Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Gió và con người

Gió và con người 

Nói về gió, tức là nói về không khí vì gió là không khí chuyển động. Con người cũng như bao sinh vật khác không thể sống nếu không có không khí. Người ta thường nói ta có thể sống nhịn ăn 3 tuần, nhịn uống 3 ngày, nhưng chỉ có thể nhịn thở 3 phút... Mà không khí quanh ta giúp cho sự sống của muôn loài nên từ ngàn xưa, mọi tôn giáo đều cho không khí/gió là một trong những yếu tố tạo nên vũ trụ cùng với đất, nước, lửa..Trong 4 chất đất, nước, gió, lửa thì ta có thể thấy được đất, nước và lửa chứ không khí ta chỉ cảm nhận vì không khí dễ biến thiên từ cơn gió thoảng đến cơn bão lốc; ta cảm nhận gió qua con diều bay, qua thưởng thức gió mát mùa hè, chiếc buồm căng gió.
Gió  luôn luôn là nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ, văn sĩ, thi sĩ ở bất cứ không gian nào, thời gian nào, từ xưa mãi đến về sau. Sách Gió Đông, gió Tây, phim ảnh Cuốn theo chiều gió là những tư liệu cổ điển.
Văn học Việt cũng không thoát khỏi niềm cảm thông sâu xa giữa con người và gió. Thực vậy, trong truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du cũng dùng hình tượng gió để  diễn đạt nhiều cảm xúc khác nhau như nói chuyện lẳng lơ thì:
Sớm đào tối mận lân la
Trước còn trăng gió, sau ra đá vàng

 thề nguyền cũng dùng hình tượng gió như:
Dù khi gió kép, mưa đơn
Có ta đây, cũng chẳng cơn cớ gì!

Gió kép, mưa đơn có nghĩa những tai họa, bất trắc bất thình lình có thể xảy ra với người phụ nữ chân yếu, tay mềm
Tả cảnh thanh thản cũng dùng chữ  gió  như:
Lần thâu gió mát trăng thanh
Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi

Khi gió gác, khi trăng sân
Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ

hoặc:
Gió chiều như giục cơn sầu
Vi lô hiu hắt như màu cơi trêu

Thời gian trôi qua:
Lần lần ngày gió đêm trăng
Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua 

Gió thường đi liền với mưa nên các văn sĩ, nhạc sĩ cũng hay liên kết 2 hiện tượng trên:
Những ngày mưa lạnh gió lê thê
- Ngày ngâu gió kép mưa đơn, Mái tranh rỉ những lệ buồn vu vơ/Đêm dài nhịp tiếng võng đưa, Lời ru ời ợi ngàn xưa vọng về (Bàng Bá Lân)
Chiếc thuyển anh vắng, le te cõi nàng
Gió đánh cành bàng, gió đập cành bàng
Dừng chèo anh hát, cô nàng ấy nghe
hoặc:
Một chiều gió mưa em về thăm chốn xưa
Non nước u buồn nào đâu bóng cố nhân
Lòng xót xa tình xưa…
Dân ca cũng có bài nói về gió:
Gió đánh cành tre,  gió đập cành tre
Gió đánh đò đưa, gió đập đò đưa
Sao cô mình lơ lửng mà chưa có chồng
Ca dao miền Nam có câu:
Gió đưa gió đẩy về rẩy ăn còng Về sông ăn cá, về đồng ăn cua
Ý nói người con gái lấy chồng miền rẩy thì chỉ có ăn còng, không bằng về bưng có cá, về đồng có cua. Còng có nhiều miền Gò Công, sau vụ lúa thì còng bâu kín chân rạ
Nỗi tự tình của người thôn nữ cũng dùng hình tượng gió vừa bóng bẩy, vừa kín đáo:
Đêm qua mưa bụi gió bay
Gió rung cành bạc, gió lay cành vàng,

Em với anh cùng tổng khác làng

Nào em biết ngõ nhà chàng ở đâu!
Nhà nhạc sĩ liên tưởng đến ngọn gió nhẹ khi hè về:
Trời hồng hồng, sáng trong trong 
Ngàn phượng rung nắng ngoài song

Cành mềm mềm, gió ru êm

Lọc màu mây bích ngọc qua màu duyên  (Hè Về của Hùng Lân)
Ca dao ta có câu:
Người ta đi cấy lấy công. Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề. Trông trời, trông đất, trông mây. Trông mưa, trông gió, trông ngày trông đêm
chứng tỏ gió là một yếu tố mà người nông dân chú ý trong công việc đồng áng. Người nông dân với tích lũy kinh nghiệm bao dời:
Đêm mù sương trăng sao không tỏ
Ấy là điềm mưa gió tới nơi

Đêm nào sao sáng xanh trời

Ấy là nắng ráo, yên vui suốt ngày

Những ai chăm việc cấy cày
Nhìn trời trông gió liệu xoay lấy mình

Tại sao có gió?
Gió thổi vì có sự khác biệt về nhiệt độ trong bầu trời:
- Chỗ nào có mây che thì không khí ở mặt đất không nóng nên nặng: áp suất không khí cao, tạo ra cao áp.
- Chỗ nào không có mây che, trời nắng ráo thì không khí trở nên nhẹ, bốc lên cao:
Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn (thơ Xuân Diệu), và vì không khí nhẹ nên áp suất không khí thấp, tạo ra hạ áp.
Và gió thổi từ chỗ cao áp đến hạ áp, cũng y như giòng nước chảy từ chỗ cao đến chỗ thấp.
Sự khác biệt về nhiệt độ trong bầu trời cũng biến thiên theo mùa (mùa hạ trời nóng, mùa đông trời lạnh), theo vùng (nhiệt đới nóng, ôn đới lạnh), theo đêm ngày (đêm mát vì không có mặt trời, ngày nóng vì có ánh nắng), theo địa hình (núi, thung lũng).
Tóm lại, nóng không đồng đều trên mặt địa cầu đã tạo ra những nơi có khí áp cao hay thấp nên  gió cũng có nhiều loại.
- Nếu sai biệt giữa cao áp và hạ áp không lớn lắm thì gió thổi yếu hơn:
Gió hiu hiu thổi mây vàng êm trôi (Bàng Bá Lân ) hoặc:
Gió vi vu tiếng sáo diều
Ru hồn mục tử chiều chiều trên đê (Bàng Bá Lân)
Ta hãy để ý đến liên hệ giữa hai hiện tượng khí hậu : gió hiu hiu và mây vàng trong câu thơ! Thực vậy, mây vàng như trong ca dao:
Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng

là khi thời tiết êm đẹp nên gió chỉ hiu hiu thổi (vì không có khác biệt giữa áp suất không khí)
- Nếu sai biệt giữa cao áp và hạ áp khá nhiều thì gió thổi rất mạnh:
Đùng đục gió đục mây vần
Một xe trong cõi hồng trần như bay (Kiều) hay ào ào đổ lộc rung cây

- Nếu không có sự chênh lệch khí áp thì không khí sẽ không chuyển động: trời lặng gió.

Các loại gió
* Theo hướng
Gió Bắc, còn gọi là gió bấc, là gió thổi từ miền Bắc Trung Hoa, đem hơi lạnh về vào các tháng 11, 12 đến tháng hai, tháng ba nên khí hậu nước Việt, nhất là miền bắc, khá lạnh. C ác nhà văn cũng còn gọi gió mùa Đông Bắc.
Vào mùa Đông, có thổi từ vùng Siberia (cao  áp) đến Việt Nam, đem theo không khí lạnh... Dưới ngòi bút của nhà văn nữ Trần Mộng Tú:
Gió Mùa Ðông Bắc. Có không biết bao nhiêu thi sĩ, bao nhiêu nhạc sĩ đã xúc động về những cơn gió này và viết ra bao nhiêu tác phẩm làm thăng hoa đời sống con người để ngay cả khi đang sống trong một hoàn cảnh khó khăn nhất, con người vẫn tìm ra cái đẹp của nơi mình đang sống. Khí hậu của tháng Mười Một và tháng Chạp âm lịch là khí hậu lạnh và đẹp nhất trong năm của miền Bắc. Gió hay trở lạnh đột ngột như một người đi xa bỗng trở về không báo trước. Có thể mới buổi sáng trời còn rất ấm không có gì báo hiệu là một ngày lạnh, nhưng đến trưa gió ở đâu bỗng kéo về chật phố. Gió chen chúc vào đám đông đang đi trên đường, gõ cửa những ngôi nhà, hàng quán, ngồi sát vào những người buôn bán hai bên vỉa hè rất là hồn nhiên. Chẳng cần nói năng gì cả. Chỉ cần có mặt, tôi đến, tôi ngồi xuống và tôi ở lại. Giống như Caesar ngày trước I came, I saw, I conquered. Thế là mọi người chạy ùa đi mua áo ấm để ngồi chung với gió.
Mùa thu ở Việt Nam, thường có gió heo may, một loại gió hơi lạnh và khô. Trong bản nhạc «Mưa Sai Gòn, mưa Hà Nội’ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương có nói về loại gió này:
Mưa hoàng hôn
Trên thành phố buồn gió heo may vào hồn ..
hoặc:
Lìa xa thành đô yêu dấu 
một sớm khi heo may về 
lòng khách tha hương vương sầu thương
 (Giấc mơ hồi hương của nhạc sĩ Vũ Thành)
Gió Nam, còn gọi là gió Nồm thổi vào mùa hè từ phía Đông Nam, từ Ấn độ dương đem theo hơi ẩm từ biển vào và tạo mưa ở Thái Lan, Miến Điện, Châu thổ Cửu Long, Cao Miên, từ tháng 6  đến tận tháng 10:
Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt (thơ Nguyên Sa)
Tuy nhiên, miền Trung thì vì có giãy núi Trường Sơn nên chế độ mưa không giống như tại miền Bắc hay miền Nam. Một biến thể khác của gió nồm ở miền Trung được  HỒ XUÂN HƯƠNG diễn tả:
mùa hè hây hẩy gió nồm đông ,thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng ….
Loại gió này thì mát và ít hơi nước vì mùa này nắng mặt trời chiếu xuống làm cho hơi nước bốc nhanh, tạo chỗ trống để gió ngoài biển Đông thổi vào.
Gió Tây hay gió Lào  (gió fơn, foehn)
Gió hình thành từ vịnh Thái Lan, di chuyển theo hướng Tây Nam - Đông Bắc qua Campuchia và Lào. Vì gió ẩm khi thổi đến giãy Trường Sơn thì bị núi chặn lại, bốc lên cao, để lại một lượng  ẩm lớn (dưới dạng mưa) ở sườn Tây (phía Lào). Khi vượt đỉnh núi, sang sườn Đông, luồng không khí bị mất ẩm do quá trình theo sườn núi đi xuống thấp nên không khí trở nên khô và nóng.
Gió thường xuất hiện từ đầu tháng Tư đến giữa tháng Chín, thường bắt đầu thổi từ 8-9 giờ sáng cho đến chiều tối, thổi mạnh nhất từ khoảng gần giữa trưa đến xế chiều. Gió Lào tạo ra khô nóng miền Nghệ An, Hà Tĩnh cho đến Quảng Trị. Dãy núi càng cao thì khi xuống núi, mức gia tăng nhiệt độ càng lớn và càng khô. Gió foehn cũng gặp nhiều nơi khác trên thế giới (British Columbia)
Gió Đông. Nhiều vùng duyên hải nước Mỹ như Florida, Louisiana thường có những trận bão vào mùa hè. Tại Á Châu, những nước như Philippines, Viet Nam, Đài Loan ... cũng có những trận bão gây thiệt hại quan trọng cho mùa màng, nhà cửa. Thực vậy, vào mùa hè ngoài khơi Thái Bình Dương (trường hợp Á Châu), ngoài khơi Đại Tây Dương (trường hợp Hoa Kỳ), thường xuất hiện bão. Bão hình thành ở  vùng hội tụ nhiệt đới (Intertropical convergence zone, viết tắt là ITCZ) là vùng trên dưới đường xích đạo  vì bão cần một dòng nước rất nóng, tối thiểu là 26 độ ở độ sâu ít nhất là 50 mét dưới mặt biển. Nước nóng tạo nên tình trạng bốc hơi mạnh, mà sự bốc hơi chính là nhiên liệu của bão. Không khí nhẹ bốc lên cao, tạo ra vùng áp thấp, tức hạ áp. Khi áp thấp nhiệt đới đủ mạnh vì liên tục phát triển,đủ năng lượng để thu hút gió và hơi nước mạnh lên sẽ hình thành bão nhiệt đới (tropical storm ) với một bức tường mây dày đặc, tạo ra những cơn mưa cực lớn và gió xoáy rất mạnh . Nhưng ngay khi gặp một dòng nước lạnh hơn hoặc gặp đất liền, bão giảm cường độ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan đi vì mất nguồn năng lượng bổ sung từ không khí nóng ẩm trên biển.
* Theo vị trí địa lý: gió núi, gió thung lũng, gió biển, gió đất
Tại các vùng có thung lũng và núi, có một loại hình gió mà ta gọi là gió núi và gió thung lũng:
ban ngày, không khí trên núi nóng nhanh hơn dưới thung lũng nên gần đỉnh núi có hạ áp .Và vùng hạ áp này sẽ hút không khí từ dưới thung lũng, tạo ra gió thổi lên từ thung lũng lên núi. Loại gió này gọi là gió thung lũng.
ban đêm trên núi nhiệt độ thấp, không khí lạnh và vì lạnh nên nặng, tạo ra cao áp do đó không khí này chảy theo sườn núi xuống thung lũng sinh ra gió núi. Nhà thơ Đinh Hùng có viết:
Em đến như mây, chẳng đợi kì,
Hương ngàn gió núi động hàng mi
Tâm tư khép mở đôi tà áo
Hò hẹn lâu rồi . Em nói đi
- Tại các vùng gần biển, có một loại hình gió thường gọi là gió biển và gió đất
. Vào ban ngày, mặt đất mau nóng hơn biển, nên không khí nóng bốc lên cao tạo ra vùng hạ áp còn  không khí  mặt biển còn lạnh nên nặng vì nóng chậm hơn mặt đất, tạo ra cao áp. Vì vậy, gió thổi từ cao áp đến hạ áp, nghĩa là từ biển vào đất: ta gọi đó là gió biển (sea breeze, brise de mer) thường thổi từ gần trưa đến xế chiều.
. Vào ban đêm, nhiệt độ mặt đất nguội nhanh hơn nhiệt độ mặt nước ngoài biển. Vì thế vào ban đêm, ở vùng ven biển gió thổi ngược từ đất liền ra phía biển. Đây là gió đất.
(land breeze).
Và khi nhiệt độ bề mặt hai vùng đất và biển bằng nhau thì trời đứng gió
. Không khí, hơi thở và tỉnh thức
. Không khí có hai chất hơi  là oxy (21%) và nitơ (79%). Hô hấp (hít thở) không khí đóng một vai trò quan trọng nhất, trong sự sống con người. Ta thở  vào để lọc qua lá phổi và thở ra giúp tống khứ hôi hám trong buồng phổi ra ngoài. Nói cách khác, thở vào là đem vào cơ thể các tư tưởng tích cực như từ, bi, hỉ, xả còn thở ra là để tống đi các tư tưởng tiêu cực như ghét, ghen, hờn, giận. Các tư tưởng tiêu cực gọi chung là nội kết (kết= ràng buộc). Nội kết là gì? Đó là những lo âu, phiền buồn, tiêu cực do lâu ngày không chuyển hoá được, kết lại thành khối trong bề dày của tâm thức. Đi thiền, ngồi thiền chính cũng là để kiểm soát và tự chủ được hơi thở, bước đầu kiểm soát được thân và tâm, nghĩa là  để cuộc đời được thanh thoát, để gặp gỡ lòng khiêm nhường, để cuộc đời bớt hành trang thế tục, để thấy được nhu cầu của tha nhân, cảm thông chia sẻ với người còn bất hạnh, để không khởi lên một niệm tham, sân, si nào. Khi thở không khí thiên nhiên, hương đồng cỏ nội,
“Người ngồi đây ngó mây trời biền biệt 
Lơ thơ bay loáng thoáng cánh chuồn chuồn”
 (Bùi Giáng)
khi dòng chảy của tâm thức bắt nhịp được và hoà nhập vào thiên nhiên thì mọi nội kết cũng sẽ bị ‘Cuốn theo chiều gió’, thì hạnh phúc của ta không thể nghĩ bàn. Thiên nhiên tr ời cao mây rộng cũng giúp con người xả bỏ mọi bực nhọc, mọi phiền toái, quên đi mọi buồn phiền để sống an vui, xả bỏ để tạo phước lành. Cuộc sống giản đơn sẽ tháo bỏ cho chúng ta những gông cùm trách nhiệm do chính chúng ta tự đeo vào cổ, giúp chúng ta có nhiều thời gian hơn để sống với những người thân yêu, nhiều thời gian hơn để thư giãn và thực hiện những điều mình yêu thích, nhiều thời gian hơn để chia sẻ giúp đỡ người khác.
Các chức năng của gió
. Giúp di chuyển
Từ xa xưa, con người đã tận dụng sức gió trong các chuyến hải hành. Từ thời cổ đại đã có thương mại quanh bờ Địa Trung Hải nhờ các thuyền buồm. Christophe Colomb khám phá Mỹ Châu nhờ di chuyển trên tàu có cột buồm đón gió; các di dân đầu tiên đến Mỹ Châu cũng đến bằng thuyền buồm. Chúa Nguyễn từ miền Gia Định tấn công quân Tây Sơn ở Bình Định, Phú Xuân cũng di chuyển bằng thuyền buồm nhờ sức gió:
Lạy trời cho chóng gió nồm
Cho thuyền chúa Nguyễn xuôi buồm chóng ra
Hoạn Thư tổ chức bắt cóc nàng Kiều cũng dùng thuyền buồm:
Sửa sang buồm gió lèo mây
Khuyển, Ưng lại chọn một bầy côn quang
Dặn dò hết các mọi đường
Thuận phong một lá vượt sang bến Tề
Tục ngữ ta cũng có câu: Thuận buồm xuôi gió
. Tạo năng lượng .
Gió là một tài nguyên tái tạo và trong sạch, không tạo ra khí nhà kính. Gió làm quay các cánh quạt, tạo ra điện năng và càng ngày các nước tận dụng sức gió để sản xuất ra điện. 
. Giúp các hoạt động du lịch như các cuộc đua thuyền buồm trên biển, thả diều, nhảy dù ngoài bãi biển
. Giúp phát tán quả và hạt trong nông nghiệp
Tuy nhiên, gió cũng tạo ra nhiều hậu qủa tiêu cực như cuồng phong làm hư hại nhà cửa, đường sá, làm ngã đổ cây cối, cột đèn, chưa kể gây an nguy cho  tính mạng của con người …Gió cũng gây ra xói mòn, tạo nhiều đồi cát di động miền Trung Việt Nam, bão sa mạc ở Sahara và Trung Đông.
* Kết luận. Ngày nay, không khí càng ngày càng ô nhiễm vì xe cộ, nhà máy, cháy rừng, núi lửa phun toả lên bầu trời nhiều khí gây ra biến đổi khí hậu. Ngoài ô nhiễm khí hậu lại thêm ô nhiễm tâm linh với bạo lực, nghèo về tình thương, nghèo về đạo đức. Muốn phục hồi lại các giá trị cao cả của con người thì cần khôi phục lại niềm tin. Niềm tin là hơi thở, là ngọn gió lành cho cuộc sống xô bồ hôm nay, là cầu nối giữa Thân và Tâm. Nhiều danh từ như prana (tiếng Sanskrit), pneuma (tiếng Hi Lạp), spiritus (tiếng Latin), ruach (tiếng Do Thái),  đều chuyên chở liên hệ giữa hai yếu tố hồn/tinh thần và hơi thở/ gió. Một cơn gió nhẹ đưa người về dĩ vãng, chở theo hồn về, như Nguyễn Du đã cho nàng Kiều thốt ra khi dặn em là Thúy Vân:
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Trong Chinh Phụ Ngâm cũng có câu: Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Có niềm tin, may ra chúng ta mới có thể xua tan cái nhá nhem nơi ngõ ngách tâm hồn mình, xua đêm nhập nhằng nơi cõi nhân sinh và xua đi cả u minh cuồng si đang trùm phủ nhân loại. Không bám víu vào những thứ vô thường, những thứ mong manh phù phiếm; hãy để gió cuốn đi các ràng buộc, các dính mắc, để cho tâm tự  tại vì  tự  tại là  sự  tự  do bên trong và đó là chân hạnh phúc.
Thái Công Tụng
Theo http://thaicongtung.tumblr.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: Mọi...