Thứ Năm, 10 tháng 4, 2025

Góp thêm tư liệu về Từ Đạm và thơ trên núi Non Nước

Góp thêm tư liệu về Từ Đạm
và thơ trên núi Non Nước

“Từ Đạm, tuần phủ Ninh Bình, cho đục vào núi đá Non Nước, thị xã Ninh Bình một bài thơ nôm tự ca tụng rồi sau lại cho đục 2 dấu bàn chân y liền đó cùng với 1 bàn cờ. Tản Đà thăm cảnh Non Nước thấy trò lố bịch đó, bực lắm, thuê thợ đục bài thơ trên vào đá cạnh thơ Từ Đạm. An Nam tạp chí số 1/1926 in bài thơ đó, có sửa với đầu đề “Ngàn năm non Thúy, ông Từ Đạm”
Trên trang vanvn.vn có bài của nhà thơ Phạm Trọng Thanh Tìm tác giả bài thơ “Gửi Từ Đạm” trên núi Non Nước, Ninh Bình, trong đó nêu các bài thơ nói về một quan tham thời cận đại là Từ Đạm (1862-1936).
1/ Thơ Tú Xương viết về nhân vật này, nhà thơ Phạm Trọng Thanh cho là bài “Đùa ông Phủ” (“Tri phủ Xuân Trường được mấy niên /Nhờ trời, hạt ấy cũng bình yên/ Chữ y, chữ chiểu không phê đến / Ông chỉ quen phê một chữ tiền!”).
Đối chiếu với cuốn “Tú Xương, tác phẩm, giai thoại” (Hội VHNT Hà Nam Ninh xb., 1986) của nhóm Nguyễn Văn Huyền (chủ biên), Đỗ Huy Vinh, Mai Anh Tuấn, bài thơ kể trên được đánh số 61, nhưng nhóm biên soạn không xác định đây là bài Tú Xương viết về nhân vật Từ Đạm. Trong khi đó, bài thơ mà nhóm biên soạn đánh số 62, nhan đề “Chế ông Đốc học”, lại được nhóm biên soạn xác định: “Có ý cho rằng đây chỉ Từ Đạm, quê Thường Tín, ngoại thành Hà Nội bây giờ, đã có một thời làm Đốc học Nam Định. Sau này y làm Tuần phủ Ninh Bình, nổi tiếng tham nhũng”. (sách đã dẫn, tr. 121).
Bài thơ như sau:
Ông về đốc học đã bao lâu,
Cờ bạc rong chơi rặt một màu.
Học trò chúng nó tội gì thế?
Để đến cho ông vớ được đầu?
2/ Về bài thơ mà Phạm Trọng Thanh cho là của Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu, 1889-1939) nhưng chưa tìm thấy dữ liệu chính xác.
Trong bộ “Tản Đà Toàn tập” (toàn bộ 5 tập, Nguyễn Khắc Xương sưu tầm, biên soạn, giới thiệu, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2002), ở tập 1, phần Thơ, có bài “Nhắn Từ Đạm”  viết 1926:
Năm ngoái năm xưa đục mấy vần
Năm nay quan lại đục hai chân
Khen cho đá cũng bền gan thật
Đứng mãi cho quan đục mấy lần
Dưới bài thơ, người biên soạn ghi chú:
“Từ Đạm, tuần phủ Ninh Bình, cho đục vào núi đá Non Nước, thị xã Ninh Bình một bài thơ nôm tự ca tụng rồi sau lại cho đục 2 dấu bàn chân y liền đó cùng với 1 bàn cờ. Tản Đà thăm cảnh Non Nước thấy trò lố bịch đó, bực lắm, thuê thợ đục bài thơ trên vào đá cạnh thơ Từ Đạm. An Nam tạp chí số 1/1926 in bài thơ đó, có sửa với đầu đề “Ngàn năm non Thúy, ông Từ Đạm”:
Năm ngoái năm xưa đục mấy vần
Ngày nay quan lớn đục hai chân
Khen cho đá cũng bền gan nhỉ
Đứng mãi cho quan đục mấy lần!
(s.đ.d., tr. 79)
3/ Trong sách Chương dân thi thoại của Phan Khôi, nhà in Đắc Lập, Huế, 1936, Tiết XXIV viết:
“Cách độ hai mươi năm nay, ông T. Đ. làm Án sát Nam Định. Nhơn việc gì đó, chừng cũng quốc sự thì phải, ông bắt một anh đồ kia mà giam. Anh ta nằm trong ngục cứ kể Kiều tràn, coi bộ tự đắc lắm. Quan Án thấy tức mình, cho đòi ra công đường hỏi rằng:
– Làm sao ta giam mầy mà mầy không tỏ ý úy hối gì cả, lại cứ kể Kiều hoài, bộ mầy giỏi Kiều lắm sao?
Thưa rằng:
- Tôi thuộc Kiều vừa đủ để kể chứ chẳng giỏi gì. Mà ở trong ngục vô sự thì tôi kể chơi!
– Mầy làm một bài thơ vịnh Kiều đi, hay thì ta tha cho; bằng làm không được thì sẽ đánh chết, đừng láo!
– Dạ!
Rồi anh đồ xin cho đứng nghĩ một chặp, đoạn đọc ngay rằng:
Khóa cửa phòng xuân để đợi chờ,
Mà em mất nết tự bao giờ.
Chàng Kim mê gái công đeo đẳng,
Viên ngoại chiều con chết ngất ngơ.
Nợ trước hẹn hò con đĩ Đạm,
Duyên sau gặp gỡ bố cu Từ.
Mười lăm năm ấy bao nhiêu sướng,
Còn trách làm chi chú bán tơ?
Tuy quan Án biết rằng trong câu 5 – 6 anh đồ nhè tên họ mình mà xỏ song vì bài thơ hay và có ý mới, trái hẳn với các bài vịnh Kiều khác; vả lại quan đã có lời hứa từ trước rồi nên phải tha anh ta ra.
Ông T. Đ. như là có cái nợ gì với văn chương, hay bị người ta làm thơ mà chế. Sau đó ông làm Tuần vũ Ninh Bình, đi chơi hòn Dục Thúy, đục bàn chân mình vào đá làm kỷ niệm, mà đục chẳng phải một lần. Sau có kẻ đề bài thơ bốn câu vào hòn đá có dấu chân ông, tiếc chỉ nhớ có hai câu sau rằng:
Khen cho đá cũng lỳ gan thật
Chịu được cho quan đục mấy lần!
Lại mới trong năm có khánh tiết ngũ tuần Thánh thọ của bà Hoàng Thái hậu là đích mẫu vua Khải Định, bấy giờ ông T. Đ. cũng còn làm Tuần vũ Ninh Bình, đặt tiệc rượu mừng và có ra câu đối rằng:
Rượu chước năm mươi mừng mẹ nước
Có kẻ đối rằng:
Bạc thuồn chục một chết cha dân”
(Phan Khôi: Chương Dân thi thoại, tác giả xuất bản, Nhà in Đắc Lập, Huế, 1936, tr. 39-41)
Vậy là, xung quanh hành tung một quan tham xưa, dân gian và giới danh sĩ không ngừng giám sát và đưa ra những ghi nhận các thói tật lố bịch, trái tai gai mắt bằng những hình thức thi văn như thơ, đối, kể cả “thi thoại”, tức là sự tích, nguyên ủy các sáng tác thơ văn.
Nhân bài của nhà thơ Phạm Trọng Thanh kể trên, tôi xin góp thêm vài tài liệu như trên.
Hà Nội, 23/12/2024
Lại Nguyên Ân
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lê Lợi dứt khoát với nhà Trần Cái chết của Trần Cảo và sự từ chức của Trần Nguyên Hãn tưởng rằng sẽ yên ổn nhưng không vì thế mọi chuyện...