Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020

Con chim xanh trên cánh đồng tình yêu

Con chim xanh 
trên cánh đồng tình yêu
Năm, mười, mười lăm, hai mươi/ em mỏi mòn đi tìm/ năm năm đợi/ mười năm đợi/ hai mươi năm ngóng đợi…/ Bằn bặt sân trăng từ đấy/ đi hết một vòng đời/ trò chơi vẫn chưa xong…
Nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh”
Đó là lần đầu tiên tôi nghe nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh đọc thơ, một bài thơ  khắc khoải về cuộc trốn tìm của những kẻ dự phần vào tình yêu. Người đàn ông trong vai người đi trốn, trốn quá kỹ trở thành biệt tăm. Người phụ nữ trong vai người đi tìm,  tìm hoài, đợi hoài, đợi hết cả cuộc đời mà trò chơi chưa kết thúc. Nhiều năm trôi qua, tôi vẫn nhớ giọng đọc thơ của bà lúc ấy, nhỏ nhẹ, đủ nghe. Từng câu thơ da diết thoát ra từ tâm trí. Đến đoạn cuối, bà đưa tay đặt lên ngực trái. Một cảm giác đau nhói trong tôi.
Cũng từ lần ấy, tôi nhận ra mình đã là độc giả của bà từ thời bé xíu. Truyện ngắn “Cây hoàng liên rễ đắng” in trong tuyển tập thơ và truyện ngắn chọn lọc về Trường Sơn, Nguyễn Thị Đạo Tĩnh viết về mối tình của đôi trai gái rời giảng đường đại học xung phong vào chiến trường. Mô-tip truyện ngắn là vậy, nhưng nội dung và giọng điệu kể truyện cũng như tính cách nhân vật nữ lại rất khác biệt so với các truyện ngắn viết cùng thời, cả phần kết không trọn vẹn cũng gợi cho người đọc cảm giác tiếc nuối, muốn được đọc tiếp viết thêm cho cái kết tròn đầy viên mãn.
Nguyễn Thị Đạo Tĩnh khởi đầu nghiệp viết với những thành công từ văn xuôi như thế, giải nhất báo Văn nghệ năm 1974-1975, từng tham gia thanh niên xung phong,  từng đi dạy học, rồi trở thành học viên khóa đầu tiên trường Viết văn Nguyễn Du, sau đó chuyển hẳn sang làm báo làm biên tập. Ngoài 50 tuổi, bà mới in tập thơ đầu tay “Bùa lá”. Cũng năm đó, năm 2006, bà in tập thứ hai “Miền hoa dại”. Từ đó đến nay, bà vẫn làm thơ, bản thảo để đâu đó, trên bàn viết, trong máy vi tính, hay kẹp giữa những cuốn sách khác. Bà ít khi gửi thơ đăng báo, ngại những cuộc trò chuyện phỏng vấn có tính khai thác đời tư. Bà cũng ít nói về mình, nếu có, thì đó là những chuyện thường ngày, chuyện cơm nước chợ búa, chuyện về quê, chuyện thể dục đi bộ của những người về hưu. Vậy nên, muốn hiểu về một Nguyễn Thị Đạo Tĩnh sau vẻ ngoài giản dị bình thản kia, phải đọc thơ bà.
Nguyễn Thị Đạo Tĩnh thuộc thế hệ các nhà thơ 5X trưởng thảnh trong kháng chiến chống Mỹ, thơ vẫn mang nét truyền thống như các đàn chị thế hệ 4X nhưng bắt đầu tung tẩy hơn, thoải mái hơn trong giọng điệu, nhịp điệu. Bằng chứng là bà luôn đằm thắm với thể lục bát, nhẹ nhõm với thể thơ 5 chữ 6 chữ, đầy nhạc tính với thơ 7 chữ, 8 chữ, song vẫn mở ra đầy linh hoạt với thơ tự do, thơ văn xuôi, đôi lúc lại nghiêm nhặt khép lòng trong vài dòng ngắn ngủi. Nguyễn Thị Đạo Tĩnh viết không nhiều. Có lẽ lúc sung sức nhất, giàu cảm hứng nhất, bà vẫn không lạm dụng chữ. Thơ ùa ra khi năng lượng chữ đã đủ đầy, thậm chí cần giải phóng, để bớt đi những bộn bề, bớt đi niềm đau:
“Tháng bảy
ngày rằm
nơi Cửa Phật
những chiếc lồng tre
nhốt đầy sẻ đồng
Người đi lễ Chùa
mở lòng
tích đức
ba nghìn đồng một con
ba nghìn đồng
cho một lần làm phúc
bầy sẻ đồng
tíu tít
bay đi
dưới gốc đại
từ bi
không chạy được
những chiếc lồng
lim dim ngủ mê
Tôi đưa tay lên ngực
nơi con tim bị lưu đày
ô hay
sao không ai
phóng sinh!
(Phóng sinh)
Bao nhiêu tâm trạng dồn lại ở câu thơ cuối. Tâm trạng của riêng tác giả, nỗi đau nơi con tim bị lưu đày. Và tâm trạng của người đọc, như một sự gợi mở từ người viết. Ta phóng sinh cho những con chim trong khi chính ta lại u mê. Nếu không thể giải thoát cho chính mình, sao có thể giải thoát cho ai… Ở đây, tiếng nói cá nhân và tiếng nói công dân chạm đến biết bao tồn tại trong xã hội mà vì vô tình, cô cảm, ta đã lướt qua.
Làm thơ để phóng sinh con tim bị lưu đày - Đó phải chăng cũng là một phần thuộc về ẩn ức của người làm thơ, trong đó có Nguyễn Thị Đạo Tĩnh. Bà vốn kín tiếng, nhưng những ai sống cùng thời và thân thiết với bà đều biết ít nhiều về mối tình sâu nặng mà bà đã dành hết thời tuổi trẻ để hướng về, chờ đợi, cả tin, để rồi thất vọng “đi hết một vòng đời/ trò chơi vẫn chưa xong”. Và có lẽ, chính cái trò chơi trốn tìm dang dở ấy đã đưa bà đến với thơ, dùng thơ để phóng sinh trái tim mình, nặn cho nỗi đau thoát hết ra để tái tạo sinh lực, rồi lại nhận về nỗi đau, lại ngụp lặn trong mê man cơn sốt:
Chao ơi nếu được về chốn cũ
em sẽ lại đi tìm
sẽ lại yêu anh
nghẹn ngào đắng chát…
(Cho một màu hoa)
Nếu không yêu và đau đến tận cùng, sẽ không thể buông được những câu như thế này. Đâu chỉ là thơ. Đó còn tiếng nấc nghẹn trong nhói đau lồng ngực, là nước mắt hòa vào dòng chữ run rẩy chát đắng nhưng vẫn chưa thôi niềm hy vọng. Dại khờ quá chăng? Nông nổi quá chăng? Không phải. Người phụ nữ ấy đã mất quá nhiều thời gian để trải nghiệm, để thấm thía những cả tin. Người phụ nữ ấy đã có bao nhiêu đêm “nửa giường nửa chiếu nửa chăn/ hoang vu nửa phần trái đất”, từng cặm cụi  “vá lại đời mình/ vá lại bóng đêm đã hai mươi năm/ rách từng mảnh trống”, từng không dám ngả lưng vì sợ đè vào, sợ làm đau chiếc bóng vốn cô đơn của mình, hẳn bà quá thấm thía nỗi đau, đau đến tê dại, đau đến mức nhận ra tình thế hiểm nguy của mình, rằng nếu cố dấn thêm bước nữa sẽ sa vào vực thẳm. Thế hệ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh là thế hệ bước ra khỏi chiến tranh khi mới ngoài hai mươi tuổi, lòng còn bao hăm hở, nhiệt thành. Cuộc sống thời bình với muôn ngàn lối rẽ, những quan niệm, những lý tưởng đạo đức truyền thống, những điều tưởng là chân lý, là nguyên tắc là hành trang sống đã bắt đầu thay đổi, rạn nứt. Sự chống chếnh bởi mất điểm tựa tinh thần đã diễn ra nơi những tâm hồn nhạy cảm, dễ tổn thương:
“Nhưng mẹ ơi
Chúng ta đâu biết
Câu thần chú xưa
Giờ đã hết nhiệm màu
Không biết lấy gì chở che
Không biết lấy gì làm chỗ vịn
Con vấp ngã”
(Của hồi môn)
Cuộc sống vẫn chảy trôi, ngày vẫn hướng về phía trước. Để tồn tại, dù là tồn tại đi cùng niềm đau và thất vọng thì bản thể vẫn cần phải tái tạo, cần nạp thêm năng lượng. Vậy nên không có cách nào khác là phải quay về đời thường, đối diện với chính mình:
Buồn tình ngồi ngắm trăng suông
Chẳng ai thương lấy thì thương lấy mình
Lá rơi lạc xuống sân đình
Bùa yêu tôi thả - cho mình tôi… yêu
(Bùa lá)
Thực tế có không ít người phụ nữ khi đổ vỡ nhân duyên, họ trở nên yếu đuối, qụy lụy, van xin tình thương. Có người thất vọng, phủ định, và trở nên chai lỳ giác quan, cảm xúc. Còn người phụ nữ trong thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh thì khác. Yêu đắm đuối. Đợi chờ hết lòng. Nhưng khi đã nhận diện sự việc và con người thì đầu óc lại trở nên sáng rõ. Ở bài thơ “Bốn người”, bà viết tặng những người đàn bà bất hạnh: người đuổi bắt tình yêu, người cả tin mà đánh mất, người lập mưu đánh cắp, nhưng họ đều giống nhau ở chỗ:
Cả ba người nào ai hơn ai
họ lặng im dấu tiếng thở dài
chỉ người đàn ông
nhìn trời… khe khẽ… hát.
Nguyễn Thị Đạo Tĩnh viết về đàn ông: “anh/ vầng trăng mọc từ đáy nước/ em ngụp lặn suốt đời/ không tròn một vòng ôm”. Vâng trăng mọc từ đáy nước làm sao tìm được vớt được, chưa thấy đâu có khi bị chết đuối chết lạnh rồi. Biết là thế để không phải khổ sở vì ham muốn sở hữu mà hãy tập cho mình sức chịu đựng, bình thản mỉm cười bước qua những dối gian, đồng thời vẫn không mất niềm tin vào vào cuộc sống. Không ít lần, niềm khát khao hạnh phúc cứ bùng lên, khiến người phụ nữ trong thơ bà chấp nhận cả những cảm giác “cứ vờ như vẫn có anh”, “vờ đang bên anh rảo bước” để nhìn đời, để thu nhận từ đời sống những sắc màu đẹp đẽ của nó.
“Hoa cúc sẽ chẳng vàng nếu không có mùa thu - nhưng cũng vì mùa thu mà tàn lụi
Anh đến cho em quá nhiều nông nổi - khi anh đi tất cả vẫn tràn đầy
Em - người đàn bà được sinh ra từ những đám mây”
(Không đề)
Người đàn bà được sinh ra từ những đám mây sẽ chẳng thuộc về nơi nào cố định, có thể lơ lửng ở tầng thấp, có thể ở trên cao, rồi ngày nào đó tan thành nước. Biết thế và chấp nhận sống đúng với con người mình, như những đóa quỳ vàng lặng lẽ “vắt kiệt mình trong cơn khát đam mê”, rực cháy một miền biên ải “gió và mưa chẳng thể nào tắt được/ cái màu tươi nguyên sơ”. Nguyễn Thị Đạo Tĩnh cũng viết về hoa hồng, nhưng bà viết nhiều hơn và viết hay hơn về hoa dại, những loài hoa “chẳng cần phải đắn đo/ nở cho ai/ nở để làm gì/ chọn cách nở ra sao/ chọn màu sắc ra sao/ để làm vui lòng người khác” mà cứ cần mẫn, nhiệt thành bung tỏa hết những gì mình có giữa đất trời bao la khoáng đạt, giữa nắng gió nhiệt thành nồng nã. Trước miền hoa dại ấy, người phụ nữ trong thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh hơn một lần ao ước muốn được hòa vào làm một nhánh dại không tên, để tự do bừng nở, không phải e ngại, không phải né tránh, không phải chiều theo lý lẽ người đời, dẫu biết sống như thế sẽ nhận về không ít thiệt thòi.
Cùng với hình ảnh hoa dại,  thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh hay nhắc đến “màu vàng”, “tháng ba” và “tháng bảy”. Tháng ba của xuân thì, của ký ức đẹp đẽ. Tháng bảy mưa ngâu đi cùng mất mát.  Màu vàng dâng hiến, nồng nã, cháy bỏng, màu vàng mọc gai trong tim:
Tháng bảy chưa về lòng đã mưa ngâu
Hoa Kim phượng có còn đắm đuối?
cái màu vàng như trêu
cái màu vàng như gọi
cái màu vàng mọc gai trong tim!...
(Cho một màu hoa)
Dù lặng lẽ sống lặng lẽ viết, nhưng Nguyễn Thị Đạo Tĩnh có nhiều bạn đọc bạn thơ đồng cảm. Điều này cực quý, bởi nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa, thơ đang gặp phải sự thờ ơ, lãnh đạm của bạn đọc trên phạm vi toàn cầu, “nhưng với thơ của Nguyễn Thị Đạo Tĩnh, dường như ta lại không thể thờ ơ được, bởi thơ bà là hiện thân của một nỗi đau”. Bà đã đi từ nỗi đau của chính mình để cảm nhận những nỗi đau khác, nỗi đau của những người đàn bà vì chờ đợi mà hóa đá, vì chiến tranh mà mất con, vì cuộc đời xô giạt mà đói nghèo vất vả, vì thất vọng mà trở thành cô độc... Bà không thuộc về số đông, không hòa theo tràng vỗ tay hoan hỉ mà lặng lẽ đứng  đằng sau sân khấu, thấu hiểu giọt nước mắt của nhân vật khi cánh màn nhung đã khép. Không chạm đến điều to tát, không tuyên ngôn, không thời thượng, mỗi tứ thơ của Nguyễn Thị Đạo Tĩnh gieo từng giọt nước mát lành, lặng lẽ thấm vào lòng đất để từ đó góp phần tạo sinh mạch nước ngầm, kết nối với những dòng suối dòng sông làm tươi xanh sự sống. Thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh là nỗi đau đã được lắng lọc, thanh khiết, khiến người đọc rung cảm nhưng không bi lụy, không khiếp nhược mà trở nên dũng cảm hơn, thanh thản hơn, như thể rũ được bụi nhân sinh để nhẹ lòng bước tiếp, nhẹ lòng mỉm cười đi bên buồn vui. Từ “Bùa lá” đến “miền hoa dại” mở ra không gian tâm hồn bình dị, thẳm sâu, với những vẻ đẹp lặng lẽ tỏa hương, lặng lẽ đợi chờ, song không cam chịu, không bao giờ có thể bị hủy diệt mà luôn tự tái sinh, tự làm xanh mình lại, và tỏa hương.
Và để khép lại bài viết này, xin được dẫn lại những câu thơ trong bài “Trên cánh đồng cỏ hoang” của nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh:
“Trên cánh đồng tình yêu của anh
Người ta đã hái lượm và mang đi
Những gì có thể
Chỉ còn lại
Bời bời gốc rạ
Bời bời bão gió
Bời bời cỏ hoang…
Con chim xanh vẫn cặm cụi mót từng hạt nhỏ…”
(Trên cánh đồng cỏ hoang)
Nguyễn Thị Đạo Tĩnh là thế. Dù bời bời bão gió, bà vẫn là con chim xanh trên cánh đồng cỏ hoang, cặm cụi nhặt từng hạt nhỏ, và hát lên khúc ca về tình yêu sự sống, góp phần tái sinh nhân gian này. 
17/6/2020
Vũ Anh Thư
Nguồn: Văn nghệ số 16/2020
Theo http://vanvn.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung Thường thì những bài đồng dao khó hiểu, câu chữ nhiều đoạn như đánh đố, bí hiểm. Ấy nhưng ...