Họ Hoàng là một trong các dòng họ có truyền thống văn hóa lâu đời nhất của làng Hạ Yên Quyết, tên Nôm là làng Cót Hạ, một trong bốn vùng danh tiếng của xứ Đoài xưa: Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương", nay thuộc xã Yên Hòa, Từ Liêm, Hà Nội.
Theo sách Bạch Liên khảo ký (thế kỷ XIX) thì bốn họ Nguyễn, Hoàng, Quản, Doãn đến đây lập làng từ trước khi đắp thành Đại La (thế kỷ VIII). Nhưng đến đời Mạc, ông Hoàng Miễn Thiệu làm quan tới chức Cẩn sự tá lang khi viết Hoàng tộc phả ký chỉ viết từ đời nhà Trần, coi cụ Hoàng Quán Chi là "thượng tổ". Sau đó đến đời nhà Nguyễn (Gia Long), có cháu đời thứ 12 là Hoàng Thì Bình đỗ Hương cống năm Gia Long 6 (1807) viết tiếp Tộc phả, cuối cùng hai ông Hoàng Tất Đạt, Cử nhân khoa Giáp Ngọ (1906) viết tiếp Tộc phả bằng chữ Hán đến năm 1931 thì hoàn thành, rồi được người con trai của ông Cử Hoàng Thúc Hội là Hoàng Thúc Trâm, bút danh là Hoa Bằng, dịch ra chữ Quốc ngữ.
Họ Hoàng có truyền thống hiếu học từ lâu đời. Người khai khoa trong dòng họ cũng là người khai khoa của làng Hạ Yên Quyết (một làng có tới 12 người đỗ Tiến sĩ từ thời Trần đến thời Nguyễn) là Hoàng Quán Chi đỗ Đình nguyên khoa Thái học sinh năm Quang Thái 6 (1393) đời Trần Thuận Tông làm quan Thẩm hình viện, sau thăng Lễ bộ Thượng thư, "văn chương trội hơn cả nước" (1). Bạn học có Phan Phu Tiên người làng Đông Ngạc cùng huyện, đỗ Thái học sinh khoa sau (1396), làm quan đồng triều với Hoàng Quán Chi. Sau Phan Phu Tiên lấy em gái Hoàng Quán Chi. Thời gian nhà Trần bị Hồ Quý Ly cướp ngôi, hai ông Hoàng và Phan Phu về ở ẩn làng Hạ Yên Quyết, qua cả thời kỳ nhà Minh xâm lược đô hộ nước ta. Đến khi Lê Lợi khởi nghĩa ở Thanh Hoá, Hoàng Quán Chi đã cho con trai là Hoàng Công Tình (sau đổi tên là Hoàng Thanh Phong) vào theo Lê Lợi ứng nghĩa tham gia chiến đấu chống quân Minh, sau khi cuộc kháng chiến giành thắng lợi, Hoàng Thanh Phong làm quan võ tới chức Đồng tri lực sĩ (tòng tam phẩm). Hoàng Quán Chi mất ngày 9 tháng 11. Còn Phan Phu Tiên sau ra dự thi Hội đỗ Tiến sĩ năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) làm quan Tri sử viện, Quốc tử giám Bác sĩ, biên soạn Sử ký tục biên từ đời Trần Thái Tông đến đầu Lê sơ.
Con Hoàng Thanh Phong là Hoàng Công Thanh đi thi Hội trúng Tam trường, được bổ Tri huyện Duy Tiên, sau chuyển sang hàng võ đến chức Cẩm Y vệ Chỉ huy sứ (tòng tam phẩm). Cháu đời thứ năm di cư lên thôn Thượng Yên Quyết là Hoàng Viết ái đỗ Tam giáp Đồng Tiến sĩ khoa Bính Tuất năm Thống Nguyên thứ 5 (1526), làm quan Hàn lâm viện Thị giảng. Cháu đời thứ sáu ở chi Hạ Yên Quyết là Hoàng Bồi, thuở nhỏ có tiếng là thần đồng, đi thi Hội đỗ Tiến sĩ hai lần. Lần thứ nhất đỗ khoa ất Sửu (1565). Khi vào ra mắt vua và Thái hậu nhà Mạc, Mạc Thái hậu thấy ông thấp bé, đứng bên cạnh một vị tân khoa người làng Triều Dương bị chột mắt, Thái hậu than rằng : "Nhân tài như thế này thì vận nước suy vi đến nơi..." nên không cho hai ông đỗ. Khoa sau năm Mậu Thìn (1568) Hoàng Bồi lại đi thi đỗ Tam giáp Đồng Tiến sĩ, làm quan tới chức Thừa Chính sứ, sau theo nhà Lê trung hưng làm quan Lễ bộ Hữu thị lang(2).
Theo Hoàng tộc phả ký, từ cụ Thượng tổ Hoàng Quán Chi đến đời Tiến sĩ Hoàng Xuân Sính là 17 đời, thì 16 đời có người đỗ đạt, thấp nhất là Tú tài (còn một đời làm quan võ). Tính ra từ 1393 đến 1915 đã có 3 người đỗ Tiến sĩ, nhiều người đỗ Cử nhân, Tú tài.
Một số người tiêu biểu như Hoàng Thì Trung đỗ Hương cống cùng khoa với Nguyễn Quý Cảnh (ở làng Đại Mỗ). Sau ông Cảnh làm quan tới chức Tham tụng (Tể tướng) mà ông Trung chỉ làm Tri huyện, nhưng vẫn thân nhau. Ông sống rất thanh cao, người làng gọi là ông Cống Cót. Con trai Hoàng Thì Trung là Hoàng Thì Chính thi Hội trúng Tam trường, làm quan Giảng dụ, Cẩn sự tá lang. "Ông học rộng nhớ nhiều, khi vào thi vấn đáp, quan trường hỏi 18 điều trong bộ Uyên giám loại hàm và vài đề trong sách Tính lý tinh hoa ông đều trả lời trôi chảy. Sau khi nghỉ hưu được làng cử đứng đầu hàng Tư văn, những lần lý dịch họp bổ thuế mời ông ra đình dự, ông đều cáo bệnh từ chối. Bà mẹ hỏi nguyên do, ông thưa : "Họp nhau bổ thuế bày ra chè chén linh đình, một miếng đũa mình gắp, mười nhà mất tiền (phụ thu) cho nên con không nỡ ăn ! "(3).
Cháu nội Hoàng Thì Chính là Hoàng Thì Bình trong 20 năm chiến tranh hồi cuối Lê, Tây Sơn vẫn kiên trì học hành, đến năm Gia Long thứ 6 nhà Nguyễn mở khoa thi Hương đầu tiên, ông đi thi đỗ thứ 3, được bổ làm Đốc học tỉnh Vĩnh Long, đã dạy Phan Thanh Giản là người đi thi đỗ Tiến sĩ đầu tiên ở Nam Kỳ (1826).
Hậu duệ về sau có Hoàng Tất Đạt "thông minh hiếu học, văn chương bay bướm đẹp đẽ có tiếng"(4), làm quan Hàn lâm viện Kiểm thảo, sáng tác nhiều thơ trong tập Thù thế thi tập. Em là Hoàng Thúc Hội không làm quan, có tham gia phong trào Đông kinh nghĩa thục, rồi ở nhà dạy học, đã sáng tác Sài Sơn thực lục (sử), Trưng vương lịch sử (tuồng) Hà đê đối sách, An Sơn tuỳ bút (3 quyển) và Đàm Phật học. Con trai cụ Hội là Hoàng Thúc Trâm tức Hoa Bằng, nhà Hán học, Sử học cận đại nổi tiếng. Con trai thứ hai cụ Hoàng Thúc Hội là Hoàng Thúc Tấn, thân sinh ra hai Tiến sĩ Hoàng Xuân Sính, Tiến sĩ Toán ở Pháp, sau về nước dạy học, nay là Hội trưởng hội hữu nghị Việt - Pháp, và Hoàng Sáng đỗ Tiến sĩ Toán hiện còn ở Pháp. Trong họ còn có Hoàng Sước con cụ tú Hoàng Tạo, nhà Hán Nôm học mới qua đời. Hoàng Sước bảo vệ luận án Tiến sĩ ở Ba Lan về nước công tác.
Ngoài ra còn có một số Phó tiến sĩ khoa học hiện nay như Hoàng Ngọc Trác (em ông Hoàng Trí Trị), Hoàng Minh Việt (con ông Hoàng Chí Trị), nhiều người đỗ Tú tài tây học và hiện nay có người không đỗ cũng nổi tiếng như Hoàng Khiêm (con cụ Hoa Bằng) viết báo, phiên dịch, nay xuất gia, lấy tên hiệu là Thích Đức Thiện.
Làng Hạ Yên Quyết nói chung và họ Hoàng nói riêng đến nay vẫn phát huy truyền thống hiếu học, xây dựng các trường phổ thông cơ sở, trường Phổ thông trung học Yên Hoà là những đơn vị tiên tiến, hầu như trong làng, trong họ không có trẻ em bỏ học.
CHÚ THÍCH
(1) Trích: Bạch Liên khảo ký.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét