VHDG vừa là một bộ phận của văn học dân tộc, vừa là một bộ
phận của văn hóa dân gian. Xét ở góc độ văn học dân tộc, cả VHDG và văn học
viết cùng là sáng tạo nghệ thuật tinh thần, cùng sử dụng ngôn ngữ như
phương tiện quan trọng nhất để sáng tạo hình tượng. Nhưng VHDG sử dụng ngôn
ngữ nói, còn văn học dùng ngôn ngữ viết, ngôn ngữ văn bản. Cả hai bộ phận
văn học cùng song song tồn tại và ngày càng làm giàu thêm kho tàng ngôn ngữ
dân tộc bằng sự sáng tạo của mình. Với tư cách văn hóa dân gian, VHDG còn
là một trong nhiều yếu tố văn hóa phi vật thể. Nó có những điểm gần gũi với
triết học, dã sử, tín ngưỡng dân gian, dân tục, luật tục của cộng đồng cư
dân truyền thống. Các loại hình văn hóa phi vật thể này gắn bó và có quan hệ
qua lại với nhau, chi phối và đan lồng vào nhau một cách tự nhiên nhiều khi
đến khó tách bạch. “Phép vua thua lệ làng” là VHDG hay luật pháp không
thành văn của xã hội cổ truyền? Những câu chuyện về Bà Trưng, Bà Triệu...
là VHDG hay là dã sử (lịch sử truyền miệng của dân tộc từ thủa sơ truyền)?
Không có tri thức văn hoá, chỉ dựa vào ngôn từ làm sao hiểu nổi câu ca dao
“Tua rua thì mặc tua rua, mạ già ruộng ngấu không thua bạn điền”... Điều đó
chính là minh chứng cho mối quan hệ khó tách bạch giữa VHDG với các loại
hình khác nhau của văn hoá dân gian. Trong nhiều bộ phận của văn hóa dân
gian, VHDG còn có quan hệ đặc biệt với tín ngưỡng dân gian. Trong mối quan
hệ đó, tín ngưỡng như là chỗ dựa tâm linh cho sự sáng tạo nghệ thuật, hơn
thế, tín ngưỡng còn được nghệ thuật hóa để trở thành những biểu tượng nghệ
thuật mang ý nghĩa kép, ý nghĩa tâm linh và ý nghĩa nhân văn. Trong bài viết
nhỏ này, chúng tôi chỉ muốn nói đến một phần của mối quan hệ phức tạp và đầy
hấp dẫn giữa VHDG và văn hóa dân gian qua tín ngưỡng và mã tín ngưỡng trong VHDG người Việt. Hy vọng rằng từ một bộ phận của văn hóa văn học dân gian,
có thể mở ra những mối quan hệ thú vị khác của bộ phận văn hóa phi vật thể
này.
1. Tín ngưỡng và mã tín ngưỡng
Tín ngưỡng có thể hiểu một cách nôm na là niềm tin, sự
ngưỡng mộ đối với một đối tượng siêu nhiên nào đó có ảnh hưởng, chi phối đến
đời sống sinh hoạt của con người.
Như vậy, tín ngưỡng là một sản phẩm văn hóa do con người
quan hệ với tự nhiên, xã hội và chính bản thân mà hình thành. Tín ngưỡng là
niềm tin về những điều linh thiêng, những sức mạnh huyền bí, vĩ đại mà con
người chỉ cảm nhận được mà khó có thể nhận thức được.
Khái niệm tín ngưỡng và tôn giáo có nhiều chỗ gần gũi với
nhau vì nó cùng có nguồn gốc từ lòng tin tuyệt đối vào một đấng cao siêu
huyền bí nào đó, nhưng chúng cũng có nhiều điểm khác nhau. Tôn giáo với tư
cách một giáo lí, giáo pháp chính là sự phát triển một tín ngưỡng, được cộng
đồng thể chế, quy phạm hóa cao độ. Mỗi tôn giáo cần có: Một hệ thống giáo
lí; Một vị giáo chủ đứng đầu (Chúa Trời, đức Phật Thích Ca, Lão Tử); Một hệ
thống thể chế, nghi lễ thờ tự và nơi thờ tự; Một hệ thống tổ chức gồm giáo
luật nghiêm chỉnh, giáo hội với các tín đồ.
Tôn giáo dân gian không hẳn là tôn giáo với những thể
cách trên, nó chủ yếu mới là sự sùng tín, nó nằm trong tâm thức của con người
trong sinh hoạt dân dã và được biểu hiện ra chủ yếu trong phong tục tập
quán sinh hoạt chứ chưa được thể chế hóa hay trở thành giáo luật. Các nhà
nghiên cứu thường gọi chung đối tượng này là tín ngưỡng, tín ngưỡng dân
gian hoặc đôi khi cũng dùng khái niệm tôn giáo dân gian. Khái niệm tín ngưỡng
vì vậy rộng rãi hơn và dân dã hơn khái niệm tôn giáo.
Tín ngưỡng dân gian Việt Nam chủ yếu dựa trên lòng biết
ơn và ngưỡng mộ của các thế hệ sau đối với tiền thần, tiền nhân. Tín ngưỡng
dân gian khá phong phú, nó là tâm thức tôn sùng các lực lượng siêu nhiên
như:
- Tôn sùng tự nhiên (mặt trời, mặt trăng, nước, mưa,
gió, sấm, chớp…), các loại cây trồng (bầu bí, lúa, ngô, đậu…), vật nuôi
(trâu, bò, lợn…)
- Tôn sùng vật tổ (vật tổ chim, cá, cây, trâu…), tôn
sùng tổ tiên (quốc tổ, thành hoàng, tổ tiên, ông bà)
- Tôn sùng sự sinh sản: sinh thực khí và các hoạt động
tính giao
- Tôn sùng Mẫu: các nữ thần, tứ mẫu (thiên phủ, địa
phủ, nhạc phủ (thượng ngàn), thủy phủ (mẫu thoải), Bà chúa xứ và Thiên Y Ana.
- Tôn sùng các anh hùng dân tộc, anh hùng địa
phương, người có công lớn với dân với nước: Thánh Gióng, Đức thánh Trần, Tản
Viên Sơn Thánh, Bà Trưng, Lý Ông Trọng…
Từ tâm thức sùng bái đó, trong các cộng đồng hình thành
các phong tục tập quán và nghi lễ thờ cúng tự nhiên, thờ cúng tổ tiên, thờ
Mẫu và nghi lễ phồn thực. Đó là những nghi lễ và phong tục rất quen thuộc đối
với người Việt khắp nơi trong cả nước. Mỗi loại tín ngưỡng này đều có nguồn
gốc sâu xa từ quan hệ giữa con người với các đối tượng siêu nhiên kia. Chẳng
hạn, tại sao con người lại sùng bái tự nhiên? Là bởi trong sinh hoạt và lao
động, hằng ngày hằng giờ tự nhiên gắn bó mật thiết và chi phối sự thành bại,
tốt xấu, hay dở trong hoạt động của con người. Nó nảy sinh sự sợ hãi hay e
ngại, tâm lý ngưỡng mộ hay sùng bái, cũng từ đó con người nhìn nhận tự
nhiên như những đấng linh thiêng, thần thánh. Con người đưa tự nhiên vào
bàn thờ các gia đình hay trong miếu điện. Tự nhiên thành biểu tượng trong
tín ngưỡng thờ cúng, trong văn hóa mỗi dân tộc, trong văn học và nghệ thuật
nhiều thời đại. Đó cũng là con đường chung để các tín ngưỡng thẩm thấu vào
văn hóa hay sinh hoạt cộng đồng nhiều dân tộc trên thế giới mà không phải
chỉ ở Việt Nam.
Mỗi loại tín ngưỡng trên lại được biểu trưng qua một số
mã khác nhau mà tìm hiểu tín ngưỡng đó thì không thể không nhìn nhận các mã
của nó. Trước khi tìm mã tín ngưỡng, phải hiểu bản thân tín ngưỡng đó như một
thực thể văn hóa, những biểu hiện của nó trong thực hành văn hóa truyền thống,
vị trí của nó trong các hình thức văn hóa khác nhau như văn học, âm nhạc, hội
họa, nghi lễ… Từ đó mới có cơ sở để đi tìm sự thể hiện nó một cách sâu sắc
hơn. Đặc biệt là với những tín ngưỡng cổ, nhiều khi người ở thời đại sau chỉ
có thể nắm bắt được nó thông qua các mã của nó, rồi từ đó mà hiểu được tín
ngưỡng của người xưa. Chẳng hạn, tín ngưỡng phồn thực là tín ngưỡng bản địa
của các nước nông nghiệp. Phồn nghĩa là cơ tốt, nhiều; Thực là sinh sôi nảy
nở con cái. Tín ngưỡng phồn thực được thể hiện qua sự tôn sùng sinh sản và
hoạt động tính giao. Tín ngưỡng này ra đời từ rất cổ, khi con người từ chỗ
không hiểu hoặc hiểu sai về nguyên nhân sinh sản đến chỗ bắt đầu hiểu được
nguồn gốc sinh sản của muôn vật và loài người là sự kết hợp đực - cái, nam
- nữ, âm - dương… Sự sinh sản ấy của vạn vật khiến cuộc sống no đủ, con người
dần lấp đầy mặt đất, đông đúc vui vẻ. Sự sinh sản vì vậy trở nên linh
thiêng, và phát hiện ra nguyên nhân chính xác của sự sinh sản là một phát
hiện mới mẻ tuyệt vời khiến con người sùng bái. Từ đó nó được thể hiện ra
trong các hoạt động văn hóa theo hai phương thức: nghi lễ thờ cúng sinh thực
khí nam nữ và tôn sùng hoạt động tính giao. Tín ngưỡng đó thể hiện trong Mã
(tín hiệu, biểu tượng): âm - dương; trời - đất; tròn - vuông; chẵn - lẻ; quả
phết - lỗ phết; bánh chưng (tét) - bánh giày; mo cau - cái dùi, cái cối -
cái chày… Mã đó đi vào nghệ thuật bằng hình chạm khắc các ngẫu tượng bằng
đá hay bằng gỗ; Mã có mặt trong các trò chơi dân gian như trò trám, trò rước
nõ nường, đánh phết, ném còn; Mã đi vào VHDG với thần thoại về các cặp đôi
nam nữ thần như Nữ Oa - Tứ Tượng, Ông Đùng - Bà Đà, Ông Đực - Mụ Cái, Ông
Thu Tha - Bà Thu Thiên mà các sinh thực khí được đặc tả và phóng đại.
Tín ngưỡng tôn sùng tổ tiên được thể hiện qua phong tục
thờ cúng quốc tổ (Lạc Long Quân - Âu Cơ, Hùng Vương), thành hoàng làng, tổ
tiên mỗi dòng họ, ông bà trong mỗi gia đình. Ngoài các nghi lễ thờ cúng biểu
hiện lòng biết ơn tôn kính tổ tiên thì một số vật cúng chính là các mã thể
hiện thái độ tín ngưỡng đó. Người ta thường cúng và thả bánh trôi trong các
nghi lễ và hội lễ Lạc Long Quân - Âu Cơ. Bánh trôi là một mã tín ngưỡng hồi
cố sự kiện Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng, rồi từ trứng nở thành trăm con,
cũng thể hiện thái độ tôn sùng sự sinh sản và đề cao con người.
Từ tín ngưỡng (sản phẩm tinh thần của cộng đồng) đến sự
thể hiện tín ngưỡng đó trong đời sống sinh hoạt VHDG có mối liên quan với
nhau và được thể hiện ra ở nhiều khía cạnh mang tính quan niệm khá rõ.
2. Quan hệ giữa tín ngưỡng dân gian với VHDG
Có thể nói, với tín ngưỡng dân gian VHDG vừa là nơi ẩn chứa,
thẩm thấu các tín ngưỡng dân gian vừa thể hiện sự khác biệt đến đối lập với
tín ngưỡng dân gian đó. Những niềm tin, quan niệm sẽ chết cứng nếu như nó
không được thổi vào đó linh hồn, không được làm cho sống dậy, sinh động
thông qua những hình tượng nghệ thuật kết tinh giữa niềm tin đó với trí tưởng
tượng bay bổng không giới hạn của con người. Trong tín ngưỡng dân gian của
người Việt Nam có sự trọng mẫu, đề cao, suy tôn nữ tính và người mẹ. Tín
ngưỡng đó bắt nguồn từ chế độ nguyên thuỷ với những thị tộc mà người đứng đầu
là phụ nữ, người chia thức ăn, người sinh sản và nuôi lớn cộng đồng trong cả
nghĩa đen và nghĩa bóng cũng đều là nữ. Từ tín ngưỡng đó, các thần trên trời
được sáng tạo dưới ánh sáng của trí tưởng tượng và niềm tin ngây thơ vào
siêu nhiên bất diệt cũng phần lớn là nữ. Từ đó mà hình thành hệ thống tín
ngưỡng thờ Mẫu, người Việt Nam gọi các nữ thần tự nhiên là Mẫu - mẹ với niềm
tôn kính và tin tưởng rằng các Mẫu sẽ che chở cho những đứa con mình khỏi mọi
tai hoạ do thiên nhiên gây ra. Tam tòa thánh mẫu, Tứ phủ thánh linh là những
tên gọi quen thuộc người Việt dùng để gọi các nữ thần tự nhiên như: Mẫu
Thiên phủ (Cửu thiên huyền nữ), Mẫu Nhạc phủ (nữ thần rừng), Mẫu Thoải phủ
(nữ thần nước), Mẫu Địa phủ (nữ thần đất). Rồi từ các nữ thần tự nhiên, niềm
tín ngưỡng ấy lan toả đến các thần nông nghiệp như Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Nành,
Mẹ lúa, Mẹ chè... với niềm tin tưởng rằng nữ tính chính là đặc tính tối ưu
đối với mùa màng và sự sinh sản của cây cối, chỉ có các nữ thần cai quản
cây cối mới bội thu. Rồi từ các bà mẹ nông nghiệp, niềm tin ấy lại lan toả
đến các bà mẹ lịch sử, những người phụ nữ bình thường được khoác lên vai chức
năng coi kho, giữ lẫm, trở thành các bà Chúa Kho, Chúa Lẫm, các bà mẹ tham
gia chống ngoại xâm giữ nước bằng chức năng đầy nữ tính của mình. Hệ thống
tín ngưỡng thờ nữ thần vì vậy càng ngày càng trở nên phong phú. Sở dĩ niềm
tín ngưỡng trọng Mẫu có sức sống lâu bền trong lòng dân tộc, là do những
câu chuyện dân gian được sáng tác và truyền lưu rộng rãi, phủ lên các Mẫu vầng
hào quang huyền thoại linh thiêng. Truyện kể làm xương cốt, bệ đứng, chỗ dựa
cho niềm tin, còn niềm tin cùng những hành động nghi lễ hội hè tưởng niệm
làm sống động, phong phú hơn nội dung truyện kể. Mối quan hệ đó giữa tín
ngưỡng và truyện kể song song tồn tại, xoắn bện chặt chẽ, thẩm thấu qua
nhau trong sinh hoạt cộng đồng người Việt Nam như một chỉnh thể không thể
tách rời.
Tuy nhiên, giữa tín ngưỡng và VHDG cũng có những khác biệt
đến đối lập. Tín ngưỡng là niềm tin tuyệt đối, không cần lý giải, không có
sự lựa chọn nào khác ngoài đấng siêu nhiên huyền bí mà họ gửi gắm niềm tin.
Trong đó có sự ngưỡng mộ xen cả nỗi sợ hãi, bất lực. Còn trong VHDG con người
không chỉ thể hiện thái độ ngưỡng mộ đối với lực lượng và sức mạnh siêu
nhiên huyền bí đó mà còn thể hiện cả khát vọng muốn vươn lên khám phá bí ẩn
của siêu nhiên, tự nhiên và chinh phục thế giới đó. Con người có thể bất lực
trước thế giới siêu nhiên trong thực tế, điều đó khiến họ ra sức cầu cúng,
lôi kéo siêu nhiên một cách tột cùng thiết tha, nhưng họ đã chiến thắng các
lực lượng và sức mạnh siêu nhiên to lớn và đầy bí ẩn đó trong mơ ước, trong
khát vọng vĩ đại của mình và thể hiện điều đó trong VHDG. Từ tín ngưỡng đến
sự thẩm thấu và thể hiện tín ngưỡng đó trong VHDG có một khoảng cách khá lớn,
trải qua một số khúc xạ, một số lựa chọn tự nhiên trong tiếp nhận và thể hiện,
vượt qua những cảm nhận cá biệt nên khó chỉ ra rằng tín ngưỡng A có sự thể
hiện A trong VHDG. Vì vậy, không bao giờ tín ngưỡng được thể hiện toàn bộ
hay rõ rệt trong VHDG mà chỉ một số yếu tố nổi trội, tập trung nhất của tín
ngưỡng được kết tinh trong các mã văn hóa, được thẩm thấu vào VHDG mà thôi. VHDG là sự tự ý thức văn hóa, vì vậy, một nguyên lý hết sức quan trọng là,
trước khi tìm mã tín ngưỡng trong VHDG phải hiểu bản thân tín ngưỡng đó như
một thực thể văn hóa, những biểu hiện của nó trong thực hành văn hóa truyền
thống. Từ đó mới có cơ sở để tìm sự thể hiện nó trong VHDG.
Tín ngưỡng dân gian Việt Nam chủ yếu dựa trên niềm tin,
lòng biết ơn của các thế hệ sau đối với tiền thần, tiền nhân. Tín ngưỡng Việt Nam khá phong phú, đó là sự tôn sùng các lực lượng vũ trụ và tự nhiên như trời,
đất, mặt trời, mặt trăng, nước, mưa, gió, sấm, chớp; Tôn sùng các loại cây
trồng, vật nuôi như lúa, bò, lợn, gà...; Tôn sùng vật tổ như chim, cá, cây,
trâu; Tôn sùng sự sinh sản như sinh thực khí và tính giao; Tôn sùng tổ tiên
như thành hoàng, tổ tiên, ông bà; Tôn sùng các Mẫu trong tục thờ Tam Mẫu, Tứ
Mẫu... Từ tín ngưỡng chuyển di vào VHDG sẽ thành các hình tượng, các mô típ
với diện mạo hình hài rõ nét và sinh động hơn. Chẳng hạn, niềm tôn sùng vũ
trụ, trời đất vốn là tín ngưỡng phổ biến của các dân tộc trên thế giới. ở
Việt Nam, tín ngưỡng đó thể hiện ra trong các mã (tín hiệu, biểu tượng)
như: tròn - vuông; âm - dương; đi vào lễ hội bằng các trò chơi như đấu vật
nhằm đánh thức đất, đánh đu cho hòa hợp âm dương, thả chim với cầu mong trời
quang mây tạnh...; đi vào văn học dân gian với các câu chuyện thần thoại về
Cha Trời - Mẹ Đất, về Rắn - Chim, Cá - Hươu sao, hay về các đôi nam nữ thần
như Nữ Oa - Tứ Tượng, Ông Đùng - Bà Đà, Ông Đực - Mụ Cái; đi vào dân ca với
những bài hát vui vẻ: “Ông trăng mà lấy mụ trời, tháng năm ăn cưới, tháng
mười đưa dâu...”.
Từ tín ngưỡng (sản phẩm tinh thần của cộng đồng) đến sự
thể hiện tín ngưỡng đó trong đời sống sinh hoạt VHDG có mối liên quan với
nhau và được thể hiện ra ở nhiều khía cạnh mang tính quan niệm khá rõ. Với
người Việt Nam, tôn sùng thần thánh là một loại tín ngưỡng. Để thể hiện tín
ngưỡng này, người ta lập đền thờ cúng, tổ chức lễ hội tưởng niệm kì tích của
thần linh hay phong thánh cho các nhân vật lịch sử, lưu truyền cho nhau những
truyền thuyết đậm chất thiêng thể hiện lòng ngưỡng mộ của dân gian đối với
các vị. Đồng thời dân gian cũng tạo nên các tục hèm, các kiêng kị gắn với
truyền thuyết và thể hiện ra trong hội lễ. Người ta kiêng kị tất cả những
gì liên quan đến nhân vật, hành động, hoàn cảnh mà người ta tín ngưỡng. Chẳng
hạn, vì thờ Linh Lang nên người dân ở một số làng có tổ chức thờ cúng nhân
vật ấy gọi khoai lang là khoai dây; Vì Hai Bà Trưng ăn bánh trôi vào ngày 6
tháng 3 trước khi Hai Bà mất, nên cả làng Hát Môn không ăn bánh trôi trước
ngày 6/3; Vì mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trứng trăm con nên trong ngày hội tưởng
nhớ Cha Rồng - Mẹ Âu ở Bình Đà, Hà Tây (cũ) dân làng có tục hèm làm bánh
trôi rồi bí mật mang thả một số bánh nhất định xuống giếng làng vào đêm trước
hội... Vì vậy không nên hiểu hội lễ là và chỉ là để mua vui, giải trí như
lâu nay một số người vẫn hiểu. Bởi tất cả những hành động hội truyền thống
đều mang tính quan niệm và thể hiện niềm tín ngưỡng. Chẳng hạn, thi vật là
một hình thức động thổ, đánh thức đất, thể hiện tín ngưỡng tôn sùng đất;
thi nấu cơm là hành động hội thể hiện tín ngưỡng tôn sùng lúa gạo, cảm tạ
trời đất đã cho “ngọc thực”... chăn cóc, đua thuyền rước nước, chọi trâu,
đánh đu, kéo co, đánh phết, đá cầu, ném còn, thả chim, thả diều, đánh pháo
đất,... đều là sự thể hiện sinh động những niềm tín ngưỡng cầu mưa, cầu tạnh
khác nhau.
3. Dấu ấn của tín ngưỡng dân gian trong VHDG
Tín ngưỡng chính là cơ sở, là khí trời, hơi thở của VHDG.
Phải có tín ngưỡng với những hành động lễ, hành động hội mới làm sống lại,
thể hiện rõ những điều truyền tụng trong VHDG, ngược lại, VHDG chính là nơi
lưu giữ lâu dài, làm cho tín ngưỡng được lý giải, tạo nên xương cốt cho tín
ngưỡng.
VHDG gắn với tín ngưỡng một cách sinh động và nhiều vẻ:
- Tín ngưỡng ẩn tàng trong nhiều thể loại VHDG như thần
thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, tục ngữ, ca dao dưới những dạng thức
khác nhau. Lạc Long Quân - Âu Cơ ghi dấu của tín ngưỡng thờ đất, thờ nước,
thờ mặt trời, vật tổ - tổ tiên. Truyện cổ tích Vọng phu với tín ngưỡng thờ
đá; Sự tích Đầu rau với tín ngưỡng thờ lửa. Trong ca dao dân ca, hát văn gắn
với tín ngưỡng hầu đồng; Hát xoan với tín ngưỡng cầu mùa; Hát then, hát xắc
bùa trong những trường hợp khác nhau đều thể hiện niềm tín ngưỡng cầu may,
cầu mưa thuận gió hòa, cầu thọ…).
- Tín ngưỡng thể hiện trong nghi lễ, hội lễ tưởng niệm những
anh hùng truyền thuyết, làm sinh động hơn và minh chứng cho sự xác thực của
truyền thuyết, nhưng nhiều khi cũng để giải thích lại những hành động nghi
lễ, hội lễ không hề liên quan đến nhân vật truyền thuyết. Trong lễ hội Lý
Ông Trọng, Chử Đồng Tử, Tản Viên... đều có tục đua thuyền rước
nước. Người ta giải thích là để lấy nước tinh khiết nhất làm lễ mộc dục
(nghi lễ tắm cho tượng thờ). Nhưng thực ra nó là hành động nằm trong tín
ngưỡng sùng nước ở lớp lịch sử sớm. Lễ hội Lạc Long Quân - Âu Cơ ở Bình Đà,
Hai Bà Trưng ở Hát Môn có tục ăn bánh trôi, hoặc thả bánh trôi xuống nước.
Truyền thuyết giải thích rằng để nhớ lại hình ảnh mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng
hoặc để nhớ Hai Bà đã ăn bánh trôi trước khi tuẫn tiết. Thực ra nó là để thể
hiện tín ngưỡng sùng lúa gạo, cảm tạ lúa gạo của cư dân nông nghiệp. Đánh
phết ở Hiền Quan được truyền thuyết giải thích bằng hành động vui chơi của
quân sĩ dưới trướng Thiều Hoa, nhưng nó chính là hành động tôn sùng mặt trời
cổ xưa được giải thích lại ở lớp lịch sử muộn hơn nhằm tôn vinh khởi nghĩa
Hai Bà...
- Trong các thể loại VHDG, hầu như thể loại nào cũng có dấu
vết của tín ngưỡng dân gian. Tục ngữ tổng kết kinh nghiệm thực hành tín ngưỡng
“Cha chết gậy tre, mẹ chết gậy vông”, Ca dao ghi lịch thực hành “Dù ai buôn
đâu bán đâu, mồng chín tháng tám chọi trâu thì về”, “dù ai đi ngược về xuôi,
nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”...Vì vậy, đã có nhiều nghiên cứu theo
hướng khai thác mối quan hệ này. Nếu không có tín ngưỡng tôn sùng lửa,
không có hình ảnh cái bếp sơ khởi được kê bằng 3 hòn đá, và nếu xã hội Việt
cổ chưa từng trải qua thời kỳ tạp hôn một vợ nhiều chồng chắc không có truyện
Sự tích Đầu rau với cuộc tình éo le của ba con người trung hậu, khi chết đi
được hóa thân thành bếp lửa để mang lại sự đầm ấm cho mỗi gia đình. Dân ca
nghi lễ cúng ma dân tộc Mông, Truyền thuyết Thiều Hoa và lễ hội phết Hiền
Quan, Truyền thuyết Hùng Vương và tín ngưỡng phồn thực ở Phú Thọ... đều nói
lên một cách sinh động mối quan hệ giữa tín ngưỡng với VHDG.
Nhưng không phải tín ngưỡng nào cũng đi vào VHDG và được
đồ chiếu vào VHDG như nó vốn có. Do thời gian diễn ra quá dài, lại trải qua
nhiều sự kiện lịch sử và sinh hoạt quan trọng được đan xen, lồng cài vào
nhau; Do các mã văn hóa chuyển di từ thế hệ trước cho thế hệ sau bị thất
truyền; Do con người cố tình hiểu lại những vốn cổ để phục vụ mục đích nào
đó trước mắt… kết quả là các mã tín ngưỡng đã bị khúc xạ và biến tướng đi
nhiều, khiến việc giải mã nó không đơn giản. Tuy nhiên giải mã tín ngưỡng
hoặc giải mã các hiện tượng văn hóa nói chung trong VHDG là một vấn đề đặc
biệt thú vị và bổ ích đối với chúng ta. Tìm ra các yếu tố văn hóa dân gian ẩn
chứa trong các tác phẩm và thể loại VHDG là một điều hết sức cần thiết, hơn
nữa nó cũng thực sự là một hướng nghiên cứu có triển vọng và có đóng góp hữu
hiệu khiến việc nghiên cứu văn hóa và VHDG ngày càng tiếp cận chân lý.
Tài liệu tham khảo:
[1] Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb. Tổng hợp
Đồng Tháp, 1990.
[2] Leopold Cadiere, Về văn hoá và tín ngưỡng truyền
thống người Việt, Nxb. VHTT, 1997.
[3] Hữu Ngọc (chủ biên), Từ điển văn hóa cổ truyền
Việt Nam, Nxb. Thế giới, 1995.
[4] Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. VHTT,
2004.
[6] Nguyễn Minh San, Tiếp cận tín ngưỡng dân dã Việt
Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc, H, 1999.
[7] Viện Đông Nam Á, Việt Nam - Đông Nam Á, Quan hệ
lịch sử văn hóa, Nxb. CTQG. 1995.
[8] Viện Tôn giáo, Về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam
hiện nay, Nxb. KHXH, 1996.
[9] Hajime Nakamura, The ways of thinking of Eastern
peoples, Yushodo co.LTD, Tokyo, Japan, 1988. (Nguyễn
Bích Hà dịch, 200 tr, Tư liệu - Thư viện khoa Văn, ĐHSP HN).
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét