1. Năm 1993, chúng tôi được ông Nguyễn Doãn Tấn ở thị xã Thái Bình giao cho cuốn sách này và cho biết thêm rằng đây là bản Kiều do cụ nội ông Tấn là Nguyễn Doãn Cử (1821-1890) nguyên là giảng quan ở phủ Tôn Nhân, kiêm Quốc sử quán Biên tu triều Tự Đức, khi về hưu đã mang về và được gia đình lưu giữ cho đến hôm nay (1).
Văn bản tập Kiều này khổ 28x16cm. Chữ viết đá thảo, linh hoạt. Chấm son rất kỹ, người đọc có thể phân biệt rõ tên người, tên đất, tên sách. Vì quá lâu ngày nên đã bị mất một số trang đầu, đã đóng lại bìa các tông.
Tờ đầu chép tiểu sử Nguyễn Du, tiếp là thơ đề từ của Phạm Quý Thích. Phần còn lại là nội dung Truyện Kiều với 88 tờ rưỡi (177 trang). Mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 22 chữ. Sách không chia thành 3 tầng như bản khắc gỗ. Các chú thích đều viết liền vào chính văn, chữ nhỏ (2 dòng nhỏ ăn 1 dòng lớn). Đầu mỗi trang chừa một khoảng rộng 5cm, ghi chú những câu trong nguyên tác và lời phê của các ông Vũ Trinh, Nguyễn Lượng.
Chúng tôi sơ bộ đối chiếu qua mấy bản:
- Với bản của Kiều Oánh Mậu (KOM) khắc in năm Nhâm Dần (1902) thì bản này số câu bằng nhau (3256 câu), số chữ khác nhau không đáng kể. Chú thích kỹ như bản KOM.
- Với bản của Nguyễn Thạch Giang (Nxb. ĐH và THCN., 1975) (chắc cũng dựa vào bản KOM), so số lần phê của Vũ Trinh và Nguyễn Lượng, bản này nhiều hơn 4 lời phê.
Bản Nguyễn Thạch Giang: Vũ Trinh phê 9 lời ở các câu: 1 6; 1533, 34; 1800; 2248; 2371; 3076; 3204; 3216, Nguyễn Lượng phê 5 lời ở các câu: 713; 1148; 2570; 2390; 3014. Tổng cộng 14 lời phê của Vũ và Nguyễn.
Bản này phê đủ như thế và thêm 4 lời phê như sau: Vũ Trinh phê ở câu 2187; 2188 và 3161 3164 (thêm 2 lời phê). Đó là các câu:
Chút riêng chọn đá thử vàng,
Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu.
Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu.
Vũ Trinh phê: Hiền giả tự ty chi từ, hiền giả bất ngộ chi thán, hiền giả một nại hà chi ngữ (Đó là lời nói nhún của bậc tài hoa, là lời than chẳng gặp được tri kỷ, chả còn cách nói nào khác của bậc hiền giả).
Đoạn:
Chữ trinh còn một chút này,
Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan!
Còn nhiều ân ái chan chan,
Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi?
Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan!
Còn nhiều ân ái chan chan,
Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi?
Vũ Trinh phê: Độc chí thử phương xưng Kiều chi trinh. Nhiên Kiều chi trinh đương ư Bình Khang lưu lạc thời khán chi. Chí thử tắc xử đắc ý chi sự tố cá bảng dạng dĩ tự kỷ trinh chỉ khả vi Kiều tác thái nhĩ. Tuy nhiên năng xưng Kiều trinh diệc bất đa đắc. Hoặc viết vương tôn công tử tự thị quán kiến tích thời kiêu khiếp. Bút ý bất phục trí tại nhãn lý - Oan tai! (Đọc đến đây mới khen cái trinh tiết của Kiều. Song cái trinh tiết của Kiều phải xem xét ở thời kỳ nàng lưu lạc chốn Bình Khang. Đây là ở vào chỗ sự việc đắc ý rồi mà còn lấy cái trinh tiết của mình e dè kiểu đó, chỉ có thể gọi là cách làm dáng của Kiều vậy. Tuy nhiên có khen Kiều trinh tiết cũng không nhiều - Hoặc là nói các vương tôn, công tử từ đó mà thấy quen cái nỗi khiếp sợ thơ ngây ngày trước. Bút ý của tác giả chẳng đặt trở lại trong mắt mình nữa. Oan thay!)
Nguyễn Lượng phê ở câu 3186:
Trăm năm danh tiết cũng vì đêm nay: Nhị nhân phục nhập tú trướng, bách trùng hoan ngu chỉ bất ngôn vân vũ sự. Thử Kiều toàn tiết xứ diệc văn chương tam mạch xử. (Hai người lại vào màn thêu. Bao lần vui vẻ với người khác mà không nói đến chuyện mây mưa. Đó là chỗ toàn tiết của Kiều. Văn chương cũng xử sự qua ba mạch đó).
Câu:
Thương thay cũng một kiếp người
Hại thay mang lấy sắc tài làm chi.
Hại thay mang lấy sắc tài làm chi.
Nguyễn phê: Quá mạch sinh xuất dư ba diệc diệu (Qua mạch văn, cái âm hưởng tuyệt vời vẫn cứ dạt dào).
So với bản Đào Duy Anh (Nxb. VH., Hà Nội, 1979) có 363 chữ và câu khác nhau.
2- “Tập Kiều” bằng thơ Hán cổ, khổ 28 x16 cm. Viết thảo khổ chữ to. Đã mất trang đầu, trang cuối. Hiện còn 36 tờ rưỡi (73 trang). Mỗi trang 8 câu thơ Hán cổ, có ghi chú xuất xứ ở sách nào, bài nào và 8 câu lục bát trong Kiều tương ứng. Giấy đã mủn mấy trang đầu. Tôi đã chép ra sổ tay gồm 592 câu thơ Hán cổ ứng với 529 câu Kiều. Riêng tập này theo nhận định cá nhân, có thể còn nhiều hơn nữa. Về tự dạng giữa 2 cuốn có khác nhau chút ít nhưng khó phân biệt. Vì 2 cuốn chữ đều đẹp, song ở cuốn 2 chữ viết phóng khoáng, tài hoa hơn.
Nếu thuần tuý chỉ là “tập Kiều” bằng thơ Hán cổ thì tập này có thể đứng vào hàng quán quân. Vượt bản của Phan Mạnh Danh 408 câu và của Tú tài Nguyễn Nhạ (Vũ Thư, Thái Bình) 472 câu(2).
Một nét độc đáo khác, dưới mỗi câu thơ Hán đều ghi xuất xứ rút ở bộ sách nào hoặc bài nào. Cụ thể là các bộ sách (hoặc bài) sau :
Thi lâm, Nhi nữ, Đường thi, Hồng lâu mộng. Các bộ tài tử : Nhị tài tử, Tam tài tử, Lục tài tử, Thất tài tử, Bát tài tử, Cửu tài tử, Thập tài tử. Các bài hành: Đào nguyên hành, Tỳ bà hành, Cổ bách hành. ỷ lâu, Hoa nguyệt ngân, Tống thi, Đạm doanh, Điều doanh, Đường biệt tài, Bách mỹ, Tình sử, Tái sinh duyên, Tây sương ký, Uyên giám, Kiển đào hoa, Chính khanh tập, Mộng trung, Ngũ mỹ, Thập mỹ, Cổ xúy, Tô thi, Liêu trai, Kỳ quan, Thanh lâu, Trường hận ca, Nhi nữ tình, Hồi văn, Thi thoại, Tuỳ lệnh, Cổ văn, Thi ngữ, Thanh thi, Vương các, Thiên gia thi, Thiên gia thảo, Kính hoa duyên,Tuỳ toàn tập, Mộng trung duyên, Phong tình lục, Trụ xuân viên, Hoa nguyệt, Lưỡng toàn tập, Thăng bình, Ngọc kiều lê, Tập thành, Thanh biệt tài, Bút sinh hoa, Hồng viên mộng, Hoa tiên, Hiếu thuật, Địa ngục, Nhị sinh duyên, Thanh lâu mộng, Xuân khuê thi, Thất mỹ, Đề Hạng vương, Cầu phượng khúc, Chinh phụ ngâm, Đông Chu, Tùy Đường, Bình quỷ.
Tổng cộng 74 đơn vị. Một điều thú vị, tập cả thơ Hán Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn và cũng chỉ chọn được 1 câu. Ví dụ : câu 1999 và 2000.
Biết bao đoạn khổ tình thương
Nỗi ông vật vã nỗi nàng thở than
Mang mang khan tận bi sầu khổ (Hồng lâu mộng)
Thiếp ý quân tâm thuỳ đoản trường (Chinh phụ ngâm)
Nỗi ông vật vã nỗi nàng thở than
Mang mang khan tận bi sầu khổ (Hồng lâu mộng)
Thiếp ý quân tâm thuỳ đoản trường (Chinh phụ ngâm)
Một số câu dù chú thích bản 1 đã có, nhưng ở bản 2 lại tập ở sách khác.
Ví dụ câu 2173 và 2174:
Giang hồ quen thú vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo.
Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo.
Ở văn bản 1 dẫn thơ Hoàng Sào:
Bán kiên cung kiếm bằng thiên túng,
Nhất trạo giang sơn tận địa duy.
Nhất trạo giang sơn tận địa duy.
Ở văn bản 2 lại dẫn trong Thi lâm:
Mãn nhãn giang hồ khinh nhất trạo,
Đảm đầu cầm kiếm thế lăng vân.
Đảm đầu cầm kiếm thế lăng vân.
Câu 1281, 1282:
Trướng tô giáp mặt hoa đào,
Vẻ nào chẳng mặn nét nào chẳng ưa.
Vẻ nào chẳng mặn nét nào chẳng ưa.
Xuân phong ỷ các lưu tô trướng,
Tự hỷ tầm phương thán dĩ tao.
Tự hỷ tầm phương thán dĩ tao.
Đều rút ở Tình sử. Trong các bản Kiều tiếng Việt hiện nay chỉ chú: do chữ “lưu tô trướng”, không nói rõ xuất xứ. Tập nhiều câu rất sát với Nguyễn Du.
Ví dụ:
Tiết vừa con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Cửu thập thiều quang kim quá bán (Tống thi)
Đầu thoa yến tử dĩ quy lai (Đường biệt tài)
Mạch thượng thảo bình thiên nhất sắc (Thi lâm)
Lê hoa điểm điểm sâm si khai (Đường biệt tài).
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Cửu thập thiều quang kim quá bán (Tống thi)
Đầu thoa yến tử dĩ quy lai (Đường biệt tài)
Mạch thượng thảo bình thiên nhất sắc (Thi lâm)
Lê hoa điểm điểm sâm si khai (Đường biệt tài).
Nhiều câu tập linh hoạt về ngữ nghĩa mà không phản nguyên tác.
Ví dụ:
Khúc đâu đầm ấm dương hoà,
Ấy là hồ điệp hay là Trang Sinh.
Trang sinh mộng lý mê hồ điệp (Đường thi)
Kiến đắc tình xuân các thượng hoa (Tình sử)
Mùi thiền đã bén muối dưa,
Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng.
Dã si sung thiện cam trường hoắc (Tình sử)
Tiêu thụ yên hà thú hữu dư
(Tùy toàn tập).
Ấy là hồ điệp hay là Trang Sinh.
Trang sinh mộng lý mê hồ điệp (Đường thi)
Kiến đắc tình xuân các thượng hoa (Tình sử)
Mùi thiền đã bén muối dưa,
Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng.
Dã si sung thiện cam trường hoắc (Tình sử)
Tiêu thụ yên hà thú hữu dư
(Tùy toàn tập).
Xưa nay những người tập Kiều, tập cổ thường không ghi xuất xứ từng câu thơ trích ở sách nào và ghi lạc khoản như bản này. Có thể đoán định người sưu tập muốn phục vụ cho một tiêu chí, một mục đích nào đó. Phần tiếp sau sẽ hé mở lý do này.
Đến đây xin giới thiệu qua về Nguyễn Doãn Cử, người chủ văn bản này từ thời Tự Đức và truyền lại cho con cháu đến hôm nay.
Ông hiệu là Bằng Phi, sinh năm Tân Tỵ (1821) quê xã Hành Dũng Nghĩa, huyện Vũ Tiên, Thái Bình (nay là xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư). Gia đình vốn dòng thi thư. Anh cả là cử nhân Nguyễn Doãn Vọng, Đốc học tỉnh Nghệ An là thầy học của các ông Tiến sĩ Phan Đình Phùng, Phan Huy Nhuận, Phan Trọng Mưu. Em út ông là Cử nhân Nguyễn Doãn Tựu làm Tuần phủ Hà Tĩnh.
Hồi trẻ Nguyễn Doãn Cử theo học Tiến sĩ Ngô Thế Vinh làng Bái Dương, Nam Trực. Mặc dù học lực khá, được Vũ Phạm Khải khen ngợi, năm 43 tuổi mới đậu Cử nhân. Được bổ chức Huấn đạo Thanh Ba, Phú Thọ, sau thăng Giáo thụ rồi làm Tri huyện Lập Thạch, Tri huyện Hải Lăng. Sau đó được điều về chiến khu Sơn Hưng Tuyên (1874) cùng các văn thần khác lo việc chuẩn bị chống Pháp.
Tháng giêng năm Tự Đức 32 (1879), nhà vua triệu ông về Kinh nhận chức Giảng quan phủ Tôn nhân, thăng Hàn lâm viện Thị giảng kiêm Biên tu ở Quốc sử quán (gia đình hiện còn sắc phong). Trong đám con em hoàng tộc do ông dạy bảo có Ưng Lịch (sau là vua Hàm Nghi). Năm 1881 vừa tròn 60 tuổi ông dâng sớ xin nghỉ hưu về quê nhà.
Khi Pháp đánh Bắc Kỳ lần 2 (1882) ông cùng với thân gia Nguyễn Hữu Bản đem nghĩa binh sang giữ thành Nam Định cùng với Đề đốc Lê Văn Điểm, án sát Hồ Bá Ôn. Khi ấy ông đang làm gia sư cho tổng đốc Nam Định Vũ Trọng Bình.
Gia đình ông cũng là thân gia với gia đình Tiến sĩ Hy Long Đặng Xuân Bảng (Hành Thiện, Xuân Trường) với gia đình nhà văn thân yêu nước Nguyễn Mậu Kiến (xã Vũ Trung, Kiến Xương). Ông là thầy học khi đã hưu quan của các ông Phó bảng Đông Thành Trần Xuân Sắc, ông Phó bảng Nguyễn Tái Tích, Cử nhân Nguyễn Kỳ Nam, Nguyễn Thiện Kế v.v... (3)
Ông Nguyễn Doãn Tấn còn cho biết thêm : khoảng năm 1939-1940 có ông phán Trân, người của Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp về sửa chữa chùa Keo, có gặp thân phụ ông Tấn là cụ Nguyễn Doãn Khiên, một lương y danh tiếng và được xem cuốn Kiều này. Ông Trân ngỏ ý hỏi mua và nói: “Nhà cửa anh tồi tàn thế này, anh nên để cuốn Kiều cho Học viện Bác cổ, nhà cửa anh sẽ được khang trang”. Cụ Khiên trả lời: “Đây là bảo vật của gia đình và huyết mạch của thân gia - Bố tôi (tức cụ ấm Chí) dặn lại dù chết đói cũng không được bán”.
Ở đây có một chi tiết đáng lưu ý “Cuốn Kiều còn là huyết mạch của thân gia”. Chúng tôi lần theo một nguồn thông tin khác là ông Nguyễn Doãn Khiết (em ruột cụ Khiên) cho biết như sau:
Cuốn Kiều này gốc của cụ Nguyễn Tú, Thị lang Bộ Lễ triều Minh Mệnh, quê xã Phương Đễ, huyện Trực Ninh, Nam Định. Khi cụ Tú vào Kinh có đưa người em họ vào học, Vua Minh Mệnh chỉ thị cho Nguyễn Tú cùng 16 người trong Bộ Lễ trong một năm phải sưu tầm, hoàn chỉnh cuốn Kiều. Minh Mệnh nói: “Khanh phải dẫn những câu nào của Kiều rút từ sách nào, điển cố nào phải ghi rõ xuất xứ. Làm xong sẽ khắc ván in”.
Công việc này cụ Nguyễn Tú phải tiến hành một năm rưỡi mới hoàn thành, kể cả việc khắc ván. Khi đó Nguyễn Tú có mẹ già ốm, được nghỉ phép về thăm, để em ở lại. Khi Tú về quê thì trong Kinh xảy ra vụ cháy ở ấn quán Bộ Lễ. Không rõ nguyên nhân cháy nên người em Tú sợ, lấy trộm ngựa chạy trốn, chẳng dè lại đúng con ngựa của Minh Mệnh. Nhà vua có lệnh hỏa tốc triệu Tú về Kinh ngay. Khi Tú về Kinh thì em Tú về theo. Nhà vua giao Tú xử vụ cắp ngựa. Tú xin lĩnh án tử hình cho em. Minh Mệnh hỏi: Ý khanh thế nào mà tình nguyện xin lĩnh án ấy? Tú trả lời: Bẩm thánh thượng,
Thương em thần để trong lòng,
Việc quan thì cứ phép công mà làm.
Việc quan thì cứ phép công mà làm.
Minh Mệnh giảm án, cho em Tú lĩnh án tù. Minh Mệnh khen Tú là con người giữ được cả chữ Trung và chữ Lễ.
Khi nhận lệnh hỏa tốc về Kinh, Nguyễn Tú đã quên ở nhà bản thảo cuốn Kiều này và bản Tập Kiều cổ Hán thi góp vào phần chú thích như chỉ thị của Minh Mệnh đề xuất. Cả hai văn bản đều đựng trong tráp gỗ thị nguyên phiến.
Thực ra bản thảo cuốn Kiều đã in xong và cất ở văn phòng Bộ Lễ. ở ấn quán chỉ cháy ván in. Nên bản Kiều in thời Minh Mệnh thường gọi là “bản Kinh”.
Con trai thứ của Nguyễn Tú là Nguyễn Chiến, Giáo thụ phủ Xuân Trường, sau làm quyền Đốc học nên gọi là Đốc Chiến. Đốc Chiến thông gia với án sát Phạm Vụ Mẫn (1854 - ?) người xã Dịch Diệp, huyện Trực Ninh (nay thuộc xã Phương Định, huyện Nam Ninh, Nam Hà). Con trai Đốc Chiến là cả Hy lấy con gái ông huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) là chị họ của Nguyễn Doãn Chí (tức ấm Chí, thân phụ ông Nguyễn Doãn Khiết, người đang dẫn truyện). Ông Đốc Chiến mang cuốn Kiều này (kể cả bản Tập Kiều cổ Hán thi) đưa cho Cử nhân Nguyễn Doãn Cử và nói: “Tôi biếu bác cuốn Kiều này, cuốn Kiều máu đây (chỉ người chú của Đốc Chiến bị phạt tù, sau thắt cổ tự tử ở trong ngục), không nên cho ai. Đây là chỗ thân tình giữa tôi với bác. Nếu lộ sẽ bị tai họa.”
Vẫn lời ông Nguyễn Doãn Khiết: Cuốn Kiều này sinh thời bố tôi (tức cụ ấm Chí, cụ ấm là con Cử nhân Nguyễn Doãn Cử) chỉ cho mấy người xem. Đó là Phó bảng Đốc học Nguyễn Tái Tích, nguời Khê Thượng Bất Bạt, Sơn Tây, anh cùng cha khác mẹ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, học trò Nguyễn Doãn Cử.
Phó bảng Đông Thành Trần Xuân Sắc (Tiền Hải) học trò Nguyễn Doãn Cử. Sau này là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Tản Đà từng về theo giỗ Nguyễn Doãn Cử. Bởi lẽ Nguyễn Tái Tích thụ nghiệp Nguyễn Doãn Cử có bế cả Tản Đà 3 tuổi ngồi vào chiếu. Nên có thể coi Tản Đà là chú học trò nhập tịch ngoại lệ của Nguyễn Doãn Cử.
Những thông tin của ông Nguyễn Doãn Khiết chưa đủ sức thuyết phục. Tháng 6 - 1995 chúng tôi qua sông Hồng sang xã Phương Đễ tìm đến từ đường thờ Nguyễn Tú và gia phả của gia đình này cùng với ông Nguyễn Doãn Khiết.
Xin tóm tắt những điều Gia phả cho biết như sau:
Nguyễn Tú người thôn Cổ Chất, xã Phương Đễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định (nay là xã Trực Phương, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Hà). Ông sinh năm 1794. Hồi nhỏ học ở nhà, 16 tuổi đỗ Khoá sinh, 17 tuổi lên Bắc Thành (Hà Nội) thụ nghiệp Hoa Đường tiên sinh Phạm Quý Thích (1759-1825). Năm Gia Long 15 (1816) ông 22 tuổi, đậu Cử nhân. Quê ông bấy giờ có loạn Chỉ Sáu (tức cuộc khởi nghĩa nông dân Vũ Đình Lục) tình hình khá rối ren nên ông ở nhà lấy vợ. Sau đó Nguyễn Tú được bổ Tri huyện Tiên Du (Bắc Ninh). Năm 32 tuổi cha mất, ông về quê chịu tang. Sau ông được đổi đi Tri huyện Kim Thành (Hải Dương) Năm Minh Mệnh 2 (1821) được thăng Tri phủ Tiên Hưng (nay thuộc Thái Bình) khi ông 36 tuổi.
Năm 41 tuổi, được vời vào Kinh, biên chế vào Bộ Binh, giữ chức Lang trung. Năm 1827 thăng Bố chính tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1828, 43 tuổi thăng Hiệp trấn Thuận An. Năm 1829, 44 tuổi làm Thị lang Bộ Lễ, phụ trách việc nghiên cứu sửa đổi các điều luật. Năm 1831 thăng Hữu tham tri Bộ Công và làm chủ khảo trường thi Gia Định. Cũng năm đó Nguyễn Tú lại chuyển là Tả tham tri Bộ Lại, rồi điều ra làm Bố chính tỉnh Quảng Trị và được ban chức Tuần phủ. Năm Giáp Ngọ (1834) Minh Mệnh 15, được cử ra đảo Cửu Chu (có lẽ là Thổ Chu bây giờ - TG) dẹp bọn giặc Xiêm, lập được quân công, Minh Mệnh ban thưởng “phi long kim tuyến” và chiếc áo gấm.
Năm Thiệu Trị 1 (1841), tháng 6 làm Chủ khảo trường thi Nghệ An. Sau đó ông được lệnh ra đảo Phú Quốc cùng với một viên quan cộng sự. Nhưng hoàn cảnh gia đình thanh bạch, là người con chí hiếu lại có mẹ già ốm yếu, ông xin nghỉ phép để trông nom phụng dưỡng.
Năm 1842 triều đình bắt ông đi làm lính ở tỉnh Hưng Yên (Có lẽ ông nghỉ quá phép nên phải chịu kỷ luật chăng? TG). Một năm sau ông được trở về quê quán làm người dân thường. Năm ấy thân mẫu ông đã qua đời. Ông trở lại Hưng Yên làm nghề dạy học. Năm 63 tuổi, ông về dạy ở xã Trà Lũ, huyện Giao Thuỷ, 66 tuổi ông chuyển về dạy học ở xã Hoành Nha cùng huyện. Năm Tự Đức (1855) ông ở tại gia đình giảng tập cho các tỉnh thần. Cũng năm đó ngày 9 tháng 11 ông qua đời, thọ 71 tuổi. Mộ táng trước cửa chùa toạ Nhâm, hướng Bính (tức theo hướng Bắc - Nam).
Từ đường thờ ông còn câu đối sau:
Cố gia sự nghiệp tồn biên lục;
Nho hoạn phong thanh hữu cổ kim.
(Sự nghiệp của gia đình xưa còn ghi ở sử sách; Thanh danh và phong khí khi làm quan còn mãi với cổ kim).
Hai tấm biển sơn son thếp vàng :
- Trâm anh dịch thế (Đời đời dòng dõi trâm anh)
- Y bát truyền gia (Nếp nhà đời đời kế nối)
Đáng lưu ý mấy điều ghi trong gia phả :
Nguyễn Tú năm 17 tuổi (1811) lên Hà Nội học Hoa Đường Phạm Quý Thích. Năm 22 tuổi (1816) đậu Cử nhân khi thầy học mình vẫn còn khoẻ mạnh (9 năm sau Phạm Quý Thích mới qua đời). Có thể, khi Nguyễn Tú được Minh Mệnh giao cho việc tìm tòi các bản Kiều, trích dẫn điển cố các sách vở, ông đã tiếp thu ít nhiều thầy học mình, trong đó có cả cuốn Kim Vân Kiều tân truyện mà thầy học đã khắc in ở Hàng Gai, Hà Nội chăng?
Năm 1829 với chức Thị lang Bộ Lễ phụ trách nghiên cứu, sửa đổi các điều luật, rất có thể bao gồm cả việc nghiên cứu, thu thập, chú thích văn bản và in ấn truyện Kiều chăng?
Mọi người đều biết cứ dân tộc nào trước khi có thông sử (histoire genérale) đều phải trải qua một thời kỳ dài nhiều thế hệ bằng lịch sử kể miệng (histoire orale).
Lịch sử kể miệng thẩm thấu tự nhiên trong dân gian đã góp phần không nhỏ vào nền văn hóa chung và nó đã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành những nét đẹp truyền thống. Nó bảo đảm và phát huy những giá trị, những kinh nghiệm, những phẩm chất tốt đẹp, là một bộ phận hình thành bản sắc văn hóa của một dân tộc.
Trên ý nghĩ đó, chúng tôi coi những điều trình bày trên như một nguồn tư liệu lịch sử dân gian hồn nhiên, không tô vẽ. Bởi lẽ chứng nhân của nó đã qua đời một thế kỷ rưỡi. Chỉ còn chứng tích văn bản không được toàn bích, hy vọng nó sẽ nói lên được điều gì qua giám định khoa học, hoặc ít ra cũng góp thêm một nét truyền kỳ cho Truyện Kiều của Nguyễn Du vốn đã mang đậm sắc thái truyền kỳ trên nhiều phương diện.
CHÚ THÍCH:
(1) Bản Kiều này đã được nhà báo Nguyễn Dương Côn đưa tin trên báo Thái Bình ngày 13-8-1994. Nhà văn, nhà nghiên cứu Hán Nôm - Phó tiến sĩ Đào Thái Tôn đã nhắc đến 3 lần trong các bài viết của ông trên tuần báo Văn nghệ (Hội nhà văn Việt Nam) với các bài: Bóng hồng; Bụi hồng; Phong tình có lục, cổ lục - Gươm đàn không phải là gươm và cung bắn đạn tròn (Các số tháng 3, 4 - 1995 và 3-1996).
(2) Theo tư liệu của ông Nguyễn Doãn Khiết. Xem thêm Thế Anh: Một bản dịch Truyện Kiều độc đáo. Tạp chí Hán Nôm số 1 -1996
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét