Giữa Paris, một bên góc quảng trường Vauban, đằng sau viện Bảo tàng Les Invalides, sừng sững một công trình bằng đồng dựng trên một bệ đá rất cao. Công trình thể hiện tượng Tướng Galliéni được phong Thống chế năm 1921, sau khi ông đã qua đời. Bốn bề quanh bệ là bốn người đàn ông dan tay lên cao để khiêng ông tướng, bốn cột tượng hình dung phúng dụ bốn giai đoạn trọng đại trong đời sống của ông: Soudan là nơi ông bắt đầu sự nghiệp, Tonkin (Bắc kỳ) là vùng ông được xem như người đã có công bình định, Madagascar là xứ ông được bổ nhiệm Toàn quyền và Paris là thành phố ông được cử chỉ huy các hào lũy ngay từ những ngày đầu thế chiến thứ nhất. Tượng nầy do nghệ sĩ Jean Boucher thực hiện, được khánh thành năm 1926. Tượng trưng cho Bắc kỳ là hình dáng một người Việt xưa, áo dài khăn đóng.
Tò mò, tôi muốn tìm biết Tướng Galliéni là ai và tại sao lại có một người Việt cùng với ba người khác nâng cao ông ta trên nền trời Paris xanh thẳm, luôn tiện học lại một trang sử đất nước. Joseph-Simon Galliéni (1849-1916) sinh tại làng Saint-Béart, tỉnh Haute-Garonne là con một người Ý di tản qua Pháp. Xuất thân Trường võ bị Saint-Cyr năm 1868, ông được bổ nhiệm thiếu úy trong đoàn bộ binh Hải quân Pháp. Trong trận chiến 1870 chống quân Phổ, ông bị thương, bị bắt làm tù binh qua Đức đến 1871. Năm 1873, với chức trung úy, ông được gởi qua đảo La Réunion ba năm, rồi qua Dakar điều khiển những lính chiến Sénégal. Lên chức đại úy năm 1878, ông thương lượng thành lập nền đô hộ Pháp lên nước Mali. Sau nhiều thành công khác trong những cuộc điều đình về hiệp định thương mãi, ông lên chức trung tá và được bổ nhiệm Toàn quyền xứ Soudan thuộc Pháp. Chính ở đây mà ông đã ra tay trấn áp dã man một cuộc khởi nghĩa của dân bản xứ. Với chức đại tá năm 1891, ông đạt cấp bằng bộ tham mưu và trong ba năm 1892-1895 được gởi qua Bắc kỳ với nhiệm vụ bình định một vùng mà Pháp muốn chiếm đóng. Được phong thiếu tướng, năm 1896 ông qua làm Toàn quyền nước Madagascar. Trong tám năm, ông thành công trong nhiệm vụ mở mang một thuộc địa về đủ mọi mặt: hành chánh, kinh tế, giáo dục. Tham hiểu phong tục, tập quán, thông thạo nhiều ngôn ngữ địa phương, ông đã có công đặt nền móng cho một số cơ sở hạ tầng như đường xe lửa, trường ốc, viện Pasteur,... Với quân hàm trung tướng, ông trở về Pháp năm 1905, làm Tư lệnh quân khu Lyon, chỉ huy quân đoàn 14, tham dự Hội đồng Tối cao Chiến tranh, chủ tọa Hội đồng Tư vấn Bảo vệ Thuộc địa,... Về hưu tháng tư 1914, qua tháng tám ông được triệu trở lại làm Tư lệnh quân khu Paris ngay sau ngày khởi chiến chống Đức. Ông có dự phần vào cuộc thắng trận ở Marne, tương truyền nhờ vận dụng những xe taxi! Sau một thời gian ngắn làm Bộ trưởng bộ Chiến tranh năm 1915, ông lanh chóng từ chức và từ trần sau một cuộc phẩu thuật. Ông được an táng trong nghĩa địa thành phố Saint-Raphael trên bờ Địa Trung Hải.
Ông được gởi qua Đông Dương vào một lúc Pháp cần chiếm đóng miền bắc sau khi đã chinh phục miền nam. Những năm sau 1860, Chasseloup-Laubat, chủ tịch Hội Địa lý, không ngớt lên tiếng yêu cầu khảo sát những cao nguyên Lào. Bên phần Đô đốc La Grandière thì tin tưởng xứ Lào có thể làm điểm dựa để tiến vào địa phận Trung Quốc. Mãi đến năm 1866, viên Sĩ quan hải quân Doudart de Lagrée mới được phái đi thám hiểm ngược dòng sông Mêkong. Thật ra trước đó, nhà báo Henri Mouhot đã mở đường, viếng Angkor, đạt đến Luang-Prabang và mất tại đây. Doudart thấy ngay những khó khăn không những vì các ghềnh thác mà còn vì thái độ của dân địa phương sống hai bên bờ sông. Sau khi Doudart bị bệnh phải dừng lại và mất đi, sĩ quan phụ tá, Trung úy hải quân Francis Garnier, tiếp tục sứ mệnh, rời sông Mêkong, tiến vào thung lũng sông Dương Tử, trở về Thượng Hải rồi Sài Gòn năm 1868 với một số lớn tài liệu địa lý và dân tộc học. Năm 1872, ông xin nghỉ việc, đem vợ qua ở Thượng Hải để thử tiếp tục công cuộc đã bắt đầu với Doudart, thám hiểm phần trên sông Mêkong cho đến Tây Tạng. Nhưng sáu tháng sau, Đô đốc Dupré, Toàn quyền Cochinchine (Nam kỳ), triệu ông về Sài Gòn, giao cho nhiệm vụ ra Bắc kỳ giải quyết mọi xung đột giữa chính quyền bản xứ và những nhà buôn Pháp, đặc biệt Jean Dupuis là người đã nghĩ đến cách dùng sông Hồng để giao thông với Trung Quốc. Sau nầy trong hai năm 1872-1873, Dupuis bán súng ống cho các quan Tàu cũng theo đường ấy. Tháng mười một 1873, Garnier ra bắc với 200 quân và 4 khẩu đại bác, hết lòng ủng hộ Dupuis. Không thành công dùng ngoại giao thương lượng, ông tấn công và dễ dàng đánh chiếm Hà Nội rồi cho quân đóng khắp nơi. Một tháng sau, lúc ông tưởng có thể dụ được quan quân Việt, quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc thình lình đột nhập vào kinh thành. Quân Pháp chống cự đẩy lui được quân địch, Garnier thừa cơ chạy đuổi theo nhưng bị quân của Hoàng Kế Viêm phục kích chặt đầu ở Cầu Giấy vào ngày 21 tháng mười hai 1873.
Ở Huế, vua Tự Đức rất bất bình trước những thủ đoạn của Dupuis cùng những kẻ phiêu lưu ngoại quốc khác. Nhà vua nghĩ những người nầy đã xúi làm loạn dân công giáo (14 vạn riêng ở miền bắc), những bộ lạc miền núi, những hậu duệ các triều đại đối thủ cũ. Toàn quyền Dupré cũng biết vậy nên không thừa nhận chính thức Garnier nữa và gởi Đại úy hải quân Louis Philastre ra Huế đàm phán. Philastre đồng ý rút lui khỏi đất bắc, một bên Pháp công nhận nền độc lập và chủ quyền Đế quốc An Nam trong một thỏa ước ký ở Sài Gòn tháng ba năm 1874, bên kia vua phải hứa mở sông Hồng và ba hải cảng miền bắc cho thương mãi quốc tế. Tuy nhiên, qua tháng bảy 1881, ở Pháp chính phủ Jules Ferry được hai viện cấp 2,5 triệu đồng Phật lăng để gởi một đội viễn chinh thám hiểm sông Hồng đồng thời chính thức đánh dẹp quân cướp Tàu. Ngày 25 tháng tư 1882, cầm đầu một toán quân 500 lính, Đại úy hải quân Francis Rivière đánh chiếm thành Hà Nội nhưng bị quân Cờ đen giết ngày 19 tháng năm 1883 cũng ở Cầu Giấy. Lập tức, Jules Ferry tăng cường quân viễn chinh lên 4000 rồi 9000 rồi 40.000, ra lệnh cho Đô đốc Courbet chỉ huy một hạm đội tiến vào Biển Đông. Quân Pháp lần lượt chiếm đóng Nam Định (tháng ba 1883), Sơn Tây (tháng mười hai 1883). Lủng củng nội bộ vào lúc vua Tự Đức băng hà tháng tám 1883, triều đình Huế phải chấp nhận quyền bảo hộ Pháp qua hiệp ước Harmand (25 tháng tám 1883) hoàn chỉnh với hiệp ước Patenôtre (mồng 6 tháng sáu 1884), từ đây đất nước Việt Nam bị cắt ra thành ba phần...Pháp cũng thành công ký kết thỏa ước Thiên Tân ngày 11 tháng 5 năm 1884 với Trung Quốc, một cường quốc đến nay luôn có ý chí giữ quyền bá chủ trên đất nước ta, từ nay chấp nhận chế độ bảo hộ Pháp và rút quân về nước. Nhưng chỉ hơn một tháng sau, vì một chuyện lôi thôi ở Bắc Lệ, Courbet từ bỏ công ước, đánh chìm một phần lớn hải quân Trung Quốc ở Phúc Châu ngày 23 tháng bảy 1884. Với vài ba rắc rối khác được báo chí phồng lớn, ở Pháp dấy lên một phong trào chống cuộc khai thác thuộc địa ở Bắc kỳ, nhất là sau khi quân đội viễn chinh phải rút khỏi đồn Lạng Sơn, thành công đánh đổ chính phủ Ferry.
Tuy vậy, nghị viện mới vẫn tiếp tục biểu quyết cấp ngân quỷ và gởi qua Đông Dương Toàn quyền Paul Bert, nguyên là một nhà sinh lý học có tiếng, một chiến sĩ vô thần, một người luôn đề xướng trường học không tôn giáo. Nhưng Paul Bert bị lâm bệnh sốt, sớm từ trần, nhường chỗ cho Toàn quyền Paul Doumer, người xây dựng mở mang Hà Nội như ta thấy ngày nay. Ở Huế, vua Tự Đức mất đi không có con thừa tự, Thượng thư bộ Hình Tôn Thất Thuyết và Phụ chánh Đại thần Nguyễn Văn Tường mặc sức lần lượt lập phế các vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, mỗi vị vài ngày hay vài tháng, và sau cùng phong vua Hàm Nghi, 13 tuổi. Sau vụ tấn công đồn Mang cá thất bại hôm mồng 4 tháng bảy 1885, Tường và Thuyết phò vua chạy ra Tân Sở, được xây dựng từ hai năm trước, và khởi động phong trào Cần Vương (*) chống Pháp. Trong luôn ba năm, cho đến lúc vua Hàm Nghi bị bắt năm 1888, kháng chiến được sĩ tử tổ chức khắp nơi. Được biết nhiều nhất là Phan Đình Phùng, nguyên là quan Ngự sử đô sát viện, người cương trực, ngay thẳng. Vì bất đồng ý kiến với Thuyết, ông bị cách chức nhưng sau đó được phục chức, bổ làm tham biện Sơn phòng Hà Tĩnh. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông được vua phong tản lý quân vụ, lãnh đạo nghĩa quân xây dựng căn cứ ở Hương Sơn, Hương Khê, thuộc Hà Tĩnh, có nhiều trí thức, nhà khoa cử lại góp sức. Khi biết Trương Quang Ngọc làm phản để cho Pháp băt vua, ông đích thân đi bắt Ngọc và chém đầu. Trong luôn mười năm, cho đến 1895, chết vì bệnh lỵ, ông đã bao lần lần giao chiến và gây nhiều tổn thất nặng nề cho quân địch, một lòng một dạ không hề chịu nghe lời dụ dỗ, mua chuộc. Nguyên Tổng đốc Bình Định, khét tiếng sau vụ trấn áp ở Quảng Ngãi, Nguyễn Thân được phong Khâm mạng Tiết chế Đại thấn, lãnh toàn quyền suốt mấy tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Với 4000 dân quân đầy đủ súng ống, ông thề sẽ đánh tan hệ thống Phan Đình Phùng. Không bắt sống được người hùng được toàn dân kính phục và che chở, ông chỉ còn biết quật mộ, đổ dầu đốt cháy thi hài thành tro, cho trộn vào thuốc súng bắn xuống sông La. Mất chủ soái, một số tướng lãnh đau bệnh chết, chạy trốn sang Xiêm hay ra hàng, phần lớn còn lại chiến đấu đến cùng, 23 vị chỉ huy bị bắt và xử tử.
Nhưng kháng cự quân Pháp không chỉ có Cần Vương rất phát triển ở miền trung, Bửu Sơn Kỳ Hương với Đạo Lành (Năm Tiếp) trở thành Đạo Phật Đường trong nam. Ngoài bắc còn có một số quân Tàu, nào Cờ đen với Lưu Vĩnh Phúc, nào Cờ vàng với Hoàng Sùng Anh, vùng vẫy suốt miền núi Bắc Việt mà quân Pháp chia làm bốn khu. Khu thứ nhì Lạng Sơn có tiếng là náo động nhất và năm 1892 Pháp gởi qua đây một viên sĩ quan đã có nhiều kinh nghiệm ở Sénégal, Mali, và nhất là Soudan bên châu Phi là Đại tá Galliéni đã thấy ở trên. Để chống chỏi quân phiến loạn, ông áp dụng một phương pháp gọi là vết dầu: ông ra lệnh phát khí giới cho người Thổ, tập cho họ sử dụng để tự bảo vệ chống quân cướp. Thật ra, ông không phải là người đã phát minh ra phương pháp nầy, dù sao chỉ giúp thắng được một vài đầu đảng. Ông không biết trước mặt ông không chỉ có quân mà họ gọi là pirate (kẻ cướp) mà còn có những đoàn quân kháng chiến chống một quân đội viễn chinh nhẫn tâm đốt làng, giết chóc, bắt bớ dân chúng đưa đi làm cu ly,... Họ tổ chức kháng cự từ ngày có mặt quân Pháp và phong trào Cần Vương lại đúng lúc hiến cho họ một kích thước hợp pháp, ít nhất cũng trong mắt những người tin Hàm Nghi là một ông vua chính đáng. Bên cạnh những nhà thâm nho như Nguyễn Tiến Thuật (tức Tân Thuật), Nguyễn Quang Bích,... có một bộ mặt mà mọi người Việt không thể dửng dưng khi nghe nói đến tên: Hoàng Hoa Thám tức Đề Thám, biết danh hùm thiêng Yên Thế, người anh hùng đã chống đội quân Pháp đông gấp hai mươi lần, trong hơn một phần tư thế kỷ. Lý lịch xuất thân của ông có nhiều bản khác nhau. Chính thức ông là con ông Trương Văn Thận và bà Lương Thị Minh quê làng Dị Chiến, huyện Tiên Lữ, tĩnh Hưng Yên. Nhiều giả thuyết khác cho cha ông là một quan án, một người khách lai chết trong tù hay một người thợ làm nghề may vá mang tên Phó Quát. Sinh ra năm 1858 ở làng Ngọc Cúc, phủ Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, sớm mồ côi cha mẹ, Trương Văn Nghĩa (hay Thiêm tức Giai Thiêm) làm nghề giữ trâu, sống như người cùng khổ ngoài vòng xã hội. Ít nói, trầm mặc nhưng rất khỏe mạnh, chàng trai có một sức làm việc gấp ba, bốn người. Một ông phú hộ, Ba Phúc, đem về nhà ở và cho cưới con gái của ông, Thị Tảo, một bà tảo tần, đảm đang, sinh cho ông đứa con trai đầu lòng và độc nhất, Cả Trọng. Tuy là phú hộ, chánh tổng, Ba Phúc cũng còn là một tên đầu đảng. Một hôm có tên cướp đốt làng Nhả Nam, Ba Phúc mang bộ hạ chạy bắt tướng cướp, trở nên lãnh tụ Yên Thế và Giai Thiêm một tay cự phách.
Để bắt đầu, chiến công của Giai Thiêm vào tuổi 26 năm 1884 là đào tường trú quân Dục Lâm đánh cắp ba khẩu súng, sau đó vượt rào Làng Sao đoạt thêm được hai khẩu khác, đủ để lập thành một nhóm riêng biệt đầu tiên. Từ nay chàng xông pha chiến trận, lần lượt dưới quyền Trần Quang Soạn, Lương Văn Nắm tức Đề Nắm, rồi dưới cờ khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh tức Cai Kinh. Ông nầy thấy ra ngay những đức tính hiếu chiến của chàng trai, phong cho chức đốc binh, nhận làm con nuôi, nên anh mang tên Hoàng Hoa Thám. Cai Kinh mất năm 1888, Thám trở về với Ba Phúc, lại cho làm con nuôi và được phong đề đốc. Bắt đầu từ đây, Đề Thám là cánh tay mặt của Ba Phúc và tung hoành đánh phá quân Pháp trên trục Bắc Ninh - Phủ Lạng Thương. Danh xưng hùm thiêng Yên Thế không phải ngẫu nhiên mà có. Người Pháp, như Galliéni đã có nói, luôn tin tưởng vùng Yên Thế cây cối um tùm, đồi núi hiểm trở, là nơi rất tiện lợi cho việc ẩn trốn của quân cướp cũng như kẻ kháng chiến. Hơn nữa, theo lời Thiếu úy Hubert Lyautey, lúc bấy giờ là phụ tá Galliéni, Yên Thế còn có một ưu thế cho Đề Thám là nằm giữa hai khu quân sự của đội viễn chinh Pháp, ông ta mặc sức vận dụng sự cạnh tranh hành chánh của đôi bên để giữ thăng bằng và từ mười năm nay biết bao đội quân, biết bao tướng tá Pháp đã kiệt sức ở đây. Cách Hà Nội có 60 km, nằm 20 km phía bắc đường xe lửa Phủ Lạng Thương - Lạng Sơn, từ Yên Thế nghĩa quân dễ đem quân đến đánh những thị trấn nầy. Những trận thắng của Đề Thám kéo thêm về với ông các thủ lĩnh những băng đảng khác. Rút cuộc, không những chỉ lợi dụng lợi thế thiên nhiên, quân kháng chiến còn xây thành lũy kiên cố, Ba Phúc ở Cao Thượng, Đề Thám ở Hồ Chuối, cho nên Yên Thế được cho là đất nước của Đề Thám.
Trước những trận thắng của Đề Thám và các lãnh tụ khác rải rác khắp miền bắc, những cuộc phản công do Galliéni, lúc bấy giờ chỉ huy cả hai khu 1 và 2, tổ chức và phối hợp không đem lại kết quả mong muốn. Lần đầu, quân Pháp lấy một quyết định chưa từng thấy: hợp lực với quân đội bình định đất bắc là một cuộc lùng bắt do một vị quan Việt điều khiển. Vị quan được chỉ định là Tổng đốc Hưng Hóa Lê Hoan. Ông nầy là con nuôi vị Kinh lược Bắc kỳ, Khâm sai Hoàng Cao Khải, một người vừa giàu vừa có nhiều quyền thế. Lê Hoan cũng không vừa tay, một người thông minh, có nhiều tham vọng, một bàn tay sắt trong một găng tay không hoàn toàn bằng nhung, nhất là một kẻ thù không đội trời chung với Đề Thám. Chỉ huy một đội quân đầy đủ khí giới, Lê Hoan không chỉ thị oai mà còn dụ dỗ, hứa hẹn, quà cáp. Phương pháp thấy ra đem lại kết quả đáng kể: nhiều đầu đảng về đầu hàng, năm 1894 đặc biệt Ba Phúc biết thương lượng để còn giữ một số quân binh và được cấp tiền để mua đất ở Cao Thượng, mua nhà ở Bắc Ninh. Ba Phúc coi cuộc đàm phán nầy không phải chỉ cho một mình ông mà còn gồm cả Đề Thám. Nhưng Đề Thám thì nghĩ khác: từ nay không còn bị ràng buộc với vị cha nuôi nữa, ông trở nên nhà lãnh tụ dương cao ngọn cờ Cần vương. Ba Phúc tức giận, nuôi mộng trả thù, bàn kế với Công sứ Muselier, kêu Đề Thám lại gặp trong một ngôi nhà, trước cho uống nước trà có chất độc, sau cho nổ bom dưới giường để cố giết người con nuôi. Mọi sự không thành, Đề Thám thoát nạn, chạy trốn lên vùng Thái Nguyên. Được Bang Kinh, Diêu Khê, Đề Huynh và băng đảng đến giúp sức, Đề Thám lại bắt đầu đánh phá. Trong trận đánh đường xe lửa từ Lạng Sơn đi Bắc Lệ, ngoài chiến lợi phẩm, quân kháng chiến còn bắt hai người Pháp, Chesnay, nghiệp chủ nông trường và chủ báo L'Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc kỳ). Tình cờ Chesnay là bạn của Công sứ Bắc Giang Quennec, và qua trung gian ông nầy, Đề Thám thương lượng một cuộc trở về.
