Tờ chiếu của vua Gia Long phong cho
Từ trước tới nay, khi viết về tiểu sử Nguyễn Du người ta thường căn cứ vào các bản gia phả của họ Nguyễn Tiên Điền như Gia phả Tiên Điền Hoan Châu Nghi Tiên gia phả, Nghệ An Nghi Xuân Nguyễn gia thế phả và Gia phả tập biên Tiên Điền Nguyễn gia thế phả, Việt Yên Phan gia thế phả, Uy Viễn Nguyễn gia thế phả.
Vì thấy quyển Gia phả tập biên: Tiên Điền Nguyễn gia thế phả ghi: “Ất Sửu xuân chính nguyệt thăng Đông các Đại học sĩ, tước Du Đức hầu” nên các nhà khảo cứu sau này đều chép theo như vậy.
Đào Duy Anh trong quyển Khảo luận về Kim Vân Kiều (1) đã viết là “Mùa thu năm Gia Long thứ ba, ông cáo bệnh về quê, được hơn một tháng thì lại bị triệu về Kinh, tháng giêng năm sau được thăng hàm Đông các học sĩ và phong tước Du Đức hầu.”
Trần Văn Giáp trong Lược truyện các tác gia Việt Nam (2) và trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (3) đã viết là “Năm ất Sửu (1805) ông được thăng Đông các Đại học sĩ tước Du Đức hầu”.
Hoàng Xuân Hãn trong bài Trả lời cuộc phỏng vấn về việc nghiên cứu truyện Kiều (4) đã dựa vào bài Tựa bản Kim Vân Kiều án của Nguyễn Văn Thắng mà cho rằng: “Nguyễn Du là Hầu Đông các”. Ông đã nói: “Nguyễn Thắng dùng nhiều câu ở trong Kiều và nhất là trong ấy, ông ấy gọi cụ Nguyễn Du là Hầu Đông các chứ không nói là Hầu Cần chánh, cái titre (chức) Cần chánh là vua Gia Long cho, Cần chánh học sĩ để mà đi sứ. Lúc đi sứ người ta thường cho cái titre cao hơn cái titre thường, nhưng ra ngoài người ta chỉ biết chức Hầu Đông các”.
Chúng tôi nhận thấy:
1. Viết như Đào Duy Anh thì có một điểm sai: năm Gia Long thứ 3 Nguyễn Du chưa được phong tước Du Đức hầu.
2. Viết như Trần Văn Giáp thì có hai điểm sai:
a. Năm Gia Long thứ 3 (ất Sửu, 1805) Nguyễn Du chỉ được thăng Đông các Học sĩ chứ không phải Đông các Đại học sĩ.
b. Nguyễn Du khi được thăng Đông các Học sĩ chưa được phong tước Du Đức hầu.
3. Nói như Hoàng Xuân Hãn thì hoàn toàn sai vì trong bài Tựa Kim Vân Kiều án, Nguyễn Văn Thắng chỉ gọi Nguyễn Du là “quan Đông các” chứ không phải “Hầu Đông các”.
Nguyên văn câu viết của Nguyễn Văn Thắng như sau:
“Mỗ sinh không gặp thời, phải thất học, nhưng từng nghe được truyện về Kim Vân Kiều quốc ngữ truyện : xưa nhà Ngũ Vân lâu bên Tàu in bản Thực lục đã lưu hành khắp chỗ, từ trước đến nay. Kíp đến quan Đông các nước ta phu diễn ra Quốc âm, truyền rộng ở đời, nhiều người đã được tai nghe mắt thấy”.
Hoa Bằng dịch
(Tri tân, số 85 - 4.3.1943)
Các sự sai lầm ấy về sau lại thấy trong quyển Tự điển Văn học và nhiều sách khác.
Trong Nguyễn Du (5) (truyện ký), Nguyễn Lộc đã viết: “Sau chuyến đi đón sứ thần Trung Quốc về Nguyễn Du được thăng Đông các Học sĩ, tước Du Đức hầu”.
Trong Ba trăm năm lẻ (tiểu thuyết), Vũ Ngọc Khánh đã viết : “Năm ất Sửu (1805)... Nguyễn Du được thăng Đông các Đại học sĩ, tước Du Đức hầu và bổ làm Cai bạ tỉnh Quảng Bình”.
Ở điểm sai lầm này chúng tôi thấy cần phải nói rõ về hai chức vị: Đại học sĩ và Học sĩ.
Dưới thời Gia Long, quan lại trong triều đại khái vẫn theo chế độ nhà Lê với sáu bộ: bộ Lại, bộ Hộ, bộ Lễ, bộ Binh, bộ Hình và bộ Công. Mỗi bộ có một chức vị Thượng thư đứng đầu, dưới có Tả, Hữu tham tri; Tả, Hữu thị lang; Lang trung; Viên ngoại lang; Chủ sự và bát cửu phẩm thư lại.
Nguyễn Du khi được cử làm Đông các Học sĩ (1805) thì cũng chỉ vào hàng tòng ngũ phẩm vì phẩm cấp quan chế thời Minh Mạng mới được qui định rõ ràng.
Nguyễn Du từ chân Tri phủ (tòng lục phẩm) mà được thăng lên Đông các Học sĩ thì cũng là cao rồi. Chính người cháu của ông là Nguyễn Hành cũng có làm hai bài thơ nói về việc này:
1. Tống thúc phụ Đông các Học sĩ phó Nam Kinh
(Tiễn chân chú là quan Đông các Học sĩ vào Nam Kinh, chỉ Phú Xuân, tức kinh thành Huế).
2. Thượng thúc phụ Đông các Học sĩ.
(Kính gửi chú là quan Đông các Học sĩ)
Trong hai bài thơ ấy Nguyễn Hành chỉ khen chú “thanh danh lừng lẫy”, “mặc áo bào cưỡi ngựa làm quan sang nơi triều đình”, “ưu tú nhất nhà”, “phẩm tước trong triều đình như thế là cao” chứ không nói gì đến tước Du Đức hầu.
Nguyễn Du không thể nào lên ngay chức Đông các Đại học sĩ được vì:
- Nếu theo quan chế đời Lê Trung hưng (1592-1789) thì chức ấy thuộc hàng tòng từ phẩm.
- Nếu theo quan chế đời Minh Mạng thì chức ấy lại thuộc hàng chánh nhất phẩm và là một trong tứ trụ triều đình:
1. Cần chánh điện Đại học sĩ
2. Văn minh điện Đại học sĩ
3. Võ hiển điện Đại học sĩ
4. Đông các Đại học sĩ
Chức Học sĩ như Chưởng viện Học sĩ, Thị độc Học sĩ, Thị giảng Học sĩ thì cũng đều thuộc hàng tam phẩm hoặc tứ phẩm cả.
Nguyễn Du sở dĩ chưa được phong tước hầu vì mới ra làm quan có bốn năm và cũng chưa có chính tích gì. Theo lệ thường, muốn được phong tước hầu cũng phải có thâm niên công vụ và cũng phải thuộc hàng từ tam phẩm, nhị phẩm trở lên mới được.
Quyển Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập chỉ chép: “Năm Gia Long thứ 5, được triệu làm Đông các Học sĩ, năm thứ 8 ra làm Cai bạ tỉnh Quảng Bình...” và không nói gì đến việc được phong tước Du Đức hầu.
Vậy phải làm sao tìm được một tài liệu ghi rõ năm Nguyễn Du được phong tước Du Đức hầu.
Chúng tôi vẫn để tâm tìm kiếm mà chưa thấy được.
Thế rồi nhân chuyến đi Canada, gặp một người bạn - anh Trần Gia Phụng - anh ấy có chuyển đến tôi một câu hỏi của chị Nguyễn Thị Chân Quỳnh ở Paris muốn biết rõ về việc Nguyễn Du được phong tước hầu. Tôi cũng chỉ trả lời theo bản Gia phả của họ Nguyễn Tiên Điền tức là Nguyễn Du được phong tước hầu từ khi được thăng làm Đông các Học sĩ như tôi đã viết trong Nguyễn Du toàn tập (6) và trong Tổng tập văn học ViệtNam. Tập 12 (7).
Đến khi về lại Việt Nam, xem lại tấm hình chụp tờ chiếu của vua Gia Long chúng tôi mới phát hiện ra một chi tiết rất quan trọng, nói rõ rằng Nguyễn Du chỉ được thăng chức Hữu tham tri bộ Lễ, tước Du Đức hầu vào năm ất Hợi (1815), sau khi đi sứ Trung Quốc về.
Nguyên văn tờ chiếu ấy, chúng tôi xin phiên âm lại như sau:
Chiếu Cần chánh điện Học sĩ Nguyễn Du phả ưu học thuật, tố trước cần lao, tư kinh văn giai tấu cử, đặc chuẩn thăng vi Lễ bộ Hữu tham tri, Du Đức hầu, tham lý bộ nội chư công vụ. Thượng kỳ bảo ty bang điển túc dạ duy di dĩ xứng sở nhiệm. Khâm tai đặc chiếu.
Gia Long... thập cửu nhật.
(Chiếu Cần chánh điện học sĩ Nguyễn Du học thuật khá ưu tú, vốn tỏ rõ sự chuyên cần, nay qua các quan văn tấu cử, đặc cách chuẩn y cho được thăng chức Hữu tham tri bộ Lễ, tước Du Đức hầu và cho phép được tham dự vào các việc trong bộ.
Mong rằng kẻ bề tôi hãy giữ đúng các điển lệ của triều đình, đêm ngày kính cẩn để xứng đáng với nhiệm vụ được giao. Khâm tai đặc chiếu.
Gia Long... ngày mười chín).
Tờ chiếu có ghi rõ ngày tháng năm, nhưng dấu ấn đã che mất chỉ còn đọc thấy Gia Long... thập cửu nhật)
Nếu đem so với Gia phả cũng có ghi: “Ất Hợi hạ ngũ nguyệt dĩ văn giai tấu cử đặc chuẩn thăng Lễ bộ Hữu tham tri” thì Nguyễn Du được thăng làm Hữu tham tri, tước Du Đức hầu vào ngày 19 tháng 5 năm ất Hợi (tức 25-6-1815), niên hiệu Gia Long thứ 14.
Như vậy câu cuối cùng của tờ chiếu sẽ là : Gia Long thập tứ niên ngũ nguyệt thập cửu nhật.
Ở đây chúng tôi thấy cần phải nói rõ thêm về xuất xứ của tờ chiếu đã được in trong bộ Văn đàn bảo giám, tập 2 của Trần Trung Viên sưu tập, do Nam Ký thư quán in lại lần thứ 3 năm 1934.
Trong Lời nói đầu cùng độc giả, ông Nam Ký có cho biết: “Nay bản quán tái bản bộ sách này, lại có sưu tập thêm được gần đủ các tiểu sử và có tìm được rất nhiều các hình ảnh các danh nho, in vào sách để tiện việc kê cứu.”
Theo Lời nói đầu ấy thì ông Nam Ký đã có công sưu tầm các bức ảnh.
Bức ảnh chụp tờ chiếu của vua Gia Long, khổ 5,5 x 6 cm, đã cho chúng ta thấy bản gốc giấy để lâu ngày đã ố nhăn, chung quanh mép ở phía trên và phía tay trái đã bị rách nát nhưng các chữ bên trong vẫn còn nguyên vẹn.
Sau khi photocopy và cho phóng to ra, chúng tôi đã đọc được toàn bản văn và đã dịch sang Quốc ngữ như phần trình bày ở trên.
Có thể nói việc tìm lại được tấm ảnh chụp tờ chiếu của vua Gia Long đã đính chính được một sự sai lầm mà từ trước đến nay chúng ta cứ ngộ nhận là Nguyễn Du đã được phong tước Du Đức hầu từ khi được thăng làm Đông các Học sĩ.
Hơn nữa điều này còn cho chúng ta biết thêm được rằng:
1- Quyển Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) chỉ được Nguyễn Du viết ra sau khi ông đi sứ Trung Quốc về vì ở ngoài bìa các bản Nôm Kim Vân Kiều tân truyện đều khắc in là Tiên Điền Lễ Tham Nguyễn hầu soạn.
Nếu ghi là “Hầu Đông các” soạn như Hoàng Xuân Hãn nói thì hoàn toàn sai vì khi làm Đông các Học sĩ ông chưa được phong tước Du Đức hầu.
2. Bài Sinh tế Trường Lưu nhị nữ văn (Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu) và Thác lời trai phường Nón mà một số nhà nghiên cứu văn học còn để tồn nghi, thực ra đã không phải của Nguyễn du làm vì:
a. Trong thời trẻ Nguyễn Du không có về ở làng Tiên Điền lâu ngày bao giờ mà trong bài Văn tế sống lại viết:
Ba sinh đành một kiếp hẹn hò,
Hai năm được mấy lần chung chạ.
Hai năm được mấy lần chung chạ.
b. Trong bài Vè gửi Nguyễn Du, Nguyễn Huy Quýnh đã gọi Nguyễn Du bằng “hầu”:
Tảng mai hầu trở ra về,
Hồn tương tư hãy còn mê giấc nồng.
Hồn tương tư hãy còn mê giấc nồng.
thì rõ ràng câu chuyện đi hát phường vải chỉ là “chuyện hư cấu” như Trương Chính đã viết trong Hương hoa đất nước (8).
Hơn nữa Nguyễn Huy Quýnh đã mất từ năm 1785 mà mãi đến năm 1815 Nguyễn Du mới được phong tước hầu thì làm sao Nguyễn Huy Quýnh có thể là tác giả của bài Vè gửi cho Nguyễn Du được? Có thể vì thấy sự vô lý ấy mà “bà con ở Trường Lưu mới nói bài vè đó là của Nguyễn Huy Phó” (9), con trai lớn của Nguyễn Huy Tự.
Về vấn đề này chúng tôi sẽ đề cập đến một dịp khác.
Riêng để kết luận cho bài viết này, chúng tôi nhận thấy tờ chiếu của vua Gia Long thăng cho Nguyễn Du làm Hữu tham tri bộ Lễ đã là một tài liệu lịch sử quý giá để xác định lại năm ông được phong tước Du Đức hầu và đồng thời cũng đính chính được một vài sai lầm mà từ lâu nay chúng ta đã mắc phải.
CHÚ THÍCH:
(1) Đào Duy Anh: Quan hải tùng thư. Huế - 1943.
(2) Trần Văn Giáp chủ biên. Tập I. Bản in lần thứ hai. Nxb. KHXH, H. 1971.
(3) Trần Văn Giáp biên soạn. Tập II - Nxb. KHXH, H. 1990
(4) Tạp chí Hợp lưu xuất bản tại California . Hoa Kỳ số 29 - tháng 6 và 7 - 1996 (tr. 106).
(5) Nguyễn Lộc: Nxb. Đà Nẵng - 1986.
(6) Nguyễn Quảng Tuân. Tập II Truyện Kiều khảo đính và chú giải. Nxb. Văn học, 1996.
(7) Nguyễn Quảng Tuân. Tổng tập Văn học Việt Nam. Tập 12. Thơ văn chữ Nôm Nguyễn Du.
(8) Trương Chính. Nxb. Văn học, Hà Nội, 1978 (tr. 202).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét