Nhạc sĩ Bá Lân thuộc vào lớp “gạo cội” trong “làng” âm
nhạc tỉnh nhà. Ngay những ngày đầu đất nước thống nhất, khi đang là công nhân của
Nhà máy xi măng Thuận Hải, anh đã viết những ca khúc ca ngợi lòng nhiệt huyết của
lớp trẻ xây dựng quê hương mới. Rồi liên tiếp những năm sau đó, các ca khúc mới
của anh thường xuyên xuất hiện trong các chương trình liên hoan văn nghệ. Cho đến
nay, anh đã sáng tác khoảng 70 ca khúc.
Những ca khúc của Nhạc sĩ Bá Lân bao giờ cũng vậy, đề tài
luôn hướng về quê hương, nhưng làn điệu lại nồng nàn, mang chất rock và hơi hướng
hiện đại, vì thế không bị giẫm vào lối mòn của lớp đàn anh đi trước. Chính cái
nét riêng đó, mà nhiều ca khúc đã đoạt các giải cao như bài “Đội mưa”, giải nhì
(không có giải nhất), giải thưởng âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam (năm 2008); “Đêm
biển”, giải ba, giải thưởng âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam (năm 2009)…
Thành công ở độ tuổi chín muồi, đó là lý do để anh chuẩn bị
cho ra đời đĩa CD với 10 ca khúc có chủ đề về quê hương. Chia sẻ niềm vui này với
tôi, anh thổ lộ: “Sáng tác âm nhạc là một phần cuộc sống của mình, bởi nó đã ăn
sâu vào máu thịt. 10 ca khúc tuyển chọn trong đĩa CD là thể hiện tình yêu da diết
của mình đối với quê nhà”.
Quê hương trong mắt Nhạc sĩ Bá Lân đó là những làng quê, những
người mẹ tần tảo sớm hôm, mà chỉ có những người “trải lòng với quê hương” như
anh mới cảm nhận được. Thử nghe một đoạn trong ca khúc “Nắng quê nhà” để thấy
được nỗi niềm đó: Nắng quê nhà màu nắng trong tim, là nỗi nhớ làng quê đã xa/ Nắng
lên hàng cau lên vườn rau, lên mái tranh nghèo chiều nghiêng nghiêng bóng xế bà
tôi/ Nắng theo mẹ cha ra đồng xa, năm tháng vất vả đổ giọt mồ hôi cho cây lúa
đơm bông… Ca từ trong ca khúc của Nhạc sĩ Bá Lân rất giản dị, nhưng có sự chắt lọc
sâu kỹ để khi cất lên kéo người nghe về một miền quê rất riêng mà chỉ ai từng sống,
từng lớn lên ở đó mới cảm nhận được.
Ngay như khi anh mượn sông Dinh để liên tưởng về nỗi vất vả của mẹ cha ở quê nhà cũng vậy: Quê mình nghèo con sông cũng cạn nước/ Cát phơi trần dưới nắng hè chói chang/ Ngực cha nặng mang mấy mùa nương rẫy/ Thương mẹ từng ngày ngồi ngóng những giọt mưa… (Chuyện dòng sông quê tôi)..
Ngay như khi anh mượn sông Dinh để liên tưởng về nỗi vất vả của mẹ cha ở quê nhà cũng vậy: Quê mình nghèo con sông cũng cạn nước/ Cát phơi trần dưới nắng hè chói chang/ Ngực cha nặng mang mấy mùa nương rẫy/ Thương mẹ từng ngày ngồi ngóng những giọt mưa… (Chuyện dòng sông quê tôi)..
Đành rằng Nhạc sĩ Bá Lân sinh ra và lớn lên ở miền đất ven biển
“đầy nắng và gió”, nhưng để “từ biển lên ngàn” sáng tác những ca khúc “để đời”
về vùng cao Bác Ái thì có lẽ anh thành công nhất. Ca khúc “Chapi, tiếng đàn
tôi”: Tuổi thơ của tôi sống nơi miền núi đồi/ Một căn nhà sàn giữa trời mây/ Một
con suối nhỏ giữa rừng cây và bao người thân yêu của tôi ở đó..., cứ ngỡ Bác Ái
là nơi chôn nhau cắt rốn của anh. Nhưng qua tâm sự thì mới biết anh nặng lòng với
miền sơn cước là vì vùng đất này có nhiều duyên nợ với anh. Thì ra, khi đang ở
Đoàn Thông tin Văn nghệ Miền núi tỉnh, có một thời gian dài anh gắn bó với bà
con Ra glai. Những đợt lưu diễn ở vùng cao, anh và bạn diễn trong đoàn “cùng
ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt văn nghệ với bà con”, tình cảm dần dà trở nên thắm
thiết. Anh yêu dòng suối, cánh rừng, trẻ thơ vùng cao và những mẹ già còng lưng
gùi bắp xuống núi, để rồi cho ra đời các ca khúc cháy bỏng: “Mắt nai”, “Đợi
mưa”…
Thành công trong sự nghiệp âm nhạc đó là nhờ anh được sinh ra
trong một gia đình có truyền thống yêu thích âm nhạc. Em trai anh là Nhạc sĩ Bá
Khôi và em gái là ca sĩ Mai Vy cũng gặt hái được khá nhiều thành công trên con
đường nghệ thuật. Nhạc sĩ Bá Lân đang bận rộn với cương vị Chi hội trưởng Chi hội
Nhạc sĩ Việt Nam tại Ninh Thuận, Trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm Văn hóa -
Thông tin tỉnh, nhưng với sự trải nghiệm của mình, chúng tôi tin anh vẫn tiếp tục
cho ra đời nhiều ca khúc hay phục vụ công chúng.
Anh Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét