Dưới mái nhà sàn
Trên mái cọ, những hạt mưa xuân lất phất đọng thành giọt tí
tách bên hiên nhà sàn. Căn nhà liếp nứa gió lùa vào bếp khiến chị rụi mắt liên
tục vì khói. Tiếng ho của anh mỗi lúc yếu dần, anh không còn đủ sức để kêu lên
vì đau đớn nữa. Cả nhà vì cơn đau của anh mà lắng lòng lại, chẳng ai nói với
nhau điều gì chỉ còn những giọt nước mắt và bàn tay xiết chặt kìm nén nỗi đau sắp
ập xuống tổ ấm nhỏ bé của chị.
Tiếng chuông điện thoại reo lên trong đêm muộn, tôi quờ tay lấy
điện thoại. Đó là cuộc gọi đến của mẹ, tôi thấy trong lòng hốt hoảng vì chưa thấy
mẹ gọi muộn như thế bao giờ. Tôi vừa bắt máy đã nghe thấy giọng mẹ run rẩy:
Con à, chị Tuyết đã gọi điện báo cho con chưa?
Tôi biết là đã có chuyện chẳng lành xảy ra. Mẹ nghẹn ngào:
Anh rể con bị ung thư gan giai đoạn cuối rồi. Con cố gắng sắp xếp thời gian lên
thăm và động viên anh chị. Mẹ tôi đang rất rối bời và nghe tin dữ đó tôi vẫn phải
tự trấn tĩnh mình rằng sẽ không sao. Nhưng rồi mọi thứ đã tồi tệ hơn sau đó. Mọi
thứ diễn ra quá nhanh và bất ngờ.
Vừa mùng 3 Tết cả nhà anh chị và nhà tôi còn đi cùng chuyến
xe về quê thăm mẹ. Tôi thấy anh da sạm đen và có phần mệt mỏi, tôi hỏi thì anh
vẫn cười bảo do anh đi làm vất vả, nắng nôi nhiều thôi không sao đâu dì. Tết
này về anh như linh tính được mọi chuyện sắp xảy ra, anh đi tết thăm hỏi hết
các nhà anh em trên quê.
Lên thăm anh, anh đã gầy sọp đi hẳn nhưng vẫn rất lạc quan.
Tôi vẫn mong có phép màu kì diệu sẽ thay đổi được hiện tại, tôi đưa anh xuống Bệnh
viện Đa khoa Hùng Vương khám lại lần nữa. Anh đau đớn nhưng cũng không kêu than
nửa lời, nhìn chị dìu anh cầm phiếu chỉ định khám đi từng phòng khám mà lòng
tôi quặn thắt. Sau mấy tiếng đồng hồ ở bệnh viện, bác sĩ gọi vào phòng trả kết
quả. Bác sĩ nhỏ nhẹ nói: Sao anh chị không đi khám sớm hơn, giờ em sẽ liên lạc
giúp anh chị bác sĩ ở trung ương để anh chị khám thêm một lần nữa để có kết quả
chuẩn xác hơn. Thực ra bác sĩ chỉ đang cố gắng động viên anh thôi chứ mọi thứ
đã không còn kịp nữa rồi.
Anh chị nén nỗi đau trở về căn nhà sàn mái cọ lâu năm đã dột
nát. Chị chạy vạy khắp nơi tìm thuốc thang cho anh, chỉ cần có ai mách ở nơi
nào có thuốc chữa được bệnh là chị tìm bằng được chỉ mong vớt vát được điều gì.
Đã gần một tháng trôi qua, những bát thuốc nam chị sắc đã không chiến thắng được
những cơn đau đang hành hạ anh từng ngày, hạch mọc lên khắp cơ thể yếu ớt của
anh.
Anh chị đưa nhau xuống viện lần nữa. Trong sự nghèo túng vì bệnh
tật, giữa ranh giới của sự sống và cái chết mong manh mới thấu được hết nỗi đau
tận cùng của một người vợ. Chị tôi vốn phải chịu thiệt thòi vì gia đình khi từ
nhỏ đã không được đến trường để ở nhà phụ mẹ làm lụng vất vả nuôi các em đi học.
Tưởng chị sẽ được bù đắp lại những thiếu thốn nhưng bờ vai vững chắc, trụ cột
cuối cùng giờ cũng không còn ai đủ sức giữ lại giúp chị. Anh nằm viện, trưa và
tối nào tôi cũng tranh thủ ra chăm anh để chị chợp mắt một chút. Một tuần thở ô
xy ở bệnh viện càng khiến anh đau đớn hơn vì có thể chỉ trong một cái chớp mắt
là anh sẽ mãi không thể ở lại bên chị nữa.
Và điều không muốn cũng đã xảy ra. Chiều tối sầm lại, những
hơi thở nặng nhọc yếu dần và lịm hẳn. Một ngày tháng ba mưa bụi giăng kín ngoài
thung, chị tôi đội tang trắng tiễn đưa anh về đất mẹ. Từ giờ anh sẽ không còn
phải chịu thêm một nỗi đau nào nữa còn nỗi đau của chị không biết đến khi nào mới
nguôi ngoai.
- Dì Thứ ơi em Quỳnh Chi ngoan không? Hôm nay Bí đi học
được phiếu bé ngoan nhé.
- Bí của dì ngoan lắm. Thế Bí đến lớp cô giáo dạy gì nào?
- Cô giáo dạy Bí hát, dạy Bí đọc thơ.
- Thế Bí thuộc bài nào hát dì nghe xem nào.
Bên kia đầu máy giọng con bé bi bô “Ba thương con thì con giống
mẹ, mẹ thương con thì con giống ba…” con bé đang hát thì giọng chị vọng lại
thôi con à đừng hát nữa mẹ buồn. Nghe thấy vậy mà tôi không kìm nổi nước mắt,
thương chị và thương hai đứa nhỏ vô cùng.
Tôi đã lớn lên và đi qua những năm tháng tuổi thơ mồ côi cha
trong sự thiếu thốn về mọi thứ. Ai sống trong cảnh mồ côi mới thấu được sự khát
khao về một mái ấm đủ đầy, một tiếng “cha ơi” mỗi lần đi đâu trở về mà không thể
gọi vì mãi mãi cả cuộc đời không còn cha để chúng con được yêu thương. Hai đứa
bây giờ cũng như tôi ngày xưa còn quá nhỏ để biết về mọi khó khăn phía trước.
Đàn bà góa phụ nhất định phải là một người rắn rỏi và kiên cường để vượt qua mọi
vất vả, sự cô đơn và cả những thị phi đặt điều của thiên hạ.
Tháng 3 về, những bông hoa gạo thắp lên trời đỏ rực phía núi.
Chị tôi cặm cụi nhổ từng khóm cỏ non mọc xanh trên phần mộ của anh, chị đặt lên
đó những chiếc bánh dày ngũ sắc và bộ quần áo giấy. Hương khói nghi ngút tỏa khắp
các khu mộ bên bìa rừng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét