Cuối thu, quê nhà lại dậy lên một thứ âm thanh quen thuộc của
ếch nhái. Đêm nằm trong khu vườn ứa mật, cỏ trải làm một manh chiếu mềm, sương
thu rót rượu, và tiếng nhái vẳng lên như người ngồi gõ phách trong cuộc hát ả
đào xa xưa. Mấy năm đi xa chừ mới về, lòng tôi như quặn lên mỗi khi gặp phải tiếng
quê trong đêm thanh vắng.
Mùa thu, sau cơn mưa chiều thường có một
chút trăng nhạt núp bóng mây đêm. Thỉnh thoảng trăng mới hé ra như hợm mặt
trong trò chơi trốn tìm của trẻ con. Và khi ấy, loài nhái ở dưới đồng kéo nhau
gọi trăng ra bằng chính thứ âm thanh của chúng. Hồi còn nhỏ, có nhiều đêm đang
ngủ chợt nghe nhái đồng thanh cất lên. Lúc ấy chẳng biết vì sao. Cho đến khi trở
lại quê hương và nằm ngủ bên song cửa mùa thu, tôi dõi tai đưa mắt nhìn về phía
nương nhà mới phát hiện ra rằng nhái là loài đi tìm tri kỷ trong đêm. Có thức
đêm mới chứng kiến sự nhiệt tình và niềm mê chơi của nhái. Khi vỡ lẽ ra điều đó
cũng vừa lúc tôi biết đến niềm thân giao của tình bạn nơi miền thôn dã. Chính bạn
bè tôi nơi mảnh làng bé nhỏ này đã sống với nhau như thế, trong đêm gọi nhau ra
đồng và tâm sự hết nỗi mình cho nhau nghe.
Ngay ở cách kêu thôi đã thấy nhái rất
nhiệt tình. Nó ép toàn thân để cho cơ bụng co bóp và phát ra tiếng kêu. Hầu hết
tim động vật đều có bốn ngăn, riêng tim ếch nhái thì chỉ ba ngăn. Thế nhưng, liệu
có loài nào nhiệt tình hơn nhái trong những đêm khuya được. Và tôi ngẫm lại một
triết lý hiện hữu của cuộc sống: trái tim vĩ đại không phải là trái tim to mà
là sự bao dung và nhiệt huyết.
Giữa những ngày ngồi rỗi trên cánh đồng
làng, tôi luôn chờ đợi một tiếng gọi từ dưới chân cỏ. Tiếng nhái đã trả lời tôi
với nỗi đam mê của tuổi trẻ, không gì khác ngoài tình yêu với thiên thiên và
sinh vật dại.
Sâu trong mùa đông, tiếng nhái càng nghe
rõ ràng và kéo dài suốt đêm cho tới tận sáng tưng tửng trời. Nhiều đêm nằm ngủ,
nhái chợt lôi tôi dậy chỉ để hát cho nghe cái điệu cũ rích xa xưa ấy, thế mà vẫn
thích. Những giá trị phi vật thể của quê nhà luôn được giữ gìn, khó có bảo tàng
nào vĩnh cửu hơn không gian bao bọc giữa lũy tre và cánh đồng. Đấy chính là lý
do vì sao qua bao tháng năm mà tiếng nhái vẫn vẹn nguyên.
Họ nhà nhái gáy tiếng giống kiểu của dế,
kêu một hồi rồi nghỉ phút chốc lại vang lên. Nếu như dế là chàng ca sĩ cuối hạ
đầu thu thì nhái là nhạc công vắt từ mùa thu sang mùa đông. Trên cánh đồng quê
hương, bốn mùa đều có những âm thanh dân dã. Cánh đồng là một quán tiệc thoáng
đãng và miễn phí. Sự giàu có của người quê là ở chỗ ấy, tâm hồn luôn được ướp
trong dư hoa thôn dã và ru bằng tiếng gọi đồng quê.
Ếch nhái có cơ chân rất khỏe, búng xa
thì không bằng châu chấu nhưng độ bền lại cừ hơn. Chính vì thế mà các vận động
viên, các võ sinh đều luyện cơ chân bằng cách nhảy ếch, tức ngồi xuống và dùng
cơ bắp búng lui tới. Con người là loài học lỏm giỏi nhất, và phần lớn những kiến
thức vận động đều học từ loài vật. Chẳng thế mà hầu hết các bài quyền thuật võ
Thiếu Lâm đều mang tên loài vật. Cũng bởi điệu búng dẻo như bay đó nên dân nhậu
gọi món ếch là phi tiễn.
Thuở nhỏ, thỉnh thoảng tôi đi bắt ếch
nhái cùng bạn bè. Dùng cây đèn dầu hỏa chế thành chiếc đèn soi. Mắt nhái thường
bị đóng đèn nên rất dễ bắt. Đêm ra đồng, tiếng nhái vang lên từ bốn phía, đi để
nghe âm thanh ấy thôi đã đủ sướng. Nhưng đến khi giết nhái mới dễ sợ. Con nhái
cứ chắp hai chân lại như van lạy xin tha. Từ bận ấy tôi bỏ luôn trò bắt nhái, bạn
bè ở làng dần dần cũng không mặn mà với thú ấy nữa.
Bao tháng năm trôi qua, tiếng nhái vẫn vẳng
lên sau hè, lang bạt giữa cánh đồng quê hương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét