Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020

Bước đầu tìm hiểu đặc trưng văn hóa của chữ Hán và vấn đề học chữ Hán ở Việt Nam hiện nay

Bước đầu tìm hiểu đặc trưng 
văn hóa của chữ Hán và vấn đề 
học chữ Hán ở Việt Nam hiện nay 
1. Đặc trưng văn hóa của chữ Hán:
1.1 Mối quan hệ giữa chữ viết (văn tự) và văn hóa.
Chữ viết (văn tự) là hệ thống ký hiệu để ghi chép ngôn ngữ. Mỗi một loại chữ viết đại diện cho một thứ ngôn ngữ, nhưng không phải mọi thứ ngôn ngữ trên thế giới đều có chữ viết riêng của mình ngay từ khi hình thành ngôn ngữ. Ngôn ngữ ra đời cùng với sự ra đời xã hội loài người, nhưng chữ viết thì chỉ đến khi xã hội loài người phát triển đến một trình độ văn minh nhất định mới có thể ra đời. Vì rằng ngôn ngữ là công cụ giao tiếp và giao lưu tư tưởng của con người, nhưng ngôn ngữ nói mang âm thanh nên chỉ có thể giao lưu trực tiếp. “Lời nói gió bay” không thoát khỏi hạn chế của thời gian và không gian. Xã hội loài người ngày càng phát triển, việc giao tiếp và giao lưu tư tưởng đòi hỏi ngày càng cao hơn. Con người cần ghi lại những kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm cuộc sống để truyền đi xa, truyền lại cho con cháu đời sau. Nhu cầu văn hóa đó thúc bách con người phải tìm ra cách giải quyết. Chữ viết ra đời đã thỏa mãn được yêu cầu đó.
Mọi hình thái chữ viết của các nền văn minh cổ xưa trên thế giới (Ai Cập, ấn Độ, Ba By Lon, Trung Quốc, ...), lúc đầu đều bắt nguồn từ những hình vẽ gắn liền với sự vật cụ thể, dần dần về sau mới chuyển sang các phù hiệu, rồi các ký hiệu biểu trưng và ước lệ cao như ngày nay.
Chữ viết ra đời quả là một công cụ lợi hại không những hỗ trợ cho việc giao tiếp, giao lưu tư tưởng mà còn truyền bá tri thức của nhân loại, tích luỹ được qua nhiều thế hệ, thúc đẩy các nền văn minh và văn hóa nhân loại phát triển không ngừng. Về mặt này có thể nói chữ viết là một hình thái đặc thù của ngôn ngữ.
Nhưng mọi dân tộc trên thế giới không phải sáng tạo ra chữ viết trong cùng một lúc, mà tùy thuộc vào trình độ phát triển xã hội và trình độ văn minh của từng dân tộc. Vì vậy có thể nói sự ra đời chữ viết của một dân tộc là mốc quan trọng đánh dấu trình độ văn minh và là dấu ấn văn hóa của dân tộc đó.
1.2. Đặc trưng văn hóa của chữ Hán:
Chữ Hán là sản phẩm của nền văn hóa Trung Hoa ra đời cách đây gần 4000 năm, là một trong số những loại chữ ra đời sớm và có lịch sử lâu đời vào bậc nhất trên thế giới.
Chữ Hán cũng là loại chữ hiếm hoi trên thế giới còn để lại nhiều dấu ấn đồ họa từ thời tiền sử chữ viết của nhân loại. Cũng vì vậy mà chữ Hán có những đặc trưng văn hóa hiếm thấy trong các loại chữ theo lối ghi âm. Dưới đây xin nêu một số đặc trưng tiêu biểu của chữ Hán.
1.2.1 Chữ Hán giàu tính biểu tượng:
Chữ Hán vốn thoát thai từ đồ họa (hình vẽ), phát triển từ đồ họa văn tự (chữ hình vẽ) đến hình thanh văn tự (chữ hình thanh). Nhưng những ký tự Hán chỉ dừng lại ở âm tiết, chưa phát triển đến các ký tự âm tố, do đó mà chữ Hán chưa thoát ra khỏi loại chữ ghi nghĩa để chuyển thành chữ ghi âm. Nhìn vào bất kỳ một ký tự Hán nào, hầu như chúng ta đều có thể liên tưởng đến ý nghĩa biểu tượng của một sự vật, nhất là những chữ thuộc loại tượng hình, chỉ sự, hội ý hoặc hình thanh (theo cách phân loại của Hứa Thận).
Điều liên tưởng này hoàn toàn không xảy ra đối với những loại chữ ghi âm như chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, chữ Nga... chẳng hạn. Vì vậy có thể nói tính biểu tượng là đặc trưng của chữ Hán.
1.2.2. Tính “phổ biến” của chữ Hán:
Chữ Hán mang đậm tính chất ghi nghĩa; ký tự Hán không quan hệ mật thiết với âm thanh. Một ký tự Hán biểu đạt một nghĩa nhưng có thể đọc theo nhiều cách, tùy theo qui ước của từng dân tộc, thậm chí tùy theo từng vùng khác nhau. Nhờ tính phổ biến này mà chữ Hán dù cho là một thứ chữ khó học, nhưng vẫn tồn tại qua mấy ngàn năm trên một đất nước đa dân tộc hơn một tỷ dân mà không hề bị chữ ghi âm thay thế. Điều này cũng cắt nghĩa tại sao chữ Hán còn vượt cả biên giới quê hương của mình để đến với các nước láng giềng như Việt Nam, Nhật Bản... hơn nữa còn làm cầu nối để đưa các yếu tố tiếng Hán du nhập vào ngôn ngữ các nước láng giềng một cách dễ dàng. Đó chính là tính phổ biến của chữ Hán.
1.2.3. Tính “trường cửu” của chữ Hán:
Tính trường cửu của chữ Hán được biểu hiện ở hai phương diện: ngoại hình và ý nghĩa. Về ngoại hình, chữ Hán tuy có thay đổi tự dạng qua nhiều lối viết khác nhau, nhưng về cơ bản vẫn là loại chữ có nhiều dấu ấn của đồ họa từ thời nguyên thủy. Về ý nghĩa, dù cho đến nay, ngữ nghĩa đã được mở rộng, nhưng ý nghĩa từ nguyên cơ bản vẫn được bảo lưu. Dù cho âm đọc biến đổi ra sao mặc lòng, nghĩa cơ bản vẫn không hề thay đổi. Người Hán hiện đại hay người Việt, người Nhật dù cho đọc thơ Đường theo mỗi lối riêng của mình, nhưng ý nghĩa, nội dung của bài thơ vẫn được hiểu như nhau. Tính trường cửu này cũng không thể có đối với loại văn tự ghi âm, vì âm đọc thay đổi thì chữ cũng thay đổi theo.
Về mặt thông báo ý nghĩa, chữ Hán vừa có tính phổ biến (rộng khắp) vừa có tính trường cửu (lâu dài)
1.2.4. Tính “đặc trưng” khái quát:
Về hình dạng, tuy mỗi chữ Hán đều khuôn trong một ô vuông, song kỳ thực mỗi một ký tự lại có một hình dạng riêng. Khi học thì khó viết khó nhớ, nhưng khi nhìn để nhận dạng thì lại dễ phân biệt hình thể của từng chữ. Điều này phù hợp với quy luật nhận biết sự vật của thị giác con người. Thực chất khi một người đọc sách, thông thường không ai đánh vần từng âm tiết, dù có đọc thành tiếng hay không thì người đọc cũng nhận biết mặt chữ qua thị giác với tổng thể hình dạng của từng chữ (âm tiết đối với ngôn ngữ đơn tiết tính, từ đối với ngôn ngữ biến đổi hình thái) mà thôi. (Điều này có thể ví như ta nhận biết người thân quen ở hình dạng cơ thể chứ không phải ở từng chi tiết).
Cách nhận biết chữ Hán theo khuôn hình khái quát này, tạo cho người đọc chữ Hán, dù có cách phát âm khác nhau, đều có một cách đọc chung đó là đọc bằng mắt (khán) không cần đọc bằng miệng (độc). Và nói chuyện với nhau bằng cách bút đàm thay cho cách hội thoại. Đây cũng là một đặc trưng riêng của chữ Hán. Tôi tạm gọi đó là đặc trưng khái quát.
1.2.5. Tính “huyền bí” của chữ Hán:
Có lẽ vì chữ Hán còn giữ nhiều dấu vết của hình vẽ và đậm ý nghĩa biểu tượng, mỗi ký tự Hán giống như một bức tranh tượng trưng thu nhỏ hoàn chỉnh, nên chữ Hán rất gây ấn tượng và gợi sự huyền bí trong ta.
Mặt khác mỗi chữ Hán tuy hình dạng khác nhau, nhưng lại ở trong một khuôn vuông như nhau, điều này theo tôi đã gây ấn tượng cho người ta khi nhìn vào một dòng chữ Hán, tưởng như nhìn vào một tập hợp chỉnh tề của các sinh thể sống động giữa cuộc đời, chẳng hạn như một hàng quân. Vì thế gợi nên trong tâm thức ta cảm tưởng như những con chữ cũng có linh hồn, thậm chí có thể cựa quậy được. Lại cũng phải nói thêm rằng: do chữ Hán mang tính ghi nghĩa, mỗi nghĩa mang một ký hiệu, kho chữ Hán trở nên quá nhiều, khiến cho không phải ai cũng biết hết được chữ Hán. Để nhận biết và đọc thông chữ Hán không phải chỉ cần một số chữ cái hữu hạn như đối với các loại chữ ghi âm mà phải bỏ nhiều công phu, thậm chí cả đời người tưởng cũng chưa thuộc hết mặt các chữ Hán. Phải chăng đây cũng thêm một lý do nữa gây cho ta cảm giác choáng ngợp trước biển chữ Hán, khiến cho chữ Hán trở thành một thứ linh tự chứa đầy tính huyền bí tồn giáo mà bản thân văn tự vốn không có.
1.2.6. Tính “thẩm mỹ” của chữ Hán:
Năm đặc trưng ở trên đã khiến cho chữ Hán ngoài chức năng ghi chép ngôn ngữ, còn mang thêm một chức năng của hình thái nghệ thuật độc đáo gần với hội họa mà các loại văn tự ghi âm khác không có.
Viết chữ Hán từ thời cổ đã trở thành một môn nghệ thuật riêng gọi là thư pháp. Người viết chữ Hán đạt đến trình độ nghệ thuật gọi là thư pháp gia. Những tác phẩm thư pháp trở thành tác phẩm mỹ thuật như những bức họa, về mặt nghĩa hẹp nào đó còn hơn cả những bức họa. Người ta có thể ngắm những bức thư pháp say mê như những bức danh họa, nhưng đây lại không phải là họa phẩm ! Những loại văn tự ghi âm dẫu cũng có những lối viết đẹp nhưng không thể sánh được với chữ Hán về tính thẩm mỹ này.
Tất cả những đặc trưng trên của chữ Hán đã làm cho chữ Hán trở thành một loại chữ có những đặc trưng văn hóa độc đáo bậc nhất trong các loại chữ viết hiện có trên thế giới.
Người Trung Hoa quả là có thể tự hào vì đã sáng tạo nên thứ chữ có một không hai như vậy. Và theo tôi, đó cũng là một nét đặc trưng nổi bật của văn hóa Trung Hoa chăng ?
2. Vấn đề học chữ Hán ở Việt Nam hiện nay.
2.1. Quan hệ giữa chữ Hán với tiếng Việt
Như phần trên đã trình bày, do chữ Hán có tính phổ biến, nên nó trở thành văn tự dùng chung cho nhiều dân tộc. ở Việt Nam, trong một thời gian dài trước đây, chữ Hán trở thành văn tự chính thống; vì thế từ thời cổ trung đại, người Việt đã sáng tạo ra cách đọc chữ Hán theo một lối riêng duy trì đến tận ngày nay, mà ta quen gọi là âm Hán Việt. Để rồi sau đó, chính thông qua hệ thống âm đọc Hán Việt này, các yếu tố tiếng Hán có nhịp cầu nối thuận lợi để du nhập ồ ạt vào tiếng Việt một cách dễ dàng, để đến nay ta có số lượng từ Hán Việt ước tính tới 60 - 70%.
2.2. Từ Hán Việt và vấn đề giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt:
Con số ước tính của các nhà ngôn ngữ về tỷ lệ từ Hán Việt ở trên đủ nói lên vị trí và vai trò của loại từ này trong tiếng Việt là quan trọng và không thể thiếu vắng.
Từ Hán Việt không chỉ góp phần làm cho tiếng Việt phong phú thêm về số lượng từ vựng mà còn làm phong phú thêm các sắc thái ý nghĩa trừu tượng, sắc thái biểu cảm trong phong cách. Bởi lẽ những yếu tố tiếng Hán khi du nhập vào tiếng Việt thành từ Hán Việt không những đã được Việt hóa về âm đọc (âm Hán Việt hoặc Hán Việt Việt hóa), mà được Việt hóa cả về ý nghĩa và sắc thái biểu cảm, tạo nên những đặc tính mới mà trong nghĩa gốc của từ Hán không có. Có thể quy thành 4 đặc điểm chính như sau: đó là các đặc điểm: cố định, đa nghĩa, trừu tượng, trang trọng và tao nhã. Nhờ những đặc điểm này, từ Hán Việt đã góp phần làm tiếng Việt phong phú thêm rất nhiều, giúp ta diễn đạt được đủ các cung bậc ý nghĩa với mọi sắc thái, tình cảm phong phú của người Việt.
Một số ý kiến trước đây quan niệm từ Hán Việt là từ ngoại lai, cực đoan hơn, còn định thay thế nó bằng các từ thuần Việt. Tôi nghĩ rằng đó là những ý kiến có phần máy móc, phiến diện về nhận thức bản chất và vai trò vị trí của từ Hán Việt. Trong kho từ vựng tiếng Việt, từ Hán Việt là một phần quan trọng, như máu thịt của cơ thể sống, làm sao mà loại bỏ đi được. Trên thực tế cũng không thể thực hiện được điều đó. Không những thế, đây còn là một kho dự trữ từ vựng quan trọng. Mỗi khi có một khái niệm, một sự vật mới xuất hiện, nhờ sẵn có những yếu tố Hán Việt dự trữ, ta chỉ việc chọn những yếu tố thích hợp ra lắp ráp thành những từ mới để định danh ngay sự vật đó mà không thấy ngỡ ngàng. Những từ mới xuất hiện gần đây như vĩ mô, vi mô, sinh quyển, hóa thân hoàn vũ, kích cầu... chẳng phải đã nói rõ điều này hay sao?
Do vậy việc giữ gìn trong sáng tiếng Việt không phải chỉ ở chỗ dùng loại từ Hán Việt hay thuần Việt mà quan trọng ở chỗ sử dụng như thế nào để đúng chức năng tính chất của mỗi loại, sao cho phát huy được triệt để giá trị sử dụng của chúng. Muốn vậy phải hiểu tiếng Việt sâu sắc, trong đó có 70% từ Hán Việt là số từ mà đa phần là trừu tượng khó cắt nghĩa nếu không hiểu nghĩa từ nguyên của nó. Muốn hiểu từ Hán Việt sâu sắc, lại cần phải biết lượng chữ Hán tối thiểu. (Theo giáo sư Phan Ngọc khoảng gần 300 chữ (1), là các âm tiết có sức sản xuất từ Hán Việt cao.)
Xem thế thì việc học chữ Hán không phải chỉ cần thiết đối với những người cần giao tiếp bằng tiếng Hán, hoặc của những người nghiên cứu chữ Hán, mà có thể nói, cần thiết cho bất kỳ một nhà khoa học thậm chí một người dân bình thường nào đang sử dụng tiếng Việt. Điều này là khó đối với mọi người, những người không có điều kiện học. Nhưng đối với các nhà khoa học, nhất là khoa học xã hội nhân văn thì không thể coi là khó mà bỏ qua tình trạng hiện này.
2.3. Vấn đề học chữ Hán ở Việt Nam hiện nay:
ở Việt Nam, trước đây việc học chữ Hán được coi trọng vì học chữ Hán để đi thi đỗ đạt, làm quan. Từ khi nhà nước phong kiến thuộc địa bỏ cách tuyển chọn quan lại bằng con đường khoa cử chữ Hán (kỳ thi hội cuối cùng ở nước ta là vào năm 1919), thay bằng con đường tân học (chữ Pháp và Quốc ngữ) Hán học tàn tạ dần. Chữ Hán trở thành lạc hậu, thậm chí bị coi là hủ lậu, người biết chữ Hán bất kể là ai đều bị liệt là hủ Nho. Nhiều địa phương, chữ Hán được coi là dấu hiệu của phong kiến phản động, bị đem đốt sạch. Khổng học bị phê phán kịch liệt. Sau Cách mạng, chỉ còn những người học chữ Hán với ý nghĩa của môn ngoại ngữ, để phiên dịch giao tiếp với Trung Quốc. May còn một số học giả xuất thân từ gia đình khoa bảng cũ là còn được truyền dạy chữ Hán trực tiếp của ông cha mình. Vì vậy số người uyên thâm Hán học hiện nay có thể điểm trên đầu ngón tay, nhưng phần lớn cũng vào lớp tuổi “xưa nay hiếm” rồi. Lớp Hán học kế tiếp, đi vào Hán học từ Hán ngữ hiện đại, số người đào tạo chính quy cũng rất ít, mà phần nhiều họ phải vươn lên bằng con đường tự học. Số này phần lớn cũng đã đến tuổi về hưu, vả lại học chữ Hán đã khó, nghề nghiệp lại khó kiếm sống để nuôi gia đình, cái khó bó cái khôn, khó mà vươn lên xuất sắc được. Một số đào tạo tại hai ngành Hán Nôm tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, số này cũng không nhiều và nói chung học vấn còn phải tích luỹ nhiều nữa mới kịp được trình độ của các lớp Hán học tiền bối.
Ngoài ra cũng phải kể đến đội ngũ những người học Hán ngữ hiện đại ở các trường ngoại ngữ, ngoại giao, nhưng ở đây đào tạo thiên về Hán ngữ hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt cho nhiệm vụ giao tiếp là chủ yếu. Vì vậy việc đi sâu vào nghiên cứu chữ Hán ở Việt Nam chỉ còn dồn lại mỗi Viện Hán Nôm với một đội ngũ chẳng lấy gì là đông đảo...
Điểm qua tình hình cụ thể như trên ta có thể thấy rằng việc học chữ Hán ở Việt Nam chưa được coi trọng đúng mức, nhất là đối với các ngành khoa học xã hội nhân văn, đáng lẽ phải học chữ Hán bắt buộc thì lại hoàn toàn không đếm xỉa gì đến chữ Hán. Ta cứ thử thống kê đội ngũ các nhà khoa học xã hội nhân văn xem thử số người thông thạo chữ Hán là bao nhiêu ? Vì vậy, tôi nghĩ, hãy còn chưa muộn, những nhà lãnh đạo về văn hóa giáo dục nên chăng hãy xác định nhiệm vụ học chữ Hán không chỉ đặt ra ở những ngành chuyên ngữ tiếng Hán mà cần phải coi là nhiệm vụ cấp bách, tối thiểu đối với các ngành thuộc khoa học xã hội nhân văn, đồng thời có những biện pháp thiết thực khuyến khích việc học chữ Hán. Chỉ có điều, tùy theo yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể, mà coi cách học chữ Hán theo âm Hán Việt (cho tiếng Việt) hay theo âm Bắc Kinh (cho tiếng Hán) là chủ yếu, để thoát khỏi tình trạng người Việt mà lại không am tường một bộ phận quan trọng trong tiếng nói của chính mình.
Tất nhiên nếu kết hợp học chữ Hán theo cả hai loại ngữ âm hoặc ba loại ngữ âm (âm Hán Việt, âm Bắc Kinh, Ngô âm, Hán âm của người Nhật...) thì, theo tôi, đó là cách học chữ Hán hoàn thiện vì nó sẽ giúp chúng ta không chỉ hiểu người mà hiểu cả chính mình. Đạt được đến trình độ tri kỉ tri bỉ, đó là bài học thực tiễn lịch sử của tiền nhân đã để lại cho chúng ta và hậu thế.
CHÚ THÍCH:
(1). Xem Mẹo giải nghĩa từ Hán Việt, Phan Ngọc, Nxb. Đà Nẵng.
Thái Nguyên, tháng 12 năm 1999
Trần Ngọc Chùy
Theo http://www.hannom.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Châu Phú sắc xanh đồng bằng

Châu Phú sắc xanh đồng bằng Châu Phú là huyện thuần nông của tỉnh An Giang, nằm dọc theo Quốc lộ 91 và sông Hậu, sau lưng là dãy Thất Sơn ...