Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Ca khúc và nhạc giao hưởng trong đời sống âm nhạc

CA KHÚC VÀ NHẠC GIAO HƯỞNG TRONG ĐỜI SỐNG ÂM NHẠC

Hải Long
Nữ nhạc sĩ Harriet Schock nói, ”Hãy nhìn vào sức mạnh của những ca khúc. Chúng khiến ta thay đổi thái độ và cung cách ứng xử. Chúng thậm chí có thể thay đổi cả quan điểm của một quốc gia đối với phần còn lại của thế giới. Và, có lẽ, quan trọng nhất, chúng thay đổi từng cá nhân ... Những ai nghĩ rằng viết ca khúc là công việc phù phiếm quả thực đã nghĩ hoàn toàn sai”.
Nhà soạn nhạc Tanheiev thì lại nói, "Nếu có những người ở các hành tinh khác đến quả đất của chúng ta và muốn chỉ trong một giờ đồng hồ cho họ có khái niệm rõ về loài người, thì tốt hơn cả là cho họ nghe bản giao hưởng số 9 của Beethoven".
Ca khúc có thể "thay đổi quan điểm của một quốc gia", còn giao hưởng thì có thể khái quát cả lịch sử loài người trong một giờ... Chúng có thật sự khác biệt như thế không?
Có các "đẳng cấp" trong nghệ thuật không?
Không những âm nhạc mà cả các loại hình khác như văn học, hội hoạ, điêu khắc..., có tồn tại những "đẳng cấp" nghệ thuật không? Và nếu có, để xác định những "đẳng cấp" này, người ta dựa vào những tiêu chí nào? Ở khả năng biểu hiện của thể loại đó, tác phẩm đó, hay là số lượng công chúng của nó?
Sẽ khập khiễng nếu chúng ta so sánh một ca khúc với một bản giao hưởng, bởi mỗi một loại hình có một chức năng nghệ thuật riêng. Càng khập khiễng hơn khi chúng ta đi so sánh số lượng công chúng của từng loại với nhau, cũng như nói, "ngày nay không còn Mozart, Beethoven... nữa trong khi những Beatles, Rolling Stones... lại có ảnh hưởng quá lớn, chi phối hầu hết sự quan tâm của khán giả âm nhạc" để cho rằng nhạc rock/pop là loại âm nhạc số một. Bởi việc lựa chọn ca khúc hay giao hưởng để thưởng thức hoặc để làm thành sự nghiệp nghệ thuật của mình là tuỳ khả năng và sở thích của mỗi người.
Giá trị sử dụng và giá trị nghệ thuật là hai điều hoàn toàn khác nhau, tác phẩm được sử dụng nhiều chưa hẳn đã là loại nghệ thuật thượng thừa và ngược lại. Ngày nay, thanh thiếu niên chỉ thích đọc truyện tranh, truyện cười..., nhưng để đánh giá tầm vóc của một nền văn học, người ta thường dựa vào những tác phẩm thơ hoặc văn xuôi đồ sộ. Tranh của Picasso, Van Gogh, Rousseau... có bao nhiêu công chúng  đủ khả năng thưởng thức đâu, nhưng nó vẫn là những tượng đài của nghệ thuật hội họa thế giới. Nói lên điều này để thấy rằng số lượng công chúng chẳng có ý nghĩa gì trong việc đánh giá các đẳng cấp nghệ thuật.
Thế nào là bộ mặt âm nhạc của một đất nước?
Nguyễn Minh trong bài Multi-faced và sự giàu nghèo của một nền âm nhạc đặt vấn đề, "Một nền âm nhạc liệu có phải "bầu" ra một (và chỉ một) thứ âm nhạc làm đại diện cho mình không?" Tôi không muốn nói đến việc "đại diện" (bởi đó là điều còn nhiều bàn cãi) mà chỉ muốn đề cập đến việc thế giới thường "nhắc đến" loại hình âm nhạc đặc trưng của mỗi quốc gia. Với nước Mỹ, rock ’n’ roll, R&B... không những thịnh hành trong đời sống âm nhạc đại chúng của Mỹ mà còn tràn ngập trong đời sống âm nhạc của nhiều nước trên thế giới, đó là thể loại đặc trưng của âm nhạc đại chúng khi người ta nhắc đến nền âm nhạc Mỹ nói chung. Mặc dù Mỹ vẫn có những dàn nhạc giao hưởng, những nhà hát opéra với nhiều nghệ sĩ giỏi, nhưng opéra và giao hưởng Mỹ vẫn là những thứ nghệ thuật sinh sau đẻ muộn không thể nào so sánh với truyền thống của châu Âu. Còn sân khấu âm nhạc Broadway, với người châu Âu chỉ là một loại nhạc kịch bình dân. Xã hội châu Âu ngày nay đa số công chúng cũng yêu thích nhạc pop, rock, hip-hop, nhưng loại hình âm nhạc đặc trưng của châu Âu mà thế giới thường nhắc đến là giao hưởng thính phòng và nhạc kịch.
Nhạc pop, rock, R&B là những ca khúc. Xét trên khía cạnh nghệ thuật âm nhạc, ca khúc là một hình thức đơn giản thường chỉ chứa đựng một hình tượng âm nhạc, thường diễn tả một khía cạnh cảm xúc của con người. Ca khúc được diễn đạt bằng giọng người, tuy giọng người được xem là một trong những nhạc cụ độc đáo, nhưng hạn chế của nó là âm vực không rộng, không thể tạo một âm lượng "dày" cần thiết, đồng thời cũng hạn chế về màu sắc âm thanh... Trong khi đó, một bản giao hưởng với cách tổ chức âm thanh của nó, có thể chứa đựng nhiều hình tượng âm nhạc, khai triển những chủ đề lớn cũng như tạo kịch tính ... Dàn nhạc giao hưởng với âm vực cực kỳ rộng, có thể thể hiện mọi sắc thái phong phú với hàng chục chủng loại nhạc cụ... Nghệ thuật giao hưởng được xem là thành tựu âm nhạc đỉnh cao của nhân loại mà bất kỳ nền âm nhạc của một quốc gia nào cũng cần phải học hỏi.
Định hướng xây dựng nền âm nhạc?
Có phải mục tiêu xây dựng nền âm nhạc của chúng ta chỉ là những ca khúc "đại trà" phục vụ cho nhu cầu của đông đảo công chúng? Nếu thế có lẽ Nhà nước không cần phải đầu tư tiền của để xây dựng và duy trì hoạt động của các nhạc viện, các nhà hát làm gì.
Hoặc chúng ta chỉ tập trung xây dựng những loại hình âm nhạc đỉnh cao, trong đó có âm nhạc hàn lâm châu Âu? Sẽ khiếm khuyết nếu việc xây dựng nền âm nhạc lại không đáp ứng được nhu cầu đời sống tinh thần cho đông đảo công chúng. Và đây cũng chính là thực trạng của nền âm nhạc chúng ta hiện nay, lực lượng chuyên nghiệp cho mảng âm nhạc đại chúng đã không được chúng ta quan tâm đào tạo bài bản, kỹ lưỡng.
Chúng ta phải phát triển mảng âm nhạc đại chúng đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thưởng thức của đông đảo công chúng, nhưng vẫn phải đặt mục tiêu xây dựng mảng âm nhạc đỉnh cao. Những nội dung và có thể cả những cảm xúc trong một số tác phẩm âm nhạc hàn lâm có thể không còn phù hợp với cuộc sống đương thời, nhưng nghệ thuật âm nhạc hàn lâm là thành tựu vô cùng lớn lao của nhân loại chứ không riêng của các dân tộc châu Âu mà chúng ta cần tiếp thu học hỏi để phát triển nghệ thuật âm nhạc dân tộc mình.
Ca khúc là loại hình dễ cảm thụ, dễ phổ biến, phản ánh những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, của thời đại. Một liveshow lớn còn phản ánh cả những thành tựu công nghệ đương thời, nó là thể loại thưởng thức chính của đa số công chúng trong xã hội hiện tại, nhưng khả năng nghệ thuật của nó thì cũng vẫn thế, như đã được xác định từ hàng thế kỷ nay trong hành trình âm nhạc của loài người. Không nên vì quá coi trọng những ưu điểm của thể loại ca khúc mà quên mục tiêu xây dựng một nền âm nhạc toàn diện cũng như việc nỗ lực chinh phục những đỉnh cao nghệ thuật.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tập truyện ngắn Thạch Tâm

Tập truyện ngắn Thạch Tâm CÁI BÈ - QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU Nằm cách Sài Gòn khoảng hơn 100Km có một làng quê yên tĩnh suốt bốn mù...