Gió bắt đầu từ đâu…?
Bà Xuân Quỳnh đã nói như vậy trong một chuyến đi
phượt biển Diêm Điền (tỉnh Thái Bình) vào thế kỷ trước. Mãi cho đến
gần đây, bức màn bí mật về nguyên nhân gây ra gió mới được hé lộ.
Một cách đơn giản, gió chính là sự chuyển động của các phân tử
không khí.
Không khí và áp suất khí quyển
Như ta đã biết, khí quyển của Trái Đất chứa khoảng
78% Nitrogen, 21% Oxygen, và 1% còn lại là hơi nước và các nguyên tố vi
lượng (trace elements) khác. Như vậy thì khí quyển không gì khác là
một “gói” khổng lồ bao gồm hàng tỷ các phân tử tí hon, mà theo một
bài báo của trang Scientific American, thì trong 1 inch^3 không khí ở
tại mặt đất, ta có khoảng 10^20 phân tử như vậy.
Để hiểu tại sao không khí lại chuyển động, áp suất
khí quyển (atmospheric pressure) là một khái niệm quan trọng mà ta cần
phải nắm được. Cụ thể, áp suất này được định nghĩa là độ lớn của
hợp lực mà các phân tử không khí nói trên tác dụng lên một diện
tích cho trước. Lúc này, gió chính là dòng chuyển rời của không khí
từ nơi áp suất khí quyển cao hơn đến nơi áp suất khí quyển thấp hơn.
Sự chênh lệch nhiệt độ
Khi bức xạ Mặt Trời gặp Trái Đất, một phần nhiệt
lượng khổng lồ này được bức xạ lại trở ngược vào bầu khí quyển,
và do đó làm nóng không khí tại đây. Do đó sở dĩ tồn tại các vùng
áp suất khí quyển khác nhau là vì bề mặt Trái Đất được Mặt Trời
chiếu sáng (và làm nóng) một cách không đều. Một ví dụ đơn giản
nhất cho hiện tượng gió ở quy mô cục bộ là gió biển và gió đất
liền. Trong những ngày hè nóng nực, do nhiệt truyền qua chất rắn
nhanh hơn qua chất lỏng lên trên đất liền, không khí sẽ có động năng
cao hơn, nghĩa là các phân tử tí hon sẽ “nhảy múa” điên cuồng hơn và
do vậy mật độ của chúng sẽ giảm đi do chúng có xu hướng tách xa nhau
ra hơn. Kết quả là, không khí ở đây vì nhẹ hơn không khí trên biển nên
sẽ bay lên và chừa lại khoảng trống cho không khí từ ngoài biển xâm
chiếm lục địa. Dòng lưu thông khí này chính là gió biển (sea breeze)
và đến chiều thì sức gió có thể lên tới hàng chục dặm. Ngược lại,
khi đêm xuống, nhiệt độ không khí biển cao hơn trên đất liền, gió từ
lục địa lại thổi trở ra đại dương. Trên quy mô toàn cầu cũng tương
tự, do các tia sáng Mặt Trời tạo với bề mặt Trái Đất một góc vuông
nhất là ở các vùng vĩ độ xung quanh Xích Đạo, nên không khí ở khu
vực nhiệt đới hiển nhiên nóng hơn hai cực. Thế là, không khí nóng
bốc lên ở Xích Đạo và không khí lạnh ở hai cực chìm xuống…
Đến đây, ta tạm hình dung không khí trên Trái Đất chỉ
chạy qua chạy lại giữa hai cực và Xích Đạo trên những đường thẳng
(giống như các kinh tuyến). Thế còn chuyện Gia Cát Lượng mượn “gió
đông” đánh trận Xích Bích? Không lẽ ông ta dùng…phép thuật?
Tất nhiên là không. Bởi lẽ, tồn tại một hiện tượng
vật lý có thể giải thích cho việc không khí “quay vòng” trên bề mặt
Trái Đất, thay vì di chuyển theo đường thẳng tắp giữa hai cực: hiệu
ứng Coriolis. Nói ngắn gọn, lực Coriolis (tìm ra bởi nhà toán học và
kỹ sư người Pháp cùng tên vào năm 1835) sinh ra ở một vật thể chuyển
động trên bề mặt của một hệ quy chiếu quay. Trong trường hợp Trái
Đất, mọi vật di chuyển trên bề mặt của hành tinh này (kể cả nhẹ như
không khí) đều phải chịu ảnh hưởng bởi sự quay sang phía Đông của
Trái Đất, và do vậy, bị lệch hướng.
Cuối cùng, để hiểu tường tận tại sao không khí lại
di chuyển từ nơi khí áp cao sang nơi khí áp thấp, ta phải nhờ đến
một khái niệm cuối cùng: lực ma sát. Tưởng như không đáng kể, nhưng
chính là vì có sự “nhấp nhô” trên bề mặt Trái Đất, mà gió bị cản
và giảm vận tốc, gây ra hiện tượng phân kỳ (divergence) ở nơi khí áp
cao, và hội tụ (convergence) ở nơi khí áp thấp. Mà theo vật chất
không tự sinh ra cũng không tự mất đi ở một vùng nhất định, nó không
thể “chồng chất” lên tại một điểm, mà buộc phải rời đi nơi khác. Có
nghĩa là tại các nơi áp thấp, không khí bị ép phải bay lên cao, và
do đó từ từ hạ nhiệt, gây ra ngưng tụ, tạo thành mây và các loại
mưa. Tại những nơi áp cao, không khí có xu hướng lan tỏa ra, nhường
chỗ cho những khối khí từ trên cao xuống thay thế. Những luồng khí
này ấm dần lên, kéo theo sự vượt trội của hiện tượng bay hơi so với
hiện tượng ngưng tụ. Điều này giải thích tại sao thời tiết ở những
nơi áp cao thường đẹp hơn ở những nơi áp thấp.
Tài liệu tham khảo:
https://couleur-science.eu/
https://www.simplyscience.ch/
http://www.srh.noaa.gov/
http://science.nationalgeographic.com/
http://www.metoffice.gov.uk/
http://quatr.us/physics/
https://www.scientificamerican.com/
http://abyss.uoregon.edu/
(Le Petit Prince)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét