Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

Những phương tiện lên Đà Lạt

Những phương tiện lên Đà Lạt
1. Lên Đà Lạt bằng đường bộ
Để phục vụ cho trung tâm nghỉ mát Đà Lạt, để du khách dễ dàng lên nghỉ ngơi nên trước kia các phương tiện giao thông đã được khai thác tới mức tối đa, bất chấp những trở ngại về địa thế.
Con đường đầu tiên phải kể đến là con đường mòn của thổ dân đã đưa bác sĩ Yersin đi từ Nha Trang ngược lên núi theo thung lũng sông Đa Nhim đến Đơn Dương (Dran) qua Fimnom, lên đèo Prenn rồi đến Đà Lạt. Lúc đó Yersin chỉ là nhà thám hiểm.  
Tháng 10-1897, Toàn quyền Paul Doumer cử phái đoàn do đại úy pháo binh Thonard và ông Cunbac tìm hiểu Đà Lạt. Đến 1899, con đường đất từ Phan Rang lên Đà Lạt hoàn tất. Đó là con đường có 20km đèo dốc quanh co trong một khung cảnh non nước hữu tình được gọi là đèo Ngoạn Mục (Belle Vue) và đèo Dran dài 10km (con đường ấy sau mở rộng thành quốc lộ 11 - Đà Lạt - Phan Rang 108km; Đà Lạt - Nha Trang 219km).
Đường đèo rất dốc, quanh co, nguy hiểm, vòng lên vòng xuống, lượn đi lượn lại nhiều lần. Lên đến đỉnh đèo ở độ cao khoảng 1.000m, khí hậu á nhiệt đới mát mẻ có tác dụng phục hồi sức khỏe một cách nhanh chóng. Giữa đèo cao lộng gió du khách có cảm giác chơi vơi, say sưa ngây ngất đất trời. Tinh thần sảng khoái. Cơ thể dễ chịu. Dưới chân đèo là nhà máy thủy điện Đa Nhim, với hai ống nước khổng lồ, từ độ cao 1.000m nước đổ vào tuốc-bin nhà máy.    
Cũng giống như đèo Bảo Lộc chỉ có lên mà không có xuống, nghĩa là du khách đi từ Phan Rang lên Đà Lạt cứ lên, lên mãi cho tới khi đặt chân đến đỉnh đèo. Từ đỉnh đèo nhìn trở lại đoạn đường vừa qua, tầm mắt mở rộng trải dài đến tít tận vùng biển xanh bao la. Trước mắt một thang mầu xanh phối hợp một cách hài hòa, tạo nên một cảnh đẹp thanh bình, êm ả. Rừng cây xanh đậm trên vách đá cheo leo. Xa xa là đồng lúa xanh ánh vàng rập rờn như sóng nước. Xa hơn nữa là mặt biển xanh màu ngọc bích trải dài vô tận.
Xe đưa du khách tiến vào Đà Lạt theo những con đường lượn sóng, khi lên, lúc xuống nhẹ nhàng. Rồi xe đi qua một quãng đường dài bằng phẳng của vùng Đơn Dương - Đức Trọng. Trước khi vào cửa ngõ thành phố Đà Lạt du khách phải vượt đèo Prenn uốn lượn. Đang từ quang cảnh đồng bằng, đến đèo, du khách sẽ có cảm giác nao nao khó tả. Xe vượt lên những con dốc, một bên là đèo cao, một bên là thung lũng sâu. Xa xa đồi núi chập chùng, những rặng thông ngút ngàn lao xao trong gió như vẫy chào.
Mãi đến năm 1932, đường Sài Gòn qua ngã ba Dầu Giây lên Định Quán, Bảo Lộc rồi qua Di Linh tới Đà Lạt mới được hoàn tất, hồi đó gọi là quốc lộ 20. Đến tháng 2-1943, đoạn đường từ thác Prenn lên Đà Lạt được cải tiến, bỏ đoạn đường cũ thay đường mới, theo một sườn núi khác. Đoạn đường mới này có lợi điểm rút ngắn chỉ còn 8,6km thay vì 14km như trước kia. Đến 1970, quốc lộ 20 và đoạn 21b nối liền quốc lộ 20 từ ngã ba Funbin đến Dran được sửa thành xa lộ.
Đi bằng xe hơi từ Sài Gòn lên Đà Lạt hết khoảng năm hay sáu tiếng đồng hồ và đó cũng là thời gian du lịch thật thú vị. Xe đưa du khách lần lượt qua xa lộ Biên Hòa, chạy xuyên qua những đồng lúa, những cánh rừng cao su ở Đồng Nai, những vườn dâu, vườn chè, cà phê ở Bảo Lộc, Di Linh, nông trường ở Đức Trọng và tiếp đến là những rừng thông xanh ngút ngàn, Đà Lạt hiện ra trước mắt du khách như một đóa hoa rực rỡ giữa núi rừng Lang Biang. Cái oi bức nóng nực và xô bồ của Sài Gòn đã biến mất đi tự lúc nào, giờ đây thân thời cảm thấy mát mẻ dễ chịu, tâm thời an lạc.
HỨA HOÀNH kế lại một chuyện trở ngại xảy ra trong khi tập trung dân Thượng làm phu đắp đường trong khu vực Di Linh đi Đà Lạt:     
"Khi phát quang khu rừng dọc theo đường lộ, dân phu Thượng phát giác một thân cây to lớn nhiều người ôm không xuể mà họ gọi là “cây rắn thần”, bởi vì trong hang bọng cây có vô số rắn lớn nhỏ lúc nhúc đủ màu sắc. Viên kỹ sư làm đường yêu cầu triệt hạ cây ấy nhưng người Thượng từ chối, viện lẽ đó là một cây thiêng…
Viên công sứ theo lời kỹ sư làm đường ra lệnh đốn. Các kỹ sư Pháp lấy cỏ khô phủ quanh gốc cây rồi tẩm xăng đốt. Hàng trăm con rắn bò ra lổn ngổn khiến mọi người chạy tán loạn. Khi ngọn lửa bốc cao, rắn tập trung lên ngọn, huýt gió nghe rợn người. Từ các cành cao, rắn vặn mình đau đớn, phun ra những giọt nước như phông-tên. Dân Thượng giải thích đó là hiện tượng rắn thần Naga rời khỏi cây thiêng. Rồi họ bỏ làng đi sâu vào rừng, từ chối làm đường dù bị người Pháp hăm dọa bỏ tù. Cuối cùng viên công sứ Pháp đành phải cho làm con đường tránh sang bên. Mãi đến năm 1972, khi công binh Mỹ tân trang quốc lộ 20, họ đã dùng xe ủi san bằng gốc cây thành một đống lớn bên vệ đường.” 
Từ Sài Gòn lên Đà Lạt bằng đường bộ chúng ta cũng có thể theo chân cô nữ sinh Trưng Vương NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG
“Chúng tôi đi bằng xe đò nhỏ qua Biên Hòa. Tới Định Quán, nơi những tảng đá lớn chồng chất như thành lũy đồ sộ kiên cố hoặc nằm ngổn ngang hai bên đường, xe ngừng độ nửa giờ cho mọi người xuống giải lao.
Sau Định Quán, đường dần dần lên cao, lác đác dân Thượng đây đó. Xe qua những đồi trà bát ngát của Bảo Lộc. Khí hậu bắt đầu se lạnh. Dân bản thượng vẫn mình trần đội thổ sản cao nguyên đi ra, đi vào những con đường mòn mất hút trong rừng. Một cô gái ngực trần căng bóng như tượng đồng nâu, eo thon uyển chuyển, đội thúng đi bên đường. Tôi đang trầm tư, mặc tưởng cũng phải mỉm cười vì các hành khách trên xe trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, man dã.
Mưa rừng xuống, khói núi lên, mây mù trùng điệp…”
Nhà thơ cao niên TRÚC TIÊN ghi lại chuyến đi du lịch từ Nha Trang lên Đà Lạt bằng đường bộ vào năm 1962, khi bà 72 tuổi:
“Gia đình Kính và tôi từ Tân Sơn Nhất lên máy bay ra Nha Trang ở một bữa, sáng hôm sau đi xe hơi lên Đàlạt. Từ Nha Trang tới bãi biển Ba Ngòi không có gì lạ. Qua khỏi Ba Ngòi, lên đèo Ngoạn Mục là không khí đã đổi thay. Mây xám thấp, gió lùa hơi mát dịu, đường đèo quanh co cao thấp, xe lượn theo uốn éo như theo một con rắn khổng lồ, trông xuống thung lũng cây rậm bằng phẳng như tấm thảm nhung xanh màu lá mạ. Thỉnh thoảng có giòng suối trong veo chảy, lướt qua những ngàn thông thiên trùng vạn điệp của Tạo hóa mà sắp theo hàng lối như có bàn tay khéo léo sửa sang…
Xe len qua nhiều rừng rậm, lại thấy từng bụi trúc non mướt xanh tươi, uyển chuyển theo chiều gió ngả nghiêng, rải rác giữa rừng có những thứ cây lạ, không biết được tên, hoa trắng toát như bạch lan, còn điểm vào hoa vàng rực như hoàng cúc, cảnh thiên nhiên thanh tú đẹp lạ lùng! Nhìn hai bên giải Trường Sơn thăm thẳm liền chân mây trắng lững lờ trôi. Từng đồi thông cao thấp, từng đám cây rậm âm u, nơi nào cũng có nương chè lớp lớp, xếp hàng như tam cấp xanh um. Từng khoảnh rau xanh đậm xanh non vuông vức, ngoạn mục vô cùng.” 
Ngược lại nếu rời Đà Lạt bằng đường bộ để về Sài Gòn thời chúng ta hãy theo chân cô giáo Trâm của NGUYỄN THỊ HOÀNG. Trong giai đoạn 60 - 70 ở Đà Lạt người ta thường được nghe đến tên của nhà văn nhà giáo này, với cuốn truyện đầu tay đã từng gây sôi nổi một thời đó là cuốn “Vòng tay học trò”. Tác phẩm đã từng gieo vào lòng các thiếu nữ Đà Lạt ngày đó những mộng mơ, bâng khuâng xao xuyến của tuổi còn cắp sách đến trường. Truyện ghi về mối tình giữa cô giáo và một chàng học trò như sau:
“Xe lên đến đèo Prenn, Trâm đọc hết bức thư bốn trang dài của Minh để lẫn vào hộp kẹo nhỏ. Nàng đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần đoạn cuối cùng không ngờ: “Mai cô đi rồi để lại em những lo lắng không nguôi, đầu óc trống rỗng, ý nghĩ khô khan, chữ nghĩa thiếu hụt. Biết lấy gì viết để cô hiểu và tin em yêu cô, yêu cuồng dại, yêu tha thiết, yêu với niềm lo sợ mất cô yêu bất chấp cả mấy thằng giáo sư trù mạt, yêu say mê, yêu liều lĩnh đến cùng. Mai cô đi rồi, để lại em với bao điều hối hận dày vò, tự trách đã si mê cuồng dại, đặt tình yêu không đúng chỗ, trót đã trèo cao. Vì dù sao, dù sao cô còn trẻ đẹp quí phái biết bao người âm thầm hay bộc lộ tình cảm đối với cô. Tỉ phú, giáo sư đại học, phi công, bạn đồng nghiệp hiện tại và còn nhiều, nhiều lắm... Còn em chỉ là một đứa học trò, mà tàn ác nhất lại là học trò trường cô dạy, hai bàn tay trắng không biết đếm tiền, chỉ biết đánh lộn, đánh vỡ hết những gì làm mình thất vọng khổ đau, với vòng tay học trò không bao giờ ôm giữ nổi đời cô.”
Và đây là tâm trạng của cô giáo Trâm lúc đó:
“Người hành khách ngồi cạnh tò mò nhìn sang. Trâm xếp thư bỏ vào ví, thẫn thờ nhìn xuống thung lũng vàng úa dưới chân đèo. Lá cây ngàn biếc lục rạng rỡ chiếu lên nền da trời xanh thoảng nhạt mơ hồ. Nỗi buồn dịu nhẹ âm thầm bỗng trào lên hai mắt Trâm, những giọt nước ấm chảy dài xuống má môi như có ai đang âm thầm cúi xuống khóc trên mặt nàng. Lũng sâu như quay tít dưới con đường xe chạy. Một khắc Trâm bỗng điên cuồng muốn lao mình xuống đó, chạy như bay biến về thành phố tìm lại Minh. Và ôm Minh trong tay. Cho nụ cười nước mắt mái tóc hương hơi quyện lẫn vào nhau. Cho đời sống chấm dứt bình yên giây phút. Rồi sau đó, mọi điều xảy ra sao, không cần nữa. Cho Minh hiểu lòng một người đàn bà cô đơn, tình yêu còn mãnh liệt gấp trăm nghìn lần tình yêu của một người con trai vừa mới lớn. Nhưng chuyến xe vượt đèo vun vút lao đi và Trâm ngồi bất động như tượng đá, trong những cảm giác dạt dào nung nấu, cho Đà Lạt lùi dần, mất hút phía sau, lẫn vào màu xanh trùng điệp của núi đồi ký ức mê thiếp.”
2. Lên Đà Lạt bằng đường sắt 
Trước kia nếu muốn thưởng thức vẻ huyền bí của núi rừng cao nguyên người ta có thể lên Đà Lạt bằng xe lửa. Du khách sẽ có một cảm giác rất độc đáo khi ở trên một con tàu dài ngoằn ngoèo đang hì hục leo lên những triền dốc cao. Núi rừng hùng vĩ lướt chầm chậm qua mắt người trong một cuộc gặp gỡ đầy lưu luyến. Thỉnh thoảng con tàu phải chui qua một đoạn hầm tối tăm bí hiểm.
Đoạn đường xe lửa từ Phan Rang đi Đà Lạt được khởi công xây dựng từ 1915, dài 84km, do người Thụy Điển thiết kế. Thụy Điển là một nước có nhiều đường dốc, giàu kinh nghiệm về đường sắt có răng cưa (crémaillère). Chuyến tàu lửa đầu tiên lên Đà Lạt được khởi hành vào năm 1933. Đây là một đường xe lửa đặc biệt vì đoạn qua khỏi ga Sông Pha đường dốc rất cao, nên xe hỏa phải có thêm một đường rầy ở chính giữa có răng móc như lưỡi cưa, ăn khớp với bánh xe của đầu tàu kéo cũng có răng, được chế tạo đặc biệt không có ở các đầu tàu xe lửa loại thường, để kéo đoàn tàu lên dốc và để giữ cho đoàn tàu không bị tuột nhanh khi xuống dốc.
Điều đáng buồn là cả một công trình vĩ đại và thơ mộng này trong thời chiến tranh vì có một đoạn đường thiếu an ninh nên tuyến giao thông đường sắt không thể sử dụng được và đã trở nên hoang phế từ đó. Ga Đà Lạt trước kia là một trong những ga xinh đẹp và độc đáo của Việt Nam, nay hầu như tất cả đều chìm vào quên lãng! Nhưng trong lòng người xa xứ, nhất là các nhà văn, nhà thơ thời những kỷ niệm vế chuyến du lịch Đà Lạt năm nào bằng tàu hỏa chẳng bao giờ có thể bị lãng quên!   
Hãy đi theo tuyến đường sắt từ Sài Gòn lên Đà Lạt dưới ngòi bút hồi ký của HỒNG THỦY, cô nữ sinh Trưng Vương thời đó:
“Chúng tôi đi Đà Lạt bằng tầu hỏa. Tôi còn nhớ tầu khởi hành khoảng chập tối khi thành phố mới bắt đầu lên đèn. Tầu rời ga Phạm Ngũ Lão, gần chợ Bến Thành và khoảng trưa hôm sau thì đến Đà Lạt (nếu tôi nhớ không lầm).
Tôi thích đi du lịch bằng tầu hỏa nhất vì tôi có thể ngắm phong cảnh hai bên đường một cách khoảng khoát không bị vướng víu bởi những ô kính nhỏ của xe hơi, hay cái “lỗ tò vò” kính của máy bay.
Đường bộ Sài Gòn - Đà Lạt đẹp vô cùng. Ngoài những ga nhỏ tầu chỉ ngừng vài phút rồi đi, ga Mường Mán là nơi tôi nhớ rõ nhất vì tầu ngừng lại lâu hơn. Các người bán quà rong bước hẳn lên tầu đi dài dài mời khách. Khi tầu rục rịch chuyển bánh, họ mới vội vàng nhẩy xuống, đứng ở sân ga tiếc rẻ nhìn con tầu phóng vút đi bỏ lại tiếng còi tầu tan loãng trong không gian.”
Nhà văn NGUYỄN XUÂN THIỆP cũng từng ghi lại cảm tưởng đi bằng tầu hỏa từ Sài Gòn lên Đà Lạt với một người bạn:
“Từ Sài Gòn, chúng tôi lên xe lửa vào buổi chiều nắng đã tắt. Xe chạy suốt đêm qua những triền cát ven biển, những cánh đồng, đồi núi. Ánh sáng từ các khung cửa sổ những toa tàu hắt xuống hai ven đường ray, vun vút lướt đi, như những niềm vui, hết đợt này tới đợt khác. Làm sáng thêm những vệt sáng có vẻ phù hư đó, từ ống khói đầu máy không ngớt tuôn ra những tàn lửa bay múa trong đêm. Khi lên vùng cao, bánh xe lăn chậm chạp trên đường rail có răng cưa để níu tàu khỏi tuột dốc. Không khí đã thoảng mùi nhựa thông trong gió. Hừng sáng, tàu đến ga Đà Lạt.
Mãi tới sau này, tôi vẫn thấy cái nhà ga miền núi này là đẹp nhất nước, không chừng đẹp nhất thế giới, xin lỗi. Hai đứa chúng tôi ngụ tại khách sạn Kinh Đô ba ngày, đêm Noel đi xem lễ nhà thờ con gà, ngày đi suối đi thác đi hồ đi rừng. Những chiếc xe ngựa ngày ấy bây giờ chắc đã biến vào trong mơ.”
Đường bộ từ Phan Rang lên Đà Lạt là quốc lộ 11 dài 110km, nhưng đường xe lửa chỉ dài có 84km thôi. Khởi hành từ Tháp Chàm đến K'rong Pha. Ga K'rong Pha là ga đặt theo tên gọi của đồng bào Thượng, người Việt phiên âm là Sông Pha. Xe lửa chạy trên đường bằng là 46km, còn lại là xuyên núi và leo dốc lên tới cao độ 1.500m cách mặt biển. Xe sẽ leo lên đèo Ngoạn Mục, một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, đường lên quanh co uốn khúc giữa núi rừng trùng điệp nối nhau, tầng tầng lớp lớp giữa mây trời.
Vào năm 1991, từ nước ngoài, nhà thơ TRẦN VẤN LỆ kể lại cuộc hành trình của mình bằng tầu hỏa từ Phan Rang lên Đà Lạt mấy chục năm về trước một cách hào hứng, lúc đó chàng còn trẻ tuổi, mới 17:
“Tết này tôi năm mươi tuổi. Tấm lòng tôi vẫn trai trẻ như bao giờ. Như hồi tôi mười bảy tuổi ta, mười sáu tuổi tây. Chuyến xe lửa từ Phan Rang dừng lại thật lâu ở ga K’rong Pha để ta thấy đầu máy đi vào hệ thống đường rầy có răng cưa. K’rong Pha nắng chang chang, chỉ có gió biển bay qua những cánh đồng uá nắng, đập vào vách đèo Ngoạn Mục, rồi dội ra túa lụa những khu rừng dầu xác xơ èo uột. Ga K’rong Pha nhỏ, nhưng lớn hơn nhiều những ga xép dọc đường như Đồng Mé, Lương Sơn, Long Thạnh… bởi vì nó có một cơ xưởng đặc biệt: trang bị và sửa chữa đầu máy leo núi…
“Ga K’rong Pha là ga đặt theo tên gọi của đồng bào Thượng, người Việt phiên âm là Sông Pha. Khi xe lửa rột rẹt vào đường răng cưa đặt giữa hai thanh đường rầy, người ta nói: xe bắt đầu leo lên đèo Ngoạn Mục. Cái tên Ngoạn Mục thật hay. Tôi hiểu nghĩa là: nhìn đâu cũng đẹp. Người Pháp đặt tên là Belle Vue. Có nghĩa là Cảnh Trí Đẹp. Quả thật vậy, xe chạy triền triền theo dốc núi. Rừng nhiều loại cây, cao vút, xanh um. Thông từ thưa thớt đến dày kịt rồi mịt mùng. Thông toàn thông. Đà Lạt hiện ra sau những cửa hầm đục xuyên lòng núi. Thông xanh. Cỏ biếc. Hoa vàng. Mây trắng. Đà Lạt ôi mênh mông.

Tôi lên Đà Lạt trong tuổi chớm Tình yêu. Tình yêu đầu đời của tôi là Sông Núi và đó là Tình yêu mãi mãi thủy chung. Khi xe lửa rầm rầm qua những cầu Eiffel, những cầu toàn bằng sắt thép, nhìn xuống lòng suối, nước chảy xiết, sóng tung những ghềnh đá, đẹp không bút mực nào tả được, tôi tưởng trái tim mình vỡ ra như một đóa hoa... tả tơi mà vẫn còn nguyên vẹn! Xe lửa uốn mình như rắn lượn qua các sườn núi phất phơ cỏ lau. Cầu Đất xanh um trà. Eo gió tiếng thông reo vi vút. Cà-beu lạnh ngắt mù sương. Trạm Hành long lanh giọt nắng. Dran ầm ì tiếng sóng của con sông Đa Nhim. Trong rừng, những con chim đủ màu sắc, không biết gọi chim gì, chuyển cành ríu rít. Những con vượn đen mướt một tay vin cành, một tay ngoắc ngoắc thinh không, răng trắng, môi hồng, tiếng kêu chí cha chí chét. Bắt đầu nghe lạnh từ khi xe lửa rột rẹt vào hàng răng cưa. Lạnh vì nghe ê răng. Lạnh vì có cảm tưởng mình đã qua cái cổng chào của Đà Lạt yêu thương, tân kỳ mà trùng trùng cổ kính...
Xe lửa rít những hồi còi lanh lảnh sau ga cuối cùng là Trại Mát, còn cách Đà Lạt 7km. Đà Lạt không chỉ toàn là núi đồi với lác đác một vài ngôi nhà dưới hông sâu, trên đỉnh đồi hay những thị trấn như bàn tay nó tạo dựng đây đó trên lối vào thành phố. Đà Lạt hiện nguyên hình một nàng Tiên diễm ảo. Những ngôi biệt thự khác kiểu nhau, nằm kề hay tách riêng, không chìm xuống mà trồi lên sững sờ trong ánh mắt. Hoa và hoa. Chỗ nào cũng hoa. Hoa trong sân nhà. Hoa trên thảm cỏ. Hoa của trời đất. Hoa của người ta. Những chòm thông tỏa bóng trên những mái ngói đỏ, ngói vàng. Rừng thông ngay trong thành phố, có lúc thấy như cao hơn đỉnh tháp chuông nhà thờ con gà, có lúc thấy san sát với mái trường Võ Bị quốc gia dãy ngang dãy dọc...
Thông long lanh rớt với tiếng chuông chùa Linh Sơn thánh thót, ngọt ngào như tiếng lạc ngựa leng keng. Đà Lạt làm nhớ cà rem cây. Thương quá. Đà Lạt tuổi thơ hồng hồng má thắm. Tuổi mười bảy của tôi hai bàn tay ngát hương...
Tôi ôm chầm lạnh ngắt từng cây trụ đúc của hành lang nơi ga Đà Lạt. Ô! Một nhà ga đẹp hơn bất cứ nhà ga nào tôi đã đi qua. Hơn cả Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Nha Trang...
Nắng vàng chảy như nước mắt của tôi bây giờ. Đà Lạt hồi đó dễ thương biết bao. Đà Lạt bây giờ cũng dễ thương biết bao, nếu tôi được ôm chầm lạnh ngắt từng cây trụ điện trồng dọc theo những con đường! Xe lửa tới nơi và đậu lại. Không lên Ban Mê Thuột. Không lên Pleiku, Kontum. Không cả xuống Di Linh, Blao, Da Huoai... Xe lửa tới nơi và tôi tới Đà Lạt muôn đời yêu quí!”
3. Lên Đà Lạt bằng máy bay
Đà Lạt có các đường bay nối liền với các nơi khác qua hai phi trường Cam Ly và Liên Khương:
- Phi trường Cam Ly cách Đà Lạt 5km về hướng Tây. Trước kia nơi đây là phi trường quân sự. Trong thời gian chiến tranh leo thang, nơi đây máy bay lên xuống liên tục để cung cấp những nhu cầu về mặt quân sự và là một thương cảng rau.
- Phi trường Liên Khương cách Đà Lạt khoảng 30km. Sau ba năm xây dựng, vào năm 1933 phi trường Liên Khương bắt đầu hoạt động. Lúc đó phi đạo dài 700m được đắp bằng đất, chỉ đáp ứng cho loại phi cơ có trọng tải dưới hai tấn.    
1945 Nhật mở mặt trận ở Đông Nam Á, do nhu cầu chiến tranh Nhật đã tu bổ phi trường Liên Khương. Phi đạo lúc đó được cán đá để dùng cho các loại phi cơ chiến đấu của Nhật thời bấy giờ.
1960 - 1975, vì chiến tranh, phương tiện giao thông đường bộ bị gián đoạn, mất an ninh. Hành khách sử dụng đường hàng không tăng nhanh chóng. Để đáp ứng nhu cầu đó, phi trường đã mở rộng. Phi đạo được trải nhựa dài 1.480m, rộng 40m, có thể sử dụng cho các phi cơ từ 35 tấn trở xuống. Diện tích bãi đậu rộng 1.000m2, có thể đậu một lúc năm chiếc máy bay. So với phi trường Tân Sơn Nhất hay Đà Nẵng, phi trường Liên Khương chỉ ở vào vị trí rất khiêm tốn: phi trường hạng hai. Trong những năm 70, sân bay này khá nhộn nhịp. Người có tuổi và am hiểu thì mô tả hoạt động của nơi này như một bến xe liên tỉnh, ngày nào cũng có chuyến bay và hành khách đợi chờ.
Có thể đến Đà Lạt nhanh nhất bằng phi cơ dân sự của hãng hàng không Việt Nam, còn gọi là Air Con Rồng. Đoạn đường Sài Gòn - Đà Lạt dài khoảng 300km, đi phi cơ chỉ mất khoảng chừng 30 phút, nghĩa là người tiếp viên phi hành vừa mới dọn xong bữa ăn nhẹ cho hành khách thì đã sắp đến phi trường Liên Khương. Từ phi trường sẽ có xe hơi của hãng hàng không chở hành khách về tới trạm đến của hàng không Việt Nam tại Đà Lạt. Sau đó du khách có thể đáp xe lam ba bánh hay xe taxi về khách sạn.
Giáo sư HOÀNG XUÂN HÃN năm 1946 đi dự một hôi nghị cao cấp ở Đà Lạt sau này đã viết lại về chuyến bay của mình:
“Một giờ chiều máy bay lại cất cánh, rồi tiến thẳng hướng Đông Nam, cũng một Junker, nhưng nghe nói tàu này chỉ bay được 165 cây số mỗi giờ. Trông xuống đất, chỉ thấy mênh mông rừng thẳm xám xanh, thỉnh thoảng có vạch đường cong queo sắc bạc bởi dòng nước của sông ngòi. Một lúc gặp bức tường mây trắng xóa. Tàu lắc lư gắng vượt lên cao. Trong tàu ai cũng nôn nao. Muốn nói chuyện phải ghé miệng vào tai mà nói lớn. Hết rừng rậm đến rừng khô, rồi đến cao nguyên cỏ bụi. Máy bay bắt mối được một ngọn sông chảy từ Bắc xuống Nam. Rồi thấy có hồ dài, có đường quanh co. Tàu đâm đầu xuống một quả núi cây, rồi trượt trên bãi cỏ dốc. Đó là sân bay Liên Khang gần phía Nam Đà Lạt. Đồng hồ chỉ bốn giờ mười lăm.”… “Ô tô nhà binh Pháp đưa về Đà Lạt cách sân bay ba mươi cây số. Dọc đường nhận thấy đường và các cầu không bị hư hỏng. Phái đoàn được đưa về khách sạn Lang Biang, dựng trên đồi cao ngoảnh mặt xuống hồ…”
NGỰ THUYẾT cảm khái kể lại chuyến đi bằng máy bay, rồi từ phi trường về lại Đà Lạt, nơi mình từng sống những ngày tuổi thơ:
“Chiếc máy bay Bristol hai động cơ đáp xuống phi trường Liên Khương vào buổi trưa có nắng và gió lạnh. Tôi bồi hồi xúc động. Tôi thấy ngay rằng Đà Lạt của muôn vàn thương nhớ bây giờ vẫn giữ được một cách rất kín đáo những nét hoang sơ của ngày xưa và đồng thời đang tỏa ra biết bao nhiêu hương sắc, âm thanh, hình dáng mới. Tôi lại nhận thấy ý nghĩ vừa rồi của tôi cũng đã lệch lạc mất rồi. Thật ra tôi của những năm tháng ngu ngơ, thơ dại làm sao nhận ra được khuôn mặt lung linh, huyền ảo của thành phố cao nguyên này. Chiếc xe hơi của hãng Hàng Không đưa tôi từ phi trường về trung tâm thành phố vượt qua những cánh rừng thông ngút ngàn, những thung lũng cũng thông xanh trùng trùng điệp điệp, vượt qua con đèo dài ngoằn ngoèo cũng thông và thông tràn ngập.
Tôi đi xuyên qua màu xanh phơn phớt của những đọt thông non chìa tay vẫy vẫy mời gọi, màu xanh thắm của những hàng thông mọc hai bên đường hân hoan đón mừng, màu xanh thẫm dần của những lớp thông chen chúc đằng sau nô nức chờ đợi, hết lớp này đến lớp khác, những màu xanh đậm nhạt khác nhau chồng lên nhau, dàn trải ra tận cuối tầm mắt.
Tôi cảm thấy tôi biến thành hư không hòa tan vào hương thơm của hoa rừng cỏ nội, của những lớp vỏ thông khô, phấn thông vàng. Tôi chìm trong tiếng thông reo. Hàng vạn, hàng triệu cây thông vừa mới chạy dồn về đây chen nhau đứng sẵn trước cửa ngõ Đà Lạt nghênh tiếp người trở về.
Tôi đi dưới những ngọn nắng êm êm, những ngọn gió mát rười rượi, những vạc sương phủ mờ mờ trên nhiều chặng đường. Tôi đi sâu vào bầu không gian càng lên cao càng tinh khiết hơn, càng tỏa ra cái lạnh se se, xao xuyến, đến bùi ngùi. Nước mắt rưng rưng. Nếu không có hành khách đi cùng xe tôi khóc. Đi hết con đường đèo, thông thưa dần. Qua khỏi một ngọn dốc nữa, kìa, thành phố của tuổi thơ đây rồi, quen thuộc như đã thấy trong nhiều giấc mơ, những mái ngói đỏ tươi, những mái ngói nâu sẫm, những hàng cây xanh mướt, những cụm thông lác đác năm ba gốc chụm vào nhau thủ thỉ chuyện trò, những hàng rào làm bằng nẹp gỗ mỏng sơn trắng thật thấp, thật dài và thật sơ sài chạy tung tăng lượn vòng ven theo mép mấy trái đồi cỏ chập chùng, những con dốc thoai thoải đổ êm đềm xuống các khu vườn trồng khoai tây, cà chua, xà lách, bắp sú. Và kia kìa, soi bóng cây trên đồi, soi mây trời buổi xế chiều, soi cái tháp chuông của ngôi nhà thờ trên cao có hình con gà, là mặt hồ nước trong xanh, sóng lăn tăn…”
Sau đây là những dòng hồi ký “hồi hộp” của TÂM ĐẠT, một nữ tiếp viên phi hành Hàng Không Việt Nam trong bài “Tôi đi bay”:
“Một ngày thật đẹp, trời trong gió lặng; tôi chỉ bay có một chuyến thật ngắn: Saigon - Đà Lạt. Tôi sẽ có hoa hồng, hoa mimosa thật đẹp, thật tươi để cắm ở nhà. Máy bay đang xuống thì bỗng nhiên tôi nghe tiếng động cơ “rú lên” và máy bay như cố “ngóc đầu” lên. Với gần mười hai ngàn giờ bay nên tôi quen thuộc và kinh nghiệm với những tiếng động cơ khi cất cánh cũng như khi hạ cánh hay khi máy bị trục trặc. Tôi kinh hoàng, lo sợ và chờ cái chết. Tôi biết máy bay không thể nào lên được. Hành khách không ai biết gì cả. Tiếng động cơ càng lúc càng “rú” lớn. Máy bay nghiêng đến một độ giống như máy bay chiến đấu. Tôi tin chắc máy bay sẽ lật ngửa và đâm vào núi.
Nhưng số tôi còn nặng nợ, nên máy bay đã lấy lại được vị thế “bình phi”, rồi quay trở lại đáp.
Tôi nghe một tiếng “rầm”, có lẽ chưa hoàn hồn nên phi công đã đáp xuống ruộng bắp trước khi vào phi đạo. Sau khi phi cơ tắt máy, tôi mở cửa ra thì tất cả mọi người ở phi trường Đà Lạt (Liên Khương) chạy ùa đến phi cơ vỗ tay và nhiều người đã khóc (chắc đi đón gia đình hoặc bạn bè) vì mọi người đều tin là máy bay phải đâm vào núi. Đây là lỗi của chiếc L19 (loại máy bay quân đội nhỏ xíu dùng để thám thính). Đài kiểm soát cho phép chiếc Air Việt Nam đáp, nhưng chiếc L19 lại chui phía dưới “bụng” của chiếc Air Việt Nam để đáp xuống trước.”
Cảnh buồn vui nơi phi trường Đà Lạt cũng mãi mãi được ghi lại trong hồi ký của KHÁNH LY:
“Yêu nhiều quá những cơn mưa phùn Ðà Lạt, những con dốc nhấp nhô, mái nhà ngói đỏ phơi mình giữa màu xanh của lá. Chưa lạnh lắm nhưng đủ để thu mình ở một góc nhỏ café Tùng. Hơi nóng từ ly café chuyền qua ấm dần hai tay giá lạnh. Thú vị lắm. Ngồi ở nhà Thủy Tạ, một mình nhìn mưa bay trên hồ Xuân Hương. Mưa bay dịu dàng. Nỗi buồn cũng dịu dàng. Trong cơn điên dịu dàng. Mướn Taxi chạy xuống phi trường Liên Khương. Không đón đưa ai. Ðến để nhìn mọi người đưa đón nhau. Xem vui buồn đến đâu. Chạy lên phi trường Cam Ly, cũng chẳng đến đưa ai. Phi trường vắng lặng. Phi đạo nằm soải im lìm chờ đợi. Như một người chờ một người. Người không đến thì ta đi. Phi đạo nằm lại. Tiếp tục chờ đợi. Nắng. Mưa. Ngày. Ðêm. Phi đạo Cam Ly vẫn còn đó”.
Nguồn: Trích: “ĐÀ LẠT NGÀY THÁNG CŨ
Theo http://www.dalatdauyeu.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ấm áp tình quê

Ấm áp tình quê Buổi sáng ngày đầu tiên của năm 2021, chúng tôi tản bộ dọc công viên để tận hưởng bầu không khí thanh tao trong nắng sớm ng...