Hoa nở trên núi
Nhìn từ làng lên những ngọn núi cao trước nhà con suối mảnh
như sợi chỉ trắng chảy ra từ ruột núi, băng qua những cánh rừng già rồi dịu
dàng chảy vào thung lũng như thiếu nữ Tày trong veo và ngọt ngào. Từ mó nước ở
những vũng nước sâu nơi con suối chảy qua dân trong làng thường đục ống tre làm
thành máng nước lần dẫn nước về nhà. Nước suối mải miết chảy suốt ngày đêm về
“hằng tin”* nơi chân cầu thang của nhà sàn. Tuổi thơ tôi lớn lên, gắn bó với
con suối, núi rừng cùng mẹ đi nương, lấy củi, tìm măng, xúc cá. Quê hương trong
ký ức mỗi khi cảm xúc ngược về luôn đau đáu nỗi nhớ mẹ già.
Bàn chân trần lội ngược dòng suối, nơi nước chảy xiết khi
nhìn xuống chân cong theo sóng nước phập phùng. Men theo bờ suối chừng hai con
dao quăng là đến chân núi Nàng Tiên nơi có bãi đất rộng, bằng phẳng, mọc lên những
đám cỏ may um tùm, rậm rịt mỗi khi đi qua đây phải xắn ống quần lên tận trên gối
để đi qua. Mảnh nương nhà tôi nằm chung chiêng giữa lưng chừng núi, căn lều mái
cọ dựng dưới một tán cây to các loài dây rừng bện vào nhau leo lên suốt bốn mùa
xanh tốt. Đó là nơi đã nuôi lớn chúng tôi bằng củ sắn, củ khoai mẹ trồng trong
những năm tháng khó khăn chồng chất.
Năm tôi 6 tuổi, bố mất vì căn bệnh ung thư vòm họng, mẹ tần tảo
ngày qua tháng nuôi lớn 4 đứa con. Trước tôi có hai chị gái, tôi là thứ ba và
em trai kém tôi một tuổi. Vất vả, thiệt thòi mẹ đã phải làm tất cả mọi việc từ
cấy lúa, làm nương, tìm măng, bán củi, làm thuê cho người ta để kiếm cơm manh
áo cho chúng tôi. Trong ký ức của tôi, bàn tay mẹ lúc nào cũng đen nhẻm, nứt nẻ,
trai tay mọc như những loài quả dại xù xì vì phải liên tục cầm dao phát nương,
cuốc đất. Ngày mưa cũng như ngày nắng mẹ không lúc nào nghỉ ngơi, ban ngày mẹ
lo việc đồng áng, tối về mẹ lại cặm cụi bên bếp nặn men nấu rượu, đun cám lợn
và tranh thủ khâu vá cho đến nửa đêm. Lúc nào rảnh rang một chút mẹ lại lúi húi
ngoài vườn rau, trong mảnh vườn có vài mét vuông mà đủ các loại rau, mùa nào thức
đó.
Cả làng tôi nhà nào cũng có một đến vài mảnh nương từ thời
các cụ khai hoang rồi để lại cho con cháu làm kế sinh nhai. Tôi cũng không rõ
diện tích nương nhà tôi là bao nhiêu, vì đất nương cứ trải theo các triền núi,
thi thoảng lại có những mỏm đá tai mèo lô nhô. Người dân ở đây tính diện tích bằng
kinh nghiệm sản xuất là ước chừng một mảnh nương có thể tra bao nhiêu kilogam hạt
ngô hay hết bao nhiêu gánh cành sắn, cứ như vậy mà gieo trồng. Ở nương người
dân làm hàng rào bằng cách trồng cây chuối hoặc cây tre, vầu để đánh dấu diện
tích giữa các hộ gia đình.
Từ khi học cấp một chị em chúng tôi đã biết thắt bao dao
ngang bụng, vác cuốc đi nương cùng mẹ. Những thớ đất sỏi đá, khô cằn dưới bàn
tay lao động vất vả nhú lên những mầm xanh tươi tốt. Tôi thích nhất là những
ngày mùa xuân khi cải nương đã già và đơm hoa vàng rộ khắp các triền núi, trong
hương gió thoảng mùi thơm dịu tỏa đi khắp các cánh rừng. Khi tầng mây trở nên
cao hơn so với mặt đất đó là khi mùa hè tới, những cây sắn già từ vụ trước chưa
thu hoạch hết đã bắt đầu đơm những bông hoa nhỏ xíu màu hồng phớt lẫn cùng những
quả sắn tròn xanh.
Mỗi lần lên nương chúng tôi thường nhặt những quả sắn tròn để làm bi chơi với lũ bạn cùng bản mỗi chiều. Khi những cây sắn rụng lá còn trơ những cành khúc khỉu và treo lúc lẻo quả sắn vàng, nâu cũng là đến mùa thu hoạch đỗ nho nhe. Những giàn đỗ nho nhe leo chằng chịt trên cây núc nác, cây sắn già, rủ xuống nặng trĩu. Mùa hè là mùa của những trái dưa mèo đơm trái trên nương, mùa những quả bí già chuyển màu vàng sậm xếp ngổn ngang trên nền cỏ xanh mướt. Mỗi lần đi nương là mò mẫm lên trên mó nước tìm những quả dưa non còn bám đầy phấn trắng, hai tay vặn qua vặn lại hết phấn rồi cắn một miếng đã hết nửa quả dưa. Khi những âu lo và muộn phiền cuộc đời chưa đến tuổi, chúng tôi vẫn cứ nằm dài trên nương ngắm những tia nắng vui đùa trên tán lá, lắng nghe từng đàn chim ríu rít vang khắp khu rừng.
Mỗi lần lên nương chúng tôi thường nhặt những quả sắn tròn để làm bi chơi với lũ bạn cùng bản mỗi chiều. Khi những cây sắn rụng lá còn trơ những cành khúc khỉu và treo lúc lẻo quả sắn vàng, nâu cũng là đến mùa thu hoạch đỗ nho nhe. Những giàn đỗ nho nhe leo chằng chịt trên cây núc nác, cây sắn già, rủ xuống nặng trĩu. Mùa hè là mùa của những trái dưa mèo đơm trái trên nương, mùa những quả bí già chuyển màu vàng sậm xếp ngổn ngang trên nền cỏ xanh mướt. Mỗi lần đi nương là mò mẫm lên trên mó nước tìm những quả dưa non còn bám đầy phấn trắng, hai tay vặn qua vặn lại hết phấn rồi cắn một miếng đã hết nửa quả dưa. Khi những âu lo và muộn phiền cuộc đời chưa đến tuổi, chúng tôi vẫn cứ nằm dài trên nương ngắm những tia nắng vui đùa trên tán lá, lắng nghe từng đàn chim ríu rít vang khắp khu rừng.
Năm này qua năm khác, vụ xuân nối vụ mùa, no ấm đủ đầy
nghiêng góc bếp nhà sàn. Chúng tôi khôn lớn, những gùi ngô gùi sắn cũng thưa dần
vì chúng tôi đều đã trưởng thành và đi xa. Mẹ tôi đã già, cam chịu và vất vả suốt
cuộc đời nhưng mảnh nương là người bạn, là nguồn sống của mẹ nên bốn mùa vẫn
ngút ngát xanh tươi. Mẹ như loài hoa trên núi thanh khiết, kiêu hãnh và nghị lực
trước mọi giông gió của cuộc đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét