Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Truyện ngắn Việt Nam hiện đai - Một góc nhìn

Truyện ngắn Việt Nam hiện đai - Một góc nhìn 
Không biết hiện nay đã đến lúc chúng ta cần phải đoạn tuyệt một cách dứt khoát với quan niệm cho rằng truyện ngắn là một dạng thức phản ánh cái hiện thực như nó vốn có.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
trong chức năng của văn học, nghệ thuật hay chưa, trong khi xu hướng của nhiều cây bút truyện ngắn đang viết theo phong cách hiện đại với một cảm quan mới về thế giới.
1. Không biết các nhà truyện ngắn hiện nay đã vô tình hay cố ý thoát ly việc phản ánh cái hiện thực như nó vốn cótheo kiểu truyện ngắn truyền thống của những bậc thầy như Shakespeare, Dickens, V. Hugo, Sekhov, Guy De Mopassant, Lỗ Tấn, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan,… Các bậc thầy truyện ngắn truyền thống thực sự đã đạt đến sự linh diệu trong bút pháp của mình về thể loại này. Tuy nhiên, cũng tại bởi người đời đã tự vẽ ra một cái vòng kim cô bất biến cho họ như vậy, nên các chư vị ấy cũng khó mà thoát khỏi những định chế của lịch sử, mặc dù tài năng và những đóng góp của họ không những không ai có thể phủ nhận được mà còn rất đáng kính nể. 
Nhưng cũng chính tại vì cái tài phản ánh cái hiện thực như nó vốn có của các vị mà các nhà truyện ngắn hôm nay dù ít, dù nhiều từng bước thấy cần phải đoạn tuyệt với nó. Cái nghịch lý muôn thuở là con người luôn tự đặt cho mình những cái đích để hướng tới, nhưng khi đến rồi lập tức chán ngay và lại loay hoay tìm cách vượt qua chính mình. Rốt cuộc, con người tự mình tổ chức ra các cuộc chia tay có tính lịch sử là, một phía rước các chư vị ấy lên bàn ngồi bán hoa quả, thi thoảng vào những ngày tuần tiết dâng thêm cho các vị một vài nén nhang tưởng niệm. Một phía khác, các cây bút truyện ngắn hiện đại phải tự tìm cho mình một sứ mệnh mới trong tiến trình lịch sử của chính nó bằng việc đưa vào truyện ngắn những cảm quan của thời đại mới bằng một bút pháp mới, theo quan niệm rằng thế giới này là vô cùng, vô tận và hỗn mang; hiện thực này vốn không phải lúc nào cũng có thủy, có chung như người ta thường lầm tưởng và không phải lúc nào cũng được sắp sẵn những mâm ngũ quả đầy hương vị ngọt ngào, mà nó còn có cả những vị đắng cay, chát chúa, những thứ ôi thiu, rác rưởi, những cái thụi, cú hích, những sự đập phá và những cuộc dựng xây,...
Từ nay các nhà truyện ngắn hiện đại bắt tay vào việc không phải để tô son, trát phấn, mông má lại và xức một ít nước hoa lên cái hiện thực hỗn tạp ấy cho nó thơm choang, tươi rói lên nhân danh những ước nguyện của con người để ru ngủ họ, mà là để bới đào trong đống đổ nát của lịch sử, nhặt nhạnh từng mảnh vỡ, thậm chí là cả những cái cặn bã, thừa mứa của lịch sử tưởng chừng như đã vứt đi, rồi mầy mò, gắn kết lại thành một cái hiện thực khác trông thật dị dạng và rất đáng hồ nghi, nhưng nhất quyết đấy cũng là một hiện thực. Chỉ có điều là cái hiện thực trong truyện ngắn hiện đại không phải là cái như nó vốn có, mà là một hiện thực đầy tính chủ quan, võ đoán, thậm chí còn nhố nhăng nữa là khác. Trớ trêu là chính những điều đó đã làm nên thước đo cơ bản để phân biệt hai dòng truyện ngắn: Truyền thống và Hiện đại.
2. Điển hình của dòng truyện ngắn truyền thống Việt Nam từ sau cách mạng tháng Tám thuộc về thế hệ các nhà văn trưởng thành trong và sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và họ đã đạt được những thành tựu rất đáng kể khẳng định vị trí nòng cốt và là người đại diện cho dòng truyện ngắn truyền thống Việt Nam như: Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Võ Huy Tâm, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hồ Phương, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy, Cao Tiến Lê,…
Nhưng cũng có không ít những người trong số họ và cả những người thuộc thế hệ sau đã bắt đầu cảm thấy cần thiết phải đặt lại vấn đề về cảm quan và bút pháp truyền thống, dường như nó có một cái gì đó thật sự không ổn đối với thời đại mới. Tuy ở những mức độ khác nhau, nhưng nói chung họ đều muốn ca lên bài ca đổi mới truyện ngắn. Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Đỗ Chu,…là những cây bút tiên phong của dòng văn học thời kỳ đổi mới. Có thể nói họ là những người đầu tiên dám vặn cổ chính mình hướng lên phía trước chứ không phải chỉ biết quay về phía sau để nhấm nháp, chiêm ngưỡng những hào quang của những bản anh hùng ca hào sảng một thời đã qua. Với sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư,... đã đưa tiến trình đổi mới văn học tiến thêm một bước nữa, tạo nên một một sự cựa quậy đáng kể trong đời sống văn chương nước nhà với những tiếng nói lạ lẫm so với truyền thống.
Vấn đề đặt ra ở đây là thử hỏi trong số họ được mấy người dám trực diện tuyên chiến nhằm đoạn tuyệt một cách dứt khoát với truyện ngắn truyền thống và tìm đường tiến vào lãnh địa của truyện ngắn hiện đại. Có thể nói chín mươi lăm phần trăm trong số họ chỉ là những người có những yếu tố cách tân so với truyện ngắn truyền thống, hoặc nói một cách chính xác hơn là cách tân trên cơ sở của truyền thống. Họ cẩn trọng, rón rén từng bước, tiệm cận cái mới và cũng là xa rời cái cũ như trẻ con rình bắt chuồn chuồn nơi bờ ao. Thế nhưng, cuộc cách mạng thông tin đã đưa nhân loại quá độ từ thời đại công nghiệp sang thời đại trí tuệ, từ nền kinh tế và văn hoá công nghiệp sang nền kinh tế và văn hoá trí thức với nhiều tên gọi khác nhau như: nền Kinh tế tri thức (Knowledge Economy), nền Kinh tế mạng- (Networked Economy), nền Kinh tế số hoá (Digital Economy) và nền Văn hoá mạng (Networked Culture) và người ta không còn chối cãi vào đâu được, cuộc cách mạng thông tin đã tạo ra những động lực mạnh mẽ thúc đẩy quá trình toàn cầu hoá diễn ra một cách nhanh chóng và toàn diện hơn. Vậy thì cách đi vào thế giới hiện đại rón rén như các nhà truyện ngắn hiện nay liệu có đem lại cho nền văn học nước nhà nói chung và truyện ngắn nói riêng một diện mạo mới không? Câu trả lời có lẽ nằm ở phía bản thân các nhà truyện ngắn và công chúng hôm nay.
Có thể nói con đường tiệm tiến và cách tiệm cận đời sống hiện đại của các cây bút truyện ngắn truyền thống mãi vẫn chỉ là những câu chuyện cổ tích được kể lại trong ngày hôm nay bằng những ngôn ngữ sáo rỗng biểu đạt sự vật hiện tồn trong cuộc sống hiện đại mà thôi, chứ tuyệt nhiên không phải bằng cảm quan về của một thời đại mới với một bút pháp hoàn toàn mới.
Vẫn biết mọi sự so sánh đều là nhảm nhí và khập khiễng, nhưng nếu không so sánh thì hiện chúng tôi chưa có cách nào khả dĩ hơn để tìm ra cái so le giữa hai dòng truyện ngắn truyền thống và hiện đại.
