Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Nhà thơ Yến Lan với quê hương Bình Định

Nhà thơ Yến Lan với quê hương Bình Định
Trong nhóm Bàn Thành Tứ Hữu mà Bình Định rất tự hào góp một truyền thống văn chương với tứ linh: Long- Hàn Mặc Tử, Lân- Yến Lan, Quy- Quách Tấn và Phụng- Chế Lan Viên, có lẽ Yến Lan có thời gian sinh sống và sáng tác ở quê nhà nhiều hơn cả.
Cho nên những hình ảnh thi ca của ông thấm đượm một cách đậm đặc chất Bình Định, từ con cá lá rau đến hoa thơm trái ngọt, từ chút than tro củi lửa đến mây trời gió nước... Ngày xưa, khi làm tuyển tập Thơ Bình Định thế kỷ XX, Ban biên soạn đã cố gắng cân nhắc khi nói về xứ sở của mình: “ Với đức khiêm nhường truyền thống học được ở người xưa, chúng ta không muốn tự nhận quê hương Bình Định là đất tụ nhân tụ thủy, là địa linh nhân kiệt như nhiều người vẫn nói. Những điều tốt đẹp này, chúng ta muốn giành cho các nhà khoa học uyên thâm nghiên cứu về lịch sử, về văn hóa, chắc chắn là sẽ khách quan hơn. Nhưng tự thâm tâm, chúng ta thực hết lòng biết ơn quê hương Nghệ An với họ Hồ đã đưa đến Tây Sơn người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung. Chúng ta biết ơn Hà Tĩnh với duyên kỳ ngộ cha Đàng Ngoài mẹ ở Đàng Trong, hai phía đèo Ngang một mối tơ hồng đã cho chúng ta nhà thơ say đắm nhất giữa các nhà thơ - Xuân Diệu. Chúng ta biết ơn đất Quảng Bình đã tặng quê hương ta một Hàn Mặc Tử với số phận cùng cực bi thảm, song trong cuộc đời ngắn ngủi của mình đã kịp để lại những dòng thơ thần cảm cao vời. Chúng ta biết ơn đất Quảng Trị đã đưa đến dưới chân thành Bình Định cũ một Chế Lan Viên xuất hiện với tập Điêu Tàn năm mười sáu tuổi như một niềm kinh dị, và sau này bao giờ cũng mang lại cho thơ những tìm tòi không mệt mỏi, những sáng tạo mới mẻ, hiện đại nhất trong bút pháp". Ở xứ sở của chồng chất những di chỉ lịch sử văn hóa, từ đền tháp Chăm Pa đến thành lũy Tây Sơn, từ âm vang phên dậu của vó ngựa Lê Thánh Tông đến tầu thuyền của các nhà truyền giáo phôi thai và định hình chữ Quốc ngữ… hẳn nhiên, những tài hoa Bình Định trực tiếp hoặc gián tiếp hấp thụ cái hương vị của lịch sử văn hóa như Chế Lan Viên lý giải :  "Chả lẽ lại nói là những kiểu kiến trúc đặc biệt nhà lá mái cửa bàn khoa Bình Định hay cái vòng quay kiên trì triền miên của các xe nước ngoài Quảng Ngãi đã cho tôi sự chịu khó trong thơ? Nhưng quả là những đêm hát bội ở An Vinh, các cuộc đổ giàn ở An Thái làm cho tôi yêu chất hùng tráng - sau này ta gọi là sử thi hay là gì nhỉ? Rồi đây các bạn cũng nên tổ chức lại trò đổ giàn, đó chả là Olympic của ta đấy sao? Một cái giàn cao hàng chục mét, có con heo quay trên ấy và dưới đất là hàng chục võ sĩ từ Quy Nhơn, Đập Đá lên, Bình Khê xuống, Hoài Ân, Hoài Nhơn vào, cùng với các võ sĩ An Thái, An Vinh tại chỗ đang chờ đợi. Khi con heo ném xuống là một cuộc "tỉ thí lôi đài" dữ dội để giành cho được con heo kia, dấu hiệu đoàn nào sẽ là vô địch năm này. Chất hùng ca trong thơ làm sao không dính líu, cái dây hồng trong thơ làm sao không dính líu với các cuộc đổ giàn thượng võ này? Blake đã nói khá đúng: 'Văn hóa đi bằng lối thẳng, còn nghệ thuật thì đi các lối ngoằn ngoèo'. Trong “Điêu tàn” có yếu tố thần bí vì tuổi trẻ tôi tìm trong tiếng tụng kinh trước bàn thờ thờ Phật của cha tôi và trường tôi nằm trong tầm ngân vang của chuông nhà thờ đạo Kim Châu gần đấy". (Chế Lan Viên - Thơ văn chọn lọc, Sở VHTT Nghĩa Bình 1988). Đôi bạn Yến Lan Chế Lan Viên đã thân nhau từ thuở ngồi trển ghế nhà trường, trong cái thị trấn đầy ám ảnh văn hóa lịch sử có tên gọi Bình Định, một địa danh từng là lỵ sở của tỉnh Bình Định thời nhà Nguyễn trước khi Quy Nhơn thay thế vai trò ấy. Bến My Lăng của Yến Lan là cái bến sông huyền ảo vang bóng trên thi đàn, gắn liền với tên tuổi nhà thơ mỗi khi người ta nhắc đến. Ðã hơn một lần Yến Lan giải thích rằng nó bắt nguồn từ một bến đò thật, bến Trường Thi, cách thị trấn Bình Ðịnh nơi ông ở khoảng mấy dặm đường. Mỗi lần qua bến sông này, nhìn doi cát cong cong tựa bờ mi thiếu nữ, lòng khách văn chương không thể không thao thiết cùng những dòng thơ xa xăm: " Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách/ Rượu hết rồi ông lái chẳng buông câu/ Trăng thì đấy rơi vàng trên mặt sách/ Ông lái buồn để gió lén mơn râu..."
Chẳng biết ngoài kiếp thi sĩ ra, mấy ai có tiếng gọi đò lay động từ chốn dân dã đến nóc hoàng cung, từ kẻ vô tình đến người đa cảm, từ mặt đất đến trăng sao, từ cõi trần hoàn đến miền hư tưởng, từ thiên niên kỷ này sang thiên niên kỷ khác.
Ờ nhỉ, dù thế kỷ hay thiên niên kỷ cũng đã qua hai, và tôi tin còn khoảng thời gian mênh mang sau nữa, du khách đặt chân về thành Bình Định sẽ không thôi tìm kiếm về một ký ức ảo huyền của Bến My Lăng, của ông lái buồn mang sắc màu diệu vợi của ngàn trùng thắc thỏm với nhân gian bằng một tàn trăng ơ hờ trên sông nước. Một chút hoang vắng, một chút lạnh lẽo, một chút cô quạnh, một chút run rẩy, chỉ thế thôi. Nhưng không chỉ thế thôi, nhà thơ Yến Lan đã cầm nắm hư vô mà khắc tâm điểm nhãn, với bắt khoảnh khắc gieo vào nghìn trùng, lặn lội giữa trăng sao mà vớt lên cả khúc sông thuyền bến như một cuộc sinh thành đầy khải hoàn trong mối tơ duyên huyền diệu của tĩnh mịch và ngân vang, của trong ngần và sâu thẳm, của thực và mộng.
