Đêm thấy ta là thác đổ - Trịnh
Công Sơn
Khi nhắc đến hai từ 'Nhạc Trịnh'
chắc có lẽ ai trong chúng ta cũng đều biết. Với gần 600 ca khúc, nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn (TCS) đã quyến rũ bao thế hệ người nghe bằng những ca từ được xem là
bí ẩn và mang đậm chất thơ. Tôi ít nghe nhạc Trịnh, nhưng thực sự đã có nhiều
bài hát của ông đã đi vào lòng tôi. Hình ảnh những 'Thành phố hoang vu', 'một
dòng sông đã chết', hay là 'thác đổ',... rồi sau đó dẫn người nghe đến những cuộc
tình đau thương, và những suy niệm sâu sắc về cuộc sống... Một lần tình cờ tôi
nghe được bài hát 'Đêm thấy ta là thác đổ' của nhạc sĩ TCS, một trong những bái
hát khó hiểu nhưng nó đã làm tôi chú ý. Đọc một số bài phân tích trên mạng, tôi
thấy người ta thường hướng tác phẩm về một cuộc tình nào đó, nghe có vẻ là một
sự nuối tiếc, một sự thương nhớ về mối tình đầu. Không chú trọng câu từ, tôi
xin hướng ý nghĩa bài hát này theo một chiều khác tôi được biết và cảm nhận...
Theo lời kể của nhạc sĩ
Quang Dũng, ít ai biết được bài hát được viết sau cuộc gặp gỡ của nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn với một Ma Sơ (nữ tu) khi ông ở Bình Dương. Chi tiết lý thú này chắc
có lẽ đã tiết lộ được phần nào bí ẩn của bài hát. Theo tôi, tính từ mốc này, nhạc
sĩ TCS đã chia bài hát ra thành 2 không gian và thời gian khác nhau, đó là thái
độ và cảm xúc của ông trước và sau khi xảy ra cuộc gặp gỡ đó...
Một đêm bước chân về gác nhỏ
Chợt nhớ đóa hoa Tường
Vi
Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ
Giờ đây đã quên vườn xưa.
Có lẽ, ông đã mở đầu chuỗi cảm
xúc của mình bằng 4 câu đầu miêu tả về mối tình đầu của mình, một mối tình mà
tưởng chừng như ông đã quên. Đóa hoa Tường Vi lại chính là mối tình đầu của
ông, một mối tình mà chính ông đã tìm gặp và 'ngắt' về từ một thành phố nào đó
và ông đã trồng nó trong khu vườn tình yêu, mà bây giờ ông đã quên 'vườn xưa'
đó nơi nào rồi...
Một hôm bước qua thành phố lạ
Thành phố đã đi ngủ
trưa
Đời ta có khi tựa lá cỏ
Ngồi hát ca rất tự do.
Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ
nhà
Từ những phố xưa tôi về
Ngày xuân bước chân người rất
nhẹ
Mùa xuân đã qua bao giờ.
8 câu tiếp theo ông tiếp tục
diễn tả thêm 2 mạch cảm xúc nữa. Một là tâm trạng cô đơn, lạc lõng giữa một
thành phố xa lạ, để rồi ông thấy mình như lá cỏ, ông chỉ thực sự 'rất tự do'
trong thế giới của riêng mình. Một nữa là tâm trạng nhớ nhà, nhớ những nơi mà
ngày xưa ông đã đi qua, mà biết bao mùa xuân đi qua khiến ta phải bàng hoàng,
tiếc nuối. Và dường như, ông đang cố diễn tả 3 cảm xúc và tâm trạng quen thuộc
của đời người chúng ta, để rồi ông tóm một chuổi cảm xúc ấy bằng 2 câu:
Nhiều đêm thấy ta là thác đổ
Tỉnh ra có khi còn
nghe...
Nơi của những khoảng lặng
đêm khuya, ông thấy mình như là "thác đổ", đó là dòng thác của những
suy nghĩ, trăn trở về cuộc sống mà nó tuôn đổ ào ạt hàng đêm trong tâm hồn ông.
Và nó không còn là của riêng ông nữa mà là của mỗi người chúng ta...
Thoạt nhìn đoạn đầu không có
gì đặc biệt, một loạt hình ảnh quen thuộc ẩn sâu vào đó là những dòng cảm xúc
đơn sơ, mộc mạc. Nhưng nó lại là 'cái đà' rất tốt cho những dòng suy nghĩ sau của
ông. Có lẽ để hiểu được đoạn sau, hoặc có thể là cả bài này, thì ta phải hiểu
được 2 câu cuối cùng của bài hát, nhưng hầu như các bài phân tích đều dừng lại
đoạn gần cuối và không phân tích hai câu cuối:
Vì em đã mang lời khấn nhỏ
Bỏ tôi đứng bên đời kia...
Vậy, vì sao ông gọi Ma Sơ đó
là 'em'? Có lẽ đó là người ông quen biết hay phải chăng đó là mối tình đầu vụn
dại của ông?... Nhưng không, ông đã cảm nhận được một điều mới mẻ, hành trang
suốt một đời của một ma sơ với 3 lời khấn: vâng phục, khó nghèo và khiết tịnh,
và dường như cuộc sống của ma sơ là thế giới hoàn toàn khác với ông, nơi các sơ
phải vươn đến một sự thánh thiện tuyệt hảo để có thể sống trong một tình yêu trọn
vẹn với Thiên Chúa. Còn ông cảm nhận mình chỉ còn đang ở bên đây thế giới, khi
"tôi đã sống rất ơ hờ, lòng tôi có đôi lần khép cửa", đó là lý do khiến
ông nhiều lần ngã quỵ trước 'vết thương' của mình.
Và rồi sau cuộc gặp gỡ ấy,
ông chợt bừng tỉnh, mắt ông như mở ra, lòng ông 'thấy vui như trẻ thơ', ví có lẽ,
ông đã có cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống. Ông muốn cuộc đời mình có khi là
'đóm lửa', đóm lửa có thể tỏa sáng và được nhóm giữa những 'vườn khuya' - đó là
những tâm hồn đau khổ, bế tắc, lạc lõng,... Vì thế, ông đã gửi gấm vào các tác
phẩm của mình đó là tất cả những cảm nhận, suy tư về cuộc sống mà ông đã từng
trải cho mọi người...
2014/06/07
Cát Bụi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét