Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020

Quan hệ và tiếp nhận văn học Trung Quốc ở Việt Nam đầu thế kỷ XX

Quan hệ và tiếp nhận văn học 
Trung Quốc ở Việt Nam đầu thế kỷ XX
1. Từ cuối thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, quan hệ văn học Việt Nam - Trung Quốc rơi vào thế rất không thuận chiều, so với những thế kỷ trước đó.
Trước hết là do sự chi phối mạnh mẽ của thực dân Pháp. Ngay từ buổi đầu xâm lược, dù theo đường lối “đồng hóa” (assimilation) hay "hợp tác" (association), thực dân Pháp cũng đều xem việc tách Việt Nam ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc là một trong những biện pháp hữu hiệu để nô dịch (l). Chúng cũng sớm nhận ra chữ Nho là một cản trở lớn đối với sự phát triển của nền văn minh châu Âu (2) và là lợi khí của người Việt trong việc tiếp thu văn minh Trung Hoa, Nhật Bản (3). Thay chữ Nho bằng chữ quốc ngữ Latinh để từng bước thay toàn bộ bằng chữ Pháp, triệt tiêu hoặc gạt bỏ Hán học ra khỏi địa vị chính thống là những chủ trương thâm độc và nhất quán của thực dân Pháp và chúng cũng đã khá thành công. Ngày 17/3/1879 Pháp thiết lập Sở học chính Nam Kỳ (Service de l’Instruction Publique) và đặt hệ giáo dục Pháp - Việt ở Nam Kỳ đánh dấu sự mất địa vị chính thống của Hán học ở đây. Năm 1917 với bộ Học chính tổng quy (Reglementation général de l' lnstruction Publique en Indochine) do toàn quyền Sarraut ban hành bằng Nghị định ngày 21-12-1917 thì Hán học chỉ còn là cái bóng mờ, cả ở Bắc lẫn Trung kỳ. Học chính tổng quy chỉ cho phép Hán học trở thành một môn cổ điển dạng như môn “cổ điển Hy - La” ở Châu Âu.
Cùng với những chủ trương nô dịch đó, thực dân Pháp đặc biệt phong bế quan hệ Việt - Trung, nhất là sau làn sóng Tân thư đầu thế kỷ XX. Theo Giáo sư Đặng Thai Mai, “từ năm 1910 trở đi, chúng đã rào đón rất gắt không cho tư tưởng mới của Trung Quốc lọt vào đất nước Việt Nam này nữa. Chúng đã kiểm duyệt từng tờ báo, từng cuốn tạp chí mà người Hoa kiều mang theo để đọc... Bộ sách Cộng hòa quốc văn là một cuốn sách dạy cho học sinh Trung Quốc tập đọc và tập viết văn “mới”. Nhưng chính phủ Đông Dương cũng cấm lưu hành một tập trong số đó, chỉ vì trong đó có bài tập đọc có mấy câu về vận động giải phóng các dân tộc bị áp bức” (4). Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho suốt thời gian khá dài chúng ta hầu như không biết gì hoặc biết hết sức mơ hồ, phiến diện về những cuộc vận động chính trị, văn hóa cũng như những tên tuổi lớn của nền văn học mới Trung Quốc vốn có tiếng vang từ thời Ngũ tứ vận động (1919). Đến những năm bốn mươi của thế kỷ XX, từ 1942, nền văn học mới Trung Quốc qua những tên tuổi tiêu biểu như Lỗ Tấn, Tào Ngu mới được giới thiệu ở Việt Nam và tính đến Cách mạng tháng Tám đấy vẫn chỉ là việc làm có phần đơn độc của giáo sư Đặng Thai Mai. Có thể nói đây là một khoảng trắng đáng sợ trong quan hệ giao lưu văn hóa Việt - Trung (5).
Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng gắn với nhận thức đương thời về xu thế văn hóa - lịch sử của thời đại, cụ thể là của á Đông trước làn sóng bành trướng của phương Tây. Đó là xu thế theo gương Nhật, học tập theo mô hình văn minh phương Tây để tự cường. Không phải không có cơ sở khi có người cho rằng: “xét về mặt lý luận, đối với văn học Việt Nam hiện nay, sự tiếp xúc văn học Việt - Pháp còn quan trọng hơn tiếp xúc văn học Việt - Hoa, mặc dù sự tiếp xúc thứ nhất kéo dài hai ngàn năm, trái lại sự tiếp xúc thứ hai chủ yếu bó hẹp trong một thời gian ngắn ngủi dưới một thế kỷ (l858 - 1945) (6). Trong bối cảnh đó quan hệ văn hóa, văn học Việt - Trung từng bước bị đẩy vào hàng thứ yếu. ở một góc độ nào đó cũng có thể nói, có một quá trình “giải thiêng” đối với mẫu hình Trung Hoa. Từ cuối thế kỷ XlX, Nguyễn Lộ Trạch trong Thiên hạ đại thế luận (1892) đã trình bày thực trạng nước Trung Hoa và xem nước này không mất đã là may mắn lịch sử. Qua đầu thế kỷ XX, Hán học đã nhanh chóng trở thành "cựu học" ngay cả với người xuất thân từ chính “cửa Khổng sân Trình”. Từ sau những cuộc vận động văn hóa - chính trị đầu thế kỷ bị đàn áp, từ sau thời nhiệt thành với tư tưởng Khang, Lương, hầu như chúng ta không quan tâm và không tin tưởng mấy ở Trung Quốc, cả về chính trị lẫn văn hóa. Năm 1933 ông Lê Dư coi cuộc "Tân văn hóa vận động của Trung Quốc chỉ là chuyện ta đã làm trước Tàu ngót nghìn năm rồi" (7). Đến những năm bốn mươi, Hoài Thanh cũng cho Trung Quốc hiện đại không có gì, chỉ còn cái đẹp cổ xưa như sứ Giang Tây, thơ Đường.
ở một vận động hẹp hơn, trước thực tiễn xây dựng nền văn học mới, văn chương cũ càng ngày càng bộc lộ vẻ sáo mòn, gò bó trong khi nền văn học mới trên cơ sở chữ quốc ngữ ngày càng được xã hội hóa lại vận động theo hướng “văn ngôn nhất trí”. Văn quốc ngữ có mầm mống từ cuối thế kỷ XIX qua đầu thế kỷ XX đã nhanh chóng trở thành bộ phận văn học chủ đạo và lối viết theo kỹ thuật phương Tây dần dần được chú trọng. Ngay từ 1901 những người chủ trương Nông cổ mín đàn (NCMĐ) cũng muốn theo điệu của TrươngVĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của mà viết theo “điệu văn từ” hơn là theo “điệu ca ngâm” trước đây (NCMĐ số 14 - 1901). Không chỉ có văn xuôi. Nói đến thơ Mới hầu như không thể không nói đến nguồn ảnh hưởng của văn học phương Tây, đặc biệt là văn học Pháp. Trong tương quan với quan hệ văn học Việt - Trung, có thể thấy nhận xét của Lê Thanh là xác đáng: “Cái ảnh hưởng kia càng mạnh bao nhiêu thì cái ảnh hưởng của văn học Trung Hoa nhạt đi bấy nhiêư”(8).
2. Tình hình trên hạn chế nhiều mặt đến giao lưu văn hóa, văn học Việt - Trung. Đó là điều đáng tiếc, nhất là trong lúc vận động văn học hai nước có nhiều nét tương đồng và nền văn học mới Trung Quốc cũng có những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên cũng chính trong sự “phân giải quan hệ” này lại nổi lên khá đặc trưng vai trò của văn học Trung Quốc với văn học Việt Nam trong tiến trình hiện đại hóa.
2.l. Điểm nổi bật đầu tiên là văn học Trung Quốc, đúng hơn là văn học thông tục Trung Quốc, như có một "sinh mệnh mới" trong buổi đầu của nền văn học mới Việt Nam. Chúng được dịch hoặc được vận dụng như là vốn sẵn có để sáng tác lại với một số lượng lớn, phong phú, đa dạng góp phần quan trọng trong sự hình thành nền văn xuôi quốc ngữ. Nếu như cuối thế kỷ XIX, công việc dịch thuật hoặc cải biên kia còn gắn chủ yếu với mục đích phổ biến chữ quốc ngữ thì qua đầu thế kỷ XX đã gắn với mục đích đáp ứng nhu cầu đọc và thị hiếu thẩm mỹ của công chúng(9). Chính nhu cầu, thị hiếu này là động lực của việc dịch thuật, cải biên văn học Trung Quốc đầu thế kỷ XX và khởi phát nên phong trào dịch thuật truyện Tàu chỉ trong vòng bốn, năm năm (1906 - 1910) đã có ngót trên 30 bộ được dịch, trong đó có những bộ có giá trị cổ điển như Tam quốc chí (1901, 1907), Đông Chu liệt quốc (1906), Thủy hử (1907)...
Đã có nhiều ý kiến về dịch thuật truyện Tàu trong buổi đầu nền văn chương quốc ngữ. Theo chúng tôi, cần chú ý nhiều hơn đến thực tiễn văn học bấy giờ, nhất là đến nhu cầu thưởng thức của công chúng. Không phải ngẫu nhiên Canavaggio, người dịch Tam quốc chí trong Nam từ 1901 và Phan Kế Bính, người dịch Tam quốc chí ngoài Bắc từ 1907, lại gặp nhau ở điểm đều xuất phát từ nhu cầu đọc của công chúng (tác phẩm văn học truyền thống không nhiều trong khi lượng người đọc ngày càng cao)(10) và đều chọn dịch Tam quốc chí diễn nghĩa. ý kiến của Phan Kế Bính có nhắc đến vai trò của chữ quốc ngữ rất đáng lưu ý: “Đáng tiếc là chữ dễ đọc, người người đều hiểu, nhưng biết tìm sách đâu mà đọc? Đọc hết Cung oán ngâm khúc lại đọc Truyện Kiều, tất cả cộng lại cũng không quá mấy chục loại, người đọc nhanh chỉ ba ngày là hết sạch... Vì những nguyên nhân trên chúng tôi mới quyết định xuất bản những tập sách này” (tựa Tam quốc chí diễn nghĩa, 1907).
Bên cạnh tính thương mại, mà thực ra cũng là một biểu hiện của sinh hoạt văn học hiện đại, dịch thuật, cải biên văn học Trung Quốc nói chung, cao trào dịch thuật truyện Tàu hồi đầu thế kỷ XX nói riêng, còn phản ánh một thực tế là trong buổi đầu của nền văn học mới, dịch thuật thường đi trước sáng tác và dịch thuật thường xuất phát từ những vùng văn học gần gũi với mình, cả với dịch giả lẫn công chúng. Đó là hiện tượng mang tính quy luật và điều dễ thấy là nhiều tích truyện Trung Quốc vốn gần gũi với tâm thức của người Việt đã trở thành nguồn văn liệu phong phú cho văn học Việt Nam. Về mặt này, do mối quan hệ đặc biệt của quan hệ văn học Việt - Trung có từ lâu đời, nhiều giá trị văn học Trung Quốc đến với tiến trình hiện đại hóa của văn học Việt Nam như bước ra từ truyền thống. Và thực ra, trên văn đàn văn học Việt Nam buổi đầu cũng không phải độc chiếm mảng dịch thuật văn học Trung Quốc. Truyện thơ, đặc biệt là thơ dân gian phổ biến bằng hình thức “bổn cũ soạn lại” hoặc sáng tác mới cũng đáng gọi là phong trào. Tuy nhiên trong bối cảnh buổi đầu xây dựng nền văn học mới mà trước hết là nền văn xuôi quốc ngữ, công việc dịch thuật, cải biên văn học Trung Quốc bằng thứ ngôn ngữ gần gũi với đời sống là có ý nghĩa rất lớn. Cũng chính trong bối cảnh này, văn học thông tục Trung Quốc vô hình chung thành chất xúc tác cho sáng tác văn học . Năm l906, chủ bút NCMĐ bấy giờ là Trần Chánh Chiếu phát động cuộc thi tiểu thuyết trước hết là vì truyện Tàu đã được dịch nhiều nhưng truyện trong nước thì chưa có (NCMĐ số 262 - 23/10/1906). Mặt khác, việc truyện Tàu được dịch rầm rộ đã thật sự kích thích tự ái dân tộc của nhiều người cầm bút làm nở rộ những “tiểu thuyết kim thời” hoặc tiểu thuyết lịch sử trong vài thập niên sau của không ít tên tuổi như Trương Duy Toản, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Văn Vinh, Hồ Biểu Chánh... Những tác phẩm này chịu ảnh hưởng sâu đậm của kết cấu truyện Tàu nhưng không phải không có những yếu tố phi truyền thống, cả về kết cấu lẫn thể tài.
2.2. Điểm nổi bật thứ hai dễ thấy là nếu như văn học thông tục Trung Quốc gắn rất sát với vận động của văn học Việt Nam về tiếp nhận cũng như sáng tạo và cho thấy sức hấp dẫn khá rộng rãi, lâu dài thì tác phẩm văn học cổ điển Trung Quốc - được hiểu là văn học “phi thông tục” - lại được “khai thác” trước hết là theo hướng bảo tồn và có phần muộn hơn khi ý thức học thuật có phần rõ nét và báo chí đã có bước trưởng thành. So sánh tiếp nhận văn hóa Đông - Tây trong giai đoạn này, có thể nói về cơ bản là tiếp nhận phương Tây để học theo và tiếp nhận vốn văn hóa cổ điển á Đông để lưu giữ - cả văn hóa Trung Quốc lẫn văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan nhận định về công việc dịch thuật của ông Phan Kế Bính, cũng là nhận định có tính khái quát đối với công việc dịch thuật văn chương cổ điển Trung Quốc bấy giờ: “Những thứ văn ông biên tập và dịch thuật không phải hạng văn để người tầm thường đọc” (ll). Tuy nhiên công bằng mà nói, đó không phải là tinh thần hiếu cổ và dù chưa thật có hệ thống, những công trình biên khảo, dịch thuật của các ông Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục trên Đông Dương tạp chí; Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Trọng Thuật trên Nam phong tạp chí (1917 - 1934) v.v... là đặc biệt có ý nghĩa trong buổi Hán học suy tàn và vốn văn hóa truyền thống có nguy cơ không có nhịp cầu nối vì sự chuyển đổi văn tự. Đó là chưa kể những công trình khảo cứu, dịch thuật văn học cổ điển Trung Quốc có ý nghĩa rất lớn đối với nền văn học dịch và cả đối với khoa nghiên cứu văn học trong buổi chập chững của mình mà Việt Hán văn khảo của Phan Kế Bính, đăng trong chuyên mục Đông Dương tạp chí (từ số 167 - 180), sau in thành sách, đáng kể là tác phẩm tiêu biểu. Riêng về thơ, qua khảo sát, chúng tôi nhận ra điều khá thú vị : văn học quốc ngữ, trong đó chủ yếu là mảng dịch thuật, phát triển khá sớm ở trong Nam nhưng suốt mấy chục năm đầu thế kỷ XX, thơ cổ Trung Quốc hầu như không được để tâm đến, kể cả thơ Đường. Bài thơ Đường được dịch ra chữ Quốc ngữ sớm nhất có lẽ là bài Văn lân gia lý tranh của Từ An Trinh, Trương Minh Ký dịch thành hai bản, một theo vần bằng một theo vần trắc, nhưng là để minh họa cho phép làm thơ trong quyển Thi pháp nhập môn (1898). Qua 1901 trên NCMĐ có bản dịch bài Tiết phụ ngâm của Trương Tịch và dường như chỉ có thế. Điều đáng chú ý là Việt Nam ta có truyền thống dịch thơ Đường từ khá sớm và về phương diện này thực ra cũng không có khó khăn lắm đối với văn học dịch quốc ngữ, hoặc phiên âm hoặc dịch mới. Theo chúng tôi, đó cũng là một biểu hiện đáng chú ý về tiếp nhận văn học. Phải chăng, truyền thống văn hóa Nam Bộ thường có xu hướng tiếp nhận, thưởng thức những giá trị văn hóa văn học gần gũi với đời sống thường nhật hơn trong khi thưởng thức văn học ở miền Bắc có tính văn chương nghệ thuật hơn. Thực tiễn sáng tác và tiếp nhận văn học ở ta tính đến đầu thế kỷ XX cũng cho thấy điều đó là có cơ sở. Riêng cách dịch tiểu thuyết Trung Quốc cũng đã cho thấy “cách dịch tiểu thuyết ở Nam gần khẩu ngữ miền Nam còn cách dịch ở Bắc có phần văn chương hơn” như Giáo sư Phan Ngọc nhận định(12). Tuy nhiên ngay trên đất Bắc, khi Nam phong tạp chí dành đất cho trang văn uyển, dịch thơ cổ và đặc biệt là sau những bản dịch thơ Đường do Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến sao lục khởi in từ Nam Phong số 9 (1918) thì việc sao lục hoặc dịch thuật thơ cổ Trung Quốc mới thật sự khởi sắc, và vẫn chủ yếu là thơ Đường.
Thơ Đường trên Nam Phong chiếm số lượng lớn. Chỉ riêng sao lục của hai ông Đông Châu và Lê Dư đã ngót 200 bản; Phạm Sỹ Vĩ dịch Thiên gia thi; Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục dịch gần 100 bài và rất nhiều dịch giả khác như Đàm Xuyên, Nguyễn Thế Nức, Trần Sở Kiều... Những người chủ trương Nam Phong quan niệm “cổ văn càng nhiều người dịch càng hay” (NP số 53/1921) nên thường giới thiệu nhiều bản dịch của cùng một nguyên tác, tạo nên một “sân chơi” dịch thuật rất phong phú, ý vị, trong đó có nhiều bản dịch được sưu tập in lại trong các tuyển thơ Đường về sau.
Nam Phong là tạp chí khởi đầu đồng thời dấy lên phong trào dịch thuật thơ Đường rộng rãi nhất trong mấy mươi năm đầu thế kỷ XX đồng thời cũng cho thấy thơ Đường được tiếp nhận sâu rộng ở Việt Nam như thế nào, nhất là đang trong trào lưu tân học. Sau Nam Phong, nhiều báo và tạp chí vẫn có mục dịch thơ Đường và qua những năm bốn mươi đã có thể thấy những bộ sách dịch thơ Đường dày dặn của Dương Mạnh Huy, Trần Trọng Kim. Ngô Tất Tố, Nhượng Tống và thu hút cả những nhà thơ Mới, tiêu biểu và khá độc đáo như J. Leiba.
Nhiều người đã nói đến cội nguồn và ảnh hưởng của thơ Đường đối với thơ Mới. Nhiều nhà thơ Mới cũng thừa nhận nguồn ảnh hưởng này. Điều đó thực ra cũng không có gì khó hiểu nếu xét “vai trò lịch sử” của thơ Đường ở Việt Nam cũng như những vận động đặc thù của “một thời đại mới trong thi ca” giai đoạn 1930 - 1945.
3. Nói đến quan hệ và tiếp nhận văn học Trung Quốc ở việt Nam trong tiến trình hiện đại hóa còn cần phải xét trên nhiều bình diện với nhiều cấp độ. ảnh hưởng của tân thư đầu thế kỷ XX; hiện tượng Từ Chẩm á đều là những vấn đề có ý nghĩa không nhỏ trên bình diện quan hệ và tiếp nhận. Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chỉ dừng lại ở mức phác thảo và sơ bộ rút ra vài nhận xét mà theo chúng tôi, xưa nay nghiên cứu ảnh hưởng của văn học Trung Quốc đối với văn học Việt Nam chưa được chú ý lắm:
Trước hết, văn học hiện đại Trung Quốc chỉ được giới thiệu vào những năm cuối trong tiến trình hiện đại hóa của văn học Việt Nam và ảnh hưởng chưa phải đã sâu rộng. Nhấn mạnh việc tiếp nhận văn học hiện đại Trung Quốc ở Việt Nam để hiện đại hóa là thiếu cơ sở. Trong khi đó, cần chú ý hơn đến vai trò của văn học cổ Trung Quốc đối với tiến trình hiện đại hóa của văn học Việt Nam, nhất là trong buổi đầu của tiến trình.
Do mối quan hệ văn học đặc biệt giữa hai nước - quan hệ đồng văn, mang tính văn hóa vùng và được đặc trưng bởi tính chất quan hệ văn học trung đại - nền văn học cổ Trung Quốc vừa như mẫu hình vừa rất gần gũi với người Việt, cả về mặt quan phương lẫn bình dân, thông tục. Nhiều thành tố văn, văn học Trung Quốc, do đó đã trở thành như bộ phận, như những thành tố văn hóa, văn học Việt Nam. Hiện đạị hóa bao giờ cũng xuất phát từ những vận động nội tại của văn học và trước hết là dựa trên nguồn lực nội sinh.
Trong tiến trình hiện đại hóa, văn học Việt Nam đã tự giác hay không tự giác đều tìm đến truyền thống văn hóa dân tộc cũng như nhiều thành tố văn hóa, văn học Trung Quốc như tìm về nguồn nội sinh để hiện đại hóa là điều tất yếu. Văn học Pháp cũng ảnh hưởng đặc biệt sâu đậm đến văn học Việt Nam nhưng so với văn học Trung Quốc lại không có đặc trưng này.
Tiếp nhận văn học cổ Trung Quốc trong tiến trình hiện đại hóa văn học một mặt cho thấy văn học Trung Quốc, trong hoàn cảnh quan hệ rất không thuận chiều, vẫn ảnh hưởng khá sâu rộng ở Việt Nam, mặt khác cũng phản ánh xu thế phát triển của nền văn học mới. Đó là nền văn học phát triển theo xu hướng gắn bó với đời sống hiện thực, với đại chúng đồng thời biết tiếp nhận những thành tựu mẫu mực của nhân loại để tạo nên những giá trị đặc sắc trên tiến trình hiện đại hóa mà việc tiếp biến Đường thi trong thơ Mới là một trong những biểu hiện tiêu biểu.
Quá trình chuyển biến quan hệ văn học giữa Việt Nam và Trung Quốc từ “đồng văn” sang “dị văn” cũng đồng thời là quá trình chuyển biến về quan hệ trên bình diện ý thức giữa “ta” và “người”, giữa tính chất khu vực và thế giới, giữa phạm trù ý thức văn học trung đại và hiện đại... Trong buổi giao thời đó, văn học Trung Quốc đã có vai trò quan trọng đối với tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam và được ghi nhận trước hết vẫn như những yếu tố gần gũi, nội sinh.
CHÚ THÍCH
(1),(2),(3) Xin xem thêm Nguyễn Văn Trung - Chữ, văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc - Nam Sơn. S.1974. (Phần các Thông tư, Nghị định về chữ Quốc ngữ, về học chánh).
(4) Đặng Thai Mai toàn tập, tập 3. Nxb. Văn học, 1998, tr.1000.
(5), (7) Xin xem thêm Nguyễn Văn Hiệu - Tìm hiểu việc nghiên cứu, giới thiệu Văn học hiện đại Trung Quốc ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tập san Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp. HCM), số 9, 1999.
(6) Phan Ngọc- Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 1998, tr 480.
(8) Lê Thanh - Văn học Việt Nam hiện đại (1900 - 1940), Tạp chí Tri Tân số 141/1944.
(9), (10) Xin xem thêm Nguyễn Văn Hiệu - Vài nét về dịch thuật và sáng tác trên “Nông cổ mín đàm (1901 - 1924)”. Bình luận văn học, Niên giám 1998, số 2, Nxb. KHXH, H. 1999, tr.30.
(11) Vũ Ngọc Phan - Nhà văn hiện đại, Nxb. Thăng Long, S. 1960, tr.76.
(12) Phan Ngọc - Ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc ở Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc số 3, 1996.
Nguyễn Văn Hiệu
Theo http://www.hannom.org.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Phan Thảo với khúc ca bi tráng

Bùi Phan Thảo với khúc ca bi tráng Trường ca “Những ngọn khói về trời” của Bùi Phan Thảo là cuốn truyện bằng thơ, kể lại một thảm họa lịch...