Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020

Cụm văn bia đề danh tiến sĩ ở văn miếu Bắc Ninh: Nhìn từ góc độ tư liệu

Cụm văn bia đề danh tiến sĩ ở 
văn miếu Bắc Ninh: Nhìn từ góc độ tư liệu
Trong số các Văn miếu hàng tỉnh ở nước ta còn lại đến ngày nay thì Văn miếu Bắc Ninh, ngoài chức năng thờ Khổng Tử, tứ phối, còn có một hệ thống văn bia ghi về họ tên, quê quán, chức tước của những người địa phương đỗ đại khoa qua các khoa thi do nhà nước phong kiến tổ chức. Những năm gần đây, đã có khá nhiều người đề cập đến văn bia (1), nhưng chưa ai đi sâu tìm hiểu niên đại, tác giả, nguồn tài liệu, phương pháp biên soạn, nhất là những giá trị tư liệu do nó chuyển tải. Với bài viết này, chúng tôi muốn trình bày các kết quả nghiên cứu của mình có liên quan tới những vấn đề vừa nêu, qua 12 tấm văn bia đề danh Tiến sĩ tại Văn miếu Bắc Ninh.
1. Vài nét về hình thức văn bia
Kho thư tịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN) hiện nay còn lưu trữ được hai bộ thác bản văn bia do Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp in rập trước đây tại Văn miếu Bắc Ninh, mang ký hiệu No. 4932 - 4943 và 16737 - 16749. Đây là những bia vốn dựng tại nhà bi đình của khu di tích cũ (nay là núi Phúc Sơn, xã Đại Phúc, thị xã Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Cả 12 tấm văn bia đều có khổ trung bình, dao động từ 85 đến 100 x 70 đến 75cm, dày từ 15 đến 20cm, tương đương với bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu Huế. Bia chỉ khắc chữ ở mặt trước, trang trí giống nhau: trán bia khắc nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, xung quanh có các hình mây cuốn. Dòng tiêu đề khắc nổi, nét đậm, với bốn chữ Kim bảng lưu phương     (lưu tiếng thơm trong bảng vàng). Dưới dòng tiêu đề, phía bên phải khắc chữ Thành Thái Kỷ Sửu    . Phía bên trái khắc chữ Thập nguyệt cung khắc    , cho biết thời gian khắc bia là tháng 10 năm Kỷ Sửu (1889), niên hiệu Thành Thái. Diềm bia để hẹp, khổ từ 1,5 đến 2cm, không khắc hoa văn. Lòng bia khắc toàn chữ Hán, tổng cộng khoảng 10.000 chữ, theo thể Khải thư, gồm 3 phần: Phần chữ nhỏ ở trên ghi khoa thi, triều vua. Phần chữ to, đậm ở giữa ghi đỗ thứ hạng gì và họ tên người đó. Phần chữ nhỏ ở dưới ghi quê quán, gồm tên xã và huyện cùng chức quan cao nhất. Nhìn chung, đây là những văn bia có hình thức đẹp, trang nhã.
2. Xác định niên đại
Như trên có nhắc đến, tất cả các bia đều cho biết thời gian khắc bia, tức niên đại dựng bia, là vào tháng 10 của năm Kỷ Sửu (1889), thuộc niên hiệu Thành Thái. Theo cách hiểu thông thường ngày nay, những người đỗ sau mốc điểm đó, đương nhiên không được khắc văn bia. Nhưng thực tế cho thấy có cả những người đỗ sau năm 1889, như Đàm Liêm (2), Nguyễn Đạo Quán (3), thậm chí đỗ năm 1901, như trường hợp Nguyễn Đình Tuân (4), vẫn được khắc vào bia.
Sau khi tiến hành khảo sát văn bản, chúng tôi nhận ra đây là những văn bia vốn được dựng vào các thời điểm khác nhau. Tựu trung, phân biệt thành hai đợt chính.
Đợt đầu, gồm 11 văn bia, tức từ văn bia thứ nhất đến văn bia thứ 11, mang ký hiệu từ No.4932 - 4942. Đợt này, không chỉ khắc vào tháng 10 như văn bia ghi nhận, mà vẫn tiếp tục khắc rải rác vào những năm sau đó thuộc niên hiệu Thành Thái (1889 - 1907). Dấu vết của đợt khắc còn bảo lưu qua chữ “Chiêu” , chữ này được PGS.TS Ngô Đức Thọ xác định là chữ húy đời Thành Thái(5), thấy viết bớt nét http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/mui45002.gif, xuất hiện 4 lần tại các bia số 5 (No. 4935: Nguyễn Chiêu Huấn, Bảng nhãn 1514), bia số 6 (No. 4936: Nguyễn Nhân Chiêu, Tiến sĩ (1532), bia số 7 (No.4937 Nguyễn Nhân Chiêu, Tiến sĩ 1574) và bia số 11 (No. 4942: Phạm Phúc Chiêu, Hoàng giáp 1472).
Đợt thứ hai, là tấm bia còn lại, tức văn bia thứ 12, ký hiệu No.4943. Đây là tấm bia ghi tên 33 vị đại khoa dưới triều Nguyễn (16 vị Tiến sĩ, 17 vị Phó bảng), trong đó có nhiều vị, như đã nêu tên, được khắc sau thời điểm dựng bia. Niên đại của bia này được nhắc đến ở một bia khác thuộc cùng khu di tích, đó là bia Trùng tu Bắc Ninh bi đình ký       , dựng năm Duy Tân 6 (1912), cho biết: “Ngày tế thu năm ngoái (tức năm 1911), các vị văn thân trong tỉnh bàn bạc muốn trùng tu Văn miếu và khắc tên các vị tiên sinh đỗ Phó bảng qua các khoa thi vào bia. Bèn xin với quan tỉnh đường là Mai Viên Đoàn công (Đoàn Triển) cho phép (...), rồi mời thợ khắc bia, dựng cùng với bia đình, đặt tại cửa hai miếu Hội đồng đại thánh cho tiện tế tự”(6). Như vậy, niên đại của bia thứ 12, cũng chính là niên đại của bia Trùng tu Bắc Ninh bi đình ký, dựng vào năm 1912.
3. Tác giả
Khác với bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu Hưng Yên, bia Văn miếu Bắc Ninh có đặc điểm không ghi tên người soạn. Căn cứ vào đoạn tư liệu đã dẫn, kết hợp với đoạn tư liệu sau đây, cũng của bia Trùng tu Bắc Ninh bi đình ký, cho thấy tác giả của những văn bia này là một tập thể, gồm các vị văn thân của tỉnh Bắc Ninh: “Trước đây Văn miếu Bắc Ninh đặt tại sơn phận xã Thị Kiều, do lâu ngày đổ nát, đến năm Quý Tỵ, niên hiệu Thành Thái thứ 5 (1893), quan hàng tỉnh cho di dời về núi Phúc Đức của huyện Võ Giàng. Khi ấy, quan Đốc học tỉnh nhà là tiên sinh Đỗ Trọng Vĩ (7), người xã Đại Mão bàn tính với các vị văn thân hàng tỉnh lập bia đình, đặt trước Văn miếu môn, hai bên tả hữu đều khắc đầy đủ thứ bậc, họ tên, thuỵ hiệu của các vị tiên triết đỗ đại khoa trong tỉnh Bắc Ninh” (8).
4. Nguồn tài liệu biên soạn
Như chúng ta đã biết, Đăng khoa lục (ĐKL), đặc biệt với bộ “quốc sử” Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục (LTĐKL) do nhóm soạn giả gồm các nhà khoa bảng Nguyễn Hoản, Vũ Miên, Phan Lê Phiên và Uông Sĩ Lãng biên tập, khắc in năm Cảnh Hưng 44 (1783), là một nguồn tài liệu cơ bản dùng để tra cứu tiểu sử các vị đỗ đại khoa trong cả nước. Muốn có thông tin về các nhà khoa bảng của địa phương mình một cách tốt nhất, các nhà biên soạn văn bia Tiến sĩ Bắc Ninh không thể không dựa vào đó. Bằng chứng rõ nhất xác nhận cho điều này, là ở tấm bia thứ 11 có nhắc đến chữ “Biệt lục”, tức phần “Biệt lục” của bộ sách công cụ nổi tiếng kể trên. Tiếp theo LTĐKL, các tác giả còn bổ sung thích đáng bằng nhiều nguồn tư liệu khác như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt thi tuyển, Huyện phả (của các hội Tư văn có trong tỉnh), Hương phả (của hội Tư văn hàng xã có trong tỉnh) cho đến bia đá, biển gỗ, tượng...Chính nguồn bổ sung thứ hai này sẽ tạo ra những thông tin mới sẽ được chúng tôi trình bày ở phần cuối.
5. Phương pháp biên soạn
Cũng như các sách ĐKL, bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu Bắc Ninh được biên soạn theo phương pháp lịch đại. Các tác giả dường như chỉ việc liệt kê số người của địa phương mình đỗ trong các khoa thi theo trật tự thời gian, với các yếu tố: Khoa thi, thứ hạng, tên người, quê quán và chức quan cao nhất do người đó đảm nhiệm. Nhưng có một số biệt lệ.
+ Có mục qui đổi địa danh tên huyện, tính vào thời điểm lập bia. Mục này đặt ở bia thứ nhất, ghi sau dòng tiêu đề: Huyện Gia Định, nay đổi là huyện Gia Bình. Huyện Tế Giang, nay đổi là huyện Văn Giang. Huyện Thiện Tài, này đổi là huyện Lương Tài..., gồm 8 huyện. Các huyện còn lại, do không có sự thay đổi nên vẫn giữ nguyên.
+ Bia không ghi tuổi đỗ cũng như mối quan hệ huyết thống đăng khoa (trừ 2 trường hợp Đào Toàn Mân và Vũ Đăng Long ghi ở bia thứ 11).
+ Mở rộng người của tỉnh đỗ trong các khoa “Hoành từ” và “Thần đồng” cùng người tỉnh Bắc Ninh nhưng có hộ tịch ở tỉnh khác, cũng được khắc vào bia (Quan điểm này ghi ở mục “Cẩn án” của bia thứ 11). Riêng khoa “Thần đồng”, hiện chưa có tài liệu nào đề cập đến. Không rõ khoa thi này tổ chức như thế nào?
Theo tinh thần đó, số người đỗ đại khoa của tỉnh Bắc Ninh đăng ký ở từng bia như sau.
Bia thứ nhất, ghi từ Lê Văn Thịnh, đỗ “Trạng nguyên” khoa Minh Kinh bác học năm ất Mão, niên hiệu Thái Ninh 4 (1075) đến Đàm Văn Lễ, đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận 10 (1469), gồm 45 vị, đỗ trong 21 khoa.
Bia thứ hai, ghi từ Vũ Kiệt, đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức 3 (1472), đến Nguyễn Thận Lễ, đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức 18 (1478), gồm 66 vị, đỗ trong 6 khoa.
Bia thứ ba, ghi từ Lê Tuấn Mậu, đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức 21 (1490), đến Nguyễn Hiếu Tư, đỗ Tiến sĩ khoa ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh 1 (1505), gồm 79 vị, đỗ trong 6 khoa.
Bia thứ tư, ghi từ Nguyễn Giản Thanh, đỗ Trạng Nguyên khoa Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh 4 (1508), đến Phạm Vĩnh Truyền, đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất, niên hiệu Thống Nguyên 5 (1526), gồm 65 vị, đỗ trong 7 khoa.
Bia thứ năm, ghi từ Đỗ Tông, đỗ Trạng nguyên khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Đức 3 (1529) đến Trần Vi Nhân, đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Lịch 3 (1550), gồm 88 vị, đỗ trong 8 khoa.
Bia thứ sáu, ghi từ Nguyễn Lượng Thái, đỗ Trạng nguyên khoa Quý Sửu, niên hiệu Cảnh Lịch 6 (1533), đến Phạm Tòng Mệnh, đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Ninh 2 (1592), gồm 81 vị, đỗ trong 15 khoa.
Bia thứ bảy, ghi từ Nguyễn Thực, đỗ Hoàng giáp khoa ất Mùi, niên hiệu Quang Hưng 18 (1595), đến Nguyễn Văn Bảng, đỗ Tiến sĩ khoa Quý Mùi, niên hiệu Phúc Thái 1 (1643), gồm 40 vị, đỗ trong 16 khoa.
Bia thứ tám, ghi từ Nguyễn Đăng Cảo, đỗ Thám hoa khoa Bính Tuất, niên hiệu Phúc Thái 4 (1646), đến Nguyễn Duy Viên, đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Tuất, niên hiệu Chính Hòa 15 (1694), gồm 50 vị, đỗ trong 15 khoa.
Bia thứ chín, ghi từ Nguyễn Quyền, đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa 18 (1697), đến Đặng Công Diễn, đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi, niên hiệu Bảo Thái 8 (1727), gồm 42 vị, đỗ trong 11 khoa.
Bia thứ mười, ghi từ Trần Danh Ninh, đỗ Hoàng giáp khoa Tân Hợi, niên hiệu Vĩnh Khánh 3 (1731), đến Nguyễn Đăng Vận, đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi, niên hiệu Chiêu Thống 1 (1787), gồm 42 vị, đỗ trong 20 khoa.
Bia thứ 11, ghi từ Trần Đăng Tập, đỗ Thái học sinh khoa Bính Dần, niên hiệu Thiệu Long nhà Trần (1266), đến Nguyễn Kim Hoán, đỗ Chính bảng (Tiến sĩ), khoa Nhâm Dần, niên hiệu Thiệu Trị 2 (1842), gồm 46 vị (trong đó có 30 vị ghi đủ họ tên, 16 vị hoặc khuyết họ, hoặc khuyết tên, hoặc khuyết cả họ và tên) đỗ trong 46 khoa (trong đó chỉ xác định được 7 khoa, còn 39 khoa bị khuyết).
Bia thứ mười hai, ghi từ Chu Văn Nghị , đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất, niên hiệu Minh Mệnh 7 (1826), đến Nguyễn Duy Thiện, đỗ Phó bảng khoa Tân Sửu, niên hiệu Thành Thái 13 (1901), gồm 33 vị, đỗ trong 19 khoa.
Tổng cộng là 677 vị, người tỉnh Bắc Ninh (9) đỗ đạt qua 156 khoa thi, kể từ năm 1075 đến 1901, trong đó xác định rõ họ tên của 661 vị, còn 17 vị để trống.
6. Giá trị tư liệu
Dù tạo dựng vào cuối thế kỷ 19, cho đến những năm đầu của thế kỷ 20, muộn hơn nhiều so với các sách ĐKL biên soạn trước đó, nhưng bù lại, đây là những văn bia được biên soạn bằng nguồn tư liệu phong phú, đa dạng, do các văn thân là người địa phương thực hiện, bởi vậy nó chứa đựng nguồn thông tin có giá trị về nhiều mặt. Nếu so sánh những thông tin này với thông tin có trong LTĐKL, chẳng hạn với bản mang ký hiệu VHv. 2140/1-3 của VNCHN, thì thấy có những đóng góp sau đây.
Bổ sung tên xã cho 5 nhà khoa bảng:
TT
Khoa thi
LTĐKL
Bia đề danh tiến sĩ Văn Miếu Bắc Ninh
1
Cảnh Thống 2 (1499)
Nguyễn Bá Tuấn: người huyện Vũ Ninh (VHv. 2140/1, tờ 47b)
Xã Văn Phong huyện Vũ Ninh (No.4934)
2
Cảnh Thống 2 (1499)
Nguyễn Hùng Lãm: người huyện Quế Dương (VHv.2140/1, tờ 49a)
Xã Đô Đàn huyện Quế Dương (No.4934)
3
Cảnh Thống 2 (1499)
Lê Đình Tấn: người huyện Vũ Ninh (VHv. 2140/1, tờ 50a)
Xã Đông Viên huyện Vũ Ninh (No. 4934)
4
Đoan Khánh 4 (1508)
Nguyễn Côn: Người huyện Tiên Du (VHv. 2140/1, tờ 7a)
Xã Nội Duệ huyện Tiên Du (No.4935)
5
Sùng Khang 3 (1568)
Nguyễn Hy Lương: người huyện Lương Tài (VHv. 2140/1, tờ 48b)
Xã Uyên Lãng huyện Lương Tài (No.4937)
Đính chính địa danh tên huyện cho 4 nhà khoa bảng:
TT
Khoa thi
LTĐKL
Bia đề danh tiến sĩ văn miếu Hà Nội
Bia đề danh tiến sĩ Văn Miếu Bắc Ninh
1
Thánh Nguyên 1 (1400)
Vũ Mộng Nguyên: người xã Viên Khê huyện Đông Sơn (VHv. 2140/1, tờ 8a
(chưa có bia)
Xã Đông Sơn huyện Tiên Du. (No.4932)
2
Hồng Đức 21 (1490)
Đỗ Công Cẩn: người xã Tiên Phong huyện Tiên Phong (VHv.2140/1, tờ 39a)
(chưa có bia)
Xã Tiên Trà huyện Yên Phong (No.4934)
3
Diên Thành 3 (1580)
Nguyễn An: người xã Đông Xuyên, huyện Tiên Phong (VHv. 2140/1, tờ 56b)
(chưa có bia)
Xã Đông Xuyên huyện Yên Phong. (No.4937)
4
Bảo Thái 2 (1721)
Nguyễn Đăng Giai: người xã Hương Triện, huyện Gia Lâm (VHv. 2140/3, tờ 48a)
Xã Hương Triện, huyện Gia Định (No.1379)
Xã Hương Triện huyện Gia Định. (No.4940)
Cung cấp thông tin về sự thay đổi địa danh tên xã cho 14 nhà khoa bảng (tức ghi địa danh vào thời điểm lập bia)
TT
Khoa thi
LTĐKL
Bia đề danh tiến sĩ văn miếu Hà Nội
Bia đề danh tiến sĩ Văn Miếu Bắc Ninh
1
Quang Thuận 7 (1466)
Ngô Lôi: người xã Phù Khê (VHv.2140/1, tờ 15a)
Xã Phù Khê (No.1316)
Xã Phúc Khê (No.4932)
2
Hồng Đức 9 (1478)
Nghiêm Phụ: người xã Lan Độ (VHv.2140/1, tờ 24a)
Xã Lan Độ (No.1313)
Xã Quan Độ (No.4933)
3
Hồng Đức 9 (1478)
Ngô Trinh Chấp: người xã Xuân Lôi (VHv.2140/1, tờ 25a)
Xã Xuân Lôi (No.1313)
Xã Thụy Lôi (No.4933)
4
Hồng Đức 15 (1484)
Tạ Tài: người xã Tùng Hộ (VHv.2140/1, tờ 30a)
(chưa có bia)
Xã Lâm Hộ (No.4933)
5
Hồng Đức 24 (1493)
Đỗ Tuy: người xã Chu Cầu (VHv.2140/1, tờ 43b)
(chưa có bia)
Xã Ngọ Cầu (No.4934)
6
Thống Nguyên 5 (1526)
Nguyễn Văn Hiến: người Xã Cẩm Xá (VHv.2140/1, tờ 20a)
(chưa có bia)
Xã Đặng Xá (No.4935)
7
Thống Nguyên 5 (1526)
Nguyễn Xưởng: người xã Ngô Đồng (VHv.2140/2, tờ 21a)
(chưa có bia)
Xã Ngô Cương
8
Minh Đức 3 (1529)
Nguyễn Doãn Địch: người xã Hoàng Phỉ (VHv.2140/2, tờ 22b)
Xã Hoàng Vân (No.1305)
Xã Hoàng Vân (No.4936)
9
Đại Chính 3 (1532)
Nguyễn Địch Khang: người xã Vĩnh Thế (VHv.2140/2, tờ 24a)
(chưa có bia)
Xã Tư Thế (No.4936)
10
Đại Chính 6 (1535)
Nguyễn Thừa Hưu: người xã Vĩnh Thế (VHv.2140/2, tờ 26a)
(chưa có bia)
Xã Tư Thế (No.4936)
11
Quang Bảo 2 (1556)
Trần Đạo Tiềm: người xã Hương ổ (VHv. 2140/2, tờ 42a)
(chưa có bia)
Xã Xuân ổ (No.4937)
12
Diên Thành 3 (1580)
Nguyễn Đán: người xã Khánh Duệ (VHv.2140/2, tờ 55b)
(chưa có bia)
Xã Nội Duệ (No.4937)
13
Diên Thành 6 (1583)
Lê Minh: người xã Thanh Liễu (VHv.2140/2, tờ 58a)
(chưa có bia)
Xã Thanh Da (No.4937)
14
Vĩnh Trị 1 (1676)
Chu Danh Tể: người xã Thụy Ninh (VHv.2140/3, tờ 27a)
Xã Thụy Ninh (No.1327)
Xã Mật Ninh (No.4939)

Cung cấp thông tin về 7 nhà khoa bảng thời Trần. 7 vị này đã được TS.Nguyễn Thúy Nga công bố trong cuốn Nghiên cứu văn bản học Đăng khoa lục Việt Nam (10), đều khắc ở bia “Phụ ký” (No.4942).
TT
Họ tên
Quê quán
Năm đỗ
1
Trần Đăng Tập
Xã Bình Lâm huyện Yên Phong
Thái học sinh năm Bính Dần niên hiệu Thiệu Long (1266)
2
Đào Toàn Mân
Xã Song Khê huyện Yên Dũng
Thái học sinh (chưa rõ năm)
3
Đặng Xuân
Xã Sơn Đông huyện Quế Dương
Trạng nguyên (chưa rõ năm)
4
Nguyễn Công Cao
Xã Đan Nhiễm huyện Tế Giang
Thái học sinh (chưa rõ năm)
5
Đỗ Mỹ
Xã Đan Nhiễm huyện Tế Giang
Thái học sinh (chưa rõ năm)
6
Nguyễn Kiều
Xã Đan Nhiễm huyện Tế Giang
Thái học sinh (chưa rõ năm)
7
Hoàng Công Trù
Xã Đan Nhiễm huyện Tế Giang
Thái học sinh (chưa rõ năm)
CHÚ THÍCH:
(1) Xin nêu lên một số bài tiêu biểu: Hệ thống văn bia Văn miếu Bắc Ninh của Nguyễn Cầm Phong, Thông báo Hán Nôm học, Nxb. KHXH, H.1995, tr.276-283; Về tấm bia phụ ký trong Văn miếu Bắc Ninh của Nguyễn Quang Khải, Tạp chí Hán Nôm số 2. 1999, tr.76-80; Giá trị văn hóa của văn bia trong Văn miếu Bắc Ninh của Nguyễn Quang Khải; Về tấm bia “Kim bảng lưu phương” thứ 12 của Văn miếu Bắc Ninh của Nguyễn Hữu Mùi. Hai bài sau cùng này hiện được in trong Văn miếu Bắc Ninh (kỷ yếu hội thảo khoa học) do UBND thị xã Bắc Ninh, Sở Văn hóa-Thông tin Bắc Ninh xuất bản năm 1999.
(2) Đàm Liên (1860-?): người xã Hương Mặc, huyện Đông Ngàn. Nay là thôn Hương Mạc, xã Hương Mạc, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. 36 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa ất Mùi niên hiệu Thành Thái 7 (1895).
(3) Nguyễn Đạo Quán (1867-?): người xã Xuân Cầu, huyện Mỹ Văn. Nay là thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. 32 tuổi đỗ Phó bảng khoa Mậu Tuất niên hiệu Thành Thái 10 (1898).
(4) Nguyễn Đình Tuân (1867-?): người xã Trâu Lỗ, huyện Hiệp Hòa. Nay là thôn Trâu Lỗ, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. 35 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu niên hiệu Thành Thái 13 (1901). Làm quan Đốc học Hà Đông.
(5) Ngô Đức Thọ: Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại Nxb. Văn hóa, H.1997, tr. 166-167.
(6) Nguyên văn: “Khứ niên thu tế nhật, tỉnh thân nghị dục trùng tu tính khắc lịch khoa Phó bảng liệt tiên sinh vu bi, thỉnh vu tỉnh đường chế Mai Viên Đoàn công doãn khả (...), tức mệnh cưu công thành chi, hợp thiết bi đình vu đại thánh Hội đồng nhị miếu chi môn, dĩ tiện tế tự”.
(7) Đỗ Trọng Vĩ: Theo Quốc triều Hương khoa lục, ông là người xã Đại Mão, huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh, đỗ Cử nhân khoa Giáp Tý, niên hiệu Tự Đức 17 (1864). Làm quan Đốc học tỉnh Bắc Ninh (A.36/2, tờ 75b). Theo Đỗ môn thế phả, ông sinh năm Kỷ Sửu (1829) thời Minh Mệnh, mất năm Kỷ Hợi (1899) thời Thành Thái, tự là Tham Thiền, hiệu Khôi Hữu, thụy Hiếu Mục. Sinh thời ông làm quan thanh liêm, cần kiệm, từng quyên góp tiền của sửa chữa các di tích, trong đó có Văn miếu Bắc Ninh (Cuốn phả này do ông Đỗ Trọng Thụy tặng chúng tôi).
(8) Nguyên văn: “Bản tỉnh Văn miếu tiền tại Thị Kiều sơn phận, nhật cửu đồi tỵ, Thành Thái ngũ niên Quý Tỵ, tỉnh hiến di kiến vu Võ Giàng chi Phúc Đức sơn. Thời tỉnh học Đại Mão Đỗ tiên sinh Trọng Vĩ mưu dữ tỉnh thân lập bi đình vu Văn miếu môn tiền, tả hữu các nhất thụ bi khắc thạch bị đề bản tỉnh đại khoa liệt tiên triết, khoa thứ, quan tước, tính danh, thụy hiệu”.
(9) Tỉnh Bắc Ninh vào thời điểm lập bia, gồm 26 phủ huyện. Nay bao hàm các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, một phần đất tỉnh Hưng Yên, một phần đất tỉnh Vĩnh Phúc và các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn của Hà Nội.
(10) Nguyễn Thúy Nga: Nghiên cứu văn bản học Đăng khoa lục Việt Nam. VNCHN xuất bản. H. 1999, tr.100-101.
Nguyễn Hữu Mùi
Theo http://www.hannom.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 2222222 Khi tôi không chờ đợi nữa thì chuyện lại xảy ra. Tôi nộp đơn gia nhập Không Quân từ ba tháng trước, nay Không Quân gọi nhập ngũ. Tô...