Ngày 30 tháng mười 1894, Đề Thám chính thức hạ súng, cam đoan chấm dứt mọi cướp phá, chịu nhận một tòa đại diện của công sứ ở Nhã Nam thay vì một doanh trại (nghĩa là Yên Thế hết còn dưới sự kiểm soát của quân đội), đằng kia ông được giao trách nhiệm cai quản 4 tổng Nhã Nam, Hữu Thương, Yên Lễ, Mục Sơn (vùng cao Yên Thế) gồm có 22 xã, 2600 dân, được biếu một số tiền 15.000 đồng bạc, miễn thuế trong ba năm. Để thi hành thỏa ước này, Galliéni ra lệnh cho dân quân thay thế quân binh trong các đồn gát đường xe lửa. Ngày 10 tháng chạp 1894, Đề Thám dọn về ở Phồn Xương với gia đình và bộ hạ. Nhưng sau đó, khi Toàn quyền Armand Rousseau mời ông về Hà Nội để chính thức hóa thỏa ước, ông từ chối, viện cớ cần phải ba năm để chuẩn bị. Tuy nhiên những năm nầy tình hình rất yên ổn trong vùng. Đề Thám gặp nhiều những nhân sĩ chạy trốn bên Tàu, tiếp xúc cụ Phan Bội Châu, trao đổi thư từ với Tôn Thất Thuyết : câu viết trong thư không có gì thay đổi ở huyện Thiên Đức, mặc dầu mọi sự như biến đổi được hiểu là cuộc tranh đấu vẫn tiếp tục mặc dầu có sự đầu hàng. Thật vậy, từ tháng tư 1895, nghĩa quân lại bắt đầu quấy nhiễu đến nỗi Toàn quyền Rousseau đặt lại vùng Yên Thế dưới quyền Galliéni. Ngày 25 tháng mười một 1895, Galliéni gởi một tối hậu thư cho Đề Thám buộc đầu hàng không điều kiên, không được trả lời, ngày 28 ông cho tấn công xông đồn lũy cách Phồn Xương hai km thì không còn ai ở đấy nữa. Quân Pháp lục lọi rà kiếm khắp nơi chỉ bắt được đàn bà, con trẻ. Trừ một số nhỏ nghĩa quân ra đầu hàng, phần lớn những bộ hạ thân cận như Thống Luận, Thương Trú, Đốc Khê, Đốc Hậu,... đều đã theo Đề Thám cao chạy xa bay hay trốn lẫn gần đây vì nhân dân đang còn tin tưởng ở Cần vương và Đề Thám luôn còn nắm vững Yên Thế. Ngày 24 tháng mười hai 1895, Galliéni được triệu hồi gởi đi Madagascar, công tác bình định Bắc kỳ giao phó ba năm trước chưa thành tuy tổ chức của ông khá hoàn hảo và ông đã thắng được vài trận nhỏ. Ông đánh giá Đề Thám là một địch thủ biết tính trước mọi sự một đầu não con người có thể dự kiến và những lệnh ông ban ra mang dấu ấn của một bậc thiên tài.
Có mặt Galliéni hay không, Đề Thám vẫn đánh phá tuy có phần thiếu thốn về mặt vật chất. Đầu năm 1897, ông hợp tác với một nhân vật khá lạ lùng, hy vọng thoát ra được bước khó. Kỳ Đồng, tên thật Nguyễn Văn Cẩm, là một chàng trai thông minh xuất chúng, có khiếu văn chương thần diệu, tinh thần quốc gia mãnh liệt, được người Pháp cho qua học bên Alger năm 1887 (ở đây ông có tiếp xúc cựu hoàng Hàm Nghi), mười năm sau trở về nước, cùng với bác sĩ Gillard khai khẩn một đồn điền ở Yên Thế. Kỳ Đồng có tham vọng dấy lên một phong trào cách mạng, nhưng âm mưu tấn công tòa sứ và trại giám binh bại lộ, ông bị bắt và bị đày qua đảo Tahiti. Cùng lúc, Mạc Đĩnh Phúc cầm đầu một nhóm Thiên binh, thất bại trong cuộc dấy loạn ở Hải Phòng. Trước thời cuộc khó khăn, Đề Thám thương lượng phục tùng nhưng chuyện không thành và lại phải chạy trốn vì quân Pháp quyết rược bắt cho được. Lúc bấy giờ, mọi làng xã quanh Tam Đảo có khả năng tiếp tế lương thực cho nghĩa quân đều bị đốt cháy, dân cư tản mát khắp nơi. Chỉ còn một số nhỏ bộ hạ với 16-17 khẩu súng, cần hòa hoản để củng cố lực lượng, ngày 13 tháng mười một 1897, Đề Thám viết một đơn đầu hàng nhờ đức Giám mục Bắc Ninh Velasco chuyển lên Toàn quyền Doumer, trong ấy ông xin được yên ổn khai khẩn đất đai để thành lập một làng ở Phồn Xương, một đội gác 25 lính với 25 khẩu súng, một thời gian chuẩn bị ba năm trước khi cùng bộ hạ đến trình diện. Cần giải quyết cấp tốc vấn đề Yên Thế để xin chính phủ Pháp một số tiền 200 triệu đồng Phật lăng dùng vào cuộc phát triển Đông Dương với một kế hoạch rộng lớn các công trình xây dựng, Doumer chấp thuận đơn đầu hàng. Phải đợi đến ngày 17 tháng tư 1901, cuộc đầu hàng mới thành chính thức: Đề Thám đem bộ hạ lại tuyên thệ ở Đình Neo, trước mặt Chéon, đại diện Khâm sứ Bắc kỳ, Quennec, đại diện Công sứ Bắc Giang và cả Lê Hoan, Tổng đốc Hưng Hóa.
Vào tuổi 43, Đề Thám lúc bấy giờ là một người vạm vỡ, cao 1,65m, mắt sáng, đầu trọc, vai trái và cổ mang những vết sẹo bị trúng đạn. Người ta để ý thấy ông luôn đeo một viên ngọc, nghe nói tìm ra trong bụng một con rết, theo truyền thuyết có quyền lực mầu nhiệm che chở ông chống súng đạn. Ông có năm bà vợ, nhưng được sủng ái là bà thứ ba, Đặng Thị Nho, sinh cho ông năm 1900 cô gái Hoàng Thị Thế và năm 1908 cậu con trai Hoàng Hoa Phồn thân sinh của bà Hoàng Thị Điệp sau nầy sinh sống ở Hà Nội. Ngoài ra, Đề Thám còn có hai người con nuôi, Cả Rinh và Cả Huỳnh, cả hai đều là con những đầu đảng đã vào sinh ra tử với ông. Với gia đình và bộ hạ 50 người, ông biết khai khẩn và đồn điền mau phát triển. Khi cần nhân công, ông mộ tuyển dễ dàng người Việt cũng như người Thổ, Mán trong vùng. Là một người mộ đạo, ông cho xây một ngôi chùa nhỏ, thờ cúng những binh sĩ Cần vương đã hiến thân, thỉnh thoảng đem bộ hạ lại đây tuyên thệ trung thành. Trong vùng, mỗi khi cần sửa chữa đình chùa, nhà thờ, dân làng không quên lại báo và ông sẵn sàng cúng hiến vật liệu, tre, gỗ. Biết gìn giữ, phát huy phong tục, tập quán, mến chuộng văn hóa, văn nghệ, ông không quên tổ chức các hội thi phóng ngư, phóng diều, phóng đăng, những lễ hội cầu may, cầu siêu, mời các phường tuồng lại biểu diễn, hát lượn, hát thi. Từ nay mọi người sống trong hòa bình, thịnh vượng. Vùng Yên Thế xem như đã được bình định, Phồn Xương trở nên trung tâm giao lưu văn hóa, nhiều bậc túc nho làm nơi trốn tránh chính quyền bạo ngược, nhiều khách tò mò muốn lại viếng thăm, như một ông Monnier nọ muốn gặp Đề Thám để xem mặt mũi một người đã gây rắc rối cho chính quyền bảo hộ mấy chục năm liền. Tuy nhiên, cùng lúc ấy lợi dụng thời hòa hoãn, ông kín đáo mở rộng địa bàn hoạt động, phát triển nghĩa quân, tổ chức đảng Nghĩa Hưng, Trung Chân ứng nghĩa đạo,...Qua năm 1904, sau một chuỗi xích mích giữa Đề Thám và bác sĩ Gillard có đồn điền bên cạnh, ông nầy bực tức gây chuyện, tố cáo Đề Thám lại gây rối loạn, tờ báo l'Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc kỳ) còn lên tiếng đòi dùng vũ lực trừng phạt. Viên công sứ sở tại, sau một chuyến thanh tra tại chỗ, giảng hòa đôi bên tuy dành cho Gillard nhiều quyền lợi hơn.
Từ đây Đề Thám luôn sống yên tĩnh, tuy nhiên nhiều vụ cướp bóc còn xảy ra đây đó và mỗi lần người ta bảo thủ phạm chạy về trốn ở Yên Thế, nên dù được Công sứ Bắc Giang Quennec che chở, viên Công sứ Băc Ninh Hauser tiếp tục lên án Đế Thám. Để trấn an chính phủ bảo hộ, Đề Thám giúp bắt vài tên cướp hay xúi vài nghĩa quân đầu hàng, kết quả là ở Hà Nội báo chí chia nhau ra hai phe. Trong phe chống Đế Thám đã thấy tờ L'Avenir du Tonkin bây giờ thêm L'Indépendance Tonkinoise(Độc lập Bắc kỳ) tuy tờ nầy công nhận đề Thám đã góp phần giúp bắt những tên cướp. Bên phe kia,Le Courrier de L'Extrême-Orient (Thư tín Viễn Đông) là tờ của chính phủ nêu cao công trình phát huy kinh tế và bình định vùng Yên Thế của Đề Thám. Nhiều nhà báo không tin ở lòng thành thật của Đế Thám khi đầu hàng và nghĩ vùng Yên Thế luôn còn là chỗ ẩn náu của nghĩa quân chống Pháp. Thêm vào đó, Cả Rinh và Cả Huynh dấy lên một phong trào chống Pháp mảnh liệt, có khi nhúng tay vào những vụ đánh cướp khiến tờ L'Indépendance Tonkinoise lại lên tiếng kết án Đề Thám và một lần nữa chính phủ bảo hộ phải đứng ra dàn xếp vì chỉ sợ Đế Thám tức giận trở lại vào rừng thì lại càng rắc rối. Qua đầu năm 1905, sau khi Nhật thắng Nga ở Port Arthur, chớm nở phong trào Đông Du, đem lại một luồng khí mát cho các nghĩa quân. Phan Bội Châu một lúc hy vọng Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam dành lại độc lập nhưng một năm sau, Nhật trở nên đồng minh với Pháp, những nhân sĩ cũng như sinh viên Việt bị đưổi ra khỏi đất Phù Tang. Biết từ nay phải tự lực cánh sinh, tuy không được cụ Phan Chu Trinh đồng ý, cụ Phan Bội Châu đi khắp miến nam Trung Quốc và Hồng Kông tiếp xúc, khích lệ mọi nhóm lãnh tụ quốc gia, thuyết phục Đề Thám, nhân vật tượng trưng tinh thần kháng chiến, góp phần tích cực vào cuộc khởi nghĩa đang được chuẩn bị, ý thức phong trào Duy Tân đang lên đã thay thế phong trào Cần Vương hết còn có ý nghĩa. Với đông đảo nghĩa quân, sư sải trong vùng, Yên Thế đưọc chọn làm căn cứ chủ yếu của kế hoạch.
Tháng tám 1907, đúng giữa lúc vua Thành Thái bị truất phế và vua Duy Tân lên ngôi để rồi bị hạ bệ (**), Đề Thám triệu tập ở đình Phồn Xương một cuộc họp các bộ hạ với nhiều khách tới từ miền nam Trung Quốc và khắp nơi miền bắc đất Việt để quyết định khởi nghĩa. Sau hai cuộc nổi loạn ở đồn Hà Nội và Tông cạnh Sơn Tây thất bại vì quân Pháp biết trước nên đã thu hồi đạn dược, một cuộc tấn công thành Hà Nội năm 1908 sau khi đầu độc các đồn lính (vụ Hà thành đầu độc) cũng không thực hiện được vì có mấy người lính công giáo lại báo truớc cho quân Pháp, Toàn quyền Klobukowski quyết định kết thúc cái gai Đề Thám qua cuộc phản công ngay vào sào huyệt là đồn Chợ Gồ, nơi Đề Thám cư ngụ, và xã Am đông, nơi Cả Rinh và Cả Huỳnh ở. Trước chỉ có quân Pháp, sau có Tổng đốc Hải Dương Lê Hoan thăng chức Khâm sai lại giúp, hơn năm năm chẳng bắt được Đề Thám. Mãi đến ngày 10 tháng hai 1913, ba người Tàu được Lưu Văn Phúc, em đầu đảng Lương Tam Kỳ, mưu kế cho giả dạng quân cũ của Lương Tam Kỳ lại xin nhập bọn để được gần gũi Đề Thám và thừa cơ giết chế cùng hai bộ hạ Theo bản khẩu cung thì khi thi hài đem về nộp cho quân Pháp đầu Đề Thám đã bị cắt, thân thể bị phân phui có lẽ để tìm viên ngọc thần bí, gan cùng túi mật cũng chẳng còn nữa. Sau đó, ba cái đầu bị bêu ở chợ Nhã Nam và ba thi hài được đem thiêu. Công sứ Bắc Giang Poulin sợ nếu cơ thể Đề Thám còn nguyên vẹn, nghĩa quân sẽ đem về thờ làm người anh hùng chết vì nghĩa. Tuy nhiên cũng có người tin Đề Thám là người rất cảnh giác, không thể bị ám sát, cắt đầu mà thành công tẩu thoát, sau đó mới chết và được chôn ở Hổ Lẩy (Đồng Gia, Tân Hiệp, Yên Thế, Bắc Giang) là nơi hiện nay được cho có lăng mộ của ông. Còn có thuyết cho Đề Thám sống những ngày cuối đời tại nhà Thống Luận, mất và được chôn ở làng Trũng (Ngọc Châu, Tân Yên) hay chôn ở thôn Tân Lập (Mai Trung, Hiệp Hòa, Bắc Giang) là nơi có một nhà thờ ông. Cái chết của Đề Thám còn để lại nhiều nghi vấn, thực tế đem lại cho Lưu Văn Phúc 20.000 đồng bạc, Lương Tam Kỳ đuợc phong chức Đề đốc, ba tên Tàu được phúc thuởng tiền và trả tự do về lại Thái Nguyên. Còn có tên Lý Bạc tức Chánh Tây, tuy theo Đề Thám, lại dẫn đường cho quân Pháp, cũng được thưởng một thửa ruộng ở Đình Thép. Rút cuộc, trong số các viên toàn quyền nối tiếp nhau ở Đông Dương, Albert Sarraut tốt số có nhiệm kỳ đúng vào lúc Đề Thám bị giết nên được xem như là người đã bình định đất bắc, thay vì Galliéni đã đặc biệt gởi qua làm công tác này.
Kiêm soát vùng Yên Thế, từ Lạng Sơn đến Cao Bằng, Đề Thám đã chế ngự cả vùng đồng bằng sông Hồng và vùng cao nguyên Băc kỳ. Có câu nói thường gán cho Galliéni : ai nắm được Lạng Sơn là nắm Bắc kỳ, mà nắm được Băc kỳ là nắm Đông Dương. Thủ hiểm trong một sào huyệt khó tấn công, Đề Thám là một mối de dọa thường xuyên cho chính phủ bảo hộ, nhất là nhờ phong trào Cần vương ông được hợp pháp hóa. Đánh ông không nổi, nhiều vị trong bộ máy cai trị như Toàn quyền Paul Doumer buộc phải thương thuyết. Bài toán Đề Thám chỉ được giải quyết bằng một mưu mẹo của người quen biết mà ông không dè. Đối diện Đế Thám - Galliéni ở Yên Thế trong cuộc đánh xâm lăng cuối thế kỳ XIX là một trong những cuộc đương đầu quân sự giữa quân Pháp và quân Việt. Lịch sử còn hiến những cuộc đương đầu khác. Trong thời kỳ kháng chiến dành độc lập gần đây, cũng cùng một bối cảnh, qua những năm 1947-1950, hổ thiêng Yên Thế nhường chỗ cho hùm xám đường số 4.
Xô thành cuối xuân 2009
Huế Xưa và Nay 93 (2009) có sửa chữa và bổ sung (2016)
(*) Một bức chiếu Cần vương đã được giới thiệu trong Huế Xưa và Nay số 15, tháng hai 1996, gần đây lại được "phát hiện" trên báo chí Việt Nam. Trong một bài phỏng vấn, nhà nghiên cứu Phan Thuận An, anh bạn của tôi ở Huế, có nhắc lại lời tôi viết: "Nếu các sử gia đánh giá nó là một tài liệu qúy báu thì các cơ quan phụ trách phải thương lượng cho nó trở về lại" rồi đặt câu hỏi: "Song gần 13 năm trôi qua, tôi vẫn không nghe nhà chức trách hay nhà chuyên môn đề cập đến vấn đề nầy". Xin thưa: Sau khi gởi bài về Huế, tôi có hỏi ý kiến ông Jean Rouget (nay đã mất), vị công sứ Pháp cuối cùng ở Đà Lạt năm 1954, Phó Hội trưởng hội Những Người Bạn Viễn Đông AFAO, có lẽ người đã khởi xướng chuyện dịch và in tờ chiếu nầy trong tờ báo của hội, về chuyện hồi hương của bức chiếu, ông cho biết là khó vì gia đình Đô đốc Thierry d'Argenlieu hiện chưa sẵn sàng biếu tặng. Tuy vậy, tôi cũng viết thư cho gia đình Đô đốc và được gặp một người cháu của ông, Antoine L.R. Thierry d'Argenlieu, giáo sư sử học. Ông nầy cũng nói như ông Rouget, viện cớ là người Việt không thích Đô đốc vì bảo Đô đốc không chịu cho Việt Nam độc lập, thật ra theo ông, không phải thế, chính Tướng De Gaulle không cho phép Đô đốc dùng danh từ độc lập. Tôi vội nói ông cứ về Huế rồi nhân buổi tiếp tân, trong bài diễn văn, bày tỏ hư thật cho nhân dân Việt Nam. Muốn đề nghị của tôi thêm phần thuyết phục, tôi viết thư về Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế. Lập tức, anh Thái Công Nguyên, lúc ấy là Giám đốc Trung tâm, nhờ tôi chuyển lại thư mời chính thức đại diện gia đình Thierry d'Arrgenlieu về Huế mang theo bức chiếu tặng cho Trung tâm. Sau một thời gian suy nghĩ, ngày mồng 2 tháng giêng 1998, ông Antoine Thierry d'Argenlieu nhờ tôi chuyển về anh Thái Công Nguyên một lá thư trả lời gia đình ông ta không tặng bức chiếu được vì muốn tập trung mọi kỷ niệm của Đô đốc lại một nơi. Tôi chỉ mong sau nầy sẽ có ai thành thạo ngoại giao thành công hơn tôi.
Về thân thế vua Hàm Nghi, xin xem Võ Quang Yến, Nửa đời nghệ sĩ vua Hàm Nghi, Chim Việt Cành Nam (chimviet.free.fr) 62 20.12.2016
(**) Võ Quang Yến, Hoàng thân Vĩnh San ở đáo La Réunion -; Những ngày cuối cùng của vua Duy Tân trong Gửi thương về Huế, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - Nhà xuất bản Văn học 2006 -; Chim Việt Cành Nam (chimviet.free.fr) tái bản, tập 5, Huế qua trang sử, 51 10.05.2013.
Tham khảo:
- Colonel Galliéni, Les colones et la pacification, Histoire de l'Indochine, Le destin 1885-1954, SPL Henri Veyrier, Paris 1883
- Général Galliéni, Trois colonnes au Tonkin, 1894-1895, Chapelot, Paris 1899
- Paul Chack, Hoang-Tham pirate, Les Editions de France, Paris 1933
- Philippe Devillers, Pierre Festié, Lê Thành Khôi, L'Asie du Sud-Est, t.II, Sirey, Paris 1971
- Pierre Brocheux, Daniel Hémery, Indochine, la colonisation ambiguë, La découverte, Paris 1995
- Philippe Devillers, Français et Annamites, Partenaires ou ennemis? 1856-1902, Denoël, Paris 1998
- Charles Fourniau, Vietnam, Domination coloniale et résistance nationale 1858-1914, Les Indes Savantes, Paris 2002
- Marc Michel, La mémoire d'un "grand colonial": Galliéni, Etudes coloniales, 09.05.2006
- Claude Legendre, Le De Tham (1858-1913), L'Harmattan, Paris 2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét