Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

Hán văn Việt Nam nhìn từ góc độ song ngữ

Hán văn Việt Nam nhìn từ góc độ song ngữ 
1. Trong thời gian gần đây xuất hiện nhiều công trình đề cập đến Hán văn Việt Nam trong giới Hán Nôm học. Những công trình đó góp phần quan trọng cho việc nghiên cứu, giải thích thực thể Hán văn Việt Nam, bước đầu tìm ra những nét riêng biệt của Hán văn Việt Nam. Theo mục tiêu đó của Hán Nôm học, chúng tôi nghĩ rằng cần đẩy mạnh nghiên cứu Hán văn Việt Nam từ góc độ song ngữ hay liên ngữ. Bởi vì, là sản phẩm của môi trường song ngữ, Hán văn Việt Nam, một mặt, phải tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt của văn ngôn, mặt khác, lại chịu áp lực của hoàn cảnh ngôn ngữ nơi nó thể hiện và hành chức trong những điều kiện xã hội - ngôn ngữ Việt Nam trong suốt hai chục thế kỷ...
2. Có một điều dễ nhận thấy: khối lượng các văn bản Hán văn Việt Nam cho đến nay vẫn còn được giữ lại chủ yếu từ sau khi nước nhà giành được quyền tự chủ. Sự độc lập dường như đã không ngăn cả Hán văn được dùng một cách rộng rãi, mà có vẻ như ngược lại. Sau độc lập, Hán học ở Việt Nam lại càng phát triển và mở rộng... Phạm vi phổ biến chữ Hán ngày một rộng thêm, số lượng văn bản nhiều hơn... Đã có những ý kiến giải thích về vấn đề này theo từng góc độ khác nhau - góc độ lịch sử, góc độ văn hóa... và cả từ góc độ song ngữ. Chính tiếng Việt phát triển trong môi trường song ngữ Việt - Hán (hay Hán - Việt) đã là nhân tố quan trọng thúc đẩy, tạo điều kiện cho việc học chữ Hán.
3. Song ngữ Việt - Hán từ khi nước nhà độc lập khác với song ngữ Việt - Hán ở thời Bắc thuộc về chất. Bởi lẽ, ở thời độc lập, tiếng Việt đã phát triển cả về chức năng lẫn cấu trúc. Còn Hán văn chỉ là ngôn ngữ viết (thư diện ngữ) (Lưu Quang Khánh, 1995). Song ngữ Việt - Hán không những chỉ khác với chính mình ở giai đoạn trước đó mà còn khác với nhiều song ngữ hiện đại ở các nước châu Phi hay châu á, nơi tiếng Anh, tiếng Pháp là ngôn ngữ thứ hai, ngôn ngữ vay mượn nhưng là sinh ngữ... (Diebold, 1961). Các ngôn ngữ thành viên của từng song ngữ hiện đại phân chia nhau về phạm vi các chức năng sử dụng... Tuy có những điểm riêng như vậy, nhưng dù sao, các văn bản Hán văn Việt Nam - vì được viết bằng ngôn ngữ- văn tự vay mượn, ngôn ngữ thứ hai..., nên vẫn phải mang những đặc điểm chung của loại văn bản vốn không phải là tiếng mẹ đẻ. Do vậy, tự nhiên, chúng phải chịu ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ của người viết và cả các nhân tố xã hội - ngôn ngữ khác nữa...
4. Nghiên cứu song ngữ nở rộ trong khoảng những năm 50-60 và cho đến nay vẫn là một vấn đề có tính thời sự trong ngôn ngữ học. Nghiên cứu song ngữ nảy sinh trong nhu cầu thực tế của việc dạy, học và sử dụng ngôn ngữ thứ hai. Những tư tưởng về so sánh ngôn ngữ không phải là mới xuất hiện ở thời hiện đại, song, kế thừa những tri thức của ngôn ngữ học so sánh - lịch sử, nghiên cứu song ngữ chủ yếu nghiên cứu quá trình tạo văn bản bằng ngôn ngữ thứ hai. Do vậy, nó nghiêng về mặt ứng dụng, giúp cho người học ngôn ngữ thứ hai nắm ngôn ngữ này nhanh hơn, tránh được những lỗi có thể tránh (Gak, 1989).
5. Việc dạy, học và sử dụng ngôn ngữ thứ hai xét từ góc độ song ngữ tuỳ thuộc vào các nhân tố sau đây: tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ cần học, cần viết. Hai điểm xuất phát này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng các văn bản của ngôn ngữ thứ hai sẽ được xây dựng trên nền liên ngữ này. Có thể hình dung sự tác động và liên kết đó bằng sơ đồ dưới đây nếu ta xét các nhân tố này trong môi trường song ngữ Việt - Hán:
Muốn tìm hiểu Hán văn Việt Nam, tìm ra những nét (đặc điểm) riêng của nó, cần phải tìm hiểu không gian liên ngữ. Dường như Hán văn Việt Nam trong không gian liên ngữ được tạo tác trong sự ảnh hưởng và pha trộn của cả hai ngôn ngữ, nó được hình thành trong trạng thái động. Chúng ta hãy xem sự tác động của từng nhân tố thành viên lên quá trình hình thành các văn bản Hán văn Việt Nam. Trước hết là nhân tố tiếng mẹ đẻ.
6. Nhân tố tiếng mẹ đẻ có ảnh hưởng lớn đến quá trình học, sử dụng ngôn ngữ thứ hai, trong đó, ảnh hưởng dễ nhận ra nhất là ở lĩnh vực vốn từ. Khả năng nắm bắt vốn từ của ngôn ngữ thứ hai, ngôn ngữ vay mượn và sau đó sử dụng chúng một cách nhuần nhuyễn để tạo tác văn bản, có phần phụ thuộc trực tiếp vào trình độ và khả năng nắm bắt vốn từ tiếng mẹ đẻ, phụ thuộc vào mức độ phong phú, của vốn từ tiếng mẹ đẻ có đáp ứng nổi hay không những khái niệm tương đương được diễn đạt ở vốn từ ngôn ngữ thứ hai. Vì thế, sự phát triển và mức độ phong phú của vốn từ ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ tạo điều kiện cho việc nắm vốn từ ngôn ngữ thứ hai. "Nhân tố mạnh mẽ hơn cả có ảnh hưởng đến quá trình nắm vốn từ của ngôn ngữ thứ hai chính là vốn từ của tiếng mẹ đẻ" (Robert Lado, M, 1989, tr 38). Con đường làm phong phú vốn từ của tiếng Việt trong giai đoạn song ngữ chính là sự vay mượn vốn từ tiếng Hán [Chủ yếu từ văn ngôn, nếu như ở giai đoạn tiếp thu qua các kinh điển của các trào lưu triết học cổ Trung Quốc và qua các văn bản văn ngôn cải cách nếu như ở những năm đầu thế kỷ XX] (Nguyễn Ngọc San, 2-94). Nắm tiếng mẹ đẻ nhất là vốn từ của nó sẽ tạo điều kiện cho những người đi học và sử dụng chữ Hán được tốt hơn, song đồng thời cũng chuẩn bị cho các khả năng chuyển nghĩa, sang dòng, biến nghĩa... trong cách hiểu một loạt từ của văn ngôn tiếng Hán trong nhận thức ngôn ngữ của người Việt Nam đi học và sử dụng chữ Hán. Tiếng Việt qua hệ thống sách giáo khoa dạy chữ Hán và thực tế giảng dạy chữ Hán của nền Hán học Việt Nam truyền thống đã đóng vai trò cần yếu trong việc học chữ Hán (Phạm Văn Khoái, 1996. tr. 136 -149).
Tương tác giữa tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt) và ngôn ngữ thứ hai (Hán văn) đã diễn ra trong chu trình phụ thuộc vào sự giống nhau và khác nhau giữa hai ngôn ngữ này. Có thể nhìn thấy sự giống nhau và khác nhau giữa hai loại ngôn ngữ này về phương diện qua các công trình nghiên cứu loại hình (Stankevich N.V., H 1982; Nguyễn Quang Hồng, H. 1994; Chúc Ngưỡng Tu, H. 1995) v.v...
Tựu trung sự giống nhau và khác nhau thể hiện ở mấy điểm sau:
- Giống nhau về hình thức nhưng khác nhau về ý nghĩa.
- Giống nhau về ý nghĩa nhưng khác nhau về hình thức.
- Khác nhau về hình thức và cả về ý nghĩa.
- Giống nhau về ý nghĩa cơ bản, nghĩa gốc nhưng khác nhau về nghĩa rộng.
- Giống nhau về ý nghĩa nhưng khác nhau về sự phân bổ theo từng nhóm văn bản hay từng vùng. Có thể qui những hiện tượng thuộc loại này là giống hay khác theo đặc điểm "phương ngữ", có tính chất "phương ngữ".
Sự giống và khác về từ và ngôn ngữ nói chung trong không gian liên ngữ Hán - Việt còn được thể hiện qua tự dạng. Các văn bản tiếng Việt ở hoàn cảnh ngôn ngữ song ngữ Việt - Hán chủ yếu được ghi bằng chữ Nôm - một loại văn tự phát sinh từ chữ Hán..., cho nên, những khác biết giữa tự dạng của chữ viết tiếng Việt - chữ Nôm trong môi trường song ngữ Việt - Hán, đến lượt mình cũng góp phần "tích cực" để tạo nên những sự "lệch chuẩn" về tự dạng trong thực tế sử dụng chữ Hán. Những ví dụ do nhà nghiên cứu Vũ Tuấn Sán nêu ra, đặc biệt là trường hợp khác biết về cách viết của chữ Việt (ẵ) trong Khang Hy tự điển và các Hán Việt tự điển khác và trong thực tế viết chữ Hán nói chung cần được hiểu trong bối cảnh song ngữ. Giao thoa (interference) ở đây không chỉ dừng ở các cấp độ của ngôn ngữ mà còn cả phương diện tự dạng nữa (Vũ Tuân Sán, 1/1996). Như vậy, các nét khác biệt về tự dạng giữa chữ Hán và chữ Nôm đã tiềm tàng khả năng "lệch chuẩn" ngay cả về phương diện chính tả. Có thể nghĩ rằng, ở người viết chữ Hán khi người đó đã biết chữ Nôm ngầm có khả năng khiến anh ta có hướng viết chữ Hán theo tinh thần viết chữ Nôm (ở mức độ nào đó). Tất nhiên đây là trường hợp rất ít khi xảy ra vì chuẩn chính tả của chữ Hán rất bảo thủ và nghiêm ngặt. (Sofronov. M.V, 1979), ngay cả những ngôn ngữ có chính tả bảo thủ nhất cũng không thể so sánh với mức độ bảo thủ và nghiêm ngặt của chữ Hán. Do vậy, như nhà nghiên cứu Vũ Tuấn Sán có nhận xét, những trường hợp khác biệt về tự dạng giữa các văn bản Hán văn Việt Nam và chữ Hán Trung Quốc là ít thấy. Cho dù là như vậy, song khả năng "lệch chuẩn" (interference) ở đây là hoàn toàn có thể, là khả năng luôn luôn tiềm tàng.
Các biểu hiện giống và khác nhau giữa tiếng mẹ đẻ và ngôn ngữ thứ hai cũng tiềm tàng những khả năng "lệch chuẩn", chúng ta có thể dễ nhận ra, đồng thời cũng có khi rất khó có thể nhận ra. Không nên nghĩ rằng vốn từ Hán Việt có trong tiếng Việt ở các giai đoạn là hoàn toàn giống tiếng Hán. Điều này có nghĩa là ngày cả các bộ phận được tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt) vay mượn ngôn từ thứ hai (ở đây là tiếng Hán), nhưng trong quan hệ với ngôn ngữ thứ hai ở môi trường song ngữ Việt - Hán thì cái bộ phận vay mượn này cũng thể hiện vai trò, tính chất và nhiều nét nghĩa, hình thức khác với ở cội nguồn ban đầu của mình (tiếng Hán). Tất nhiên những khác biệt này rất khó nhận ra và thường được che dấu bởi các hình thức bề ngoài giống nhau (nhất là tự dạng trong song ngữ Việt - Hán). ở nhiều trường hợp, chúng giống nhau cả về hình thức và ý nghĩa, còn khác nhau ở đây chủ yếu là về ý nghĩa phái sinh, nghĩa phát triển, nghĩa mới, nghĩa văn cảnh... và có khi chúng lại biến nghĩa, chuyển nghĩa... Tựu trung, đó là những khác biệt về nghĩa rộng. Sự khác biết này rất tế nhị, chỉ có những người am hiểu cả hai ngôn ngữ mới nhận ra. Hệ quả tự nhiên là xuất hiện các cách nói mới, cách diễn đạt mới, nét nghĩa mới có tính chất Việt Nam trong cách sử dụng chữ Hán. Nhìn vào ở một phương diện nào đó trong mối quan hệ với tiếng Hán (Hán văn) có thể coi đó là những "biến thể có tính chất phương ngữ"
7. Dường như sự phức tạp của vấn đề không chỉ dừng ở mức độ các khác biệt về nghĩa rộng hay "biến thể có tính chất phương ngữ" mà nó còn thể hiện ở chỗ khác. Theo cách dạy, học và sử dụng chữ Hán trong môi trường song ngữ Việt - Hán, những cách dùng khác nhau theo nghĩa rộng đã được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, rồi do tập quán mô phỏng người đi trước nên nó được lưu lại với thời gian, dần dần mọi người quen dùng và chấp nhận. Chính các biểu hiện này dần dần dẫn đến "tính ly tâm tương đối" của cách dùng Hán văn ở Việt Nam. "Tính ly tâm tương đối" ngày càng tích tụ lại, tiềm ẩn khả năng "sang dòng" (tất nhiên cũng là tương đối), khả năng trở thành "gạch nối", khả năng "chuyển nghĩa"... trong thực tế sử dụng chữ Hán và văn ngôn ở Việt Nam nếu như chúng ta xem xét chúng với văn ngôn chính gốc. Cho đến bây giờ chúng ta có những công trình lớn thống kê, nghiên cứu những hiện tượng "gạch nối", "sang dòng" trong Hán văn Việt Nam, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến khả năng này từ góc độ song ngữ.
8. Nhiều lần trên đây chúng tôi đã nhắc rằng: Không gian liên ngữ và các thành tổ cấu thành song ngữ Việt - Hán không phải đứng yên tại chỗ mà ngược lại, chúng luôn luôn biến đổi... Ngay thành tố văn ngôn chính gốc (văn ngôn Trung Quốc) cũng thường xuyên vận động, trải qua nhiều cuộc cải cách. Nhiều phong cách, trường phái văn ngôn ra đời trong khoảng thời gian hơn hai mươi thế kỷ đã làm cho văn ngôn không phải là một lược đồ ngôn ngữ khô cứng, không phải hoàn toàn là một tử ngữ mà ngược lại nó cũng luôn biến đổi. Về vấn đề này chúng tôi đã đề cập trong các bài viết về văn ngôn nói chung, văn ngôn hậu kì nói riêng, cũng như các cuộc cải cách văn ngôn ở Trung Quốc thời trung thế kỷ (Phạm Văn Khoái, 1 - 1996; 4-1996).
Môi trường liên ngữ đóng vai trò quan trọng trong việc cắt nghĩa các nét riêng của ngôn ngữ thứ hai khi nó được phổ biến ở nước ngoài so với nguyên gốc của nó ở trong nước trong sự tương tác với tiếng mẹ đẻ của người đi học. Như vậy, nghiên cứu môi trường liên ngữ, không gian liên ngữ hay nghiên cứu liên ngữ trở thành một trong những nội dung chính để nghiên cứu liên ngữ trở thành một trong những nội dung chính để nghiên cứu những đặc điểm Hán văn Việt Nam. Nghiên cứu liên ngữ thực chất là nghiên cứu "sự thể hiện của các ngôn ngữ (trong không gian liên ngữ) hơn là nghiên cứu ngôn ngữ cụ thể như nó đã có sẵn" (Carl James, M., 1989, tr. 208).
Đương nhiên, sự thể hiện của các ngôn ngữ trong không gian liên ngữ là một quá trình, có tính tiến hoá... "Sự thể hiện của các ngôn ngữ vốn là khái niệm mang trong mình nội dung tiến hoá (theo cách nói cuả F. Saussure), từ đó có thể thấy rằng phân tích đối chiếu liên ngữ tựa hồ thuộc phương diện lịch đại hơn là đồng đại: (Carl James, M, -> 1989, -> tr.208). Điều này có nghĩa là những nét riêng của Hán văn Việt Nam cần phải được giải thích trong mối quan hệ của hai ngôn ngữ trong môi trường song ngữ Việt - Hán, cần phải được xem xét trong không gian liên ngữ, trong sự thể hiện mình của các ngôn ngữ thành viên qua các thế hệ người sử dụng chữ Hán.
9. Có cơ sở để nghĩ rằng các khả năng "lệch chuẩn" và các thực tế "sang dòng" trong Hán văn Việt Nam đã phần nào làm cho Hán văn Việt Nam trong môi trường liên ngữ Việt - Hán đóng vai trò của "ngôn ngữ - người trung gian" (Akhmanova O.S, Melchuk I.A,... MGU, 1961) mà ta thường gọi là chuyển ngữ để xây dựng vốn từ tiếng Việt. Có thể trình bày mối tương tác đó bằng sơ đồ sau đây:
Trong cơ chế đó, văn ngôn Trung Quốc (hay Hán văn nói chung) và Việt ngữ đều là những ngôn ngữ nguồn, ngôn ngữ xuất phát. Trên đây chúng tôi đã nhấn mạnh áp lực của tiếng Việt lên quá trình học và sử dụng chữ Hán từ góc độ nghiên cứu liên ngữ... Kết quả là Hán văn Việt Nam, với thời gian, dần dần trở thành một biến thể Việt Nam của Hán văn nói chung, nó như là một "ngôn ngữ - người trung gian", có "tính tự trị" và "li tâm tương đối" ... Đồng thời cũng chính trong cái không gian liên ngữ này, tiếng Hán (văn ngôn) thông qua Hán văn Việt Nam - "ngôn ngữ - người trung gian" đã ảnh hưởng đến tiếng Việt. Song vấn đề này sẽ được đề cập ở một dịp khác.
10. Trên đây chúng ta đã nói đến sự tương tác các yếu tố ngôn ngữ trong không gian liên ngữ, chúng ta cũng nói đến sự giống và khác nhau giữa hai ngôn ngữ đã dẫn đến hình thành một biến thể của ngôn ngữ thứ hai do những người đi học và sử dụng ngôn ngữ thứ hai, ngôn ngữ vay mượn - mà cụ thể ở đây là Hán văn Việt Nam dần dần bị lệch chuẩn so với Hán văn chính gốc. Cũng cần nói đến các bước đi và nhịp độ của sự lệch chuẩn (interference) ở mức độ khái quát nhất. Nếu như ở các ngôn ngữ biến hình (các ngôn ngữ ấn - Âu) sự giao thoa trước hết biểu hiện ở phương diện hình thức "thoạt đầu diễn ra quá trình giản lược bao gồm quá trình đánh rơi các biến tố, các liên từ, các từ biểu thị chức năng quán từ, sau đó lại có những quá trình phức tạp hơn (Carl James, M, 1989, tr 214). Như thế, những giao thoa đó có thể nhìn thấy nhờ các tiêu chí hình thức. Còn ở các ngôn ngữ đơn lập như tiếng Hán và tiếng Việt, giao thoa sẽ xảy ra chủ yếu ở phương diện cú pháp và sử dụng từ. Có thể có nhiều cách dùng từ và cú pháp của tiếng Việt đã ảnh hưởng đến cách đặt câu trong Hán văn Việt Nam. Chẳng hạn ở Quán Sứ tự công đức bi kí có câu: Àố ³¯ ầ° ệđ ẩý ạơ ậÄ ạơ ... thì cách đặt câu "Lê triều tiền chi tam cung tứ quán..." rõ ràng chịu ảnh hưởng của cú pháp tiếng Việt. Một số địa danh cũng có hiện tượng này như Hoa Lư - Hoa lau... có trật tự cú pháp khác với tiếng Hán. "Con người thiên về mang những hình thức và ý nghĩa từ tiếng mẹ đẻ và văn hoá của cộng đồng, dân tộc mình vào tiếng nói và văn hoá nước ngoài" (Lado, M, P, 1989, tr 32-60).
11. Như vậy, hình thành trong môi trường song ngữ Việt - Hán, Hán văn Việt Nam trong những mức độ nhất định đã có những biểu hiện "lệch chuẩn". Đó cũng là đặc điểm chung của mọi văn bản viết bằng ngôn ngữ thứ hai. Vậy cần xem mối quan hệ giữa Hán văn Việt Nam mang những đặc điểm bị giao thoa với các "chuẩn" thông thường của văn ngôn (cụ thể là văn ngôn Trung Quốc) như thế nào? Khái niệm "chuẩn" dù mặc nhiên được mọi người thừa nhận, song không phải là không có vấn đề cần bàn, "Nhiều nhà ngôn ngữ học chẳng cần thảo luận cũng dễ chấp nhận định đề mà theo đó, một trong những đặc trưng cơ bản để một cộng động trở thành dân tộc là ở chỗ phải có một ngôn ngữ chuẩn. Từ góc độ này, dường như một ngôn ngữ được coi là chuẩn khi có sự thừa nhận chung về phát âm, chính tả, ngữ pháp và cách dùng từ, sự thừa nhận ấy là bắt buộc cho mọi thứ ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết bao gồm cả ngôn ngữ văn học dân tộc thống nhất và ngôn ngữ học thông dụng hiện đại nữa... Song, dường như đó là quan niệm lý tưởng tuyệt đối. Hoàn cảnh ngôn ngữ tồn tại trong thực tế ở từng nước khác rất xa ý tưởng này" (Ferguson C, P. 1989, tr.125). Dẫn ra lời phát biểu trên đây về chuẩn ngôn ngữ, chúng tôi muốn nói rằng ngay trong phạm vi một ngôn ngữ, vấn đề chuẩn cũng không phải lúc nào cũng là tuyệt đối. Việc xây dựng ngôn ngữ chuẩn trong một cộng đồng, trong một dân tộc cũng còn vấp phải một loạt những khó khăn. Chuẩn luôn luôn được xét trong quan hệ với các phương ngữ. Ngay trong điều kiện hiện đại, cho dù ý kiến xây dựng ngôn ngữ chuẩn đã được mọi người mặc nhiên thừa nhận thế mà cũng bị coi là "quan niệm lý tưởng tuyệt đối" phương chi là vấn đề chuẩn tuyệt đối đối với việc sử dụng một ngôn ngữ vay mượn, ngôn ngữ thứ hai ở ngoài chính quốc. Được sản sinh và vận hành trong môi trường liên ngữ, khả năng giao thoa hóa của ngôn ngữ thứ hai là hiển nhiên. Nguyên nhân làm cho giao thoa chính là do tiếng mẹ đẻ và do các nhân tố văn hóa, xã hội, tâm lí khác nữa. Giao thoa của Hán văn trong không gian liên ngữ Việt - Hán đã tạo nên biến thể Việt Nam của Hán văn nói chung, tạo nên sự đa dạng trong việc sử dụng chữ của các nước đồng văn Đông Á. Bằng việc nghiên cứu Hán văn Việt Nam trong môi trường song ngữ, chúng ta sẽ từng bước hiểu rõ các bước đi và nhịp điệu dẫn đến các hiện tượng giao thoa trong Hán văn Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:
1. Alexander. B.W Vietnam an the chinese model. Harvard Univesity. Press, Cambridge. 1971.
2. Nguyễn Tài Cẩn. Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt. Nxb. khxh. H, 1979.
3. Nguyễn Tài Cẩn. Giáo trình ngữ âm lịch sử tiếng Việt. Nxb. Giáo dục, H.1996.
4. Diebold A. Incipient bilingualism. Language. 1961, 37, 1.
5. Ferguson A. Background to second language problems (trong Novoe b lingvistike. XXV. U. , Progress, 1989).
6. Fishman J. "Standard" and "dialect" in bilingual education "Modern languages Journal", 1977, 61,7.
7. Gak. V.G. Tổng luận về ngôn ngữ đối chiếu trong tập Novoe v lingvistike XXV, M, 1989).
8. Nguyễn Thạch Giang. Thư tịch cổ Trung Hoa với chữ nghĩa văn Nôm. Tạp chí Hán Nôm. 2-1993.
9. Haugen D. Bilungualism in the Americass. Alabama city, the Americandialect society, 1956.
10. Nguyễn Quang Hồng, Âm tiết và loại hình ngôn ngữ. Nxb. Khxh, H, 1994.
11. James C. Constrastive annalysis, trong tập Novoe v lingvistike. XXV. M. 1989
12. Phạm Văn Khoái. Một số vấn đề về sách giáo khoa dạy chữ Hán trong kho sách Hán Nôm trong tập: Thông báo Hán Nôm học. Nxb. KHXH., H., 1996.
13. Phạm Văn Khoái. Vài nét về văn ngôn. Tạp chí Hán Nôm Số 1-1996
14. Phạm Văn Khoái. Hai cuộc cải cách văn ngôn lớn trong lịch sử văn ngôn Trung Quốc. Tạp chí Hán Nôm 4-1996.
15. Phạm Văn Khoái. Song ngữ Hán Việt và sự phát triển về chức năng của tiếng Việt. Tạp chí khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, số 1-1996.
16. Lado R. Lingustics across cultures trong tập Novoe v lingvistike XXV. M., 1989.
17. Mel'chyk. O Tochnikh metodakh issledovanija Jazyka. MGU, 1961.
18. Những cơ sở triết học trong ngôn ngữ học. Nxb. Giáo dục; H; 1988.
19. Vũ Tuấn Sán. Chữ Hán của người Việt. Tạp chí Hán Nôm. 1-1996.
20. Đặng Đức Siêu. Ngữ văn Hán Nôm. Tập I. H, NXB Giáo Dục, 1992.
21. Sofronov M.V. Kitaiske jazyk i kitaiskoe osestvo. M, Nayka, 1979,
22. Chúc Ngưỡng Tu. Một vài vấn đề về đặc điểm của âm, văn tự tiếng Việt và tiếng Hán theo cách nhìn của người học ngoại ngữ. Ngôn ngữ, 3-1995.
23. Chu Quang Khánh. Hán ngữ dữ Trung Quốc tân văn hóa khải mông. Đài Bắc. 1995.
Phạm Văn Khoái
Theo http://www.hannom.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cánh đồng tuổi thơ  Từ nơi đê biển xa tít mù tắp, Hải Đăng được bố mẹ bồng lên một con tàu để đi vào phương Nam. Nhưng không phải con tà...