Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

Mười năm bên hàng dậu

Mười năm bên hàng dậu
“...Mười năm xưa đứng bên bờ dậu,
Đường xanh hoa muối bay rì rào,
Có người,
Lòng như khăn mới thêu....” T.C.S
Những ngày cuối cùng của mùa Thu thật lạnh. Không biết là ở phương Tây người ta có ngày lập đông hay không nhưng chỉ cần tinh ý một chút là đã có thể cảm nhận phảng phất sự có mặt của mùa Đông trong những cơn gió và cơn nắng cuối Thu này. Mà không phải là ai cũng có cái tinh ý ấy. Như tôi chẳng hạn, mười năm trước tôi đâu có cái ý niệm lập đông ở xứ này. Với tôi lúc ấy, lập đông là khi những cơn lụt đã đi xa, thay vào đó là sương mù mỗi sáng. Lập đông ở xứ tôi còn có những cơn mưa lạnh buốt, không lớn mà dai dẳng, có khi dài tới mấy ngày. Ngày tôi đến xứ này chỉ là một ngày cuối Thu bình thường, nhưng với tôi nó đã như là một ngày trọng đông!
Ngày ấy rất lạnh. Tôi và chị tôi được xe hơi của quý thầy đón về Làng sau mấy mươi giờ lênh đênh trên ... trời. Thật vậy, đó là lần đầu tiên chị em tôi làm một chuyến đi xa như vậy. Và thật sự, chuyến đi ấy thật xa, chuyến đi ấy đã đưa chị em tôi đi thật xa. Nhưng đó là chuyện sau này, chuyện bây giờ là mùa Đông, mùa Đông đầu tiên của tôi. Ngày ấy rất yên. Xóm Hạ đón chị em chúng tôi chỉ có một sư cô, một sư cô bình dị, rất tu, rất chùa. Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về một sư cô Làng Mai. Tôi đã đi tu khá lâu trước đó, và trong ấn tượng của tôi, những sư cô tôi biết ít người có được những cái “rất” nơi sư cô đầu tiên tôi gặp ở Làng. Có người thì rất chùa, rất bình dị nhưng nhìn kỹ thì chẳng có vẻ gì là rất tu cả; có người thì rất tu nhưng không có chút gì là rất bình dị và cũng chẳng có chút chùa nào; và cũng có người chẳng có chút chùa, chút tu hay chút bình dị nào hết. Cố nhiên trong số những người nữ tu tôi từng gặp trước đó thi thoảng cũng có người biểu hiện những cái “rất” ấy, nhưng phần lớn là thoáng qua và một phần là do tôi gượng ép mà ban cho. Những cái “rất” kia lại thể hiện một cách rất thiệt thà nơi người nữ tu tôi gặp đầu tiên ở Làng ấy.
Xe đỗ trước cửa một căn nhà đá thấp với một cửa vào ra bằng kính mà sau này tôi sẽ gọi là nhà ăn. Một bụi trúc xanh rất thấp quét những cái ngọn non choẹt vào vách đá xào xào theo từng cơn gió lạnh, đến nỗi làm cho đầu những ngọn trúc toe ra như một đám chổi. Loài trúc này thật lạ, thấp, thân nhỏ, nhưng lá lại rất xanh. Xe đỗ một hồi mà chẳng thấy người nào ra, tôi không biết là xe đã tới nơi. Tôi nghĩ rằng thầy tài xế dừng xe lại ở đây để hỏi thăm người dân chuyện gì đó, trên đường, thầy cũng dừng lại vài lần như vậy rồi. Vì vậy mà chị em tôi cũng ngồi im trong xe, không lên tiếng hay tỏ vẻ gì là muốn xuống xe cả. Đối diện với cái nhà đá thấp có đám trúc rất xanh ấy là một căn nhà đá nhỏ hơn, thấp hơn và lại được phủ kín bởi một đám dây leo trần trụi không một chiếc lá. Đám dây leo màu xám đen như một bầy rắn đói tìm ăn trên cái mái ngói ẩm ướt đầy rêu. Nhìn xuống cái sân nện đá trắng, tôi ngỡ ngàng tròn to mắt với những chiếc lá hình trái tim có cái đuôi dài màu vàng tươi đang theo gió rượt nhau trên sân rồi nằm yên bất động khi gió ngừng. Tôi dõi mắt theo những đám lá ấy thì nhìn thấy một hàng gốc cây trắng, thân chỉ to bằng bắp tay nằm dọc theo con đường trải sỏi trắng này. Trên cây, hàng vạn chiếc lá vàng hình trái tim đang vẫy, phản chiếu cái nắng buổi chiều mùa Thu rất trong, rất tươi. Cuối hàng cây ấy là một sườn đồi thoai thoải phủ cỏ xanh, dưới ấy là một cái hồ thì phải và trên sườn dốc đối diện là một vườn cây trụi lá. Sau này tôi mới biết hàng cây đó là bạch dương và bên kia hồ sen còn có một rừng bạch dương nữa. Và cái vườn cây trần trụi ấy chính là vườn mận, chính là Làng Mai. Tôi chưa kịp nhìn thấy những cây sồi cổ thụ phía sau đám tre đối diện với cái nhà đá nhỏ thì đã nghe tiếng cửa xe mở và tiếng chào nhau nghe rất lạ của một giọng nam và một giọng nữ.
- “Xin lỗi sư em, sư chị đang nấu ăn”.
- “Chào sư chị. Đây, sư em mới của sư chị đây”. Giọng thầy tài xế.
Tôi nhìn lại, đó là một sư cô chừng 40 ngoài, nhỏ nhắn, rất tươi và mặc toàn đồ nâu, kể cả cái tạp dề nấu ăn. Có bao giờ tôi nghe người tu xưng hô với nhau như vậy trước đây? Tuy lạ, nhưng tôi lại có cái cảm nhận rằng cái cách xưng hô ấy rất người và cũng đầy cung kính. Chị tôi xuống xe trước tôi, chào sư cô rất lễ phép. Tôi cũng xuống xe, miễn cưỡng chào sư cô. Sư cô thì ngược lại, không tỏ vẻ gì là xa lạ với chị em tôi và hơn nữa, trong cung cách chào lại chị em tôi còn tỏ ra rất mực chân thành và lễ độ. Tôi thật sự đã hơi lúng túng vì thái độ chân thành và lễ độ đó. Tôi đứng nhìn thầy tài xế và sư cô ấy mang hành lý của chị tôi vào cái cửa kính của căn nhà đá thấp có bụi trúc ấy mà lòng vẫn còn lúng túng: “Đây là Làng Mai sao?”. Nếu không có cái sư cô rất bình dị, rất tu và rất chùa ấy thì tôi không tin rằng mình có thể thuyết phục được mình dù với bất kỳ lý do nào rằng đây là một ngôi chùa. Và nếu không có cái sư cô rất bình dị, rất tu và rất chùa ấy thì tôi không tin rằng tôi có thể yên lòng mà cười rồi vẫy tay chào chị tôi khi chị tôi đi vào trong cái cửa kính nhỏ bé của căn nhà đá thấp ấy. Chị tôi theo sư cô kia đi khuất sau cánh cửa, nhìn xuống mặt đất, tôi bỗng thấy rất nhiều trái tim vàng có cái đuôi bé tí không biết đã nằm quanh chân tôi tự lúc nào.
Rừng bạch dương mùa đông - Xóm Hạ
Mùa Đông này tôi đứng đây, dưới hàng bạch dương và cũng với hàng vạn chiếc lá hình trái tim này. Những cây bạch dương ngày xưa vẫn còn đấy, nhưng không phải là bằng bắp tay tôi nữa, mà có cây đã đủ một vòng tay ôm rồi. Những cây bạch dương tuy đã già đi thật nhưng vạn trái tim kia vẫn tươi vàng óng ả trong nắng như buổi chiều Thu đầu tiên. Những đám trúc không còn là những đám chổi xơ xác nữa mà đã vươn cao, và cũng vẫn như xưa, tươi xanh sáng lạn. Nhìn ra rừng bạch dương dưới chân đồi, hàng vạn chiếc lá vàng đang hợp tấu bài ca mùa Thu. Và trên đồi mận, những thân cây kia tuy vẫn trần trụi, khắc khổ nhưng tôi đã nhận ra được hình dáng và hương sắc của loài hoa trắng tinh khôi ấy. Nhìn vào ngôi nhà đá, không có dáng đi của chị tôi sau khung cửa kính, và tôi biết, chị tôi đã đi rất xa vào trong khung cửa ấy. Sau khung cửa ấy, cũng như quanh tôi, chị tôi cũng có những trái tim vàng với cái đuôi bé tí, cũng có những vườn trúc xanh tươi sáng lạn và cũng có những đồi mận ngút ngàn bát ngát không gian.
“Mười năm chân bước trên đường dài,
Gặp nhau không nói không nụ cười,
Chút tình,
Thảnh thơi như áng mây.* (1)
Mười năm khi phố khi vùng đồi,
Nhìn nhau ôi chứa chan tình người* (2)
Có một,
Dòng sông đã ra đời* (3) .” T.C.S
Dòng sông ấy vẫn sống động, mang trong nó những con người có những tấm lòng như như khăn mới thêu, mang trong nó hàng vạn con tim vàng óng có cái đuôi bé tí tung tăng trong gió cuối Thu, mang trong nó những ánh mắt rạng người như những chiếc lá trúc tươi xanh sáng lạn.
- Viết cho chị tôi và các bạn của chị tôi.
Ghi chú: * Những chữ in thẳng là những chữ không đúng với ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. (1) Dường như hiu hắt bay. (2) cũng như mọi người. (3) qua đời.
Có một dòng sông đã qua đời
Trịnh Công Sơn - Trịnh Vĩnh Trinh
Làng Mai, lập đông 2010.
Trung Hải
 Theo http://langmai.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Má lúm đồng tiền

Má lúm đồng tiền Hắn ngồi cặm cụi cưa loẹt xoẹt. Mạt ốc bay bụi mù. Hắn hít phải khá nhiều. Cái mùi bụi ốc hôi hôi cộng thêm cái mùi sơn ở...