Châu Âu đang độ sắc Xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa
khoe sắc.
Chúng ta lại phải đang thực hiện “cách ly tại nhà” để phòng chống dịch covid-19.
Mời các bạn cùng online ngắm hoa nở và đọc tạp văn “Ngày xuân nói chuyện hoa” của bạn Nguyễn Hồng Hoa.
Chúng ta lại phải đang thực hiện “cách ly tại nhà” để phòng chống dịch covid-19.
Mời các bạn cùng online ngắm hoa nở và đọc tạp văn “Ngày xuân nói chuyện hoa” của bạn Nguyễn Hồng Hoa.
Hoa mộc lan gọi Xuân về
(FB Minh Thanh Nguyen)
Hoa là tặng vật diệu kỳ mà thiên nhiên
ban tặng cho cuộc sống. Thế giới loài hoa vô cùng đa dạng và phong phú. Trăm
loài hoa là trăm tên gọi, màu sắc, hương thơm... tô điểm cho đời. Từ lâu, hoa
đã đi vào thơ ca, nhạc họa và trở thành nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho những
người cầm bút.
Ai trong chúng ta mà chả thuộc vài ba câu thơ hoặc bài hát về
hoa. Có những tác phẩm nói về hoa trở thành bất hủ, được độc giả đón nhận, truyền
từ thế hệ này sang thế hệ khác như: “Hai sắc hoa ti gôn” (TTKH), “Thời hoa đỏ”
(Nguyễn Đình Bảng), “Hoa sữa” (Nguyễn Phan Hách)... Hoa không những là tặng vật
thiên nhiên để con người chiêm ngưỡng bằng xúc giác, thị giác, khứu giác... mà
còn góp phần làm hương vị ẩm thực Việt Nam thêm phong phú. Hoa bưởi ướp với bột
sắn dây làm người xa quê bồi hồi nhớ bếp mẹ ta xưa. Hoa thiên lý có thể chế biến
thành món canh hấp dẫn, giải nhiệt. Hoa sen, hoa nhài ướp trà xanh, để thức uống
đó dường như đã trở thành một kiểu “trà đạo” của dân tộc, mà từ xa xưa, những
tiền nhân sành sỏi nghệ thuật uống trà đã từng nói “nhất thủy -
nhì trà - tam bôi - tứ bình - ngũ quần anh” cũng phần nào nói lên
được phong cách của trà Việt...
Hoa xuyên tuyết
(FB Van Long Vo)
Hoa gần gũi và thân thiện với cuộc sống của
chúng ta trong những buổi hội họp, sinh nhật, ngày vui, lễ Tết. Mỗi dịp năm hết
Tết đến, bên cạnh việc chuẩn bị bánh chưng xanh- thịt mỡ- dưa hành... chúng ta
không thể quên những bông hoa đẹp nhất dâng lên bàn thờ gia tiên và bàn tiệc tiếp
khách.
Hằng năm, cộng đồng mạng thường xuyên chia sẻ và live stream cảnh người buôn hoa đập bể những chậu hoa Tết vì không muốn bán rẻ mất giá, hoặc để những kẻ cơ hội chờ giáp giờ Giao thừa mới vào tranh thủ lấy đi, mà không phải trả tiền. Dư luận xót xa đồn rằng: những người tự tay phá nát chậu hoa ấy là thương lái đi buôn, chứ không phải là người nông dân lam lũ trồng hoa. Người trồng hoa, chăm chút, tưới tắm từng ngày cho hoa khoe hương khoe sắc, họ yêu hoa và nâng niu thành quả của mình lắm. Sao mà nỡ lòng đập bể những chậu hoa do chính tay mình vun xới.
Hằng năm, cộng đồng mạng thường xuyên chia sẻ và live stream cảnh người buôn hoa đập bể những chậu hoa Tết vì không muốn bán rẻ mất giá, hoặc để những kẻ cơ hội chờ giáp giờ Giao thừa mới vào tranh thủ lấy đi, mà không phải trả tiền. Dư luận xót xa đồn rằng: những người tự tay phá nát chậu hoa ấy là thương lái đi buôn, chứ không phải là người nông dân lam lũ trồng hoa. Người trồng hoa, chăm chút, tưới tắm từng ngày cho hoa khoe hương khoe sắc, họ yêu hoa và nâng niu thành quả của mình lắm. Sao mà nỡ lòng đập bể những chậu hoa do chính tay mình vun xới.
Hoa đào xứ lạnh
(FB Nguyen Minh Thanh)
Đã có thời gian, báo chí đề cập nhiều đến chủ trương tiết
kiệm, chống lãng phí, trong đó có bàn đến việc nên giảm thiểu khoản chi cho hoa
trong các buổi hội họp. Nhưng dường như “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Hoa không thể
thiếu được trong những buổi đại lễ vì nó đã trở thành một thứ được gọi tên là
“văn hóa chơi hoa” để tô điểm cho đời sống tinh thần con người thêm phong phú.
Những đám cưới tiền tỉ của giới đại gia hoặc văn nghệ sĩ... càng chứng tỏ đẳng
cấp của các cặp tân lang- tân nương khi thiên hạ trầm trồ vì đã mạnh tay chi số
tiền khủng dành riêng cho hoa tươi, để tiệc cưới của mình được thêm phần sang
trọng.
Những năm gần đây, khi phong trào một số
“ông lớn” xây dựng đền chùa kinh doanh, hoặc các cá nhân và tổ chức làm từ thiện
với nhiều mục đích khác nhau... truyền thông vào cuộc, công luận phán xét, xã hội
mới giật mình là quanh chúng ta đang tồn tại một kiểu “văn hóa chơi hoa” mà người
ta vẫn gọi là “của người- Phúc ta, mượn hoa cúng Phật” để chế giễu những trò
làm lố trong tín ngưỡng Tôn giáo hoặc từ thiện xã hội.
Hoa hồng
Trong thế giới loài hoa, mỗi loài hoa đều
có một sự tích riêng. Hoa hồng nhung gắn với sự tích về tình yêu đôi lứa. Hoa
cúc vạn thọ gắn với sự tích về tình mẫu tử, lòng hiếu thảo của con cái với mẹ
cha... Mỗi loài hoa đều có tên gọi riêng, cũng như mỗi con người khi sinh ra sẽ
có một cái tên gắn với cuộc đời mình. Hồng Hoa - đó là cái tên mẹ đã đặt cho
tôi. Cũng có lẽ vì thế mà những kỷ niệm buồn vui của cuộc đời tôi đều gắn với
những loài hoa đẹp. Tôi yêu hoa xấu hổ bởi vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc. Hoa còn có
cái tên yêu kiều khác là hoa trinh nữ- với màu tím nhạt, bâng khuâng như chờ
như đợi.
Những buổi tối mùa đông mưa phùn gió bấc
thời thiếu nữ với phút rung cảm đầu đời, tôi từng ước ao giống cô Phương trong
bộ phim “Vị đắng tình yêu”, sẽ có một chàng hoàng tử như Đông Ki-sốt trèo tường,
leo lên ô cửa sổ của căn gác nhỏ tôi ngồi học để trao tặng tôi chùm hoa trinh nữ
hoang dại: “Tôi là khách qua đường, xin em hãy nhận lấy”.
Hoa xấu hổ
Nhìn hoa xấu hổ mọc ven bờ bụi, tôi lại
nhớ tới những bông phong lan, lay ơn... kiêu sa. Nó đẹp là thế, sang trọng là
thế, được ưu ái đặt ở chính giữa bàn tiệc để mọi người cùng chiêm ngưỡng. Nhưng
một mai, khi tàn phai hương sắc, con người lại hất nó vào thùng rác, và thế chỗ
nó lại là những bông hoa tươi hơn, đẹp hơn. Xem ra, số phận nó lúc ấy còn bi
đát hơn những bông hoa dại mọc ven bờ bụi. Hoa làm đẹp cho đời, mà kiếp hoa lại
ngắn ngủi, sớm nở tối tàn. Ngẫm kiếp người có lúc mơ hồ tựa kiếp hoa. Hôm nay sống
trong giàu sang phú quý, ngày mai sa cơ lỡ vận... khác chi một kiếp hoa tàn!
Hoa gắn với những kỷ niệm của đời người.
Hoa luôn nói hộ lòng người những điều sâu sắc, thầm kín. Làm sao quên được khoảnh
khắc ta nhận được bông hồng đỏ thắm với lời tỏ tình và ánh mắt đong đầy yêu
thương từ người bạn đời. Ngẫm đến khi nhắm mắt xuôi tay, rũ bỏ bao buồn vui của
nhân tình thế thái, quanh nấm mồ ta yên nghỉ lại là những vòng hoa tang. Cách
đây vài năm, tôi đọc được một câu chuyện trên báo. Chuyện kể về một cụ ông
có người con trai làm cán bộ bàn giấy cấp cao. Ngày cụ đi, hàng trăm vòng hoa
tang đắp quanh nấm mồ. Tác giả đặt tên bài viết của mình là “Hoa cho người sống”.
Quanh quẩn chuyện nhiều hoa để cúng cho người chết (cho ông cụ già là người bố
đã nằm xuống) hay hoa kia còn để đẹp mặt và thể hiện quyền lực cho người sống
(cho ông con còn đang tại chức cán bộ cấp cao) - hàm chứa biết bao ý nghĩa nhân
sinh.
Hoa tulip
Đã bốn năm rồi kể từ ngày đặt chân lên xứ
sở sương trắng nắng tràn. Mặc dù rất sợ cái giá lạnh Châu Âu, nhưng mỗi mùa
đông về, tôi lại thêm yêu loài hoa mà tôi không thể tìm thấy nơi đất nước nhiệt
đới quê mình - đó là hoa tuyết. Từng hạt tuyết trắng xóa kết thành những chùm
hoa. Hoa tuyết vương trên những bãi cỏ khô. Hoa tuyết trải dọc đường đi, len lỏi
từng ngõ vắng. Mỗi mùa hoa tuyết, lòng tôi thêm đơn côi, giá lạnh và nhớ quê da
diết. Thế mà lúc tuyết tan, tôi như hụt hẫng trống trải, thấy lòng mình cũng
tan chảy như tuyết.
Tôi không thể viết hết câu chuyện về thế giới loài hoa, chỉ
muốn nhắn nhủ với bạn đọc đôi lời: Dù cuộc sống mưu sinh còn bao điều bộn bề,
nhưng đừng quên tặng cho người thân của mình những bông hoa đẹp và những lời
yêu thương.
Chuyện về hoa - chuyện của cuộc đời, của con người, của ước
mơ, khát vọng tình yêu trong cõi nhân sinh...
Tháng 1/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét