Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

Cao nguyên Lang Biang và huyền thoại

Cao nguyên Lang Biang và huyền thoại 
Vừa đến cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt, du khách sẽ thấy nổi bật trước mắt về phía chân trời hướng Bắc là dãy núi Lang Biang (Lâm Viên). Hai đỉnh núi cao sừng sững hiện ra, tạo hậu cảnh cho thành phố với đường nét vừa sắc sảo vừa hài hòa cân đối. Những ngày mà trời quang mây tạnh, người ta có thể nhìn thấy hai đỉnh núi cao này từ cách xa hàng trăm cây số. Dưới chân núi là xã Lát và huyện lỵ huyện Lạc Dương. 
Hai ngọn Lang Biang như bộ ngực tràn căng sức sống của một cô thiếu nữ xinh đẹp khỏa thân nằm ngửa hướng lên trời xanh trong những ngày nắng hanh vàng. Nhìn từ Đà Lạt, du khách ngỡ rằng hai đỉnh núi liền nhau và có thể đi từ đỉnh này sang đỉnh kia. Nhưng sự thật hai đỉnh núi được đi tới bằng hai con đường khác nhau: một theo hướng Lạc Dương, một theo ngả Thái Phiên. Hồi trước, nối liền hai đỉnh núi này có một con đường mòn quanh co qua một thung lũng, nhưng về sau này cây rừng đã che mất.
Năm 1899 bác sĩ ÉTIENNE TARDIF đã lên Đà Lạt và mô tả thành phố này với Lang Biang lúc bấy giờ:
“Đà Lạt nằm trên cao nguyên Lang Biang trên độ cao ít nhất là 1.500m. Đồn lính nằm trên lưng chừng đồi của một thung lũng rộng, nhìn xuống một vùng đất dốc thoai thoải ven bìa rừng thông. Một dòng suối có lưu lượng rất cao chảy dưới thung lũng. Nước suối trong mát, dễ uống và không có mùi vị. Đồn lính Đà Lạt còn rất thô sơ. Trong đồn chỉ có vài người lính và thợ mộc.
... Đăng Kia ở phía bắc Đà Lạt nằm trên độ cao 1.400m có 2 người Âu, khoảng 50 người Kinh và Thượng. Cách đó không xa là buôn Thượng với 40-50 gia đình. Ông Canivey và Missigbrott mỗi người ở trong một túp lều tranh cách nhau 800m. Họ lấy nước từ một con suối chảy vào sông Đồng Nai ở chân đồi.”
“Về phương diện thẩm mỹ, Đà Lạt nằm ở một vị trí rất tuyệt diệu, chân trời lui về phía xa, tận dãy núi Lang Biang.”
Sau đó bác sĩ này đã leo lên dãy núi Lang Biang rồi tả cảnh đồi núi trùng điệp với vẻ hoang sơ:
“Cao nguyên Lang Biang là một vùng rộng lớn trải ra xung quanh giao điểm của 106o kinh đông và 12o vĩ bắc, có hình dáng một hình en-líp mà đường trục lớn Bắc-Nam dài 18km và đường trục nhỏ Đông Tây dài từ 10km đến 12km. Độ cao thay đổi từ 1.300m đến 1.550m và 1.600m.
Đỉnh núi cao nhất của dãy Lang Biang có độ cao 2.200m án ngữ cao nguyên Lang Biang về hướng Bắc. Về các hướng khác, những chỏm núi dài và cao bao bọc cao nguyên Lang Biang.
Khi nhìn thấy cao nguyên Lang Biang, điều đập mạnh vào mắt tôi trước tiên là địa hình. Cả một vùng rộng lớn gồm nhiều ngọn đồi nằm kề bên nhau, nối tiếp nhau, chế ngự lẫn nhau, sườn đồi này dốc thẳng đứng, sườn đồi kia nằm thoai thoải trên mặt đất. Những thung lũng rộng và sâu nhiều hay ít chia cắt núi đồi dợn sóng, len vào giữa là con đường nối liền Đăng Kia (Dankia) với Đà Lạt. Cả vùng đồi núi này đều phủ một lớp cỏ ngắn vào mùa khô, cao và dày vào mùa mưa. Trong thung lũng mọc nhiều loài thực vật khác nhau, lau sậy và trên vài sườn đồi có những đám thông và tùng.
Dòng nước chảy theo nhiều lối, có khi là những dòng suối nước chảy xiết, có khi là những ao hồ sâu ẩn mình dưới một lớp thảo mộc rậm rạp.
Hình dáng mấp mô của cao nguyên thật là lạ lùng! Tôi leo lên một trong năm đỉnh núi. Một quang cảnh kỳ diệu hiện ra trước mắt tôi. 150 đồi núi xanh rờn giống như một thúng cam khổng lồ. Trong vùng núi đồi trùng điệp có vài làng mạc ở phía Nam Đà Lạt; hơi chếch về hướng Tây là Đăng Kia và Ăn Krô ét (Ankroet) ở dưới chân núi Bờ Nơ (Beneur). Xa xa, về hướng Đông là dãy núi Nha Trang; về phía Nam, hoành sơn của thung lũng sông Đồng Nai; về phía Tây và Tây Nam, những đỉnh núi cao của Căm-pu-chia và Lào”.

... “Tôi nhận thấy gió trên cao nguyên thổi vào tháng 6 từ Bắc sang Đông và thổi dữ dội từ Đông sang Tây vào tháng 11, trong mùa lạnh.
Cuối cùng, không thể nào quên một nét đẹp thật mê hồn trên cao nguyên bao la này là Ăn Krô ét với rừng thông mênh mông và thác nước kỳ lạ cao 15m, nước tuôn xối xả. Rất tiếc, vị trí nơi đây quá hẹp không cho phép xây dựng những công trình quan trọng...”
Vào những năm đầu thế kỷ 20, Đà Lạt vẫn còn rất hoang vắng. Năm 1905, trong một dịp lên cao nguyên Lang Biang để thay đổi không khí, bà GABRIELLE M. VASSAL đã viết lại những nhận xét của mình:
“Vào khoảng giữa trưa, tôi thấy cao nguyên lần đầu tiên. Thật là một sự phát hiện bất ngờ, khác với những gì trước đây tôi đã từng nghĩ! Trên một vùng đất rộng là những ngọn đồi tròn, nhỏ, trơ trụi, mọc đầy cỏ thấp, cùng hình dáng và độ cao, quang cảnh giống như một vùng biển gợn sóng xanh. Ở giữa, những đỉnh núi Lang Biang cao vòi vọi như hòn đảo đá. Đăng Kia (Dankia) nằm ở dưới chân núi Lang Biang, ở phía bên kia cao nguyên. Cao nguyên bình yên và êm dịu quá! Chỉ có thông mọc trong những thung lũng giữa các ngọn đồi. Xa xa, những mái nhà gỗ ở Đà Lạt nằm cách xa nhau trên đỉnh hay lưng chừng đồi lấp lánh dưới ánh mặt trời.”
Năm 1908, P. DUCLAUX đi ngựa từ Hà Nội vào Sài Gòn. Trên đường đi, ông rẽ từ Phan Rang lên Đà Lạt và đưa ra nhận xét:
“Đà Lạt! Tám hay mười mái nhà tranh của người Việt, một nhà sàn bằng ván thô sơ dành cho lữ khách, một vòi nước, quảng trường chợ, một nhà bưu điện đơn sơ. Trên một ngọn đồi, sau hàng rào và giữa rặng thông xanh, vài căn nhà gạch của trung tâm hành chánh Đà Lạt, vì chế độ cai trị ở đây thật đặc biệt: có một hội đồng và cả một viên thị trưởng. Ông Champoudry - Thị trưởng Đà Lạt - nguyên Cố vấn Hội đồng thành phố Paris bị thất cử được Doumer đem sang đây và coi như người sáng lập Đà Lạt.
Còn cư dân? Vài chục người Việt bị đày, vài khách người Âu đi công tác hay trắc địa, những người thợ săn hay lữ khách hiếm hoi cùng đoàn tùy tùng. Tài nguyên? Gần như không có gì hết; không có một khoản ngân sách đáng kể, không có một sự trợ giúp nào cả. Vốn là dược sĩ chuyên trách về vấn đề vệ sinh thành phố Paris, ông thích thú thiết kế hệ thống thoát nước trong thành phố tương lai dựng lên trên sa mạc này và chờ đợi...
Trung tâm hành chánh của Đà Lạt không được nới rộng thêm chút nào, vẫn thuộc về tỉnh Phan Rang. Để tránh những sự tranh chấp về quyền hạn, ông Canivey - đại diện của Công sứ - sống với gia đình và thuộc hạ cách xa 3km, ngoài phạm vi của Champoudry. Nơi đây, ông đích thực là chủ nhân, cai quản một vùng Thượng rộng lớn, để lại cho đối thủ bất hạnh của ông vài chục người Việt thường ra vào trong một làng nhỏ.
Tôi mang đến cho ông Canivey một lá thư gửi từ Phan Rang và ông giữ tôi lại ăn cơm tối.Không những là một người am hiểu miền Thượng, ông còn là một tay thiện xạ có lẽ một phần vì ham thích nhưng chắc chắn vì hoàn cảnh bắt buộc. Ở đây không có thịt nào khác ngoài thịt rừng; về rau, chỉ có vài loại rau do người Thượng mang đến hay những người lính tự trồng trọt.”

… “Tất nhiên, Đà Lạt thiếu những trò giải trí quyến rũ. Ở trong nhà gỗ và ngủ trên giường gỗ không hấp dẫn du khách chút nào! Không có cỏ cho ngựa và cám bán với giá cắt cổ.”
Từ năm 1915, đã có du khách lái xe từ Sài Gòn lên Đà Lạt. Hãng ô tô Lang Biang - chi nhánh của Công quản đường sắt miền Nam - tổ chức những chuyến viếng thăm Đà Lạt. LE CHEMINEAU có dịp lên Đà Lạt vào năm 1916 bằng xe hơi đã ghi lại chuyến đi:  
“Xe men theo sườn đồi, chúng tôi lúc nhìn về hướng Nam, lúc nhìn về hướng Bắc. Một đoạn đèo hiện ra, chúng tôi tưởng là đoạn đèo cuối cùng, nhưng sau đó xe lại tiếp tục lên dốc.
Mọi người reo lên khi từ trên đỉnh đồi nhìn thấy những căn nhà gỗ nằm rải rác trên cao nguyên. Dưới thung lũng là căn nhà gỗ trước đây nhân viên của các phái đoàn nghiên cứu đã trú ngụ hiện dùng làm khách sạn. Xa xa, toà công sứ nằm chơ vơ trên đỉnh đồi cao nhất, bên cạnh đó và thấp hơn là căn nhà gỗ của viên chưởng lý theo đúng tôn ti trật tự. Bên phải chúng tôi là căn nhà của công chánh và bên trái là toà thị chính.
Trừ hướng Tây Bắc, cao nguyên Lang Biang ở độ cao trung bình 1.500m trải dài hàng trăm cây số vuông, dân cư rất thưa thớt chỉ sống ven hai bờ suối Cam Ly. Một làng người Việt được xây dựng sát bờ suối. Dân làng là những người thợ và người đi buôn, phần lớn là nhân viên địa chính cũ của các phái đoàn nghiên cứu.
Người Âu sống trong 8 căn nhà gỗ thông mà tên gọi gợi nhớ đến những tham vọng đầu tiên của những người xây dựng Đà Lạt, thủ phủ mùa hè của Đông Dương: toà thị chính, trường Viễn Đông, sở công chánh, bưu điện, cảnh binh, khách sạn, tòa công sứ và chưởng lý.
Về mùa Đông, trời hơi lạnh và mặc dầu tường có hai lớp ván vẫn không ngăn nổi tiếng động thỉnh thoảng gây khó chịu. Chín phòng của khách sạn đã có sẵn đồ gỗ dành cho du khách. Trường Viễn Đông, tòa thị chính và sở công chánh sẽ được tạm thời dùng làm chi nhánh cho khách sạn. Sau khi hai căn nhà gỗ được xây dựng xong, Đà Lạt sẽ có 26 phòng ngủ vào cuối năm.
Mãi đến năm 1915, Đà Lạt chỉ có 3 người Âu: một viên cảnh binh kiêm luôn cả xây dựng đường sá, một chủ khách sạn không có khách và một viên hành chánh giữ nhiệm vụ thị trưởng của số dân đông đúc này!”
Theo các nhà địa chất, núi Lang Biang hình thành do vận động tạo sơn nhưng theo truyền thuyết của người Lạch có một truyện cổ về sự thành lập núi Lang Biang như sau:
“Ngày xưa, đất trên cao nguyên và vùng đồng bằng đều bằng phẳng, chưa có núi cao như bây giờ. Khi mùa lũ đến, nước biển và nước sông tràn ngập cả đất đai, cây xanh không mọc, đất đai bạc màu. Người Lạch tin vào thần linh. Vị thần cao nhất là Nđu. Thần này thấy vậy đã làm phép nâng đất cao thành cao nguyên. Nước biển vẫn tràn lên, thần liền tạo ra nhiều ngọn núi cao thấp nằm gần nhau làm bờ ngăn cản nước, trong đó có hai ngọn núi Lang Biang. Ngăn chặn được nước sông và nước biển, cây cỏ xanh tươi, đất đai màu mỡ, thần Nđu giao cho thần rừng tạo ra loài vật để cho cuộc sống thêm vui.”
Cao Nguyên Lang Biang cũng mang một huyền thoại nghe thật tình tứ. Có lẽ vì thế mà về sau này thành phố núi đồi này được coi như nơi dành riêng cho các tuần trăng mật. Người ta kể lại rằng:
“Xưa mảnh đất này là lãnh thổ của bộ tộc M'Lat và Chill. Tuy hai bộ lạc này chỉ ở cách nhau dăm con suối, năm bảy ngọn đồi, nhưng giữa họ có một mối hiềm khích lâu đời. Chưa bao giờ có bóng dáng thanh bình thật sự trên vùng đất vô cùng lạnh lẽo này.
Lapbe, người con trai bộ tộc Chill, là một chàng dũng sĩ có một sức mạnh và một thân hình tráng kiện phi thường. Bên chàng luôn có một con voi trắng hầu cận. Một hôm Lapbe đi săn và gặp một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt vời - nàng Lang Biang, con gái của tù trưởng Liêng Hók Kiut, trị vì bộ tộc M'Lat.
Khác với những người ở vùng sơn cước có nước da nâu dòn, làn da nàng Lang Biang trắng nõn với đôi má ửng hồng, thân hình thon cao cân đối, mang vóc dáng người con gái của Yàng (thần thánh), của chốn cao vời. Thật tự nhiên như những hấp lực âm dương của đất trời, chàng dũng sĩ và cô gái xinh đẹp yêu nhau.
Lang Biang đưa Lapbe về buôn làng để xin cha được “bắt” chàng làm chồng. Vì đã hứa sẽ “bắt” K'Moat, phù thủy của bộ tộc, làm chồng cho Lang Biang, và hơn nữa Lapbe là con trai của một bộ tộc thù nghịch, nên tù trưởng Liêng Hók Kiut ra sức ngăn cản mối tình nồng thắm này.
Con voi trắng đã đưa Lang Biang và Lapbe trốn vào rừng sâu. Sau những lần vây bắt vô cùng vất vả nhưng vẫn hoài công, phù thủy K'Moat ra lệnh đốt rừng. Cả một biển lửa hừng hực bao vây và nuốt chửng lấy ốc đảo càng lúc càng bé nhỏ của đôi uyên ương. Từ bên ngoài, K'Moat giương cung vút một mũi tên tẩm độc nhắm vào Lapbe. Nhìn thấy cái chết đang lao đến người yêu quá nhanh, Lang Biang chỉ biết lấy thân mình che chở cho chàng.
Nàng Lang Biang đã ngã xuống trên mảnh đất đang quằn quại trong khói lửa. Lapbe đau đớn ôm chầm lấy người yêu. Con voi trắng cũng phủ phục dưới chân nàng. Nước mắt của họ chảy thành dòng suối Đa Nhim (tiếng K'Ho có nghĩa là Nước Mắt). Tiếng rống bi thương của con voi trắng làm cho đất trời bỗng tối sầm. Giông tố, sấm sét nổi lên dữ dội biến họ thành những ngọn núi trường tồn vĩnh cửu.
Riêng thân hình tuyệt mỹ với làn da tươi mát của nàng Lang Biang bỗng lớn rộng vô cùng, bao phủ những đồi núi cháy nám khói lửa và hóa thân thành một vùng đất thần tiên. Sắc đẹp của nàng lan tỏa cả đất trời. Má nàng ửng hồng hoa đào thắm. Hong tóc thông xanh vi vu. Mắt lóng lánh hồ biếc. Gió thở ngát hương hoa. Ngực nàng vươn cao là đỉnh núi Lang Biang.
Từ đó hai bộ tộc Chill và M'Lat ý thức được tình yêu của cuộc sống và đến sau này hầu như đã hòa đồng làm một.”
Một huyền thoại khác về cao nguyên Lang Biang lại được kể một cách lãng mạn như sau bởi NGỌC GIAO:
“Đã từ lâu, ở vùng La Ngư Thượng có hai bộ tộc mạnh vào hồi đó là Lát và Sre. Bộ tộc Lát có người tù trưởng trẻ tên là Lang. Lang đẹp như thân cây rừng, sừng sững mọc trên đỉnh núi, oai phong dũng cảm trước phong ba, nhân hậu cả với loài thảo mộc. Còn bộ tộc Sre lại có con gái của tù trưởng Jrenh tên là Biang. Nàng xinh đẹp và dịu dàng, thông minh mà khiêm tốn. Đôi mắt lóng lánh như vì sao với hàng mi cong vút. Thân hình tròn trịa với bộ ngực nở nang rắn chắc. Những ngày Biang vào rừng hái hoa, lượm quả, cỏ cây như cũng cùng thắm thiết và vui tươi hơn khi nàng bước qua.

Sau lần dũng sĩ Lang giết con rắn hổ tinh để cứu nàng Biang bên bờ suối Datania, đôi trai gái bắt đầu thấy thương mến nhau. Họ hẹn hò, gặp gỡ nhau trong những đêm trăng thơ mộng bên rừng suối. Họ dắt tay nhau đi dọc dài qua núi đồi vùng La Ngư Thượng. Khi tình yêu đã cháy bỏng, nàng Biang quyết định “bắt” Lang làm chồng. Cỏ cây và muông thú nghe tin vui đã chuẩn bị lễ cưới cho cặp trai tài gái sắc đó.       
Nhưng đám cưới không thành bởi tù trưởng Jrenh không cho họ được phép vượt qua những tập tục và oán cừu truyền kiếp giữa hai bộ tộc. Họ vượt qua bao nỗi khổ đau, vượt qua bao trở ngại với nhiều nước mắt đau thương, họ quyết tâm tìm đến cái chết bên nhau cho vẹn mối tình đầu của họ.
Lang và nàng Biang ngồi bên nhau lặng yên trên đỉnh núi từ ngày này qua ngày khác. Họ ngồi sát bên nhau từ lúc trăng lên như lưỡi liềm tới lúc trăng tròn dần khuất sau chân núi. Thế rồi trong một đêm mưa rừng tầm tã, bão tố nổi lên rung chuyển cả vùng cao nguyên thì cũng là lúc hai kẻ yêu nhau đã trút hơi thở cuối cùng. Sương trắng mờ phủ lấp cả vùng đồi núi và khuất luôn hình bóng của cặp tình nhân. Cả cao nguyên như khoác trùm một bộ áo tang ảm đạm. Muông thú, đất trời và con người của nhiều bộ tộc cùng tới tiễn đưa linh hồn của họ. Những tiếng cồng buồn bã, những điệu khèn ai oán vang vang khắp vùng đồi núi chập chùng. Đau thương đã xóa đi thù hận truyền kiếp.
Những bộ tộc cùng ngồi tụ bên nhau, cùng làm lễ mai táng hai kẻ yêu nhau và chôn xác họ bên ngọn núi K'Bùng. Ngôi mộ ấy cứ mỗi ngày mỗi lớn và cao hẳn lên.
Câu chuyện tình đau thương đó đã bay bổng vào bầu trời cô tịch và cũng đã là câu chuyện kể chung cho các bộ tộc người  vùng cao nguyên mỗi lúc rừng khuya họ ngồi bên bếp lửa. Ngôi mộ đó đã hóa thành nỗi niềm xúc động của trẻ già trong mọi bộ tộc. Vì vậy Lang Biang đã trở thành tên ngọn núi và kết tinh những tinh túy của người thượng cao nguyên như bộ tộc K'Ho, M'Nông, Mạ, Chill ngàn đời bất khuất, và cũng là đỉnh núi của một thời gian ghi lại nhiều mối tình nước mắt của Lang Biang.
Trên đỉnh núi, không biết có phải do nàng Biang xa xưa gieo hạt hay không, nay ta sẽ thấy một rừng hoa Đỗ Quyên với màu sắc hồng, trắng, tím mà người Lát đã đặt tên là hoa Lang Biang. Bên cạnh hoa Đỗ Quyên là có muôn loài thảo mộc, trong đó chúng ta sẽ gặp rất nhiều loại “phong lan”, nữ chúa của các loài hoa ở đây.
Rừng Lang Biang rất phong phú về chủng loại, trong đó rừng lá rộng, rừng thông, và các loại tre thân nhỏ và những bụi trúc xum xuê. Đặc biệt, trong không gian ấy ta lại được nghe những âm thanh của các loài chim rừng hót vang triền đồi núi. Theo tài liệu sưu khảo người ta ước đoán có trên một trăm loài chim, trong đó có một số loài chim rừng tên gọi được lấy từ tên đỉnh núi Lang Biang, núi của huyền thoại, núi của tình yêu bao đời nay vẫn tồn tại như một giá trị truyền thống của quê hương. Lang Biang còn là biểu tượng ngàn đời của vùng cao La Ngư Thượng.”
Về huyền thoại vừa kể trên có tài liệu ghi thêm một số chi tiết về cuộc chiến giữa chàng Lang và voi dữ:
“Chàng Lang là người vừa khỏe mạnh, đẹp trai lại giàu lòng thương người và có tài chinh phục thú rừng. Một hôm trong bản làng có hai con voi rất hung dữ đi lạc tới. Hàng chục người Lat vây hãm nhưng không hạ nổi voi. Khi Lang từ rẫy về thấy vậy vội ra hiệu cho họ nghỉ tay, một mình chàng tìm cách chinh phục voi. Sau một hồi giao đấu Lang nắm được đuôi hai con voi liền cột chặt vào nhau làm chúng không còn đủ sức kháng cự nữa mà phải quỳ xuống hàng phục. Lang tha chết cho voi và khuyên voi trở về làng cũ. Hai voi cảm động rơi nước mắt, lặng lẽ bước đi. Từ đó Lang nổi tiếng là người nhân ái được cả cầm thú và bộ tộc thương yêu kính trọng.”

Có tài liệu kể rõ hơn về chuyện chàng Lang cứu nàng Biang trong một cuộc chiến chống lại rắn tinh và dã thú:
“Nàng Biang xinh đẹp, thông minh và khiêm tốn. Những ngày nàng vào rừng hái trái, kết hoa thì thiên nhiên, cây cỏ dường như vui tươi hơn lên. Muôn chim xôn xao hót líu lo. Những con thú hiền lành quây quần bên nàng. Nhưng cũng chính vì vẻ đẹp của nàng mà có hai con rắn hổ tinh ghen ghét và tìm cách mưu hại nàng. Một hôm nàng Biang cùng một số người làng đi hái trái. Khi đến thác Đa Tan La là nơi các tiên nữ thường hay xuống tắm thời hai rắn hổ tinh trên có thêm sự giúp sức của hai con cáo già và bảy con chó sói cùng xúm lại tấn công làm hại. May thay dũng sĩ Lang xuất hiện kịp thời, nhảy vào vòng chiến. Trong cuộc chiến đấu ác liệt, cuồng phong nổi lên dữ dội, cây rừng gãy đổ ào ào, Lang dùng xà gạt phớt nhanh vào lưỡi hai con rắn tinh, dùng cung tên bắn vào bầy dã thú khiến chúng phải bỏ chạy. Từ đó nàng Biang cảm mến chàng Lang. Chàng và nàng thường hẹn hò nhau và sánh vai đi dạo trên đồi trong những đêm trăng sáng.”
Tài liệu cũng kể thêm huyền thoại về Núi Voi và thác Voi:
“Khi hay tin nàng Biang sắp “bắt chồng” là chàng Lang thời voi rừng mừng lắm, kéo nhau hối hả về dự đám cưới. Ngờ đâu khi đến ngọn thác này thì nhận được tin dữ là cả Biang và Lang đều đã cùng chết bên nhau. Đàn voi rừng gào thét suốt mấy ngày đêm rồi lăn ra chết và hóa đá. Riêng hai con voi trước kia được chàng Lang tha mạng thời đi lạc và khi hay tin dữ cũng ngã quỵ rồi chết và hoá thành hai ngọn núi, đầu hướng về đỉnh Lang Biang. Đó chính là rặng Núi Voi sau này.”
Huyền thoại về núi Lang Biang gây cảm hứng cho nhiều người viết văn và làm thơ. Nhà thơ HOÀNG ANH TUẤN khi viết bài “Thơ về Đà Lạt” cũng đã nhắc đến chuyện tình này:
“Mây đi lạc xuống ven hồ cẩm thạch
Là hoang vu tà áo gọi bâng khuâng
Em mong manh tay cầm nhánh hoa hồng
Bước hờ hững dưới pha lê mưa bụi.
Vuông cửa kính lạnh hoen mờ tiếc nuối
Bàn tay lau nghe giá buốt tâm hao
Nhưng thấy em, ta hái đóa chiêm bao
Bỗng nghe tiếng ta gọi em: Đà Lạt!
Có những buổi trăng về từ suối bạc
Đem phong lan trang điểm một trời hương
Đà Lạt của ta trong thần thoại hoang đường
Lang tình tứ đã gặp Biang e ấp.
Anh đã gặp em một lần duy nhất
Đà Lạt em, Đà Lạt vẫn của anh
Tình yêu đẹp như bức tranh thủy mặc.”
Ngô Tằng Giao
Nguồn: Trích: “ĐÀ LẠT NGÀY THÁNG CŨ
Theo http://hoithanhuudalat.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tết bên Nga của nhà văn Việt

Tết bên Nga của nhà văn Việt Lại sắp Tết nữa rồi đây. Lại thêm một lần mẹ quê hương trông ngóng. Biết bao giờ được sum vầy trong cái Tết q...