Tư tưởng và tầm nhìn Nam Cao
1.“Sống tức
là cảm giác và tư tưởng”
Nam Cao viết trong tiểu thuyết Sống
mòn: “Sống tức là cảm giác và tư tưởng. Sống cũng là hành động nữa, nhưng hành
động chỉ là phần phụ: có cảm giác, có tư tưởng mới sinh ra hành động. Bản tính
cốt yếu của sự sống chính là cảm giác và tư tưởng. Cảm giác càng mạnh, càng
linh diệu, tư tưởng càng dồi dào càng sâu sắc thì sự sống càng cao”.
Như vậy, Nam Cao đề cao con người tư tưởng, coi trọng đời sống bên trong của
con người, coi đó là nguyên nhân của những hành động bên ngoài. Với một quan
niệm về con người như thế, ngòi bút Nam Cao có khuynh hướng tìm vào nội tâm, đi
sâu vào đời sống tinh thần của con người, khám phá “con người trong con người”,
dù là viết về người nông dân hay người trí thức. Đối với Nam Cao, cái quan
trọng hơn cả trong nhiệm vụ phản ánh chân thật cuộc sống là cái chân thật của tư
tưởng, của nội tâm nhân vật. Xét đến cùng, cái quan trọng nhất
trong tác phẩm không phải là bản thân sự kiện, biến cố tự thân mà là con
người trước sự kiện, biến cố. Vì
vậy, trong tác phẩm của Nam Cao, hứng thú của những chi tiết tâm lý thường thay
thế cho hứng thú của chính bản thân sự kiện, biến cố. Sự kiện, biến cố đối với
nhà văn ít quan trọng hơn là phản ứng của nhân vật trước sự kiện, biến cố đó.
Sự miêu tả những sự kiện, biến cố bên ngoài bị đẩy lùi xuống bình diện sau,
nhường chỗ cho sự miêu tả, phân tích đời sống tinh thần bên trong của nhân vật.
Với tài năng bậc thầy, Nam Cao đã sử dụng đầy hiệu quả nhiều thủ pháp và biện
pháp nghệ thuật để miêu tả tâm lý của nhân vật; mọi thủ pháp và biện pháp nghệ
thuật của Nam Cao đều hướng tới việc thể hiện sâu sắc tâm lý con người được bộc
lộ trong cuộc sống hằng ngày rất đỗi quen thuộc ở quanh ta, tạo nên một chủ nghĩa hiện thực tâm lý - đời
thường mang đậm cá
tính sáng tạo của Nam Cao.
Văn Nam Cao là tiếng nói của một con người mà vầng trán không bao giờ
thanh thản còn tâm hồn thì nặng trĩu những suy tư. Ông là nhà văn suốt đời trăn
trở, suy ngẫm xung quanh vấn đề về sự sống và cái chết về tinh thần của con
người. Từ những chuyện vặt vãnh, những cảnh đời thường, tác phẩm của Nam Cao đã
động chạm đến những vấn đề có tính chất nhân bản, đã đặt ra những vấn đề sâu
sắc về cuộc sống, về thân phận con người, về vấn đề cải tạo xã hội, về tương
lai của dân tộc và nhân loại. Nam Cao cũng thường rọi chiếu vào những chuyện
vụn vặt, những chi tiết tâm lý một luồng ánh sáng rất mạnh của tư tưởng, bắt
những chuyện vặt vãnh, những cảnh đời thường hàng ngày quen thuộc nói lên những
ý nghĩa sâu sắc về con người, về cuộc sống và nghệ thuật, tạo nên một chủ
nghĩa hiện thực tâm lý – triết lý rất
Nam Cao. Dù viết về người nông dân hay trí thức, vượt lên trên ý nghĩa cụ
thể của đề tài, những tác phẩm xuất sắc của Nam Cao có khả năng vươn tới những
vấn đề triết học, khái quát những quy luật chung của cuộc sống như vật chất và
ý thức, hoàn cảnh và con người, môi trường và tính cách, v.v… Nhân một chi
tiết, một sự kiện của một cá nhân, một nhân vật cụ thể, khuynh hướng chung của
Nam Cao là suy ngẫm đến đời, đến kiếp,
và khái quát thành kiếp sống của họ, thành toàn bộ cuộc
đời của họ. Và
cũng không chỉ nói về đời, về kiếp của một con người mà còn vươn tới khái quát
về toàn bộ đời, toàn bộ kiếp của những nhân loại nhỏ, những nhân loại lớn xung
quanh họ. Điều đó đã tạo nên trong những trang truyện của Nam Cao cái giọng
triết lý về đời, về kiếp,
khi thì thâm trầm, sâu sắc, lúc lại pha chút hài hước, hóm hỉnh, độc đáo và
thấm thía.
