Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

Nguyễn Văn Sâm và dòng chảy văn chương Nam kỳ lục tỉnh

Nguyễn Văn Sâm và dòng chảy 
văn chương Nam kỳ lục tỉnh
1. Mở đầu        
Văn học Nam Bộ hay còn gọi là Văn học Nam kỳ lục tỉnh (Địa danh Nam kỳ lục tỉnh được vua Minh Mạng đặt tên từ năm 1834, sau đó chính quyền Pháp phân chia thành 21 tỉnh là vùng đất mới trải dài từ miền nam Phan Thiết đến mũi Cà Mau, được mang nhiều sắc thái đặc thù mà từ văn hóa đến tâm tình lẫn tâm tính có nhiều khác biệt với tổ tiên của họ ở Đàng Ngoài), suốt một thời gian dài vẫn là mảnh đất màu mỡ mang nhiều bản sắc riêng của một vùng trời vùng đất chưa được quan tâm khai phá hết của nền văn học nước nhà do nhiều nguyên nhân, khách quan lẫn chủ quan. Trong các nguyên nhân đó, có những định kiến hẹp hòi cho là văn chương vùng đất mới không có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao, chỉ nhằm phục vụ tầng lớp bình dân; hay sau này do nguyên nhận chính trị, xã hội trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt chi phối. Thậm chí, còn có quan niệm lệch lạc rằng Nam bộ không có văn học và tiếng nói của người miền Nam chỉ là thổ ngữ v.v… Dẫu vậy, trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, mảnh đất phương Nam đã trở thành một vùng văn hóa có nhiều thành tựu rực rỡ và đặc sắc. Điều ấy có sự góp mặt đậm nét của văn học, báo chí, và ngôn ngữ ở Nam bộ. Dòng chảy này trong thực tế vẫn chưa bao giờ khô cạn hay bị lãng quên. Rải rác, giai đoạn nào cũng có các thế hệ những nhà nghiên cứu tâm huyết nâng niu trân trọng bảo tồn và khai phá. Nhiều công trình giá trị đã lần lượt ra đời, góp phần khẳng định vị trí đặc biệt của bộ phận văn học này. Gần đây nhất, trường ĐH Thủ Dầu Một, trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG-HCM và Viện Văn học đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia "Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam bộ" nhằm công bố nhiều nghiên cứu mới và thảo luận về vấn đề ấy. Theo PGS.TS. Lê Giang-Trưởng Khoa NN&VH Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG-HCM thì đây là hội thảo lớn nhất trong lịch sử về văn học và ngôn ngữ Nam Bộ, với 123 tham luận của các diễn giả từ Thái Nguyên, Kiên Giang, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh v.v... Kỷ yếu của hội thảo cũng là kỷ yếu về ngữ văn Nam Bộ đồ sộ nhất từ trước đến nay, gồm 2 tập với hơn 1300 trang khổ lớn.
Như vậy, rõ ràng đây là một bộ phận văn học giá trị hình thành từ rất sớm và có nhiều thành tựu quan trọng cần được tìm hiểu nghiên cứu khách quan đầy đủ hơn mà nhiều năm nay tuy vấn đề có được đặt ra song vẫn chưa giải quyết thỏa đáng.
Điều này có lẽ cũng là trăn trở day dứt của không ít nhà nghiên cứu phê bình, nhà văn nhà thơ cả nước nói chung và Nam Bộ nói riêng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn góp thêm cái nhìn tổng quan giới thiệu sáng tác đa dạng của một trong những ngòi bút có uy tín và tâm huyết về văn chương Nam Kỳ Lục Tỉnh, một đời dạy học và viết văn, dẫu xa quê nhưng lúc nào cũng đau đáu gắn liền với mảnh đất Nam Bộ hiền hòà máu thịt qua từng trang viết ở nhiều lĩnh vực: biên khảo, phê bình, dịch thuật và sáng tác: Nhà văn, nhà giáo Nguyễn Văn Sâm, người nổi tiếng về nhiều công trình nghiên cứu văn học nhưng cũng là một nhà sáng tác văn học với giọng văn rất Nam Bộ trong kiểu riêng của ông. Đặc biệt là ở công sưu tập, phiên âm, chú giải gìn giữ mảng truyện thơ Nôm mà ngày nay đang dần mai một trong sự lãng quên của lịch sử lẫn học thuật.
2. Nguyễn Văn Sâm và những công trình biên khảo về văn chương Nam kỳ lục tỉnh
Tác giả Nguyễn Văn Sâm sinh ngày 21 tháng 3 năm 1940 tại Sài Gòn. Trước 1975 ông từng là giáo sư dạy môn Việt văn ở nhiều trường: Nguyễn Ðình Chiểu, Mỹ Tho, Pétrus Ký, Ðại Học Văn Khoa (Sài Gòn) và một số trường đại học khác như Ðại Học Vạn Hạnh, Cao Ðài, Hoà Hảo, Cần Thơ. Ông sang Mỹ từ năm 1979, tiếp tục sống bằng nghề dạy học và viết cho một số tạp chí Văn, Văn Học và các tạp chí Việt ngữ khác của người Việt ở Mỹ. Ông còn là thành viên Ban Biên Tập Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn. Trưởng ban Văn chương, Viện Việt-Học tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, với mong muốn gìn giữ di sản văn hóa và ngôn ngữ dân tộc trong hoàn cảnh phải ly hương sinh sống nhiều nơi ở hải ngoại của đồng bào Việt Nam, ông đã cùng một số nhà nghiên cứu phê bình văn học, giáo sư Việt văn khác chủ trương trang Lục tỉnh Nam kỳ để chia sẻ cho người yêu mến tiếng Việt và văn chương Nam Kỳ Lục Tỉnh. Hiện nay chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy nhiều tư liệu văn chương từ website này.
Những ngày tháng trên quê hương thứ hai ấy, ngoài biên khảo, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sâm còn viết khá nhiều truyện ngắn mà theo tác giả “vì những thôi thúc phải nói lên suy nghĩ của mình về quê hương và thân phận người Việt, ngay trên quê hương, hay lạc loài tha hương...”.
Trước 1975, ông đã khởi đầu sự nghiệp của mình với những công trình khảo cứu công phu có giá trị về văn học miền Nam. Công trình đầu tiên là Văn Chương Tranh Ðấu Miền Nam (Thẩm Thệ Hà viết lời tựa, Nxb Kỷ Nguyên, 1969, 466 trang). Tập sách khá dày dặn, đi vào khảo sát 21 tác giả miền Nam và nhóm “Chân Trời  Mới” gồm những nhận định sắc sảo về các cây bút:
1. Triều Sơn, nhà luận lý học hướng về quần chúng
2. Nguyễn Bảo Hóa, sử gia với lập trường người dân bị áp bức
3. Phạm Thu Cảnh, nhà văn kháng chiến truyền thống Tự Lực Văn Đoàn
4. Võ Hòa Khanh và sự tranh đấu trong lao tù
5. Sơn Khanh và vấn đề giai cấp
6. Liên Chớp và động lực thúc đẩy cách mạng
7. Nguyễn Xuân Mỹ và con đường nhập thế cứu nước
8. Hoàng Tấn và niềm khổ đau tranh đấu dở dang
9. Hoàng Mai, nhà thơ của sự xung đột giữa lý tưởng cứu nước và ý thức cá nhân
10. Việt Tha và triết lý của đời tù nhân
11. Thẩm Thệ Hà và diễn trình ý thức cách mạng
12. Bùi Nam Tử và sự trưởng thành tư tưởng của người phụ nữ Việt Nam
13. Vũ Xuân Tự và cái hại của tài xỉu
14. Dương Tử Giang và sự cởi lớp của người cách mạng
15. Nghiêm Lang, nhà thơ trào phúng thời sự
16. Vũ Anh Khanh và hai thế giới mâu thuẫn
17. Lý Văn Sâm và con người cố thoát ra khỏi sự vây hãm của thành thị u buồn
18. Quốc Ấn và những người đi tìm sự bình đẳng
19. Hợp Phố, tác giả của tình người và tình dân tộc
20. Phi Vân và sự trở mình của người dân quê
21. Hồ Hữu Tường và sứ mệnh giai đoạn của phụ nữ ý thức
22. Nhóm Chân Trời Mới với văn chương tả chân xã hội.
Hai năm sau, ông xuất bản Văn Học Nam Hà: Văn học xứ Đàng Trong (Nxb Lửa Thiêng, 1971, tái bản 1973, 442 trang). Sau phần Tổng quan văn học Nam Hà, công trình biên khảo đi vào 11 nhân vật lịch sử và điểm qua những sáng tác bất hủ của họ. Đó là: Đào Duy Từ - người quyết tâm phục vụ chế độ ở Nam Hà với “Ngọa Long cương ngâm”; Nguyễn Hữu Hào với Song Tinh Bất dạ, Nguyễn Cư Trinh với Sãi Vãi, Hoàng Quang, Mạc Thiên Tích, Ngọc Hân Công Chúa, Võ Trường Toản, Ngô Thế Lân, Trịnh Hoài Đức, Đặng Đức Siêu cũng được giới thiệu tỉ mỉ lai lịch, công đức, văn thơ, nhân vật cuối cùng là “Nguyễn Văn Thành với sự phối hợp kỳ ảo giữa lý trí và tình cảm” trong Văn tế nghĩa sĩ trận vong. Tuy chỉ là một công trình biên khảo chuyên biệt về một vùng, nhưng có vị trí quan trọng. “Văn học Nam Hà đặc biệt về phương diện tư tưởng cũng như hình thức.Tư tưởng gắn với thời thế và tạo một ý thức mới cho người Đàng Trong” [1]
Công trình thứ ba là luận án cao học Văn chương Việt Nam của ông do Giáo Sư Thanh Lãng trực tiếp hướng dẫn:  Văn Chương Nam Bộ và Cuộc Kháng Pháp (Nxb Lửa Thiêng, 1972, 295 trang. Xuân Thu tái bản 1988) được đánh giá là một công trình nghiên cứu dồi dào văn bản, tài liệu và tham khảo. Thời điểm 45-50 là một mốc lịch sử đặc biệt của cuộc kháng chiến, bức tranh “máu lửa khắp nơi, người chết, nhà cháy, lòng người như một, cảm thấy yêu mến quê hương dân tộc hơn” đã tác động to lớn đến văn học kháng chiến và yêu nước ở miền Nam. “Văn chương Nam Bộ vì vậy được những người cầm bút coi như thể hiện sự đóng góp phần mình vào công cuộc chung của quốc gia”. Tác giả đã chọn lọc được những nét đặc trưng nhất của từng ngòi bút trong những năm nằm trong vòng kềm tỏa của thực dân. Đó là tiếng nói phẫn uất gào thét của lớp người bị áp bức, đó là tiếng thúc giục lên đường xóa tan những bất công (…) Văn chương bước chân ra ngoài đời để làm sứ mạng lịch sử… Tuy chỉ mới là những nét chấm phá ban đầu, song theo đánh giá của nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh đó là những đóng góp độc đáo. “Ông đã đi xa hơn hai cuốn Văn học Miền Nam của Phạm Việt Tuyền và Đông Hồ và đã đưa văn học sử mảng văn học yêu nước và kháng chiến của miền Nam phần nào “chính danh”lại cho những văn nghệ sĩ miền Nam.” [2]. Còn Mã Giang Lân trong Giáo trình Văn học Việt Nam 1945-1954 đã đánh giá là “quyển sách có nhiều tư liệu quý, hiếm và có những nhận định thỏa đáng” [3] (trang 142).  Phần cuối sách, Nguyễn Văn Sâm cũng không quên thận trọng nhấn mạnh chỉ tóm tắt rằng “Văn học miền Nam giai đoạn 45-50 rất phồn thịnh, và thấy rằng mình có bổn phận giới thiệu sự phồn thịnh đó, còn đặt giá trị của nền văn chương này trong vị trí văn học Việt Nam thì xin nhường quyền lại cho sự lựa lọc của thời gian.”
Ông cũng bộc bạch nỗi niềm: “Cho đến ngày nay, có thể có người đã mất đi lòng tin tưởng nơi tiền đồ của dân tộc, nhưng chắc chắn ai cũng nhận ra những cớ chính để những người của giai đoạn 1945-1950 tin tưởng ở sự thành công của dân tộc Việt Nam là văn chương đã hỗ trợ tích cực cho công cuộc giải phóng và hỗ trợ với một nghệ thuật tinh tế.” [4]
Sau 1975, tuy hoàn cảnh thay đổi, sống ở hải ngoại nhưng ông vẫn miệt mài với mảng biên khảo văn chương này với 46 bài viết thú vị giữa những chuyến đi-về giữa hai quê hương thứ nhất ngày xưa và quê hương hiện tại thứ hai, xoay quanh những nhà văn nhà thơ ít được biết đến nhưng đã sống và viết trên mảnh đất Nam Kỳ Lục Tỉnh với tất cả hơi thở của nó. Ông quan tâm tới thể loại tuồng xưa từng là những bài học đạo lý ở đời nơi vùng đất mới với một loạt bài giới thiệu “Hồi 1 tuồng hát bội Nôm đa hồi Tây Du Ký”, “Giới thiệu Thơ Hậu Trần Minh Khố Chuối”, “Chàng Nhái - Chằng Tinh: Tản mạn về Truyện thơ ở đồng bằng sông Cửu Long”. Ông cũng kêu gọi “Giữ gìn quá khứ của cải lương” như hồi ức đẹp của một thiếu thời trong sáng. Ta thử nghe tác giả tái hiện cảnh tượng hồn nhiên hào hứng:
Lúc đó ngày nào như ngày nấy, tôi và những đứa bạn cùng trang lứa sống trong khu gọi là Chợ Cháy của cái chợ lớn hơn là Cầu Ông Lãnh, mới qua tuổi mười, chui rúc trong những gian sạp nho nhỏ, tất cả sinh hoạt của đời sống đều diễn ra trong đó. Chừng khoảng chín giờ sáng thì đã bắt đầu chờ đợi chiếc xe Renault nhỏ và mấy chiếc xe ngựa của những đoàn cải lương chạy qua mà hai bên hông xe nào cũng có dựng hai tấm ban-nô lớn vẽ hình quảng cáo tuồng cải lương, bu theo để xin những tấm giấy “pồ-gam” (programe) nói về tuồng hát đêm hôm ấy. Trống trong xe đánh thùng thùng điếc tai nhức óc chen với tiếng phèng la, chập chõa chát chúa không làm chúng tôi ngại ngùng, trái lại càng bị kích thích hơn. Chạy, chạy. Bu bu. Níu níu. Kêu kêu. Cả chợ ai cũng ngó theo xe quảng cáo và lũ con nít ở trần chúng tôi. Nhiều bà nhiều cô cố bước mau tới kế bên để kịp nhận một tờ. Giấy in màu xanh đỏ có hình đào kép bận quần áo đẹp đẽ sang trọng, có sơ lược tuồng tích và có những câu rất kêu quảng bá sự hay ho của tuồng sắp được diễn đêm nay.
(Giữ gìn quá khứ của cải lương)
Hình như những ai từng sống ở Sài Gòn và Nam Bộ những năm 60-70 ấy không xa lạ gì cảnh này. Một ký ức cứ đau nhói kéo ta về quá khứ, “kéo người đọc về một thời mà cải lương là sinh hoạt nghệ thuật đáng trân trọng của Miền Nam nay đã bị giết đi, giết tức tưởi vì nhiều nguyên nhân…”
Nguyễn Văn Sâm còn chọn dành nhiều trang viết của ông cho những tác giả mà ông quý trọng như “Bài học từ người thi sĩ cô đơn Nguyễn Chí Thiện”, “Vài cảm nghĩ về Đông Hồ”, “Cụ Phan Khắc Sửu - một nhân vật không thành công nhưng thành nhân”, “Nguyễn Ngọc Bích - con người đa tài tôi khâm phục”, “Nguyễn Xuân Hoàng - nhà văn lững thững trong đời”, “Tản mạn về Kiên Giang - nhà thơ Minh Hương Việt hóa”, về Phi Vân, Thanh Nam…, hầu hết vì cảm tài mến nghĩa mà trân trọng, mà luyến thương với giọng văn nồng ấm gợi nhiều cảm xúc cho người đọc.
“U Tình lục, thí nghiệm về đất và trời phương Nam”, “Thơ bình dân của Trương Ngáo hay Người đi đòi nợ Phật” cũng là những bài viết có giá trị.
Ngoài tuồng, cải lương, truyện thơ bình dân, truyện ngắn, giai đoạn sau này, thơ Nôm là một thể loại được ông quan tâm đặc biệt. Ông cho rằng chữ Nôm và những tác phẩm chữ Nôm là những gia tài cổ có một không hai của văn học Việt Nam, ra đời trong một bối cảnh đặc biệt của đất nước và có giá trị giáo dục rất cao song đang dần bị mai một. Đó là các tuồng hát bội, truyện thơ viết bằng chữ Nôm chưa từng được phiên âm mà nguyên bản hiện còn đang nằm trong các thư viện lớn ở Âu Châu.
Tam Quốc Diễn Nghĩa, Lôi Phong Tháp, Sơn Hậu Diễn Truyện,Trương Ngáo là những truyện Nôm đã được tác giả sưu tầm, phiên âm và được Viện Việt học in ấn xuất bản tại Hoa Kỳ. Về tác phẩm chữ Nôm tác giả Nguyễn Văn Sâm đã sưu tầm và phiên âm có thể kể thêm:
1/ Bài ca răn cờ bạc - Phiên âm và giới thiệu theo bản Nôm Phước An (in năm 1921)
2/ Khuyến nam độc thư (Khuyên con trai đọc sách) sưu tập, phiên âm, sơ chú và giới thiệu.
3/ Kim Gia Định Phong cảnh vịnh - Hai Đức tác giả bản văn lục bát xưa nhất (1882) nói về Sàigòn sau khi người Pháp đến. Bản văn nầy do Trương Vĩnh Ký phiên âm từ chữ Nôm ra chữ quốc ngữ. Nay được Nguyễn Văn Sâm giới thiệu và chú thích
4/ Kinh Năm ông: Bổn kinh chữ Nôm chép tay còn sót lại cổ động việc thờ Năm Ông, Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương (sưu tầm ở An Giang năm 2006)
5/ Mỹ nữ cống Hồ; bản Nôm và bản Quốc ngữ do Nguyễn Văn Sâm phiên âm theo bản Nôm Phúc An Đường khắc năm 1921.
Gần 20 năm nay, tác giả đã lặng lẽ đi tìm ở các thư viện trên các nước Mỹ, Pháp, kết hợp với những chuyến về thăm quê, lùng tìm… Có khi ngẫu nhiên nhặt được trên bệ thờ một gia đình xứ Huế, có khi trên gác bếp một căn nhà nông thôn Nam Bộ do con cháu biết là của ông cha để lại nhưng không hiểu nội dung viết gì đành giữ đó như một di vật của tổ tiên… Có khi được tặng không, có khi phải mua cả mấy cây vàng… Công cuộc tìm kiếm tôn tạo giữ gìn vốn cổ ấy cho đến nay nhà văn của chúng ta vẫn chưa dừng bước.
Đi sâu vào văn chương Nam Kỳ lục tỉnh, người đọc còn thú vị với những phát hiện mới mẻ của Nguyễn Văn Sâm về Trương Minh Ký. Lâu nay, tên tuổi Trương Minh Ký dường như bị nhầm lẫn với tên tuổi quá lớn của thầy ông: Trương Vĩnh Ký. Tìm được ở Thư viện Trung ương nước Pháp 5 tập sách của Trương Minh Ký, Nguyễn Văn Sâm đã thú vị với tập “Truyện Phan Sa diễn ra quốc ngữ” gồm 17 truyện ngụ ngôn dịch theo văn vần và 150 truyện dịch theo văn xuôi với lối văn nôm na thông dụng dễ hiểu. “Nhìn tổng quát có thể thấy Trương Minh Ký đã thêm thắt chi tiết, thay vài điều khó hiểu của nguyên thể bằng những điều dễ hiểu đối với người Việt. Gặp trường hợp ông còn dùng ca dao tục ngữ cho thấm thía hơn. Tác giả dùng chữ nôm na thông dụng của thời mình nên đây là tài liệu quý và sống động để hiểu cách nói của người thời cuối thế kỉ 19 mà tự điển, dẫu là tự điển của người đương thời cũng không thể cung cấp được” [5].
Phát hiện này đồng thời cũng cho thấy với 17 truyện thơ ngụ ngôn dịch từ 1884 này, chứng tỏ Trương Minh Ký đã đi trước người tiên phong dịch thơ ngụ ngôn phương Tây Nguyễn Văn Vĩnh hơn 30 năm. Như đã nói ở phần mở đầu, do định kiến vùng miền, do chiến tranh lạn lạc, chia cách… người ta chỉ biết người dịch đầu tiên là Nguyễn Văn Vĩnh mà thôi. Thiết nghĩ, đã đến lúc cũng cần phải trả lại cho văn chương Nam Kỳ Lục Tỉnh những gì vốn là của nó.
3. Nguyễn Văn Sâm và những truyện ngắn về đất và người Nam kỳ lục tỉnh
Sáng tác là một thế mạnh khác của ngòi bút Nguyễn Văn Sâm. Thể loại chính của ông là truyện ngắn. Không khó để tìm đọc hơn 50 tác phẩm của Nguyễn Văn Sâm trên các trang web quen thuộc: Viện Việt Học Hoa Kỳ, Nam Kỳ lục tỉnh, New Vietart… và một số trang mạng khác chủ yếu rút từ 3 tập truyện được Viện Việt học in và phát hành: (1) Câu hò Vân Tiên (1985), (2) Ngày tháng bồng bềnh (1987) và (3) Khói sóng trên sông (2000). Và cũng không khó để nắm bắt thông điệp đạo đức và nhân văn tác phẩm cùa ông gửi gắm. Điều này cũng dễ hiểu có lẽ truyện của ông dung dị đi theo dòng chảy thời gian, tuyến nhân vật thường được tổ chức đơn tuyến ở chiều rộng hơn là chiều sâu, cũng không cầu kỳ quá nhiều kĩ thuật phức tạp. Theo Đàm Trung Pháp, “Truyện nào của anh cũng được xây dựng vững vàng, cũng có một cao điểm tức là lúc một sự thực-bất kể xấu hay tốt - được soi sáng, cũng đầy động tác trong lớp lang, cũng đầy những tình tiết lý thú, khiến người đọc không bị hụt hẫng hoặc nhàm chán. Anh Sâm không lập dị, không huyền bí, không làm dáng, không lãng mạn, nhưng ngòi bút tả chân của anh thì khủng khiếp lắm mỗi khi anh thấy cần thiết phải vung tay”. Trung thành với tôn chỉ “viết như nói” của Paul Huỳnh Tịnh Của từ đầu thế kỷ, truyện của Nguyễn Văn Sâm đậm đặc ngôn ngữ bình dân Nam Bộ. Nhiều đoạn, nhiều chỗ tính chất khẩu ngữ còn khá nặng. Đề tài chính của ông là những con người Bến Nghé và miệt vườn Nam bộ lam lũ hiền hòa chân chất. Không gian sông nước miền Tây với những địa danh nghe thân thương gần gũi. Nguyễn Vy Khanh trong “Đọc Khói sóng trên sông” còn nhận ra hai không gian luân phiên trong sáng tác Nguyễn Văn Sâm đó là quê người và quê nhà: “Khi viết chuyện ở xứ người, câu văn Nguyễn Văn Sâm thường ngắn gọn, ít vần và đối, nhưng trái lại, khi tả chuyện quê nhà với những nhân vật thật "lục tỉnh" gắn liền với quê hương, thì câu văn dài dòng như có thế mới nói hết được tâm sự, mới tả hết được dáng cách con người và góc cạnh của những khu phố, đường làng quê!» [6]
Nguyễn Thiên Thụ khi đọc “Quê hương vụn vỡ” của Nguyễn Văn Sâm cũng nhận ra hai không gian khác biệt ấy và cụ thể chi tiết hơn: “Nguyễn Văn Sâm đưa ta về Việt Nam, một Việt Nam trước 1975 và một Việt Nam sau 1975. Trước 1975, miền Nam là một xã hội thanh bình. Địa danh của truyện là Saigòn, Ông Tạ, Cầu Ông Lãnh, Mỹ Tho, Tây Ninh, Bến Tre với các nhân vật bình dân như bà Hương giáo Hải, ông Hương giáo, bà ngoại, thằng Quang, con Nhàn, con Bông, với các đĩa hát Asia, các tiểu thuyết Gia Long Tẩu Quốc, Giọt Máu Chung Tình (156-176) và Câu hò Vân Tiên (188-207).” Khoảng 1960, đa số thanh niên đều phải vào lính như Trịnh trong “Truyện ngắn đời dài” và điều không tránh khỏi, có người đã phải hy sinh một phần thân thể. Sau 1975, những thương binh này phải lăn mình ra đời kiếm sống như Tư Cụt hành nghề vá xe (Những tấm vé số) [7]. Rồi những chuyện cười ra nước mắt mà tính hiện thực ai cũng thấp thoáng gặp mình trong “Con đĩa hai vòi” con vượt biên gửi quà về hai vợ chồng người nông dân nghèo rớt mồng tơi tưởng được đổi đời đỡ cực ai dè phần thuế, phần chợ đen, phần địa phương vòi vĩnh…, “Cái vuốt trán vô ngôn”, “Chúng tôi mất nước nhưng còn tự ái” vừa lên án thói bất nhân vừa xót xa cho kiếp đàn bà trong xã hội bác ác, đồng thời ca ngợi bản chất tốt đẹp trong tâm thiện của con người, làm truyện của ông lấp lánh đa thanh đa sắc hơn và cũng đậm tính thời sự hơn.
Nhân vật trong truyện Nguyễn Văn Sâm có kẻ ở trong nước, người ngoài nước, đa phần ở miệt vườn… nhưng, ở đâu, trên quê nhà đói nghèo rơm rạ hay nơi xứ người rực rỡ phồn hoa cũng không thoát nỗi ám ảnh cô đơn lạc loài của kẻ đánh mất thiên đường ảo mộng đã qua. Họ lạc lõng với chính mình để hội nhập. Hội nhập ở quê nhà. Hội nhập ở quê người.
Quê hương vụn vỡ lòng man mác,
Đất nước tan hoang dạ ngậm ngùi.
Song không thể phủ nhận, ở một góc độ khác, truyện của Nguyễn Văn Sâm lại nhẹ nhàng chuyển tải những thông điệp đạo đức, giáo dục con người hồi tâm làm lành lánh dữ. “Người đổi chó” là một trong những truyện mang tính chất nhân quả nhỡn tiền của nhà Phật. Xót xa hơn là cuộc đời nhân vật Sáu Hấu trong “Người quét mộ cụ Phan”. Có hai cuộc đời lồng truyện: Cụ Phan và chén thuộc độc oan khiên. Sáu Hấu kẻ quét mộ cụ và tâm tình kẻ phản kháng muốn viết lại trang sử chính thống cho cụ Phan trong thời buổi anh hùng tiểu nhơn lẫn lộn… Thông điệp đạo đức ấy có khi Nguyễn Văn Sâm còn cho nhân vật trực tiếp phát biểu trong truyện, như nhân vật Ông Đạo Chuối trong truyện ngắn cùng tên: “Đời không dễ sống, muốn chuộc lỗi cũng không được. Thôi thì tạm dùng những trầy trật của đời mình làm phương tiện đưa mình lên khỏi những thấp hèn của cuộc sống, phải phấn đấu để bước qua những khổ đau nầy nọ” (Ông Đạo Chuối). Hay nhân vật Tôi tự soi rọi lòng mình thương cho những kẻ u mê còn chìm nổi cuộc vô thường: “Điều làm tôi xiêu bồng là tiếc một lòng nhân hậu không được phát triển, cũng như cảm thấy bi thương cho người xưa cũ nay đắm chìm trong những tính toán lợi lộc lừa đảo nên sẽ chẳng bao giờ tìm thấy hạnh phúc, trong tâm hồn cũng như trong thực tế. (Đường về quá khứ).
Đây cũng là xu thế tất yếu kế thừa con đường “văn dĩ tải đạo” của nhiều cây bút Nam kỳ lục tỉnh trước đó mà Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Biểu Chánh là những người mở lối…
4. Thay lời kết:
Giới hạn trong việc giới thiệu một tác giả có nhiều sưu tập, đóng góp cho vùng văn hóa văn học Nam kỳ lục tỉnh hình thành từ những ngày tháng sơ khai của vùng đất mới đầy bản sắc độc đáo đáng trân trọng, giữ gìn và phát huy, chúng tôi đã cố gắng bước đầu khái quát toàn bộ những lĩnh vực sáng tác chính của nhà văn nhà giáo Nguyễn Văn Sâm từ biên khảo, nhận định, dịch thuật và sáng tác. Mặc dù chỉ mới là những phác thảo sơ bộ song diện mạo văn chương Nam bộ qua ngòi bút Nguyễn Văn Sâm thật sự cung cấp nhiều gợi ý cho những ai muốn đi sâu vào nghiên cứu bộ phận văn chương này. Nhiều tác phẩm chữ Nôm bị thất lạc, lãng quên đang dần được ông sưu tập, chú giải, phiên âm và xuất bản là một nguồn tư liệu quý hiếm cần được gìn giữ, trân trọng. Việc giới thiệu những tác phẩm này thiết nghĩ rất cần thiết cho việc nhìn nhận, đánh giá đúng đắn hơn những di sản Văn chương Nam Bộ hôm nay. Hy vọng trong những bài viết khác chúng tôi có thể đi sâu hơn phân tích xu hướng triết lý sáng tác theo đạo lý, đặc trưng phong cách ngôn ngữ Nam Bộ và cảm thức không gian văn hóa Nam Bộ trong truyện ngắn Nguyễn Văn Sâm mà hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Tài liệu tham khảo:
Nguyễn Vy Khanh, 2016, Văn học miền Nam 1954-1975, quyển Thượng Tổng quan, Toronto, Nguyễn Publishings.
Nguyễn Vy Khanh, 2000, Đọc “Khói sóng trên sông” của Nguyễn Văn Sâm, Nguồn: https://sites.google.com/
Mã Giang Lân, 2007, Giáo trình Văn học Việt Nam 1945-1954, Nxb Giáo dục.
Lê Văn Nghệ, 2016, “Góc nhìn mới về văn học Nam Bộ”, đăng ngày 30.10.2016, nguồn: http://phunuonline.com.vn/
Nguyễn Văn Sâm, Trương Minh Ký, Những bài thơ ngụ ngôn dịch trước Nguyễn Văn Vĩnh. Nguồn: https://sites.google.com/
Nguyễn Thiên Thụ, Đọc “Quê hương vụn vỡ” của Nguyễn Văn Sâm. Nguồn: https://sites.google.com/
Toàn bộ sáng tác của Nguyễn Văn Sâm trên trang Viện Việt Học và Nam kỷ lục tỉnh.
Chú thích:
[1] Nguyễn Vy Khanh, 2016, Văn học miền Nam 1954-1975, Quyển Thượng, Troronto, Nguyễn Publishings, tr.420
[2] Nguyễn Vy Khanh, , sách đã dẫn, trang 417
[3] Mã Giang Lân, 2007, Giáo trình Văn học Việt Nam 1945-1954, Nxb Giáo dục, trang 142
[4] Dẫn theo Nguyễn Vy Khanh, 2016, Văn học miền Nam 1954-1975, Quyển Thượng, Troronto, Nguyễn Publishings, tr.420
[5] Nguyễn Văn Sâm, Trương Minh Ký, Những bài thơ ngụ ngôn dịch trước Nguyễn Văn Vĩnh. Nguồn: https://sites.google.com/
[6] Nguyễn Vy Khanh, Đọc “Khói Sóng Trên Sông” của Nguyễn Văn Sâm, Nguồn: https://sites.google.com/
[7] Nguyễn Thiên Thụ, Đọc “Quê hương vụn vỡ” của Nguyễn Văn Sâm. Nguồn: https://sites.google.com/.
Sài Gòn, 11.2016
Hoàng Kim Oanh
Theo https://vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...