mình được lợi lạc.
Nhân xấu thì đưa đến quả xấu và thế là ngọn lửa dục vọng, vị kỷ từ con người phát sanh trở lại thiêu đốt con người, làm cho cả tam giới bừng cháy, nhiễm ô và đầy tội lỗi. Cứ thế con người lại càng thất vọng và không tìm ra được niềm hạnh phúc mà họ mơ ước đến cháy lòng.
“Dục sanh chi phiền não,
Dục sanh vi khổ uẩn”.
(Kinh A Hàm)
Nên kinh lại nói: “Chúng sanh trong ba cõi, tham dục là gốc khổ đau”.
Bởi vậy lòng tham ái bao giờ cũng tạo nên đau khổ không những trong kiếp này mà còn vô số kiếp trong vòng luân hồi sanh tử cho đến lúc chúng ta giác ngộ, giải thoát.
Khát ái là năng lực mạnh mẽ nhất trong guồng máy sanh tử khổ đau trong kiếp nhân sinh. Ngoài ra nguồn gốc của khổ đau còn phát xuất từ vô minh, phiền não đối trước mọi cảnh tượng của cuộc sống vốn đầy biến động và đổi thay không ngừng.
2. Vô Minh Là Nguồn Gốc Của Khổ Đau (Ngu Si).
Cái khổ mà đức Phật nói ở đây không phải là cái khổ vui đắp đổi trong kiếp sống hữu hạn, buồn, vui, giận, ghét …. Đức Phật muốn nói cái khổ lớn nhất mà con người và muôn loài trong tam giới phải gánh chịu mãi mãi, chính là cái khổ bị dai dẳng trong sự đùn đẩy vô tận của vòng quay luân hồi.
Cái khổ đó, bắt nguồn từ vô minh và ái dục. Vô minh là không có cái hiểu thấu được chân tướng của sự vật. Từ việc nhận sai lầm chỗ cốt lõi của vạn pháp mà con người cứ tiếp tục sống trong vòng tạo ác nghiệp, tham đắm chấp trước.
Ái dục, tham đắm, hận thù, chấp mê là những sợi dây kiên cố, vững bền vô cùng đã buộc chặt thân phận con người vào cổ xe luân hồi chạy thênh thang qua các cõi mù mịt không biết lối ra.
Nói đến vô minh tức là nhìn sự vật không đúng sự thật. Nghĩa là, nếu chúng ta không phát triển khả năng tập trung tư tưởng và quán chiếu nội tâm, chúng ta không thể thấy được thực chất của sự vật, nhìn sợi dây tưởng con rắn, nhìn cái bóng tưởng con ma.
Khế kinh Phật dạy: “Trong các cảnh khổ, không cảnh khổ nào bằng khổ ngu si. Cái cảnh khổ của lạc đà chở nặng qua cả sa mạc, hay cái cảnh khổ của rùa mù tìm bọng cây nổi trong biển cả … cũng chưa gọi là cảnh khổ. Cái cảnh khổ to tát của chúng sanh là bởi ngu si, vì con lạc đà chở nặng qua thời gian ngắn thì hết nặng, con rùa tìm bọng cây trong biển cả, tuy khó khăn thật nhưng cũng hy vọng tìm được, còn kẻ vô minh đối với con đường sanh tử mênh mang, mãi mãi chỉ quanh quẩn trong vòng sanh tử luân hồi mà không biết lối ra”.
“Đêm dài cho kẻ thức
Đường dài cho kẻ mệt
Luân hồi dài kẻ ngu
Không biết chân diệu pháp”. (Kinh Pháp Cú)
Hạnh phúc ở cõi đời như một cái bóng mà mọi người cứ đổ đi tìm, để rồi phải thất vọng, ngao ngán với bao nỗi thống khổ vây quanh, đè nặng lên kiếp sống. Ở trong cuộc luân hồi thăng trầm, đổi thay, sinh diệt đầy phiền não, mà con người vẫn mãi bon chen tranh giành, hơn thua, tàn hại đồng loại không thương tiếc. Gây tạo bao ác nghiệp để rồi đến lúc lâm chung mờ mờ mịt mịt trong sáu nẽo luân hồi, bỏ lại tất cả bạc tiền, danh vọng thế gian, chỉ ra đi với hai bàn tay trắng cùng tội phước mà thôi.
Thế rồi cũng do si mê con người cứ đắm vào các danh, sắc, tướng của ngã và ngã sở, như vua Trụ vì đắm mê sắc đẹp khuynh thành của Đắc Kỷ mà cơ nghiệp thành than, tan tành theo mây khói.
Do chấp thủ cái “tôi” nên chúng ta tham ái và sân hận, tham đắm, khao khát các dục vọng, danh lợi của thế gian. Từ gốc rể và thân cây vô minh mọc ra cành lá tham dục, ham muốn, tham lam, hận thù, đố kỵ, ganh ghét, tự cao, tự đại …. Kể sao cho hết các tội lỗi của con người đã gây tạo.
“Kẻ ngu vì tham giàu
Hại mình và hại người
Ác nghiệp chưa chín mùi
Người ngu nghĩ là ngọt
Khi ác nghiệp chín mùi
Người ngu chịu khổ đau”. (Kinh Pháp Cú)
Hằng ngày chúng ta sống với vay mượn, vay mượn từ bên ngoài đất, nước, gió, lửa đến vay mượn kiến thức … chấp cái vay mượn đó là mình, là của mình, mà cái vay mượn đó luôn sinh diệt, đổi thay, vô thường, khổ, vô ngã … không có một thực thể cố định. Nên mãi tạo ra các khổ đau cho mình và người xung quanh. Nói cho cùng cũng do si mê, lầm chấp thân và tâm mà gây ra. Thân thì đầy bất tịnh, tâm vô thường lại cho là thường nên luân hồi khổ đau. Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật dạy rằng: “Tất cả chúng sanh vì vô minh che lấp mất chân tánh, bị dục vọng phiền não sai khiến tạo muôn ngàn việc ác vì đó mà trôi nổi trong biển khổ luân hồi”.
Con người phải căn cứ vào lời dạy của các bậc giác ngộ để học tập, để thực hành, trừ diệt tất cả vô minh đen tối che mất tâm trí. Một khi vô minh bị trừ diệt, trí tuệ Bát-nhã sẽ hiện rõ, con người có thể trực nhận được chân lý và phá tan tất cả mọi nghi ngờ vi tế nhất của phàm phu. Chỉ trong sự giải thoát này chúng ta mới tìm được hạnh phúc chân thật.
Hạnh phúc chân thật được diễn tả trong đạo Phật như là một sự vắng mặt của những khổ đau, là sự giải phóng con người ra khỏi dục vọng, hận thù và tối tăm, là sự đạt đến cái vô úy, trầm tỉnh, đại hùng, đại lực, đại từ bi khiến cho ta không còn là nạn nhân của sự sợ hãi của những thành bại, vinh nhục của cuộc đời.
Trên căn bản của sự giải phóng đó,  chắc chắn hạnh phúc sẽ là chân thật và bền vững. Chúng ta phải nhận thấy rằng, theo đuổi sự nghiệp giải thoát không phải là từ bỏ mọi hạnh phúc của cuộc đời, trái lại là để xây dựng một nền tảng vững chãi cho hạnh phúc.

Con đường thoát ra phải hướng vào nội tâm. Nếu suy ngẫm, ta không thể thấy ta tìm được gì ở bên ngoài ta. Số đông đi tìm giải pháp ở bên ngoài, qua những điều kiện tốt hơn, ít việc hơn mà người ta cho đó là hạnh phúc. Nếu ta có thể thấy được những điều ấy vô vọng lắm thay, ta sẽ không còn tìm kiếm ở bên ngoài nữa. Ta sẽ quay về nội tại để dần dần đi đến sự thật thứ ba, sự chấm dứt khổ đau gọi là giải thoát.
IV. Con Đường Sống Để Dập Tắt Khổ Đau-Vấn Đề Thoát Khổ.
1. Bát Chánh Đạo - Giới, Định, Tuệ.
Sự thật thứ tư là con đường, là phương pháp hành động để đạt đến một đời sống an lạc, hạnh phúc cho bản thân và cho xã hội. Ta phải biết con đường và phương pháp hành động sự thật này không phải là một giáo điều, trái lại là một kết quả của những chiêm nghiệm sâu sắc về cái sự thật thứ nhất, thứ hai và thứ ba cùng các kinh nghiệm sống của chúng ta về các sự thật ấy. Trong kinh ta thấy nói đến ngũ căn, ngũ lực, thất Bồ-đề, bát chánh đạo …, đó là những giáo lý thuộc sự thật thứ tư, những phương pháp có thể áp dụng trong đời sống để tiêu diệt khổ đau, kiến tạo an lạc. Những lời dạy này chỉ có giá trị và hiệu lực khi ta biết áp dụng vào cuộc sống và thực chứng bằng chính bản thân mình. Như người uống nước tự cảm nhận được nước nóng hay lạnh mà thôi. Đạo quả giải thoát chỉ trở thành hiện thực bằng sự tự tri, tự chứng, tự ngộ của bản thân mình.
“Người trí tu tập huệ
Sẽ hưởng được pháp lạc
Nguồn phước lạc vô song
Do thánh quả đem lại”. 
(Kinh Pháp Cú)
Như đã được lập luận nhiều lần, năm uẩn là khổ đau vì năm uẩn là vô thường. Ở đâu có vô thường thì ở đó có khổ đau. Thật ra, không phải vì vô thường mà khổ đau có mặt, mà là do nguyên nhân của sự chấp thủ hay ái thủ mà khổ đau có mặt.
Do con người khát ái sắc, ái thọ, ái tưởng …, khát ái có mặt thì khổ đau có mặt. Nếu con người không chấp thủ thì khổ đau sẽ không tồn tại, chỉ khi có sự chấp thủ thì mới thật sự có khổ đau.
Chính vì thế, chúng ta phải biết và nhận chân được bản chất của sự vật là vô thường, là những danh sắc trôi chảy, những trạng thái biến hiện trong dòng chảy sanh diệt, thành, trụ, hoại, không. Thân thể con người cũng vậy, từ thân thể đến ý thức đều là những trào lưu biến hiện, chợt yêu, chợt ghét, chợt buồn … trong ấy không có cái ngã tồn tại.
“Người đời phú quý mây tan hợp
Vàm danh khóa lợi nghĩ mà đau
Buồn vui chia xẻ nào hay trước
Thương ghét làm chi giữa lộn nhào”.
Cuộc sống trong thế nhân chỉ là một chuổi mắc xích vô tận, tất cả vũ trụ liên quan mật thiết với nhau tương quan thành một đại hệ thống của pháp tướng, nhưng rồi tất cả thành vô nghĩa, nhan sắc tàn phai theo năm tháng, anh hùng hào kiệt cũng phải đeo sầu. Ngẫm trong thiên hạ ai người trí thức, tài tình, danh lợi có nghĩa gì đâu? Giỏi như Hạng Võ tài cử đảnh, nơi chốn Ô giang cũng chịu cắt đầu, Hàn Tín công nghìn bao nhiêu trận, mà ấn Tề Vương được bao lâu?
Đức Phật dạy ta phương pháp chấm dứt luân hồi sanh tử là phải biết quay về thực tại, trở về với đời sống tỉnh thức. Từ đó, tâm hồn không còn chạy theo mọi kích động liên hồi của vật chất, của phiền não dục vọng, tham, sân, si. Càng phấn đấu trở về với tịnh tâm, thanh ý thì ta càng có nhiều cơ hội tỏ ngộ được chỗ mầu nhiệm, an vui vĩnh cửu muôn đời, vĩnh viễn thoát ly sanh tử, không còn các phiền trược của cuộc đời sai xử, tiến tới Niết-bàn.
Đừng vội phán xét rằng: Thế thì đạo Phật quá ư tiêu cực, là chủ trương xa lánh cuộc đời, là bi quan chán đời biến tất cả thành hư vọng. Dục vọng là nguyên nhân của khổ đau, là gốc của sanh, già, bệnh, tử và là muôn vàn nỗi đau khổ khác của cuộc đời. Nhưng con người không phải chỉ có dục vọng mà thôi. Con người còn có những gì thanh thoát cao siêu hơn dục vọng và si mê như là từ bi, hỷ xả, trí tuệ … những hạnh nguyện cao cả sống vì hạnh phúc cho muôn loài mà quên đi bản thân mình, làm thăng hoa nhân phẩm và cuộc sống đạo đức, tâm linh siêu thoát và vĩ đại. Niết-bàn không phải là hư vô mà là sự thực hiện toàn vẹn của những gì cao khiết nhất, thanh tịnh và nhiẹâm mầu nhất.
Sống trong cuộc đời vô thường, vô ngã, bất tịnh, khổ đau với bao thăng trầm sanh tử mà không thấy có vô thường, vô ngã, bất tịnh, khổ đau như hoa sen giữa bùn mà chẳng tanh hôi mùi bùn, tỏa hương thơm ngát.
“Bóng hình, hình bóng có rồi không
Sao nhọc lòng ta mãi phật phồng
Chân giả bao đời trong thô tế
Tử sanh hệ nghiệp có gì mong
Nương nơi quán trọ đâu tồn tại
Sực tỉnh quay về chủ nhân ông”. (Sđd, tr 102-107)
Trong kinh đức Phật dạy rằng: “Đại dương dù rộng lớn chỉ có một vị mặn và giáo lý của Ngài cũng như vậy. Mặc dù những lời dạy như đại dương, nhưng chỉ có một vị đó là vị giải thoát”.
Vấn đề giải thoát chỉ là vấn đề thay đổi nhận thức, dục vọng tiêu diệt, bi trí hiển bày … nhận thức biến đổi, vô thường, khổ đau, vô ngã, bất tịnh biến thành thường, lạc, ngã, tịnh, sanh tử, phiền trược là ở đấy, Niết-bàn, giải thoát cũng ở đấy, “Niết-bàn, sanh tử  thị hoa không”.
Muốn đạt đến trạng thái an lạc, hạnh phúc, Niết-bàn hành giả phải tu tập “Đạo đế” là con đường dẫn tới ly dục ái tận. Niết-bàn là phương pháp tu tập đúng như chánh pháp, là pháp môn thực hành hợp với chân lý và có năng lực đưa ta ra khỏi sanh tử luân hồi. Pháp môn tu tập của Phật dạy nhiều vô lượng vô biên nhưng chung quy không ngoài ba môn học “Giới, Định, Tuệ” hay nói một cách khác là “Bát Chánh Đạo”. Tám con đường chân chánh đó là đại lộ an vui hướng chúng sanh về bình minh, trí tuệ. Là chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc miên viễn, thường hằng; là con thuyền thanh lương đưa nhân sanh trở về bờ giác. “Bát Chánh Đạo” cũng là con đường Trung đạo, tránh xa hai cực đoan là khổ hạnh ép xác và ham mê dục lạc. Tám nguyên tắc hành động ấy có liên hệ nhân quả  rất mật thiết với nhau.
1.    Chánh kiến           Nhóm trí tuệ
2.    Chánh tư duy            (Pannà)
3.    Chánh ngữ            Nhóm giới luật
4.    Chánh nghiệp           (Sila)
5.    Chánh mạng
6.    Chánh tinh tấn      Nhóm định
7.    Chánh niệm              (Samadhi)
8.    Chánh định
Bát Chánh Đạo được xếp thành ba nhóm: Giới, Định, Tuệ. Ba nhóm này không phải là ba phân hạng riêng biệt mà là ba thành phần cố hữu tương quan lẫn nhau, của một con đường. Và ý nghĩa con đường này được kết tinh trong lời giáo huấn rất phân minh của chư Phật mười phương ba đời:
“Không làm các việc ác
Làm tất cả việc lành
Giữ gìn tâm thanh tịnh
Là lời chư Phật dạy”.  (Kinh Pháp Cú, câu 183)
Chủ động của những nghiệp quả xấu xa, là các hành vi, ngôn ngữ và ý tưởng mê vọng. Các “vọng nghiệp” này còn giúp sức cho dục vọng phát triển, vậy công việc, hành động trước tiên là phải đình chỉ chúng lại. Ba chi của Bát chánh đạo: chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là Giới. “Giới” chính là sự đình chỉ ấy, đình chỉ cho ba nghiệp thân, khẩu, ý được thanh tịnh không tuân theo những sai sử của dục vọng. Giới là nền tảng đầu tiên, là nền móng vững chắc để xây dựng căn nhà giác ngộ, giải thoát. Giới nuôi dưỡng tâm linh và làm cho tâm vững vàng an trụ.
“Kính lạy giới hay sanh định huệ
Chứng Bồ-đề khế hợp chơn như
Ác duyên ba nghiệp tiêu trừ
Tam thừa chứng quả vô dư Niết-bàn”.
Giai đoạn kế của con đường giải thoát là từ giới sanh định, bao gồm ba chi khác của Bát Chánh Đạo là chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Định này giúp tâm lặng lẽ, yên tịnh. Từ định này giúp ta có thể đi sâu vào tu tập quán chiếu loại bỏ dần những mê lầm, kiến chấp, tội lỗi tham sân si.
Do công năng từ giới, ý chí càng lúc càng mạnh, hành giả thực hành phép tập trung tư tưởng, dùng lực lượng thiền định để cắt xén dần những rể cây chằn chịt của dục vọng. Trải qua nhiều công phu miên mật, tâm an trụ sẽ có đủ khả năng vượt qua tất cả chướng ngại, khát vọng và si mê, lúc đó sáu căn không bị sáu trần làm xao động tâm thức vì đã thấy được thực tướng các pháp Vô thường, Vô ngã và Duyên sanh.
Khi đã được định rồi, ánh sáng trí tuệ tự nhiên sáng tỏ, thoát ra ngoài cái thấy biết của phàm phu là hệ quả của giới và định, là hoa trái của chánh niệm, của quá trình dày công tu tập. Trí tuệ này sâu xa không thể nghĩ bàn. Trí tuệ này bao gồm hai chi đầu của “Bát Chánh Đạo” là chánh kiến và chánh tư duy, giai đoạn cuối của con đường.
Trí tuệ càng tăng trưởng thì phá trừ tất cả dục vọng, sân hận, ích kỷ … tiêu diệt hoàn toàn mầm móng vi tế nhất của cội nguồn đau khổ “Nhân giới sanh định, nhân định phát huệ” là câu tóm tắt của Tam Học vậy. Giới, định, tuệ là một vòng tròn khép kín không thể thiếu, nó hổ tương, tác động cho nhau. Nếu hành trì thậm thâm ta sẽ thấy trong giới luôn có định và huệ, trong huệ luôn có giới và định. Tam vô lậu học sẽ đưa hành giả vào con đường xuất thế, có thể an trú Niết-bàn ngay trong cuộc sống hiện hữu. Ta có thể cảm nhận vị ngọt của Thánh quả bằng sự thực tu, thực chứng của chính bản thân mình.
Cũng như trong Bát Chánh Đạo, mỗi chi đều bao gồm cả tám chi, chi nào cũng làm nhân đồng thời cũng làm quả cho các chi khác. Tám chi của Bát Chánh Đạo một lượt, đạo Phật gọi đây là con đường của tám nguyên tắc hành động chân chính. Để cho muôn ngàn thống khổ, phiền não không còn bức bách thân phận con người và từ đó hạnh phúc, an vui sẽ chan hòa trong cuộc sống thì con người chúng ta cần phải thực hành nghiêm túc Bát Chánh Đạo mà đức giáo chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã dạy.
Hầu hết giáo lý của đức Phật đã giảng dạy suốt 45 năm đều đề cập bằng cách này hay cách khác đến con đường này. Ngài giảng giải nó bằng những lối khác nhau và những danh từ khác nhau cho những người khác nhau tùy trình độ phát triển của họ. Nhưng tinh túy của hàng ngàn bài thuyết pháp rải rác trong các kinh điển Phật giáo ấy, được tìm thấy trong Bát Chánh Đạo, chúng phải được phát triển gần như đồng thời với nhau, tất cả tám ngành đều liên kết với nhau và mỗi ngành giúp cho sự đào luyện các ngành khác.
Đức Phật không phủ nhận có hạnh phúc trong sự sống, khi Ngài bảo có khổ đau.. trái lại Ngài chấp nhận có những hình thái khác nhau về hạnh phúc, cả vật chất cũng như tinh thần của người thế tục cũng như người xuất thế. Trong Tăng Chi Bộ, một trong năm tạng nguyên thủy bằng tiếng Pali, chứa đựng những bài thuyết pháp của Đức Phật, có những bản kê những hạnh phúc như hạnh phúc của cuộc đời ẩn sĩ và hạnh phúc của cuộc sống gia đình; hạnh phúc của khoái lạc giác quan và hạnh phúc của sự từ bỏ thế tục; hạnh phúc của sự ràng buộc và hạnh phúc của sự giải thoát; hạnh phúc của vật lý và hạnh phúc của tâm linh …. Nhưng tất cả những điều này đều bao gồm trong Dukha. Cả đến những cảnh giới tâm linh rất thuần khiết của thiền đạt được nhờ thực hành thiền quán hoàn toàn thoát khỏi khổ đau theo nghĩa thông thường, những cảnh giới có thể gọi là hạnh phúc thuần túy cũng như cảnh giới thiền đã vượt khỏi những cảm giác vừa lạc vừa khổ và chỉ còn là thức thuần tịnh, cả đến những cảnh giới tâm linh rất cao siêu đó cũng được bao hàm trong Dukha.. trong một quyển kinh của bộ Majjhima-nikàya (cũng thuộc trong năm tạng nguyên thủy) sau khi ca tụng hạnh phúc tâm linh của những cảnh thiền ấy, đức Phật dạy rằng: “Chúng đều là vô thường, khổ (dukha) và phải đổi thay”. Hãy để ý rằng chữ Dukha đã được dùng đầy đủ ý nghĩa. Nó là Dukha không phải vì có “đau khổ” trong nghĩa thông thường của danh từ, nhưng bởi vì “cái gì vô thường là Dukha”. (yad aniccam tam dukkham). Đấy là một thực tại của kinh nghiệm, những sự vui  hưởng ấy không trường cửu. Khi hoàn cảnh thay đổi, bạn bị tước đoạt nguồn vui ấy, bạn trở nên buồn bả, mất quân bình, cả đến bạn có thể hành động một cách điên rồ. Đấy là khía cạnh xấu, không đẹp ý và nguy hiểm của bức  tranh, đây cũng là một thực tại kinh nghiệm của cuộc đời. Bấy giờ, nếu bạn không có gì lưu luyến, hoàn toàn không dính mắc, thì đó là tự do là giải thoát trong đời. Từ đây ta thấy rõ không có vấn đề bi quan hay lạc quan, mà vấn đề ta phải nhận rõ những khoái lạc của cuộc sống cũng như sự tự giải thoát khỏi chúng, để hiểu sự sống một cách toàn diện và khách quan. Chỉ khi ấy mới là giải thoát chân thật, bởi vì bản chất cuộc đời thật muôn màu, muôn vẻ “Hỡi những người Bà-la-môn, nó giống như một dòng thác đổ, chảy mau và trôi xa, mang theo nó mọi vật, không có lúc nào, phút nào nó ngừng chảy, và cứ tiếp tục chảy mãi, trôi mãi. Hỡi  những người ẩn sĩ, đời người cũng thế, giống như một dòng thác”. (A, Colombo, 1929, p, 700) như đức Phật dạy Ràtthapàla: “Vũ trụ là dòng tương tục và vô thường”.
Một sự vật biến đi, tạo điều kiện cho sự xuất hiện của vật kế tiếp trong một chuỗi dài nhân và quả. Không có gì là bản thể bất biến ở trong chúng, khi năm uẩn vật lý và tâm lý này vốn tương quan với nhau, cùng phối hợp hoạt động như một bộ máy vật lý, tâm lý, khi ấy ta có ý tưởng về “tôi”. Nhưng đây chỉ là một ý tưởng sai lầm, một sự tạo tác của tâm thức, hoạt động ấy là thân kiến.
Theo Phật học, một con người muốn toàn thiện phải có hai đức tính và phát triển như nhau là Bi và Trí, trong đó trí tuệ và từ bi liên quan mật thiết với nhau, trong đó Bát Thánh Đạo là tám phương tiện mầu nhiệm đưa chúng sanh đến đời sống chí diệu. Những kẻ phàm phu học đạo, noi theo pháp môn này mà tu tập thì khỏi lầm lạc vào nẻo nguy hiểm, lần hồi sẽ chứng quả hiền Thánh, tiếp tục nương theo tám phương tiện này thì sẽ đến Niết-bàn.
2. Nội Dung Tám Nguyên Tắc Hành Động Chân Chánh.
Bát Chánh Đạo, tám nguyên tắc hành động ấy phải được mỗi hành giả chiêm nghiệm và thực thi chính trong đời sống tu tập của mình được tóm lược như sau:
a) Chánh kiến:
Chánh kiến là thấy, nghe, hay, biết một cách ngay thẳng, công minh, đối với sự thật khách quan. Sự nhận xét sự vật không bị tập quán, tà kiến, dục vọng ngăn che hay làm sai lạc, biết phân biệt hư, ngụy vào sự lý chân thật làm cho trí tuệ sáng ngời, tiền trần không thể che ám được.
b) Chánh tư duy:
Người tu theo phép này thường suy xét đạo lý cao siêu, suy tìm đạo lý nhiệm mầu, biết xét những hành vi lỗi lầm, những ý nghĩ xấu xa để sám hối, biết suy nghĩ về ba môn Giới, Định, Tuệ để tu giải thoát.
c) Chánh ngữ:
Người tu theo chánh ngữ không nói lời sai quấy, không xuyên tạc, không
 vọng ngữ mà rất thận trọng lời nói và luôn nói lời chân thật, ngay thẳng và hợp chân lý lợi ích cho toàn thể chúng sanh.
d) Chánh nghiệp:
Là hành động, việc làm chân chánh, đúng với lẽ phải, phù hợp chân lý, có lợi ích cho nhân sinh, là người luôn thận trọng, giữ gìn mọi hành động của mình để khỏi làm tổn hại cho người khác, luôn hành động có lợi ích cho mọi người, mọi vật, thậm chí có thể hy sinh quyền lợi hay tánh mạng mình để giải thoát nỗi đau khổ của người khác, giữ gìn tam nghiệp cho thanh tịnh.
e) Chánh mạng:
Là sanh sống một cách chân chính bằng nghề nghiệp lương thiện, trong sạch, không tham lam làm giàu trên mồ hôi và nước mắt của người khác.
Người theo chánh mạng sống đúng chánh pháp, không mê tín và biết thân tứ đại là vô thường nên lấy tịnh giới làm thể, lấy trí tuệ làm mạng, bỏ niệm vọng cầu, an vui với chánh pháp.
f) Chánh tinh tấn:
Là chuyên cần siêng năng làm việc chánh nghĩa, lợi lạc cho mình và người.
Người theo đúng chánh tinh tấn, quyết tạo nghiệp vô lậu xuất thế gian, lấy chánh trí làm mãnh lực, lấy Niết-bàn làm chổ quy hướng, một lòng kiên thệ, định thành đạo quả, tự độ, độ tha.
g) Chánh niệm:
Là nghi nhớ những điều hay, lẽ phải, những đạo lý chân chính. Chánh niệm có hai phần là chánh ức niệm và chánh quán niệm.
Chánh ức niệm: là nghĩ nhớ đến các điều lỗi lầm để thành tâm sám hối và nghĩ nhớ tứ trọng ân.
Chánh quán niệm: là dùng tâm từ bi xét nghĩ cuộc đời là khổ não, bệnh tật, mê mờ mà chúng sanh đang mắc phải để mở rộng lòng thương yêu.
h) Chánh định:
Là tập trung tư tưởng vào một vấn đề chánh đáng, hợp chân lý, thường tập trung tư tưởng để quan sát những vấn đề sau:
            Quán thân bất tịnh.
            Quán từ bi.
            Quán nhân duyên.
            Quán giới phân biệt.
            Quán hơi thở.
 Bát Chánh Đạo là pháp môn rất được thông dụng và có lợi ích thiết thực: Có thể cải thiện tự thân, cải thiện hoàn cảnh. Nếu xã hội ai cũng đều chuyên tu theo tám đường chánh đạo này, không những có nhiều lợi lạc cho cuộc đời hiện tại mà còn gây tạo một tương lai tươi sáng, gieo trồng hạt giống Bồ-đề  để có thể gặt hái quả Vô Thượng Bồ-đề, Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
 C.   KẾT LUẬN. 
Quả thật, cuộc đời như ảo ảnh, như bóng mây tan hợp, là bể khổ chơi vơi, nó vẫn luôn tồn tại giữa cuộc đời một cách sâu lắng, mênh mang, có lúc bàng bạc. Nó không có hình dáng nhất định nhưng lại có thể giằng xé, vò nát tâm hồn con người qua những đêm dài không ngủ. Những khắc khoải, những nỗi đau xé lòng, cắn rứt mãi không nguôi qua năm dài tháng rộng, phá hại cơ thể khiến người ta phải ngày ngày sống trong nỗi đau đớn tuyệt vọng vô bờ. Những nụ cười héo hắc như những giọt lệ khô lăn dài theo kiếp sống phù du. Vận mạng con người thật quá đổi mong manh, bèo mây tan hợp như sương khói, như ráng chiều đỏ lựng cuối chân trời. Và hơn thế nữa, khổ đau có lúc mang những hình dáng thăng hoa, con người sống trong sự giàu sang, nhung lụa, đầy ắp tình yêu thương và hạnh phúc, có thể đưa con người đi vào những giây phút thật ngọt ngào, nhưng rồi tất cả những hạnh phúc, niềm vui đó không thể bền lâu mà thật ngắn ngủi, dễ vỡ như mây, như khói, có rồi không. Nó như mặt biển xanh rì làm êm dịu tâm hồn con người, nhưng có lúc nó nhấn chìm con người sâu vào lòng đại dương đầy đau khổ, thất vọng não nề, đau thương và sầu hận.
Không ai có thể phủ nhận, con người sinh ra để sống hạnh phúc chứ không phải sống để khổ đau hay vì mục tiêu nào khác. Con người khát khao hít thở hạnh phúc, chân lý và tìm kiếm chúng, đó là lý do tồn tại và phát triển các tư tưởng hệ. Trong guồng quay đó, sự xuất hiện của đức Phật đã khai sáng cho nhân loại cái nhìn mới đầy khách quan và rất thực tiễn, thực tại, có năng lực chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc chân thật.
Sau khi giác ngộ Vô Thượng Bồ-đề, bài pháp đầu tiên mà đức Phật đề cập không gì hơn ngoài cái Khổ của cuộc đời và Con Đường đi đến diệt khổ “Giáo lý Khổ Thánh Đế” mà Ngài đã dạy là một chân lý bất di bất dịch của sự thật cuộc đời, làm hiển lộ chân tướng của vạn hữu. Qua lăng kính “Khổ Thánh Đế”, đau khổ thật sự lộ ra bản chất chân thật của nó. Đức Phật đã gióng lên tiếng trống chánh pháp làm thức tỉnh tất cả chúng sanh đang mê ngủ giữa biển đời ô trược và đầy cạm bẫy. Chân lý được hiển bày rất rõ ràng và vi diệu dưới chân giáo nghĩa “Khổ Thánh Đế”. Đức Phật là nhà cách mạng vĩ đại đã làm xóa tan những màn đêm tăm tối, si mê, xóa bỏ mọi giai cấp vì tất cả chúng sanh đều bình đẳng như nhau “trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn” và đều có khả năng tự hoàn thiện chính bản thân mình làm thăng hoa cuộc sống thế nhân. Giáo lý của Ngài mở ra bầu trời hạnh phúc trong xanh, trăm hoa đua nở dâng tỏa sắc hương thơm ngát của Từ bi và Trí tuệ. Tinh thần tự chủ, tự tri, tự trách nhiệm, tự phát triển bản thân, tự mình làm hòn đảo, làm nơi nương tựa cho chính mình. Điều đó sẽ là nhân tố quan trọng để người học Phật tự hoàn thiện mình, kiện toàn đạo đức, nhân sinh phát triển tính tự cường, tính vô úy, tự tại an nhiên trước những biến động của hoàn cảnh, trước vật đổi sao dời. Con người của đích thực hiện sinh, của giáo lý Vô Ngã.
Nuôi dưỡng chánh niệm tỉnh giác là sự có mặt của trí tuệ nhân tố soi đường vào giải thoát và tri kiến giải thoát. Tại đây sự vật như thật hiện hữu đưa hành giả từ địa vị phàm phu lên bậc Thánh. Suốt quá trình tu tập, hành giả phải luôn đối diện với những chuyển biến tâm lý của tự thân. Đối diện với những tham ái chấp thủ, những bất trắc cuộc đời, những nghiệt ngã gian nan bệnh tật ốm đau của kiếp người, những chông gai trên đường tu tập vẫn luôn rình rập quanh ta.
Thế giới xung quanh ta là vô thường, bất toàn, ảo mộng, trống rổng và giả tạm. Mọi thứ hiện ra một cách hiện thực, rõ rệt, xác đáng. Thế giới tuy hiển hiện muôn màu nhưng không ngoài bốn trạng thái “sinh, trụ, dị, diệt”. Dòng đời sinh diệt quay cuồng nhưng không ngoài sự chuyển đổi mười hai chi phần Duyên khởi, để rồi cuối cùng Ngài tuyên bố với nhân sinh rằng “Đời là bể khổ” và chính trong khổ đau đó chúng ta mới thật sự tìm thấy nguyên nhân của khổ đau, sự an vui khi hết khổ đau và con đường đưa đến tận diệt khổ đau. Đây chính là cái nhìn hiện thực về nhân sinh và vũ trụ, không bi quan cũng không lạc quan. Bát Thánh Đạo là con đường trung đạo đưa nhân sinh đến bến bờ giải thoát, an vui.
Hạnh phúc và giải thoát phải do chính mình nổ lực tự thân, bởi có hạnh phúc nào mà không trả giá bằng sự khổ đau, có thành công nào mà không kinh qua nhiều chướng ngại. Càng trở ngại, gian nan thì thành công càng có giá trị. Giá trị mà chúng ta muốn nói ở đây là giá trị vĩnh hằng, là hạnh phúc vô song mà bao người đang tìm cầu, hầu thoát khỏi những khổ đau của kiếp người, của cuộc luân hồi. Những khổ đau của kiếp nhân sinh vẫn làm ta tê tái đến nhói lòng.
Đạo Phật chỉ nhằm vào mục tiêu là diệt khổ,  nên diệt khổ là diệt trừ vô minh, khát ái và tham dục. Đạo đế là phương pháp tu chứng, tự ngộ, không chạy theo tâm lý tham đắm, chấp mê, luôn luôn trở về với đời sống nội tâm với chánh niệm tỉnh giác. Với  tuệ giác sáng ngời, mở ra cho chúng ta một bầu trời an lạc, bình yên khi con người trở về niềm hạnh phúc chân thật muôn đời.
“Xuân đến trăm hoa đua sắc thắm
Một thời hương sắc kém chi nhau.
Vườn thu tàn tạ ngàn hao rụng
Riêng cúc đông ly vẫn đượm màu”.
(Băng Thanh dịch)
Nguồn suối mát an lạc và mầu nhiệm của tâm linh, luôn tuôn chảy hồn nhiên và giản dị như sự hiện diện của ánh sáng trong không gian. Dòng suối ấy được khơi mở do công trình thực nghiệm tâm linh của mỗi hành giả trên đường thực tu, thực chứng bằng chính nổ lực của bản thân mình.
“Theo huyễn cảnh để rồi đau khổ
Cõi hồng trần giả tạm ai ơi!
Đóa hoa tâm bất tử tuyệt vời.
Ôi! Đẹp quá loài hoa bất tử”.
Mặc dù sự sống có khổ đau, hành giả không nên buồn sầu vì nó, không oán hận hoặc thiếu kiên nhẫn. Theo Phật giáo, một trong những điều xấu xa nhất ở đời là oán hận hay thù ghét “Sự thù ghét đối với chúng sanh, đối với đau khổ và đối với những gì thuộc về đau khổ, công việc của nó là gây một căn bản cho những hoàn cảnh bất hạnh”.
(Abhisamuc, p.7)
Người Phật tử chân chính là người hạnh phúc nhất trần gian. Người ấy không sợ hãi lo lắng. Họ luôn bình an, thanh thoát và không bị tai nạn hay biến chuyển làm cho điêu đứng, đảo điên vì họ thấy mọi sự đúng như thật. Đức Phật của chúng ta luôn mĩm cười. Trong hội họa và trong điêu khắc, đức Phật luôn luôn được trình bày với một sắc diện hạnh phúc, bình an, hài lòng và chứa chan từ bi, thanh thoát. Có hai bản kinh xưa củ gọi là Trưởng Lão Kệ và Trưởng Lão Ni Kệ, chứa đầy những lời lẽ vui mừng của các đệ tử của Phật, những người đã tìm thấy sự an vui, hạnh phúc trong đời nhờ giáo lý của Ngài. Vua Kosala một hôm bạch với đức Phật rằng: “Khác với các đồ đệ của các hệ thống tôn giáo khác, thường trông hốc hác, thô kệch, xanh xao, tiều tụy ít ưa nhìn, những đồ đệ của Ngài luôn luôn “vui vẻ, thanh thoát, hồn nhiên, sung sướng, vui hưởng đời sống tâm linh, không lo âu, bình an thư thái”. Vua thêm rằng: Ông tin tính chất lành mạnh, đó là ở chỗ “Những vị Thượng Tọa, Đại Đức này chắc chắn đã nhận chân toàn vẹn ý nghĩa giáo lý của đức Thế Tôn”. 
(M II (PTS), p.121.
Khi trí tuệ được mở mang và đào luyện, nó liền thấy bí mật của sự sống, thực tại của mọi sự vật đúng như thật. Khi bí mật đã được khám phá, khi chân lý được tìm thấy, thì tất cả mọi năng lực quay cuồng phát sinh ra dòng sanh tử trong vọng tưởng trở nên vắng lặng, bởi vì không còn vọng tưởng, không còn ham muốn sanh tử. Nó như là một bệnh thần kinh được chữa lành khi người bệnh khám phá ra nguyên nhân hay bí mật của chứng bệnh. Họ không hối tiếc về quá khứ, không mơ mộng về tương lai, họ sống hoàn toàn trong hiện tại, bởi thế hành giả thưởng thức và vui hưởng một cách thuần túy, thuần khiết, khinh an vì hành giả đã giải thoát dục vọng, ích kỷ, hận thù, vô minh, kiêu căng, ngã mạn và mọi thứ “bất tịnh” xấu xa.
Cuộc đời dưới lăng kính Phật giáo trở nên trong sạch, từ hòa, đầy lòng thương bao quát, từ bi, khoan dung, độ lượng, cuộc đời thoát khỏi mọi ảo tưởng về ngã, và lòng khao khát, dục vọng mênh mang.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu, Trung Bộ, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành - Kinh Pháp Cú - ấn hành 1990.
2.    Hòa Thượng Thích Thiện Hoa - Phật Học Phổ Thông, Thành Hội Phật Giáo Tp HCM ấn hành 1989.
3.    Hòa Thượng Thích Thiện Siêu - Vô Ngã Và Niết-bàn - Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam - ấn hành 1990.
4.    Hòa Thượng Thích Thanh Từ - Bước Đầu Học Phật - Thành Hội Phật Giáo Tp. HCM ấn hành 1989.
5.    Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi - Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch, Nhà xuất bản Tp. HCM 1999.
6.    Thượng Tọa Thích Chơn Thiện - Phật Học Khái Luận, Giáo Dục Phật Giáo Việt Nam ấn hành 1993.
7.    Thượng Tọa Thích Tâm Thiện Tâm Lý Học Phật Giáo, Nhà Xb Tp. HCM 1998.
8.    Thích Phụng Sơn - Những Nét Văn Hóa Của Đạo Phật, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành 1995.
9.    Cố Ni sư Thích Nữ Trí Hải - W Rahula, Tư Tưởng Phật Học, Tu Thư Học Viện Vạn Hạnh 1974.
10.  Con Đường Thoát Khổ - Cố Ni sư Trí Hải dịch - Sài Gòn 1966.
11.  Nguyễn Du - Truyện Kiều, Nhà Xb Đồng Nai 1994.
12.  Ôn Như Hầu (Nguyễn Gia Thiều) Cung Oán Ngâm Khúc, Tôn Thất Lượng, Giải Thoát và Bình Chú, Nhà Xb Văn Học 1994.
13.  Thơ Nguyễn Công Trứ, Trương Chính biên soạn và hiệu đính, nhà Xb Văn Học 1983.
14.  Võ Đình Cường - Ánh Đạo Vàng.
15. Đức Phật Và Phật Pháp - Narada - Phạm Kim Khánh dịch, Thành Hội Phật Giáo Tp. HCM 1989
16.  Thơ của Tiểu Viên - Những Bước Chân Đi.
17.  Các Vấn Đề Phật Học: Giáo sư Minh Chi.
18.  Vô Ngã - Vô Ưu - AYYA KHEMA - Diệu Đạo.
 Ngọc Chi 
Nguồn: dentutraitim.com
Theo http://www.tuvienquangduc.com.au/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...