Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

Con voi già của vua Hàm Nghi

Con voi già của vua Hàm Nghi 
Truyện dài Con voi già của vua Hàm Nghi  đăng lần đầu trên Hà nội báo từ s. 17 (29/ 4/1936) đến s. 34 (26/ 8/ 1936). Sau đó, truyện được đăng Phổ thông bán nguyệt san số 14 bis (loại “bìa màu” số 1) ngày 16 Janvier 1938 (số này gồm 2 truyện của Lưu Trọng Lư: Con đười ươi và Con voi già của vua Hàm Nghi). Dưới đây sử dụng phối hợp cả 2 bản dẫn trên  N.B.S
Để một nỗi buồn u uất và mênh mông
Ngao ngán nhẽ, nặng đè lòng chiến sĩ
Huy Thông
Viết ra truyện này, tôi không có ý gì cướp cái công việc bận rộn và to tát của nhà chép sử. Đây chỉ là những mẩu "dã sử" chắp nối lại do những người già cả truyền lại bên bếp lửa, trong những ngày giá lạnh. Vùng tả dực sông Gianh là nơi tôi sinh trưởng, khoảng 50 năm trước chính là nơi quân "Cần Vương" và quân Pháp chống cự nhau, và hai bên lương giáo xung đột nhau, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Những rừng cây u rậm trên bờ sông Gianh đến nay còn giữ chặt những điều bí mật của một quãng lịch sử đau đớn.
Những đêm lặng, trăng mờ, sương phủ nặng, những người dân Thanh Lạng nằm ở bên bàn đèn (làng này hầu hết là nghiện) khói thuốc phiện lơ mơ, có lúc nghe tiếng lá lao xao ở trong rừng sâu, hay tiếng thác nguồn Nan róc rách, tưởng chừng như nghe có tiếng kêu gào của một oan hồn: Cái oan hồn của cái Dĩ Vãng đẫm lệ và đẫm máu.
Biết bao người vì nặng mang một lý tưởng, theo gót quân vương sau những ngày sống lênh đênh cơ khổ, chết một cách âm thầm lặng lẽ, dưới một gốc thông hay bên một bụi dứa. Hai dân tộc nhất đán đụng chạm nhau, làm sao tránh khỏi những cuộc đổ máu. Nhưng có xung đột nhau mới ăn ở với nhau lâu bền. Ngày nay, người Pháp và người Nam đã được cùng hưởng với nhau, trên một miếng đất, những ngày an lạc, ta hãy nghĩ đến đám người vô danh chết ở nơi thảo dã, mà nhà chép sử không bao giờ nghĩ tới L. T. L
Phần thứ nhất
MỘT ÔNG ĐỒ NHO
Thủa ấy, trong làng Cao Lao Hạ, một làng yên lặng ở trên bờ sông Gianh, có một trường học rất tấp nập! Người trong hàng huyện đều đua nhau tới xin học rất đông. Vì ông đồ ở trường ấy là một tay khoa giáp, ông đồ ấy đã đỗ Phó bảng và xuất chính làm đến Án sát Bình Định. Nhưng vì sau mẹ chết, ông phải xin về cư tang trong ba năm. Hết hạn ba năm, cũng không thấy ông ra làm quan nữa, không ai hiểu vì lẽ gì. Ông ở nhà mở trường dạy học. Không những ông là một ông đồ hay chữ, mà lại là người đứng đắn rất mực. Người ta bảo cái khăn ông đồ đội trên đầu, nếu vô ý để rơi xuống đất là không bao giờ ông còn chịu đội nữa vì cái khăn ấy là cái khăn thờ ông bà, tổ tiên, thờ vua, thờ trời, một cái khăn trong sạch. Lại những lúc ông ngồi một mình ông chỉ đăm đăm nhìn về phương Bắc. Một ông đồ có tiếng nghiêm khắc không những đối với học trò, mà đối với người ngoài, ông cũng vậy: không có việc gì phạm đến danh giáo mà ông không can thiệp đến, và đưa ra đàn hạch trước chỗ đông người. Ông nói ít, nhưng mỗi lời ông nói ra là như một cái đanh đóng. Khắp cả làng Cao Lao Hạ đều sợ và kính ông. Người ta kính sợ ông là vì ông "ăn tiên chỉ" trong làng, và cũng là vì ông có cái phong thái của người trượng phu. Bài "Chính khí ca" của ông dịch nôm ra, khắp trong làng đàn bà trẻ con ai cũng ngâm tới. Ông đồ ấy tên là Lê Tuấn. Cái tên ấy linh thiêng như cái tên một vị thần, những người trong làng đều phải kiêng không dám nói, chỉ gọi một cách cung kính "Quan lớn Lê". Đến ngày nay, khi nói đến chữ "Tuấn" người trong làng phải nói trẹo ra là "Tớn". Ví dụ như "tuấn kiệt", thì họ bảo là "tớn kiệt".
Một đêm hè năm 1886! Một đêm trăng vằng vặc, Quan lớn Lê chong đèn ra giữa sân, ngồi bình văn. Xung quanh ngài, xúm xít hơn 60 người học trò yên lặng đứng nghe. Học trò ngài toàn là những thầy khoá đứng tuổi đã từng lao đao trường ốc… Ngài năm ấy đã hơi có tuổi, nhưng giọng ngài vẫn sang sảng, trong trẻo, và đường bệ, oai nghi…
Bỗng, rẽ đám học sinh, bước vào một chàng có vẻ võ biền hơn là nho nhã. Chàng đưa cho Quan lớn Lê một phong thư rồi lui ra đứng im lặng.
Quan lớn Lê ngừng bình văn, cầm lấy phong thư và đọc một cách chăm chỉ… Càng đọc, đôi mắt ngài càng quắc sáng. Đọc xong, ngài đưa cho các học trò. Người này đọc xong lại chuyển cho người khác, đọc một cách yên lặng thành kính.
Cái phong thư làm cho mọi người cảm động, không thốt ra được một lời, đó chính là cái chiếu "Cần Vương" của vua Hàm Nghi hiện ẩn núp ở Ấu Sơn, Hà Tĩnh, cái chiếu ấy sẽ truyền khắp dân gian, để khích động các sĩ phu, phú hào và quan lại.
Quan lớn Lê ngồi lặng yên một lúc lâu, rồi bảo các học trò:
– Hôm nay ta có điều muốn ngẫm nghĩ, – mà điều gì chắc các anh cũng đã đoán được. Vậy cuộc bình văn hôm nay phải hoãn lại.
Ba hôm sau, Quan lớn Lê lại tiếp được một bức thư nữa, cũng do người hôm trước đưa lại:
Cùng Lê đại nhân,
Tờ chiếu "Cần Vương" hôm nọ, chắc đại nhân đã nhận được và chắc đã đọc đi đọc lại nhiều lần rồi. Cái tình cảnh nhà vua ra làm sao, cái vận mạng nước nhà ra làm sao, đọc tờ chiếu ấy, đại nhân đã rõ. Thân là một kẻ võ biền chữ nghĩa không được mấy, lão già đâu dám lấy cái nghĩa tôn quân ra mà nói cùng đại nhân. Vả từ khi lão già bị triệt hồi, tháng ngày chỉ rong chơi bên lèn Thanh Thủy, uống rượu lại uống rượu, cưỡi ngựa lại cưỡi ngựa, thời cuộc ra làm sao, lão già nào được rõ… Lão già lưng đã hơi còm, răng đã rụng hết một phần, tưởng lão già chỉ còn cái quyền chống gậy lên đứng ở trên cao mà nhìn ra cuộc thế. Lão già còn làm gì được, mà còn biết làm gì được?
Nhưng từ khi đọc tờ chiếu "Cần Vương", lão già thấy trẻ lại, lòng bâng khuâng, sôi nổi như thời niên thiếu. Cái kẻ làm tôi, đã từng ăn cơm nhà vua, sống trong đất nhà vua, chịu ân huệ nhà vua, há lúc nghe tiếng gọi tha thiết của nhà vua trong cơn luân lạc lại nỡ bịt tai, cưỡi ngựa đi ra chốn non xa mà ngồi uống rượu?
Đại nhân là người đã đọc hết thánh hiền, chắc cũng lựa lấy được một câu xử trí, trong cái lúc vua tôi gặp bước nguy nan này. Khi lão già viết mấy hàng chữ thừa này, có lẽ trong trí đại nhân đã đương bài bố một công cuộc to lớn.
Đại nhân hãy phốc lên mình ngựa, thức tỉnh sĩ phu dậy, lão đây sẽ quên sức già chạy theo đuôi ngựa đại nhân.
Bái thư
Đề Trực
Thanh Thủy, ngày… tháng…
Đêm đã khuya.
Trong bầu không khí im lặng của thôn quê, tiếng mõ cầm canh lạnh lùng điểm từng hồi một dưới bóng sao mờ mờ. Ngọn gió nồm khẽ động cái mành mành thưa. Một quả bàng chín muồi rơi ở trên mái gianh. Một tiếng động âm thầm.
Quan lớn Lê đương ngồi đọc cuốn Vạn pháp binh thư, lưng dựa vào cái án thư, dưới bóng đèn bạch lạp. Ninh, người học trò của ngài, hôm ấy đến phiên phải tới hầu thầy, đã ngủ thiếp đi tự lúc nào, đầu đè lên cuốn sách đương học, và mồm nghiến răng ken két. Tiếng kêu ken két ấy làm cho ngài ghê rởn cả tâm hồn. Bỗng có người rón rén đỡ rèm. Chú Quày, một người tuần canh tiến vào thở hổn hển, gãi tai gãi tóc một hồi lâu, mới nói được:
– Bẩm ngài, con và chú Xiềng, chú Ẩn và chú Thìn đương đi tuần ở bến sông, chúng con thấy giữa vời, đèn đuốc đỏ rực. Chúng con đứng lại xem thấy đèn đuốc bơi về phía bến làng ta. Bẩm ngài, quả không sai, năm sáu chiếc đò lớn, đầy người ghé vào bến ta. Tiếng họ nói có lẽ là tiếng… Hương Phương. Trong những chiếc đò ấy, toàn là những trai tráng: trán vuông, đầu trọc, người thì gậy, kẻ thì mác, trông sừng sừng sồ sộ… ầm ỹ như một bầy ong bò vẽ. Chúng con nghe rõ mồn một chúng bàn với nhau, theo đường đình để vô làng. Chúng con bèn lội qua lạch để vào trình ngài trước, xem ngài dạy thế nào?
Quan lớn Lê nghe xong, nét mặt vẫn bình tĩnh như thường. Ngài gấp cuốn Vạn pháp binh thư lại, và với lấy cái khăn lượt đen, thủng thẳng chít lên đầu. Quan lớn Lê trịnh trọng sửa lại nếp khăn, và dặn bốn tên tuần đinh, đã chạy tới đủ:
– Này các chú yên, tôi dặn: Chú Quày nhanh chân chạy tới nhà thầy Lý, tin cho thầy biết. Còn chú Ẩn, chú chạy lên Trùm giáp trên, bảo "xổ" ba hồi thanh la, chú Xiềng thì chạy xuống Trùm giáp dưới bảo giục ba hồi mõ… Còn chú Thìn, thì chú chạy ra đình xổ ba hồi trống. Nhưng các chú phải nhớ lời ta dặn: trống ở đình đã khởi thanh rồi, bấy giờ thanh la, mõ mới xổ được và tù và mới "dậy" được… Các chú nghe kỹ chưa?
Mấy chú tuần đinh "dạ" ran rồi chạy mỗi người mỗi ngả. Quan lớn Lê lẩm bẩm một mình: Người Hương Phương, thì chính lại là bọn giáo dân chứ gì? Họ đánh làng ta chuyến này chính là để trả thù độ nọ ta giết mất một người dân của họ phiên chợ Ba Đồn, vì hắn đã nói khích một ông thầy tu.
Ngẩng lên, Quan lớn Lê vẫn thấy người học trò của mình ngủ như chết, tiếng nghiến răng ken két và tiếng ngáy kho kho hoà với nhau thành một điệu nhạc vui tai lạ. Đã toan lấy gáo nước lã giội vào đầu nó để đánh thức nó dậy, Quan lớn Lê bỗng ngừng tay, và nói một mình: Cái thằng khốn này thì làm cóc gì được, để yên cho nó ngủ. Rồi ngài đi thẳng ra ngõ.
Ngài đi rất nhanh, tới nhà ông Điệt. Người mà ngài nghĩ tới trước nhất chính là ông Điệt. Điệt là một tên lực sĩ ở trong làng… Không những khoẻ mà lại là một tay vô cùng táo tợn… Đi chưa đến ngõ nhà Điệt, ngài đã nghe thấy tiếng trống ở ngoài đình và tiếp theo tiếng mõ, tiếng tù và, tiếng chó sủa, tiếng người kêu.
Điệt chạy ra sân giụi mắt và nhìn lên trời, nhìn phía Bắc lại quay nhìn phía Nam. Có lẽ Điệt tưởng là có đám cháy nhà nên nhìn xem lửa đỏ ở phía nào để chạy tới cứu. Quan lớn Lê đã tới bên lưng Điệt, cầm lấy tay Điệt và bảo nhỏ một câu, giọng vừa thân mật vừa cảm động: Điệt nên tụ tập các trai tráng để tìm cách đối phó với bọn giáo dân.
– Chắc là bọn Hương Phương?
– Đích là chúng.
Điệt không nói gì nữa, đi vào nhà lấy ra một cây "đọc" và một cái tù và, rồi cùng với Quan lớn Lê ba chân bốn cẳng, chạy ra đình. Dọc đường nghe tiếng tù và đặc biệt của Điệt, các trai tráng cùng chạy theo Điệt. Chẳng mấy chốc ở đình làng đã tụ tập gần hai trăm dân đinh, người thì gậy, kẻ thì mác, người thì dùi cui, kẻ thì dao phay. Họ quây quần xúm xít bên Quan lớn Lê, im lặng không hề bàn tán một lời. Bỗng Quan lớn Lê đứng lên trên một cái bệ cao truyền, giọng ngài oai nghi lạ thường:
– Anh em! Nên đánh đuổi cho sạch cái quân ngạo mạn ấy đi!
Cả đám trai tráng dạ "ran" rồi lại đứng im để nghe lệnh:
– Bọn họ vào đất ta thì hẳn là không thông thuộc đường lối bằng bọn ta. Trước ta dùng mưu rồi mới dùng đến sức khoẻ. Ta muốn anh em đừng vội thổi tù và, đừng "xổ" thanh la, đừng hò, đừng hét gì hết. Anh em hãy theo chân ta, và tuân lệnh ta.
Rồi Quan lớn Lê cầm song vượt lên trước, thứ đến Điệt, đến Ngang em Điệt rồi các trai tráng khác. Đoàn trai tráng ấy lội qua lạch, và rải rác núp lại sau những bụi sác, nín thở để chờ.
Đèn đuốc ở đằng xa đã tiến đến, gậy, mác lao xao… Điệt đi lại gần Quan lớn Lê cung kính bẩm:
– Quan lớn ngài trèo lên cây cho.
Quan lớn Lê lắc đầu.
Điệt vẫn van xin:
– Xin Quan lớn trèo lên cây cho. Lệnh ở trên cao, truyền xuống mới mạnh.
Quan lớn Lê gật đầu và trèo lên cây. Ngài nhanh nhẹn như một con sóc, trong giây lát ngài đã ở trên ngọn cây chót vót.
Đèn đuốc đi qua! Bên nghịch đông quá, và hăng quá. Họ hò hét như những người say, nhưng có vẻ lộn xộn ô hợp, không có mệnh lệnh duy nhất.
Chờ quân nghịch đi qua mấy bước, Quan lớn Lê ở trên cao truyền lệnh xuống. Tức thì cả đám trai tráng theo chân Điệt đổ ra, đánh úp vào quân nghịch. Trong lúc bất kỳ chúng phải chạy tán loạn, đứa thì ngã xuống nước, ướt như chuột lột, đứa thì bì bõm dưới bùn lầy, lôi chân không lên được, đứa thì bị gẫy cẳng lê la như người ốm. Nhưng một lát sau chúng đã bình tĩnh lại ngay. Bây giờ là một trận huyết chiến ở trong rừng sác, giữa từng người một. Đèn đuốc đã tắt hẳn. Người ta đánh nhau, phang nhau, chém nhau, giết nhau, trong bóng tối, bên những bụi sác. Ở trong xóm xa một vài tiếng gà đã xào xạc đánh thức nhau dậy! Cuộc huyết chiến vẫn ầm ầm, vẫn hăng hái, vẫn không… thôi.
Bỗng… tự ngoài bến sông một tiếng súng.
Một tiếng rồi hai ba tiếng nữa nối nhau, như để khiêu khích, như để doạ nạt.
Quan lớn Lê ngồi ở trên ngọn cây, chợt nghĩ đến thiếu uý Grégoire.
Ngài thấy rằng: Sự chống chọi kéo dài thêm nữa chắc sẽ mười phần thất bại. Lần đầu tiên, ngài mới gặp thiếu uý Grégoire, nhưng ngài biết: Grégoire không phải là sức mạnh tầm thường… Ngài đã từng nghe nói nhiều lần những võ công, lòng can đảm và mưu mô của Grégoire. Như có thần linh tin trước, ngài biết được rằng: Những tiếng súng vừa rồi ở bến sông bắn vào là để doạ nạt mà thôi, chứ thực ra Grégoire vừa đi thuyền ở Quảng Khê lên, trong lúc mắt nhắm mắt mở, họ không dại gì tiến quân ngay vào những đường tối tăm và khuất khúc.
Ngài nghĩ đến sự thu quân lại để tìm cách chạy trốn trước khi mặt trời mọc, làm thế nào mà cứu vớt được dân làng khỏi sự tàn phá của những viên đạn; mà bọn giáo dân Hương Phương cũng không thể đuổi theo được.
Từ trên ngọn cây xuống, ngài lại bên Điệt, rỉ vào tai Điệt những gì. Một lát sau, mấy bó đuốc đều châm vào những ngọn sác. Ngọn sác bốc hỏa nhanh như có dầu tưới vào vậy. Ngọn lửa nhảy từ cây này qua cây kia, chẳng mấy chốc đã um lên một đám đỏ rực, to như một cái núi lửa, càng lan rộng ra, cuồn cuộn như nước lụt.
Bọn giáo dân chạy hoảng hốt. Có kẻ bị lửa vây trùm chết cháy một cách thảm khốc. Người nào thoát ra được thì chạy về phía sông rời rạc, tán loạn. Trong lúc ấy theo tiếng tù và của Điệt, bao nhiêu dân tráng làng Cao Hạ còn lại đều lội qua lạch mà về làng.
Bây giờ như đã có một cái thành lửa chạy dài hàng mấy dặm, ngăn bọn giáo dân và quân lính của Grégoire tiến vào. Làng Cao Hạ dưới quyền chỉ huy của Quan lớn Lê im lặng, bình tĩnh bàn tính cách chạy giặc. Chạy vào những núi rừng hiểm trở để lập một cái quân đội đủ sức mạnh chống lại với quân đội của Grégoire, một thứ quân đội tinh nhuệ, có súng ống hẳn hoi, đó là cái ý nguyện của Quan lớn Lê lúc bấy giờ.
Ngài định bỏ cái làng xóm này và lập lại một cái làng xóm khác, ở trong chốn non xanh vô định kia vậy.
Cả dân làng lục đục làm việc.
Nhà nào nhà nấy chôn cất các đồ đạc quý hoá, nếu là nhà giàu, thì tiền xâu bạc nén, họ tìm nơi hẻo lánh, hoặc là dưới bụi tre, bên gốc nhãn, họ đào hầm sâu để chôn cất. Còn như những thứ họ có thể mang theo được thì họ chất vào những xe bò.
Một đụn thóc cho đến một sàng ngô, một cái lưỡi cày cho đến một cái nồi con, họ cũng không bỏ sót. Vì họ biết rằng đi lần này, còn lâu lắm, hay là không bao giờ còn trở lại nữa: dù có hay không, cũng như làng Vạn Lộc, làng Xuân Sơn, làng La Hà, họ sẽ bị coi như là dân phản nghịch, vì phản bọn giáo dân. Một con chiên hay một vị cố đạo bị giết chết, thì trăm tội đổ lên đầu họ, nhà cửa họ sẽ bị đốt phá, mùa màng họ bị tịch thu, thân mình họ bị câu giam.
Gà đã gáy lại!
Những bóng tối đuổi nhau chạy vào những bụi rậm… Cả làng Cao Hạ, từ trẻ đến già, từ dân tráng đến chức sắc, từ thầy khoá đến ông đồ, chen nhau, lấn nhau, cõng nhau, dắt nhau chạy trên con đường gập ghềnh, bùn lầy, và quanh co từ làng vào núi. Gà lợn và mèo chó, chất chật trên những cái xe bò, hòa tiếng ụt ịt với tiếng rên khàn khàn của ông già bà lão, và tiếng khóc oe oe của đứa con mới đẻ, thành một cái âm nhạc ghê rởn của những quỷ sứ cũng vào giờ này, ở dưới mấy tầng đất. Những cái xe bò và xe trâu lạch ạch lên dốc, lên được một bước phải giữ một bước để chờ những anh trai làng lực lưỡng đến xốc vai vào đằng sau xe, để xoay mấy vòng bánh.
Hết dốc, lại đến dốc. Người ta phải đi xa nữa. Mặt trời đã lên cao. Mọi người như đã vững tâm, và tin ở mình, ở Quan lớn Lê, ở Điệt, ở Giời Phật… Họ tin một cách độc đoán rằng bọn giáo dân là những quân vô quân vô phụ, là đồ man tà, bị ma quỷ ám ảnh, những việc làm của giáo dân sẽ bị Giời Phật trừng phạt. Mà họ là lương dân, bao giờ cũng được che chở.
Một người đàn bà táo bạo chạy tới dưới chân ngựa của Quan lớn Lê, chắp tay, cúi đầu và thưa bằng một cái giọng thân mật:
– Bẩm ngài, con hôm qua nằm mộng thấy một ông lão đầu râu trắng như tuyết, chống gậy tre, ở trong núi đi ra. Ngài thấy một đám trẻ con đương đánh đáo ở dưới gốc bàng ngài chỉ trỏ nói những gì mà trẻ con cười rú lên, có lắm đứa lần khân, giật lấy gậy của lão và níu lấy áo lão. Lúc bấy giờ con và ả Mít, ả Mục và ả Rô đương giặt quần áo ở suối, thì lão trỏ gậy vào mặt chúng con mà bảo: "Chúng mày giặt đồ dơ bẩn ở đấy. Đình làng sẽ phát hoả nay mai". Lão còn nói gì nhiều nữa chúng con nghe không rõ, kịp có tiếng thanh la của giáp xổ… Con giật mình tỉnh dậy, ngài muốn hiểu rõ thêm thì xin ngài cho đòi ả Mục, ả Mít, ả Rô mà hỏi lại xem các ả ấy có "ngồ chộ" như thế không?
Giọng người đàn bà có vẻ thành kính, và the thé như những lời thú tội. Quan lớn Lê gật đầu, rồi ngài đưa tay xua người đàn bà đi và bảo:
– Thôi con đi đi! Ta sẽ xét sau.
Từ đấy trở đi, ngài có vẻ nghĩ ngợi, ngài gọi Điệt lại, đi bên cạnh để cùng nhau bàn chuyện.
MỘT ÔNG CỬ VÕ
Hôm sau, gà rừng vừa gáy sáng, thì Quan lớn Lê và một người nữa cùng nhảy lên mình ngựa, từ Trại Nái là chỗ ẩn trú của đoàn chạy giặc, ra đi. Hai người lách vào những bụi sậy cao hết đầu ngựa. Rừng núi biến thành một cái biển mù mà người ta có cái cảm giác như đi ở dưới đáy sâu. Cách nhau ba bước, là không còn thấy nhau được nữa.
Ngựa đi được một quãng, thì dừng lại một lát, hí lên mấy tiếng và lắc đầu để rũ những hạt sương rơi xuống, che cả mí mắt. Hai người phải qua một cái khe, rồi mới đến chân núi Kỳ Lĩnh. Khe nước sâu quá, Quan lớn Lê ngồi ở trên mình ngựa mà còn ướt đến khuỷu chân. Nước khe buổi sáng giá quá, Quan lớn Lê chịu không quen, buốt cả thịt, ngài co chân lên thật nhanh, thiếu một tí nữa ngài mất thăng bằng sắp nhào xuống, nếu không kịp vin vào vai người đi bên cạnh. Cái ông lão già đi bên cạnh cười rộ lên và nói với Quan lớn Lê bằng một cái giọng hơi xấc xược:
– Nhà nho như ngài, nên đi cáng thì tiện hơn là đi ngựa.
Quan lớn Lê lườm lão kia một cái và từ đấy không nói thêm gì nữa.
Hai người đã lên đỉnh núi Kỳ Lĩnh, là một đỉnh núi cao nhất ở trong vùng ấy. Mặt trời đã hé ở đằng đông. Những khói lam im lặng tan chảy ra như những hạt muối trắng ở trong đĩa.
Rừng thông hiện ra như một cái thảm xanh mướt và láng, lượn lờ như làn sóng dưới ngọn gió nhẹ, chạy dài tới phương trời xa tắp.
Trên một tảng đá to và phẳng, hai con ngựa đứng song song nhau. Hai người trên mình ngựa, cũng đăm đăm lặng nhìn. Một hồi lâu Quan lớn Lê mới đưa tay trỏ ra đằng xa, và bảo ông già kia:
– Lão trông đó! Một đám đen chạy dài đối với con sông Gianh đó chính là dấu vết của một cái rừng sác hôm qua đốt cháy… để ngăn giặc không tiến vào được.
Lão kia vẫn cười ngặt nghẽo.
Quan lớn Lê hỏi dồn:
– Sao lão cười?
Ung dung, lão kia đáp:
– Lão đã 80 tuổi rồi, còn trông thấy gì nữa, mà ngài còn chỉ với trỏ cho lão… Nhưng theo ý lão thì ngài đốt cái rừng sác ấy là một điều thất sách.
– Lão nói sao?
– Một điều thất sách… chứ sao?
Lão cười gằn và nói tiếp:
– Thất sách và… hèn nhát nữa, vì ngài đánh giặc mà chỉ nghĩ đến đường… tháo mà thôi! Ngài không nghĩ đến tương lai khi dân ngài trở về với làng nước. Chừng ấy, rồi lấy gì mà ép dầu thắp và bán ra ngoài.
Quan lớn Lê đốt cháy cái rừng sác, là đã làm một điều hy sinh lớn: Vì xưa nay dân làng Cao Hạ chỉ sống về cái rừng sác ấy mà thôi. Thủa ấy, người ta chưa có dầu tây, khắp vùng ấy phần nhiều chỉ dùng dầu phụng và dầu sác… Làng Cao Hạ một năm hai lần đi hái những hột sác về ướp ra thành dầu, để dùng và đem bán cho khắp tỉnh.
Ông già lại nói tiếp:
– Đó là chưa nói đến những khi trời lụt bão, không có cái rừng sác ấy thì nước trên nguồn xuống sẽ cuốn ra bể hết những nhà cửa và trâu bò của dân làng. Ngài còn ít tuổi lắm.
Ông lão nhanh nhẹn, phốp pháp, đầu râu đã bạc như tuyết, mà đôi mắt vẫn quắc thước, ông lão ngồi trên mình ngựa và lâu lâu vuốt râu nói chuyện với Quan lớn Lê bằng một cái giọng tự đắc và ngạo mạn đó, chính là ông Cử Chương. Người ta gọi lão bằng ông Cử, vì lão đã thi đỗ Cử Võ. Người vùng đó không biết lão từ đâu đến, nhưng người ta biết rằng lão đã có một tập hồ sơ nặng ở trong tay kẻ cầm quyền, và nhiều lần lão bị tróc nã. Người ta còn biết vì lẽ gì, lão bị tróc nã nữa. Lão bị tróc nã vì đã yêu một người đàn bà, một con dâm phụ, một người đàn bà đã giết chồng. Lão đã đưa võ nghệ của mình để cướp người đàn bà ấy ở trong tay… pháp luật. Khi người đàn bà ấy bị mấy người lính lệ áp giải về huyện, thì lão lẻn tới đánh tháo cho người đàn bà ấy, và cắp trong tay cái… ái tình của mình, lão nhảy từ nóc nhà này qua nóc nhà khác, và ngày đêm chạy trốn từ làng này qua làng khác. Rồi một buổi chiều lão đến cái chốn rừng bí hiểm này. Với người đàn bà ấy, lão khai khẩn, lão trồng trọt, lão nuôi súc vật, lão lập nên một cái cơ nghiệp, lão tạo ra một cái thế giới. Những người dân ở quanh vùng ấy, trốn xâu lậu thuế đều theo vết lão vào ở đấy, chẳng bao lâu Trại Nái đã thành ra một cái ấp nhỏ xúm xít nhau vài chục nóc nhà. Những chuyện lão Cử Chương săn beo, đánh cọp, là những câu chuyện hàng ngày đầy thú vị của những người dân quanh vùng ấy. Những chú tiều đi củi về được gặp lão, thuật cái hình dáng của lão, và thêu dệt nên những câu chuyện hoang đường, như những chuyện đời xưa. Người ta thường truyền rằng: Một hôm, lão đi vào rừng, kiếm vỏ mang, đến bờ khe La Khê, lão thấy một con cọp gấm và một con gấu ngựa đương chồm nhau, cấu nhau, cắn nhau. Một cuộc huyết chiến kịch liệt và say sưa có lẽ đã bắt đầu từ lâu. Máu chảy xuống ròng ròng và đỏ ngầu cả nước suối.
Lão Cử Chương núp lại sau một bụi ắng và đứng nhìn. Khi lão thấy con cọp gấm đã bị con gấu ngựa móc mất một mắt rồi, thì lão cũng như hăng tiết lên muốn ra thử tài với con gấu ngựa, một con mãnh thú tuy hình dáng xấu xí, nhưng có tiếng là hung dữ và khoẻ nhất trong rừng xanh. Lão bèn bẻ một cái gậy ắng, rồi nhanh như một con beo lòi, lão nhảy vào trợ chiến cho con cọp. Lão ngắm cái sọ của con gấu ngựa, và lấy gân, phang vào một cái mạnh như búa bổ. Tức thì con vật ngã lăn ra không kịp kêu một tiếng.
Con cọp, trước cái võ nghệ lạ lùng của giống người, bèn phủ phục xuống và gật đầu ba cái, rồi chạy trốn.
Hôm sau, khi ngủ dậy lão thấy trước thềm có một con chồn.
Hôm sau nữa, trước thềm, lão lại thấy một con nai.
Hôm sau nữa, lão lại thấy một con heo rừng.
Con cọp gấm đã trả ơn lão một cách kín đáo và lặng lẽ.
Câu chuyện ấy đồn ra, dân khắp vùng ấy lại càng tin ở lão, và lão thêm được nhiều người lên xin sinh cơ lập nghiệp ở dưới quyền cai trị của lão.
Hai người bấy giờ từ núi Kỳ Lĩnh đã gần về đến Trại Nái. Bỗng thấy Điệt từ trong bụi rậm phóc ra tay nắm một cây gươm còn tươi những máu.
Quan lớn Lê từ trên mình ngựa, cất cái giọng cao vòi vọi hỏi Điệt:
– Xong rồi chứ?
– Bẩm xong cả.
– Không có việc gì trở ngại cả chứ?
– Bẩm không!
Điệt đáp bằng một cái giọng lạnh lùng, và hơi run run. Hai con ngựa vẫn song song bước từng bước một đi về nhà. Lão Cử Chương lâu lâu vẫn liếc nhìn Quan lớn Lê, nhìn cái nét mặt nghiêm trọng và bí mật của nhà nho. Điệt cũng im lặng theo sau. Đến một vũng nước, Điệt cúi xuống đưa cái lưỡi gươm ra rửa những vết máu, tiếng nước lao xao làm cho hai người cùng ngoảnh lại nhìn, và gò cương dừng đứng lại để đợi Điệt.
Hồi lâu lão Cử Chương mới hỏi Quan lớn Lê:
– Ngài có thể cho lão biết chuyện gì thế?
Quan lớn Lê nhìn thẳng vào đôi mắt của lão rồi đáp:
– Điệt vừa chém xong một người.
Lão thong thả lặp lại từng tiếng một:
– Chém xong một người?
– Dạ, chém xong một người.
– Hà cớ?
– Vì tên ấy đã thừa cơ lúc lộn xộn để làm điều xằng bậy. Trong lúc chạy giặc, tên ấy không làm hết bổn phận một người trai tráng trong làng, lại còn tìm những cô gái đẹp để chòng ghẹo, để hãm hiếp. Điệt đã bắt được quả tang tên ấy đương cưỡng ép một người con gái ở trong bụi rậm trong lúc gà đã gáy sáng.
– Tội chỉ có thế?
– Nhưng không phải là lần đầu hắn hãm hiếp đàn bà. Không những một mình hắn, cha hắn khi xưa cũng phạm cái tội ấy.
Rồi không muốn cho lão Cử Chương hỏi nữa, Quan lớn Lê quay lại phía Điệt:
– Điệt, thế anh chém mấy lát, đầu hắn mới rơi?
– Bẩm, con phải chém bốn lát mới đứt được.
Quan lớn Lê gật đầu:
– Thế là hắn còn nhiều oan nghiệp nữa.
 Một lát sau Quan lớn Lê lại hỏi:
– Trước khi chết, Lung ra làm sao?
– Bẩm, hắn vẫn bình tĩnh như thường.
– Bình tĩnh?
– Dạ, bình tĩnh lắm! Hắn không tỏ ra một vẻ sợ hãi gì cả, hắn xin một bình rượu, nốc vào rồi hắn tréo chân lại, và thản nhiên ngâm thơ.
– Hắn ngâm thế nào?
– Bẩm, hắn ngâm hai câu thơ hay lắm, để yên con nhớ lại. À! Bẩm trước khi cái đầu rơi, hắn ngâm như thế này đây:
Từ khi ta xuống cõi đời
Bao con gái tốt, ta chơi đã làu
Lão Cử Chương kinh hãi, nhìn Quan lớn Lê và chậm rãi nói:
– Ngài đã giết chết một người có khí đảm.
– Khí đảm? Lão khéo mỉa tôi.
– Thật thế, ngài đã giết một người có khí đảm.
– Theo lão, hãm hiếp chỉ là cái tội nhẹ không, có khí đảm mới là một cái tội lớn. Lung chính là một kẻ có khí đảm. Phỏng khiến ngài biết lợi dụng cái khí đảm của Lung, lão tin rằng sau này Lung sẽ giúp ngài trong việc đại sự. Giết Lung, ngài vẫn là người thất sách… thất sách, thất sách lắm…
Lão dằn từng tiếng một, như gậm cái căm tức…
Quan lớn Lê thoạt nghe có vẻ hối hận, cúi đầu xuống bỗng ngẩng lên nói rất nhanh:
– Ta tưởng lão nghĩ lầm! Ừ thì ta cho là Lung có khí đảm thật, nhưng ta không muốn có kẻ dùng cái khí đảm vào những việc ô uế như thế. Nhất là trong lúc ta dấy lên để lo việc Cần Vương, trong một việc thiêng liêng nghiêm trọng như thế, ta không muốn vì lẽ gì, có kẻ làm tổn hại đến danh giáo. Lão nên nghĩ lại xem.
Im lặng, hai người tiến ngựa về phía trại.
ĐỘI QUÂN RỪNG
Trong hai tháng trời nhờ ông Cử Chương hết sức rèn luyện, Quan lớn Lê đã có một đội quân tinh nhuệ. Sáp nhập vào quân đội phần nữa là các thầy khoá, trước kia là học trò chăm chỉ của Quan lớn Lê, nếu không có việc can qua thì nay vẫn là những người còn nuôi trong chí cái mộng lớn của những con cá chép nhảy qua cửa vũ môn.
Nhưng từ khi có cái chiếu Cần Vương. Nhất là từ khi bị mấy tiếng súng Grégoire đuổi vào rừng thì những người học trò mảnh khảnh nho nhã, cảm thấy ngay sự cần đổi cái bắp thịt ở tay và cái mộng ở trong trí. Họ thấy rằng: Đạo lý chỉ là cái cứu cánh,[a] mà cái võ nghệ mới là cái phương tiện vậy.
Thật là một cái cảnh tượng rất buồn cười và cảm động là khi mấy thầy đồ nho, đương ở cái cảnh ăn no lại nằm, bỗng phải lên chốn rừng xanh mỗi buổi sáng sương rơi nặng như mưa đã phải tập luyện một cách rất kham khổ dưới ngọn roi của một lão Cử Võ. Mỗi buổi sáng, họ nhét cát đầy hai ống quần sắp hàng, từ đáy hố sâu nhảy lên bờ, vì theo lão Cử Chương "trong đội quân rừng", điều quan hệ hơn hết là phải biết là nhảy từ cành cây này qua cành kia như vượn, khỉ vậy. Lại còn có một điều này rất kỳ thú nữa, là "đội quân rừng" đều bận toàn áo cộc, quần "xà lỏn" nhuộm toàn màu chàm. Những con "linh vượn" ấy, trông xa thì dễ lẫn với sương mù, ở gần thì dễ lút vào những cành lá. Chúng sẽ chạy nhảy trên cây, tuy rời rạc mặc dầu, nhưng ở cao rất dễ nhận thấy nhau, và tiếng lệnh truyền của chủ tướng cũng nghe rõ hơn.
Ngay hôm lên ở Trại Nái, Quan lớn Lê có sai một người học trò thân yêu của mình là Lưu Đại cầm thư lên Trương Quang Ngọc hiện đương chiêu tập quân Mường ở Cổ Liêm, để xin Ngọc giúp cho một ít súng Mường, nhưng Lưu Đại đi đã lâu không thấy về, cũng không thấy nhắn nhe về làm sao cả. Vì vậy, 300 lính của Quan lớn Lê đều chỉ dùng toàn đọc vắn, có kẻ kèm thêm nỏ, nhưng phần nhiều chỉ đeo ở trên lưng một cái giỏ mây đựng đầy đá cuội.
Ngoài đội "lính vượn" ấy, Trại Nái còn có một đội  binh khác toàn là chó săn do Điệt chỉ huy, đội binh không kém hùng dũng và tinh nhuệ, Quan lớn Lê gọi là đội cảm tử, và thường khen rằng "Khuyển nhi bất khuyển"; ý ngài cho rằng có thứ chó không phải là chó cũng như có người không phải là người.
Lúc vô sự thì đội cảm tử vào rừng săn hươu nai để nuôi người, lúc hữu sự thì chúng sẽ hi sinh tính mạng chúng để giữ người. Đội cảm tử này còn có cái biệt tài là chạy lạc hàng dặm ở trong rừng mà vẫn tìm nhau được, và thấy đường ra như thường.
Một hôm Quan lớn Lê đương ngồi uống rượu với Cử Chương thì thấy tiến vào một người trai trẻ đẫy đà. Người trai trẻ bảo là từ Thanh Thuỷ đến, và mang lại cho Quan lớn Lê một phong thư của Đề Trực.
Thấy giọng nói của người kia có vẻ lơ lớ của người miền bể, Quan lớn Lê hơi nghi nghi. Nhưng khi bóc thư ra quả thấy là chữ Đề Trực, thì ngài yên tâm. Ngài bèn bảo lính hầu lấy cơm, lấy rượu ra thết. Đoạn ngài đi vào buồng trong cùng Cử Chương bàn về bức thư của Đề Trực.
Nguyên trong thư của Đề Trực: "Thanh Thủy" có hẹn cùng Trại Nái đến ngày 11 tháng 8 thì hai bên chia làm hai đạo đường cùng xuống Mỹ Hòa. Rồi ở đấy cùng đốt phá nhà thờ và giết viên cố đạo chủ trì ở đấy.
Quan lớn Lê và Cử Chương sau một hồi thương lượng với nhau, bèn viết thư trả lời Đề Trực tỏ vẻ đồng ý. Bức thư niêm lại toan đưa cho người trai trẻ lúc nãy thì bỗng thấy Điệt tất tả chạy lên, thưa Quan lớn Lê:
– Ngài nên cẩn thận một tý! Bức thư ấy con sợ là một bức thư giả mạo.
Quan lớn Lê trợn mắt lên nói:
– Không, ta nhận ra nét chữ của Đề Trực mà.
Rồi ngài dịu lại hỏi Điệt:
– Sao con lại dám nghi ngờ cái bức thư ấy?
– Bẩm vì con biết đích xác người đưa thư là một người giả mạo.
– Giả mạo?
– Dạ, quyết hắn không phải tay chân của Đề Trực, không phải là người Thanh Thuỷ, người ấy hoặc ở Quảng Khê, hoặc ở Mỹ Hoà, một kẻ giáo dân.
– Con bảo là một kẻ giáo dân?
– Dạ, một giáo dân, tay sai của đồn Quảng Khê.
– Con biết chắc?
– Bẩm chắc như đanh đóng! Vì hắn đã mắc mưu con.
Rồi Điệt cười ha hả một lúc mới nói tiếp:
– Khi ngài phán đưa rượu thịt cho hắn ăn thì con mời hắn về phòng riêng của con. Con với hắn nói chuyện lân la một lúc, thì lính bưng rượu thịt vào. Con giả đò đứng dậy xin phép hắn đi ra, và ẩy cánh cửa lại để hắn ngồi một mình. Nhưng con đứng lại, qua khe cửa con ghé mắt nhìn quả con thấy hắn trước khi cầm đũa, hắn lẩm bẩm đọc những gì, và đưa tay làm dấu trên mặt… Bẩm, quả hắn là con của "Chúa Lời".
Quan lớn Lê và Cử Chương, ngẩng lên nhìn nhau, ngạc nhiên… Quan lớn Lê vẫn đập bàn nói:
– Ta không thể tin như thế được, vì chính là nét chữ của Đề Trực kia mà.
Rồi muốn cho Cử Chương và Điệt càng thêm tin, ngài mở tráp lấy cái bức thư trước của Đề Trực ra so sánh thì quả không sai. Vẫn một nét chữ ấy. Vẫn một giọng văn ấy. Vẫn một chữ ký ấy. Vẫn một dấu son ấy. Bỗng ngài gật đầu lia lịa và nói:
– Ta hiểu rồi! Ta nói cho hai người nghe! Ta khen Điệt đấy. Điều Điệt khám phá được quả không sai! Kẻ đưa thư là một kẻ tay chân của ông đồn "Ghê-goa", thiếu một chút nữa thì ta đã mắc mưu hắn rồi. Nguyên là như thế này, hai người nghe có phải không? Chuyện rất dễ hiểu. Đề Trực giao phó thư này cho một tên tay chân mang đến cho ta. Tên tay chân ấy, dọc đường không may bị quân của Ghê-goa bắt được. Họ bèn giữ lấy tên kia, và sai tên này đi thay! À mưu mô của họ cao thật! Nếu ta không khám phá ra chuyện này, thì đến ngày 11, quân Thanh Thủy và quân ta, sẽ đua nhau chết cả lũ.
Ngài ngừng lại để cười gằn một cách đắc ý.
– Nhưng chưa chắc ta mắc mưu họ, hay là họ sẽ mắc mưu ta.
Rồi ngài liền xé cái bức thư vừa niêm xong, "ngài" viết ngay một bức thư trả lời khác cho Đề Trực. Viết xong ngài đọc cho Cử Chương và Điệt nghe.
Lê đại huynh nhã giám!
Đệ đã tiếp được thư của đại huynh. Những lẽ đại huynh đã dạy trong thư, đệ đều hiểu rõ cả. Nhưng theo thiển ý của đệ, thì đệ thấy có hai điều bất tiện xin lạm bàn cùng đại huynh:
Điều thứ nhất. - Ta không nên đánh Mỹ Hòa. Vì Mỹ Hòa gần khít đồn Quảng Khê, bọn giáo dân sẽ có cứu viện mau, và lúc túng ta cũng khó nổi tháo.
Điều thứ hai. - Không nên đánh ngày 11, mà nên đánh ngày 10 là ngày chợ phiên Ba Đồn thì tiện cả vì gặp ngày chợ phiên, dân trong làng, họ sẽ đi chợ hết, dễ cho ta đốt phá. Vậy theo ý đệ, thì nên đánh nhà thờ Hương Phương trước đã, và đánh vào chiều mùng mười.
Hai điều này đệ cúi xin đại huynh thể theo cho. Từ đây đến hôm đó, chỉ còn có hai hôm nữa thôi, chắc là đại huynh không còn thể trả lời kịp được, vậy hai điều bàn đó, đại huynh coi như là đã nhất quyết rồi, không vì một lẽ nào sai, hoãn được.
Bái thư
Lê Quân
Quan lớn Lê đọc xong, nhìn chòng chọc vào mặt Cử Chương và hỏi ý lão.
Cử Chương thủng thẳng gật đầu khen phải. Nhưng Điệt vẫn ra dáng không hiểu, Quan lớn Lê cắt nghĩa:
– Để ta nói hết cho con nghe tại sao ta lại nói dối như thế. Ông đồn Ghê-goa, coi bức thư này thì chắc ngày mồng mười, hắn sẽ kéo đại đội lên giữ Hương Phương phải không? Hẳn sẽ không đề phòng Mỹ Hòa. Sớm ngày 11, quân Thanh Thủy và quân ta, sẽ kéo về Mỹ Hòa muốn làm gì thì làm. Đánh xong Mỹ Hoà ta qua chiếm đồn Quảng Khê cũng dễ như trở bàn tay. Vì lúc bấy giờ bao nhiêu quân lính của đồn Quảng Khê còn ở Hương Phương thì làm sao trở về kịp để chống với ta?
Điệt cúi đầu một cách cung kính, tỏ ý khâm phục lắm. Quan lớn Lê thủng thẳng gấp cái phong thư niêm kỹ lại, gọi tên giả mạo đưa cho hắn.
MỘT CUỘC SĂN NAI
Sau khi tên giả mạo đã đi rồi, thì Quan lớn Lê viết một bức thư khác, sai người mang lên Thanh Thủy cho Đề Trực ngay. Trong thư Quan lớn Lê kể lại cả những sự việc rắc rối cho Đề Trực nghe và bàn định cùng Đề Trực cách tiến quân. Theo Quan lớn Lê thì rạng ngày mùng 10, Đề Trực đưa quân xuống Trại Nái, họp lại làm một toán, và sẽ cùng nhau chia ra làm hai đạo, một đạo thuỷ và một đạo bộ, để xuống thẳng Mỹ Hòa.
Đạo bộ thì sẽ đi qua những làng Thành La, Dặng Đề, Thanh Hà… còn đạo thủy thì lần theo dọc con sông Gianh, từ Phú Kinh cho đến Cửa Bể.
Quan lớn Lê cho họp các quân lính, và cùng với ngài vào rừng săn nai, ý ngài nghĩ rằng trước khi đốt phá Mỹ Hòa, chiếm cứ đồn Quảng Khê phải khao thưởng cho mình và cho các quân sĩ một cách xứng đáng. Vì ngài tin thế nào cũng cầm được sự chiến thắng ở trong tay. Ngài lại còn sai người về làng Chú Nghe mua sẵn mấy vò rượu ngon để sẵn, đợi ngài săn về được bao nhiêu nai và heo, ngài sẽ cho mổ hết để đãi các quân sĩ.
Dương dương ngồi trên mình ngựa, ngài đi vào rừng, ngài đã hưởng trước những phút tự đắc sung sướng của kẻ thắng trận. Con ngựa bạch thân yêu của ngài len vào những lá sắc và cành khô, tiếng lá cành sột soạt đánh vào nhau, cho cái im lặng ở trong rừng sâu một vẻ nghiêm trọng lạ thường. Quan lớn Lê vẫn không nói gì, lâu lâu thổi vài tiếng tù và để quân lính và bộ hạ biết nẻo nào mà theo. Đi đến một tảng đá vuông vắn, xinh đẹp, ngài bèn cho ngựa bước lên, và gò cương quay lại nhìn. Những quân sĩ của ngài đương bò lên dốc, lúp xúp trong cành lá, đi từng toán một độ năm, bảy người. Tự nhiên ngài có cảm giác như cây cỏ, muông thú, loài người dưới chân ngài đều cúi đầu một cách sát rạt. Ngài điểm một nụ cười đắc ý. Không ngờ, ngài đã chiến thắng được cõi đời một cách dễ dàng như thế.
Nhưng bỗng ngài sầm nét mặt lại: ngài vừa sực nhớ đến đấng Thiếu Quân của mình, ngài bèn quay về phương Bắc và cung kính cúi đầu một cái, ngài thấy sự tự đắc của mình vừa rồi là vô lý quá: trong lúc nhà vua còn luân lạc, sống những ngày vô định giữa cái cảnh điếm cỏ cầu sương, kẻ thần dân còn có quyền nào được có lấy một phút kiêu hãnh?
Lão Cử Chương đã tiến đến bên ngài, Quan lớn Lê nghiêm nét mặt lại hỏi:
– Thế nào! Lão có tin sự chiến thắng không?
– Bẩm, điều ấy còn do ở trời định. Nhưng theo ý lão, thì đến hôm ấy, ta không nên đi đường thuỷ.
– Vì sao?
– Hôm ấy không có bão thì sẽ có mưa lớn, nước nguồn cuồn cuộn về làm đỏ ngầu cả sông. Ta xuôi thì dễ, nhưng đến khi không may gặp sự bất trắc, phải ngược thì chắc là không sao ngược được, sẽ bị quân nghịch úp lại đánh mà tháo không kịp.
– Sao lão biết sẽ có lụt?
– Sao lại không biết? Ngài nhìn trông khắp giời, có những làn mây he hé đỏ. Ngày hôm nay nắng, ngày mai nắng gắt, ngày kia mưa như trút, ngày kia lụt. Ngày kia là ngày 11 chứ gì?
– Lão có học thiên văn?
– Chữ nhất là một, tôi cũng không biết, còn dám nói “thiên văn" với "địa lý" gì? Nhưng trước kia, tôi cũng là dân miền bể. Tôi làm nghề chài lưới hơn ba mươi năm. Tôi xem tướng cái mặt ông giời khá lắm. Ngày nào mưa nắng là tôi biết trước cả. Ngài nghĩ xem làm cái nghề vào lộng ra khơi mà không biết thời tiết thì có mà chết!
Bỗng có tiếng chó sủa vang.
Lão Cử Chương quay bảo Quan lớn Lê:
– Nai dậy! Nai dậy!
Quan lớn Lê liền rúc lên mấy tiếng tù và. Tức thì khắp bốn phía rừng đều nổi dậy những tiếng "hũi đò".
Nai chạy vào ngả nào cũng đã có người cầm đọc đứng đón. Những binh lính sắp thành hàng lũy bao lại cả một khu rừng. Những con chó, không chịu dời nai ra một bước, hễ thấy nai chạy về phương nào, chúng "đánh" vang lên ở phương ấy. Theo tiếng chó, Quan lớn Lê và lão Cử Chương tiến ngựa vào. Một con nai vàng bị "chẹt" tìm không ra đường thoát, đương chạy hoảng, thì Quan lớn Lê chợt thấy, bèn thúc ngựa, đuổi. Ngựa đuổi đã gần khít bên chân nai, Quan lớn Lê toan "lia" cây đọc vào nai, thì đầu ngài vướng phải một cành cây chĩa ngang qua đường. Không kịp cúi xuống, ngài đã bị cành cây hất mạnh xuống đất. Lão Cử Chương nom thấy, chạy đến vực ngài dậy và giật lấy tù và đeo ở cổ Quan lớn Lê thổi luôn một hơi. Quân lính ở bốn góc rừng, tưởng rằng chủ tướng đã hạ được nai rồi, bèn reo hò, và hoan hô chủ tướng. Nào ngờ khi chạy đến thì thấy chủ đương ngồi trên một bãi cỏ, bên cạnh lão Cử Chương. Quan lớn Lê chít lại mấy vành khăn, và buồn rầu nói với lão Cử Chương:
– Lão ơi! Từ hôm ta dấy binh, lập nên Trại Nái đến nay, lần này là lần đầu cái khăn ở trên đầu ta rơi xuống đất. Ta sợ có điều chẳng lành xảy đến cho ta.
Lão Cử Chương  bèn cười gạt đi:
– Ngài đừng nghĩ vẩn. Ba hôm nữa, ta sẽ đốt phá Mỹ Hoà, chiếm cứ Quảng Khê và khuếch trương thế lực của ta ra. Những bọn giáo dân ở hữu ngạn và tả ngạn sông Gianh sẽ hàng phục ta hết, sẽ hàng phục ta hết. Ngài không nên có cái ý nghĩ chán nản ấy.
– Thế lão cũng tin ở sự toàn thắng của chúng ta chứ?
– Sao lại không tin được?
– Bọn họ sẽ mắc mưu ta chứ?
– Hẳn là phải mắc. Mưu ấy không phải mưu Khổng Minh, nhưng cũng đủ cho lão đồn Ghê-goa mắc vào. Lão thường nghe nói người Tây thẳng thắn, không hiểu được những mánh khóe cùng mưu lược của ta.
Hai người cùng cười ngặt ngẽo, cười sung sướng.
Bỗng một tiếng súng làm vang động cả khu rừng.
Bằng một cái giọng rất bình tĩnh, Quan lớn Lê nói nhỏ với lão Cử Chương:
– Lão ơi! Không phải lão đồn Ghê-goa mắc mưu chúng ta, mà chính là chúng ta mắc mưu hắn rồi!
Lão Cử Chương nhìn Quan lớn Lê ngơ ngác.
Quan lớn Lê nói tiếp:
– Lão không hiểu à? Có gì mà lão không hiểu? Cái bức thư hôm trước ta gửi cho Đề Trực, cốt để cho lão đồn Ghê-goa, nhưng thực ra lời lẽ trong thư không thể lừa hắn được. Vì chủ ý hắn sở dĩ sai người giả mạo hôm trước vào trại ta là cốt chỉ để dò thám địa thế Trại Nái cùng là tình hình binh lính của ta, nay người giả mạo ấy đã do thám được rồi thì hắn chỉ đường cho lão Ghê-goa vào bắt sống chúng ta. À! Cái mưu lão đồn này thâm thật.
Rồi như một con thú bị động, ngài cầm đọc đứng phắt dậy, và toan truyền lệnh, thì có chú Vinh, một tên hầu cận thân yêu của Quan lớn Lê tiến đến. Chú Vinh từ Trại Nái, theo lệnh của ông đồn Ghê-goa mang vào cho Quan lớn Lê một cái phong thư.
Quan lớn Lê mở ra, bằng một cái giọng rất bình tĩnh, đọc to cho mọi người nghe:
Thưa ngài,
Theo lệnh quan đồn Ghê-goa, tôi viết thư này cho Ngài. Tôi xin tin Ngài biết rằng: nhà cửa, xóm ấp của Ngài ở Trại Nái đều đã bị quan đồn chiếm cả rồi. Và tính mạng bà con thân thuộc của Ngài cùng là vợ con cha mẹ của bộ hạ Ngài, đều ở trong tay quan đồn Ghê-goa cả. Khôn ra thì Ngài liệu mà hàng phục đi, nhược bằng còn chống cự thì trong giây lát, nhà cửa ở Trại Nái sẽ ra khói và tính mạng bao nhiêu người đó đều đi đời hết. Ngài nên nghĩ kỹ lại xem.
Đội Chấn 
Quan lớn Lê đọc xong mấy hàng chữ ấy, đứng im một giây lâu. Nét mặt vẫn thản nhiên. Lão Cử Chương hỏi:
– Ngài nghĩ thế nào?
Quan lớn Lê nhìn thẳng vào mặt lão Cử Chương và ung dung đáp:
– Ta không nghĩ gì hết. Chúng ta chỉ có một việc làm: Đánh, đánh cho đến kỳ cùng!
Rồi ngài vò nát ở trong tay cái bức thư của Đội Chấn vứt xuống đất một cách khinh bỉ. Lần đầu tiên, Quan lớn Lê hất hủi cái chữ thánh, thứ chữ bình sinh nhà nho Lê Tuấn hết sức kính thờ.
Tuân theo một cái cấp lệnh ở trong tâm linh, ngài phóc lên mình ngựa, và dõng dạc truyền:
– Ta hãy trở về mà cướp lại vợ con và ấp trại ta! Nếu chết ta cùng chết. Nếu còn có kẻ nào sống sót, kẻ kia sẽ lo nối lấy, và làm trọn cái chí của những người bỏ mạng.
Rồi sợ quân lính cảm động quá, ngài đưa mắt nhìn lão Cử Chương và dặn:
– Bây giờ thì lão nên đốc quân đi thôi.
Lão Cử Chương chẳng ngần ngại, tiến lên trước và dẫn cả đám lính cùng trở về ấp trại. Cách trại chừng độ ba trăm thước, thì Quan lớn Lê ra lệnh đứng lại. Điệt trèo lên một cây mít nài cao để dò xét tình hình quân nghịch. Điệt ở trên cao thấy những gì, lại tin xuống cho những người ở dưới cùng biết. Điệt vừa nói vừa rằn từng tiếng có vẻ nghiêm trọng lạ thường:
– Ngựa: Gần hai mươi con đang ăn cỏ ở bãi cỏ sau trại. Quân lính tản mác không đoán chừng được bao nhiêu, những tốp hai mươi người, tốp mười lăm người, họp nhau nói chuyện phiếm hẳn! Có bọn đương đốn gỗ! Có bọn đương bồng súng canh gác. Khắp bốn phía đều có lính bồng súng canh gác! Ồ đông quá! Một bọn lính lưỡi lê sáng quắc, vừa ở một lùm cây đi ra, họ đi ăn ý nhau quá, đẹp quá, hùng quá! Ước độ ba trăm người, khói xanh lên nghi ngút... Bẩm, có lẽ họ đương thổi cơm chiều.
Đến đấy, bỗng Điệt chau mày và đỏ mặt, miệng lưỡi líu lại, nói không ra tiếng:
– Bẩm chủ tướng! Bọn ấy ngang quá! Phen này không xẻ xương họ, không được! Ở bảy gốc nhãn trước sân, họ trói bảy người, mà hình như toàn là người của ta. Trong số bị trói ấy, có cả một người đàn bà nữa!
Rồi bỗng Điệt cười vang lên, và nói rất nhanh:
– Bẩm, con nhận ra rồi! Người đàn bà ấy là Mụ Lợi! Con mẹ già mồm già miệng ấy, hay ăn không nói có ấy, để họ trói lại, "trị" cho một mẻ mới đáng đời!
Điệt quên cả lòng uất phẫn, đứng tréo trân chân lên cành cây, và vẫn phá ra cười rũ rượi.
Điệt nghĩ đến một chuyện rất khó chịu đã xảy ra hôm qua đây giữa Mụ Lợi và Điệt. Đầu đuôi câu chuyện như thế này:
Trên sườn núi Kỹ Lĩnh, Điệt có một rẫy sắn. Tình cờ khéo xui nên, khít bên rẫy sắn của Điệt lại là rẫy sắn của Mụ Lợi, một con mẹ goá chồng. Tuy là đàn bà, chứ Mụ Lợi về việc cầy sâu cuốc bẫm, Mụ không chịu nhường Điệt. Rẫy sắn của Điệt xanh tốt bao nhiêu, thì rẫy sắn của Mụ cũng xanh tốt bấy nhiêu. Nhưng kịp đến khi sắn sắp có củ, thì Điệt làm một cái chòi con, đêm nào cũng lên đấy nằm canh giữ. Trong lúc ấy Mụ Lợi có đứa con dại phải nằm ở nhà ấp con. Nhưng sáng nào mụ cũng lên thăm rẫy, thấy một vài bụi sắn của Mụ bị đào sới lên, là Mụ chửi oang oác. Biết rằng chính những con heo rừng trong đêm hôm qua đã tới phá rẫy Mụ mà Mụ vẫn chửi, chửi cay chửi độc, chửi xa chửi gần, chửi bóng chửi gió. Rồi chỉ có người ở rẫy bên cạnh là Điệt phải nghe mà thôi.
Một hôm Điệt ra miệng. Hai bên đấu khẩu một lúc rồi toan sấn vào để ẩu đả. Nhưng sực nhớ đến chuyện con Mụ Lợi ấy, đã bóp dái và vật chết ngay đơ người chồng thứ nhất của mụ, Điệt bỗng rùng mình. Trước con mẹ goá ấy, gan anh hùng nao núng và từ đó Điệt mỗi khi nghe Mụ chửi, đành nhét bông vào tai và chịu lép. Không ngờ con mẹ bất tử ấy hôm nay lại bị trói vào gốc nhãn.
Nghĩ tới đấy, Điệt cười hả hê. Bỗng tiếng gọi của Quan lớn Lê kéo Điệt trở về với cõi thực. Ngài bảo Điệt với một giọng nghiêm nghị:
– Chú đừng ní nởn lắm! Chú trèo xuống đây tôi bảo.
Điệt tái cả mặt, thậm thè thậm thụt, dò từng nấc một trèo xuống đất.
Quan lớn Lê đưa tay vẫy các quân lính lại gần, và dặn dò bằng một cái giọng thân mật:
– Theo ý ta, anh em hãy chia nhau ra từng bọn, tản mác bốn góc rừng. Cụ Cử Chương dẫn một tốp ra phía Đông. Điệt dẫn một tốp khác ra phía Đoài, Duật dẫn một tốp khác ra phía Nam, còn phía Bắc thì để mặc ta. Anh em chớ đi những con đường mòn, cho tới gần khe suối. Từ bây giờ cho đến lúc ấy, anh em nên khéo lẩn lút ở trong bụi, trong truông, trong các bãi lau. Rồi chờ lúc nhá nhem tối, lúc họ đương ăn cơm, nghe tiếng tù và của ta thổi, thì anh em đồng thời nhảy úp vào suỵt cho chó xốc vào! Thấy đứa nào lạ mặt thì cứ giết cho hết. Nếu vạn nhất thất bại, thì mỗi người chạy mỗi ngả, rồi sáng mai ta sẽ gặp nhau ở Đồng Kẻ Tra ngay tại  Giếng Vung, ở đấy ta sẽ cùng liệu cách đối phó.
Truyền xong, Quan lớn Lê quay lại phía chú Vinh (người mang thư Đội Chấn vào cho  ngài) và dặn rằng:
– Còn chú, chú về nói với Đội Chấn y như những lời ta dặn đây. Chú cứ bảo rằng: "Quan tôi đã nhận được thư ngài rồi, quan tôi có vẻ nghĩ ngợi lắm. Quan tôi muốn biên thư trả lời Ngài nhưng hiềm vì giữa cuộc đi săn không có giấy mực. Nên Quan tôi có dặn miệng với tôi, bảo tôi về thưa với ngài rằng: Quan tôi sẽ về sau, và sẽ xin ngài bẩm trước Quan Đồn xin tha cho những dân lương thiện đã nên an cư lạc nghiệp ở Trại Nái. Chú cứ y như thế mà về nói với Đội Chấn. Ta còn dặn điều này nữa: Hễ chú gặp bất kỳ người nào bên ta, thì chú nên bảo họ dự bị sẵn sàng chờ tù và của ta thổi, thì họ cùng quay giáo lại mà đuổi quân nghịch. Nhưng phải cẩn thận nhá. Bại lộ là mất đầu đấy.
TRÊN ĐƯỜNG THẤT BẠI
Đêm về khuya. Trăng đã xế.
Rừng cây lấp lánh sương trông như một tấm gương mờ, phản chiếu một thứ ánh sáng vàng lung linh một cách huyền ảo.
Trong một cái truông rậm, một con ngựa thủng thẳng lần từng bước một trên con đường cong queo, hóc hiểm, gồ ghề những tảng đá. Người ngồi ở trên mình ngựa, cũng im lặng như cái bóng của mình tha thướt lượn ở trong những hàng cây si ở bên đường.
Một ngọn gió nhẹ đưa lại như một hơi thở. Vài chiếc lá là là bay qua đầu ngựa. Những hạt sương đọng ở cành rơi xuống như trận mưa.
Người ngồi trên ngựa đưa tay lau trán ướt, thở dài một cái rồi lại thúc ngựa đi. Ngựa có vẻ uể oải lắm, như không còn có thể nhắc chân lên được nữa.
Gặp một đám cỏ non ở bên đường, nó tự tiện đứng lại ăn, tiếng nghe rào rạo. Mà người trên mình ngựa cũng không buồn thúc nó đi nữa.
Đợi cho ngựa ăn chán, rồi người ấy mới giục ngựa đi. Càng vào sâu rừng càng thêm u rậm. Có nhiều quãng đường bịt bùng như một cái hang tối, phải nhắm mắt mà đi liều, không còn thấy gì nữa. Khỏi truông, thì đường lại quang đãng ra một chút. Nhưng bây giờ mù phủ nặng quá, những đồi núi trùng trùng điệp điệp nối tiếp nhau khi cao khi thấp tựa hồ như những làn sóng đen chồng chất lấy nhau ở mặt biển trong lúc bão táp. Mặt trăng chỉ le lói một tia sáng lờ mờ của một ngọn nến tàn bên một người vừa mới tắt nghỉ. Trong cái im lặng ghê sợ và thảm đạm ấy, dưới chân ngựa, vài hòn đá cuội bị hất ra, đánh vào nhau. Vài con vượn bị động, nhảy từ cây này qua cây kia, một nhánh khô gãy lắc rắc. Dăm ba chiếc lá vàng rơi lác đác.
Bỗng ở đằng xa có một bó đuốc. Cái bó đuốc ở trong sương lập lòe như bóng lửa chiếu xuống nước. Người khách mừng khấp khởi bèn giật cương, và hai chân đánh mạnh vào hai bên hông ngựa. Băng qua bãi sậy, chẳng mấy chốc mà ngựa đã tiến đến gần bó đuốc. Nhưng khách hơi thất vọng khi thấy người cầm bó đuốc ở tay, lại gánh ở trên vai một gánh củi. Tiếng ngựa rộn rịp ở sau lưng làm cho người kia hoảng hốt rú lên một tiếng để rơi cả gánh củi, và cắm đầu chạy. Khách trên mình ngựa cất tiếng cười ha hả. Nhưng người kia vẫn cắm đầu chạy mãi cho đến khi ngựa đuổi kịp, mới chịu thôi. Khách trên ngựa vừa cười vừa hỏi:
– Chú đi mô trong đêm hôm khuya khoắt này?
Người gánh củi mở mắt to nhìn trao tráo, vẫn không mở miệng ra được để trả lời.
Khách lại hỏi:
– Chú là ai? Ở làng mô?
– Bẩm con là... chú Tiêu, ở làng Đặng, con đi hái củi về.
– Làng Đặng?
– Bẩm dạ, con làm xâu ở làng Đặng.
Khách lại vỗ tay cười ha hả và nói:
– Làng Đặng, làng Đặng mà chú lại đi đằng này. Thế chú có biết chú đi về phía nào đây không?
– Bẩm con đi về làng Đặng.
– Làng Đặng? Chú lầm, chú đi vào rừng sâu, chú sắp vào núi Đại Ngàn.
Khách lại cười ha hả. Người đi củi kia lại giương mắt ra nhìn một cách ngơ ngác, không biết đã tỉnh hay còn mê. Chặp lâu, người ấy mới chịu nói:
– Bẩm, có lẽ con đi lạc đường mất rồi. Lúc mặt trời sắp lặn thì con ở Đại Ngàn, gánh củi về đến Chòi Thông. Vì hôm qua ở nhà, con có việc phải thức đến đầu canh tư con mới đi nằm, nên hôm nay con buồn ngủ quá. Đến Chòi Thông thì con mệt lử, kê lưng xuống nằm, đánh một giấc dài. Đến khi tỉnh dậy, thì trời đã đen như mực. Con ú ớ không cần dò phương hướng, xốc gánh củi lên vai, cứ con đường này mà đi. Con tưởng đường này là đường về làng Đặng, nào hay...
– Thế thì bây giờ chú biết đường rồi, thì chú đi trở lại chứ?
– Bẩm không, con sẽ kiếm chỗ nghỉ lưng một tí, đợi mặt trời mọc, sẽ về.
– Thế chú không sợ cọp?
– Bẩm sợ thì có sợ, nhưng "Ngài" đối với con không nỡ hại.
– Vì sao vậy?
– Con dám quyết như vậy, chúng con – con, chú Hân, chú Xiễm – mà có đi hàng tháng trong rừng cũng không việc gì, dầu gặp lúc loạn rừng cũng thế.
– Các chú có ngậm  "ngải" (1)  chứ gì?
– Bẩm không, nhưng một hôm, chúng con đi "ăn vỏ" ở Đại Ngàn ra cũng gần tới đâu ở chỗ này đây, chúng con thấy một bầy chó sói đuổi rượt "Ngài" (2) chạy. Chúng con thấy "Ngài" chạy từ động núi này qua động núi kia, đến đây mà đàn cho sói vẫn không tha. Liệu thế không thể thoát được, "Ngài" bèn nhảy lên một cây lim cao. Đàn chó sói bèn đứng vây thành một vòng tròn ở dưới gốc cây. Biết rằng chó sói vẫn sợ người, thấy chúng con đi ngang qua, "Ngài" bèn nhìn về phía chúng con, với đôi mắt có ý cầu khẩn. Con và chú Hân, chú Xiễm bèn rút đòn xóc, nhảy vào đánh đuổi đàn sói. Chó sói đi rồi, "Ngài"  mới nhảy xuống đất, đứng im lặng trước chúng con một lúc lâu, rồi mới đi. Từ đó, chúng con đi vào rừng làm ăn, không có tí gì lo sợ cả. Ấy chết! Con nói chuyện nhảm làm mất thì giờ... "quan". Đêm hôm lặn lội giữa rừng sâu thế này, chắc là có việc chi cấp bức.
– Đừng gọi tôi là "quan", tôi cũng là một tên bạch đinh như chú thế thôi!
Người đi củi cười khà khà, có vẻ nghi ngờ:
– Không, con không tin như thế được. Nếu không phải là một ông quan, thì ngài cũng là một thầy Đội lệ. Quê mùa dốt nát, ăn nói có vẻ đường đột, xin ngài tha thứ cho.
– Vì lẽ làm sao, chú cho tôi là một Đội lệ? Vì tôi cưỡi ngựa chứ gì?
– Bẩm cưỡi ngựa thì thiếu gì người cưỡi ngựa. Theo ý con, thì chẳng phải là thầy Đội lệ, đi việc vua, việc quan, thì ai lại dám đi đêm ở rừng này.
– Sao thầy Đội lệ thì lại dám đi?
– Vì thầy Đội lệ đi việc vua, việc quan, thì ở trong lưng bao giờ cũng có dấu son, dấu đỏ, có trát quan, có mạng vua, thì cọp cũng phải kính sợ chứ! (3)
– Chú mày ngu lắm! Vua ta thì còn có đâu nữa, mà còn có mạng? Còn cái mạng của nhà vua bây giờ, thì không đủ cho cọp beo sợ!
Người đi củi có vẻ ngơ ngác không hiểu gì.
Người khách kỳ lạ ở trên mình ngựa, vẫn cười đắc ý và hỏi:
– Thế ở làng Đặng nhà chú, có ai nghe tiếng "Quan lớn Lê" không?
– Bẩm, con có nghe tới luôn. Con nghe người ta ca tụng công đức của "ngài" nhiều lắm. Nghe nói "ngài" ở Trại Nái, lập cơ nghiệp cho dân nhiều lắm. Chú Xiễm, vụ thuế này không có đủ tiền mà nạp cho quan, hôm nào đó, chú ấy có rủ con lên Trại Nái trốn thuế, và phá rẫy làm ăn. Nhưng con chưa trốn đi được.
– Vậy chú có muốn vào "Quan lớn Lê" không?
– Bẩm muốn lắm.
– Vậy thì chú theo tôi.
Nghĩ một lúc, người đi củi trả lời một cách quả quyết:
– Tôi nhất định rồi. "Ngài" cho tôi theo "ngài" với. Tôi không vợ không con, cũng không cha không mẹ, không ai làm cho tôi bịn rịn được. Vả về làng vụ thuế này cũng không đào đâu ra tiền để nạp. Chi bằng vào "Quan lớn Lê" may ra làm ăn có đỡ vất vả một chút… Ở làng tôi, con em bị các lý dịch bắt nạt lắm. Một tý gì họ cũng "nã" tiền.
– Chú bằng lòng thì ta đi ngay. Đi bây giờ lợi được đoạn nào hay đoạn nấy! Cùng đi, ta sẽ nói chuyện.
Nhưng từ đấy hai người, trái lại, không ai nói qua một điều gì nữa. Người đi củi thì khấp khởi nghĩ đến cái cuộc đời sắp đợi mình lúc mặt trời mọc. Vả sự quyết biệt bỏ quê hương mình, không khỏi làm cho hắn ngậm ngùi một lần cuối cùng.
Còn người khách trên mình ngựa, thì liên miên nghĩ đến sự thất bại của mình vừa rồi. Cái sự thất bại tàn khốc, đã làm cho mình mất cả cơ nghiệp, cả xóm ấp, cả nhà cửa, có lẽ cả bao nhiêu quân sĩ nữa. Cả một cuộc đời tương lai của mình như đổ rập trước chân ngựa. Người ấy đưa tay lau hai hạt bồ hôi rỉ lạnh trên trán và đầu óc choáng váng, sắp ngã gục xuống, thì như có một sức mạnh thiêng liêng chống đỡ, người ấy bỗng ngẩng người dậy, tuốt mạnh cây gươm đeo ở bên lưng, và chém những cành lá chìa xuống bên đường, chém như một người điên.
Người ấy điên, để lấy lại khí phách, để lấy lại sức mạnh, để lấy lại can đảm.
Người ấy là một cây mạnh, xem thường cả bão táp.
Người ấy se sẽ tra gươm vào vỏ, cười khà khà bảo người lính mới của mình:
– Chú đã thấy mặt "Quan lớn Lê" một lần nào chưa?
– Bẩm chưa, người ta nói "Quan lớn Lê" có một bộ râu quai nón dữ tợn lắm, phải thế không ngài?
– Thật có thế! "Quan lớn Lê" cũng có một bộ râu quai nón in hệt như bộ râu của ta đây này! Chú chiếu đuốc lại đây, nhìn cho rõ.
Rồi "người ấy" lại cười khà khà một tiếng nghe ghê rởn lạ! Người đi củi nhìn chăm chăm có dáng sợ hãi.
Bó đuốc đã sắp cháy hết. Nóng tay quá, người đi củi bèn vất mạnh xuống đất, và kêu lên một tiếng.
Xa xa, vài tiếng gà rừng đã gáy giục giã. Ở một ngọn núi xa, đã thấy hưng hửng một vừng ánh sáng bạc. Mặt trời đã mọc.
Xao xác, chim đã bắt đầu gọi nhau đi kiếm mồi.
"Đồng Kẻ Tra" chỗ hẹn hò của các quân lính thất bại – đã thấp thoáng ở đằng xa. Một cái thung lũng nhỏ và kín đáo, bốn mặt đều vây bọc những núi.
"Quan lớn Lê" – vì người khách ấy chính là Quan lớn Lê – xuống ngựa rồi cùng chú tiều ấy đi lại dưới một gốc đa ngồi. Chờ mãi, không thấy gì, Quan lớn Lê đặt lưng xuống bãi cỏ, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Trong lúc ấy, thì chú tiều đi đi lại lại ra dáng lo nghĩ lắm, chốc lại ngẩng nhìn cái bộ râu quai nón, đôi lông mày của người nằm ngủ. Tiếng ngáy kho kho của Quan lớn Lê làm cho hắn lo sợ vô cùng, nhất là đôi khi hắn nghe Quan lớn Lê nói mơ như nhắc đến những tiếng những tên rất lạ lùng. Có khi hắn nghe Quan lớn Lê nói rõ cả một câu như thế này: "Lấy đầu thằng Đội Chấn, lấy đầu lão Ghê-goa… bêu lên chợ". Chú tiều tái hẳn cả mặt, sợ hãi như đứng bên một con thú dữ.
Quan lớn Lê vừa tỉnh một giấc mơ dữ dội, đưa tay giụi mấy cái, rồi mở choàng đôi mắt.
Mặt trời đã lên cao, ánh nắng tưng bừng reo ở trong rừng xanh. Con ngựa bạch cột ở dưới gốc đa, vẫn ăn cỏ nghe rào rạo, vẫn một tiếng đều đều thê lương. Nhưng chú tiều – người lính mới của mình – Quan lớn Lê cũng không còn tìm thấy đâu nữa. Hắn đã trốn rồi chăng, mà sao lại trốn! Quan lớn Lê chỉ mỉm cười một cách kiêu ngạo, rồi cũng không cần tự hỏi tại sao chú tiều kia lại trốn đi một cách hèn nhát như vậy. Quan lớn Lê chỉ nghĩ đến một điều khác. Quan lớn Lê đứng phắt dậy, tung nhìn ra bốn góc núi, nhưng cũng không thấy có một bóng người thấp thoáng. Chẳng phải trước khi xông vào đánh úp bọn quân thù, quân lính của Quan lớn Lê đã hẹn hò cùng nhau, sẽ gặp mặt tại Đồng Kẻ Tra,  nếu bị thất bại, rồi sẽ cùng nhau tìm cách khôi phục lại thanh thế cũ? Hay là bao nhiêu quân sĩ đã bị giết chết rồi. Nếu còn người nào sống sót thì họ đã đầu hàng một cách nhục nhã rồi.
Thật ra chính Quan lớn Lê trong lúc thua trận, mình cũng chỉ biết mình, tìm đường tẩu thoát chứ cũng không nghĩ đến những kẻ khác. Quan lớn Lê chỉ nhớ rằng, sau khi hai bên giao chiến lúc lâu ngài cũng tuốt gươm nhảy vào xông tả, đột hữu. Lúc đầu, ngài còn nhận thấy Điệt, Duật cùng theo bên chân mình, nhưng về sau lúc bốn phía lửa đỏ rực và có súng nổ liên thanh, thì ngài biết thế nguy, tìm cách tháo ngay.
Mấy lần ngài truyền lệnh thu quân nhưng vô hiệu, trong lúc lộn xộn quân lính chỉ lo đâm chém, chớ có nghe thấy gì nữa. Rồi lúc thoát ra được, thì ngài không còn thấy Duật cũng không thấy Điệt ở đâu nữa. Ngài thúc ngựa chạy trốn. Tiếng súng như càng đuổi theo, ngựa lại càng chạy như bay, khi trượt chân trên một tảng đá trơn, khi vấp phải một cành cây khô gẫy nát. Đã mấy lần Quan lớn Lê gò cương đứng lại, nhưng con ngựa bạch của mình, như lồng lên không còn kiêng nể chủ mình nữa. Nó cứ đè rừng sâu mà tiến, mà trốn, đến lúc không còn nghe tiếng súng nữa, nó mới hoàn hồn. Quan lớn Lê nghĩ tới đây, có dáng ngại ngùng, e thẹn, ngài không muốn trách quân lính mình đã đầu hàng, – nếu như quả đã đầu hàng quân địch, – ngài chỉ giận rằng mình đã bỏ quân lính một cách tưởng như là hèn nhát.
Đương nghĩ vẩn vơ bỗng ngài nhìn chăm chú vào đôi giò trước của con ngựa bạch buộc ở dưới gốc đa. Những con sên rừng trong đêm vừa qua đã đốt ở chân ngựa và để lại những vết máu còn tươi. Ngài bèn đi lại cầm lấy cương dẫn ngựa tới bên giếng Vung. Ngài xối nước lên những vết máu, và tắm rửa cho con vật thân yêu. Rồi chờ cho nước giếng trong trở lại, ngài hái một chiếc lá đa kết lại thành gầu, múc nước lên uống.
Uống xong, ngài phóc lên mình ngựa, rồi giục ngựa phi lên. Ngài cứ nhằm phương tây mà tiến.
MỘT CÁI BÓNG...
Sau những ngày tháng lặn lội trong rừng xanh núi đỏ, qua các làng Mọi, các ấp Mường, một buổi chiều, Lê Tuấn (Quan lớn Lê) gò cương trên bến Vân Kệ. Con sông Nan, lờ đờ tuôn một dòng nước trong vắt, lặng in hình những đồi núi xanh liên tiếp chạy dọc hai ven bờ.
Lê Tuấn cất tiếng gọi người đưa đò ngang. Từ dãy núi xa, chỉ dội lại những tiếng lạnh lùng. Lê vẫn không hề thối chí, gọi xong, nghỉ một lát, rán gân để gọi nữa. Chiếc đò ở bên kia bến vẫn không thấy có người ra nhổ sào. Bỗng từ trong bụi lau xa văng vẳng đưa lại những tiếng hát, giọng hát líu lo như chim:
Trái đườu nuôn, rớt ngoài vường hạnh,
Chường ơi Chường! Chường định liệu răng? (1)
Lê Tuấn bèn rẽ lớp lau để đi vào và cứ nghe theo giọng hát mà lại gần. Cách độ mươi bước, Lê thấy có một cô gái bận toàn áo nâu quần nâu đương lom khom cắt cỏ. Nghe tiếng sột soạt cô gái ngừng hát, và đứng lên nhìn Lê Tuấn, lúc đầu còn ngạc nhiên, một lát sau đã thấy nhoẻn một nụ cười tươi như hoa. Nàng vất cái liềm xuống đất, chắp hai tay đằng sau lưng, nhí nhảnh hỏi:
– Thầy qua đò ngang à?
Lê Tuấn cũng cười, đáp:
– Tôi qua đò ngang.
Nàng cười khanh khách, nói:
– Đò ngang ở bến này, thầy có chờ mặt trời mọc cho đến mặt trời lặn, mặt trời lặn cho đến mặt trời mọc cũng chưa chắc đã có.
– Tại sao rứa?
– Thằng cha ấy mười ngày, hớn chỉ chèo có một ngày phiên chợ thui, còn ngày thường, hớn chỉ tửu say, ruồi đánh giấc ngủ. Đưa súng bắn ở bên tai, chưa chắc hớn đã dậy, nữa là…
– Tôi muốn qua ngay bây giờ, thì làm thế nào được?
– Biết làm răng được? Đành chịu thui.
– Thế cô ở mô?
– Tôi ở Thanh Lạng, bên  bến.
– Ủa! Làm sao cô lại về được?
– Tôi khác mà thầy khác. Ngựa thầy có biết lội không đã?
– Biết… nhưng chập chựng thôi.
– Thế thì tốt lắm rồi, đã có trâu dắt…Thế thì…ta cùng xuống bến đi.
Nói rồi nàng liền đeo giỏ cỏ lên vai, và phóc lên mình trâu, và lắp lại một lần nữa:     
 – Ta cùng xuống bến đi!
Đến bến, nàng quay lại bảo Lê Tuấn:
– Ngựa thầy lội còn chập chựng. Thầy nên qua đây mà ngồi với tui.
Chẳng ngần ngại gì hết, Lê Tuấn bèn xuống ngựa, và phóc lên trâu, ngồi đằng sau cô gái... và nắm chặt lấy dây cương để dẫn ngựa đi.
Lúc đầu nước còn cạn, ngựa còn lội được. Ra đến nửa vời nước chảy mau thành thử ngựa bơi cuống lên và đã mấy bận toan ngụp đầu xuống. Nhưng Lê Tuấn bảo cô gái cho trâu lội chầm chậm lại, và còn chính mình thì cúi xuống, đưa hai tay nâng đầu ngựa lên khỏi mặt nước, cho ngựa đỡ nhọc. Bỗng một chiếc xuồng đi qua.
Chiếc xuồng nhỏ cho nên đi rất nhanh. Một bà cụ giữ lái. Còn người ngồi ở mạn thuyền, thì là một trang thiếu niên độ mười sáu, mười bảy tuổi, mặt mũi rất dĩnh ngộ. Người thiếu niên ăn bận toàn màu chàm như người ở nguồn. Thấy con ngựa cuống quýt ở giữa vời, người thiếu niên quay về phía bà cụ giữ lái, như có ý bảo bà cụ dừng xuồng lại giúp người ta một tí. Nhưng bà cụ già không hiểu hay là cố làm lơ đi, vẫn cứ đẩy mạnh mái chèo và cho xuồng đi thẳng.
Cô gái cắt cỏ, mỉm cười, thơ ngây bảo Lê Tuấn:
– Tôi đố thầy, chường trai vừa đi qua, đó là ai?
Lê Tuấn lắc đầu không đáp. Cô gái nói tiếp:
– Tôi biết rồi…
– Ai?
– Nhà vua đó, chứ ai nữa!
Lê Tuấn giật mình, lãng ý hai tay thả cái đầu ngựa ra. Con ngựa ngụp xuống, uống mấy ngụm nước rồi lại ngẩng dậy…Lê Tuấn vẫn đăm đăm nhìn theo chiếc xuồng con đã sắp khuất sau núi. Lê thở dài một cái, và như sợ cô gái cắt cỏ bắt được, Lê nhìn nàng, vừa cười vừa nói rất nhanh:
– Ở Thanh Lạng, cô có biết nhà ông Hương Kế không?
– Biết. Ông ấy buôn cau chứ gì?
– Phải đó, chốc nữa cô chỉ nhà hộ nhé!
– Được.
Hai người đã đến bến. Lê Tuấn vội vàng xuống trâu và giắt ngựa lên bờ, rồi theo cô gái đi vào trong rặng tre. Đến một cái ngõ có trồng hai cây cam sành, cô gái chỉ cho Lê Tuấn và bảo:
– Nhà ông Hương Kế đó!
Rồi nàng mỉm cười chào Lê Tuấn một lần cuối rồi đi thẳng.
Phần thứ hai                        
CÂU CHUYỆN QUANH BÀN ĐÈN
Làng Thanh Lạng là làng phong lưu nhất trong các làng ở vùng Tuyên Hóa. Trừ năm ba người lo việc cày sâu cuốc bẫm, còn toàn thì là những người ăn không ngồi rồi, sớm lại chiều ngồi lê nhà này qua nhà khác để nói chuyện phiếm. Quanh năm quanh tháng họ chỉ hút a phiện… Đàn bà, đàn ông, từ cô gái mười lăm, mười sáu tuổi cho đến ông cụ già sắp xuống lỗ đều nghiền hết. Nhà nào cũng có bàn đèn. Lúc mặt trời vừa lặn thì là đến lượt những ngọn đèn a phiện trưng lên, như những ngôi sao mờ mọc từng cái một ở trên vòm trời xanh. Mùi a phiện thơm ngây ngất lan toả khắp làng, làm cho Thanh Lạng lúc về đêm trở nên một chốn Đào Nguyên. Sở dĩ được hưởng cái phong vị thần tiên ấy, là vì làng ấy có một cái hoa lợi rất phồn thịnh cung cấp một cách đầy đủ cho sự sống vật chất của một dân làng: nhà nào nhà nấy cũng có một vườn cau sum suê, mỗi năm bán được những hàng trăm bạc. Lại được cái a phiện mua thẳng của người Mường, cho nên đã tốt mà lại rẻ.
Dân trong làng – tuy là người An Nam mặc dầu – nhưng nói tiếng An Nam líu lo như chim, phần nhiều là nói trẹo đi, người ở hạ bản mới lên, nghe không hiểu gì. Nhất là phong tục từ việc tang cho đến việc hỉ, đều có vẻ giống người Mường hơn người An Nam. Nhưng được cái phong lưu thì không ai bì. Ngoài thú a phiện, họ còn một cái thú khác: chơi vườn. Mỗi cái vườn đều là một tiểu vũ trụ, ở trong ấy, không thiếu một thức gì. Lại được địa thế rất nên thơ. Một mặt là sông, còn ba mặt là núi. Chính Thanh Lạng cũng là ở trên một cái núi cao, cây cao, bóng cả, quanh năm tuồng như không thấy mùa hè. Cả cuộc đời rất thần thiên ở trên ngọn núi ấy, như là sống theo điệu nhịp của những tiếng thác đổ ở cách làng độ nửa dặm, tiếng thác không biết đêm ngày, quanh năm vẫn một tiếng rì rào ấy, lúc buồn tẻ, lúc hùng vĩ.
Hôm ấy, một đêm giời hơi mưa bụi.
Trong nhà ông Hương Kế, hơn mười người quây quần bên bàn đèn để nói chuyện phiếm. Trong số ấy có vài thầy khoá ở dưới hạ bản lên dạy học ở Thanh Lạng, và một ông đồ nho. Ông đồ nho ấy là Lê Tuấn.
Mỗi người lúc kéo vào năm ba điếu rồi thì  chuyện nổ như ngô rang. Hết chuyện nắng mưa đến chuyện vườn tược, hết chuyện vườn tược đến chuyện thời thế. Và chỉ có chuyện thời thế mới làm cho người ta say sưa.
Một người trẻ tuổi vừa tiêm thuốc cho những người khác, vừa cất cái giọng rề rề hỏi:
– Các ngài đây, chiều mai chắc cũng đi vào rừng mây để xem anh em thiết lập linh vị chém đầu Duật để tế cho Nguyễn Phạm Tuân chứ?
Mọi người đều nhỏm dậy, hỏi dồn:
– Nguyễn Phạm Tuân đã chết rồi à?
Người trẻ cười khà khà, nói tiếp:
– Lựa còn hỏi nữa! Tuân chết đã mấy hôm rồi.
Rồi như bắt mấy người kia phải nóng ruột chờ, người trẻ tuổi ấy kéo một điếu dài, kéo xong lại ngồi dậy hãm một hớp nước trà, rồi trong lúc ngồi nạo sái, khệnh khạng nói:
– Các ngài không biết việc ngài Nguyễn Phạm Tuân chết thì lạ thật. Tuân đã chết rồi, chết một cách oan nghiệt, chết vì một tên đầy tớ, chết vì Duật. Nguyên do…
Chàng trẻ tuổi lại hãm một hớp trà nữa, ho mấy cái chờ người ta giục một lần nữa, mới chịu nói:
– Nguyên do… Chắc các ngài ở đây đều có nghe thấy ông đồn Mã Tô (1) là một tay thao lược thế nào chứ! Từ khi va đổ đến đồn Minh Cầm, quân lính nhà vua không còn làm gì xuể được. Lão tướng như Đề Trực trăm trận đánh trăm trận được, thế mà mỗi lần mang quân tới phá đồn là mỗi lần thất bại mà về. Đồn Minh Cầm mà còn, thì tức là đường giao thông của nhà vua với các miền hạ bản bị cắt ngang. Còn mong gì khuếch trương thanh thế mình ra được. Ngay như Nguyễn Phạm Tuân, một tay đại tướng của nhà vua, cũng đành chịu bó tay trước cái chiến lược của Mã Tô. Có kẻ đã ví Mã Tô với Mã Siêu đời Tam Quốc. Kể ví như thế không khỏi buồn cười, nhưng mà không phải là không đúng. Mã Tô, hắn có chế cái súng bắn kêu rèn rẹt - nói vô phép các ngài - kêu như tiếng rèn rẹt của trẻ con khi đau bụng đi ngoài. Cái súng ấy, ở đồi cao bắn ra, xa bao nhiêu cũng trúng, trúng núi thì núi lở, trúng thành thì thành tan. Biết rằng cướp đồn không xong, ngài Tôn Thất Đảm, con giai ngài Tôn Thất Thuyết, dùng đến kế đầu độc. Ngài bèn cho tên đầy tớ trung thành của mình tên là Duật - tôi không biết họ hắn là gì, - giả đò ra hàng Mã Tô. Nghe Duật khai rằng mình bị Tôn Thất Đảm bạc đãi, thì quan đồn Mã Tô cũng hơi nghi, nhưng vẫn thu dùng như thường, có điều đề phòng cẩn thận lắm. Một hôm quan đồn Mã Tô bảo Duật chỉ chỗ quân lính nhà vua đóng. Duật vui lòng chỉ cho cả. Nhưng tới đâu, thì lạ quá! - cũng thấy quân lính nhà vua vừa rời qua chỗ khác. Lão đồn Mã Tô lại càng nghi già Duật. Một hôm, không rõ là vì việc gì đó, sự bí mật của Duật đều bị hoàn toàn bại lộ. Quan đồn hẹn Duật: hễ trong năm hôm mà Duật không chỉ đúng chỗ Đề Trực, Nguyễn Phạm Tuân, Tôn Thất Đảm, vua Hàm Nghi, thì Duật sẽ bị mất đầu. Sợ quá, Duật cũng bất đắc dĩ phải chỉ.
Bắt đầu, Duật đưa quân Pháp tới rừng An Lương để bắt Nguyễn Phạm Tuân. Bị động, Nguyễn Phạm Tuân xách gươm và mang ấn tín cùng hô quân lính chạy ra. Quan đồn Mã Tô đều ra lệnh quân mình bắn, ai ló đầu ra là bắn ngay. Nguyễn Phạm Tuân bị một viên đạn ở bên trái tim, ngã gục xuống. Tuân có yêu cầu lão đồn bắn thêm cho một phát nữa, nhưng lão đồn không nghe, nhất định mang Tuân về, lấy đạn ra, và rịt thuốc cho khỏi. Nhưng Nguyễn Phạm Tuân cũng không khỏi được. Một hôm Nguyễn Phạm Tuân gọi Duật vào, chỉ vào mặt Duật và mắng Duật trước quan đồn Mã Tô: "Mày ăn cơm vua! Mày ở đất vua! Mày phản trắc như thế, sống như thế, là nhục hơn con chó ăn cứt ở ngoài đường! Kể giúp việc Tây đắc lực lắm đó, nhưng đắc lực thì đắc lực chứ, Tây họ ưa gì quân phản trắc ấy. Họ dùng thì vẫn dùng, nhưng trong bụng họ khinh như là…”. Nguyễn Phạm Tuân một lát sau lại ngẩng cổ dậy, hăm Duật: "Nhưng mày phản trắc như vậy ai cho mày sống. Năm hôm nữa mày sẽ coi…". Quả vậy, năm hôm nữa.
Người trẻ tuổi muốn chọc tức mọi người ngừng lại đấy, chưa chịu nói tiếp. Hắn vừa đánh xong xái bèn nằm xuống tiêm. Tiêm xong điếu thứ nhất hắn không mời ai cả. Tiêm xong điếu thứ hai, hắn vẫn tự nhiên "kéo". Cứ như thế cho đến điếu thứ năm, hắn vứt điếu xuống, nằm khoanh tay trước ngực, mắt lờ đờ đi vào một cõi mộng xa. Một thầy khoá thấy cái cử chỉ cầu kỳ của gã thanh niên kia, chịu không được, bèn đập tay xuống giường, nói to:
– Anh kể nốt chứ!
Hắn giật mình như người tỉnh mộng, ngồi nhỏm dậy, mỉm cười. Hắn hãm một hớp trà rồi tiếp:
– Quả vậy, năm hôm sau, khi Duật vừa bước chân ra khỏi nhà thì một bọn năm sáu người ở trong bụi áp ra, cướp lấy Duật và mang đi. Quân Pháp nghe động, nạp súng chạy tới nhà Duật, nhưng chỉ giương mắt nhìn nhau trơ tráo mà thôi, chứ quân nghịch đã lẩn lút ngả nào rồi.
Đến đây, người trẻ tuổi ngừng nói để cười một cách đắc ý. Rồi câu chuyện kết liễu bằng một sự im lặng thiêng liêng. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ, và chỉ nhỏ nhẻ mời nhau "kéo". Khói thuốc phiện toả ra trong gian nhà nhỏ, như một đám mây trắng lơ lửng giữa giời. Có kẻ đã thấy mơ mơ màng màng, đôi mắt lim dim như gửi ở một thế giới đâu đâu.
Một hồi lâu lắm, gã trẻ tuổi mới nói thêm một câu nữa:
– Đồ ấy dầu có băm thây ra làm trăm mảnh cũng không hết tội.
Mọi người vẫn không nói gì, im lặng nhìn nhau.
Lê Tuấn và khoá Đạm - người trẻ tuổi ở bàn đèn hôm qua - cơm rượu xong, hai người cùng lên ngựa tiến vào rừng. Lúc đầu, con đường còn quang đãng dễ đi, cho nên hai người để ngựa đi song song cho dễ nói chuyện. Hôm qua, thì người trẻ tuổi ấy làm khó làm dễ cho người ta cầu khẩn, thúc giục lắm, mới chịu kể chuyện cho nghe, bây giờ một mình với Lê Tuấn thì chàng nói huyên thuyên. Chàng nắm đôi tay, nghiến răng lại, vừa nói vừa thét như có một điều căm hờn ghê gớm không nén được, như một người đau đời giận đời lắm. Chàng văng ra đủ những tiếng tục tĩu, chó má để giếc mắng những kẻ phản nghịch đáng khinh, đáng bỉ, đáng phanh thây, mổ thịt.
Lê Tuấn ngờ là vì rượu vào làm cho chàng loạn trí, bèn vỗ vai chàng, vừa cười vừa nói:
– Thầy khoá ơi! Thầy say rồi, thầy nên trở về đi thôi.
Khóa Đạm bằng một cái giọng nghiêm nghị, đáp:
– Ngài đừng nói thế! Chẳng hóa ra ngài khinh tôi lắm ru! Bẩm kẻ hậu sinh như tôi đối với nước, với vua, cũng có bấy nhiêu phận sự như ngài chứ? Ngài tưởng có lão thành như ngài mới…
Câu nói của khóa Đạm làm cho Lê Tuấn hơi hối hận. Lê kiếm lời nói chữa lại, giọng nói nửa đùa nửa thật:
– Tôi đâu dám lấy cái cái niên kỷ ra mà kể với thầy! Người còn trẻ, đường còn xa thì gánh càng nặng chứ! Thầy dẫu có say cũng còn mạnh hơn tôi lúc tỉnh.
Lê Tuấn vỗ vai khóa Đạm một lần nữa và cười ha hả.
Khóa Đạm lấy giọng khiêm tốn đáp:
– Tuổi trẻ hay tự phụ quá, xin ngài tha lỗi cho. Chứ bọn chúng tôi đã làm được gì đáng nói. Còn như ngài, những việc ngài đã làm, thì ai không biết. Dám hỏi ngài, ngài lên đây đã có dịp gặp nhà vua chưa?
Lê Tuấn lắc đầu. Khóa Đạm nói tiếp:
– Thế còn dư đảng của ngài, chắc đều có theo chân ngài lên đây cả chứ?
Lê Tuấn nhìn Đạm, có ngạc nhiên và hơi ngờ vực:
– Thầy lầm rồi! Tôi là một người dưới hạ bản lên đây mua cau, làm chi có dư đảng, thầy nghĩ lầm rồi.
Chợt thấy ngay sự "giấu đầu hở đuôi" của mình là buồn cười, Lê Tuấn bèn đổi ra giọng thành thực, vừa cười vừa nói:
– Đùa vậy chơi! Chứ giấu thầy làm gì, tôi quả là Lê Tuấn ở Cao Lao Hạ đây. Nhưng sao thầy lại biết được nhỉ?
– Tôi nghe ông Hương Kế nói chuyện. Nhưng điều ấy không có quan hệ chi phải không ngài? Giá được ngài cho tôi biết: Ý ngài lên đây có định khôi phục lại thanh thế, hoặc định theo phò đức vua, hay là đứng riêng một cõi… trấn một địa phương nào?
Lê Tuấn ung dung đáp:
– Xin thú thật hữu huynh, tôi đây không còn một mống dư đảng nào hết nữa. Phỏng được có kẻ tiến dẫn thì tôi sẽ xin vào hầu ngài Tôn Thất Đảm, rồi sẽ định liệu sau. Thế hữu huynh có biết ngài Tôn Thất Đảm hiện giờ ở đâu không?
Ra dáng tư lự, đứng yên một lát, khoá Đạm đáp:
– Biết…
– Thế ở đâu?
– Ở Ngã Vực.
– Ngã Vực cách đây có xa không?
– Không xa lắm.
– Thế thầy có biết đường đi tới đó không?
– Không biết, nhưng tôi nghĩ cũng chẳng khó gì… chẳng khó gì… Cốt nhất là… ngài phải có cái gì để chứng rằng ngài là Lê Tuấn, là "Quan lớn Lê".
– Điều ấy không phải lo, lúc tôi ở Trại Nái vẫn thường có giấy tờ đi lại giữa Đề Trực và tôi.
– Thế thì tiện lắm rồi, đến Rừng Mây ngài cứ tự giới thiệu với các quân lính của ngài Tôn Thất Đảm, rồi bọn này sẽ dẫn ngài vào hầu ngài Tôn Thất Đảm. Ngài Tôn Thất Đảm chắc chẳng hẹp hòi gì mà không cho ngài vào bệ kiến đức vua. Tôi chắc thế nào ngài cũng được dịp thấy long nhan. Nhưng ngài cũng không nỡ quên tôi chứ? Ước sao, ngài sẽ nhận tôi là bộ thuộc của ngài, ngõ hầu tôi mới theo chân ngài vào được chốn đức vua đương trú ẩn.
– Tôi đâu lại dám quên thầy. Nhưng chắc gì đã vào lọt được, tôi thường nghe nói từ Rừng Mây trở vào, người lạ mặt lạc vào sẽ bị khám xét nghiêm ngặt, có lắm kẻ tình nghi bị giết lập tức.
– Điều ấy quả có thực như vậy. Nhưng không lẽ ai còn dám nghi ngại ngài nữa.
Đến đây, hai người lặng im không nói gì nữa. Tiếng chân ngựa đạp trên những lá khô lao xao, làm cho Lê Tuấn hơi ghê rởn. Đột ngột, ngài quay lại nhìn người thiếu niên, nhìn trân trân trong một phút dài. Người thiếu niên ngượng nghịu, cố bình tĩnh hỏi lại.
– Làm sao ngài lại nhìn tôi thế?
Lê Tuấn cười ha hả đáp:
    – Buồn cười quá, thầy ạ! Cứ nhìn kỹ thầy, tôi thấy thầy giống hệt một người em họ của tôi, – giống quá! – đến nỗi tôi tưởng như em tôi đã sống lại, và đi bên tôi. Em tôi đã chết ở dưới lưỡi gươm của quân địch.
Lê Tuấn đã dối người thiếu niên. Thực ra lúc bấy giờ Lê Tuấn chợt thấy rằng người thiếu niên ấy, chính mình đã gặp ở đâu một lần rồi, hình như là ở Trại Nái ngay trong lúc ngài nhảy vào để mà đâm chém quân địch.
Mặt giời đã gần đứng bóng. Lê Tuấn ngẩng lên nhìn cái ánh nắng xanh, mà tuồng như say ngây ngất, tưởng chừng như đương chập chờn bước trong một cái rừng mộng. Ngài đã gần thoát hẳn cái tư tưởng ngờ vực đến ám ngài, và muốn quên đi, ngài hỏi người thiếu niên:
– Ta đã gần đến Rừng Mây chưa thầy?
– Độ nửa dặm nữa thôi. Thế nào ta cũng đến kịp giờ ngọ.
– Giờ Ngọ thì người ta mới khởi sự?
– Chính phải.
Bỗng ở trong một bụi ắng bên cạnh, có tiếng chó sủa. Ngỡ là chó sói, hai người giục ngựa đi thẳng, không thèm để ý. Nhưng con vật ở trong bụi đã nhảy xộc ra, chạy theo chân ngựa của Lê Tuấn mà sủa, như có ý kêu cầu van lơn.
Lê Tuấn nói với người thiếu niên:
– Con chó này ra dáng một con chó săn. Chắc gần đâu đây có người. Ta quay ngựa lại xem sao, đi thầy đi!
Người thiếu niên có vẻ lo sợ, nhưng cũng không muốn cưỡng ý Lê Tuấn. Rồi hai người giục ngựa theo chân con vật. Nhảy qua một bụi ắng, lội qua một cái suối, hai người thấy ở dưới một gốc lim có một người đàn ông nằm trên một đống lá, mặt che sau một cái nón rách. Người ấy ngáy kho kho như người ta kéo a phiện vậy. Mặc chân ngựa rộn ràng, mặc tiếng chó sủa ở bên tai, người kia vẫn ngủ như chết. Lê Tuấn bèn xuống ngựa, bước lại gần và kéo cái nón lá ra.
Người nằm đó chính là Điệt.
Lê Tuấn nhận ra Điệt, thì mừng khôn xiết, đứng ngẩn người ra như để tỏ ý cảm ơn Giời Phật, đã xếp đặt một sự tình cờ lạ lùng. Nhưng khi thấy Điệt vẫn khoẻ như một con trâu, nằm ngủ xì bọt mép, nghiến răng ken két, và ngáy kho kho, thì không sao nhịn cười được. Ngài lẩm bẩm: "Giấc ngủ vẫn anh hùng như xưa!" Rồi ngài cúi mình xuống giật tay Điệt mấy cái, nhưng vẫn vô hiệu, Điệt vẫn ngủ như thường. Ngài tát một cái nơi má: nhưng vẫn vô hiệu. Bất đắc dĩ, ngài phải dùng đến cái trò trẻ con: ngài đưa tay bóp chặt mũi Điệt lại. Cái kế ấy có công hiệu ngay. Điệt mở choàng đôi mắt ra nhìn trân trân trong một giây lâu người chủ tướng của mình mà không nhận ra được nữa, hay là nhận ra mà còn đương tưởng ở trong một giấc mộng.
Đợi cho Lê Tuấn gọi đến tên mình, Điệt mới đứng phắt dậy, quên cả sự cách biệt giữa chủ tớ, cầm lấy đôi tay của Lê, sụp quỳ xuống bên chân, và nói lẩm bẩm:
– Chao ôi! Thế mà người ta đồn rằng: Chủ tướng của tôi đã bỏ mình cả người lẫn ngựa lúc lội qua một thác nước rồi.
Con chó mực vui sướng, quặt đuôi nhảy cỡn quanh cái cảnh vô cùng cảm động ấy, chốc chốc liếm vào chân Quan lớn Lê một cái để tỏ ý cảm ơn.
Điệt se sẽ buông tay Quan lớn Lê ra, ngẩng lên trời và hỏi:
– Chết tôi rồi! Có lẽ bây giờ đã quá giờ ngọ rồi, ngài nhỉ?
Nghe đến hai chữ "giờ ngọ", Lê Tuấn và khóa Đạm nhìn nhau ra dáng ngạc nhiên. Điệt hỏi:
– Bẩm hai ngài bây giờ đi mô?
Quan lớn Lê không ngần ngại đáp:
– Đi vào Rừng Mây xem người ta chém đầu một tên phản nghịch để tế cho ngài Nguyễn Phạm Tuân.
Điệt lại hỏi:
– Rừng Mây?
Lê Tuấn đáp một cách quả quyết:
– Chính ở Rừng Mây.
Điệt không nói gì, đứng lặng nhìn người trẻ tuổi từ đầu tóc đến gót chân. Người trẻ tuổi thấy ngượng nghịu khó chịu bèn giục Lê Tuấn:
– Thôi! Trưa rồi, ta đi đi thôi, kẻo lại không gặp.
Và quay lại phía Điệt:
– Chú cũng đi với chúng tôi nữa chứ?
– Dạ!
Một tiếng "dạ" lạnh lùng! Hai người phóc lên ngựa. Điệt cầm lấy cây gươm theo sau miệng luôn luôn huýt còi để gọi chó. Từ đó, ba người im lặng không ai nói qua một tiếng nào. Thấy cái không khí hơi nặng nề, Lê Tuấn hỏi đùa người trẻ tuổi:
– Tôi nghe đồn rằng lão Hương Kế có cô gái đẹp lắm muốn gả cho thầy phải không? Thế bao giờ thầy định cho chúng tôi uống rượu?
– Cô gái đẹp, kèm thêm muôn thêm vạn bạc nữa để gả cho tôi nữa, tôi cũng không dám lấy. Phỏng khiến người ấy là một nữ đồng chí của tôi, thì dầu là con bố cu mẹ đĩ, tôi cũng lấy.
Nói xong, người tuổi trẻ vênh vang, cười đắc ý. Bỗng, tiếng cười bị cắt đôi. Điệt, nhanh như một con hổ, nhẩy lên một cái từ bên tả qua bên hữu và nhẹ nhàng đưa lưỡi gươm qua cổ người tuổi trẻ.
Quay lại, thấy Điệt đương xâu cái đầu của khóaĐạm và treo vào cổ ngựa, Quan lớn Lê rú lên một tiếng, nhưng rồi lại bình tĩnh như thường để hỏi Điệt:
– Anh vừa làm cái trò gì thế?
 Điệt chỉ cái đầu của khóa Đạm:
– Đây là một cái đầu của một kẻ phản nghịch nữa!
Nói xong, Điệt phóc lên mình ngựa của kẻ vừa bị chém, và giục Quan lớn Lê:
– Ta nên trở lại để qua đường khác. Chỉ quân địch mới tưởng rằng hôm nay người ta tế ngài Nguyễn Phạm Tuân ở Rừng Mây, chứ có ai có đi lại với quân Cần Vương thì đều biết rằng: Hôm nay người ta tế chủ ở Rừng Ông Cuội. Rừng Mây chỉ là bên Nam quân phao lên để đánh lừa bên địch đó thôi!
Trong lúc hai con ngựa phi như lồng thì Điệt vẫn nói nhanh với chủ tướng:
– Vậy ngài không nhớ sao? Chính thằng cha này trước đây ở đồn Quảng Khê. Lúc ở Trại Nái, khi ta nhảy vào xông đánh, chẳng phải chúng ta thấy thằng cha này cưỡi ngựa đứng cạnh ông đồn Ghê-goa.
Quan lớn Lê gật đầu:
– Hồi nãy, tôi cũng nhớ ra như thế mà không dám nói ra! Á! Té ra thằng cha ấy là thám tử mà mình không biết.
Hai con ngựa vẫn băng qua những bụi sậy như bay vậy, để mong tới Rừng Ông Cuội, kịp giờ ngọ.
Hai người đương ở đằng xa thì đã nghe thấy tiếng reo hò động cả một khu rừng. Quân lính của Tôn Thất Đảm và Đề Trực vòng trong vòng ngoài bồng gươm đứng trực. Hai người xuống ngựa, một hồi lâu mới chen lấn vào được, núp sau một chú lính và nhoi lên nhìn.
Người đao phủ đã tiến tới viên tướng trẻ tuổi yên lặng ngồi ở dưới bóng tàn, nét mặt rất oai nghiêm, từ nãy không thấy nói gì, mà cũng không hề cử động.
Tên đao phủ chít một cái khăn đỏ, chéo lại như hai cái tai mèo và thắt ngang lưng một cái nẹp cũng màu đỏ. Hắn đã có tuổi nhưng không thấy có một sợi râu, mặt hắn đen như than, hai con mắt bắn ra như hai tia lửa. Hắn đứng lại trước mặt vị văn quan, sụp quỳ xuống và cúi đầu ba cái. Đoạn hắn múa gươm chạy mấy vòng quanh pháp trường. Người xử tử hai tay vẫn trói chặt lại ở một cái cọc. Trên cọc cắm một lá cờ của Nam quân.
Hắn vẫn kêu gào.
Điệt hỏi người lính bên cạnh:
– Hắn làm gì, như là chửi mắng ai?
– Không, hắn say.
– Say? Ai cho hắn uống rượu.
– Bữa cơm sáng hôm nay, bữa cơm cuối cùng của hắn là một bữa cơm ngon nhất trên đời hắn. Nghe nói không những cá thịt, người ta còn mua cho hắn mấy con tôm he để cho hắn nhắm rượu. Hắn uống hết một vò rượu Mường say mềm, lúc dẫn hắn ra, hắn cũng không còn bước vững nữa.
Bỗng một hồi trống ra lệnh.
Người đao phủ, gọn gàng và nhanh nhẹn đưa lưỡi gươm qua cổ người tử tội. Máu ở cuống họng hắn phun lên rất mạnh. Người đao phủ nghiến răng lại, đưa thêm một nhát nữa. Cái đầu rơi xuống đất, một tiếng sạt.
Mọi người vẫn im lặng.
Đao phủ rất lanh lẹ cắm mũi gươm vào đầu người phản nghịch, và giơ lên giơ xuống đủ ba lần. Cả pháp trường lúc bấy giờ mới reo hò lên làm động cả một khu rừng.
Đao phủ quay về phía viên võ tướng trẻ tuổi, sụp quỳ xuống vái ba vái. Rồi đứng dậy, nhắm mắt lại, lè lưỡi ra, liếm những vết máu đỏ ở trên lưỡi gươm.
Trong lúc ấy thì Điệt nhảy ra, xách tới trước mặt viên tướng trẻ ấy, một cái đầu khác nữa.
Mọi người đều chú mắt vào Điệt.
Điệt gãi đầu gãi tai, thưa:
– Bẩm chủ tướng, đây con xin dâng chủ tướng cái đầu của một kẻ phản nghịch nữa. Dám xin chủ tướng thâu nhận cho.
Viên tướng trẻ mỉm cười, đưa mắt hỏi ý viên xuất đội đứng hầu bên cạnh. Viên xuất đội nhìn chăm chú một lúc lâu vào cái đầu lâu, rồi như sực nhớ ra một điều gì, vội vàng chạy lại xách cái đầu lâu kia lên, quay mặt về phía viên tướng rồi quay lại phía ba quân, và nói lớn:
– Đây chính là đầu của đội Càng.
Một tiếng cãi lại:
– Không, của khóa Đạm.
– Khoá Đạm, hay đội Càng cũng chỉ là một người.
Đoạn, quân lính reo hò lên để hoan hô Điệt.
Chờ cho mọi người im lặng, viên tướng trẻ rót một chén rượu, ôn tồn bảo Điệt:
– Ta thưởng cho ngươi một chén rượu, chén rượu của những người tôi trung!
Điệt đưa tay nhận lãnh, và nốc một hơi hả hê.
Rồi sụp quỳ xuống, Điệt lạy ba lạy.
TRƯƠNG QUANG NGỌC
Hôm sau, trên đường từ Ve qua Mã Rai, hai con ngựa lại đua nhau băng qua những bãi sậy. Một con ngựa bạch do Lê Tuấn cưỡi, còn con ngựa đen do hai người cưỡi: người ngồi trước là một người lính Mường, còn người ngồi sau là Điệt.
Hai người cưỡi chung một ngựa vẫn nói chuyện với nhau không ngừng.
Người lính nói tiếng An Nam bập bẹ, cố kể chuyện lại cho Điệt nghe cái lịch sử hiển hách của viên tướng trẻ hôm qua.
– Chủ tướng tôi nay là con của chủ tướng trước của tôi. Chủ tướng của chúng tôi, ai lại không nghe tiếng? Thanh thế ngài khắp vùng này ai không sợ? Hai trăm ấp Mường đều là con dân ngài cả. Kịp đến khi ngài chết, thì con ngài là chủ tướng tôi bây giờ nối chí ngài mà cai trị bọn chúng tôi. Chủ tướng tôi ngày nay là một người võ nghệ cao cường, lại khéo biết điều khiển binh lính nên đánh đâu là được đó. Khi đức vua đi qua vùng chúng tôi, thì chủ tướng tôi liền đưa đại đội ra hàng ngài, được ngài Tôn Thất Thuyết cho sung vào đội quân hộ giá. Đường lối, địa thế ở vùng này, chủ tướng tôi biết rõ như những đường chỉ ở trên bàn tay. Cho nên, chủ tướng tôi phò đức vua rất được chu đáo, khi ở Quy Đạt khi vào Cổ Liêm, khi ra Đồng Lao, hành tung rất là bí mật, quân Pháp không sao mà dò ra được.
Một hôm chủ tướng tôi đương ẩn ở Ve, thì có quân Pháp đánh ập vào. Trong lúc bất kỳ, chủ tướng tôi cõng đức vua chạy. Cứ trốn trong các truông, các lùm, có khi leo lên cây hái quả ăn và để tránh thú dữ. (1) Không ngờ, người Pháp nhờ một ông lão ở làng Ve chỉ đường cho, đuổi kịp, và vây bắt. Chủ tướng tôi núp sau một tảng đá, giương nỏ ra bắn. Bắn nỏ như chủ tướng tôi thì khắp thiên hạ này, ai bì kịp. Lúc nhỏ, ngài thường bắt con chim chào mào, cột lại ở cọc sào, rồi ngài đứng xa nhắm bắn. Trăm mũi trúng đến chín mươi chín mũi.
Người lính Mường ngừng nói để cười một cách thích chí, làm như cái tài nghệ của chủ tướng của mình cũng cho mình được thơm lây.
Điệt giục.
Người lính Mường lại nói tiếp:
– Lúc bấy giờ chủ tướng tôi núp sau một tảng đá giương nỏ ra bắn. Bắn trúng ngay cánh tay ông đồn Hu-gô.(2) Ông đồn ngã xuống bất tỉnh nhân sự. Thuốc độc tẩm vào đến tim nghe nói lão ấy về đến Minh Cầm thì "nghẻo". Còn chủ tướng tôi, thì lại tìm những chỗ hẻo lánh mà cõng vua đi, nhanh nhẹn như một con vượn.
Mặt trời vừa lặn, thì ba người đi đến Mã Rai, gò cương ngựa trước mặt một người lính Mường vạm vỡ đương bồng súng đứng gác bên một cái điếm cỏ… Trong điếm, cũng còn độ năm, ba người lính nữa quây quần nhau "bốc lú".
Ba người cùng xuống ngựa, nằn nì xin phép đi vào ngay, nhưng người lính gác nhất định không cho. Sự điều đình trước còn êm thấm, sau thành ra ầm ỹ. Mấy người ở trong điếm đổ xô ra. Trong bọn có một người – chừng là viên cai cơ – đứng ra, lên giọng đàn anh bảo tên lính gác:
– Có gì đó, mà làm ầm lên thế? Quả hai người kia là lương thiện thì trước sau cũng phải để cho người ta vô, mà phỏng như là – xin lỗi hai ngài – phỏng như hai ngài đến đây để do thám, thì hai ngài cũng không ra lọt được chốn này.
Đoạn, viên cai sơ quay lại phía bốn người lính khác:
– Chú Bật, chú đi theo chú này (người lính Mường đi với Điệt) vô trong ngài Hiệp (Trương Quang Ngọc) đợi ngài truyền mần răng thì chú ra đây nói lại với ta. Còn chú Hinh, chú Kép, chú Khê, ba chú thì lại giữ lấy hai con ngựa và hai ngài này nữa.
Trong lúc ba chú lính kia đi lấy dây thừng trói Lê Tuấn và Điệt lại, thì viên cai cơ vừa cười vừa bảo Lê Tuấn:
– Hai ngài phiền cho một tý, phép trên như vậy. Quả như ngài đây là một kẻ tôi trung đến chốn rừng rú hiểm hóc này để phò vua cứu nước thì chắc ngài cũng không nên lấy việc này làm điều, phải không ngài? Cái lòng trung nghĩa của ngài không lẽ vì một việc nhỏ mọn ấy mà thay đổi.
Lê Tuấn cười khanh khách bảo viên cai cơ:
– Bác còn nói được một câu có nghĩa lý như thế thì tôi đây há không đủ can đảm để chịu một cái hình phạt nhỏ mọn như thế ư?
Rồi Lê Tuấn và Điệt cùng đứng ra cho người ta trói tay lại.
Một lúc lâu, tên lính hồi nãy trở ra. Hắn nói nhỏ với viên cai cơ những gì…Tức thì, viên cai cơ miệng xin lỗi liến thoắng, đi lại vui vẻ cởi trói ra cho hai người và cung kính nói với Lê Tuấn:
– Chủ tướng tôi cho vời ngài vào ngay cho.
Rồi hắn thân hành dẫn hai người đi vào.
Con đường con, còng quèo, cỏ vẫn còn cao và xanh tươi, tỏ rằng vết chân người đi lại chưa được mấy, mà có lẽ nhà vua mới tới chốn này cũng chừng đâu được vài ba tháng. Đường càng vào sâu càng thêm kín, càng thêm bí mật. Vài chiếc lá vàng rơi rắc hoặc vướng ở trên ngọn cỏ hoặc nằm ở trên vũng nước, làm cho kẻ đi tới đó có một cái cảm giác lạnh lùng quạnh quẽ vô cùng. Qua một quãng trắng để lộ ra giữa những cành lá xanh, Lê Tuấn thấy ở cuối đường vài cái chòi nhà mới dựng, lá hãy còn mới, đương phun ra mấy làn khói lam, mấy làn khói lặng lẽ tan trong cái cảnh hoàng hôn, Tuấn cảm thấy ngay bao nhiêu cuộc đời đày đọa, phiêu lưu vô định, đương tạm trú dưới những mái gianh ấy trong một lúc, để rồi một ngày kia lại trốn qua chỗ khác, trốn mãi, phiêu lưu mãi để đuổi bắt một cái mộng thân yêu, cái mộng hình như cũng tìm cách để trốn mình vậy.
Buồn rầu, Tuấn hỏi viên cai cơ:
– Tôi nghe ở đây có nhiều sên và mọi (muỗi) lắm. Có thứ mọi rú đốt bật "sốt rét" ngay, có thật thế phải không bác?
– Kể mọi, thì không thấy ở mô nhiều bằng ở đây.
– Thế Ngài Ngự thường đêm nằm có màn không?
Viên cai cơ cười đáp:
– Trước kia ngài còn giữ được một cái màn mang theo, lúc ở Kinh ra đi, nhưng hôm bị Tây đuổi ở Ve thì ngài bỏ quên lại ở đấy. Cho nên từ hôm ấy đến nay, những lính hầu cận phải thay nhau đuổi mọi cho ngài giấc.
– Thế à! Bác có thấy ngài sầu muộn lắm không?
– Sầu muộn có lẽ cũng có, nhưng không bao giờ thấy ngài để lộ ra.
Ba người lại yên lặng bước đi. Trời đã tối đen. Người cai cơ, trỏ một ngọn đèn dầu phụng liu hiu rọi ở trong một gian nhà nhỏ và nói:
– Tôi sẽ dẫn ngài vào đó để Ngài Ngự ban hỏi.
– Tôi không ngờ tình cảnh đấng Quân vương lại đến như thế này! Một đấng Thiên tử thay mạng trời trị vì muôn họ, mà cơ đồ chỉ có thế! Ta không trách trời thì còn biết trách ai?
Lê Tuấn để một bàn tay ngang mắt và cố nhìn vào trong cái gian nhà nhỏ:
– Này bác Cai! Người ngồi trên bục gỗ đó, có phải là đức vua không?
– Dạ phải, chính là đức vua đấy, ngài ngự đương nói chuyện với ngài Tôn Thất Thiệp, người trẻ tuổi đứng bên cạnh.
– Này bác Cai! Làm răng mà trong chỗ Ngài Ngự lại chỉ có một cái bục gỗ mà thôi?
– Dạ, chỉ có một cái bục mà thôi. Ngài ăn ở đó, ngủ ở đó, mà đọc sách cũng ở đó. Độ đầu canh năm, gà rừng đã gáy lần thứ nhất, Ngài cùng ngài Tôn Thất Thiệp múa gươm và tập bắn súng, rồi độ gà gáy lại thì Ngài đọc sách. Thấy Ngài ham đọc sách quá, một hôm cụ Đề Trực vô bệ kiến Ngài và có tâu xin Ngài đừng đọc nhiều quá vì Ngài độ ấy hay có bệnh đỏ mắt thì Ngài cười, đáp rằng: "Trong những đồ quý báu vàng ngọc vóc nhiễu ta mang từ Kinh ra đây, mỗi lần chạy trốn ta bỏ mất đi một ít, cho đến tận hết, duy chỉ có bộ sách này, ta đang đọc dở là Trời không muốn cho người Tây đành giựt của ta. Giang sơn ta mất cả, chỉ còn một tí đó, không giữ lấy thì còn gì nữa. Vả chăng lúc này ta không đọc sách, thì ta biết làm gì?”
Lê Tuấn bước tới trước mặt đức vua, và toan quỳ sụp xuống đất, thì đức vua đã đưa tay đỡ Lê dậy, ngài thong thả phán:
– Khanh không nên bận lòng thế! Vua tôi, bước cùng đồ này, ta không nên giữ mãi lễ cách phiền toái ở trốn triều trung. Khanh nhìn kỹ đây có phải là chốn cung điện huy hoàng mô? Trong một gian nhà lá sắp xiêu vẹo này ta chỉ có những tấm lòng chất phác, ăn ở với nhau một cách thân mật, có phải thế không, khanh?
Rồi muốn cho hai người đừng quanh quẩn với cái ý nghĩ lạnh lùng buồn não ấy, đức vua vui vẻ phán hỏi Lê Tuấn:
– Những việc làm từ trước của khanh nhứt nhứt đều đến tai Trẫm cả nhưng truông núi cách xa, Trẫm muốn chuyển lời ban khen, cũng không sao tiện. Vậy hôm nay, nhân có lúc gặp đây, Trẫm thưởng cho một cốc rượu muộn này.
Lê đỡ lấy và tâu:
– Thật là bệ hạ đã quá thể tất. Thần rất lấy làm hổ thẹn mà không dám lãnh, vì những việc thần đã làm, chỉ đưa thần đến chỗ thất bại mà thôi.
Đức vua ôn tồn phán:
– Khanh không nên nghĩ thế! Ngay đến những việc Trẫm làm đây, và những việc vì Trẫm mà các trung thần đã làm đây, cũng chỉ là thất bại mà thôi! Nhưng thất bại là tại Trời, chứ đâu phải là tại ta. Chừng nào Trời giúp ta, mà ta không làm, lúc ấy ta mới nên oán trách ta mà thôi, phải thế không khanh? Ta thất bại thì ta còn phải ăn tuyết nằm gai, đó là ta đã trừng phạt ta rồi, ta còn cần phải trừng phạt ta thế nào nữa ư?
Bỗng như chống đỡ bởi một sức mạnh thiêng liêng, đức vua nắm chặt đôi tay lại, và nói bằng một cái giọng quả quyết:
– Ta không nên chán nản! Quân địch ta vượt muôn trùng biển để đến đây, còn dư sức lực, dư dũng cảm để chiến thắng ta, huống hồ là ta. Trời sinh ra ta, để gìn giữ sơn hà này, ta không gìn giữ nổi, thì còn mặt mũi nào ta đáng sống ở đời này nữa. Không, không, rồi đây, Trẫm sẽ tập trung lại một chỗ, bao nhiêu quân đội Cần Vương để đánh một lần cuối cùng. Ta thua, ấy là Trời muốn vậy, ta còn phàn nàn nỗi gì? Nhưng phỏng như ta không quyết chí, quyết lực phấn đấu một lần cuối cùng nữa thì ta còn biết ý Trời thế nào, phải thế không khanh? Rồi đây, trẫm sẽ sai người tìm họ Phan (1) bàn tính công việc.
Một ngọn đèn dầu phụng, treo ở trên phên thưa, lung lay theo chiều gió lọt vào, rọi ra trong gian nhà nhỏ, một vùng ánh sáng loang lổ, lờ mờ lượn đi lượn lại từ xó buồng này qua xó buồng khác. Đức vua ngồi trong một chỗ khi sáng khi tối, trông huyền ảo như một cái bóng. Giọng Ngài nói có khi cương quyết như một tiếng hiệu lệnh, có khi yếu ớt như một tiếng thở dài, bao giờ cũng đầy một vẻ thê lương.
– Khanh nờ! Rồi đây trẫm sẽ bàn tính với Phùng, với Đảm, với Thiệp, với Trực, với Ngọc. (2)
Nói đến Ngọc, bỗng như có một luồng máu rất lạnh chạy trong toàn thân ngài. Ngài dừng lại như một cái máy. Ngài có một cảm giác trước rằng, với Ngọc sẽ xảy đến cho ngài một sự gì, một sự gì khác thường. Ngài chỉ muốn tin rằng đó chỉ là một điều rất lạnh mà thôi. Ngài chỉ muốn tin rằng đó chỉ là một điều rất lành mà thôi. Ngài chỉ muốn tin rằng, với cái dũng cảm và cái lòng trung tín của Ngọc, một ngày kia Ngài sẽ chiến thắng được. Nhưng Ngài vẫn không thấy có một tí lạc quan nào. Ngài vẫn bâng khuâng lo ngại, hay đó chỉ là một điều chẳng lành. Rồi Ngài sợ, không dám nghĩ tới nữa, Ngài cũng quên không nói tiếp câu chuyện bỏ dở.
Ngài với lấy cái điếu cày, châm lửa kéo một hơi kéo dài. Thấy Lê Tuấn nhìn chòng chọc, có vẻ vừa ngạc nhiên vừa thương hại, thì Ngài vui vẻ cắt nghĩa:
– Khanh thấy trẫm hút cái điếu cày này (3) chắc lấy làm lạ lắm, nhưng trong bước giang hồ Trẫm chỉ có cái lý thú độc nhất ấy mà thôi. Kể thì khanh không nên lấy làm lạ mới phải vì khi Trẫm có thể chịu được cái cuộc đời kham khổ ở trong cái túp lều xiêu vẹo như thế này, thì Trẫm cũng phải nếm qua cái thú hay hay này của bọn lê dân. Ngày còn ở trong Nội, Trẫm không bao giờ thấy ai hút cái điếu tre như thế này đâu, có lưu lạc mới nếm được những cái thú vị trong dân gian. Cái điếu của các quan dùng thì có vẻ thanh tao hơn, phải không khanh? Nhưng thực ra hút cái này mới đã, mới sướng, mới khoái. Nghe nói một thầy đồ Nghệ, có vịnh cái điếu cầy này, bằng hai câu thơ:
Hấp miệng bể tuôn ba lớp sóng,
Hà hơi Trời dậy chín tầng mây.
Đức vua ngâm xong, ngồi im một lúc rồi lại nói tiếp:
– Trong hai câu thơ ấy thật là ngụ hết cái khí phách anh hùng. Vả cũng chỉ có cái điếu cày mới xứng với hai câu thơ ấy, phải không khanh? Người sinh trưởng ở chốn nhà vàng điện ngọc, mà chưa hề lạc bước trong cái chòi của kẻ lê dân để kéo một điếu thuốc này, chưa phải là người còn đáng sống hết bao nhiêu ngày tháng của trời đất để hưởng cho hết bao nhiêu của cải của cha ông?
Ngài nói xong, cười khanh khách, một tiếng cười nghe ghê rởn cả tâm hồn.
Lê Tuấn nhìn ra ngoài trời đen tối, tưởng như mình đương ngồi ở một cái cửa hang, chốc chốc ở trong hang đưa ra vài cái hơi lạnh, buốt cả thân hình. Đức vua lấy điếu, hút một điếu, điếu nữa, rồi điếu nữa. Thông điếu xong, nhét thuốc vào, đưa điếu lên miệng, châm đóm lên, những cái cử chỉ ấy trông vô hồn như một cái máy. Hút xong, đức vua lại ngồi im lặng, để rồi lại hút nữa, và hút nữa  để rồi lại ngồi im lặng. Bấy lâu chỉ nghe nói chuyện, lần này là lần đầu, Lê Tuấn mới được nhận thấy sự im lặng của đức vua mới là nặng nề, khó chịu và đầy ý nghĩa.
MÙA THU TÀN
Một hôm, về cuối thu - vì cây cối đã trơ ra như những cánh quạt, mà rừng rải đầy những lá vàng, - đức vua cho hội lại các tướng tá để bàn tính: định thu hết tàn lực mà quyết chiến một lần cuối cùng nữa, một sống một chết, để đoạn tuyệt cái cuộc đời phiêu lưu kham khổ ở trong rừng rú đã đọa đầy mình trong mấy tháng trời. Không lẽ đức vua chỉ cứ ngồi mà nhìn mãi cái thanh thế của mình một ngày một rút nhỏ lại, cho đến một lúc kia không còn gì nữa. Bấy lâu, đức vua lấy cái cớ mình còn trẻ chưa muốn định đoạt điều gì, trăm việc đều để cho Đảm, Thiệp và Ngọc xử liệu cả, ngài chỉ ngồi cho người ta làm gì đó thì làm. Ngài biết Ngài chỉ như một bức tượng mà người ta đưa ra làm một vật tín ngưỡng thiêng liêng. Người ta kính thờ Ngài nhưng ngài chỉ thấy mình là vô vị mà thôi. Đã hơn một tháng nay Ngài đột nhiên đổi ý định. Ngài quả quyết muốn ra định đoạt lấy mọi công việc. Ngài cả quyết đưa cái ý định muốn đánh một lần cuối cùng, ra bàn với các tướng sĩ, và buộc họ phải tuân theo mình.
Người ngồi ở trên bục gỗ chính là đức vua, còn ở dưới hai hang chiếu là các tướng sĩ. Ở chiếu trên, có Trực, Thiệp, Ngọc, Đảm và Tuấn, còn chiếu thứ hai là các hiệp quản và các xuất đội.
Mọi người vừa cạn xong chén rượu thứ nhất thì nghe có tiếng một người đàn bà tri hô lên, tiếng có lẽ gần nhưng vì ngược gió cho nên không ai nhận rõ ra gì cả. Tiếng tri hô dần dần nghe càng to và càng ghê rởn. Mọi người đều nhằm cái tiếng kêu ấy mà chạy tới, còn Thiệp và Ngọc thì đứng dậy, rút gươm ra, oai nghiêm đứng hầu bên đức vua. Đức vua ngồi ở trên bục gỗ vẫn thản nhiên nói với Ngọc và Thiệp:
– Chắc lại có tên lính Mường nào hãm hiếp đàn bà chứ gì?
Rồi ngài mỉm cười.
Bỗng mọi người đã hoảng hốt chạy vào và cấp báo:
– Tâu hoàng thượng, lão đồn Mã Tô và một đội binh Ả Rập.
Đức vua vẫn thản nhiên, vừa cười vừa nói:
– Thì cũng thế thôi!
Nhưng Ngọc và Thiệp đã cướp lấy Ngài và chạy trốn.
CHÀ MẠC
Từ khi quân của ông đồn Mã Tô đuổi đánh ở Ma Rai thì đức vua  cứ “thiên đô” từ khu rừng này qua rừng khác, tìm những chỗ hẻo lánh mà trốn; rồi một chiều kia, nhất định đóng lại ở Chà Mạc.
Nếu đức vua không để chân tới đấy, và tại đấy Ngài không rưới hạt lệ cuối cùng của một ông vua giang hồ bất hạnh, thì cái tên Chà Mạc, sử sách không bao giờ biết tới, và nhắc lại dưới ngọn bút này một lần nữa. Vì Chà Mạc, cái thủ đô mới, và là cái thủ đô cuối cùng của quân Cần Vương, trước kia chỉ là mộy khu rừng cùng tịch, u rậm, cái quê hương vắng vẻ của những lũ khỉ độc. Nếu những lũ “khỉ độc” ấy cũng có những cái tính thông thường của loài người, thì sẽ thấy, trong sự đức vua dựng lều ở rẫy đấy, một sự xâm lấn vô lý, và cũng theo gương đức vua một sống một chết, chúng sẽ đòi lại “giang sơn”… Than ôi! Những con vật hiền lành ấy, mỗi buổi sáng chỉ ở trên cây cao nhìn xuống đức vua rửa mặt trong cái chậu nước nhỏ xíu, mà cùng nhau khúc khích.
Hôm ấy, đức vua dậy sớm, sau khi đã điểm tâm ba quả trứng gà rừng mà mấy tên lính Mường vào động kiếm dâng Ngài, đức vua bắc ghế ra ngồi ở trước thềm nhà để nhìn hai con chim sạ tha những nhánh khô và lá vàng về làm tổ. Những con chim ấy có cái mỏ trắng và đôi cánh tía, trông có vẻ đài các như những vị thiên kim tiểu thư. Hai con chim sạ ấy xây tổ từ cuối mùa thu, đến nay, mùa đông đã gần tàn rồi, mà vẫn chưa xong; mỗi buổi sáng chỉ kiếm tha về vài nhánh khô kết đan vào nhau, như có ý dành cái công việc có lý thú ấy một ngày lại một ít và để kéo dài tháng này qua tháng khác… Có lẽ đôi chim ấy không hề nghĩ rằng trong việc làm ăn của mình, vô tình đã khuây khỏa được một ông vua, đầu còn xanh, mà đời đã sớm nếm mùi cay đắng. Đôi chim xây tổ đã đưa lại cho đức vua một cái thú giải buồn, trong những ngày vô định. Nhưng hôm ấy, không hiểu sao đức vua nhìn hai con chim làm việc, thì chỉ thấy nao nao buồn… Có lẽ vì cái tổ của chúng đã sắp hoàn thành, chúng sẽ được ấm no, chúng khỏi phải ngủ ở trên cành đầu lá trong khi gió khuya đưa lạnh hay sương chiều nặng gieo… Vô tình đức vua đã ghen với chim. Đức vua sực nhớ và tiếc cảnh êm ấm ở chốn nhà vàng điện ngọc, giữa những vẻ mặt thân yêu. Lần này là lần đầu, đức vua thấy tâm chí mình rời rạc không muốn gì mà cũng không mong gì nữa.
Thoáng thấy có bóng Thiệp đi tới, đức vua ngẩng mình dậy và gượng vui hỏi Thiệp:
– Hôm nay ta có ý chờ khanh để nói chuyện cho vui, ta toan bảo người gọi khanh tới thì khanh đã tới rồi. Thế nào, có chi lạ không?
– Tâu hoàng thượng, có…
– Chi?
Ngập ngừng một lát, Thiệp mới đưa ra hai bức thư:
– Tâu hoàng thượng, chỉ có thế…
– Của ai thế này, khanh?
– Tâu hoàng thượng, một bức của ngài Từ Dụ và một bức của vua Đồng Khánh.
Vua thở dài một cái và cầm hai phong thư ở trong tay. Một hồi lâu, đức vua để riêng cái phong thư của đức Đồng Khánh, và xé cái phong thư của ngài Từ Dụ ra đọc. Đọc xong đức vua giao cho Thiệp cùng đọc. Rồi hai người cùng lặng im, không dám nhìn nhau, buồn rầu gần như muốn bật ra khóc. Bỗng đức vua cười phá ra và bảo Thiệp:
– Cái lòng thương cháu của mẹ ta, ta hiểu lắm, có lẽ cái lòng thương ấy đã cảm đến trời đất. Nhưng ta ngờ lắm, khanh ạ! Biết đâu rằng lời lẽ trong thư chỉ là lời lẽ của người Tây, và mẹ ta, vì quá thương cháu mà nghe theo. Không, nhứt định ta không về. Mà mặt mũi nào ta còn về nữa! Mẹ ta khuyên ta về, nhưng đã vì tình mẹ cháu mà bỏ quên cái nghĩa cả Non sông. Mẹ ta, ta biết, là một người có tài đức, nhưng cũng chưa thoát khỏi cái nhi nữ thường tình.
Đoạn, đức vua đưa mắt nhìn qua bức thư của vua Đồng Khánh. Ngài mỉm cười và bảo Thiệp:
– Ta không muốn đọc bức thư ấy. Ta hiểu trong thư nói gì rồi. Ta hiểu lắm… Nhưng khanh, khanh cứ đọc đi.
Rồi Ngài nghiến răng lại để cười, một tiếng cười nghe ghê rởn lạ.  
Thiệp ôn tồn tâu với đức vua:
– Tâu hoàng thượng, nhưng thế rồi sao ta cũng phải nghĩ cách trả lời cho lão đồn Mã Tô. Ta trả lời thì lẽ cố nhiên không bao giờ nhận những lời yêu cầu của chính phủ Pháp, mà không trả lời thì sự ấy đã quyết liệt, bị mếch lòng, thì thế nào người ta cũng sẽ đưa đưa đại đội đánh phá ta một lần, ta nên liệu cách đối phó trước. Nhưng ta biết đối phó thế nào được! Đảm và Trực thì đã tuyệt đường giao thông với ta. Mà thế lực của hai người ấy cũng không còn gì nữa. Thêo ý thần thì vua tôi ta chỉ còn một cách: tìm đường ra Bắc, hiệp với thân sĩ ngoài ấy mà gây lại thanh thế…
Đức vua chỉ đáp the thé:
– Ta thì ta không đến thế, khanh nờ! Không đáp thư vì sợ người ta kéo tới đánh rồi phải tìm đường trốn tránh thì thà là ta đáp thư và xin hàng phục còn hơn…
Thiệp cãi lại:
– Hoàng thượng không hiểu hết ý của thần, thần chỉ muốn ra Bắc để gây lại thanh thế chứ không phải là muốn đi trốn, chứ muốn yên thân thì cứ quanh quẩn trong vùng này cũng yên thân được…
– Nhưng để rồi đây ta hãy bàn qua với Ngọc đã.
“Ngọc” vừa xuất ra ở miệng vua, thì như có một sức mạnh thiêng liêng run rủi, nhà vua cùng kẻ trung thần cùng ngẩng mặt lên nhìn nhau, trong con mắt chan chứa vẻ lo sợ, nghi ngờ. Hai người không dám nhìn nhau nữa, và cũng không dám thêm gì nữa.
Một hồi lâu, Thiệp mới gợi câu chuyện lại.
– Tâu hoàng thượng, hoàng thượng có hay gì về việc…
 Thiệp ngại ngùng không muốn nói hết. Đức vua hỏi lại:
– Việc gì, khanh nói nghe thử.
– Tâu hoàng thượng, từ khi vua tôi ta bị đánh đuổi ở Mã Rai, và chúng ta cùng chạy trốn, thì bỏ quên lại ở đấy bao nhiêu giấy má đồ đạc. Những giấy má và đồ đạc ấy, hẳn là lão đồn Mã Tô đã bắt được hết. Trong số đồ đạc ấy hoàng thượng chắc còn nhớ có bộ đồ a phiến bằng ngà của Ngọc, bộ đồ ấy mất đi làm cho Ngọc mỗi khi cơn nghiện lên, ngơ ngẩn ngẩn ngơ, có khi cáu tiết nguyền rủa quân nghịch.
Hai người cùng nhìn nhau gượng cười.
Thiệp lại nói tiếp:
– Tâu hoàng thượng, thế rồi, chỉ cách mấy hôm sau, Cả Hinh là ông nhạc của Ngọc, từ Thanh Cước, mang vào cho Ngọc y nguyên một bộ đồ a phiến, cũng bằng ngà như thế.
Đức vua tỏ ý không bằng lòng, không muốn Thiệp nói hết, và đả động gì đến chuyện ấy nữa, dầu trong bụng Ngài bấy lâu nay Ngài cũng có hơi ngờ Ngọc.

– Khanh ơi! Ta không muốn khanh nói tới chuyện ấy nữa! Dầu như sau này mà Ngọc có ăn ở thế nào nữa, thì đã có Trời chứng giám. Vả Ngọc từ trước đến nay vẫn một lòng một dạ với ta, đã biết bao lần cứu ta khỏi vòng nguy khổ. Ta đừng nghi ngại cho bận lòng. Ta chỉ đêm nây cầu Trời nguyện Phật sao cho Ngọc vẫn là một đấng trung thần, vẫn là người của ta, mãi mãi là người của ta.
Thiệp không nói gì nữa.
Nhưng một làn không khí nặng nề đã bao phủ cả hai người.
Thấy hai con khỉ đương ngồi bắt chấy cho nhau ở trên một cành cây, đức vua và Thiệp cùng nhìn ra, mủm mỉm cười, hình như là vừa rồi không xảy ra một việc gì hết cả. [b]
Mấy hôm sau giữa lúc đức vua và các tướng đang hội nghị, thì có người lính đến báo rằng:
– Trương Quang Ngọc đã biến rồi.
Đức vua chỉ cười không nói gì hết. Một viên quan nhỏ là Lê Xuân Chất đứng dậy tâu rằng:
– Tâu hoàng thượng, thần thiết nghĩ từ khi hoàng thượng bỏ ngai vàng trốn đi, gian truân đã lắm, lao khổ đã nhiều, những ngày lênh đênh ở trong rừng Lào, là những ngày một sống nghìn chết. Lại từ khi về đến vùng này, tuy là đất nước nhà mà như là đất nước người, ngày đêm cứ phải lẩn lút trong góc truông đầu rú, nằm gai nuốt sương đã nhiều, mà kết cục, tâu hoàng thượng, vẫn chỉ là thế. Sơn hà xã tắc vẫn chỉ là một cái lầu con xiêu vẹo, và mấy đám rẫy mới mở, đất còn đỏ ối. Tâu hoàng thượng, hoàng thượng nghĩ kỹ xem, vua tôi ta ở một cái tình thế nguy nan biết dường nào! Dân Thanh Cước trước kia còn cung cấp cho ta đủ những đồ ăn thức dụng, bây giờ cũng không nghĩ đến ta nữa. Còn hai tướng quân là Lê và Tôn thị thì tuyệt hẳn tin tức, hoàng thượng sai Lê Tuấn đi dò la hành tung hai ngài ấy, đến nay cũng không thấy về. Muôn tâu hoàng thượng, hoàng thượng hãy nghĩ lại xem, phỏng khiến trời đã giúp ta, thì trời đã giúp ta rồi, không bao giờ lại để vua tôi ta ở mãi cái tình thế dở sống dở chết này, ta vào sâu thêm một tý nữa thì không yên với ma thiêng hùm dữ, mà ta bước ra ngoài một bước nữa, chắc là bị Tây bắt. Lại như một vị tướng trung nghĩa như Trương Quang Ngọc, đã bao phen cứu giúp hoàng thượng khỏi vòng nan nguy, mà đến nay, hôm nay, đã tìm cách bỏ hoàng thượng, còn biết tin cậy ai được, theo ý thần, thì hoàng thượng chỉ có một cách là ra thú với lão đồn Mã Tô, trước là hoàng thượng được yên, mà sau các tướng sĩ cũng được về thăm vợ thăm con.
Đức vua mỉm cười ngoảnh mặt ra phía rừng, vẫn không nói gì hết. Thiệp quắc mắt, đứng lên dõng dạc tâu:
– Muôn tâu hoàng thượng, lần này là lần đầu thần dám ngưỡng xin hoàng thượng cái quyền lấy ngay đầu kẻ vừa nói mấy câu dại dột đó, lấy đầu một viên quan nhỏ dám bênh vực Trương Quang Ngọc, lấy đầu một kẻ làm tôi không trọn nghĩa. Lúc này, tâu hoàng thượng, là lúc ta nên lấy hết tàn lực, lấy hết dũng cảm để đối phó với quân nghịch, đối phó với tình thế, đối phó với vận mạng. Trong lúc này, ta không muốn có kẻ hèn nhát dám nói với ta những lời ủy mị để làm ta chán nản. Hàng với Tây? Cỏ kẻ khuyên vua tôi ta hàng với Tây, kẻ ấy phải là kẻ sứ mạng của Trời mới đủ cho ta tin theo vậy. Tâu hoàng thượng: Trời chưa bỏ ta đâu, vua tôi ta trải bao sự gian truân, mà còn để ta sống sót đến ngày nay, với một tấm lòng sắt đá tri tri, là ý Trời chưa bỏ ta đâu.
Rồi như một con mãnh hổ, Thiệp quay về phía hàng lính đứng hầu hai bên, và dõng dạc ra lệnh:
 Ta truyền cho anh em áp vào trói tên phản nghịch này lại, và đưa ra pháp trường lập tức. Ta lấy đầu Lê Xuân Chất để làm gương cho kẻ khác. Nhân thể, ta mạn phép hoàng thượng, nói lời này cùng anh em: Vua tôi đã chẳng quản gian truân mà cùng nhau gắn bó một lòng một dạ từ trước cho đến giờ còn được nữa huống chi là từ đây về sau, ta sao không cố mà giữ toàn đạo tôi con? Nhất là trong lúc này, là cái lúc nguy nan hơn hết, ta không nên có một tư tưởng yếu hèn để thoáng qua trong trí. Dẫu có thế nào thì ta lấy cái chết để tạ quân vương, cũng như xưa nay, ta đã lấy cái sống để thờ ngài vậy.
Quân lính yên lặng áp vào trói Lê Xuân Chất và giải ra.
Cả hàng tướng sĩ trước còn xôn xao, sau dần dần im phăng phắc, cảm động. Đức vua vẫn không nói gì, thực lòng có lẽ Ngài không muốn khuyên Thiệp trừng phạt Chất một cách nghiêm khắc như thế, nhưng Ngài cũng không muốn trái ý Thiệp, vì xưa nay Ngài có trái ý Thiệp bao giờ? Ngài có cảm giác trước rằng: những vị trung thần của Ngài sẽ lần lượt bỏ ngài như một việc dĩ nhiên vậy. Nhưng Ngài vẫn không lấy thế làm núng lòng. Ngài cầm lấy cái điếu cày và kéo luôn mấy hơi, rồi thản nhiên ngồi trông ra ngoài những bóng lau phất phơ theo một chiều gió nhẹ. Lòng Ngài buồn rời rợi. Ngài ngoảnh mặt lại. Các tướng sĩ ở dưới hai hàng chiếu, ngẩng mặt lên nhìn Ngài chăm chăm, như đợi Ngài phán một điều gì, nhưng Ngài ngơ ngác như kẻ trong một giấc chiêm bao. Ngài hỏi một câu tựa hồ chẳng ăn nhập vào đâu:
 Thế rồi sao nữa?
Các tướng sĩ ngẩng lên nhìn Ngài không trả lời vì không một ai hiểu ý Ngài thế nào cả. Đoạn, ngài nói tiếp:
 Thế Ngọc trốn đi không lưu lại một vật gì hết à? Ngọc đi từ bao giờ?
Thiệp đáp:
 Tâu hoàng thượng, theo lời tên lính hầu cận của Ngọc, thì Ngọc đi không để lại một tí gì hết, cả cái bàn đèn bằng ngà, mà thần đã tâu trình với hoàng thượng hôm nọ, Ngọc cũng mang theo. Thế cũng đủ cho ta tin rằng: Ngọc đi chuyến này có lẽ không còn bao giờ trở lại nữa, hoặc giả có trở lại nữa, thì cũng chỉ để là quay ngọn giáo mà lấy đầu ta. Hừ! Nhưng kẻ phản nghịch có bao giờ…
Đức vua đưa tay, bảo Thiệp ngừng lại:
 Khanh ơi! Ta muốn khanh đừng nói hết, đừng nói gì thêm nữa, ta hiểu lắm rồi.
Nhưng Thiệp vẫn nói, như một cái thác không thể ngừng được:
 Tâu hoàng thượng! Ngọc đi từ sáng hôm nay. Nhưng Ngọc rắp tâm đi đã mấy tháng nay rồi, thần biết rõ lắm. Đã hai tháng nay, Ngọc thường thư từ đi lại với lão đồn Mã Tô, do cả Hinh là ông nhạc của Ngọc làm môi giới. Thần hiểu Ngọc lắm, Ngọc phản ta đúng như lời thần thường tâu với hoàng thượng. Ngọc phản ta chỉ vì một cái cớ rất nhỏ mọn. Lúc chạy trốn ở Mã Rai, Ngọc có quên lại cái bàn đèn, Mã Tô bắt được, biết rằng Ngọc nghiện nặng, cái bàn đèn mà mất đi có thể làm cho hắn vất vả. Vốn người mưu mô thâm hiểm muốn cám dỗ Ngọc, lão đồn Mã Tô bèn tìm đến cả Hinh, nhờ Hinh giao giả bàn đèn cho Ngọc. Cái cử chỉ tựa hồ như rộng rãi đó của Mã Tô làm cho Ngọc cảm động. Rồi từ đó, Mã Tô viết lên những bức thư rất hay ho quyến rũ Ngọc, trong thư, Mã Tô đã hứa cho Ngọc vàng bạc, chức tước nhiều lắm, Ngọc cả tin, đã bày chỉ địa thế và tình hình cho bên ta cho Mã Tô hay cả rồi, chỉ còn đợi ngày Mã Tô lên là Ngọc quay giáo... Nhưng có lẽ vì Ngọc biết rằng thần đã khám phá được sự bí mật của hắn, hắn sợ nguy đến tính mạng, hắn phải tìm cách tẩu thoát.
Đức vua phán một lần cuối nữa:
 Những điều khanh nói đó, ta biết cả rồi và ta tin lắm, nhưng ta không muốn khanh nói nữa.
Ngài vẫn dằn từng tiếng một:
 Ta không muốn khanh nói nữa.
Rồi ngài đứng dậy đi ra chỗ khác, như để giấu sự cảm động của mình.
Một vùng không khí nặng nề đã bao phủ trong gian nhà nhỏ. Ngoài rừng, vài bông lau vẫn phất phơ theo ngọn gió chiều từ chốn mênh mông đưa tới. Bằng một cái giọng dịu dàng êm thấm, Thiệp dặn các tướng sĩ:
 Ta không thể đợi Tuấn về được. Chúng ta phải trốn ngay, đi vào sâu nữa.
LÚC HẠ MÀN [c]
Trời đã chiều. Lê Tuấn giục ngựa đi gấp để về Chà Mạc trước khi mặt trời lặn. Dẫu biết rằng cái công lội suối trèo non của mình gần một tháng trời, chẳng có một tý kết quả nào, Tuấn không vì thế mà nản lòng. Tuấn vẫn hăng hái như giục ngựa đuổi theo một lý tưởng tốt đẹp chạy trốn trước mặt mình.
Nhưng khi Tuấn gò cương ngựa lại… Khi Tuấn gò cương ngựa lại thì thấy mình đứng trước một cảnh não lòng! Chà Mạc! Một đống tro tàn. Chỉ còn là một đống tro tàn. Ngọn gió chiều đưa lại, lạnh lùng! Tuấn ngồi ngẩn người trên mình ngựa không muốn trèo xuống nữa, có cái cảm giác như đương ở trong một giấc mộng vĩ đại. Vài con chim sạ kêu ríu rít ở trên một ngọn cây đã cháy khém.
Tuấn nhìn đăm đăm vào mấy giọt máu dính vào một gốc cây mít bên cạnh, và lắc đầu, rồi nhanh nhẹn phóc xuống đất, Tuấn cầm lấy một cái vỏ cây có vết máu, và nhìn kỹ, nhưng những ngón tay của mình lẩy bẩy một cách dễ sợ. Tuấn ngẩng lên, cả rừng cây như rung rinh trong sương chiều.
Đoạn Lê Tuấn rút gươm ra và đi lại gần một cây vàng tâm cạo lớp vỏ ngoài, nhúng bút vào vũng máu viết nên bài ký bằng chữ nho. Nguyên văn bài ấy, những ai đã đọc đến không còn nhớ nữa. Duy có một ông lão già ở làng Thanh Lạng là không thể nào quên được. Một hôm thuật lại cho tác giả những đại ý trong bài ấy:
"Ta là Lê Tuấn, năm hăm sáu tuổi đã sớm chiếm bảng vàng, lẽ ra cũng như ai, xênh xang áo mũ, yên hưởng đỉnh chung. Nhưng vì sinh nhằm thời loạn, làm tôi một đấng quân vương giang hồ bất hạnh. Ta vứt bút cầm gươm, nhắm non xanh mà đi vào. Trong rừng sâu ta nuôi cái chí lớn, lập lại cơ đồ, gây lại giang sơn. Ta thờ vua trong một lều con xiêu vẹo. Than ôi! Vận nước còn suy, cơ trời chưa tỏ, vua tôi ta đêm ngày nằm sương đội tuyết, kết cục vẫn giam hãm trong vòng thất bại. Thân thế đưa gửi đầu mũi gươm ngọn giáo! Ngày mồng tám tháng chín năm Bính Thìn, ta được lệnh đức vua sai đi tìm tới những kẻ nghĩa sĩ để bàn nhau mưu việc lớn. Nhưng núi truông cách trở, ta không lo toàn trách nhiệm. Hôm nay trở lại đây ta chỉ thấy một cảnh não lòng: một đống tro tàn, một vũng máu. Đống tro tàn ấy là đống tro còn lại của cái lều nhỏ xưa kia đã che ẩn một ông vua nhân từ đã cảm đến trời đất. Vũng máu ấy, có lẽ là của một đấng trung trinh hiến mình phò chúa. Nhưng nào ta có biết kẻ ấy là ai! Sau này sử xanh biết có còn ghi tên tuổi.
Ta nhúng bút vào vũng máu thẫm ấy ghi vào gốc cây để hỏi hậu lai vậy.
Con ngựa của ta đã theo ta trong bước giang hồ, con vật vô tình dính phải một vết máu ấy ở chân nó, cũng không muốn rửa đi ở nước khe La Thủy, trong dặm trường luân lạc nó còn muốn mang theo để giữ bên mình tấm lòng vàng đá của người trung nghĩa đã để rơi trong một góc rừng cùng tịch.
Ta chép xong bài ký này, chốc nữa ta sẽ lên ngựa đi, đi vào sâu trong dãy núi Giăng Màn để tìm dấu vết đấng quân vương. Ta lưu lại nét chữ này, không có ý khoe với những kẻ sau ta tình cờ bước tới chốn này rằng ta là một nhà  nho sính chữ.
Không, ta chỉ muốn mượn tay ta để để vạch lòng người, và mượn máu người để tỏ lòng ta vậy. Phỏng như kẻ ấy lại là kẻ sinh bình thù địch vua tôi ta, đọc bài ký này mà quả còn có chút lương tâm, thì kẻ ấy phải ngửng lên trời, quỳ xuống đất mà lặng im không nói trong chốc lát vậy".
Viết xong, Tuấn nhảy lên ngựa, nhằm về phía Thanh Cước mà đi ra. Vì trời tối, chàng cần phải về một làng xóm nào để ẩn cho qua một đêm. Giật mạnh dây cương, Tuấn cho ngựa chạy lồng lên như bay! Tuấn định rằng thế nào cũng về đến Thanh Cước vào lúc đỏ đèn. Nhưng Tuấn lạc đường, đi được vài dặm, thì Tuấn đến một bến sông.
Bỗng trong lau có tiếng hát:
Trái đào non rớt ngoài vườn hạnh,
Chường ơi! Chường liệu định mần răng?
Một câu hát cũ. Hình như chàng có nghe đâu một lần rồi.
Nhưng chàng vẫn không muốn lưu ý tới nữa. Tuấn cất giọng lên gọi người đưa đò ngang. Con đò bên kia bến vẫn không nhổ sào. Chỉ có tiếng sau lưng Tuấn đáp:
 Ông ơi! Ông đừng có gọi mà hết hơi! Chú đưa đò ngang ở bến này, chú ấy chén vào rồi thì ngủ ly bì từ sáng đến chiều, ông có gọi cũng vô ích. Chỉ có ngày phiên, hắn mới chở.
Tuấn quay lại, vẫn người con gái năm ngoái, vẫn một giọng nói đon đả ấy, vẫn một giọng cười trong trẻo ấy. Tuấn như quên cả những nỗi bực mình, nhìn chăm chăm cô gái quê và vui vẻ hỏi chuyện:
 Thế em chưa lấy chồng à?
Câu hỏi đột ngột làm cho cô gái đỏ bừng đôi má, và bẽn lẽn nàng đáp the thé:
 Bẩm chưa, có ai thèm lấy em. Em cười vô duyên lắm.
Đoạn nàng nói lảng:
 Hôm qua cũng có người gánh một gánh kén lớn, muốn sang sông nhưng không có đò, phải đặt lưng vào gánh kén mà ngủ.
 Tôi nhớ năm ngoái, cô cho tôi ngồi chung một trâu với cô để qua sông.
 Nhưng hôm nay, em không về làng nữa. Em định ngủ lại bên này để giữ sắn vì hai hôm nay có heo ra. Em làm chòi đã xong rồi.
 Thế thì hay quá! Cô em cho tôi ẩn sương qua một đêm rồi tôi đuổi heo hộ.
 May cho em quá! Hôm nay em những lo một mình ngủ không được.
 Thế nhà em không có ai là trai cả?
 Thầy mạ em đã già cả rồi, chỉ có một mình em là con gái. Rẫy sắn ấy mà để heo ăn mất, quanh năm không có cái gì ăn đó! Từ hôm em ngủ lại bên này chẳng có đêm nào em sợ hết, nhưng từ sang đến nay, em cứ sợ sợ… chắc là đêm nay ngủ không yên.
 Tại sao rứa?
 Có gì mô? Chỉ tại anh Đô, anh ấy sáng hôm nay thuật cho em nghe cái chuyện rùng rợn ở Chà Mạc.
 Chuyện làm răng em?
 Ồ! Chuyện ấy mà ông không biết à? Vô lý!
Tuấn lắc đầu. Cô gái quê nói tiếp:
 Em tưởng ai qua chốn này cũng biết cả. Chuyện nhà vua bị bắt chớ chuyện chi nữa?
Không tỏ một vẻ ngạc nhiên, Tuấn hỏi lại:
 Nhà vua bị bắt rồi à? Cô biết đích chứ?
 Không biết đích mà anh Đô anh ấy dám nói với em? Anh ấy nói chuyện tường tận lắm. Anh ấy nói rằng: Nhà vua và bộ hạ bị bắt và bị giải một xâu về đồn Minh Cầm sáng hôm nay cả rồi. Sáng hôm nay, nghe nói, do Trương Quang Ngọc dẫn tới, lão đồn Minh Cầm với một đội lính lên bắt nhà vua. Thấy bị động, Tôn Thất Thiệp rút gươm chạy ra, thì theo lệnh Ngọc, mấy tên lính Mường áp lại chặt đầu Thiệp và vài ông quan nữa ngay. Máu chảy lênh láng xuống cái khe La Thủy. Nhà vua ở trong lều cỏ tỉnh dậy, biết rằng có việc nguy biến, và thoáng thấy bóng Ngọc đứng bên lão đồn thì Ngài đứng dậy rút gươm ở phên và chạy ra. Ngài đi lại gần Ngọc, kính cẩn đưa cây gươm cho Ngọc, mỉm cười bảo với người tôi cũ của mình: “Ngọc! Ta muốn Ngọc lấy gươm này chặt đầu ta ngay, chứ ta không muốn Ngọc bắt ta mà nộp cho Tây”.
Nhưng lão đồn đã ra lệnh cho vực Ngài lên cáng và khiêng Ngài đi. Dọc đường, Ngài không nói qua một tiếng, lão đồn có hỏi câu gì thì Ngài chỉ gật đầu. Thưa ông, chuyện chỉ có thế, nhưng trót nghe, chắc hôm nay em không ngủ được…
Lê Tuấn đứng yên lặng nghe, một làn gió sột soạt chạy trong rặng lau ở bên bến, hai giọt nước mắt từ từ rơi trên má. Đoạn quay lại, Tuấn nói với người thiếu nữ:
 Cảm ơn em đã thuật cho ta một câu chuyện buồn thảm. Mà ta, ta cũng không dám ở lại đây nữa.
Cô gái quê phá ra cười rũ rượi.
Lê Tuấn chẳng nói gì nữa, quất ngựa ruổi vào rừng xanh.
Một quãng xa, chẳng còn nghe như có tiếng cười ghê rởn của thiếu nữ đuổi theo chân ngựa vậy.
TRƯỚC KHI DỪNG BÚT
Cách ba mươi năm sau khi vua Hàm Nghi đã dời Tuyên Hóa, một đoàn dân Mường dưới quyền chỉ huy của một ông đồ An Nam, đầu râu đã bạc như bông, từ Thanh Cước đi vào rừng Mã Rai. Trong đoàn ấy có năm người thổi kèn tre, ba người đánh xấp xỏa, ba người đánh trống cà rình, mười người vừa múa vừa hát. Còn ông đồ già thì ngồi trên một cái võng trần do hai người khiêng. Từ Thanh Cước, họ đi từ mặt trời mọc, khi mặt trời sắp lặn thì họ đã đến dưới chân núi Đạm Sơn. Họ dừng lại nghỉ chân dưới một gốc thông. Rồi lấy vàng hương cùng các lễ vật khác ra, họ làm lễ. Ông đồ già đứng ra ngẩng lên trời và lạy hai lạy rồi cúi vào một cuốn sách bí mật lâm râm đọc. Bỗng trong cái bầu không khí yên lặng của một góc rừng đượm khói hương, có một tiếng hét dữ dội, tiếng hét kéo dài ra như một lời oán thán không dứt. Mọi người đều ngẩng lên nhìn trên đỉnh núi Đạm Sơn. Một con voi già to lớn, hùng vĩ, oai nghi, sụp quỳ xuống hai chân trước và đăm đăm nhìn ra phía người ta làm lễ. Tức thì, cả một khúc âm nhạc Mường nổi dậy, tiếng đồng xen lẫn với tiếng tre, lúc xuống lúc lên, lúc nhanh lúc chậm. Hòa với tiếng nhạc, mười người cất tiếng hát, vừa hát vừa múa. Họ hát một điệu hát Mường, khi nhí nhảnh như tiếng suối, khi hùng dũng như gió ngàn.
Lúc mặt trời đã lặn sau dãy núi xa, họ mới đi lên chỗ con voi già đứng. Vừa hát vừa múa, họ đi vòng tròn quanh con vật. Cái vòng tròn ấy dần dần cũng rút hẹp lại, và tiếng kèn, tiếng hát cũng dần dần càng thêm thâm trầm não nuột. Khi đã đến gần bên chân con voi rồi, thì hai người Mường đứng ra trước mặt con vật vái mấy cái và hát một bài hát Mường. Đoạn hai người khác bạo dạn đi lại dưới bụng voi và mắc một cái võng gai từ chân sau ra chân trước. Mắc xong võng, ông đồ già lấy gậy của mình gõ vào đầu voi ba cái rồi ngồi lên võng. Tức thì con voi đứng dậy và nhịp nhàng đi theo tiếng nhạc.
Cả đoàn Mường cũng từ từ dẫn voi xuống chân núi mà nhằm đường Thanh Cước mà đi ra. Đêm càng về khuya, tiếng hát tiếng kèn càng thêm thấm thía. Nhưng, khi về đến đầu làng Thanh Cước thì con vật lấy vòi bứt cái võng ở dưới bụng đi rồi trở lui vào rừng.
Cái ông đồ già đứng đầu đoàn dụ voi và ngồi ở trên võng vừa ngã xuống đất đó là ông Lê Tuấn, một vị trung thần của vua Hàm Nghi còn sống sót ngoài vòng tù tội. Còn con voi già kia cũng lại là một vị trung thần khác của đức vua. Hiệu của nó là Quận Vạn Thành. Nó đã từng sống một cuộc đời sương gió ở quãng rừng giữa Lào và An Nam, bên cạnh đức vua.
Nó không trở về với loài người vì nó chỉ muốn chết trong rừng xanh mù mịt.
● Nguồn:
Lưu Trọng Lư: Con voi già của vua Hàm Nghi, truyện dài, Hà Nội: Hà Nội báo, từ s. 17 (29 April 1936), tr. 5 – 7; s. 18 (6 Mai 1936), tr. 5 – 7; s. 19 (13 Mai 1936), tr. 13 – 15; s. 20 (20 Mai 1936), tr. 6 – 8; s. 21 (27 Mai 1936), tr. 21 – 24; s. 22 (3 Juin 1936), tr. 6 – 8; s. 23 (10 Juin 1936), tr. 16 – 18; s. 24 (17 Juin 1936), tr. 11 – 15; s. 25 (24 Juin 1936), tr. 6 – 10; s. 26 (01 Juillet 1936), tr. 17 – 21; s. 27 (8 Juillet 1936), tr. 16 – 18; s. 28 (15 Juillet 1936), tr. 10 – 12; s. 29 (22 Juillet 1936), tr. 15 – 17; s. 30 (29 Juillet 1936), tr. 21 – 23; s. 31 (5 Aout 1936), tr. 15 – 17; s. 32 (12 Aout 1936), tr. 15 – 17; s. 34 (26 Aout 1936), tr. 31.
Lưu Trọng Lư: Con voi già của vua Hàm Nghi, truyện dài, Hà Nội: Phổ thông bán nguyệt san,  số 14 bis (16/ 1/ 1938), tr. 45 – 141.
Chú thích: 
[a] cứu cánh: mục đích, mục tiêu sau cùng, tối hậu.
(1) Ngải là một thứ nhựa mà theo người ở miền núi có thần lực phòng giữ được thú dữ. (nguyên chú của tác giả L.T.L.)
(2) Người dân thường gọi cọp bằng Ngài. (nguyên chú của tác giả)
(3) Người nhà quê thủa trước thường tin một cách ngây ngô như vậy. (nguyên chú của tác giả)
(1) Trái đào non, rơi ngoài vườn hạnh, Chàng ơi chàng, chàng định liệu sao? (nguyên chú của tác giả L.T.L)
(1) Mouteaux (nguyên chú của tác giả L.T.L.)
(1) Chuyện này có nhiều người ở vùng Thanh Lạng vẫn còn nhắc lại. (nguyên chú của tác giả L.T.L)
(2) Thiếu úy Hugo ở Vinh sai vào. (nguyên chú của tác giả L.T.L)
(1) Phan Đình Phùng (nguyên chú của tác giả L.T.L.)
(2) Trương Quang Ngọc (nguyên chú của tác giả L.T.L.)
(3) Cái điếu này từ miền Bắc Quảng Bình mới có người dùng. (nguyên chú của tác giả L.T.L.)
[b] Lưu ý: Đoạn từ đề mục ‘Chà Mạc’ đến chỗ này: không thấy có trong bản đăng Phổ thông bán nguyệt san. Ở đây tôi khôi phục theo bản đăng Hà Nội báo, đoạn này đăng ở số 30 (29 Juillet 1936), tr. 21- 23. (L.N.Â.)
[c] Ở bản đăng Hà Nội Báo (s. 31, ngày 5/ 8/ 1936) tên đề mục này là: ‘Vua Hàm Nghi bị bắt’.
Lưu Trọng Lư
Theo http://lainguyenan.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Giáng: Người chưa bao giờ già

Bùi Giáng: Người chưa bao giờ già Bùi Giáng (1926-1998) là người hay được nhắc đến với biệt danh “trung niên thi sĩ” do ông tự nhận. Quãng...