Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2025

Tết đan giềng mối mãi Tiên Rồng

Tết đan giềng mối mãi Tiên Rồng

THÁNG RỘ BÔNG
đón tháng giêng giữa mùa khô
nắng mật ong trên những bờ đường hoa
tháng giêng vào mọi căn nhà
hương bông gần, hương bông xa, hương trời
tháng giêng về lại với người
trang thơ tuổi mãi hai mươi ngát tình
tháng giêng hoa lá tâm linh
mênh mang sâu thẳm trong mình nghìn năm
đón tháng giêng của phương nam
nắng màu trà, ngỡ ướt đầm, không khô
bốn mùa hoa trái trời cho
vẫn rộ bông đến bất ngờ, tháng giêng
tháng giêng hoài niệm lung liêng
xuân miền thả nắng ánh miền mưa rây
hiểu mưa đó nhờ nắng đây:
mùa bông thắp sáng đêm ngày từ bông.
TẾT THIÊN NHIÊN
mưa phùn bay tóc bạc
cây trổ chồi tháng giêng
bay bay bao khuôn nhạc
nụ xanh những nốt duyên
người cơ hồ không khác
lại xuân cùng thiên nhiên
tiếng hát nào xanh ngát
Tết đâu chia phận riêng
vượt xa mọi lễ lạt
(nhạc riêng làng, riêng thiêng
nhà vang ca, nhà tắt!)
Tết chung tự cổ truyền
vở trăm trang trời đất
bay tơ tóc thiếu niên
người già quên tuổi hạc
Tết thiên nhiên còn nguyên.
NÉT TOÀN DÂN NGÀY TẾT
lát bánh tét tròn mặt trống đồng
bọc nguồn sáng, rõ vành trời đất
chưng lên dĩa, rét đông hoàn tất
đôi đũa – đôi chày – gác đợi xuân
bánh chưng vuông gọn bàn tay mở
gói úp bằng nhau như bánh tày
tay bắt là chưng, tày chắp lại
bánh chầy, sáng mặt trời trên khay *
năm sắc ngọt thơm dưa món mặn
tươi hoài củ trái suốt giêng hai…
thế là Tết! Thắp lên nhang nến
mai gắn đào, đào đính thiệp mai
tranh thiệp xuân và tranh báo xuân
đặc trưng Tết vẫn đào mai đó
nền nếp Tết lưu dài vạn thuở
cổ truyền không thiếu nét toàn dân.
Bánh giầy, ngày xưa vốn được gọi là bánh chì, bánh chầy (xem tuoitre. vn).
Ở Quảng Trị, vẫn còn gọi là bánh chì. Có lẽ nên gọi là bánh chầy (chày)
vì xôi nếp được giã nhuyễn bằng chày? 
LÁ BÚT KHẮC, ĐOÁ MAI NGỌC
chậu mai ai đặt trước hiên nhà
đến tối ba mươi không tới chở
ai tặng ư, sao quên thiệp nhỏ?
khiến hoa nghiêng ngó, lá trông ra
tiếc dăm xuân, chậu gốc trơ khô
năm nọ, giá như khi đảo đất
gặp bút pha lê, ngòi thép sắc
khắc câu thơ cổ, nét không mờ
gốc mai, nếu giấu đoá tình xưa
trót giẫm nát trong cơn phẫn hận
lại kết ngọc năm cùng tháng tận
thì lau rửa đất, xin cười xoà
bạn hay nàng? Kỷ vật niềm hoa
thật, mộng đều trà hương, mứt mật
nguyên đán, giêng, đều tươi mới Nhất
tốt lành là Tết, tự xưa xa
hoa ai thầm biếu, hẳn không ngờ
tặng cả mấy giao thừa tưởng tượng:
lá bút, đóa duyên rơi rụng xuống
không trong chậu đất mà trong ta.
TẾT ĐAN BỆN, VẤN QUYỆN VÀO NHAU
biển gọi xuân rừng, khe kết suối
gặp nhau khe suối tết thành sông
nước non tết quyện hoài Nguyên đán
tết đan giềng mối mãi Tiên Rồng
tết là thắt nút, ghi xuân tiết
đếm bốn mùa, trời trăng, nắng mưa
tóc ai tết bím xanh kim cổ
chữ Tết nay và nghĩa Tết xưa
phường phố rất đời đan kết tết
tết tình làng, nghĩa nước, nhân duyên
tết đất với trời, tươi vũ trụ
vấn vào nhau, bện chặt, thiêng liêng
quấn vào nhau chỉ hồng tơ thắm
tết rất riêng khơi dậy ruộng vàng
âm dương nhật nguyệt tươi rừng biển
trăng mật tình, nàng thụ phấn chàng
tết những gì giêng, nguyên đán nhất
quê nhà Tết Nhất, xoan tràn xuân
Tết định nghĩa bằng muôn thuở Tết
thuần hồn dân tộc của dân gian.
23/2/2018
Trần Xuân An
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tết xưa

Tết xưa Thời gian trôi đều đặn theo một chu kỳ. Hết Xuân, đến Hạ. Rồi Thu, tới Đông. Với khí trời mát mẻ mùa Xuân, chuyển sang oi bức mùa Hè...