Thiên nhiên và lịch sử đã phú cho Bình Định đẹp một vẻ đẹp sắc lạnh và kiêu hãnh, vẻ đẹp an nhiên và bí ẩn như những sợi tơ trời giăng mắc đâu đó, giữa trăng sao, trên sông nước, trong cỏ cây và khắp hồn người. Ở đó, trong vũ điệu khôi nguyên của trời đất và con người, từng sản sinh và nuôi dưỡng những anh hùng, những thi nhân, những con người sẵn sàng lóp ngóp dưới sình lầy như những củ sen để đội lên không gian những vần thơ được dệt bằng hương thơm và ánh sáng. Trong một đêm trăng vàng trên bãi sông thơ mộng và cay đắng, cuộc chào đời của nhà thơ Yến Lan cũng như một định mệnh "Cơn đau trở dạ không giường chiếu/ Tôi lọt lòng ra giữa bãi trăng".Mượn cách nói của thi sĩ Tây Ban Nha Federico Garcia Lorca "Nếu có ngày, nhờ trời, tôi được vinh quang, thì vinh quang ấy phân nửa là thuộc về Granada, nơi đã tạc nặn lên cái tạo vật tôi: thi sĩ bẩm sinh không thể cải hồi", ta có thể nói về Yến Lan với cái bến sông trăng Bình Định như vậy.
Ðó là một bến sông đẹp, đẹp đến não lòng, nơi xưa kia người cha của Yến Lan đã lần theo tiếng hát để đến với mẹ ông, một thôn nữ quay xa, dệt lụa, thường gửi hồn bằng những khúc dân ca say đắm. Mối tơ duyên đẫm đầy thi vị ấy đã sản sinh ra một người con, thi sĩ ngay thuở mới vừa lọt lòng: "Võng mẹ ru hời dưới mái hiên- Hương đồng cỏ nội mặc kề bên- Tôi nằm trong vũng ca dao lạnh- Đón những vầng trăng mẹ vớt lên”.
Trong những lần có dịp hầu chuyện, Yến Lan thường kể với tôi rằng năm ông lên sáu, mẹ ông ốm nặng, nằm liệt giừơng. Gần 3 năm, Yến Lan được cha sai hàng ngày đưa cơm cho mẹ và thỉnh thoảng xế chiều lại thêm bình tích bánh canh. Cha Yến Lan làm nghề đậu hoa trên vải. Một hôm, cha ông nhận được một mẫu hàng từ Thượng Hải, hoa văn rất phức tạp. Hai ngày liền, cha ông không đậu được hoa. Mẹ ông từ buồng bệnh bước ra cửa hỏi và dùng tay ra hiệu cho chồng cách đậu hoa. Quả nhiên cha ông hoàn tất được mẫu hàng. Như mọi hôm, Yến Lan đưa cơm vào cho mẹ. Nhưng hôm đó, mẹ ông không còn ăn được nữa. Máu bà ra từ mũi, miệng. Ðến cuối chiều thì bà đã lạnh cứng chân, tay.
Ðêm đó, Yến Lan đi cùng người láng giềng đưa tin về quê ngoại. Ðến đoạn đường qua Gò Tập là nơi người ta đồn đại rất nhiều về chuyện ma đưa võng, Yến Lan quýnh chân. Người láng giềng cất tiếng gọi đò. Ông cậu của Yến Lan nằm ngủ trong thuyền giật mình chống đò hớt hải sang. Ấn tượng về tiếng gọi đò não ruột trong đêm trăng sương lạnh lẽo ấy ám ảnh Yến Lan đến suốt đời.  Những năm vào tuổi bát tuần, ông vẫn còn thường nhắc đến chuyện này với đôi mắt rấn lệ. Ông thú nhận rằng, ngày xưa bài thơ Bến My Lăng của ông ra đời trong lúc xuất thần của ấn tượng tiếng gọi đò thuở bé. Mẹ Yến Lan mất ít lâu, cha ông lấy vợ kế. Yến Lan phải chịu đựng cảnh mẹ ghẻ con chồng. Ông chia bùi sẻ ngọt với cây thị chùa Ông, nơi ông trải qua tuổi thơ cay đắng. Cây thị ngót trăm tuổi như người bạn lớn vỗ về, chở che và lòng ông ràn rụa thương cảm: " Ðêm mưa tí tách nhà tranh giột/ Thị nới mình che nửa mái ngoài/ Sáng dậy nghe chim run tiếng hót/ Mới hay cây lạnh suốt đêm dài..."
Và cậu bé Yến Lan rách rưới thiếu thốn, nhờ cây thị mỗi mùa trái, hái bán dành dụm tiền may áo: "Trái ra chợ bán lành thân áo/ Ơn thị thay phần mẹ dưỡng nuôi..."
Thị trấn Binh Ðịnh có thành cổ rêu phong, có vó ngựa rời rạc, có tiếng trống thu không, có những trái thị vàng đầy ân tình như thế là nơi Yến Lan tạo dựng nghiệp thơ: “Ðây là chốn nương mây và cậy nguyệt/ Ðàng chờ xe sông nước ước mong thuyền/ Tịch dương liễu không biết mình đương biếc/ Tương tư trời, tương tư nhạc triền miên".
Yến Lan đã mô tả về một Bình Ðịnh 1935 như thế. Một Bình Ðịnh có người con trai đơn lẻ: "Áo chàng xanh lam lũ/ Trời ơi trời đừng mưa" trước cuộc tình rụt rè không dám nói. Một Bình Ðịnh với không khí trầm buồn nhưng đầy quyến luyến, trăn đi trở lại trong thơ Yến Lan ngày ông tập kết, sống trên miền Bắc: "Thương tuổi nhỏ ta nghèo/ Thầy giáo già nghiêm khắc/ Ðời phố huyện đìu hiu/ Trăng tình lên ngơ ngác/ Những vần thơ ban đầu/ Từ bóng cô hàng xén/ Ðến tiếng vọng còi tàu/ Không một lời hứa hẹn".
Bến sông cũ phố huyện xưa mở rộng vòng tay đón người thi sĩ sau cuộc chiến tranh trở về. Cuộc sống đã đổi khác nhưng khung trời kỷ niệm còn đó, những mùa bông gòn bay, những cánh chim mòng két thiên đi, chuyến xe ngựa mỗi hoàng hôn và sớm mai leng keng tiếng nhạc. Giống như nhà Quách Tấn bên chợ Ðầm Nha Trang, nhà Yến Lan kề ngay chợ Bình Ðịnh, hai ông đều thường nhắc câu "Thị náo cư di tịnh" của bậc tiền bối Ðào Tấn như một phương pháp sống. Bởi vậy dù khi ốm đau thiếu thốn hay giữa huyên náo của quang cảnh ông vẫn tìm được chất thơ của đời: "Nhà không vườn không gác không sân- Tôi nợ đời rau trái tôi ăn- Nợ hàng xóm trưa hè bóng mát- Nợ em cài bên cửa một vầng trăng".
Trên mảnh đất này, vầng trăng của Yến Lan, cái "vầng trăng vẫn thường ám ảnh các nhà thơ Bình Ðịnh" như Hoài Thanh đã nhận xét trong Thi nhân Việt Nam, lại khi hao khuyết, khi viên mãn theo từng cung bậc của hoài niệm và dự tưởng. Trong những vần thơ của ông, bóng trăng vừa lay động vừa an tĩnh trong từng hơi thở. Và bản thân nó toát lên linh hồn của con người, con người đa đảm và dầu dãi trong khung cảnh vừa thanh thoát vừa trần thế.
Nhắc đến Yến Lan, anh chị em văn nghệ quen biết thường nhắc đến một hình bóng gắn bó với ông trong cuộc đời cũng như trong thơ ca. Trong Hồi ký “Yến Lan- Nhớ mãi về anh” (NXB Văn học 2011), bà Nguyễn Thị Lan, phu nhân của nhà thơ Yến Lan đã kể rằng: “3 năm học từ lớp 5 đến lớp 3, kỳ nghỉ hè nào, tôi cũng đến anh để học thêm. Anh dạy rất nhiệt tình, giảng bài giọng rất hay, lại thấy anh ít rong chơi như các anh khác, nên tôi cũng có để ý. Thỉnh thoảng, xem báo, lại gặp tên anh, tôi và người bạn gái cùng tuổi tên Bạch Yến đều tấm tắc: anh nhà nghèo mà sao giỏi thế! Anh thường đứng bên bờ thành, thỉnh thoảng lại khẽ gọi và hỏi tôi những câu chuyện vu vơ. Đầu năm 1940, anh ghé lại chơi và nói là anh sẽ ra dạy ở Thanh Hóa. Tết, anh về quê, tôi ghé thăm rồi nhận lời yêu anh. Anh nói: “Anh coi em như mối tình đầu”... Nhưng cha mẹ tôi lại không đồng ý, có phần bởi cũng muốn con cái mình có chồng giàu có, sung sướng. Tôi rất buồn và lại bỏ nhà đi, vô một ngôi chùa ở Phan Thiết tu. Được ít lâu thì cha tôi sai anh tôi dẫn tôi về và đồng ý cho chúng tôi lo việc cưới xin. Đám cưới của chúng tôi tổ chức vào ngày 20.4.1944”.
Cuộc tình và đám cưới của nhà thơ Yến Lan đã xảy ra cách nay hơn bảy mươi năm. Bảy mươi năm, với bao biến động của lịch sử, cách mạng, kháng chiến, hòa bình, mối tình thắm đượm của ông bà đã đi dọc những trang thơ, từ trước Cách mạng tháng Tám: “Phải là trọn vẹn, là trong sáng- Là một bài thơ khắc chữ “Nàng” đến thời tập kết ra miền Bắc: “Ta uống chúc vợ hiền- Khó khăn còn nặng gánh- Tắt bếp có lửa đèn- Tình quê không hở lạnh”; cho đến sau giải phóng trở về quê cũ: “Nhà không vườn không gác không sân- Tôi nợ đời rau trái tôi ăn- Nợ hàng xóm trưa hè bóng mát- Nợ em cài bên cửa một vầng trăng”, rồi trong tuổi già: “Quả lê ngày ấy em còn bói - Nhựa tím khô dần một dấu răng”.
Từ sau giải phóng, tôi hay ghé lên nhà ông bà, thăm hỏi trò chuyện và ghi chép lại nhiều tư liệu về “Bàn Thành tứ hữu” mà ông là một trong những nhân chứng sống. Bên cạnh ông, bà cũng là một người bạn của nhóm và là người thường kể lại những câu chuyện thật xúc động về nghĩa tình của nhóm, cũng như nghĩa tình của ông bà với nhiều nhà văn nhà thơ khác. Ông bà sống thật giản dị khiêm cung trong ngôi nhà bên phố chợ nhưng là một địa điểm cuốn hút bước chân của bao nhiêu khách làng văn ở bốn phương trời ghé đến thăm hỏi và sẻ chia. Ai yêu thơ Yến Lan, hẳn cũng đều biết bài “Khăng khít”, một bài thơ mộc mạc, giản dị như thấm đẫm một tình yêu bền bỉ, ám ảnh khôn nguôi: “Ta gắn nhau từ đầu- Càng gắn nhau về cuối- Đâu nghĩ là xa nhau- Cho đến giờ hấp hối...”. Nhà thơ Yến Lan đã vĩnh biệt dương trần ở bên kia thế kỷ, ngày 5.10.1998. Cụ bà là người đã ghi chép lại những bài thơ trên giường bệnh của ông, suốt nhiều năm liền. Sau khi ông mất, bà tiếp tục sưu tầm di cảo của ông, viết hồi ký và cả làm thơ, thơ bà luôn đau đáu tình yêu với nhà thơ mà từ đầu xanh  đến hoa râm rồi bạc trắng chưa thôi những ngôi nhân xưng “chàng” “nàng”, “anh” “em” trẻ trung dào dạt! “Viết cho đỡ nhớ ảnh” là cái câu bà thường trả lời thân hữu cũng như các nhà báo, khi hỏi về tập hồi ký và những bài thơ bà làm trong tuổi bát tuần, cửu tuần! Sự say sưa với những kỷ niệm từ thời hoa niên cho đến hơi thở chót và sự trân trọng sự nghiệp văn chương của chồng khiến bà có thể tâm sự hàng giờ. Và dù tuổi cao sức yếu, bà cũng đi nơi này nơi nọ, nếu ai hỏi han về Yến Lan, bà sẵn sàng dốc bầu tâm sự với một niềm thương yêu vô bờ bến người chồng thi sĩ quá cố của mình! Bà nhớ lại những năm tháng cuối đời của ông và đã viết lên báo: “Nhưng Sài Gòn chưa mổ, về nhà bắt đầu từ đó ốm liên miên nên tôi lại đưa ra Hà Nội mổ. Hai tháng sau, về nhà bắt đầu từ đó bị ốm cho đến năm 1994 anh Lan bị đau nặng, ngày mồng 4 tết đưa xuống bệnh viện đa khoa nằm. Khi ốm nặng gần chết, nhờ có Tỉnh ủy bảo bệnh viện làm sao cứu cho qua khỏi ngày lễ, chết đi sống lại 5 lần, sau tôi thấy ảnh mệt quá tôi xin đưa về nhà chữa thuốc Bắc có, thuốc Tây có, nhưng sao bệnh cứ kéo dài, người càng ngày gầy đi chẳng thấy béo lên tí nào, nhưng đầu óc rất minh mẫn, không lẫn tí nào, người tuy ốm gầy, tay run đi ngã luôn, nhưng lúc nào cũng nghĩ ra thơ, thơ tuôn ra như một dòng suối không biết bao giờ ngừng. Hàng ngày bảo tôi lấy giấy ra viết, anh đọc cho tôi viết, viết xong đọc lại cho ảnh nghe, nghe có chỗ nào sai lại sửa, sửa từng câu từng chữ chu đáo quá.
Đến ngày mồng 3 tháng 8, nhận được thư ngoài Hội nhà văn gửi vào, mời nhà văn, nhà thơ phải viết xong bản mục tiêu đó. Giấy này là chuẩn bị làm một tập sách các nhà văn nhà thơ đến năm 2000 phải làm xong, tôi đọc cho ảnh nghe, ảnh suy nghĩ chỉ cho tôi soạn và viết cho đến ngày 13 chưa xong. Tôi bảo thôi anh cứ chỉ cho tôi sẽ tìm, đến ngày 14 sợ tôi làm không xong, thiếu phần nào xuống Quy Nhơn nhờ anh Mừng tìm hộ. Tôi bảo anh có mệt quá thì nằm nghỉ cho nó khỏe, nhưng đến sáng ngày rằm tôi cứ thấy la mệt, lúc 5 giờ anh còn bảo cháu Đàn cõng đi cùng nhà, đi độ nửa tiếng bảo Đàn đem ba về nằm nghỉ, tôi lo nấu cháo, khi múc lên thấy ảnh nằm khác hơn mọi hôm, tôi liền nhờ những người xung quanh đến giúp tôi. Lúc ấy chỉ có một mình tôi ở nhà, sau đó gọi điện xuống cơ quan, anh Mừng và cả cơ quan đều lên lo chung với gia đình tôi, tôi lấy làm cảm động quá, nhưng tôi bối rối, không biết lo cái gì trước, cái gì sau.”
Tôi còn nhớ, bảy năm sau ngày đó, một buổi chiều cuối tháng 8.2005, tôi đến nhà gặp cụ bà và hướng dẫn cụ lập bản đăng ký theo quy chế xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước của Chính phủ. Biết cụ tuổi cao sức yếu,  tôi dặn đi dặn lại, cần gì cụ cứ điện thoại để tôi lên nhưng sáng hôm sau, cụ vẫn đi xe buýt trực tiếp xuống ngay cơ quan Hội tìm tôi, gửi lại 9 tờ khai chép tay và 9 tấm ảnh chân dung Yến Lan (mới rọi lại). Tôi không quên thảo một công văn ngắn gọn kèm theo, nêu những nét chính trong cuộc đời và sự nghiệp nhà thơ Yến Lan, xong ký tất cả, chuyển qua văn thư đóng dấu và gửi phát chuyển nhanh cho nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Theo cảm nhận của riêng tôi, tôi biết ông chỉ cần qua Hội đồng xét giải Hội Nhà văn Việt Nam và Hội đồng Quốc gia là đủ, nên tôi không hướng dẫn cụ bà làm hồ sơ cho Hội đồng cơ sở tỉnh Bình Định. Và năm ấy, nhà thơ Yến Lan đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước. Theo cảm nghĩ của tôi, với tài năng và sức lan tỏa của cụ, đáng lẽ cụ đoạt giải thưởng ngay từ nhiều năm trước. Nhưng những ngày có hân hạnh hầu chuyện cụ ông, tôi biết tính cụ, ôn tồn, hòa nhã và hết sức tự trọng. Cho dù sự thiệt thòi luôn luôn xảy ra thuở sinh thời, điều ấy có hề chi với con người đã đi qua bao thăng trầm nhân thế, lặng lẽ trọng nghĩa nhân và ái ngại trước trò chơi phù thế ồn ào. Phút cụ bà đưa tôi lên thắp nhang trước bàn thờ kính cáo công việc ấy đã hoàn tất, trong linh cảm tôi vẫn thấy nụ cười cụ ông hiền lành trong trẻo như xưa, không một chút đổi khác!
Theo quy luật của đời người, cụ bà đã đi gặp cụ ông năm 2013, khi còn mấy năm nữa là cụ bà tròn 100 tuổi. Tôi tin rằng, ở cõi xa kia, tình yêu bất diệt của hai cụ vẫn còn mãi với thời gian, hai cụ vẫn uống trà, ngắm trăng, nhấm nháp miếng bánh tráng dãi dầu của mưa nắng Bình Định, đọc những câu thơ nghĩa tình và san sẻ niềm rung động cho nhau như hồi còn tại thế! Như hồi nào, cụ ông xuất thần, cụ bà châm trà và giở sổ ghi chép: “Cố gắng vươn lên nống bước lùi- Ngày thường hữu sự sống càng vui- Văn chương thường vốn ưa lưu biệt- Những muốn mang lên góp sổ trời” mà chúng tôi may mắn chứng kiến trong một lần ghé thăm.
Người "thi sĩ bẩm sinh không thể cải hồi" Yến Lan đã sống thực thụ bằng thân phận thơ ca từ tiếng khóc chào đời cho đến hơi thở cuối cùng, đó là điều mà chúng ta có thể tự hào nói to giữa đất trời như thế. Ông đau đớn vật vã và lặng lẽ khiêm cung trình diện với thế giới này bằng tư cách một nhà thơ, từ cái bến sông heo hút đầy cảm khái của đất trời Bình Định. Rồi ông lên đường qua năm châu chín quận, từ tóc xanh đến tóc trắng, từ giữa thế kỷ đến lưng chừng thế kỷ. Cuối đời, ông neo lại với bến sông phố huyện quê nhà. Nhưng dù đi đâu về đâu, với Yến Lan, trăng sao trong tim và thuyền bến trên trời. Chính ông đã nối Bến My Lăng với thế giới và cũng chính bến My Lăng đã nối ông với thế giới. Dù rằng, đâu phải chỉ có vậy. Thế giới thơ Yến Lan tràn đầy, mênh mang và chúng ta có thể ghé qua các chặng đường ấy để cảm nhận cái ngọt ngào tinh tế mà không ít xót đắng chua cay. Đọc những vần thơ như vậy, người ta có thể xao động hơn để mà an nhiên hơn, lắng đọng hơn để mà phong nhiêu hơn, giày vò hơn để mà thanh khiết hơn. Ở thế giới ấy thấp thoáng bóng người thi sĩ Bình Định gầy gò và nhiều khát vọng, độc hành trên con đường truân chuyên dầu dãi: "Đồng hương kẻ xuống người ra đón- Mình suốt đời đi chửa tới nhà". Hiếm có một bút lực dồi dào từ buổi hoa niên cho đến lúc sắp từ giã cõi đời như ông.
Bạn bè ông trong nhóm Bàn thành tứ hữukhi xưa cũng có nhiều tương đồng trong số phận thi ca, ở tiếng hót của loài chim biết chắc mình không còn nương náu bao lâu nữa ở cánh rừng dương thế. Như thi sĩ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử "Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút - Mỗi lời thơ đều dính não cân ta". Như Chế Lan Viên "Anh tồn tại mãi - Không bằng tuổi tên - Mà như tro bụi - Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên". Như Quách Tấn "Một mai ba tấc đất vùi - Trần gian gửi lại nụ cười cho hoa". Và ở ông "Phong trần tuốt xé guồng tơ tưởng - Chỉ sợi yêu thương mới vá lành". Cái thể thơ tứ tuyệt cổ xưa đã mới lạ và thâm hậu dưới ngòi bút ông, và nó định danh là tứ tuyệt Yến Lan, như lục bát Nguyễn Bính- người bạn thời diễn kịch thơ Bóng giai nhân của ông vậy. Yến Lan thơ, hẳn nhiên, và còn những Yến Lan kịch thơ (Bóng giai nhân, Gái Trữ La) và Yến lan truyện ngắn nữa. Tôi không thể quên một kỷ niệm, ấy là những năm cuối thế kỷ XX, huyện An Nhơn có nhờ chúng tôi thực hiện một công trình văn hóa chí về mảnh đất này, cụ bà đã cung cấp cho chúng tôi những truyện ngắn của Yến Lan đặc sắc với bối cảnh và phận người trước 1945 ở đất này để in vào phần Phụ lục.
Dù ở tuổi hăm tám như Hàn Mặc Tử, tuổi sáu tám như Chế Lan Viên, tuổi tám hai như Quách Tấn và như ông, quãng thời gian sáng tác cuối đời đều ở trên giường bệnh. Thơ ca vẫn là nỗi niềm đau đáu và đó chính là cứu cánh, là sự xoa dịu tâm hồn dù đó chính là ẩn hình của Nghìn trò cười khóc, theo cách nói của bạn ông, thi sĩ Chế Lan Viên.
Mạch đập day dứt của mảnh đất và con người Bình Định đã hội tụ một nhóm thơ đầy bản sắc và nối kết những đợt triều của bốn con người dầm thân trong nắng mưa của "chốn nương mây và cậy nguyệt". Thời gian luôn cuồn cuộn chảy nhưng những hình ảnh của lịch sử và văn hóa của một giai đoạn vẫn mãi đồng hành cùng chúng ta, trong đó không thể thiếu vắng dư ba của Bàn thành tứ hữu.
Các đơn vị hành chính quê nhà của ông giờ huyện thành thị xã và thị trấn đã thành phường. Nhiều người có ý tưởng đầy phấn khích rằng giá những cái tên các nhà thơ của nhóm Bàn Thành Tứ Hữu ngoài trở thành tên đường còn trở thành tên trường, tên phường, tên các công viên, nhà văn hóa… thì hay biết mấy. Nhưng đó là câu chuyện khác. Tôi cũng từng nghĩ vậy. Nhưng còn nghĩ thêm, tác phẩm của ông và những tài hoa xứ sở vẫn cứ hiện tồn trong lòng yêu mến của nhân dân, thế hệ này sang thế hệ khác, đó mới là tầm xa rộng và minh triết. Cứ như vậy trong cỏ, trong cây, bên núi, bên sông, dưới gầm trời thao thiết trong tĩnh lặng, lay động trong yên hàn, huyền ảo trong hiện thế.
NGUYỄN THANH MỪNG 
Nguồn: Tạp chí NV&TP
Theo http://vanvn.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cho một quê nhà Sài Gòn covid 2021 Quê gốc tôi Biên Hòa. Khi chưa là cư dân Sài Gòn hai mươi năm như bây giờ, người Biên Hòahỏi tôi: “Ch...