Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Hai phát hiện của Vũ Quần Phương và Trần Ngọc Hồ Trường về Truyện Kiều

Hai phát hiện của Vũ Quần Phương và 
Trần Ngọc Hồ Trường về Truyện Kiều
DỰ BÁO TRONG TRUYỆN KIỀU - Dự Quần Phương và Trần  báo xuất hiện dày đặc trong Truyện Kiều, làm thành một môtif. Hầu hết các nhân vật đều nói lời dự báo.
Cùng với các thủ pháp khác, sự báo trước có giá trị như một kỹ thuật phổ biến. Môtif dự báo góp phần tạo ra các giá trị nội tại, cho thấy cách thức tồn tại của con người thời trung đại, thân phận của nó, vì thế khảo sát ý nghĩa của môtif này giúp cho việc khám phá Truyện Kiều được sâu sắc hơn. Khảo sát môtif dự báo còn có nhiệm vụ phác họa các hình thức của nó, nó đã hiện diện như thế nào và để trả lời câu hỏi vì sao liên tiếp có các dự báo trong truyện.
Cuộc đời, ngày mai, tương lai đối với thế giới con người trong Truyện Kiều là bất khả tri, không thể biết được, khó có thể đoán định, đoan chắc:
- Thấy người nằm đó biết sau thế nào
- Trăm năm biết có duyên gì hay không
- Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về
- Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay
- Một dày, một mỏng biết là có nên
- Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao
- Kiếp phong trần biết bao giờ cho thôi
- Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi
- Biết đâu địa ngục, thiên đàng là đâu
- Biết đâu mà gởi can trường vào đâu
- Biết đâu hạc nội, mây ngàn là đâu
Nhưng ở đây lại phát sinh một mâu thuẫn là chính trong thế giới mù mịt, bất khả đoán đó mà thế giới nhân vật trong Truyện Kiều càng phải không ngừng ngẫm nghĩ để dự đoán, dự báo tương lai. Nhân vật Truyện Kiều không chấp nhận sống nếu không đoán định về mai sau, nhất là đối với những nhân vật có cá tính, có bản sắc và ý thức. Hơn thế, tiên định tương lai phù hợp với logic cuộc đời. Mặt khác, đối với con người trong Truyện Kiều, cái hiện tại, bây giờ không quan trọng bằng tương lai. Họ hầu như rất ít nói về hiện tồn mà luôn suy tư về ngày sau bởi hiện tồn chỉ có đau khổ, do đó sự hình thành dày đặc các dự báo là hợp lý.
Trong Truyện Kiều, có rất nhiều các nhân vật báo trước tương lai hoặc chí ít cũng phỏng đoán, thể hiện cảm quan về tương lai. Có thể nói đến các dự báo của Đạm Tiên (3 lần), của Tam Hợp đạo cô (nữ đạo nhân), của nhân vật tướng sĩ (thầy tướng), của sư Giác Duyên mà các nhà nghiên cứu đã nhắc đến và dễ thấy đối với độc giả. Không chỉ có thế, nhiều nhân vật khác cũng tham dự vào hành động đoán định, mô tả, dự phóng thời gian mai sau. Kim Trọng ngay từ buổi sơ ngộ, gặp Thúy Vân và Thúy Kiều "e lệ nép vào dưới hoa" đã thể hiện mong muốn, có pha dự phóng là sẽ lấy được cả hai Kiều:
Trộm nghe thơm nức hương lân
Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều.
Câu thơ thứ hai trên đây không phải nói "nhà họ Vương có hai cô gái đẹp cấm cung" mà nói đến ước muốn được sở hữu hai cô Kiều. Có thể diễn giải hai câu ấy là: Danh tiếng về nhan sắc của hai Kiều bay khắp hương lân, ta muốn xây lâu đài để cùng sống với hai cô ấy sau khi cả hai đã là vợ ta. Kim Vân Kiều truyện viết rằng ngay trong lần đầu gặp gỡ, Kim Trọng "âm thầm phát thệ: "Mình mà không được hai nàng làm vợ thì suốt đời sẽ chẳng lấy ai". Nguyễn Du mượn điển tích để thể hiện ý câu này. Sau hai câu thơ trên, nhà thơ cũng nói trong mắt chàng Kim, hai Kiều đều "mặn mà" (Bóng hồng nhác thấy nẻo xa/ Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai). Kết thúc truyện kể, Thúy Vân và Thúy Kiều có thể nói, đều là vợ chàng Kim. Kim Trọng cũng nói đến một tương lai, nếu có điều chẳng may xảy ra với mình và Kiều: Ví dù giải kết đến điều/ Thì đem vàng đá mà liều với thân.
Nhân vật bà quản gia ở dinh họ Hoạn báo trước cho Kiều việc sắp xảy ra, khuyên nàng giữ mình sau khi đã bị Hoạn Thư bắt về:
Dạy rằng: "May rủi đã đành
Liễu bồ mình giữ lấy mình cho hay
Cũng là oan nghiệt chi đây
Sa cơ mới đến thế này chẳng dưng
Ở đây tai vách mạch dừng
Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi
Kẻo khi sấm sét bất kỳ
Con ong, cái kiến kêu gì được oan
Trong khi đó vị đạo nhân tiên báo cho Thúc Sinh biết chi tiết, rõ ràng số mệnh của Kiều sau khi Kiều tưởng như đã bị chết cháy:
Đạo nhân phục trước tĩnh đàn
Xuất thần giây phút chưa tàn nén hương
Trở về minh bạch nói tường:
"Mặt nàng chẳng thấy, việc nàng đã tra
Người này nặng kiếp oan gia
Còn nhiều nợ lắm sao đà thác cho
Mệnh cung đang mắc nạn to
Một năm nữa mới thăm dò được tin
Hai bên giáp mặt chiền chiền
Muốn nhìn mà chẳng dám nhìn, lạ thay"
Các nhân vật Mã Giám Sinh, Tú Bà cũng nói với Kiều về tương lai nhưng dựa trên sự giả dối. Tú Bà thề thốt sẽ đối đãi tử tế với Kiều: Mai sau ở chẳng như lời/ Trên đầu có bóng mặt trời sáng soi. Mã Giám Sinh thì thề quyết. Sẽ trân trọng, chở che cho Kiều khi đáp lại lời nằn nì của Vương Ông: Mai sau dầu đến thế nào/ Kia gương nhật nguyệt, nọ đao quỉ thần. Đối với Hoạn Thư, thì ngẫm ngợi về những điều sắp tới là khó có thể thiếu được. Bà ta phải vẽ ra các mưu mô, các con đường khác nhau chủ yếu là trong quan hệ với Kiều. Hoạn Thư có hẳn một kế sách cho tương lai, ở đó, Kiều (và cả Thúc Sinh) sẽ bị hành hạ và sỉ nhục:
"Làm cho nhìn chẳng thấy nhau
Làm cho đày đọa cất đầu chẳng lên
Làm cho trông thấy nhãn tiền
Cho người thăm ván bán thuyền biết tay
Nhân vật Từ Hải không những dự phóng tương lai mà còn cả quyết về nó, đúng như phong khí của người anh hùng. Từ xác quyết nói với Kiều khi "thanh gươm yên ngựa" ra đi rằng, một năm sau Từ sẽ thành công, bách thắng:
Đành lòng chờ đó ít lâu
Chầy chăng là một năm sau vội gì
Trong số các nhân vật dự báo, dự phóng, đề cập đến tương lai trong Truyện Kiều, Thúy Kiều có nhiều suy tư, dự cảm, phán đoán nhất. Ngay ở mở đầu truyện, Kiều đã dự báo là Đạm Tiên sẽ hiển hiện:
Kiều rằng: "Những đấng tài hoa
Thác là thể thách, còn là tinh anh
Dễ hay tình lại gặp tình
Chờ xem, ắt thấy hiển linh bây giờ"
Kiều luôn âu lo, nghĩ ngợi về những gì ở phía trước của cuộc hôn nhân giữa mình và Thúc Sinh và dường như đã dự đoán, phỏng đoán được sóng gió phía trước, đến từ Hoạn Thư, vì thế nàng tâm sự với Thúc Sinh:
Trộm nghe kẻ lớn trong nhà
Ở vào khuôn phép, nói ra mối giường
E thay những dạ phi thường
Dễ dò rốn bể, khôn lường đáy sông"
Tiễn Thúc Sinh đi, Kiều phỏng đoán thời gian chàng về lại Lâm Tri:
Thương nhau xin nhớ lấy lời
Năm chầy, cũng chẳng đi đâu mà chầy
Chén đưa nhớ bữa hôm nay
Chén mừng xin đợi ngày này năm sau
Nhưng ở đây, thật đáng tiếc, Kiều đã dự đoán sai. Nàng không bao giờ còn gặp lại chàng Thúc ở Lâm Tri nữa. Trong Truyện Kiều, có sự hiện diện của tướng số, tướng thuật. Ngoài nhân vật tướng sĩ đoán định số phận Kiều, thì chính Kiều cũng là nhân vật có khả năng xem tướng mạo, nhìn vẻ mặt để phán đoán hậu vận. Gặp Từ Hải lần đầu mà nhìn diện mạo sắc tướng của Từ, Kiều đã ước đoán ngay rằng Từ sẽ làm nên công trạng:
Từ rằng: "Lời nói hữu tình
Khiến lòng lại nhớ câu Bình Nguyên Quân
Lại đây xem lại cho gần
Phỏng tin được một vài phần hay không?"
Thưa rằng: "Lượng cả bao dung
Tấn Dương được thấy mây rồng có phen".
Từ Hải sau khi nghe Kiều nói thì cho rằng Kiều có khả năng xem tướng "đoán già":
Khen cho con mắt tinh đời
Anh hùng, đoán giữa trần ai mới già
Đối với Kim Trọng, Kiều cũng nhìn dung mạo, dung quan sáng láng mà đoán định vận mạng:
Nàng rằng: "Trộm liếc dung quang
Chẳng sân ngọc bội cũng phường Kim Môn"
Như vậy, điều đầu tiên có thể thấy là hầu hết các nhân vật đều dự báo, dự đoán, nói về tương lai. Dự báo, suy tư, cảm quan về tương lai có khi là về tương lai rất xa như lời của Đạm Tiên (15 năm), có khi gần hoặc rất gần, sẽ xảy ra ngay (nữ đạo nhân Tam Hợp báo cho Giác Duyên là vớt Kiều, Kiều đoán Đạm Tiên sẽ hiển linh ngay...). Có hai nhóm dự báo. Một là của các nhân vật phi phàm (Tam Hợp đạo cô, Đạm Tiên, đạo nhân, tướng sĩ). Nhóm này chủ yếu dự báo tương lai xa, tính bằng năm, dự báo chủ yếu dựa vào khả năng siêu việt hoặc các dấu hiệu đặc biệt. Theo Đạm Tiên, đời Kiều sẽ khốn cùng do thơ nàng hay (Xem thơ nấc nở khen thầm/ Giá đành tú khẩu, cẩm tâm khác thường/ Ví đem vào tập đoạn trường/ Thì treo giải nhất chi nhường cho ai). Nhóm thứ hai là dự báo của con người trần tục, dự báo dựa vào nhân tướng, dung mạo và các thông tin thực tế, sự phân tích tình hình hiện tại (Kiều dự đoán về các hành động của Hoạn Thư, phân tích rồi bỏ trốn khỏi Quan âm các, bà quản gia nói với Kiều sau khi có thể là đã nghe được lời đàm tiếu về việc Thúc Sinh có vợ bé...). Dự báo dài hạn nói đến số phận của một đời người (dự báo của tướng sĩ, linh cảm có tính dự báo của Kiều sau lần thứ nhất gặp Đạm Tiên trong mơ (Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh). Dự báo trong ngắn hạn có tính tình thế, tình huống. Kiều là nhân vật có nhiều dự đoán, phán đoán tương lai nhất. ở mỗi quãng đời, Kiều đều dự liệu cho mai hậu. Trước mỗi sự kiện, hành động sẽ xảy ra hầu như đều có các dự báo, dự phóng. Các dự báo do đó có chức năng kết nối quá khứ với hiện tại, hiện tại với tương lai. Chúng cũng cho thấy số phận phía trước của các nhân vật, gợi ý trước cho độc giả những gì có thể xảy ra. Vì thế, về mặt cốt truyện, các dự báo là sợi dây liên kết các sự kiện, tạo ra các lớp lang, tầng bậc cho nó. Dự báo, dự cảm tương lai phần lớn là chính xác về thời gian địa điểm, trạng thái và cách thức. Một số có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, số phận nhân vật (Kiều tử sinh một phần vì lời dự báo của Đạm Tiên...). Nhưng các dự báo cũng có thể không chính xác, như việc Kiều dự đoán một năm sau sẽ gặp lại Thúc Sinh lúc chia tay ở Lâm Tri. Dự báo có khi làm kẻ được báo cho biết trước hồ nghi, nửa tin nửa ngờ, như trường hợp Thúc Sinh ngờ vực lời của đạo nhân. Thời điểm xuất hiện các dự báo thường diễn ra khi các nhân vật, đặc biệt là nhân vật trung tâm, lâm nguy, ở trong tình huống nan giải. Do đó, lời tiên báo có giá trị như một sự hóa giải, một lời mách nước, chỉ ra tương lai, đưa ra viễn cảnh mới. Dự báo thông báo trước cho người đọc sự kiện tiếp theo nên khi dự báo đúng, độc giả ngạc nhiên thú vị, thậm chí giật mình thảng thốt. Dự báo, dự liệu làm gia tăng dòng ý thức và tính chất tâm lý cho Truyện Kiều vì chúng là các hình thức của suy tư, ngẫm nghĩ, trù liệu, mang màu sắc nội tâm, nội cảm, cần đến sự phân tích, suy xét. Chúng cũng biến nhiều nhân vật trong truyện trở thành các nhân vật ý thức, âu lo về nhân sinh chứ không phải là các nhân vật hành động nói chung.
Dự báo, dự liệu cho tương lai là một phương thức, một bản năng tồn tại của nhân vật Truyện Kiều, đặc biệt là với các nhân vật luôn âu lo về thân phận. Các sự biến dù được biết trước nhưng chúng như những định mệnh không cưỡng lại được mà phải thực thi. Nhân vật không tránh né hoặc tìm cách kháng lại mà đành phải chấp nhận chúng. Điều đó cho biết con người trong Truyện Kiều là con người định mệnh, bất lực mong manh, yếu ớt, bị chi phối, định đoạt bởi số mệnh. Một số dự báo có ý nghĩa như là ý muốn của định mệnh, không cưỡng lại được (như lời của Đạm Tiên, đạo cô Tam Hợp chẳng hạn). Dù là họa/ phúc, vinh/ nhục, sinh/ tử, nhân vật phải bằng lòng với dự báo. Môtif dự báo ở khía cạnh này làm nhớ tới môtif dự báo trong Kinh Thánh Tân Ước (Thánh Phêrô chối Chúa, Juđa phản bội, mẹ Maria thụ thai, Thánh Giuse đưa Chúa hài đồng đi lánh nạn...). Điểm chung ở hai tác phẩm là những ai được tiên báo đều chấp nhận sự kiện sắp tới, không phản kháng và tìm cách đối phó. Sự có mặt của các dự báo của nhân vật phi phàm, thông huyền cho biết bản chất của Truyện Kiều và của văn học trung đại phương Đông. Ở đó có sự hiện diện của thế giới huyền hoặc, kỳ bí, có cái nhìn tâm linh, hữu linh về thế giới và có sự lý giải cuộc đời, nhân sinh bằng huyền bí học. Trong Truyện Kiều, do đó, tư duy văn học thiên về duy linh, không phải duy lý. Sự tồn tại của con người định mệnh và tư duy duy linh làm cho Truyện Kiều còn khá xa cách với phương pháp sáng tác của chủ nghĩa hiện thực. Con người định mệnh trong Truyện Kiều không định đoạt được số phận, phải tuân theo lập trình của những phán quyết có tính sấm truyền, với giọng uy nghiêm có khi chua ngoa từ kẻ khác. Cùng với yếu tố ma quái, rờn rợn nơi bãi tha ma lúc chiều tà, lời khấn vái trong đêm thu sao thưa trước Phật đài, những lần chiêm mộng, sự giải mộng và đêm thu gió cây trút lá lúc trốn đi, sự báo trước, đặc biệt là của các nhân vật cõi siêu hình, phi phù trí quỉ, thần thông, đã góp phần làm cho không khí Truyện Kiều thêm phần huyền bí, ghê sợ, gây thảng thốt. Do có sự tồn tại của các tín ngưỡng (như Đạo giáo phù thủy chẳng hạn) và các nguyên nhân khác mà con người trung đại trong Truyện Kiều có niềm tin không chút nghi ngờ vào các phán truyền của các lực lượng thần bí. Họ không chỉ bị qui định bởi cuộc đời trần gian, của nghề nghiệp, học vấn mà còn bị điều khiển bởi các thế giới, các nhân vật siêu linh, siêu hình. Họ hạnh phúc/ bất hạnh, hành động/ bất động... hầu như nhất nhất đều dựa vào các phán truyền từ thế giới siêu hình. Chính niềm tin đó đã giúp cho họ được an lòng và cũng bởi niềm tin đó mà họ đau khổ, day dứt. Thế giới thực tại và thế giới phi thực đều có vai trò, giá trị như nhau đối với con người trung đại trong Truyện Kiều.
Môtif dự báo trong Truyện Kiều như thế có lẽ đã cho thấy được vị trí, chỗ đứng và tâm cảm của con người thời trung đại. Nó cũng góp phần làm gia tăng yếu tố tâm lý, ý thức cho tác phẩm, đồng thời còn có chức năng liên kết các sự kiện của cốt truyện và cũng nhờ đó, không khí trong truyện có thêm màu sắc hư ảo, huyền bí. Truyện Kiều chỉ có các yếu tố hiện thực bởi môtif dự báo đã làm bộc lộ tư duy văn học thiên về duy linh, thần bí, khác xa tư duy phân tích, duy lý, khoa học của văn học hiện thực chủ nghĩa. Về mặt tiếp nhận, sự dự báo trong truyện gây hồi hộp, ngạc nhiên. Đồng thời nó làm thỏa mãn độc giả bởi biết trước được số phận nhân vật họ yêu mến tạo nên tâm lý thỏa lòng. Vì vậy môtif dự báo ở góc độ này cũng là một trong các mắt xích của "kết thúc có hậu".
TRẦN NGỌC HỒ TRƯỜNG
ĐỌC LẠI CHƯƠNG CUỐI TRUYỆN KIỀU THẤY RÕ HƠN BÚT PHÁP NÂNG CẤP NHÂN VẬT CỦA NGUYỄN DU
Chương cuối truyện Kiều, Kim Kiều tái hợp, từng bị coi là một chương viết cho có hậu, chứ đời Kiều thực sự coi như kết thúc ở sông Tiền Đường rồi.
Nhưng năm 1965, dịp kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du, lại có hai bài viết ca ngợi ý nghĩa của chương cuối này. Ở Hà Nội là bài của Xuân Diệu, Bản cáo trạng cuối cùng trong truyện Kiều. Ở Sài Gòn là bài của Vũ Hạnh, Đứa con nàng Kiều. Hai giọng văn khác nhau, Xuân Diệu nghiêm cẩn, Vũ Hạnh hài hước nhưng đều dẫn đến một kết luận như nhau: Sau 15 năm luân lạc, với bao mong ước, hi vọng đoàn tụ, Kiều đã được gặp Kim, họ được gia đình vun quén tổ chức lề thành hôn ngay hôm gặp mặt. Động phòng dìu dặt chén mời/ Bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa. Chén hạnh phúc đã kề môi, nhưng họ đã không được uống. Không còn uống được. Có ai cấm đoán gì đâu. Mọi sự đều thuận. Hôn lễ cũng rất "đúng quy trình". Đêm vào khuya, bức gấm buồng tân hôn đã rủ. Thơ Nguyễn Du cận cảnh Dưới đèn tỏ rạng má đào thêm xuân, Văn Thanh Tâm Tài Nhân còn tả chân hiện đại hơn: Chàng lại khẽ tay nới rộng đai lụa, cởi hộ áo là, đỡ nàng vô màn uyên ương, bàn tay xoa xát tới chỗ tình nồng... (trích theo bản dịch của Nguyễn Đình Diệm). Nhưng chính lúc ấy, lúc chỉ có hai con người hoàn toàn tự quyết, hoàn toàn có quyền nương theo bản năng mà tiến tới, thì họ khựng lại, đúng hơn Thúy Kiều khựng lại. Sức mạnh ngăn Kiều xuất phát từ chính tâm hồn nàng, từ sự tự trọng hay từ sự nhạy cảm, nhận biết sâu sắc tình thế của nàng trong dư luận cái xã hội mà nàng đang sống, đang hi sinh thân mình vì đạo lý của nó. Nàng đã thuyết phục Kim Trọng trong đêm tân hôn ấy. Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ. Thơ Nguyễn Du từ sau đó mới là viết cho có hậu, một thứ hạnh phúc phải đạo, rất đáng nghi ngờ của ông hai vợ. Viết chạy bút cho xong, hơi thơ công thức, chữ nghĩa thờ ơ:
Một nhà phúc lộc gồm hai
Nghìn năm dằng dặc quan giai lần lần
Thừa gia chẳng hết nàng Vân
Một cây cù mộc, một sân quế hòe
Phong lưu phú quý ai bì
Vườn xuân một cửa để bia muôn đời
Xuân Diệu thì thấy đấy là chỗ đau nhất của đời Kiều. Đau khi thanh lâu hai lượt thanh y hai lần thì nó đi một nhẽ. Đằng này, bề ngoài phong lưu phú quý, nhưng thực chất, với Kiều, đấy là cái nhà ngục chung thân, vô vọng. Tuyệt đường hơn cả 15 năm lưu lạc. Xuân Diệu có lý khi gọi cái "hạnh phúc" ấy là bản cáo trạng, bản cáo trạng cuối cùng và cũng cao nhất của truyện Kiều. Vũ Hạnh, dù đã hài hước cho rằng cụ Nguyễn Du vốn không quen viết truyện thiếu nhi, để Cô Kiều sinh con, rắc rối cho cụ về bút pháp lắm, cũng phải nghiêm mặt luận tội: Bây giờ, chính vào cái lúc gọi là mong đợi nhất của đời nàng, Kiều đã vĩnh viễn bị tước đoạt hết (...) Rút cuộc, Kiều chẳng có chồng, Kiều chẳng có con, chỉ có một mớ danh từ tuyệt đẹp. Cái mớ danh từ tuyệt đẹp ấy ở đâu ra. Lại ở chính những người thân của Kiều. Ở bố mẹ nàng, các em nàng và chua chát thay ở cả anh chàng Kim Trọng tưởng như đã hiểu nàng lắm lắm. Kim Trọng cũng cao giọng đồng thanh với "tập thể" khen nàng thục nữ chí cao. Tôi xin nhắc lại: những phát hiện này là của 50 năm trước do hai bậc đàn anh đáng kính Xuân Diệu và Vũ Hạnh. Điều tôi muốn nói hôm nay lại là ở chỗ này: Khi tôi tóm tắt câu chuyện này cho thanh niên nghe, họ không tin trong đêm tân hôn ấy, đã ở tình thế ấy, mà Kim Kiều giữ được. Nhưng đọc vào thơ, dõi theo từng xen tâm lý thì họ tin.
Cốt truyện trong tiểu thuyết như một biên bản sự kiện, đủ việc, đủ người nhưng không lên hết được nỗi lòng của họ. Nguyễn Du biến cái biên bản hành động ấy thành một diễn biến cảm xúc, mỗi tình tiết diễn ra làm trái tim người đọc muốn run lên. Và đấy chính là chỗ sáng tạo thần kỳ của Nguyễn Du, tài tình lắm. Ông lấy nguyên liệu, ở kho chứa của Thanh Tâm tài nhân, cũng chỉ CHON... (các bon, hydro, oxy, nitơ...) nhưng ông đã thổi hồn mình vào mà chế nó thành người. Cái thế giới nhân vật thơ Kiều khác về chất so với nhân vật trong tiểu thuyết của Thanh Tâm. Nội một chương này thôi, đủ để thấy cái tầm tạo hóa của Nguyễn Du trong việc thấu hiểu và sáng tạo hồn người. Tôi nghĩ tác giả đã nếm nỗi đau đớn chát đắng của thân phận nhân vật hơn chính nhân vật. Tôi xin được nêu một vài đối chiếu:
1) Đoạn Giác Duyên dẫn gia đình Kiều về chùa gặp nàng
Văn: Vừa dứt tiếng gọi, Thúy Kiều vội rảo bước ra, nhác trông đủ mặt một nhà, nào cha nào mẹ nào là em trai em gái, lại có cả Kim Trong đứng cả bên đó.
Thơ:
Trông xem đủ mặt một nhà
Xuân già còn khỏe, huyên già còn tươi
Hai em phương trưởng hòa hai
Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa
Thúy Kiều nhìn Kim Trọng không như nhìn những người trong gia đình mình. Nọ chàng Kim đó, chàng Kim đang ngay đó, đang gần gũi cụ thể như Vương Quan, như Thúy Vân nhưng Kiều còn thấy cùng hiện diện với con người ấy là người ngày xưa. Bốn chữ ấy là từ hoài niệm sâu thăm thẳm trong tâm trí Kiều. Trong văn xuôi không có cái tinh tế ấy. Kim Trọng đứng đó là đứng đó, thu lu một anh chàng, thế thôi.
Từ đây cô Kiều của Nguyễn Du nói gì với Kim Trọng là nói với cả hai: chàng Kim da thịt của bây giờ và chàng Kim hình bóng của ngày xưa
2) Khi bố mẹ muốn đón Kiều về nhà từ chùa của Giác Duyên, nàng từ chối: Văn: chỉ vì tấm thân của con đã ở ngoài vòng tục lụy, thì tốt hơn hết là ở lại đây kết bạn cùng sư huynh để tu hành cho trọn kiếp.
Thơ:
Đã đem mình bỏ am mây
Tuổi này gửi với cỏ cây cũng vừa
Mùi thiền đã bén muối dưa
Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng
Sự đời đã tắt lửa lòng
Còn chen vào chốn bụi hồng mà chi
Dở dang nào có hay gì
Đã tu tu trót, qua thì thì thôi
Trong văn có 3 lượng thông tin: ngoài vòng tục lụy/ đã ở đây/ thì ở cho trọn kiếp. Thơ cũng 3 lượng tin ấy, lời rất đẹp, nhưng còn rất nhiều lượng tin thuộc nỗi lòng sâu kín của Kiều, nàng không nói nhưng người đọc nghe ra. Nghe ra trong lời tuổi này ở với cỏ cây cũng vừa (tuổi này là tuổi nào, Kiều năm đó mới 30. Sự đời đã tắt (...) chen vào mà chi... (mình nhủ mình mà như tranh luận). Nghe ngoài lời, nghe ở cái giọng Đã tu-tu trót, qua thì-thì thôi. Lời thơ đoạn này dôi ra so với lời văn. Chương này là một trong 20 chương ở văn xuôi (1/20) nhưng sang thơ nó chiếm tới 1/6 Truyện Kiều. Bút pháp dựng ngôn ngữ tâm trạng của Nguyễn Du trong đoạn này, từ chối mà khao khát mà đau đớn, thực ảo dư ba, biến hiện tài tình lắm.
3) Thúy Vân là nhân vật ít phát ngôn nhất. Ngay cả khi bố mẹ gả nàng cho Kim Trọng, nàng cũng chẳng được Nguyễn Du cho bộc lộ ý kiến gì. Nhưng lúc này, Kim Kiều tái hợp, thì khác. Thúy Vân chủ động có ý kiến. Chủ động từ trong văn của Thanh Tâm tài nhân
Văn: trong khi chén cúc giở say, Thúy Vân đứng lên thưa với cha mẹ rằng: (...) Trước đây sở dĩ con được kết duyên với chàng Kim là vì chị con bán mình làm tròn chữ hiếu, không thể giữ được lời nguyền, nên mới để con nối vào sợi tơ duyên ấy. Nay nhờ phúc ấm chị con đã được tái sinh, thì lời thề cũ còn đó, ví thử không sớm thực hành hỏi còn để đến lúc nào cho tiện.
Thơ:
Tàng tàng chén cúc giở say
Đứng lên Vân mới giãi bày một hai
Rằng: trong hợp tác cơ trời
Hai bên gặp gỡ một lời kết giao
Gặp cơn bình địa ba đào
Vậy đem duyên chị buộc vào cho em
Cũng là phận cải duyên kim
Cũng là máu chảy ruột mềm chứ sao
Những là rày ước mai ao
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình.
Chọn lúc giở say để đứng lên nói, chứ lúc tỉnh chắc khó nói, mà say thì chắc không nói nổi. Nguyễn Du thêm trạng từ tàng tàng vừa tượng thanh vừa tượng hình cho thấy một cô Thúy Vân rất ý thức về nữ quyền. Em được bén duyên với anh Kim cũng là một sự thế thân cho chị, em cám ơn. Trong văn lẫn trong thơ đều có ý cám ơn nhẹ nhàng ấy. Nhưng trong thơ, lời Vân có thêm một ý rất lợi hại, ấy là câu Mười lăm năm ấy biết bao nhiều tình. Tình là tình của chị Kiều nhớ anh Kim hay là tình của anh Kim khóc mếu nhớ chị ngay trước mặt em (em cũng khổ vì những giọt nước mắt ấy lắm chứ). Nhưng mười lăm năm ấy cũng là 15 năm (chứ có ít đâu) em chăm sóc anh Kim, nặng tình chồng vợ. Nay chị về, ai cũng lo vầng trăng cũ, lời thề xưa cho chị, nhưng còn cái thân em, cái phận em. Kiều vốn tinh tế, thoáng nghe Vân, nàng hiểu ngay tình thế:
Dứt lời nàng vội gạt đi
Sự muôn năm cũ kể chi bây giờ
Mười lăm năm em vừa nhắc đấy, đối với chị, đã xa như trong tiền kiếp rồi, sự muôn năm cũ. Câu này nói với Vân cũng là nói với chàng Kim của thuở xưa. Gạt nhẹ nhàng kể chi bây giờ mà đau thấm thía, hãy nghe nỗi đau trong những lời nàng giải thích sau đó. Xuôi tay tuyệt vọng. Tội nghiệp lắm.
Xét mình dãi gió dầu mưa đã nhiều
Nói càng hổ thẹn trăm chiều
Thì như ngọn nước thủy triều chảy xuôi.
4) Chỉ có trong thơ cặp hình ảnh trăng hoa, sương mây, mới liên hoàn trùng điệp, biến ảo khuyết rằm, tàn đi, tươi lại, rất tài trong một đoạn đối thoại mà dùng lời thường chắc khó nói
- Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng
Hoa thơm phong ngụy trăng vòng tròn gương 
... Bấy chầy gió táp mưa sa
Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn
... Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa
5) Một so sánh chót, phép gì giúp Thúy Kiều "thoát" Kim Trọng trong đêm tân hôn. Ấy là khi Kim Trọng cao giọng khen Thúy Kiều Gương trong chẳng chút bụi trần/ Một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm. Giọng khen rất thủ trưởng không phải lời tình nhân thương xót cho nhau. Thầy thuốc khoa Nam học bây giờ chắc nghĩ ông này không thiểu năng nội tiết thì cũng chớm tâm thần. Kiều đã nắm ngay lấy cái thế cao giọng ấy mà đẩy Kim Trọng lên chót vót:
Nghe lời sửa áo cài trâm
Cúi đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng
Thân tàn gạn đục khơi trong
Là nhờ quân tử khác lòng người ta
Đúng là một nghi lễ công đường chứ không phải trong phòng ngủ. Cúi đầu - lạy tạ - cao thâm nghìn trùng, Kim Trọng thành vĩ nhân ngồi trên tòa sen rồi. Cao quá, uy quá, anh chàng không dám thò chân xuống nữa. Cứ nghiêm chỉnh ngồi bàn đạo lý xuông cho đến sáng. Đoạn xử sự này trong văn xuôi thật thà lắm, thô sơ lắm, làm mất đi cái ý nhị nữ tính, thông minh và cái hiếu thắng rất phường tuồng của anh đàn ông hay sĩ diện. Chỗ này có thể suy ra một niềm cả nghĩ của Kiều: Kim Trọng trong buổi đoàn viên này quả là tha thiết yêu Kiều. Nhưng Kiều, nàng đã ý thức được rằng Kim đang yêu cái cô Kiều của 15 năm trước. Chứ sống với nhau, vào lúc tỉnh rượu tàn canh nào đấy, cái ý nghĩ cô Kiều thanh lâu hai lượt thế nào cũng về trong tâm trí Kim. Kiều tránh giây phút ấy từ bây giờ. Không lập lại bi kịch như thuở yêu Thúc Sinh. Qua cách tả cuộc sống phú quý của ba vợ chồng nhà ông Kim, Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên, tôi không tin Nguyễn Du khen thực. Nguyễn Du thừa biết nhạy cảm và cá tính như Kiều, thì chỉ ba tháng trong cái vai hạnh phúc què quặt ấy, là nàng sẽ cắt hộ khẩu để trở lại chùa sống thực cái đời mình. Ở với cỏ cây cũng vừa ở cái tuổi ba mươi đang xuân sắc ấy.
Nỗi đau của Kiều năm Gia Tĩnh triều Minh, đồng dạng với nỗi đau Chí Phèo, nhân vật của thời đại chúng ta. Kiều đã bán mình, lấy hiếu làm trinh, như cách nhìn của Kim Trọng, của cha mẹ, của các em lúc ấy nhưng còn cả cái xã hội bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng, và có ba trăm lạng việc này mới xong ấy, nó có cho phép Kiều sạch trong trở lại không. Khó lắm! Ngay cả với Kim, lúc này còn lúc khác. Kiều sâu sắc việc đời hẳn tiên lượng được và nàng đã buông xuôi. Gặp Kim là để vĩnh viễn chia tay, để mất mát tuyệt đối. Với Chí Phèo, ai cho phép Chí lương thiện trở lại. Chính lúc lòng Chí tràn đầy yêu thương là lúc Chí phải đổ máu. Nỗi đau Kiều, Chí đồng dạng nhưng cách giải quyết khác nhau. Nguyễn Du ép Kiều thỏa hiệp với cái phú quý bánh vẽ, và an ủi nàng bằng tiếng thở dài nghiệp chướng luân hồi:
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Chí Phèo thì khác. Tôi thấy không cần phải nhắc lại ở đây đoạn kết ở truyện của Nam Cao.
Và đấy cũng là dấu ấn đặc trưng của hai thời đại.
VŨ QUẦN PHƯƠNG 
 Nguồn: Tạp chí Thơ HNV
Theo http://vanvn.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tam Lu nghiêng trời

Tam Lu nghiêng trời Trương Thu Hiền đã xuất bản ba tập bút ký: “Đoản khúc cho quê”, “Độc bản”, “Hoa báo mùa sang”. Ngôn từ của chị đẹp, gi...