Thứ Năm, 4 tháng 7, 2019

Hạnh phúc trong tác phẩm Nhất Linh

Hạnh phúc trong tác phẩm Nhất Linh
Nhớ Vũ Khắc Khoan, người đi trước.
- Trời muốn trở rét...
Nói xong và nghe tiếng mình nói, Trúc nhớ lại rằng câu ấy chàng đã thốt ra nhiều lần, năm nào cũng vậy. Sự rung động êm ái và hiu hắt buồn trước cơn gió lạnh đầu tiên khiến vẻ mặt Trúc trở nên dịu dàng và thoáng trong một giây chàng sống lại hết cả những ngày mới trở rét trong đời.
Tuy đã cuối tháng chín nhưng đối với Trúc cứ lúc nào trời đổi gió heo may mới thực là lúc bắt đầu mùa thu (1).
Với một nhà văn lớn, viết là sống, và sống cuộc đời sâu thẳm nhất của mình. Nghệ thuật thể hiện trên trang giấy là hơi thở của tâm hồn, hơi thở hồn nhiên và thanh thản. Với Nhất Linh viết văn là một nhu cầu, là một hạnh phúc. Trước khi viết cho người đọc, ông viết cho chính mình; đọc Nhất Linh có cảm tưởng tác giả hưởng thụ văn mình, hưởng thụ cảm giác những lời văn gợi ra, như đó không phải là lời văn của chính mình nữa. Nhất Linh hô hấp cái không khí trong tác phẩm của mình một cách lạc thú như người ta hô hấp một không gian hằng mơ ước; một văn nghệ phẩm, nhìn dưới khía cạnh nào đó, bao giờ cũng là giấc mơ sự thật, Nhất Linh sống sự thật của những giấc mơ mà mình thể hiện trên trang giấy.
Do đó đề tài hạnh phúc là chủ đề căn bản trong tác phẩm Nhất Linh, là nguyên lý cấu tạo, hình thành và thể hiện tác phẩm, ít nhất cũng là trong tương quan với tác giả; tương quan đó được xác nhận qua sự gắn bó mật thiết, chung thủy giữa tâm hồn Nhất Linh và tác phẩm, từ một Nhất Linh mới bước vào văn giới đến Nhất Linh lúc lìa đời. Quan niệm văn nghệ của Nhất Linh từ Đoạn Tuyệt tới Đôi Bạn và từ Đôi Bạn đến Xóm Cầu Mới quả có thay đổi, nhưng quan niệm hạnh phúc của Nhất Linh từ những đêm trăng của Nho Phong, 1924, đến buổi bình minh trong Vọng Quốc, 1961, vẫn  nhất quán.
Vì hạnh phúc là chiều hướng của tiềm thức; người ta có thể thay đổi quan điểm của ý thức, ai làm sao xoay chiều được ý hướng của thâm tâm?
Hạnh phúc là một cảm giác trước khi là một chiều hướng, là một chiều hướng trước khi là một quan niệm. Và quan niệm hạnh phúc, trong mỗi người là nguồn gốc của thái độ nhân sinh; nói khác đi, nhân sinh quan là hàm số của  cảm giác.
Chiều hướng hạnh phúc trong tiểu thuyết Nhất Linh nghiêng theo độ dốc của thiên nhiên. Nhất Linh sống trong nỗi hoài nghi êm ả của Lão Trang, và nói theo Lâm Ngữ Đường, thì nhân vật Nhất Linh“tự lấy làm mãn nguyện trong một thế giới không hoàn mỹ” (2). Đó là yếu tố cơ bản mở rộng tâm hồn Nhất Linh thành một sự chờ đón mông mênh. Ảnh hưởng của Trang Tử đã phảng phất trong không gian buồn nhẹ một cách êm ái trong Đôi Bạn, 1937; đến Bướm Trắng, 1939 ảnh hưởng ấy đã hiện hình rõ rệt qua đề tài của tác phẩm, qua thái độ con người trước cõi sống và cõi chết, trước sự phân biệt thị phi, tốt xấu, và ngay tiêu đề của tác phẩm cũng đã chất chứa hình ảnh của một loài Bướm Trắng chuyên chở cuộc sống về biên giới của hư vô, chập chờn trong giấc mộng Trang Chu. Khuynh hướng siêu thoát, đợi đến giai đoạn cuối đời, Nhất Linh mới thừa nhận trực tiếp: trong cuộc sống ông đã đi tìm lãng quên trong những đóa lan rừng bên dòng suối Đa-mê, trong nghệ thuật, ông thể hiện ý hướng thoát tục qua nhân vật Ngọc và Lan trong Giòng sông Thanh Thủy. Thật ra ý hướng siêu thoát của Nhất Linh, từ đầu đã mang hơi hướm  Lão Trang, loãng đi trong thời gian; nhân vật Nhất Linh chưa bao giờ có quan niệm vị kỷ của Dương Chu, cũng không theo hệ thống giáo điều của Nam Hoa Kinh. Ở đây, Nhất Linh thỏa hiệp nét cường tráng của Mạnh Tử và cái vô vi của Trang Tử trong một nhân sinh quan Á Đông, gần với  dân gian, hay tư tưởng Việt Tộc, thời Lý Trần, hơn là những Chu Liêm Khê hay Trương Hoành Cừ thời Tống. Nói khác đi, Nhất Linh đã quan niệm hạnh phúc chỉ ở lòng mình, hạnh phúc chỉ ở sự yên tĩnh của tâm hồn (3). Câu này Nhất Linh viết khoảng 1935, và suốt đời ông, ông vẫn quán hạ. Con người nghệ sĩ của Nhất Linh nghiêng về khuynh hướng thoát tục của Lão Trang hơn là khuynh hướng nhập thế của Khổng Mạnh, và khi con người chính trị trong Nhất Linh lùi bước, khi Nhất Linh ngán ngẩm thế quyền ước ao rời bỏ chính trường, thì ông cho nhân vật dấn thân, chiến đấu, của Giòng sông Thanh Thủy ngâm thơ Tào Đường, còn chính bản thân ông thì đi tìm trong những đoá lan rừng một chút hương thơm mộng, một thoáng mơ tiên thoảng xuống trần (4). Giai đoạn cuối của đời ông, khuynh hướng xuất thế đã nhuốm màu sắc thần tiên của đạo giáo.
Trên nền tảng trung hòa giữa minh triết và vô vi đặc biệt của đông phương đó, những lớp phù sa mới đã bồi vào thế hệ Nhất Linh, trực tiếp hay gián tiếp chịu  ảnh hưởng của văn hào Pháp quan trọng thời đó là André Gide. Trong văn nghiệp, tuy thỉnh thoảng có nhắc qua tên Gide, Nhất Linh chưa bao giờ bày tỏ cảm tình đặc biệt nào với Gide, như là với Leon Tolstoi, Somerset Maugham... Nhưng Nhất Linh sang Pháp khoảng 1927- 1930, giữa giai đoạn khí hậu văn học Pháp đang thịnh hành tư trào gọi là gidisme, giải phóng nhục cảm, và giữa lúc Nhất Linh đang sống tuổi hai mươi niềm nở, hăng say. Trong tâm hồn Nhất Linh cái vô ngã tuyệt đối của Đông phương đã cọ xát với cá nhân chủ nghĩa sôi nổi của Tây phương, cái nhìn viên hoạt hiếu hòa của Lão Trang, phải thử thách với sinh lực hiếu động của Nietzsche. Và cuộc hôn phối ngang trái giữa hai nguồn sống ngược chiều đó đã tạo ra hạnh phúc diễm lệ trong tác phẩm Nhất Linh.
Hạnh phúc theo Lão Trang là một hạnh phúc thụ động; trái lại Gide chủ trương tra tấn cuộc đời mới chiếm đoạt được hạnh phúc, thứ hạnh phúc toàn diện, tuyệt đối xây dựng trên một số mệnh bị khắc phục. Trực tiếp hay gián tiếp, Nhất Linh học được của Gide giá trị của cảm, phương pháp khai thác, phát triển ngũ quan để tiếp nhận, để cưỡng đoạt hương vị của trần thế, Nhất Linh học của Tây phương lối hưởng thụ tự do, ngoài sự ràng buộc của hôn nhân vì sẽ làm tê liệt cảm giác, sẽ giam hãm hạnh phúc, sẽ đày đọa thời gian. Nhất Linh học được của Gide cách đầu tư tâm hồn vào việc phân tích, tra vấn hạnh phúc, cách bắt chợt hạnh phúc đang qua, cách chờ đợi hạnh phúc đang đến, cách thụ hưởng đến tối đa những niềm vui nhỏ bé nhất. Gide bảo:
“Nathanael, tôi sẽ dạy anh say sưa... Nathanael, lòng thèm muốn đến đâu, tôi sẽ đi đến đấy... Nathanael, hãy ngắm nhìn những nơi anh đi qua, nhưng đừng bao giờ dừng lại... Điều
quan trọng ở trong cái nhìn của anh chứ không phải ở vật anh nhìn... Nathanael, nói thật với anh rằng những ham muốn làm tôi lạc thú hơn là khi đạt tới  điều ham muốn... Hãy đi vào vườn lạc thú với những phương tiện ít ỏi nhất. Không nênsở hữu gì cả. Không nên chọn lựa, vì chọn lựa là từ chối, là không bao giờ hưởng được những cái còn lại, mà muôn ngàn cái còn lại sẽ có giá trị hơn một đơn vị anh lựa chọn.
Nathanael, mỗi phút chờ đợi, trong anh khoan là một ham muốn, nhưng hãy là một thái độ sẵn sàng tiếp nhận; hãy chờ những gì  đang đến với anh; nhưng chỉ nên ước muốn những gì thuộc về anh, những gì của anh...
Nathanael, đừng phân biệt Thượng đế với Hạnh phúc”(5).
Giáo điều của André Gide đã trở thành một thứ thánh kinh cho một thế hệ thanh niên nào đó. Lời khuyên của Gide sẽ ngân vang trong một thời đại, và dư âm xa xôi còn vọng trong tác phẩm Nhất Linh cũng như trong tùy bút Nguyễn Tuân. Dĩ nhiên là đến Nhất Linh, âm hưởng ấy đã phôi pha rất nhiều, đã phân hoá trong điều kiện xã hội Việt Nam, tinh thần của Nhất Linh. Nhưng đọc Đôi Bạn, Bướm Trắng, Giòng sông Thanh Thủy, qua những im lắng đón chờ hạnh phúc, ta không thể nào không nghĩ đến  Lương thực trần gian (Les Nourritures Terrestres) của  André Gide (1869- 1951).
Có thể, đối với Nhất Linh, Gide không phải là tri kỷ, nhưng ít ra, Gide cũng là một thờiđại. Tolstoi, cũng đã làm nên một thời đại, lại có một ảnh hưởng quyết định khác, trong tư tưởng Nhất Linh, ảnh hưởng mà Nhất Linh đã nhiều lần công nhận một cách mãn nguyện. Thật ra, Nhất Linh chỉ nhận mình chịu ảnh hưởng của Tolstoi về kỹ thuật tiểu thuyết. Nhưng, trên nguyên tắc “văn tức là người” chúng ta tự hỏi tại sao Nhất Linh lại yêu mến “văn” Tolstoi đến không ngớt lời ca tụng trong Viết và đọc Tiểu thuyết. Kỳ thật là vì Nhất Linh tự yêu mình qua tâm hồn Tolstoi, và qua văn Tolstoi. Khí hậu trong tiểu thuyết Tolstoi mang đến cho Nhất Linh nỗi u hoài hiu hắt và êm ái của đợt nắng cuối năm lảng vảng trên các ngọn đồi. Nhất Linh trên con đường tìm đến hạnh phúc, đã gặp Tolstoi trong niềm im lặng quạnh hiu của cánh đồng thảo nguyên cỏ chạy đến chân trời. Hai tâm hồn đã gặp nhau trên hạt sương long lanh đọng ở đầu đọt lá. Stefan Zweig đã mô tả nghệ thuật của Tolstoi bằng những lời lẽ, nếu áp dụng vào nghệ thuật Nhất Linh có lẽ cũng không sai bao nhiêu:
“Nghệ thuật ấy, có thể gọi được là nghệ thuật của mùa thu: mỗi đường nét in rõ rệt như cắt trên chân trời không núi đồi của những cánh đồng cỏ nước Nga, và mùi hương xót xa của những nhân vật đang úa héo, đang tàn phai phảng phất trong những khu rừng mờ nhạt; không thấy mặt trời, chỉ đoán chừng là có nắng...
Trong thiên nhiên của Tolstoi, người ta luôn luôn có cảm giác mùa thu; mùa thu sắp chuyển sang đông, cái chết sắp tràn vào vũ trụ, và con người, con người muôn đời trong mỗi chúng ta sắp ngừng sống. Thế giới Tolstoi là thế giới không mơ mộng, không ảo giác, một thế giới trống trải đến tàn nhẫn, thế giới không có Thượng đế” (6).
Hạnh phúc trong Tolstoi là niềm vui nhẹ nhàng của con người chấp nhận những điều kiện của trần gian, niềm vui đơn sơ của những tâm hồn mộc mạc sống với thiên nhiên, không bao giờ ao ước một đời sống khác hay tra vấn thân phận để tìm ý nghĩa cuộc sống. Nhất Linh học được của Tolstoi lẽ tương đối của luật tiến hoá để biết rằng con người ngàn năm vẫn không thay đổi. Nhân vật Nhất Linh cũng như nhân vật Tolstoi không có những băn khoăn siêu hình xa lìa cuộc sống mà chỉ sống cuộc đời thản nhiên, bình dị. Nhưng hạnh phúc của Tolstoi là một thứ hạnh phúc u trầm, lạnh nhạt, Nhất Linh nghĩ nghệ thuật của Tolstoi đã gần tới được tuyệt đích song còn thiếu chút duyên của nụ cười quyến rũ (7).
Dĩ nhiên là Tolstoi không có được nụ cười hiền triết của đông phương, nụ cười mà Nhất Linh đã đi tìm mà không gặp trong cuốn Đi Tây, nụ cười đó chỉ mới duyên dáng trên môi của Trúc trong Đôi Bạn sẽ trở thành hồn nhiên quyến rũ trên môi Ngọc trong Giòng sông Thanh Thủy. Một nét nghệ thuật phúng thế, nét u mặc, uy mua (humour) vẫn có trong tâm hồn Việt Nam.
Nhất Linh gặp Tolstoi ở ý hướng gửi gắm hình ảnh của mình vào nhân vật. Nhân vật của Tolstoi thường mang khuôn mặt của tác giả, từ Olénine trong les Cosaques, đến Pierre trong Guerre et Paix, Lénine trong Anna Karénine và  Saryzine trong La Lumière dans les Ténèbres. Trong tác phẩm của Nhất Linh, người đọc bắt gặp rất nhiều khuôn mặt của tác giả qua Dũng và Trúc trong Đôi Bạn, Trương trong Bướm Trắng, Ngọc, Tường, Ninh, Thanh trong Giòng sông Thanh Thủy; và nhiều nét quen thuộc trong các truyện ngắn từ Hai Buổi Chiều Vàng,1934, đến Mối Tình Chân, 1948. Hạnh phúc của  nhân vật  chính là hạnh phúc của bản thân Nhất Linh, một cánh bướm trắng từ tư tưởng Lão Trang nương theo những cơn gió mới của Tây phương bay đi tìm Thiên thai của lòng mình.
Sau khi truy tầm những yếu tố đã cấu tạo hay ảnh hưởng đến quan niệm hạnh phúc Nhất Linh, chúng ta sẽ xét những đặc tính của hạnh phúc đó trong không gian, trong thời gian, và trong nhân gian.
Hạnh phúc, trước hết là cảm giác tự mãn trong một không gian không hoàn mỹ. Hạnh phúc của Dũng trong Đôi Bạn là sự khám phá thầm lặng vẻ đẹp của một thế giới không tuyệt mỹ.
Nhân vật Nhất Linh mở cả năm giác quan để đón đợi sự khám phá đó, trải rộng  môi giới cho mối tiếp xúc giữa tâm hồn và ngoại cảnh. Cảm giác phải bén nhạy, phải căng thẳng, một “không gian như có dây tơ”  đón chờ cơn gió nhẹ thổi qua, như mặt nước im lìm ghi nhận những xao xuyến nhẹ nhàng của ánh nắng, như bầu trời trong, thật trong, tựa hồ không có nữa, để nâng hờ một mùi hương không tên nhẹ thoảng. Ngũ quan phải được giáo dục thẩm mỹ tinh vi, tinh vi đến chỗ không còn phân biệt được một cảm xúc, một cảm giác và một cảm tưởng: tất cả đều xoá nhòa trong độ nghiêng từ nội tâm đến ngoại giới.
Bóng chiều xẫm dần, không khí mỗi lúc một trong hơn lên, trong như không có nữa, mong manh như sắp tan đi để biến thành bóng tối. Một mùi thơm nhẹ thoảng đưa, hương thơm của tóc Loan hay hương thơm của buổi chiều? Mắt Loan lặng nhìn Dũng; nàng nói:
- Em nghe thấy tiếng sáo diều ở đâu đây (8).
Đặc tính của không gian hạnh phúc bắt nguồn từ thực tế của cảm giác mà đồng thời phải xa lìa thực tế đó để đồng hoá trong tâm hồn, để tan thành niềm vui; ánh sáng phải sắp sửa không còn là ánh sáng nữa, mùi hương phải mơ hồ như không còn là mùi hương nữa, tiếng sáo phải quên mất xuất xứ; không gian loang ra, tan đi, mờ dần để không còn là một không gian nữa mà trở thành sự hoà hợp dìu dặt giữa nội tâm và ngoại giới trong niềm vui bất tận của cuộc sinh tồn nhất thể.
Mùi hoa khế đưa thoảng qua, thơm nhẹ quá nên Dũng tưởng như không phải là hương của một thứ hoa nữa (9).
Phải, đó chỉ là niềm vui của tâm hồn tan ra trong trời đất và đậu lại trên một cánh hoa. Không phải là hương hoa khế, hay hương tóc Loan hay hương buổi chiều, mà chỉ là hơi thở của tâm hồn dừng lại giữa biên giới của thực tế và hư vô. Tâm hồn Nhất Linh là giao thoa giữa trăm vạn mùi hương, hương hoa khế, hoa cau, hương gỗ mục và đất mới xới, hương cốm, hương lúa chín, hương lá hồi vò nát trong tay, hương vỏ cam, hương ngâu, hương lài, hương lan rừng, hương bưởi, hương khói pháo một đêm trừ tịch...
Những mùi hương cường độ khác nhau luôn luôn phảng phất. Hương là bản chất của thực tế nhưng của một thực tế không còn cụ thể nữa mà đang vượt vật thể để trở thành trừu tượng, để trở thành yếu tính. Hương là bản chất của ngoại giới, nhưng của một ngoại giới không còn vị trí nữa, mà đang tan thành cảm giác. Hương là bản chất của không gian nhưng của một không gian không còn kích thước đang trở thành thời gian lăn chậm.
Hương là niềm vui vừa thành hình vừa tan biến, vừa tự hủy để còn tồn tại mãi mãi.
Đó là một thứ hương lạ để đánh dấu một khoảng thời khắc trong đời. Dũng thấy trước rằng độ mười năm sau thứ hương đó sẽ gợi chàng nhớ đến bây giờ, nhớ đến cái phút chàng đứng với Loan ở đây. Cái phút không có gì lạ ấy sẽ ghi mãi trong lòng chàng cũng như hương hoa khế hết mùa này sang mùa khác thơm mãi trong vườn cũ (10). (trích dẫn ở sách nào? Trang bao nhiêu?)
Hương là yếu tính của hạnh phúc. Một thứ hạnh phúc trọn vẹn, ảo biến, không thể phân tích, không thể xác định, không thể từ chối cũng không thể gìn giữ. Mùi hương di chuyển từ một hình thể này sang một hình thể khác.
Hai người đi qua một quãng đường nức mùi thơm của một cây bưởi gần đó. Trời im gió nên ra khỏi chỗ hương hai người tưởng như vừa ra khỏi một đám sương mù làm bằng hương thơm của hoa bưởi đọng lại (11).
Mùi hương đổi toạ độ giác quan, đi từ cảm giác này sang cảm giác khác:
Những bó lúa mới gặt về để ngổn ngang một góc sân; gió thổi bụi lúa bay tỏa lên rồi tan dần đi trong không khí mát lạnh. Một mùi thơm tựa như mùi cốm non phảng phất lẫn với bụi, với gió, với ánh nắng (12).
Những cảm giác mà tri thức còn phân biệt được là những cảm giác còn xa lạ, còn ở ngoài tâm giới, còn ở ngoài biên giới của hạnh phúc. Nathanael, tout ce que tu gardes en toi de connaissances distincts restera distinct de toi jusqu’à la consommation des siècles (Gide).
Từ linh cảm đó, hạnh phúc không bao giờ phân biệt một cảm giác với một ảo giác. Tất cả các đoạn trích trong Đôi Bạn ở trên đều có một chữ như - chữ như chìa khoá đưa vào không gian của Nhất Linh. Phải thân mật với chữ như môi giới giữa sắc và không mới hé thấy cái tương đối của tương đối.
Nhân vật Nhất Linh không bao giờ lẩn thẩn tự hỏi họ có thật sự hạnh phúc không hay họ chỉ tưởng như hạnh phúc; hạnh phúc là một cảm giác mong manh, và trong tâm hồn con người viên hoạt, không có chân lý nào ngoài cái tưởng là chân lý. Nhân vật Nhất Linh không có những  băn khoăn siêu hình dày vò; họ chấp nhận sống với một tư tưởng trắng: Thà cứ để vậy, sống trong ảo tưởng đẹp đẽ, một ảo tưởng đẹp đẽ mà trọn đời Dũng mong vẫn là ảo tưởng (13).
Chúng ta cần xác định rõ là Nhất Linh thuộc về một thế hệ khác với thanh niên ngày nay. Con người hôm nay bôi xóa mọi ảo tưởng để tìm thực chất của hạnh phúc. Nhưng không thể vì thế mà phê phán  Nhất Linh không đủ can đảm sống trong thực chất. Vì biết đâu Nhất Linh thiếu can đảm hay chính chúng ta thiếu khả năng sống trong ảo tưởng? Vì muốn sống trong ảo tưởng, trước tiên phải có cái ảo tưởng rằng mình sống trong ảo tưởng, và trong lịch sử của tâm hồn nhân loại, không phải ai cũng thấy được mình là bướm như Trang Chu.
Nhờ khả năng đó mà nhân vật Nhất Linh sống trong một không gian không phải của ngoại giới mà trong không gian của nội tâm, Dũng sống không phải trong mùa thu đã đi qua, một mùa thu chưa đi tới và một mùa thu có thể không bao giờ có trong trời đất. Trong không khí chật hẹp, từ túng của một buổi tế mừng thọ, Dũng chỉ cần chống mũi giày xuống nền gạch xoay mạnh người hẳn một vòng là có thể bay bổng đến bầu trời của lòng chàng:
Nền trời lúc đó, Dũng thấy như một tấm lụa trong; một con bướm trắng ở vườn sau vụt bay lên cao rồi lẫn vào màu trời. Dũng tự nhiên nghĩ đến một bãi cỏ rộng trên đó có Loan và chàng, hai người cùng đi ngược lên chiều gió; nàng mặc một tấm áo lụa trắng và gió mát thơm những mùi cỏ đưa tà áo nàng phơ phất chạm vào tay chàng êm như những cánh bướm (14).
Tương quan giữa nội tâm và ngoại cảnh có hai chiều. Dũng có thể vừa nội tâm hóa chân trời thì ngược lại chàng cũng có thể ngoại tại hóa tâm hồn chàng trong hai nguyên lý vừa tương đồng vừa tương hợp.
- Kìa chị Loan, đương mong chị thì chị đến.
Dũng có cái cảm tưởng rằng thời khắc ngừng hẳn lại; ánh nắng lấp lánh trên lá cây cũng thôi không lấp lánh nữa. Lòng chàng thốt nhiên êm ả lạ lùng; chàng và cả cảnh vật chung quanh như không có nữa, chỉ có một sự yên tĩnh mông mênh, trong đó tiếng Loan vang lên như có một nàng tiên đương gieo bông hoa nở (15).
Không gian chỉ là khoảng trống trong lòng người, và lòng Nhất Linh là một bầu trời bình thản, một bầu trời không đổi màu suốt ba mươi năm. Từ Nắng Thu viết năm 1934 đến những tác phẩm cuối cùng trước khi Nhất Linh qua đời vào năm 1963, Nhất Linh vẫn chung thủy với một màu trời. Màu trời đó từ vùng quê Xuân Lữ đến miền thượng du Bắc bộ, đến miền đồi núi Vân Nam vẫn một màu xanh lơ, trong suốt. Thế giới của Nhất Linh vẫn là tia nắng hắt hiu trong khu vườn bình thản, cơn gió thổi ngược vào mái tóc, những vồng cải tươi tắn, những nia cau sậm màu trong nắng quái, những manh áo phong phanh trong gió ban mai, những cô gái giặt áo đem phơi; đôi khi thiên nhiên bình dị trong một bát canh rau ngót, chợt thoáng trên khuôn mặt cô gái chau mày... 
Chỉ có thế, suốt ba mươi năm trầm luân, qua bao nhiêu biến thiên của hoàn cảnh, ngữ vựng thiên nhiên của Nhất Linh không hề thay đổi. Ông sống  quan niệm của bản thân, đồng thời cũng là bài học của Tolstoi, mà sau này các nhà dân tộc học như Levi Strauss sẽ xác nhận, là con người không thay đổi bao nhiêu; thời gian không che lấp được cái ngây thơ trong sáng của bản chất bẩm sinh. Và Nhất Linh nhớ lời Gide, «điều quan trọng ở trong cái nhìn chứ không phải ở ngoại cảnh»( Nathanael que l’importance soit dans ton regard et non dans la chose regardée). Trần gian có hoàn mỹ hay không là tùy cách nhìn, hơn tùy sự vật bày ra trước mắt. Suốt đời, Nhất Linh chuyên chú giáo dục tầm nhìn, tập cho nhân vật nhìn đời.
Cái nhìn đó đến khi khép lại vẫn còn trong suốt, như là toại nguyện.
Hạnh phúc, thứ đến, là niềm mãn nguyện trong một thời gian không vĩnh cửu.
Tác phẩm Bướm Trắng có giá trị nhân đạo quyết định vì đã đặt con người trước cái chết. Nhân vật Trương bị ho lao, bác sĩ cho sống một năm là cùng, và Trương tin như thế. Vấn đề là tìm một hạnh phúc trong giới hạn thời gian còn lại, vấn đề không phải là chỉ riêng đặt ra cho một bệnh nhân sắp chết, mà cho mọi người. Vì nói như Sartre, sống thêm một giờ hay một trăm năm không quan hệ gì, khi con người bất chợt ý thức được là mình không vĩnh cửu.
Chủ đề cô đọng trong Bướm Trắng thật ra đã bàng bạc trong các tác phẩm viết trước. Người ta bắt đầu chết từ lúc ra đời, nói theo Montaigne; và Nhất Linh đã thầm giải quyết cái chết từ những tác phẩm đầu tay. Nhất Linh biết đời sống không vĩnh viễn nên đã tập yêu những vẻ đẹp phôi pha, tập yêu không gian qua tương quan với thời gian; ông đã tập yêu những ánh trăng thượng tuần về sáng, những chiều cuối năm tha hương hiu quạnh. Biết cuộc đời không vĩnh cửu, ông tập yêu những nét phôi pha. Ông yêu một vẻ đẹp không phải mặc dù nó mong manh mà chính vì nó mong manh. Trong Đôi Bạn, Nhất Linh đã cho nhân vật Trúc yêu vẻ bệnh hoạn của một cô gái cũng ho lao:
Hai con mắt long lanh sáng và đôi gò má đỏ tươi trong bộ mặt xanh và hơi gầy của Hà làm chàng nghĩ tới vẻ đẹp của nhiều người con gái ho lao mà chàng được thấy. Chàng nghiệm rằng người nào cũng có một thứ duyên quyến rũ và gợi cho người ta nghĩ đến những vẻ đẹp mong manh có nhiễm cái buồn xa xôi của những sự thương tiếc không bao giờ nguôi. Chàng thấy có cái cảm giác mới lạ không hẳn là buồn hay vui, hình như trong lòng chàng vừa nở ra một bông hoa màu biếc, sắc hoa gần lẫn với bóng tối lờ mờ tím, một buổi chiều đông nào đã xa và rất buồn.
Bên cạnh một chiếc bể con, mấy cái chĩnh sành trên úp những tấm mo cau cuốn tròn làm Trúc nghĩ đến những người con gái đội mấn yên lặng đi theo sau một chiếc áo quan (16).
Nhất Linh yêu cuộc sống như yêu một nhân vật thân yêu, vì biết rằng sắp mất, như yêu một tình nhân vì biết rằng sắp sửa phải xa nhau. Trong một trần gian không trọn vẹn, Nhất Linh tìm yêu những gì dang dở. Nhất Linh tạo một  quan niệm hạnh phúc vừa tầm với khả năng hạnh phúc kiếp người. Quan niệm  đó bắt nguồn từ quan niệm huyền giải của Lão Trang; nhưng không theo cái siêu việt, khô khan và tàn nhẫn của Lão Trang xem cuộc sống ngang với cõi chết. Nhất Linh bình thường và nhân đạo hơn, vẫn quý cuộc sống hơn  hư vô, cho dù không say mê và tha thiết.
Trên một cây bàng nhỏ, những lộc non mới đâm, màu xanh non hơi phớt hồng. Chàng nghĩ cây bàng năm nào cũng nhớ đâm lộc, đã bao lần rồi vẫn chỉ như thế mà không chán. Chàng thấy cây cỏ cũng như người, khao khát được sống, tuy đời bao giờ cũng giống như bao giờ (17).
Đi từ nhận xét thông thường đó, Trương trong Bướm Trắng không ham sống mà cũng không chán sống; biết rằng sắp chết, Trương xây dựng một thứ hạnh phúc vừa dung dị vừa siêu thoát. Trương sống vừa như là sẽ không bao giờ chết, và vừa như là chàng không còn sống được bao lâu. Đây là điểm thâm thúy nhất của tác phẩm và cũng là điểm sâu sắc nhất trong nghệ thuật sống của Nhất Linh. Kẻ trồng cây nếu biết rằng mình sẽ chết thì không bao giờ trồng cây, nhưng biết rằng mình sống đến thiên thu thì cũng không cần trồng cây: biết rằng mình chết mà vẫn làm như là mình sống đến thiên thu, đó là tâm trạng của Trương khi chàng tìm cách chiếm hữu tình yêu của Thu.
Chàng chắc chắn sẽ chết nên một cử chỉ ân cần cỏn con của Thu đối với chàng có cái huy hoàng ảo não của một thứ gì đó rất mong manh nó xui giục chàng mở hết tâm hồn mà nhận lấy ngay trước khi nó tan đi mất (18).
Điều huy hoàng ảo não kia là sự dung dị thâm trầm trong tư tưởng Nhất Linh, niềm thâm u dễ bị hiểu lầm nhất. Hiểu một cách hời hợt thì là: Trương vị kỷ, muốn chiếm đoạt một tâm hồn đàn bà trước khi chết. Cử chỉ chiếm đoạt không phải là thái độ của một người yêu. Ở đây, Trương thật sự yêu Thu nồng đậm và tha thiết đến mức không ngờ tới; tình yêu mang đủ tính cách thu phục và dâng hiến, là một sự sáng tạo các giá trị, dù chỉ là sáng tạo trên những tâm hồn tự biết mong manh. Huy hoàng là phần của vĩnh cửu, ảo não là phần của mong manh, huy hoàng là tự quên trong mối tình của Thu và ảo não là tự quên trong các cuộc vui trác táng.
- Em...
- Anh!
Rồi hai người yên lặng hôn nhau, mê man trong cái thú thần tiên, bỡ ngỡ của cái hôn trao yêu thứ nhất trên đời. Hai mắt Thu mở to; Trương thấy trong và đẹp long lanh như thu hết ánh sáng của vùng trời cao rộng. Thu níu thật mạnh lấy hai vai Trương và nàng nói mấy tiếng rất nhỏ, nhỏ quá Trương không nghe thấy nhưng cũng đoán hiểu là nàng định nói:
- Em yêu anh.
Trương nhìn rất sâu vào hai con mắt Thu và đột nhiên chàng thấy đau khổ có cái cảm tưởng rằng mình đã là người của một thế giới khác cách biệt và Thu như đứng bên kia đường nhìn sang, mấp máy môi thầm gọi chàng một cách tuyệt vọng(19).
Hai lần nhìn vào đôi mắt người yêu trong khoảnh khắc một cái hôn, Trương đã thấy hai khuôn mặt của một chân lý, hai khuôn mặt tương phản mà trong Giao Cảm (Noces, 1938), Camus gọi là mặt trời và cõi chết. Trong đời Nhất Linh, ông tâm đắc nhất với tác phẩm Bướm Trắng nhưng chưa bao giờ ông giải thích được rõ ràng cảm tình đặc biệt của ông đối với tác phẩm. Ông cho rằng vì giá trị tâm lý; không hẳn thế vì bất cứ người nào đã bị bệnh một lần đều thấy cái tâm lý này rắc rối, không có gì sâu sắc. Nhưng trong thâm tâm, có lẽ Nhất Linh chuộng Bướm Trắng vì tác phẩm đã hô hấp nhiều hơi thở của tâm hồn ông nhất.
Nhất Linh trong sinh thời, đã tập yêu cái chết trong cuộc sống, để khi chết, có thể yêu cuộc sống trong cái chết; đó là  đỉnh cao của nội tâm.
Mắt chàng vừa nhìn vào cửa sổ hé mở để lộ ra một khu vườn nắng. Chắc không bao giờ chàng quên được cái cảnh vườn nắng lúc đó những chòm lá lấp lánh ánh sáng và màu vàng của một bông hoa chuối tây nở ở góc giậu. Hình như trời nắng bên kia thế giới (20).
Bên kia thế giới trời nắng hay trời mưa? Ở đây Nhất Linh đã chọn hơi mưa phùn lất phất trên bến đò, cơn gió hay màu sương vàng lãng đãng bên kia mấy rặng soan thưa lá của giòng sông Nhị thấp thoáng như một giải lụa đào...
Giữa cuộc sống và cõi chết, biên giới tâm lý mong manh, trong suốt; cái nhìn trầm tĩnh của Nhất Linh xô động nhẹ nhàng trong môi giới mong manh, trong suốt đó: đạt tới một sự tâm giao nào đó giữa sống và chết, Nhất Linh không còn biết rằng mình đang chết trong cuộc sống hay đang sống trong cõi chết.
Khi ra đường nhựa. Trương thấy một đám ma ở phía trên đi đến. Chàng ngừng lại, đứng đợi thấy hay hay...
Bỗng Trương chớp mắt cố nhìn trong bọn người đi đưa; Trương tưởng mình đang nằm mơ và thoáng trong một lúc, chỉ mấy giây đồng hồ, chàng có cái cảm tưởng mình đã chết rồi; chàng nằm chết trong áo quan và sau áo quan là các bạn cũ của chàng đang đi kia.
- Một người chết vì ho lao lại có đủ trăm thứ bệnh thế là mình rồi còn gì? Hay là đám ma mình thật, chính mình nằm trong áo quan (21).
Soi khuôn mặt vào thời gian mà không biết mình đang ở trong hay đứng ngoài thời gian. Bướm mơ mình là Trang Tử hay Trang Tử mơ mình là bướm. Và Bướm Trắng có còn là bướm nữa không? Hay chỉ là một loài Ngựa Trắng không phải là ngựa thấp thoáng bên ngưỡng cửa Kiên Bạch của tư tưởng Á Đông? Trang Chu mơ mình là bướm thì vui làm bướm mà không biết là Chu; đến khi biết là Chu thì vui làm Chu mà không biết mình là bướm. Trương cũng vậy, lúc biết mình sắp chết chàng không buồn, khi biết qua khỏi chết, Trương vẫn không vui. Niềm thanh thản khi được tình yêu, và khi mất tình yêu, vẫn là một bầu trời không có màu nên không đổi sắc.
Giờ thì chàng được sống và mất hẳn tấm ái tình đó nhưng chàng không thấy khổ lắm vì mất hẳn tình yêu của Thu và cũng không thấy vui lắm vì còn được sống ở đời... (22).
Các triết gia khi phân tích quan niệm hạnh phúc đông phương, thường nói đến một hạnh phúc tương đối. Đó là mâu thuẫn của danh từ, vì không làm gì có cái hạnh phúc tương đối, vì hạnh phúc chỉ là một sự yên tĩnh. Ngay chữ tương đối đã là một danh từ hàm hồ vì nói mọi việc đều tương đối là đã chấp nhận một cái tuyệt đối: tuyệt đối của cái tương đối. Tất cả những băn khoăn đầu độc cuộc sống đều bắt nguồn từ một kiếp người hữu hạn. Hạnh phúc của Nhất Linh  tạo cảm giác vô cùng trong phạm vi hữu hạn, là trồng một loài hoa đẹp trên một mảnh đất xấu. Nói khác đi, Nhất Linh không sống trong một thời gian, thì dĩ nhiên cũng không sống trong cái giới hạn của thời gian; nhưng ông làm sống thời gian trong lòng mình, và lòng Nhất Linh là một vô hạn, ông làm sống thời gian trong sự đợi chờ; và điểm tinh vi trong nghệ thuật sống của nhân vật Nhất Linh là chờ mà không đợi. Nhất Linh chờ một đối tượng, không phải vì cái đối tượng đó, mà vì cái thú đợi chờ.
Trương tẩn mẩn ngồi đợi cho gió im và bóng lá dần dần trở lại rõ hình (23).
Còn Dũng thì lại:  sung sướng cái sung sướng vẩn vơ của một người đón chờ những sự vui mừng rất êm ái chưa đến nhưng biết chắc thế nào cũng đến (24).
Hạnh phúc không phải ở cơn gió hay chiếc lá, hay sự vui mừng kia; mà hạnh phúc là ở thái độ tẩn mẩn, vẩn vơ của sự chờ đón. Không gian chỉ là cái cớ, thời gian chỉ là phương tiện. “Nathanael,  je te parlerai des attentes. J’ai vu la plaine pendant l’été, attendre; attendre un peu de pluie.
J’ai vu le ciel frémir de l’attente de l’aube; une à une les étoiles se fanaient.
J’ai vu d’autres aurores encore. - J’ai vu l’attente de la nuit...
Nathanael, que chaque attente en toi ne soit même pas un désir, mais simplement une disposition à l’accueil...
Nathanael, tôi sẽ nói với anh về những nỗi đợi chờ. Tôi đã thấy cánh đồng mùa hạ đợi chờ; đợi chờ dăm bảy hạt mưa.
Tôi đã thấy bầu trời xao xuyến đợi chờ buổi sáng; từng vì sao mờ phai dần dần.
Tôi còn thấy bao nhiêu bình minh khác. Tôi thấy niềm chờ đợi hoàng hôn.
Nathanael, mỗi niềm chờ đợi trong anh, hãy khoan là một ý muốn, mà chỉ là sự mở lòng đón tiếp.” (25).
Gide đã nói với Nathanael về những sự đợi chờ. Nhất Linh đã nói với Dũng, với Trương, với Ngọc, với chúng ta về những sự đợi chờ xao xuyến thời gian. Tâm hồn Nhất Linh vừa yên tĩnh vừa mãn nguyện như tia nắng trong vườn. Sự mãn nguyện mênh mông trong không gian và thời gian, trước hết là một lối nhìn, thứ đến là sự tiếp đợi. Trương lim dim hai mắt nhìn quãng đê vắng tanh tưởng như con đường đưa người ta đến một sự xa xôi và yên tĩnh lắm (26). (trích dẫn ở sách nào? Trang bao nhiêu?)
Con đường không phải một người đi mà Chi bộ hai người, ba người bộ hành cùng đi, người ta cùng đi. Con đường của nhân gian...
Hạnh phúc, cuối cùng là niềm mãn nguyện trong một nhân gian không toàn thiện.
Nếu Đôi Bạn và Bướm Trắng đặt hạnh phúc trên tương quan giữa con người với không gian và thời gian, thì Giòng sông Thanh Thủy đặt hạnh phúc trên quan hệ giữa con người với kẻ khác. Câu chuyện xảy ra tại Côn Minh khoảng năm 1945, giữa những kẻ đấu tranh chống Pháp, lưu lạc sang biên giới Trung Quốc. Chủ đề ở đây, là hạnh phúc của con người làm chính trị. Nói chuyện chính trị, Nhất Linh có thẩm quyền, vì khi sống, Nhất Linh đã hoạt động nhiều trong chính trường, cũng như khi qua đời ông đã  tự chọn cái chết cho lý tưởng chính trị..
Nói chuyện hạnh phúc, Nhất Linh cũng có quyền hơn ai cả, vì như ta đã thấy, suốt đời Nhất Linh vẫn đi tìm hạnh phúc, từ trong cuộc sống đến trong cõi chết.
Như vậy những động thái trong tác phẩm có giá trị sự thật: sự thật của lịch sử và sự thật của trái tim. Và thực chất của hạnh phúc con người chính trị là gì? Nhà chính trị trong con người văn học trả lời đó là hạnh phúc của kẻ khác, kẻ mà mình đang tranh đấu để giải phóng. Ở đây, Nhất Linh ngừng lời. Để người nghệ sĩ trong con người chính khách thong thả nói thêm: và đó cũng là niềm vui của tâm hồn, ở ngoài mọi giá trị của xã hội và lịch sử.
Dung hòa được hai cảm giác thường trái ngược ấy của hạnh phúc, là nhờ tâm trạng đặc biệt của con người đi vào đấu tranh chính trị. Nhân vật tiểu thuyết Nhất Linh đi vào chính trị không phải vì lý trí xét thấy như thế là đúng, là cần thiết, cũng không phải là tình cảm thúc đẩy con người chọn lựa con đường ấy. Nhân vật hư cấu của Nhất Linh (khác với chính khách Nhất Linh  Nguyễn Tường Tam) thoát ly đi đấu tranh chính trị một cách tự nhiên, không phân tích, không lý luận. Dũng tham gia chính trị vì chán sống cảnh gia đình, Ngọc tham gia vì buồn khi người yêu chết, Thanh vì giận chồng phụ bạc, Tứ vì bực mình gia đình vợ, Nam vì vô tình giết người, Thái vì không biết làm gì nữa...
Họ tham dự tranh đấu mỗi người với một ẩn tình riêng, không ai giống ai cả. Nhưng vấn đề là từ những lý do khác nhau đó, vì sao họ chọn một giải pháp giống nhau là thoát ly đi đấu tranh chống Pháp? Có lẽ hoàn cảnh đã tạo nên một tiềm thức chung cho một thế hệ thanh niên - mà CG. Jung gọi là conscience collective - và tiềm thức tập thể đã đưa thế hệ ấy lên đường. Nói một cách khác người kháng chiến, dưới mắt tác giả Nhất Linh, không oai hùng gì cả, vì họ không thể không làm, và sống khác đi. Và tác phẩm Nhất Linh cũng làm nổi bật cái bình thường của đời sống cách mạng.
Đã có lần tôi nói với anh về kiếp con người và cái guồng máy, mỗi người đều có một kiếp, mọi hành động đều do những sức mạnh ngấm ngầm trong con người mình thúc đẩy. Cuộc đời của mình, nghĩa là cuộc đời anh, cuộc đời tôi, cũng như đời Tứ, Nghệ, đời của chị Nam y tá... Văn Sơn, đi vào con đường nào đều do sức thúc đẩy mà không ai tự biết, tuy ai vẫn tưởng chính mình lựa chọn (27).
Có người tưởng và tự hào rằng mình đã chọn lựa con đường tranh đấu, kỳ thật có khi họ bị Lịch sử chọn lựa, và đưa vào Guồng máy. Trên ý thức khiêm tốn đó, nhân vật hư cấu của Nhất Linh đi vào chính trị một cách tự nhiên, và danh từ «tự nhiên» là một chìa khóa khác của hạnh phúc Nhất Linh. Ngọc, khác với tác giả Nhất Linh, là một bản chất nghệ sĩ, nên làm chính trị một cách nghệ sĩ; sở dĩ nghệ sĩ mà không vẽ hay làm thơ không thôi mà lại vừa vẽ, làm thơ lại vừa làm lịch sử, đó chẳng qua là tình cờ của hoàn cảnh đưa đẩy. Nhân vật tiểu thuyết Nhất Linh tình cờ làm lịch sử, họ là những con người «lạc đường vào lịch sử», nói theo cách ai đó, một người cùng thế hệ với Nhất Linh.
Hạnh phúc vẫn là cách sống thật với chính mình. Ngọc là nghệ sĩ, yêu vẻ đẹp của không gian; cho nên khi đi công tác - một công tác cực kỳ nguy hiểm - Ngọc cố ý chọn con đường thấp vì con đường cao có nhiều phong cảnh đẹp chàng để dành khi nào được cùng đi với Thanh (28).
Ngọc còn là một bản chất si tình, nên dù là cán bộ tin cẩn của Việt Quốc, chàng vẫn yêu Thanh là cán bộ Việt Minh, trong khi hai đảng chống đối nhau một mất một còn. Đi công tác về, mặc dù biết đảng bộ đợi chờ, chàng ghé lại thăm Thanh để uống cà phê trước, rồi mới về đảng bộ. Lúc các đồng chí nghi ngờ, Ngọc thẳng thắn xác định.
Chị đừng vơ đũa cả nắm. Đối với tôi công việc là công việc. Tình yêu là tình yêu. Chị thử nhìn vào mắt tôi, chị sẽ hiểu (29).
Như vậy vấn đề đã  rõ rệt. Chính trị và hạnh phúc là hai câu chuyện khác nhau. Đặt vấn đề hạnh phúc trong tương quan chính trị như tôi đang làm là đặt một giả vấn đề, làm cái việc vơ đũa cả nắm có tính cách thuyết trình giáo khoa.
Điểm sâu sắc và cảm động nhất của Giòng sông Thanh thủy là hạnh phúc của con người tranh đấu vẫn nằm ở ngoài phạm vi chính trị, và con người chiến đấu một cách thích thú vì những giá trị nằm ngoài cái thắng và cái bại, nghĩa là những giá trị không phải là chính trị.
Nhất Linh vẫn hoài nghi Lịch Sử vì con người ngàn năm vẫn không thay đổi. Và trần gian chỉ có một giá trị là cái đẹp.
Sau này còn đâu Việt Quốc, Việt Minh, nhưng bóng trăng lòng sông Xích Bích những câu phú hay của Tô Đông Pha muôn thuở còn mãi. Lâu bền nhất, thực nhứt chỉ là cái Đẹp.
Nhất Linh, tín đồ chung thủy của mỹ đạo, trong Giòng Sông Thanh Thủy, đã dùng con đường mang tên Lịch Sử để đi tìm vẻ đẹp của trần gian, một trần gian không toàn thiện cũng không toàn mỹ, nhưng là quê hương duy nhất của hạnh phúc.
Chúng mình bỏ không làm cách mạng nữa mà cũng chẳng cần đi tìm Thiên Thai cho tốn công. Thiên Thai là cái nhà này...
Thiên Thai cũng là hư vô (30).
Chúng ta đã theo Nhất Linh đến tuyệt đỉnh của tâm hồn ông. Một tâm hồn nghệ sĩ phảng phất thiền tông và đạo giáo đã vượt khỏi nghệ thuật lẫn tôn giáo và triết học để đạt tới cái hạnh phúc giữa hiện hữu và hư vô. Không phải là thứ hạnh phúc trừu tượng, mà niềm vui cụ thể trong đời sống hằng ngày: tô phở chua, bát phở cừu, bữa cháo lòng, ốc sống, điếu thuốc thơm, ly rượu đượm, tách cà phê thật đậm, bát canh rau ngót, tô bún riêu, chiếc bánh lá gai bến đò Gió... Nhất Linh thèm những hương vị tầm thường nhất của trần gian và yêu khuôn mặt dung dị nhất của đời sống. Nhân vật Nhất Linh không yêu đàn bà đẹp: Ngọc đã chọn Thanh tuy Thanh không đẹp bằng Phương, cũng như Trương chọn Thu không phải vì nữ sắc mà vì một vẻ gì là lạ của tâm hồn. Nhân vật của Nhất Linh như Ngọc xem cuộc đời là một cuộc ngao du dài, như Trúc xem đời là một cuộc du lịch không bờ bến, các nhân vật đó không bao giờ nhốt hạnh phúc trong vòng hôn nhân với gia đình, không bao giờ nhốt dòng suối Améles trong chậu, như lời Platon. Do đó, nảy sinh những mối tình không trọn vẹn, và đẹp trong sự dang dở: Ngọc yêu Thanh vì hai người thuộc hai đảng đối lập, khó đi đến hôn nhân, Trương yêu Thu bên này bên kia biên giới của cõi sống chết, Dũng yêu Loan vì Loan đã đính hôn với người khác, Trúc yêu Hà ở phút chia ly ngoài hàng dậu. Tình yêu ngoài ràng buộc hôn nhân đó mang tính cách lý tưởng, pla tô níc, nghĩa là không có sự cọ xát của làn da, mà chỉ là cái nhìn trong suốt, có khi không có lời tỏ tình, mà  chỉ là cái nhìn thầm lặng.
Thấy Dũng bắt gặp mình đang nhìn trộm Loan vội nhắm mắt lại làm như ngủ, song biết là Dũng đã trông thấy rồi, nàng lại vội mở mắt ra, rồi qua những ngọn lá cỏ rung động trước gió, hai người yên lặng nhìn nhau (31).
Hạnh phúc của Nhất Linh chỉ thu gọn trong một tia nhìn. Bài học Nhất Linh khép mở trong chớp mắt của Loan, chớp mắt chứa đựng một ngàn chân lý đang nuôi dưỡng cuộc sống.
Kích thước của tâm hồn Nhất Linh đã được đo bằng không gian của Đôi Bạn thời gian của Bướm Trắng. Nhân gian trong Giòng sông Thanh Thủy là chu kỳ thứ ba trong thông điệp Nhất Linh và đồng thời cũng là lời nói cuối cùng của một nhà hiền triết. Hơi thở Nhất Linh đã mãn nguyện nên đã dừng lại ở lời nói cuối cùng mà dư âm còn vọng lại:
Thanh tự nhiên thấy mình vui mê man không hiểu vì lẽ gì; tâm hồn nàng phiêu diêu trong một niềm vui và cảm thấy niềm vui ấy như không bao giờ hết nữa khiến nàng rờn rợn có cái cảm giác tưởng rằng cái gì cũng không thật. Đời sống chỉ là mơ, niềm vui cũng chỉ là mơ. Thanh tự nghĩ nếu có chết nàng sẽ hoá thành một giấc mơ vui rồi khi giấc mơ ấy tan đi là chết là hết. Nàng chắc cả vũ trụ này đến ngày tận thế cũng vậy cũng biến thành một niềm vui bao la rồi cứ thế hoà loãng tan dần đi trong cái mênh mông của hư vô, không có sự chết không có sự sống và ngay đến cái hư vô cũng không có nữa.
Thanh bỏ rơi bông hoa trà cầm ở tay rồi nhìn theo: bông hoa rơi, rơi mãi cho đến khi không thấy nó đâu nữa. Nàng nói:
- Thế là hoa đã biến vào vực thẳm, biến vào hư vô. Lúc nãy tôi muốn nhảy xuống là để biết vực thẳm, hư vô ra sao, chắc tôi cũng có cái thú của một hạt muối tan trong nước (32).
Làm sao sống được giây phút cuối cùng trong tâm hồn Nhất Linh để biết những cảm giác của ông giờ lìa xa cuộc sống? Có thể là cảm giác một hạt muối tan trong nước. Khi đọc lại những suy tư của Thanh trong đoạn trên, tôi vẫn băn khoăn không hiểu cái chết của Nhất Linh là một hành động chính trị hay chỉ là một thí nghiệm của hư vô? Người đọc sẽ bảo: bức thư tuyệt mệnh của Nhất Linh còn đó.
Nhưng tôi muốn hỏi thật các nhà văn còn sống: có tác phẩm văn nghệ nào không phải là một lá thư tuyệt mệnh? Có di chúc nào thành thật hơn một văn nghệ phẩm dù được sáng tác trong thời kỳ dồi dào sinh lực nhất của một đời người? Di chúc của loài tằm không phải là xác nhộng, mà là những sợi tơ.
Hạnh phúc trong tác phẩm Nhất Linh là những sợ tơ lấp lánh mà trong Đôi Bạn Nhất Linh gọi là những sợi tơ vừa tan đi cùng ánh sáng.
Hơi thở của Nhất Linh đã truyền cái khí hậu nồng ấm của Gide vào không gian tê tái của Tolstoi, đã làm tan phấn bướm Trang Chu vào cõi chân không tịch mịch.
Trên những kinh nghiệm của ý thức và tâm cảm đó, Nhất Linh tạo một thứ hạnh phúc vừa với vóc dáng mình, cái vóc dáng trong một không gian không hoàn mỹ, một thời gian không vĩnh cửu và một nhân gian không toàn thiện. Như người thợ may tinh tế kia suốt đời chỉ may có một tấm áo lụa mỏng phong phanh, một chiếc áo cho chính bản thân. Người đời sau đừng nên  cho rằng nghệ thuật sống đó chỉ phù hợp với Nhất Linh, với những điều kiện tinh thần và thể chất của riêng một Nhất Linh. Hay của một thời đại. Vì đó cũng chính là điều Nhất Linh muốn truyền đạt.
Những gì siêu việt nhất trong nghệ thuật sống của Nhất Linh nép trong kinh nghiệm  tầm thường này: co giãn tự nhiên, hồn nhiên, và thản nhiên. Thản nhiên, hồn nhiên, tự nhiên tôi muốn nghe lập lại ngàn lần lời nói từ đỉnh núi vòi vọi của thời đại vọng đi. Tôi muốn nhắc lại với thâm tâm tôi rằng thảm kịch của cô Loan trong Đoạn Tuyệt không phải ở sự tranh chấp giữa hai xã hội mới và cũ như người ta thường hiểu, mà ở một điểm mâu thuẫn ở nội tâm mà Loan không giải quyết được lúc vào đời. Loan, đối với bản thân Nhất Linh, là sự đoạn tuyệt các giằng co, Loan là giai đoạn con tằm trở thành bướm trắng bay tự nhiên. Từ Đôi Bạn Loan bay hồn nhiên, bay thản nhiên trong vòm trời hạnh phúc.
Hạnh phúc của một loài bướm không tên bay qua không gian, bay qua thời gian, bay qua nhân gian, hay chính là cái không gian, cái thời gian và cái nhân gian đó. Bao giờ con Bướm Trắng bay đến hư vô thì hư vô sẽ là hạnh phúc.
Con bướm trắng một đêm khuya đã bay vào phòng tôi, qua khung cửa sổ bỏ quên. Bên này triền cửa sổ là hạnh phúc nhỏ bé của căn phòng; bên kia là Nhất Linh.
Về phía bên kia cánh đồng, ánh đèn nhà ai mới thắp, yếu ớt trong sương trông như một nỗi nhớ xa xôi đang mờ dần... (33).
Trời muốn trở rét...
Chú thích:
1. Đôi Bạn, 1937,  câu đầu, tr 19, Đời Nay tái bản, 1966, Sài gòn
2. Lâm Ngữ Đường, Sống Đẹp, bản dịch Nguyễn Hiến Lê, Tao Đàn, 1965.
3. Hai Buổi Chiều Vàng, Phượng Giang tái bản, 1965, tr. 88.
4. Thơ vịnh Lan của Nhất Linh, 1957, trích đầu Giòng sông Thanh thủy, 1960- 1961.
5. André Gide -  Les Nourritures Terrestres. 1897, N.R.F.
6. Stefan Zweig, Tolstoi, Victor Attinger, Paris, 1928.
7. Viết và Đọc Tiểu thuyết, tr. 87, Đời Nay, 1961.
8. Đôi Bạn, Ấn bản Đời Nay, 1966, tr. 110.
9. Đôi Bạn, tr. 24.
10. Đôi Bạn, tr 26
11. Đôi Bạn, tr. 83.
12. Đôi Bạn, tr. 103.
13. Đôi Bạn, tr. 194.
14. Đôi Bạn, tr. 44.
15. Đôi Bạn, tr. 60.
16. Đôi Bạn, tr. 166.
17. Bướm Trắng, Ấn bản Đời Nay, 1961, tr. 65.
18. Bướm Trắng, tr. 217.
19. Bướm Trắng, tr. 148.
20. Bướm Trắng, tr. 84.
21. Bướm Trắng, tr. 247.
22. Bướm Trắng, tr. 226.
23. Bướm Trắng, tr. 81.
24. Đôi Bạn, tr. 30.
25. André Gide -  Les nourritures terrestres, NRF, nxb Gallimard.
26. Bướm Trắng, tr 250.
27. Giòng sông Thanh Thủy, I, tr. 130.
28. Giòng sông Thanh Thủy, III, tr. 143.
29. Giòng sông Thanh Thủy, II, tr. 159.
30. Đôi Bạn, tr. 205.
31. Giòng sông Thanh Thủy, II, tr. 140
32. Câu cuối của bài khảo luận là câu cuối của Đôi Bạn.
 Đà Lạt, 18/6/1965
Đặng Tiến
Theo http://vanhoanghean.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Má lúm đồng tiền

Má lúm đồng tiền Hắn ngồi cặm cụi cưa loẹt xoẹt. Mạt ốc bay bụi mù. Hắn hít phải khá nhiều. Cái mùi bụi ốc hôi hôi cộng thêm cái mùi sơn ở...