3. Chàng thương gia thành Venize của Shakespeare- Anh, Chiếc lá cuối cùng của O’Henry- Mỹ, Tiếng gọi đời thườngcủa Knut Hamsun- Na Uy, Thung Lam của  Hồ Thị Ngọc Hoài, Buổi sáng biến mất và Cơm chiều của Ngô Phan Lưu- Việt Nam và 2- Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp, Thực đơn chủ nhật của Phạm Thị Hoài- Việt Nam,...
Ở đây chúng tôi không bàn đến sự hay, dở, giá trị nghệ thuật hay tầm ảnh hưởng của các truyện ngắn đó, mà chỉ đề cập đến khía cạnh cảm quan thời đại và bút pháp của chính những người đã sản sinh ra chúng. Ở tốp đầu- 1, cảm quan chủ đạo của các tác giả này là một góc nhìn thế giới hiện thực đang diễn ra trước mắt họ khá tinh tế và họ đã phản ánh nó với một bút pháp rất trung thực và tài tình về cái hiện thực như nó vốn có. Sự tráo trở, gian manh của những tay lái buôn tầm cỡ quốc tế, với mọi thủ đoạn kiếm lời, bất chấp đạo lý, luân thường, thậm chí họ có thể bán tới 99 điều răn của Chúa, miễn sao có lợi cho riêng mình (Chàng thương gia thành Vơnidơ); rồi người họa sĩ già có thể hy sinh cuộc đời của mình để cứu lấy một sinh linh bé nhỏ đang trong cơn hấp hối (Chiếc lá cuối cùng); Nàng Hellen xinh đẹp, trẻ trung sẵn sàng rượt đuổi theo những khát vọng cá nhân ẩn chứa trong chiều sâu nhân bản mà nàng không thể nào cưỡng lại được, dù người chồng của mình vừa chết chưa kịp đem chôn (Tiếng gọi đời thường- Truyện ngắn Gải thưởng Nobel văn học 1922); Sự nuối tiếc những kỉ niệm xưa, với những con người và mảnh đất đã từng nuôi mình khôn lớn như hôm nay (Thung Lam) hay lòng vị tha, sự tận tụy và những nghĩa cử cao đẹp đối với những người mà cuộc sống chỉ còn được tính bằng giây (Buổi sáng biến mất), tất cả những điều đó là có thật và rất đáng trân trọng. Điều đáng bàn là Shakespeare và Ngô Phan Lưu, Hồ Thị Ngọc Hoài sống cách nhau chừng khoảng 5 thế kỷ và ở xa nhau nửa vòng trái đất, nhưng lại không hề cách xa nhau về cảm quan hiện thực và bút pháp mô tả. Tựu trung lại họ đều là những người thư ký trung thành của thời đại.
Ở tốp thứ hai- 2, Vua Quang Trung trong Phẩm tiết được mô tả một cách khác hơn. Những cử chỉ và việc làm của Quang Trung trong những lần quan hệ với Vinh Hoa không giống như những gì mà ông ta vốn có qua sự ghi chép của sử sách và sự truyền tụng của người đời, thậm chí có những chi tiết mà chỉ nhờ ngòi bút của Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta mới được biết đến. Chẳng hạn như cuộc làm tình mây mưa của Quang Trung với Vinh Hoa. Qua đó người đọc tự rút ra cho mình cái gọi là phẩm tiết  thật sự là cái vô cùng nhí nhố, phi lý và rất hoang tưởng. Thế gian này làm gì có một cái phẩm tiết chung mang tính toàn cầu, phổ quát toàn nhân loại. Vậy là cái phẩm tiết nhất theo quan niệm của Nguyễn Huy Thiệp chỉ là một khái niệm trừu tượng tồn tại trong đầu người này, nhưng không nhất thiết phải tồn tại trong đầu người khác. Những chi tiết mà Nguyễn Huy Thiệp mô tả ở đây không theo một trật tự đạo đức hay một lô gíc khách quan nào, mà là những mảnh vỡ, những cái vô nghĩa lý, dường như chẳng nói lên điều gì, thậm chí còn là cái phản đạo đức theo quan niệm của số đông người đời, nhưng lại được sắp xếp theo một trật tự mới với logic hoàn toàn chủ quan của tác giả. Giá trị lớn lao của những chi tiết ấy là đã gieo vào tâm trí người đọc về sự phi lý của cái trật tự mà một số người nào đấy đã sắp đặt nên và được nhiều người a dua, hùa theo. Vậy thì Nguyễn Huy Thiệp cũng hoàn toàn có quyền sắp đặt thế giới theo một trật tự riêng của ông ta. Xét đến cùng cái trật tự của số đông người đời và cái trật tự riêng của Nguyễn Huy Thiệp đều có quyền bình đẳng, xét về dạng thức tồn tại của nó. Chắc gì cái phẩm tiết truyền thống của đám đông đã hơn cái nhí nhố cá nhân mà Nguyễn Huy Thiệp đã mô tả trong tác phẩm.
Cái thực đơn do mẹ, chị hay tôi trong Thực đơn chủ nhật đưa ra cũng đều là vô nghĩa như vậy cả thôi. Mỗi người cố gắng đưa ra một cái thực đơn cho ngày chủ nhật để cả nhà cùng vui. Nhưng xem ra tất cả đều bất lực. Mẹ thích món này, chị bảo món kia, còn tôi khoái món nọ. Ai có món của người ấy. Làm gì có món chung cho tất cả mọi người. Và thế là bản thân tôi bị biến thành món nhắm trong cái thực đơn chung của cả nhà. Cuộc sống vô nghĩa đến như vậy, nhưng ai cũng thấy cần phải sống. Có lẽ người sống thực nhất và nhiều nhất chính là tôi, người luôn biết cách tự phản tư lại những cái mà người đời cho là có ý nghĩa nhất.
4. Thiên chức của truyện ngắn là phải sáng tạo ra một thế giới thứ hai chứ không phải chỉ là công cụ để nhận biết và phản ánh cái hiện thực như nó vốn có. Hơn thế, truyện ngắn hiện đại còn phải đem đến cho người đọc một sự hoài nghi về những khuôn mẫu đã định sẵn trong cái trật tự vĩnh hằng của thế giới thứ nhất nhằm gieo vào tâm trí họ sự tìm kiếm một cái gì đó mà những người bình thường thấy dường như nó chưa từng có mặt trên thế gian này. Cái mà nhà nghệ sĩ hiện đại đưa ra trong tác phẩm của mình và gợi lên trong tâm trí người đọc là những cái hoàn toàn vô lý theo logic thông thường của hệ qui chiếu hữu hình (hiện thực), nhưng chúng lại là những cái rất có lý trong một logic khác ở hệ qui chiếu vô hình (phi hiện thực).
Đọc truyện ngắn hiện đại người ta bắt gặp nhan nhản những cái phi lý, vớ vẩn và nhố nhăng thậm chí là giả dối vàbịa đặt, nhưng người ta vẫn cứ tin rằng những cái đó là có thật hoặc ít ra người đọc cũng luôn phải tự đặt ra cho mình câu hỏi về sự tồn tại của chúng. Điều đó không hề có trong truyện ngắn truyền thống. Truyện ngắn truyền thống là một nhát cắt ngọt, gọn gàng, hàm súc về quãng lặng, nốt lửng trong tiến trình phát triển của sự vật, hiện tượng trong thế giới hiện thực của con người. Nhưng dù sao đấy cũng chỉ là một nhát cắt, một cách nhìn về thế giới hiện thực, không cho phép con người tiến sâu hơn vào bản chất sự vật, hiện tượng và biết thêm bất cứ điều gì về một thế giới nằm ngoài, đứng sau và treo lơ lửng bên trên hiện thực đó. Đấy là giới hạn mà truyện ngắn truyền thống không thể vượt qua. Như vậy phải chăng sứ mệnh lịch sử của nó đã hết, cần phải được thay thế bằng một cảm quan nhận thức thế giới mới theo hướng bứt phá để vượt thoát, tiến lên, lùi lại, đi vòng đến một thế giới thứ hai- phi hiện thực, ngõ hầu có thể tìm kiếm được cơ hội nhận thức về thế giới thứ nhất - hiện thực, một cách sáng rõ và đầy đủ hơn. Điều này chắc chắn là quá sức đối với những nhà truyện ngắn truyền thống, ngay cả đối với những bậc thầy của nó cũng đành phải bó tay.
Qua những phân tích trên, chúng tôi cho rằng truyện ngắn Việt Nam vẫn đang trong quá trình mò mẩm, tìm đường. Ngay cả những cây bút có nhiều yếu tố hiện đại như Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài cũng chưa thể hiện rõ cảm quan về một thế giới hiện đại mang tính khái quát cao, mà vẫn là những cảm quan về thế giới hiện thực được mô tả theo một bút pháp kỳ ảo, diễn dịch ngược hoặc là phản luận đề. Bên cạnh Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài còn có một số người khác như Võ Thị Hảo, Hồ Anh Thái, Lưu Sơn Minh, Quế Hương, Phạm Hải Vân, Hòa Vang, Nguyễn Thị Ấm,  Đức Ban, Hoa Ngõ Hạnh, Minh Thu, Huy Nam, Văn Như Cương, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thị Trường, Nguyễn THị Anh Thư, Hà Cẩm Anh,...
Theo tôi, ngoài mộ số người như: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Võ Thị Hảo, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thị Trường, Nguyễn Thị Anh Thư, Hà Thị Cẩm Anh, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư,... còn phần lớn các gương mặt khác hiện vẫn còn khá nhạt nhòa chưa để lại nhiều dấu ấn trên văn đàn. Cũng có những người đã để lại ấn tượng, nhưng tự dưng lại thấy im hơi lặng tiếng như Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài. Tuy nhiên chỉ từng ấy cánh én thôi thì chưa thể làm  nên một mùa xuân, đấy là chưa kể có những cánh én chưa kịp xòe ra đã vội khép lại ngay. Nói đúng hơn là họ không thể tiếp tụcvượt cạn mãi được trong khi dòng chảy chủ đạo của truyện ngắn Việt Nam thời gian qua vẫn là cách tân trên cơ sở  truyền thống hay là làm mới lại truyện ngắn truyền thống. 
Thế mới biết truyền thống là một cái gì đó khá cứng đầu, cứng cổ, bảo thủ và lì lợm đến mức muốn vượt qua nó không hề dễ dàng chút nào. Có thể nói truyện ngắn Việt Nam khoảng 30 năm trở lại đây chưa tạo nên được một vùng sáng trên bầu trời văn chương nước nhà với tư cách là một dòng truyện ngắn hiện đại, mà đây đó, lúc này, lúc khác mới chỉ có những đốm lửa lóe lên rồi vụt tắt như sao băng. Không chỉ bản thân truyện ngắn chưa tạo ra cho mình được một đội ngũ hùng hậu các cây bút trẻ, khỏe, phóng khoáng mang hơi thở của thời đại toàn cầu hóa, mà hơn thế, những vấn đề mà các nhà truyện ngắn đặt ra còn lẻ tẻ, vụn vặt, vẫn mang màu sắc phê phán hay ngợi ca những khía cạnh luân lý, đạo đức và lối sống hơn là những triết lý nhân sinh và cảm quan thế giới mới.
Chỉ có một cảm quan thế giới mới, ý thức một cách sáng tỏ về chính sự tồn tại của thế giới này với một bút pháp đầy ma lực của các cây bút truyện ngắn thì chúng ta mới hy vọng có một dòng truyện ngắn hiện đại. Bằng không, cùng lắm chúng  chỉ có thể trở thành một cái đỉnh đồi lầm lầm nào đấy của dòng truyện ngắn truyền thống trong thế giới hiện đại.
ĐỖ NGỌC YÊN
Theo http://vanvn.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vườn xưa

Vườn xưa Vườn xưa, ấy là cái vườn của gia đình tôi ở quê, thôn Khê, nằm bên tả ngạn con sông Cái thuộc tỉnh Hưng Yên, cách thủ đô chừng và...