2. “Sống tức là thay đổi”
Viết về người nông dân nghèo, Nam Cao trong sáng tác của mình đã dựng nên một
nông thôn nghèo đói, xơ xác, hoang vắng, người nông dân có một số phận hết sức
bi thảm. Đó là những con người sống quẩn quanh, bế tắc trong những “kiếp lầm
than”, nhiều người bị đẩy vào tình trạng tha hóa, lưu manh hóa. Viết về người
trí thức nghèo, Nam Cao đã dựng nên cả một xã hội “sống mòn”; mỗi nhân vật của
ông là một kiểu đời thừa, một lối sống
mòn, một cách chết mòn. Một cuộc sống vô lý, vô ích, vô nghĩa,
“chết mà chưa làm gì cả chết mà chưa sống”, “chết ngay trong lúc sống” (Sống mòn). Có thể nói,
trước Cách mạng, không có nhà văn nào có cái nhìn sâu sắc, có tầm triết lý,
tổng hợp khái quát cao độ về tình trạng chết mòn, cái chết về tinh
thần như nhà văn lớn Nam Cao.
Nếu như qua nhân vật AQ trong AQ chính truyện, Lỗ Tấn
muốn khái quát phép thắng lợi tinh thần của người Trung Hoa thì qua những nhân
vật người nông dân, nhất là những người trí thức, những Điền, những Hài, những
Hộ, những Thứ, phải chăng Nam Cao muốn khái quát nét tâm lý chung của con người
Việt Nam, của dân tộc Việt Nam: tâm lý trì trệ, sợ đổi thay. Một nét tâm lý được nảy sinh từ
hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội của một nước nông nghiệp lạc hậu, bị kìm hãm
lâu đời trong chế độ phong kiến, tạo nên những thói quen. “Không phải cái
thói quen của riêng mình, nhưng mà là cái thói quen lưu truyền đã mấy đời, đến
nỗi nó đã nhập vào máu chúng ta. Tư tưởng, tính tình, cảm giác, hành động
của chúng ta đều khuôn theo những thói tục. Những lề lối sẵn trong thời đại
chúng ta” (Sống mòn).
Ngồi trên tàu từ Hà Nội về quê, biết chắc đời mình “sẽ mốc lên, sẽ gỉ đi, sẽ
mòn, sẽ mục ra, ở một xó nhà quê”, nhưng Thứ vẫn buông xuôi, vẫn cứ để mặc con
tàu mang đi. “Trên những bãi sông kia, trong những làng mạc, những khóm xanh
xanh kia, có biết bao người sống như y, nhưng không bao giờ dám cưỡng lại đời
mình. Đời họ là một đời tù đày. Nhưng cũng như một con trâu, họ vẫn cắm cúi kéo
cày, ăn cỏ, chịu roi. Ở bên kia những cánh đồng bùn lầy, là rừng xanh, cuộc
sống tự do, cỏ ngập sừng. Con trâu có lẽ cũng biết vậy, nhưng chẳng bao giờ nó
dám đi, chẳng bao giờ nó dám dứt đứt sợi dây thừng. Cái gì giữ con trâu lại
đồng bằng và ngăn người ta đến một cuộc đời rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn ? Ấy
là thói quen, lòng sợ hãi sự đổi thay, sợ hãi những cái gì chưa tới (tôi nhấn mạnh – T.Đ.S)” (Sống mòn). Khái quát nét
tâm lý bảo thủ, trì trệ của dân tộc, dựng nên cả một xã hội, một thế giới bức
bối, ngột ngạt trong bầu không khí “sống mòn”, Nam Cao đã thức tỉnh ý thức đổi
thay, vượt thoát khỏi tình trạng “chết mòn” ở mỗi con người. Hơn một lần, trong
tác phẩm của mình, Nam Cao thể hiện khát vọng đổi thay. Đổi thay những ràng
buộc, vứt bỏ những “thói quen” kìm hãm sự phát triển của mỗi cá nhân, của cộng
đồng, của cả dân tộc. Nam Cao khẳng định: “Sống tức là thay đổi”; “Thời
thế đổi, lòng người đổi”. Thật là táo bạo khi Nam Cao mong muốn lọc
máu cho cả dân tộc: “Thế kỷ sau sẽ lọc cho máu chúng ta
trong trẻo lại”, và đầy trách nhiệm khi tự hỏi: “Nhưng
tại sao ta lại không thể nghĩ đến chuyện lọc máu ta ngay từ giờ ?...” (Sống
mòn). Ngay trong thời kỳ đen tối nhất, trong những hoàn cảnh bi
thảm nhất, Nam Cao dẫu có bi quan nhưng vẫn không tuyệt vọng mà vẫn khao khát
đổi thay: “Sự đời không thể cứ mù mịt mãi thế này đâu. Tương lai phải
sáng sủa hơn. Một rạng đông đã báo rồi…” (Điếu
văn). Vậy là, đâu phải chờ đến những năm cuối thế kỷ XX đất nước ta
mới có nhu cầu đổi mới. Ngay từ trước Cách mạng, Nam Cao đã thổi bùng lên khao
khát đổi thay của cả dân tộc Việt Nam.
3. “Sống là
để làm một cái gì đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều”
Nam Cao là nhà văn hiện thực kiệt xuất, đồng thời là nhà nhân đạo chủ nghĩa
lớn. Chủ nghĩa nhân đạo lấy con người làm gốc, con người với tất cả mọi nhu cầu
chính đáng, năng lực trần thế và hiện thực. Các nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn xưa
nay đều quan tâm sâu sắc đến con người không chỉ về đời sống vật chất mà còn cả
về đời sống tinh thần, tình cảm; khẳng định và đề cao những giá trị tốt đẹp của
con người như vẻ đẹp hình thức, phẩm chất, tính cách và tài năng, v.v…
Trái tim lớn và tầm nhìn rộng lớn đã giúp Nam Cao khái quát được những vấn đề,
những hiện tượng xã hội phổ biến, mang ý nghĩa phổ quát cho mọi xã hội, mọi
thời đại, vượt ra ngoài thời đại của ông. Nam Cao đã miêu tả với sự ám ảnh kỳ
lạ thường thấy ở những tài năng lớn về cái môi trường, hoàn cảnh xô đẩy những
cu Lộ (Tư cách mõ),
những thằng Đức (Nửa đêm),
những Chí Phèo (Chí Phèo)
vào tình trạng tha hóa, lưu manh hóa. Chí Phèo vốn là người nông dân làm ăn
lương thiện, là canh điền cày thuê cuốc mướn rốt cuộc lại phải sống bằng nghề
cướp giật, rạch mặt ăn vạ; vốn “hiền lành như đất” “bỗng nhiên vùng dậy, giở
toàn những giọng uống máu người không tanh”; vốn khao khát hạnh phúc bình dị
đời thường mà lại đi đập phá hạnh phúc của dân làng, v.v… Chí Phèo bị lâm vào
bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người, khao khát sống lương thiện, tìm mọi cách
để trở về cuộc sống lương thiện nhưng vẫn bị cả xã hội lạnh lùng gạt bỏ ra
ngoài đồng loại. Tiếng thét biết bao đau đớn, đầy uất ức, căm giận của Chí Phèo
ở cuối thiên truyện: “Ai cho tao lương thiện ?” không chỉ nhằm trực tiếp vào Bá Kiến
mà âm hưởng của nó còn hướng tới toàn bộ xã hội làng Vũ Đại, không chỉ vang lên
trong thời đại Nam Cao mà phải chăng vẫn còn vang vọng đến thời đại của chúng
ta, không chỉ là vấn đề bức thiết của Việt Nam mà còn là vấn đề nóng bỏng của
nhiều quốc gia thời hiện tại.
Nếu như viết về người nông dân, Nam Cao tập trung khái quát hiện tượng phổ biến
ở nông thôn, hiện tượng những người nông dân lương thiện bị đẩy vào tình trạng
tha hóa, lưu manh hóa thì khi viết về người trí thức, nhà văn lại khái quát
hiện tượng “sống mòn”, “chết ngay trong lúc sống” của một tầng lớp, của
cả xã hội Việt Nam trước Cách mạng. Các nhân vật trí thức tâm huyết của Nam Cao
đều rơi vào tấn bi kịch tinh thần không lối thoát, lâm vào tình trạng của những
con người có hoài bão, có lý tưởng cao đẹp, có tài năng nhưng bị hoàn cảnh trói
buộc không sao thực hiện được điều đó. Nhân vật tự ý thức được tình trạng của
mình, cố tìm lối thoát nhưng không tìm được, sống triền miên trong những dày vò
đau đớn về tinh thần. Những Điền, những Hộ, những Thứ trong tác phẩm của
Nam Cao muốn thực hiện những hoài bão lớn, muốn sống cho có ý nghĩa, xứng
đáng với giá trị, tài năng của mình nhưng lại bị “áo cơm ghì sát đất”, phải
sống lay lắt trong những cảnh đời thừa, trong những kiếp sống
mòn,“chết mà
chưa làm gì cả chết mà chưa sống!...”. Song dẫu lâm vào tình cảnh
“chết mòn” nhưng họ vẫn chưa bao giờ mất hết niềm tin, niềm hy vọng; vẫn khao
khát được sống có ích, được cống hiến, được phát triển. Vẫn khao khát mỗi con
người được phát triển tài năng “đến tận độ” để góp phần vào “công cuộc tiến bộ
chung” của loài người. Cao cả và đẹp đẽ biết bao lý tưởng nhân văn của Nam Cao
được gửi gắm qua dòng suy ngẫm của nhân vật Thứ về sự sống: “Thứ vẫn không thể
nào chịu đựng được rằng sống chỉ là làm thế nào cho mình và vợ con mình có cơm
ăn, áo mặc thôi. Sống là để làm một cái gì đẹp hơn
nhiều, cao quý hơn nhiều. Mỗi người sống, phải làm thế nào cho phát
triển đến tận độ những khả năng của loài người chứa đựng trong mình (tôi nhấn mạnh – T.Đ.S). Phải gom góp
sức lực của mình vào công cuộc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi, phải để lại
một chút gì cho nhân loại” (Sống
mòn). Về một phương diện nào đó, có thể thấy tư tưởng đề cao ý thức
cá nhân của Nam Cao có sự gặp gỡ, “giao thoa” với khuynh hướng tư tưởng cơ bản
của trào lưu lãng mạn giai đoạn 1932 – 1945, của những cây bút đã thức tỉnh rất
cao về ý thức cá nhân như Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Xuân Diệu, Nguyễn
Tuân, … Tuy thế, có điểm giống nhau mà vẫn khác, vẫn có những nét riêng không
lẫn. Ấy bởi vì, trong quan niệm của Nam Cao, ý thức cá nhân, sự tồn tại có ý
nghĩa của mỗi cá nhân trên đời đâu chỉ một chiều là tranh thủ từng giây, từng
phút để tận hưởng những khoảnh khắc đang có, cho “chếnh choáng mùi thơm”, cho
“đã đầy ánh sáng”, cho “no nê thanh sắc của thời tươi” (Xuân Diệu). Càng không
phải là chủ nghĩa cá nhân cực đoan, với cái triết lý sống mang màu sắc hiện
sinh chủ nghĩa, chỉ còn biết đến những đòi hỏi cá nhân và kêu gọi hưởng thụ của
một số nhân vật trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Nam Cao không đồng tình với
quan điểm lấy cá nhân làm cứu cánh cho cá nhân. Đời sống cá nhân chỉ thực sự có
ý nghĩa khi hướng tới, vươn lên cái gì thiêng liêng, cao cả hơn cá nhân. Nam
Cao đòi hỏi cho mỗi cá nhân được “phát triển đến tận độ” với một ý thức đầy
trách nhiệm và trong mối quan hệ mật thiết với sự phát triển chung của
cộng đồng, của dân tộc và nhân loại. Có thể nói, tư tưởng nhân văn mới mẻ và
sâu sắc đó chưa từng có trong nền văn học hiện đại Việt Nam trước Cách mạng. Đó
là một tư tưởng lớn vượt ra ngoài thời đại Nam Cao, trở thành tư tưởng chung
của mọi thời đại.
Từ những tấn bi kịch của người nông dân và người trí thức trong xã hội cũ, chúng ta thấy, Nam Cao quan tâm sâu sắc tới hai vấn đề lớn của con người là quyền được sống lương thiện và điều kiện để phát huy tài năng để sống một cuộc sống có ích, có ý nghĩa. Ông là nhà văn không chỉ đồng tình với khát vọng sống lương thiện mà còn đòi hỏi cho mỗi con người được “phát triển đến tận độ những khả năng của loài người chứa đựng ở trong mình”, cổ vũ cho khát vọng được cống hiến, được sáng tạo của người trí thức, người nghệ sĩ chân chính.
Từ những tấn bi kịch của người nông dân và người trí thức trong xã hội cũ, chúng ta thấy, Nam Cao quan tâm sâu sắc tới hai vấn đề lớn của con người là quyền được sống lương thiện và điều kiện để phát huy tài năng để sống một cuộc sống có ích, có ý nghĩa. Ông là nhà văn không chỉ đồng tình với khát vọng sống lương thiện mà còn đòi hỏi cho mỗi con người được “phát triển đến tận độ những khả năng của loài người chứa đựng ở trong mình”, cổ vũ cho khát vọng được cống hiến, được sáng tạo của người trí thức, người nghệ sĩ chân chính.
4. Những tác phẩm đi cùng năm tháng
Nam Cao đã để lại cho nền văn xuôi hiện đại Việt Nam nhiều tác phẩm xuất sắc,
trong đó có những kiệt tác với những tìm tòi độc đáo, những sáng tạo mới mẻ về
tư tưởng và nghệ thuật. Những truyện viết về cuộc sống tối tăm thê thảm của
người nông dân như Chí Phèo, Trẻ con không được ăn thịt
chó, Mua danh, Tư cách mõ, Điếu văn, Một bữa no, Lão Hạc, Một đám cưới, Lang
Rận, Dì Hảo, Nửa đêm, v.v…; những truyện ngắn viết về tình trạng
“chết mòn” của người trí thức nghèo như Giăng sáng, Mua nhà, Những truyện
không muốn viết, Truyện tình, Quên điều độ, Cười, Nước mắt, Đời thừa và tiểu thuyết Sống
mòn sẽ còn có
sức sống lâu dài trong lòng bạn đọc thuộc nhiều thế hệ. Độc giả của những
thế kỉ sau vẫn tìm đến Nam Cao, vẫn cứ đọc Nam Cao cho dù cuộc sống khi ấy có
thể khác những điều ông miêu tả. Người ta vẫn cứ đọc Nam Cao để hiểu, để cảm
thông, chia sẻ với những buồn đau của những kiếp lầm than, những kiếp sống mòn
của thời đại cũ với niềm mong ước không bao giờ rơi vào tình trạng quẩn quanh,
bế tắc đó cùng với niềm khao khát mãnh liệt vươn tới một cuộc sống có ích, có ý
nghĩa, xứng đáng với con người. Người ta vẫn đọc Nam Cao để hiểu biết thêm về
con người và cuộc đời, để chiêm nghiệm những triết lí tình thương sâu sắc
của ông. Và nếu như thiên tài là đặt ra được những vấn đề lớn
lao, sâu sắc, có ý nghĩa muôn thuở, là đi trước thời đại và có tính hiện đại, là
vượt qua được thử thách khắc nghiệt của thời gian, là độc đáo, là duy nhất, là
không lặp lại được thì đối với nền văn học Việt Nam hiện đại, hai chữ ấy phù
hợp với Nam Cao.
Kỷ niệm 100 năm sinh của nhà văn lớn Nam Cao trong bối cảnh đất nước đang tiếp
tục công cuộc đổi mới, còn ngổn ngang biết bao vấn đề về nạn tham nhũng, về dân
chủ, về sự công bằng, về tự do sáng tác, v.v… Nhưng đời sống xã hội và
văn học, dù có phong phú phức tạp đến đâu, dẫu có bị kìm hãm như thế nào, vẫn
có những quy luật cơ bản, mang tính tất yếu. Vì thế, một lần nữa, xin được nhắc
lại niềm tin mãnh liệt của Nam Cao: “Chúng tôi những kẻ đã đau khổ, đã uất ức,
đã ước ao, đã khát thèm, đã thất vọng và vẫn còn hy vọng mãi và phải hy vọng
mãi. Sự đời không thể cứ mù mịt mãi thế này đâu. Tương lai phải sáng sủa hơn.
Một rạng đông đã báo rồi. Một mặt trời mới sẽ mọc lên… ”.
Trung
Văn quán, 21/10/2015
Trần Đăng Suyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét