Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Văn Cao - 20 năm không xa

Văn Cao - 20 năm không xa
Mới đó mà đã 20 năm ngày chúng ta chia tay cây đại thụ của nền nhạc Việt: nhạc sĩ Văn Cao. Trong dòng cảm xúc đó,  DongNhacXua.com xin giới thiệu một bài viết của nhà báo - Nhạc sĩ Thụy Kha.
VĂN CAO - 20 NĂM KHÔNG XA
(Nguồn: Bài viết của nhà báo - Nhạc sĩ Thụy Kha đăng trên báo Người Lao Động ngày 9.7.2015)
Kể từ ngày ông vĩnh viễn ra đi, mỗi khi nghe Quốc ca là cảm thấy ông vẫn ở đâu đây trong đời sống thường nhật của chúng ta.
Đến bây giờ, tôi vẫn có cảm giác Văn Cao chưa hề xa. Ông vẫn ở đâu đây trong đời sống thường nhật của chúng ta. Đấy là mỗi sớm đầu tuần, nghe hát Quốc ca ở một nhiệm sở nào đó, dù ở Lạng Sơn hay ở Mũi Cà Mau. Đấy là những trận đấu bóng đá, trước giờ khai cuộc, Quốc ca Việt Nam lại vang lên. Đấy là khi các vận động viên Việt Nam đoạt huy chương vàng, ngay trong kỳ SEA Games mới đây. Cảm thấy bài Quốc ca Việt Nam căng đầy trong cơ thể “kình ngư” Ánh Viên khi cô khoác Quốc kỳ Việt Nam đứng trên bục cao nhất. Và quốc thiều Tổ quốc ngân nga…
Nhớ mãi nụ cười nhẹ nhõm
Vẫn như còn nguyên cái ngày cuối cùng khi tôi đưa nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đến thăm ông ở Bệnh viện Hữu Nghị – Hà Nội. Ông ngồi đấy, tóc trắng, râu trắng, tường trắng, nụ cười trắng và hoa sen trắng chưa nở. Ông thầm thì bên tai: “Đang còn một thằng “Giôn đen” nhưng nóng quá. Tuần sau sang mùa mưa. Sẽ uống…”. Nhưng không bao giờ còn cái ngày đầu tuần mới, uống chai mới nữa. Ngày thứ hai đầu tuần 10-7-1995 đã trở thành ngày ghi khắc mãi vào từng con tim người Việt Nam. Ngày Văn Cao chuyển cõi.
Ngày cuối cùng của tác giả bên Văn Cao 
(3-7-1995) Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Trước đó 10 năm, một ngày cuối đông buốt giá năm 1985, tôi cùng Văn Cao thắp hương trước linh cữu Xuân Diệu, cũng đúng ở nơi ấy. Mười năm sau, cũng nơi ấy, căn gác hai 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), nơi một thời cố vấn Vĩnh Thụy trải qua những ngày tháng độc lập đầu tiên của đất nước và nghe Quốc ca Việt Nam vang lên, cũng là nơi đưa tiễn tác giả bản Quốc ca hùng thiêng này về cõi xa xăm.
Từ trái sang phải: Bà Văn Cao – Nhà phê bình Ngô Thảo 
 Nhà thơ Thu Bồn – Văn Cao – Nguyễn Thụy Kha 
 Nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng  trên căn gác 60 
Hàng Bông Ảnh: Hà Tường
Tôi mãi mãi biết ơn giải thưởng thơ Báo Văn Nghệ năm 1982. Nhờ nó, nhờ bài thơ “Những giọt mưa đồng hành” đoạt giải B, Văn Cao đã ngỏ ý thông qua Đặng Đình Hưng muốn gặp tôi. Đấy là một hạnh ngộ mà cả đời tôi chẳng bao giờ trả hết. Ra Hà Nội làm nghề văn học và âm nhạc từ năm 1978, tôi đâu dám bén mảng tới chiếu rượu của ông. Tôi chỉ là một thằng bé con đang chập chững vào nghề. Nhờ gặp ông, được ông nhận làm học trò, cho làm bạn vong niên cùng uống rượu. Hạnh ngộ ấy đã cho tôi có cái tên hôm nay.
Từ sau lần đầu được ngồi uống rượu với ông và Đặng Đình Hưng, tôi và ông hình như không lúc nào rời nhau. Cho cả đến bây giờ. Dù đã 20 năm xa. Còn nhớ mãi nụ cười nhẹ nhõm của ông khi trở lại vị trí ủy viên chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam mùa thu 1983. Đấy là một mùa thu thăng hoa, báo hiệu một điều gì sẽ đổi thay của đất nước. Nhớ nhất là cái đêm ông cùng Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn, Thu Bồn uống rượu ở căn gác 60 Hàng Bông nhà tôi và sau đó là cuộc tổ chức long trọng 60 năm ngày sinh của ông tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam do Tổng Thư ký Huy Du chủ trì. Huy Du nói với tôi: “Nhờ ông anh viết “Thiên Thai” mà mình mê nên mới có sáng tác đầu tay “Sóng nước Ngọc Tuyền”. Ơ kìa! Mênh mông chèo khua nước Ngọc Tuyền mà”. Hôm đó, cả Trịnh Công Sơn và Trần Long Ẩn đều hát say sưa những sáng tác của các anh mừng thọ Văn Cao.
Từ đấy, ông và tôi cùng bạn bè có những tháng ngày lãng du tuyệt vời. Cuối năm 1983, về Nhà máy Toa xe Hải Phòng. Chuyến ấy, ông viết “Hành khúc công nhân toa xe”: “Một vùng trời vang sóng vỗ biển Đông/ một vùng trời luôn thắp sáng ngàn sao/ vùng rộn ràng trong tiếng búa nhà máy/ dù giặc thù bom đánh phá đêm ngày…”. Mùa thu 1984, trở lại trung du vùng núi Thắm. Lần đó, ông viết “Tình ca trung du” – ca khúc cuối cùng của nghiệp âm nhạc: “Một cánh tay sông Hồng/ một cánh tay sông Lô/ hai cánh tay như ôm trung du …”.
Một bản lĩnh thơ
Cuối xuân 1985, vào Quy Nhơn. Đấy là dịp ông viết bài thơ về Quy Nhơn 3: “Từ trời xanh - rơi - vài giọt tháp Chàm…”. Cũng đợt ấy, Văn Cao đã đi đến nơi xa nhất trong cuộc đời mình - TP Cần Thơ. Sau chuyến đi, lần đầu tiên, thơ Văn Cao được in trở lại trên Báo Văn Nghệ. Đó là chùm ba bài thơ “Quy Nhơn” sau 29 năm không in thơ ông trên tuần báo này, mà chỉ xuất hiện với những hình minh họa ký chữ Văn. Giữa những chuyến đi cùng tôi ngày đó, Văn Cao có chuyến đi riêng vào Huế và Đà Nẵng với lời mời của nhà văn Phan Tứ, khi ấy là Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng. Cũng là một lần trở lại để có “Về Huế xưa”, “Đêm phá Tam Giang”… những bài thơ cực ngắn, cực hay: “Lưới là cái cuối cùng/ Hất tôi xuống biển”.
Năm 1986, hình như linh cảm điều đổi thay đất nước đã tới gần, Văn Cao cùng tôi lần mò những bài thơ của ông làm trong các cuốn sổ tay đã hoen màu thời gian từ năm 1956 đến lúc đó để tập hợp thành một tập thơ. Ông đặt tên là “Lá”. Năm ấy, hầu như ngày nào tôi cũng ngồi làm biên tập cùng ông. Và tất nhiên là cùng uống rượu. Tập thơ hòm hòm thì cũng là thời điểm Đại hội Đảng phất cao ngọn cờ đổi mới. Ông yêu cầu tôi viết lời giới thiệu. Và bài “Văn Cao một bản lĩnh thơ” đã được tôi hoàn thành để giao bản thảo cho Nhà Xuất bản Tác Phẩm Mới. Năm 1988, cùng với việc diễn ra “Đêm nhạc Văn Cao”, từ đầu năm là tập thơ “Lá” được ấn hành tuy không in lời giới thiệu của tôi. Nhưng bù lại, Nhà Xuất bản Trẻ lại ấn hành tập thơ – nhạc – họa của ông mang tên “Thiên Thai”.
Đấy là những năm tháng thăng hoa trong sự phục sinh của Văn Cao. Ông lại tiếp tục có những chuyến giao lưu ở TP HCM, ở các tỉnh miền Nam. Buồn nhất là chuyến lên Tây Nguyên theo ước nguyện của ông nhưng không thành. Tiền vé máy bay của anh em Tây Nguyên mời biến thành cái tủ mới ở nhà ông.
Tháng 3-1995, chuẩn bị Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, tôi phát hiện ban chấp hành cũ mang Trại sáng tác Quảng Bá ra liên doanh với nước ngoài xây khách sạn. Tôi đem chuyện buồn này kể với ông. Ông trầm giọng nói: “Sao lại bậy bạ thế. Phải lên tiếng nhé. Đừng sợ. Sẽ có những người ủng hộ chân lý”. Nghe lời ông, tôi đăng đàn giành lại mảnh đất thiêng liêng này và được đại hội ủng hộ. Sau đại hội, tôi đến báo cáo kết quả. Ông cười mãn nguyện: “Đã đến lúc không phải sợ gì nữa”. Bữa đó, ông “lì xì” tôi một chai Macallan.
Khi ấy, ông đã yếu nhiều. Chứng ung thư phổi bắt đầu có triệu chứng tăng trưởng. Nhưng ông vẫn uống rượu và hút thuốc lào như thường. Chẳng hiểu sao, sau đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông cho bà Bằng (vợ Văn Cao) đến gặp Tổng Thư ký Trọng Bằng. Ông đã sớm dọn dẹp cho mình một cách đi bằng những lời di nguyện. Ông đề nghị khi mất, Hội Nhạc sĩ Việt Nam chủ trì tang lễ. Còn điếu văn thì tôi viết, anh Trọng Bằng đọc.
Văn Cao là người trung chính nên dù bị ung thư nhưng ra đi nhẹ nhàng như một trích tiên. Mới thế mà đã 20 năm…
Tình ca trung du - Văn Cao - Thùy Dung
Hà Nội, ngày 9-7-2015
Nguyễn Thụy Kha
 Theo http://www.dongnhacxua.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bóng dáng chim câu

Bóng dáng chim câu Bay đi! Bay đi! Ơi con câu xanh! Người ấy đợi chờ tôi mòn mỏi Hồi đó tôi hai mươi tuổi. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới...