Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

Con người Đà Lạt

Con người Đà Lạt 
Đà Lạt quả là một “tiểu hợp chủng quốc” của nước Việt Nam. Chỉ có người Lạch, người Chill mới thật sự có nguồn gốc Đà Lạt. Còn hầu hết là những người từ bốn phương trời hội tụ về đây qua những lần mộ phu, di cư... Nhiều nhất là người Huế, người Bắc, và người Quảng. Họ nhận mảnh đất này làm quê hương.
Năm 1907, bác sĩ J.J.VASSAL cho biết:
“Người Kinh chưa định cư trên những vùng cao của dãy Trường Sơn. Ở Đà Lạt có một nhóm 60 đến 80 người Kinh, hầu hết là những người đi buôn chuyến. Họ sống trong những điều kiện rất khổ cực, mặc ít áo quần như ở vùng đồng bằng, bị lạnh, thiếu dinh dưỡng và không có gia đình. Từ Phan Rang hay Phan Thiết lên cao nguyên, với những gánh hàng hóa, họ đi ngang qua những làng mạc đầy nước độc, những vùng rất nguy hiểm và mắc phải bệnh sốt rét, không khí lạnh càng khiến cho bệnh sốt rét trầm trọng thêm.”
KHÁNH GIANG trong một bài phóng sự đã đưa ra nhận xét về cách ăn mặc của người Đà Lạt vào cuối những năm 1950:
“Có một điều khi đặt chân đến Đà Lạt là bạn để ý ngay: cách phục sức của người dân Đà thành. Cái khí hậu lạnh tạo cho họ một cách phục sức đường hoàng, trang nhã. Tôi không muốn nói là họ đã “tìm kiếm” sự trang nhã ấy nhưng phần nhiều chỉ mặc để chống lại cái lạnh buốt cóng về đêm hay của những ngày gió rét khi còn sương mờ buổi sáng. Từ những người phu xe, những chị buôn gánh bán bưng, những người lao động đến các cậu học sinh, các công chức, tất cả đều phục sức rất đặc biệt theo từng mức sống. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy một chị bán đậu hủ với gánh hàng nhỏ bé nhưng vẫn tươm tất trong chiếc áo dài trắng thanh cảnh, khoác ngoài chiếc áo len. Bộ “com-lê” mà bạn rất “sợ” khi phải mặc ở Sài Gòn và đã giấu kỹ trong đáy tủ, sẽ rất hợp cho bạn khi ở Đà Lạt. Cái nhu cầu chưng diện đã thành thói quen trong giới trung lưu và thượng lưu. Ít khi bạn gặp một người mặc áo chemise trần hở cổ, nếu không thắt một chiếc cà vạt thì cũng choàng một “phu la” nỉ, ngoài khoác áo “vét tông”. Đặc biệt nhất là lối trang phục đầy màu sắc tươi trẻ của giới sinh viên và học sinh. Nếu có dịp ghé vào một trường trung học Pháp vào mùa lạnh, bạn sẽ có cảm tưởng mình hiện đang ở một trường học bên Âu, Mỹ. Những chiếc áo “Canadienne” bằng da, áo “pullover” đủ màu, đủ kiểu, những chiếc “vét tông” nỉ ca rô tuy những mốt nhập cảng từ phương Tây nhưng nhờ áp dụng nhằm nơi nhằm lúc nên không có vẻ lố lăng mà lại tô điểm thêm màu sắc trẻ trung ưa nhìn.
… Về nữ sinh, cái áo muôn thuở của các cô là cái áo len màu đen. Vào những buổi tan học, các cô đua nhau rẽ khắp ngả đường, phất phơ tà áo lụa trắng, nổi bật chiếc áo len đen với chiếc nón bài thơ xinh xinh xứ Huế…”
Dân số của Đà Lạt năm 1954 là 52.000 người. Sau hiệp định Genève 1954 người Pháp bỏ về nước rất đông nên dân số giảm xuống còn 23.744 người năm 1956. Theo NGUYỄN VĂN HUY:
“Nhiều đợt di dân từ miền Bắc (Thái Bình, Phát Diệm) và miền Trung (Huế và Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) lên Đà Lạt lập nghiệp. Những gia đình di cư miền Bắc về các xã quận Tùng Lâm, Tùng Nghĩa, Lạc Thiện canh tác nông nghiệp, những gia đình nghèo miền Trung về các ấp gần Đà Lạt (Cô Giang, Cô Bắc, Hồng Lạc, Thái Phiên, Số 4, Đa Thiện, Trại Mát, Sào Nam) canh tác hoa mầu. Những gia đình giàu có miền Trung mở tiệm buôn tại trung tâm thành phố, một số đầu tư vào ngành tiểu thủ công và dịch vụ. Nhiều gia đình giàu có tại Sài Gòn cũng lên mua đất xây nhà nghỉ mát. Dân số Đà Lạt tăng lên 60,960 người năm 1957.”
Người Đà Lạt còn có những vẻ đặc biệt về phong cách. Sống trong một thành phố văn hóa với những ảnh hưởng xã hội và thổ nhưỡng, đã tạo nên một con người Đà Lạt hiền hòa, khoan thai, lịch sự, kín đáo, nhưng lại thân tình và hiếu khách. Tính chất này không riêng cho những con người trí thức, mà ăn sâu rộng cả trong thành phần người dân lao động nữa. Trong một gặp gỡ tình cờ ở đâu đó với một chị bán hàng, người lái xe ôm, anh thợ chụp hình, chú sửa xe... có khi ta bất chợt thấy họ có thể nói ra một ngoại ngữ Pháp hay Anh. Và ta sẽ ngạc nhiên khi tìm hiểu về lai lịch của một con người, mỗi người mang một số phận đã in hằn bao biến cố của đất nước!
Tiếng nói của người Đà Lạt có giọng đặc biệt, nhẹ nhàng, trong trẻo, rất tương xứng với cung cách Đà Lạt. Đây là sự kết tinh âm sắc pha trộn của các miền Bắc Trung Nam. Phong tục tập quán cũng đa dạng vô cùng. Một số gia đình Tây học có nếp sống ảnh hưởng Tây phương và hầu hết đều giữ lại một ít phong tục của quê quán xưa cũ. Có một cái gì đó hòa nhập giữa Âu với Á. Đến những nơi khác, một người chỉ cần mang danh là “người Đà Lạt”, thì sẽ nhận được một sự ưu ái đặc biệt. Hình như con người ấy mang theo quanh mình cả một bầu không khí tươi mát lạ lùng của một vùng đất thần tiên.
Nhận xét về người dân Đà Lạt TRẦN CAO LĨNH viết:
“Thị dân từ miền xuôi dưới thấp lên đây đã mang đến cho Đà Lạt không những cái không khí văn minh mà thêm cả những màu sắc tươi vui do những luống hoa rực rỡ, những thành tường trắng, những mái ngói đỏ. Lại thêm những tà áo muôn màu như cánh bướm. Đó chính là những điểm nghỉ mắt quý báu cho nhãn quan của du khách những khi đã quen với màu xanh, màu nâu nguyên chất Cao Nguyên.

Đã có người lâu lâu phải lên Đà Lạt, không phải chỉ để nghỉ mát, mà còn để nghỉ mắt. Họ thấy nhớ những dáng đi mau mau với hai bàn tay cuộn ủ trong vạt áo trước vừa ấm vừa giữ cho gió khỏi bay. Hình bóng nhỏ, xinh, thoăn thoắt trên con đường thẳng tắp, hai bên lề rực màu hồng hoa đào nở là những hình ảnh không thể quên, gợi nhớ lại cả một mùa Xuân, mùa Tết đất Bắc...”
Và đây là lời nhận xét của NGUYỄN ANH TUẤN:
“Đó là sự hòa hợp giữa hai nền văn hóa Đông Tây như một hòa điệu lạ lùng của Đà Lạt. Rất có thể nó không đưa đến một niềm quyết định nhưng dù sao thì Đà Lạt cũng là một biểu tượng chói sáng nhất. Phải chăng chính cái hoang vu, hoang dại của Đà Lạt mà tất cả những con người cả Đông lẫn Tây đều nhìn như một thứ thiên đường hoang vu dưới mặt đất (paradis sauvage sur terre) đang ẩn khuất một hạt nhân?
Lạy Chúa! Đây là một câu hỏi vừa lóe lên đâu đó có những giọt nước mắt mong manh mừng tủi trên đỉnh ngọn núi Lâm Viên, và đâu đó còn có cả những tiếng reo vui Đà Lạt, Đà Lạt, Đà Lạt ơi, ngươi chính là nơi đã đưa con người lại với con người, đưa con người trở lại với cái bao la sâu thẳm của thiên nhiên, của vũ trụ, đưa những hận thù nhỏ nhen về lại với lòng từ ái, đưa những khuôn mặt Tây phương xa lạ đến với những u trầm uyên mặc của Đông Phương.”
Còn KIÊM THÊM thời nhận xét rằng:
“Thực ra con người Đà Lạt không ôm nặng cái nỗi niềm hoài cổ, thê lương, quyến luyến quá khứ, như trí thức kinh thành Thăng Long; cũng không hệ lụy những thứ kiểu cách khép kín, cổ tục, như các nàng thiếu nữ ẩn mình trong kinh thành Huế; lại càng không có những lối sống ồn ào, náo nhiệt, lan vào mưa gió cuộc đời, như con người Sài Gòn; hay chan hòa sức sống khỏe khoắn, tươi vui của miền Thùy dương cát trắng; hay nói cho đúng ra, Đà Lạt là sự tổng hợp thật khéo léo tài ba, nhuần nhuyễn của bao nhiêu là chất liệu, trên khắp nẻo đường đất nước thân thương.”
Du khách đến Đà Lạt không tiếc lời ca ngợi nước da của các thiếu nữ tại đây và thích thú ngắm nhìn những gò má ửng hồng, đôi môi đỏ mọng tự nhiên như những trái hồng chín mọng, ngọt ngào và thanh khiết hương sắc thiên nhiên. Ca sĩ KHÁNH LY ghi lại những kỷ niệm thân thương của chính mình về Đà Lạt trong khoảng thời gian 1964:
“Thuở đó, Đà Lạt đẹp lắm. Người ta bảo Đà Lạt đẹp bởi có 4 mùa như Hà Nội nên con gái Đà Lạt tuy ít người xuất sắc nhưng ai nấy đều xinh xắn với nước da trắng hồng, mái tóc đen dầy óng mượt. Tất cả đều vô tư, hồn nhiên và hiền lành. Các bà bán hàng trong chợ, dù là bán mắm cá, cũng mặc áo dài, bán đậu hũ rong cũng áo dài, bán ngô nướng lúc nửa khuya, bán mì Quảng, xôi gà cũng áo dài, hai má cứ hồng lên bên cạnh bếp lửa.Đà Lạt có 4 mùa nhưng mùa nào cũng mát ban ngày, lạnh về đêm, chính thế, người ta mới thú vị khi cầm cái ngô nướng thoa mỡ hành còn nóng hổi, người ta mới cảm thấy cái nhẹ nhõm khi bước ra từ những phòng tắm nước nóng, xê xế rạp ciné Ngọc Hiệp. Bước qua bên kia đường, người ta có thể ghé vào tiệm cháo vịt, tiết canh vịt, gỏi vịt và ngay bên hông tiệm thịt vịt, cái quán mì Quảng nhỏ xíu, mái che là một vài tấm ván ép ghép với 4 cái ghế. Hai vợ chồng người bán mì Quảng tay thoăn thoắt đơm bún, chan nước hay dọn dẹp cái mặt bàn cũng chỉ là một tấm gỗ dài. Người bán vui cười nhìn khách xuýt xoa ăn trong cái nóng của bún, cái lạnh của con phố về khuya, vắng người.
Điều chắc chắn phải nói là người 
Đà Lạt hiền. Hiền như nước mưa, nước suối. Hiền như cây trái tốt tươi. Hiền như hoa như gió. Như tiếng chuông reo bốn mùa. Hiền như bãi xe lam dăm ba chiếc im lìm nơi bến đậu. Hiền như những cơn mưa bất ngờ bay nghiêng qua thành phố, không hề làm rối chân khách bộ hành.
Những con đường vắng lặng. Những ngôi biệt thự nằm xa nhau, không tường che bao bọc, chỉ có hoa và hoa dưới những cây thông rải rác, tưởng như mọc vô tình không người săn sóc. Ấy thế mà trong cái vô tình gần như hoang dã ấy, luôn có những lúc rộ lên tiếng cười rộn ràng ngây thơ. Đời sống đẹp và đáng sống biết bao nhiêu!”   
Còn nhà thơ VIỆT TRANG (Phạm Gia Triếp) chất chứa biết bao nhiêu là kỷ niệm êm đềm với Đà Lạt nên tha thiết phát biểu:
Đà Lạt ơi! Ta lại mời người cùng ta tung tăng lên phố Hòa Bình, con tim của Đà Lạt, nơi gặp gỡ tình người.
Những con đường huyết mạch quy tụ về đây, bao giờ cũng uốn mình quanh co dưới bóng thông xanh, bao giờ cũng lên xuống nhịp nhàng giữa dãy nhà kiến trúc muôn vẻ, muôn màu, bao giờ cũng yểu điệu như tà áo lụa nết na của người em gái ngày xưa.
Dừng chân bên lề đường, dẫu lẻ loi trước dòng nhân thế ngược xuôi, tha nhân cũng thấy lòng ấm lại, rung cảm một niềm quyến luyến vô hạn với tấm lòng hiếu khách của người Đà Lạt...

Thành phố mình đang ở
Còn có ai đâu mà bỡ ngỡ
Quanh một vòng ta gặp gỡ nhau
Môi điểm nụ chào
Tay bắt thật chặt
Chân tình như nhạc như hoa
Hoa thơm quyện lòng đất
Hoa thắm ngát tình người
Nhạc xây dựng đời
Nhạc gieo hy vọng
Nhạc gọi tương lai
Thành phố mình sao mãi dễ thương
Thôi thúc tình người
Không ngừng nhẫn nại vươn lên
Đỉnh cao Hòa Bình vẫy đợi
Mà những con đường như đưa máu dội về tim.
Vạn kỷ không quên thành phố của mình”.
Nguồn: Trích: “ĐÀ LẠT NGÀY THÁNG CŨ
Theo http://www.dalatdauyeu.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Căn nhà trong hồn

Căn nhà trong hồn Thế là thu đã tàn. Những chiếc lá cuối cùng cũng đã bị mưa gió cuốn đi đêm qua. Trận gió bất chợt đưa mưa về thật mạnh v...