Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2025

Tập truyện ngắn Thạch Tâm

Tập truyện ngắn Thạch Tâm

CÁI BÈ - QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU
Nằm cách Sài Gòn khoảng hơn 100Km có một làng quê yên tĩnh suốt bốn mùa đầy cây ngọt, trái lành và nước mát với một tên gọi khá ngô nghĩnh – Cái Bè. Và, đó cũng là nơi tôi khôn lớn. Bởi sau giải phóng vài năm, ba mẹ tôi lục đục dọn nhà về đây nương nhờ nhà ngoại. Rồi theo thời gian tôi lớn dần bên ngôi nhà nhỏ, sáng sáng chiều chiều đều vương nhẹ làn khói bếp trắng đục như sương. Tuổi thơ của tôi trôi qua khá êm đềm với làng quê hiền hòa cùng lũy tre xanh bên đồng lúa chín vàng, với dòng sông nhỏ chảy lững lờ dưới rặng bần xanh… Tuy nhiên cũng không kém phần dữ dội vì nước mắt tôi (dù không bằng một góc lũ lụt ở sông Cửu Long!). Bởi ngày ấy, tôi không thể nào đi hết một cây cầu khỉ bắc ngang con xẻo nhỏ. Mẹ tôi thường cười khi nhớ lại ngày ấy, tôi cứ ngồi “chong ngóc” bên đầu cầu. Nếu cố đi qua thì chỉ được phân nửa là “bay” xuống nước ướt loi ngoi, hoặc bê bết bùn sình khi nước cạn. Vậy là có một trận mưa nước mắt đi kèm sau đó. Tôi khóc vì cho rằng mình là một con nhỏ không quê hương, bởi nơi đây đã chối bỏ những bước chân đầu tiên của tôi, còn Sài Gòn thì chỉ còn là hình ảnh mờ nhạt trong đầu óc trẻ con với phố xá nhộn nhịp và một bà nội già khó tính. Mười hai năm học trôi qua với đủ vui buồn, hờn giận pha trong nỗi dằn vặt của một kẻ mang trong lòng cả hai hình ảnh khá quyến rũ mà vẫn chưa chọn được đâu là quê hương…
… Bây giờ, chưa thể gọi là khôn lớn nhưng qua những va chạm đời thường nơi Sài Gòn rực ánh đèn màu. Tôi hay trở về với mẹ cùng ngôi nhà nhỏ. Không phải để khóc vùi trên vai mẹ mà chỉ để lòng mình dịu xuống khi giữa buổi trưa hè quạnh vắng nằm đu đưa trên võng sau vườn, nhìn những đốm nắng nhỏ xíu len qua tàn cây, nhảy nhót trên lá, trên võng… thật vô tư và trong lành. Lúc ấy, tôi thấy mình thật sự thanh thản và quên đi một người bạn xấu, một ông thầy còn nhiều định kiến hẹp hòi.
Đêm xuống, lắng nghe tiếng côn trùng rả rích điệu nhạc buồn buồn ru hồn người say ngủ, đêm khuya, khi một số người còn ngon giấc trong nệm ấm chăn êm, tôi lại choàng dậy cùng mẹ đến chợ bán hàng. Đêm ngạt ngào hương hoa bưởi. Đường làng ướt đẫm sương khuya. Tôi cùng mẹ dò từng bước chậm. Vào giờ đó, dân làng tôi cũng gọi nhau đến chợ cho kịp chuyến hàng sớm nên đường làng có vẻ đông hơn. Họ đi thành từng tốp hai, ba hoặc bốn người. Mỗi tốp đều mang theo đuốc lá dừa, cho nên, ánh đuốc huơ lên, huơ xuống khắp đoạn đường dài. Ánh lửa bập bùng lúc ẩn lúc hiện tạo nên những hình thù kỳ lạ, hắt xuống mặt đường làm người chưa quen chùn chân sợ hãi. Tôi chắc cầm tinh con thỏ nên đi trước hay đi sau mẹ cũng đều sợ cả! Bởi vậy, tôi cứ quay ngang quay ngửa nhìn trời. Bầu trời đen thẫm, chi chít những vì sao sáng rực, làm tôi nao lòng nhớ đến giọng hát Hoàng ngày xưa xa lắc “Bầu trời nhiều sao sáng đêm nay, nhiều như những gì mình đã có…” mà bâng khuâng muốn hỏi: “Nhiều như những gì mình đã có hay đã mất hở Hoàng?” Trên tàng cây, đom đóm lập lòe tỏa sáng như những bóng điện bé xíu. Gió khuya lùa qua người lạnh buốt nhưng tôi vẫn thích những buổi chợ khuya ở quê mình vì tôi đã biết được sự huyền hoặc của đêm khuya cùng không khí trong lành của đêm nơi thôn dã. Và thật là thú vị khi giữa đêm khuya, mọi người đang yên giấc, tôi đã thức cùng trời đêm, nghe côn trùng dạo nhạc mà suy nghĩ về mọi người, về cuộc đời…
Và có lẽ bây giờ, nếu có ai hỏi thăm quê hương, tôi sẽ cười mà đáp rằng: “Dạ, đó là Cái Bè, một miền quê nhỏ…” bởi với tôi, thật là kinh khủng khi cố nắm bắt những gì không có trong tầm tay hoặc đã vuột khỏi tầm tay.
(Tháng 7/1992)
Nguồn: báo Văn nghệ Cái Bè tháng 7-1992
XOÀI TƯỢNG - MẮM ĐƯỜNG
Tác phẩm: Nghe qua là đã thấy kích thích “dây thần kinh ăn uống” rồi hở mấy bạn? Để ăn xoài tượng chấm mắm đường thật “đúng điệu”, bạn hãy chọn một trái xoài lớn màu xanh hơi ngả sang trắng một chút – lay lấm tấm đen trên phần đầu càng tốt – để chứng tỏ đã đến tuổi “trưởng thành” rồi. Một muỗng canh nước mắm ngon hòa chung với 3 muỗng đường cát trắng và một nhúm tiêu xay nhuyễn, bạn sẽ có một “dung dịch đặc sệt” vô vùng đặc biệt chỉ tác dụng được với những miếng xoài trắng xanh đang nằm trên đĩa. Muốn ăn được những miếng xoài chua ngọt, bạn nên xẻ đôi trái xoài rồi cắt lại theo chiều dọc, vậy là những miếng xoài sẽ có đủ “đầu mình tứ chi” đàng hoàng.
Cầm một miếng – đưa lên ngắm nghía – rồi chấm vô chén và im lặng thưởng thức vị chua chua, ngòn ngọt lẫn cay cay, mằn mặn, rồi xuýt xoa… trong những buổi trưa nóng bức như vầy thật là tuyệt cú mèo! Bảo đảm đây là một món ăn rẻ tiền nhưng khó có thể cưỡng lại sức hấp dẫn của nó dù bạn thuộc phe mày râu hay… phe kẹp tóc. Nhất là vào tháng 5, khi buổi chia tay đã gần kề, một chầu xoài tượng – mắm đường với những câu đùa vui, những tiếng xuýt xoa, chép miệng, hít hà lẫn vài giọt nước mắm… dính trên áo – sẽ là một kỷ niệm không thể nào quên khi bạn xa trường.
(ĐHTH tháng 5/1992)
Nguồn: Báo Áo Trắng tháng 5/1992
ÁNH MẮT NGƯỜI XA LẠ
Khi Phương cùng Kim và tôi lững thững đi bộ từ trường ra đến nơi, thì bến xe Dalat đã chộn rộn những người và xe. Vừa mới đến bên chiếc Toyota có vài hành khách đang ngồi thì một người đàn ông tươi cười đến hỏi vé. Khi được biết chỉ có mình tôi về Sài Gòn thì chú trở lại quầy, đem đến một vé. Tôi liếc nhanh và đùa:
- Chết nị! Người ta ghi 22.000 rồi nè Phương! Vậy mà tui định trả giá… hai chục thôi chứ!
Ba đứa cười giòn. Hai người thanh niên ăn vận lịch sự cũng cười theo. Kim, Phương để giỏ cà rốt lên xe và ríu rít căn dặn tôi đủ điều… Bỗng dưng, một giọng nói trầm trầm cất lên “Student?” Tôi giật mình quay phắt lại, một người đàn ông tóc vàng, mắt xanh đang ngồi khuất trong xe, cạnh người thanh niên áo xanh đang mỉm cười nhìn chúng tôi. Ba đứa bối rối ngưng bặt tiếng cười. Người thanh niên áo trắng nói:
- Này, nói chuyện với ông ta đi.
Tôi le lưỡi:
- Bỏ quên tự điển ở nhà rồi.
Cả bọn cười xòa. Hình như người đàn ông nọ hiểu đôi chút tiếng Việt nên cũng cười. Nhỏ Kim quyết không để hổ danh dân Cao đẳng Ngoại ngữ Dalat nên kéo Phương và tôi tiến lại. Nhỏ hắng giọng:
- Excuse me. What’s your name?
- Tôi tên là Bill.
Anh ta trả lời bằng tiếng Việt với một âm sắc lơ lớ làm ba đứa bật cười hồn nhiên. Với vốn tiếng Anh “bỏ túi” qua những phút trao đổi chúng tôi được biết Bill là một kỹ sư, hai mươi tám tuổi, đến Việt Nam lần đầu tiên. Anh ta nói:
- Tôi có thể nói một ít tiếng Việt. Tôi thích Việt Nam. Người Việt Nam rất thân thiện…
Một người đàn ông tiến lại xòe tay xin tiền. Bill lắc đầu và nhìn chúng tôi… cả bọn bối rối… Người thanh niên áo trắng phá tan im lặng:
- Sao? Nói tiếp đi chứ!
Phương hơi bực:
- Nói gì nữa?
Anh ta cười và nói lớn:
- Hỏi “mày thích Dalat không?”
Bill hơi nhíu mày, còn ba đứa tôi thì ngơ ngẩn nhìn nhau… Xe chuẩn bị rời bến, tôi xiết tay Kim và Phương rồi lên xe, ngồi vào băng ghế phía sau Bill. Đoạn đường dài lùi dần về sau… Xe dừng ở Văn Thánh, tôi bận rộn với giỏ cà rốt nên xuống xe gần như sau cùng. Một đám đông xích lô, honda ôm đang vây quanh Bill, nhao nhao mời chào nhưng anh ta lắc đầu từ chối. Một thanh niên chửi thề, vẻ bực tức: Nó khôn quá, không thèm đi mày ơi!
Bill lại nhìn tôi. Lần thứ ba, ánh mắt của người đàn ông ngoại quốc bỗng khiến tôi quay nhanh như trốn chạy, lúc đó, tôi ước gì mặt đất nứt đôi…
Nguồn: Báo Áo Trắng tháng 5-1993
LỜI RU CỦA SÓNG
Buổi sinh hoạt đang vào thời điểm sôi nổi nhất bởi trò chơi đánh bài ăn “hỏi”. Cả bọn xúm nhau, kẻ đứng người ngồi trên tấm bạt dưới gốc dương. Trước mặt là biển, gió lùa qua hàng dương mát rượi thổi tung những mái tóc dài lẫn tóc ngắn. Duy cười sặc sụa và la lớn:
- Ê! Thằng Hoài bù hả? Nghe tao hỏi đây. Có phải tối hôm qua, mày đã âm thầm đứng suốt cơn mưa chờ Mộng Ngọc tới đi ăn chè không?
Mặt Mộng Ngọc ửng hồng trông… xinh tệ! “Đương kim hoa hậu” đấm mạnh vào vai Duy. Cả bọn ré lên cười trước một “bí mật” của tập thể nam phòng 015 vừa bị phanh phui.
Tôi đứng dậy và bỏ đi về phía ghềnh đá. Đuổi theo sau lưng là những câu nói bỡn cợt của băng “Tam công tử”.
- Rồi, nàng đã dời gót ngọc khỏi chốn trần ai ô uế này!
- Trở lại đi Quỳnh Mai ơi! Kẻo có con sóng nào chồm lên kéo em về bái kiến Long Vương thì anh đây chắc cũng sẽ… tự tử theo liền! Phải không Hoàng?
Liên vừa xuống xề câu cãi… lộn, một trận cười liền nổ tung như pháo. Tôi chẳng thèm quay lại đối đáp làm chi cho mỏi miệng, lặng lẽ tiến dần ra khỏi khu vực cắm trại.
Bãi biển trải dài xa tít tắp, màu cát vàng lắp lóa sáng rực trong nắng. Tôi khoan khoái cúi xuống cởi bỏ đôi sandal vướng víu. Bãi cát e dè đón bàn chân trần bằng những cái đâm nhoi nhói nóng. Bước sâu vào cát, bỗng có cảm giác được ve vuốt bởi những tinh thể mịn màng.
Tôi ngẩng đầu hứng lấy ngọn gió mát lạnh từ ngoài khơi thổi vào. Trên mặt biển, sóng dập dờn chơi trò cút bắt. Đuổi nhau đến mệt nhoài, sóng lại ập vào nhau, thân ái kết thành những tấm thảm trắng xóa tựa bông gòn, lững lờ trôi với một âm thanh rì rào êm ả. Tôi ngại ngần bước xuống mé nước, lập tức, sóng ập vào cuốn lấy đôi chân khiến tôi loạng choạng suýt té. Hoảng hồn, tôi nhảy vọt lên bờ khiến những chú dã tràng đang gò lưng xe cát bỏ chạy tán loạn. Có chú can đảm hơn, dừng lại giương đôi mắt tròn xoe nhìn tôi, trong mắt chú là một sự ngạc nhiên cực độ. Điều đó bỗng làm tôi tức cười kinh khủng. Tôi bật cười nắc nẻ như một con nhỏ… khùng. Và trong cơn hưng phấn ấy, tôi chạy ào xuống biển, lao mình ra giữa làn nước trong xanh. Những tấm thảm bông gòn bỗng chốc vỡ òa ra thành trăm con sóng nhỏ, chạy lô xô trên mặt biển, thân ái vỗ nhè nhẹ vào người tôi, nghịch tung mái tóc dài.
Sóng rì rào nói khẽ bên tai tôi: “Nhỏ đừng thèm buồn những chuyện vẩn vơ nữa. Cứ rong chơi với sóng, chẳng mấy chốc, những muộn phiền sẽ trôi tít ngoài biển khơi. Nhỏ nhé!” Tôi nheo mắt, cười to với sóng và… uống ngay một ngụm nước mặn chát! Rồi lại cười một mình cho sự ngốc nghếch của mình, cứ thế, tôi và sóng đuổi nhau trên mặt biển xanh ngắt đến mệt nhoài. Khi đôi chân đã mỏi nhừ, rời rã, tôi liền bơi ngược vào bờ, dựa lưng vào một gốc dương và tận hưởng làn gió tanh nồng hương biển đang nhẹ nhàng sấy khô mái tóc rối.
Phía trại của lớp văn, cả bọn đang quây thành vòng tròn. Có tiếng đàn guitare bập bùng trong gió… Hình như quyện lấy tiếng đàn là giọng hát trầm ấm một thời luôn tràn ngập trong căn phòng của tôi thuở còn ở Ký túc xá “… Những vòng tay yêu dấu đã xa rời, như con tàu ra khơi…” Tôi nhẹ thở dài, quay đầu nhìn ra biển. Phía xa xa, thấp thoáng những cánh buồm màu nâu đang dập dềnh trên sóng nước. Những hình người di động trên thuyền thật nhỏ bé dưới tầm mắt tôi… Bỗng dưng, tôi nghe nỗi cô đơn dâng tràn trong lồng ngực. Giọt nước mắt nóng hổi rơi nhanh…
Sóng đang rong chơi, ào ạt quay vào bờ, vỗ về an ủi “Mọi chuyện rồi sẽ qua hết thôi mà! Hãy nhắm mắt lại… khi thức dậy, nhỏ sẽ thấy nỗi buồn đang trôi ra khơi. Nghe lời sóng đi nhỏ nhé!”. - Chuột con!
Một bàn tay đặt nhẹ lên vai, tôi mở mắt… Ngọc Lan đang đứng nhìn với ánh mắt tròn vo, dò hỏi:
- Nãy giờ chuột trốn ở đây à?
Giọng Ngọc Lan pha Huế nên rất nhẹ, làm tôi nao lòng nhớ lại ngày xưa, Hoàng cũng hay gọi tôi là “chuột” với chất giọng nhẹ nhàng như thế…
- Báo hại người ta tìm muốn chết. Giọng Lan đượm vẻ trách móc. Tôi mỉm cười:
- Tội nghiệp chưa? Thôi đền Lan con ốc nè. Tôi đưa Lan chiếc vỏ ốc trắng xóa, óng ánh những vân màu tím sẫm. Con nhỏ thích chí săm soi, nghiêng ngó dưới đủ góc độ rồi kéo tay tôi:
- Thôi, về trại đi, chiều rồi.
Tôi lười biếng đứng lên theo Lan, luyến tiếc nhìn lại biển. Chiều đang xuống. Ánh nắng nhạt màu phản chiếu lung linh trên mặt biển. Sóng gợn lăn tăn xô nhẹ vào bãi cát. Những chú hải âu chao liệng trên mặt biển, ríu rít kể cho nhau nghe về chuyến du khảo trong một ngày qua…
- Ý da!
Mãi nhìn ra biển, tôi suýt đâm sầm vào một người vừa bước ra từ hàng dương nếu Ngọc Lan không kịp thời kéo tôi dừng lại. Tôi ngước lên… và nghe trái tim mình khẽ chao nghiêng… Hoàng đứng yên với nụ cười gượng gạo. Bên cạnh Hoàng là một cô gái cắt tóc tém với nước da rám nắng, giương mắt sổ sàng nhìn chúng tôi.
- Lan với… Mai đi dạo về hả?
Hoàng ngập ngường lên tiếng trước. Ngọc Lan nhạt nhẽo:
- Ờ.
Rồi kéo tay tôi đi dọc theo bờ biển. Cố nén nhịp tim đập nhanh, tôi hỏi Lan:
- “Quí nương” nào đi với ổng dzậy?
- Ngô – em gái Giang đó. Hai người mới kết model sau vụ Hoàng bị bồ con nhỏ bán café dạy cho biết “thế nào là lễ độ”. Quỳnh Mai không hay sao?
Tôi lắc đầu:
- Lâu rồi Mai chẳng ghé ký túc xá. Trông hai người cũng “xứng đôi” quá chứ.
- Người ta nói “nồi nào úp vung đó” cũng phải. Cỡ Hoàng thì chỉ có “cái nắp vung” đó mới vừa thôi. Không hiểu sao ngày trước Mai lại chơi với hắn được à?
Giọng Lan ngân cao. Tôi nghe như những gai nhọn đâm nhói tim mình, nhưng cố nhún vai cười nhỏ:
- Có trời mới biết!
Phía sau, giọng cô gái đi cùng Hoàng trỗi lên nũng nịu:
- Anh Hoàng! Đuổi mấy con dã tràng này đi coi. Trông gớm quá hà!
Ngọc Lan bĩu môi:
- Dân miền biển mà bày đặt “giả nai”!
Nhỏ bóp chặt tay tôi. Tôi tránh ánh mắt đầy vẻ cảm thông của Ngọc Lan và bước nhẹ xuống mép nước. Sóng lao xao vỗ dồn dập vào đôi chân trần hát tiếp khúc ru ngàn đời của biển khơi. “Buồn làm quái gì với loại người đó hở nhỏ. Cuộc sống này vẫn còn nhiều niềm vui dành cho nhỏ mà? Hãy ngẫng đầu lên đón nhận những niềm vui đó. Nghe lời sóng đi, nhỏ nhé!”.
Tôi ngồi xuống, lùa hai bàn tay hứng lấy ngọn sóng trắng xóa, vuốt nhẹ lên mặt mình để lau nhanh một giọt nước ngu ngơ sắp tràn ra khỏi khóe mắt. Rồi đứng dậy, mỉm cười với sóng, tôi bước những bước dài, vững chãi, thản nhiên đi về trại. Sóng dịu dàng vỗ nhẹ vào chân tôi, nói lời từ giã và nhẹ nhàng rời xa bãi cát, tiếp tục cuộc viễn du với những khúc ca rì rào không dứt…
(ĐHTH tháng 7-1993)
Nguồn: báo Áo Trắng tháng 7-1993
NGÀNH CHẾT ĐÓI
Buổi sáng đến trường chờ coi điểm, một người bạn lớp Thư viện đã hỏi tôi rằng dạo này học Anh văn đến đâu rồi. Khi nghe tôi trả lời đã nghỉ học từ… khuya, anh tròn mắt tỏ vẻ ngạc nhiên ghê gớm “ủa! rồi định làm gì khi ra trường đây?” Tôi đùa: “Làm nhà báo. Hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng đều được cả”. Anh bật cười và khoe đang học thêm vi tính để dễ xin việc làm vì “nghe nói hiện giờ, mấy công ty lớn đều có phòng vi tính”.
Lời anh nói gợi tôi nhớ đến ngày xưa, khi đám bạn thời trung học lao xao nộp đơn thi đại học với khẩu hiệu “nhất Y nhì Dược tạm được Bách Khoa”, tôi lại nộp đơn thi vô trường Đại học Tổng hợp. Lúc ấy, tôi chưa hề nghĩ rằng sau này ra trường sẽ làm gì, mà chỉ bị thôi thúc bởi ước muốn từ một bài hát cũ “Mỗi lần qua Văn Khoa…”.
Khi có tin thi đậu, chị tôi liền làm một bài toán cấp tốc (chẳng hổ danh kế toán chút nào) về tiền của, thời gian bốn năm, tôi phải xài bao nhiêu là giấy mực, mài hết… bao nhiêu là áo quần! Và chị khuyên tôi đừng nên học, để “đầu tư” cho việc học sinh ngữ và lái xe. Nhưng tôi đã kiên quyết chối từ vì rất muốn làm “người em Văn Khoa” – thử coi ra sao cho biết!.
Đầu năm học thứ hai, nhân lúc tôi sững sờ nhìn người yêu lao như tên bắn theo các bóng hồng với những toan tính đời thường – như phần lớn con trai lớp văn, chị tôi lặp lại lời khuyên cũ nhưng tôi vẫn bướng bỉnh lắc đầu, chị tôi trợn mắt hỏi theo học cái “ngành chết đói” đó làm gì? Để ra trường làm giáo viên hả? Làm cái “nghề chết đói” đó lấy gì mà ăn? Hay muốn làm nhà báo cho “chúng” đánh “tơi đầu”? Ngừng một chút, chị lại cười khẩy “hay mi muốn là nhà văn nổi tiếng?”.
Thắm thoát, nay đã là năm học cuối. Tôi và hơn bốn mươi người bạn sẽ giã từ ngôi trường này. Lúc đó, ai sẽ đi đâu? Và ai sẽ ở lại thành phố này theo diện… kết model? Những cuộc tình chớp nhoáng còn hơn… Thiên lôi giáng sẽ về đâu? Và tôi – cũng như những người bạn của tôi – với mảnh bằng trong tay sẽ nhận công việc gì? Có phải chúng tôi đã lầm lẫn, chọn lấy cái “ngành chết đói” này thì mai sau, chúng tôi phải những “nghề chết đói” không?
(ĐHTH - Báo AT tháng 10/1993)
MÙA XUÂN ÊM ĐỀM
Tôi khoan khoái bước ra khu vườn nhỏ phía trước nhà. Cội mai già đã được tỉa lá sạch sẽ, vươn những cành dài màu nâu, chi chít những búp xanh căng tròn, rung rinh trước gió. Phía bên kia, giàn mướp trĩu quả, đung đưa nhè nhẹ. Vài chú ong bầu vo ve bay lượn. Dưới ao, đàn cá hường tung tăng bơi lội, thỉnh thoảng chúng ngoi lên đớp những bọt nước khiến mặt nước xao động, chao nghiêng thành cơn sóng nhỏ…
- Quỳnh Mai à!
Có tiếng mẹ gọi to. Tôi chạy nhanh vào nhà.
- Dạ, mẹ kêu con chi?
- Hôm nay làm mứt được rồi đó. Mẹ đang ngồi giữa bộn bề củ cải trắng, cà rốt và củ kiệu, đáp. Tôi cười, sà xuống bên mẹ.
- Năm nay con ráng làm ngon hết sẩy cho mẹ “thưởng thức” nghe?
- Thôi đi cô. Mẹ cười móm mém – Mẹ đâu có ăn mứt dừa được.
- À! – Tôi thất vọng – Vậy con không thèm làm chi cho mệt. Đợi chừng nào mẹ trồng răng giả rồi con làm.
- Bậy nè. Mẹ không ăn thì anh, chị mày ăn. Chẳng biết năm nay tụi nó có về đông đủ hay không? – Mặt mẹ chợt xa xăm, tôi nhìn đôi vai gầy của mẹ và cảm thấy nao lòng… Ngoài kia, nắng vàng đang xôn xao đùa giỡn trên tàn cây xanh, ôi, nắng quá vô tư… Tiếng cười nói lao xao hòa trong tiếng pháo đì đùng khiến tôi giật mình tỉnh giấc và lười biếng nằm yên đưa mắt nhìn xung quanh. Hai nhỏ em gái xúng xính trong bộ đồ màu hồng nhạt. Mỗi đứa cầm một nén nhang đang cháy đỏ cùng một phong pháo chuột chạy lăng xăng theo anh Hùng. Trên tay anh Hùng là một phong pháo đại, và kìa – Anh giật lấy nén nhang trên tay bé Hoàng Mai, rứt lấy một viên pháo và châm lửa… Tôi hoảng hồn nhắm tít mắt lại… xì… xì… và… lặng thinh. Thì ra viên pháo lép…
- Giờ này mà mi vẫn còn nằm ườn ra đó à? Có tiếng guốc khua lộc cộc, cùng với tiếng chị Tuyết Mai kêu to. Tôi ngoảnh lại nhìn chị, ô kìa! Mắt xanh, môi đỏ, má hồng, sao giống… hát bội quá!
- Sáng nay chị hát… cho đoàn nào vậy?
- Cái gì? Chị Tuyết Mai hét to và nhào tới, tôi nhảy vội xuống giường và biến nhanh ra nhà sau…
Khi tôi xúng xính trong bộ đồng phục với hai nhỏ em và lúc lắc hai chùm tóc đi lên nhà trên thì mọi người đã tề tựu đông đủ. Thấy tôi, anh Hùng hét:
- A, con yêu nhền nhện thứ bảy đã dậy rồi.
Chị Tuyết Mai trề môi:
- Không chịu thoa ít phấn để lát nữa chụp hình, quê một cục.
Hai nhỏ em nhảy tới, nắm lấy hai rẻo tóc, tôi la oai oái:
- Ê, mồng một mà nắm đầu tao, suốt năm ăn hiếp tao chịu gì nổi!
Mọi người cười xòa. Mẹ bước tới sửa lại cành mai chưng trên bàn tiếp khách. Trên bàn thờ, khói trầm hương vờn bay trên bình hoa vạn thọ vàng tươi, nhẹ nhàng đáp xuống cặp dưa hấu đen bóng. Ba trang nghiêm với cặp kính trắng ngồi cạnh cửa sổ, đưa mắt hiền từ nhìn chúng tôi.
- Ba mẹ ơi! Tới giờ lì xì chưa vậy?
Bé Hoàng Mai ngây thơ hỏi to. Nhỏ Bạch Mai liền phụ họa:
- Con đề nghị lì xì từ nhỏ đến lớn và từ nhiều đến ít.
Chị Tuyết Mai nguýt dài:
- Xí, tụi ta lỗ hả? Không chịu đâu!
Thấy sắp sửa có chiến tranh… miệng, ba vội dàn hòa:
- Trước hết các con phải mừng tuổi ngoại đã, phải không mẹ nó?
Mẹ gật đầu, cười thật tươi. Vậy là chị Tuyết Mai đi trước, cả bọn rồng rắn, ồn ào nối đuôi theo sau chị đi qua nhà ngoại, cách đó một con xẻo nhỏ. Ra khỏi cổng, tôi quay lại nhìn. Ba mẹ đang ngồi yên nhìn theo với nụ cười sung sướng, tôi nhảy chân sáo, chạy lon ton theo mọi người đã qua hết cây cầu khỉ. Nắng sáng thật ấm, mai vàng hé nở trên cây, hoa anh đào tím nhạt lả tả rơi nhẹ xuống tóc. Ven đường, cây mận sai oằn e ấp lay động, những chùm quả mọng đỏ khẽ rung rinh… Nghe đâu đây, tiếng pháo nổ đì đùng. Ôi! Mùa xuân ở thôn quê êm đềm xiết bao…
(Văn hóa - Văn nghệ Cái Bè số 28, xuân 1994)
Không chờ mong lời giải đáp
Không ngờ cái buổi sáng trời giăng mù mịt một màn nước trắng xóa ấy lại là khởi đầu cho tình yêu của tôi và Hoàng. Con đường quanh co nối giữa khu ký túc xá với giảng đường bỗng chốc hóa thành một con sông ngập đầy nước buốt lạnh. Dù xanh, dù đỏ, áo mưa đen, vàng nhấp nhô thật vui mắt. Hoàng đứng co ro dưới một mái hiên của quán nhỏ ven đường, vẫy tôi xin đi nhờ đến trường. Hai đứa xuất hiện trước “bàn dân thiên hạ” với hai mái đầu ướt sũng, gương mặt bám đầy nước mưa, mặc kệ những đôi môi mở tròn một chữ “a” ngạc nhiên cực độ, phớt lờ cả “những đôi mắt mang hình viên đạn” của mấy nàng chung lớp vốn dành nhiều ưu ái cho Hoàng – tên con trai kênh kiệu nhất lớp!
Năm học đầu tiên trôi qua với trăm điều buồn, vui, hờn giận trẻ con. Hai đứa hay ngồi đếm sao trong những cơn gió lạnh đến rùng mình như muốn đẩy xa giọng ca ấm áp của Hoàng: Bầu trời nhiều sao sáng đêm nay, nhiều như những gì mình đã có… Cứ ngỡ rằng chuyện tình trẻ con ấy sẽ mãi mãi bền lâu…
Nhưng sau thời gian nghỉ hè, mọi chuyện bắt đầu thay đổi. Hoàng siêng đến những quán cà phê đầy tiếng nhạc hơn đến lớp, mải mê với những buổi rong chơi bất tận với lũ con trai lúc nào cũng xem Hoàng là “cây đinh”. Còn tôi – đứa con gái cao ngạo đầy tự ái – cũng đã đứng im, mím môi nhìn Hoàng trượt dài vào những cuộc vui. Vết rạn mong manh giữa hai đứa bỗng chốc hóa thành một đại dương mà bập bềnh trong đó là những lời giải thích mập mờ của Hoàng về một tương lai xa lắc, kèm theo những giọt nước mắt ngu ngơ của tôi. Rồi từ đó, tôi và Hoàng vĩnh viễn hóa thành mặt trăng – mặt trời cùng tồn tại trong một vũ trụ thật nhỏ nhoi: lớp học.
… Bây giờ, trong cái vòng quay tấp nập của cuộc sống, tôi và Hoàng thỉnh thoảng chạm mặt nhau, rồi thản nhiên quay đi một cách dửng dưng như chưa từng quen nhau. Biết làm sao hơn khi cái đại dương mênh mông ngày nào không hề được thu hẹp lại và chuyện “biển hóa nương dâu” là điều không tưởng… Trong những lần gặp lại bạn bè cũ, tôi vẫn phải để lọt vào tai những thông tin mới nhất về sự thành đạt của Hoàng trong mọi lĩnh vực (nhất là chuyện tình yêu). Còn tôi, sau bao năm tưởng đã bão hòa với những buồn, vui, thất vọng đan xen nhau thành một mớ rối tung rối mù, vậy mà trong những đêm bất chợt nhìn sao rắc vàng trên nền trời đen thẫm, vẫn ngỡ ngàng lầm thầm trong tâm trí: “Bầu trời nhiều sao sáng đêm nay, nhiều như những gì mình đã có hay đã mất?”
Chẳng biết có bao giờ Hoàng chợt nghĩ đến điều này khi cùng các cô gái khác rong ruổi trên phố?
(Báo NLĐ – Tháng 12/1996)
Chuối khô khèo
Có lẽ so với các loại bánh kẹo đang tràn ngập trên thị trường hiện nay thì chuối khô khèo chỉ là một loại kẹo mang cái tên “quê mùa” và lạ lẫm, ít được biết đến. Nhưng, để làm được chuối khô khèo thật không đơn giản chút nào. Chính vì vậy mà chuối khô khèo chỉ được làm để dùng trong các dịp lễ, tết hoặc đám cưới, đám hỏi ở một số làng quê thuộc miền Tây Nam bộ mà thôi.
Đầu tiên, bạn phải chọn những trái chuối xiêm chín mùi, lột bỏ vỏ và ép mỏng rồi xếp vào một cái nia to phơi chừng một nắng. Khi chuối khô, mang vào xắt sợi thật nhuyễn. Lựa khoảng vài ba củ gừng mập mạp cạo vỏ, rửa sạch và xắt như chuối. Sau đó, lấy một trái dừa rám nạo lấy phần cơm trắng và trộn chung dừa, chuối, gừng cân nặng tổng cộng một ký. Kế đến bạn cân đúng một ký đường thùng (loại ngon nhất có màu vàng óng) đem nấu sôi, lược bỏ các tạp chất rồi cho tất cả đường, dừa, chuối, gừng vào một cái chảo to, chụm lửa riu riu và nhanh tay đảo thật đều, không được để khét hoặc dính chảo.
Trong quá trình làm chuối khô khèo, đây là giai đoạn cực nhất vì bạn phải đứng đảo liền tay trong khoảng một giờ đồng hồ. Khi nhìn thấy đường trong chảo bắt đầu kéo chỉ thì bạn dừng tay lại và nhanh chóng đổ khối đặc sệt này ra một cái mâm, trên có lót sẵn một tàu lá chuối đã thoa dầu dừa láng mướt, có rắc mè, đậu phọng rang đâm sơ. Khi rờ tay vào kẹo – bây giờ đã trở nên đẹp mắt với đậu, mè chi chít trên một nền vàng nâu – thấy âm ấm thì lấy ra xắt thành từng khúc dài có bề rộng chừng 2cm rồi xắt lại từng miếng lớn, nhỏ, hình chữ nhật hoặc hình vuông theo ý thích. Bạn cũng nên lưu ý đừng để nguội quá đường khô cứng lại sẽ rất khó xắt.
Mỗi khi làm xong, mẹ tôi thường cho kẹo vào một keo thủy tinh to, đậy kín lại để thưởng thức lúc uống trà. Còn khi đi đám tiệc, mẹ xếp đầy một quả hoặc khi gửi biếu họ hàng gần xa thì gói từng viên vào giấy kiếng xanh, đỏ cho đẹp.
Ăn một miếng chuối khô khèo, dường như có cả vị ngọt của đường, chuối hòa với vị cay nồng ấm của gừng cùng vị béo của dừa và giòn thơm của đậu, mè. Nhưng, ngọt ngào và ấm áp hơn cả có lẽ chính là tấm lòng của mẹ dành cho chúng tôi khi làm món ăn đậm đà tình thương yêu ấy.
Chuối quết dừa
Kể từ khi xuất hiện trên AT tháng 5-1992 với món ăn bình dân mà vô cùng hấp dẫn cho cả “mày râu” lẫn “kẹp tóc” là xoài tượng mắm đường đến nay, tôi cứ mải bận rộn với những lo toan đời thường mà quên khuấy đi cái nghiệp… ăn uống vốn dĩ là một trong những “tứ khoái” của thiên hạ, thật là sai sót biết chừng nào! Hôm qua, nhân dịp về một làng nhỏ hiền hòa nằm bên bờ sông Tiền lộng gió, chúng tôi có dịp thưởng thức một món ăn hoàn toàn “cây nhà lá vườn” và đậm đà hương vị đồng quê đến nỗi khi lên xe trở về, ai nấy cũng chắc lưỡi hít hà khen ngon quá xá. Đó là món ăn mà ngoại tôi gọi đơn giản là chuối quết dừa.
Bởi mảnh vườn xum xuê cây trái ngày nào chỉ còn trong… ký ức nên sau một hồi dạo bước tới lui, chúng tôi bèn hạ độc thủ một quày chuối xiêm già mập ú nơi góc vườn, dự định mang về để dành chín ăn cho đỡ buồn. Ai ngờ mang vào đến nhà, chỉ cần cắt lấy nải chót xấu xí kia cùng hai nải kế đó và theo sự chỉ dạy của ngoại là chúng tôi chế biến được một món ăn “tuyệt cú mèo”. Đầu tiên, lấy một thau nước to, vắt vào mấy trái khế chua rồi xẻ đôi trái chuối theo chiều dọc và tách bỏ vỏ ngâm ruột vào nước cho trắng. Xong rửa sạch mủ, vớt ra rửa lại cho thật sạch. Cho chuối vô nồi nấu đến khi sôi, mở nắp nhìn thấy ruột chuối chuyển sang màu vàng và hương thơm bay bát ngát. (Nhưng tốt hơn bạn nên ăn thử một mẩu nhỏ xem có còn chát hay không). Vớt chuối ra cho ráo nước. Lúc này, nhìn những miếng chuối thơm ngát vàng lườm cũng đã hấp dẫn lắm rồi nhưng xin bạn hãy thư thả cho ít phút nữa để nạo thêm một trái dừa rám rồi cho lẫn chuối và dừa vào cối giã sơ qua (chú ý đừng để chuối nát quá).
Bây giờ, ai rảnh tay hãy trổ tài pha nước mắm bằng chanh, tỏi ớt cùng nước dừa xiêm sao cho chua chua, mằn mặn mà lại có vị ngọt thanh. Các “huynh đệ” khác thì chuẩn bị rau sống có sẵn trong vườn nhà như đọt săng máu, đọt điều, càng cua, rau má cùng dấp cá, húng lủi, ngò gai… nói chung tất cả các loại rau mọc trong vườn nhà đều có thể dùng được cả. Để món ăn thêm hấp dẫn, có thể rắc lên mặt dĩa chuối quết dừa một ít đậu phộng rang vàng giã to. Và cuối cùng, một ít rau đủ loại để lên miếng bánh tráng, kèm một ít nhân là chuối quết dừa chấm nước mắm chua ngọt, ngồi ăn trong một gian nhà lá bên bờ sông vắng lặng vào một buổi trưa đầy gió mát, dịu dàng hương bưởi, hương cau thì có lẽ chẳng có cao lương mỹ vị nào có thể sánh bằng, phải không các bạn?
(Áo Trắng bộ mới số 4 – 15/4/2000)
Cha tôi
Theo lời kể của ngoại tôi thì cuộc tình duyên giữa cha và mẹ cũng êm ả và thơ mộng lắm. Sở dĩ ngoại ưng thuận gả mẹ khi cha vừa cầu hôn bởi những năm 56, 57 đồng lương công chức của cha đủ để gầy dựng một tổ ấm nho nhỏ. Hơn nữa, cái câu hát “Bướm vàng đậu trái mù u, lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn” dường như không mảy may xao động lòng ngoại… Bởi thế, mẹ tôi đành giã từ đèn sách để nâng khăn sửa túi cho cha khi bà vừa tròn 17 tuổi – bằng tuổi nhỏ út hay nhõng nhẽo bây giờ…
Tôi còn nhớ những năm mới giải phóng, cha đưa cả gia đình về nương nhờ quê ngoại. Với nghề xây dựng cầu đường, cha rong ruổi từ Trảng Bàng qua Dầu Tiếng rồi lên tận khu kinh tế mới Lâm Đồng. Vài ba tháng một lần cha mới về thăm nhà. Ngày đó, mỗi lần vừa nhác thấy bóng cha bước qua cây cầu dừa bắc ngang con xẻo nhỏ là chị em chúng tôi bỏ ngay việc nghịch ngợm, reo hò ầm ĩ đón cha. Có năm, gặp lúc Trung thu, cha mua cho mỗi đứa một cái bánh hình chú heo con thật ngộ nghĩnh. Sự chăm sóc và bảo ban của cha qua những lá thư gởi cho mẹ thành ra quá xa vời đối với chúng tôi.
Dường như càng ngày khoảng cách giữa cha – con càng xa. Cho đến một hôm, chúng tôi đã thực sự lớn hẳn khi đón cha bằng những câu chào hỏi thông thường thay cho sự reo hò khi xưa. Thế nhưng cha vẫn vô tình không nhận thấy sự đổi thay lớn lao này. Cha vẫn đi loanh quanh vườn nhà, đọc sách, thăm hỏi bà con chòm xóm… rồi lại bắt đầu những chuỗi ngày biền biệt nơi phương xa…
Giờ đây, cha về nghỉ hưu với một số tiền khiêm tốn, cùng ít quà kỷ niệm của đơn vị và hàng đống tài liệu mà ông đã tìm tòi trong hàng chục năm qua. Trong suy nghĩ và nhận thức của lũ con đã trưởng thành, vật lộn với những vòng quay nghiệt ngã của thời buổi “kinh tế thị trường”, thì cha đã trở về với hai bàn tay trắng. Đôi lúc, chúng tôi còn thầm trách cha sao chẳng thức thời như các bạn đồng nghiệp. Chỉ cần viết sai vài con số khi thực hiện các công trình là họ đã xây được nhà, sắm được xe. Còn cha thì suốt đời vẫn cần mẫn, liêm chính bất chấp cái nghèo vẫn bám sát sau lưng. Hàng tuần, cha vẫn cọc cà cọc cạch trên chiếc xe đạp cũ kỹ đến thăm bạn bè hoặc ghé qua các công trình cha đã thi công xem có sự thay đổi nào? Nhìn cha vẫn thanh thản trong cuộc sống đầy ắp bon chen này, lắm lúc trong tôi chợt dâng lên niềm tự hào: Cha quả là một con người liêm khiết nhất.
Nguồn: Báo Áo Trắng – Tháng /1996
Vẫy tay ngậm ngùi
Ba mươi ngày trôi qua như một giấc mơ mà phần mộng mị dường như ngập tràn hơn phân nửa. Với tờ quyết định giấy trắng mực đen, thoắt cái tôi nghiễm nhiên trở thành một “nhân viên văn phòng” suốt ngày làm bạn cùng Anh văn, vi tính. Giấc mộng văn chương ngày nào đã tan thành khói mây…
Nhiều hôm ngồi dịch một tờ fax của khách hàng, chợt nhói lòng ước chi có phép mầu để biến tờ giấy đầy những câu chữ thương mại kia thành một đoản văn, tùy bút, hay truyện ngắn để tha hồ đọc, tha hồ sống với những từ ngữ thấm đẫm chất văn chương…
Vài tập thơ, bài báo cất trong ngăn kéo, lâu lâu giở ra nhìn lướt một vài trang… Chợt một hôm nghe lòng mình hụt hẫng, khi cố nhớ vẫn không sao đọc hết một bài thơ – bài thơ mà dạo nào tôi đã thuộc nằm lòng đến từng dấu chấm, dấu phẩy.
Rồi hằng ngày giở vội tờ báo quen, vẫn dừng lại thật lâu trước những tên bạn bè cùng trường, cùng lớp (danh từ phóng viên giờ đây sao mà “oai” đến lạ - mà cũng xa xôi biết chừng nào!). Ngày qua ngày tôi vẫn đến công ty, tập thói quen ăn thật nhanh để dư giờ… đi ngủ. Nhét vào đầu những thông tin hàng hóa, nhưng lại vỗ về tìm những lời hứa dịu dàng: hẹn một ngày nhất định sẽ trở lại với văn chương!
Nguồn: Báo Tuổi trẻ – Ngày 18/3/1997
Nỗi niềm riêng
(Tặng những người học văn chương nhưng phải sống bằng nghề khác)
Trong sự tình cờ ngẫu nhiên, bài viết ngắn mà chủ nhân của nó đánh lén trên máy vi tính có người phát hiện. Tin tức lan truyền một cách vu vơ khi thấy bài viết này nằm trên trang báo. Có lẽ sự ngạc nhiên ấy sẽ dễ dàng trôi vào lãng quên nếu không có lần xuất hiện thứ hai…
Sau những giây phút ngỡ ngàng cảm động, tác giả lập tức nhận được một số đóng góp, phê bình. Nào là “lãng mạn tiêu cực”, “mất quan điểm nghề nghiệp”… cùng hàng chục lời bình luận khác nhau…
Dẫu biết rằng trong cuộc sống hiện giờ, miệt mài lao vào học Anh văn, vi tính, quản trị kinh doanh để dễ dàng hội nhập với thế giới mới là thời thượng. Nhưng dù có khắt khe, có chai sạn đến độ nào đi nữa, xin hãy đừng quên những trường hợp ngoại lệ. Và một ngày nào tạm gác đi những toan tính đời thường, dừng chân trước ngưỡng cửa văn chương, chắc bạn sẽ dễ dàng cảm thông với những người đã trót đắm mình trong cái bí ẩn vô cùng của chữ nghĩa, của tri thức…
Đâu rồi tình thân?
(Gửi P.L – B.M.T.)
Cái thuở cả lũ tụi mình ríu rít như chim, nghịch như quỉ sứ đã xa tít mù rồi nhỏ ạ! Không biết bây giờ, ở cái xứ cao nguyên đất đỏ mà ngày trước nhỏ thường kêu là “buồn muôn thuở” đó, cặm cụi với công việc của một điện thoại viên, nhỏ có còn nhớ những sáng rộn ràng nơi hành lang giảng đường, tụi mình chào nhau bằng những cái nháy mắt nghịch ngợm, những nụ cười không chút vụ lợi và cả những ngôn từ chỉ có… sinh viên mới dùng mà thôi?
Chắc nhỏ không ngờ rằng ta giờ đây hệt một kẻ lạc vào ngõ khác. Hằng ngày đến nơi làm việc, hòa trong cái vẻ vội vàng của những người chung quanh, làm phần việc của mình, rồi ra về. Lời chào khách sáo lâu ngày dẹp bỏ, thay cho nụ cười xã giao. Có hôm mang nỗi buồn giận từ trong giấc mơ đêm trước đến văn phòng, quẳng luôn nụ cười vào sọt rác…
Ngày xưa, trong giảng đường mênh mông thế mà tụi mình vẫn có tình thân. Giờ đây, cái không gian nhỏ hẹp này chỉ có tiếng máy lạnh rì rì, tiếng lách cách của bàn phím và tiếng chuông điện thoại réo từng hồi cùng những ánh mắt ơ thờ… Cũng may là ta vẫn còn chút lãng mạn của ngày nào để viết những dòng này cho nhỏ.
Tuổi trẻ 21/5/1997
Xa rồi… hạ ơi!
Những cơn nắng hanh hao của mùa hạ trắng như màu sóng, vàng như màu cát và xanh như sóng nước trùng dương, lại có khi chợt trốn vào mây, gọi những cơn mưa về thăm phố cũ. Phố cũ có dãy nhà lâu năm với mái ngói nghiêng nghiêng, có gốc phượng già cằn cỗi thường trổ hoa đỏ rực cả một góc trời, và có lũ học trò rộn ràng mơ ước về một khung trời tuổi trẻ với những cuộc vui dậy trời. Hạ của ngày xưa là một cánh võng đu đưa giữa vườn trái cây trĩu quả, là một buổi trưa vẫy vùng giữa biển Vũng Tàu xanh trong, là một đêm bó gối nơi hàng hiên của căn nhà lá nhỏ ở ngoại thành, ngắm những vì sao đi lạc trong đợt chiến dịch ánh sáng văn hóa…
Hạ của ngày nay lại là những chuỗi ngày dài ngồi sau bàn làm việc, nhìn dòng xe cộ tấp nập bên ngoài khung cửa kính, nhìn “những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng” mà ngẩn ngơ buồn vì những ngày xưa sao đã quá xa!... Hạ của ngày nay còn là những hôm trông chờ kỳ lương hằng tháng, nhẩm tính xem với số tiền ấy có thể làm được những gì. Có đủ để làm một chuyến du lịch ngắn ngày? Có mua được những quyển sách nằm đầy ắp trên kệ ngang kệ dọc trong nhà sách hay không?...
Thế mới biết những hoài niệm cũ đôi khi có thể làm hồn ta đau thắt trong nỗi nhớ nhung, luyến tiếc khôn nguôi, nhất là khi ta đã thật sự mất đi điều ấy!
Tuổi trẻ 12-8-1997
Hạ xưa
Trưa ngớt việc ngồi nhìn xuống phố, phố rộn ràng kẻ lại người qua. Cây phượng già bên kia đường sao rực đỏ những hoa, thắp cháy lòng ta những rộn ràng nuối tiếc…
Thuở đến trường giờ đã quá xa! Giảng đường, bảng đen ngày nào chỉ còn là hoài niệm. Ta nhớ làm sao mùa hè năm thứ nhất, cả lớp lên đường đến những vùng sâu. Cuối buổi dạy trời đổ mưa rả rích, mình tựa vai nhau ngồi đếm những giọt buồn. Đêm ngoại thành chỉ có rổ khoai môn, vẫn ấm lòng các chàng trai, cô gái… để ngày chia tay cứ mãi bùi ngùi…
Hạ của ngày xưa có quá nhiều kỷ niệm. Bạn giờ đây có giữ được chút nào? Hay giờ đây bạn cũng như ta, như những kẻ đã qua thời mực tím. Ngày qua ngày ngồi sau khung cửa kính, nhìn phượng bay, nhìn nắng đượm thật vàng. Chiều tan tầm về ngang qua lối cũ, lòng lại bảo lòng hãy nhớ đến hạ xưa!
Báo Mực Tím - Ngày 13/8/1997
Thạch Tâm
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tập truyện ngắn Thạch Tâm

Tập truyện ngắn Thạch Tâm CÁI BÈ - QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU Nằm cách Sài Gòn khoảng hơn 100Km có một làng quê yên tĩnh suốt bốn mù...