Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

Ánh trăng quê

Ánh trăng quê
Cơn mưa đầu mùa kèm theo sấm sét trút xuống rất hung hãn. Tởn vội vàng vác cuốc vào trại. Cánh đồng trắng xoá trong mưa, gió giật từng cơn muốn tung vách. Năm nay mùa mưa đến sớm, làm dân làng lo lắng. Ruộng chưa cày xong, đồng lại ngập nước khiến việc canh tác nhọc nhằn thêm.
Ngồi trú mưa, nhìn về phía xa, mờ mờ vài căn nhà lá nhỏ ẩn hiện. Làng này nghèo khó tự bao đời. Người dân quanh năm suốt tháng cày sâu cuốc bẫm, vụ mùa nào cũng van vái trời cao mưa thuận gió hòa, yếu tố may rủi quyết định phần lớn năng suất. Cho nên cái nghèo của họ là điều khó tránh. Một ít người có của ăn của để nhờ hưởng đất đai ông bà hàng chục mẫu, thành thử có thất mùa nhưng gom lại vẫn nhiều. Tuy thế chi tiêu vẫn phải dè xẻn, nếu thất thêm một vụ nữa cũng nghèo như chơi!.
Bất giác Tởn nhớ đến Đào, cô nàng xóm trên, má lúm đồng tiền, nước da bánh mật. Hàng ngày ra ruộng đi ngang nhà nàng, nhìn trộm vào sân nơi nàng thường ra phơi áo. Những chiếc bà ba màu trắng và xanh nhạt duyên dáng trên sào, bên góc sân. Có lẽ Đào thích hai màu này lắm. Và Tởn cũng bắt đầu thấy thích màu áo của Đào. Trong lều, nhìn không gian một màu trắng xóa như áo Đào, lại nhớ gương mặt bầu bầu với đôi mắt tròn ngây thơ, chiếc răng khểnh tô thêm duyên dáng của nàng,Tởn thấy lòng rạo rực. Vắng vài ngày không gặp, nó thấy nhớ, thấy buồn buồn. Nhớ nhất nụ cười với hai đồng tiền sâu hút, nhớ chiếc áo bà ba màu thiên thanh trong nắng. Tởn nhận ra rằng, trong màu áo ấy là người con gái quê mùa mộc mạc, mang nét đẹp trời ban. Không kêu sa nhưng có một sức hấp dẫn lạ kì, khiến lòng Tởn khó quên.
Nó nhớ ngày nào còn chăn trâu cho nhà Đào, khi ấy nàng mới lên mười, thường đòi kể chuyện đời xưa. Vẻ mặt ngây thơ, nũng nịu ấy khiến Tởn luôn phải chìu. Vào những đêm trăng sáng, dân làng tranh thủ đập lúa trước sân, tiếng cười đùa rôm rả. Cũng là dịp để Đào bắt Tởn kể chuyện. Có lần nhìn mặt trăng tròn như chiếc đĩa, toả sáng vằng vặc in hình chú Cuội ôm gốc cây đa. Tởn kể cho Đào nghe câu chuyện “Hằng Nga và Chú Cuội”, cô bé say sưa, sau đó nói: “Tội nghiệp chú Cuội quá!”. Rồi những chuyện khác, nhiều lắm. Chuyện nào Đào cũng thích, nét mặt ngây thơ, đôi mắt tròn xoe chăm chú nghe, khiến Tởn vui lây.
“Ngày xửa ngày xưa, có loài bướm đen muốn bắt cầu cho hai vì sao. Hàng ngày bay đến các nhà bướm bông để thuyết phục chúng cùng tham gia. Nhưng không ai nghe vì việc làm quá sức, khó kham nỗi. Không nãn lòng, bướm ta rủ thêm một số chị bướm đen khác chia nhau đi làm thuyết khách. Đến đâu cũng chỉ nhận cái lắc đầu từ chối. Bay mãi nên phấn của chúng rơi vãi khắp nơi, sức lực ngày một yếu dần. Các Tiên trên trời lấy làm tội nghiệp, nên phát ra ánh sáng diệu kì khiến những hạt phấn li ti ấy toả sáng lấp lánh với bảy màu tuyệt đẹp, tạo thành chiếc cầu vồng nối các vì sao lại.”
Càng nghe, Đào càng thích thú. Nó hỏi:
- Chiếc cầu vồng ấy đi được không?
Tởn cười cười:
- Chỉ có các cô Tiên mới đi được thôi, người phàm không đi được!
Đào ngạc nhiên:
- Sao vậy anh?
- Vì các cô Tiên nhẹ nhàng tha thướt, còn người phàm nặng lắm, cầu làm bằng phấn của bướm chịu sao nỗi?
- Thế bướm đen đi được không?
Tởn lúng túng:
- À…Chắc được.
Đào yên lặng nhìn sao một lát rồi hỏi tiếp:
- Có cầu rồi bướm đen làm gì nữa anh?
- Các chú bướm đen được những cô Tiên ban phép khiến người khoẻ lại rồi bay nhởn nhơ ở vườn hoa, không phải làm lụng vất vả.
Câu chuyện về chiếc cầu vồng, Tởn kể cho Đào nghe khi mới lên mười, sau đó nó không còn chăn trâu cho nhà Đào nữa. Thắm thoát đã bảy năm. Bảy năm không một lần kể chuyện cổ tích, vì có ai nghe đâu mà kể. Bảy năm như bảy sắc cầu vồng, hiện lên trên trời gợi nhớ gợi thương rồi âm thầm mất hút trong cõi bao la. Đào bây giờ là một thiếu nữ xinh đẹp, chắc không còn thích nghe chuyện cổ tích nữa rồi! Cái mà Đào thích có lẽ thực tế hơn, gắn liền cuộc sống hơn. Chuyện chú Cuội ôm gốc đa hay chuyện cầu vồng mãi mãi là chuyện trẻ con, không cần thiết cho Đào nữa. Và nếu có mơ ước, chắc Đào sẽ mơ về người chồng lý tưởng thay cho việc được đi trên chiếc cầu vồng.
Trên con đường làng, dẫn ra bờ sông, mặt đường lốm đốm nắng xuyên ngang những tàng cây xanh tốt. Tởn mãi mê nhìn về phía trước, có con sông hiền hòa với màu nước xanh trong. Nơi đây gọi là bến “Hội”,vì ngày xưa là chỗ để ghe xuồng tụ hội mua bán, trao đổi nông sản. Cũng là nơi mà mỗi dịp cúng đình, người ta đậu ghe chờ “thỉnh sắc thần” từ Phủ Thờ gần đó đem về đình cúng bái hai ngày, xong đem trả lại. Lễ “thỉnh sắc” rất uy nghiêm, đi đầu là các cụ bô lão, áo dài khăn đóng chỉnh tề, tiếp theo là cụ già cao niên nhiều uy tín mặc đại lễ bưng tráp, trong chứa “sắc thần”. Hai bên có học trò lễ với áo mão màu xanh đậm cầm lọng che tráp. Kèn trống inh ỏi. Dọc đường dân làng đặt bàn thờ sát mé với bông hoa và nhang khói nghi ngút. Người xem có cảm giác sống lại thời xưa rước trạng về làng. Đến bến “Hội”,”sắc thần” được “thỉnh” bằng chiếc ghe bày trí trang trọng. Dân làng muốn dự cúng đình thì tự túc đi ghe theo, bằng đường bộ cũng được nhưng hơi xa. Hai ngày sau là lễ “rước sắc”, có nghĩa là trả “Sắc” về lại Phủ Thờ. Lễ “rước” cũng tương tự như lễ “thỉnh”. “Sắc thần” làm bằng lụa, ý nghĩa như bảng phong “hàm” cho người có công khai phá vùng đất ấy, chữ “Thần” để tỏ rõ công lao lúc sinh thời, nay vua truy phong để mọi người trong làng tôn thờ. “Sắc thần” là “chiếu” của vua, được đóng ấn vuông màu đỏ. Thành thử khi cúng bái phải “thỉnh” với đầy đủ lễ nghi. Đây cũng là dịp để dân làng bày tỏ lòng kính nể bậc tiền nhân. Và cũng là dịp để trai gái đua nhau khoe áo mới, trao nhau nụ cười. 
Trong đám người đi dự hôm ấy có Tởn và Đào. Hai đứa ngồi cùng chiếc ghe,Tởn thấy Đào hôm nay đẹp quá, chiếc áo mới màu thiên thanh trong ánh ban mai làm nó ngất ngây. Rồi nó nhớ lại những chuyện đời xưa đã kể cho Đào nghe. Ngày đó Đào ngây thơ hồn nhiên, nét mặt say sưa với từng lời kể. Bây giờ Đào đã lớn, không còn vòi vĩnh với Tởn nữa. Những câu chuyện đời xưa đã xếp ở góc lòng. Tởn muốn đến gần Đào, muốn trò truyện. Nhưng nhìn lại mình, thấy ngao ngán, với thân phận hiện nay không cho phép nó tiến lại với Đào, dù trong chốc lát, để có những giây phút rung động. Thế là nó ngồi yên, thu mình trong cái vỏ bọc tự ti. Nhưng trái tim lại không muốn tuân theo những gì nó nghĩ. Trong lòng từng đợt phong ba dâng cao rồi chìm xuống. Nó cảm thấy lắc lư, mặc dầu hôm nay dòng sông yên ắng! Gần đấy Đào vẫn vui đùa cùng đám bạn trẻ, tiếng cười làm mọi người vui lây. Tởn cũng vui, nhưng vui “buồn”! Nó thấy mình lẻ loi trong đám người vui nhộn ấy, “yêu thầm” như người lữ hành cô độc trên đường quê. Nhìn xung quanh muôn hoa khoe sắc, không dám hái trộm mặc dầu rất thích. Đào ngồi đó, tuy gần mà rất xa. Nó thở dài ngoái nhìn bến “Hội”, nơi Đào thường ra giặt áo và Tởn cũng thường ra tắm. Con nước lớn với lục bình trôi nó nghe buồn man mác.
Trăng mười sáu, toả sáng làng quê. Bóng chú Cuội rõ nồm nộp. Tởn đưa mắt nhìn. Nó nhớ lại câu chuyện “Hằng Nga và Chú Cuội” đã từng kể cho Đào nghe. Lúc này sao mà giống nó quá! Chú Cuội trong trăng đã đi vào huyền thoại, len lõi chốn văn chương. “Chú Cuội” hạ giới lại buồn thổn thức. 
Hai hôm trước Đào theo chồng. Đám rước với nhiều ghe lớn,trang hoàng lộng lẫy đậu chờ ở bến “Hội”, Tởn thấy lòng tái tê. Nhìn trăng lên như một chiếc đĩa màu cam, tưởng chừng sẽ rơi xuống đốt cháy mọi thứ (và nó mong như vậy). Trăng quê ngày xưa đẹp đẽ biết bao, nay u buồn không chút hấp dẫn! Ánh trăng ngày nào gợi hứng cho Tởn kể chuyện đời xưa, bây giờ lại gợi buồn sâu sắc. Ai đó theo chồng có thấu cho lòng Tởn? Một chú Cuội với mối hận lòng, thích màu áo thiên thanh của người con gái mà không dám nói. Chú Cuội trên trăng còn có gốc đa làm bạn. Chú Cuội hạ giới chỉ biết si tình thơ thẩn nhìn trăng, hững hờ với nét đẹp diệu kì của nó! Chuyện cổ tích ngày xưa của một loài bướm mơ ước chiếc cầu nối kết hai vì sao, đánh động lòng thương của các nàng Tiên. Còn nỗi lòng của Tởn, âm thầm đau khổ, các vị Tiên kia có hiểu?.
Bầu trời đột nhiên tối hẵn, một đám mây đen che khuất vành trăng. Cảnh vật trở nên u buồn, những ngọn tre làng biến thành ma trơi nhảy múa trong đêm trường. Nhưng ánh trăng quê ngày nào vẫn không muốn tắt trong lòng của Tởn.

Long Khánh
Theo http://tanchauxulua.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện cha con người đốt than

Chuyện cha con người đốt than 1.  Tôi còn nhớ, khi ấy, từ mấy chục năm trước, trên đường từ Long Xuyên, Châu Đốc về Thất Sơn, ngồi trong c...