Cà
phê … Mưa. một tản văn hay! Ta nghe nhịp thời gian chậm rãi như giọt cà
phê sánh lại, lớn dần lên trong cảm xúc. Trong nhịp sống hiện đại cần lắm những
phút thư giản để đối diện với lòng mình và lắng nghe cuộc sống, “biết đừng nghĩ
suy quá vội, đừng sống quá vội, vẫn còn đó những ước mơ đẹp đẽ khác để ta theo
đuổi”, biết thưởng thức những giá trị nhân văn đích thực trong đời thường. Sống
với tinh thần dịu hiền và trái tim nhẹ nhõm ! (Thưởng thức Paul Mauriat –
Love is blue và Đặng Thế Phong, Giọt mưa Thu, đàn bầu Phạm Đức Thành)
CÀ PHÊ … MƯA
Tản văn của Cà phê và Sách
Viết nhân đọc tập tản văn “Cà phê … mưa” của Nhạc sĩ
Dương Thụ
Cà phê – Mưa – Dương Thụ, với
tôi, nếu cộng gộp lại sẽ tạo thành một lời mời gọi vô cùng tự nhiên và quyến
rũ. Vì thế, tôi hoàn toàn “fall in love” tập tản văn này ngay khi gặp trong nhà
sách. Và, như bao lần “ôm” được cuốn sách đúng gu, tôi say sưa nhấm nháp từng
trang, từng trang suốt đêm qua.
Trời ơi, không thể nào diễn tả
được đâu. Cảm giác cuộn mình trong chăn đọc “Cà phê … mưa” vào một đêm mưa giữa
mùa mưa Sài Gòn sao mà giống hệt cảm giác được ngồi thưởng thức một tách cà phê
nâu đậm – sóng sánh – nồng nàn bên người đàn ông mình yêu thương và tin cậy
trong đêm Giáng Sinh ở Đà Lạt. Sự ngây ngất ấy chiếm lĩnh mình một cách dịu
dàng và xao xuyến lạ, từ từ, từng chút một, làm mình khép mắt lại và thả lỏng
bản thân, rồi êm đềm trôi vào cơn mơ nào đó trong tiếng mưa tí tách, rì rào. Và
… lại thấy tâm hồn mình bỗng như một mảnh đất khô cằn cựa mình hồi sinh sau cơn
mưa. Và … những nỗi nhớ nhung biến thành hạt mầm đồng loạt đâm chồi nảy lộc
trên mảnh đất hồi sinh ấy.
Nhưng, “Cà phê … mưa” cũng như
mọi cốc cà phê khác trên đời này, đều để lại vị đắng thật lâu khiến tôi phải
nghĩ ngợi, và day dứt.
Tôi nghĩ ngợi, vì liệu tôi có
thực sự đang sống và được sống một cách đúng nghĩa trong cái thời đại mà theo
cách nói của Dương Thụ là “tất thảy mọi người như đang tham gia vào một cuộc
đua 100m đến cái đích THÀNH ĐẠT”?
Tôi day dứt, vì hình như không
chỉ Dương Thụ biết đừng nghĩ suy quá vội, đừng sống quá vội, vẫn còn đó những
ước mơ đẹp đẽ khác để ta theo đuổi chứ không chỉ có “cuộc đua 100 mét” kia. Tôi
cũng biết điều đó. Và nhiều người khác cũng biết điều đó. Vậy tại sao tất cả
những xói mòn về niềm tin, những mất mát về tình yêu, những giá trị về đạo đức
cứ “chết dần khi còn đang sống” vẫn đang ngày ngày diễn ra trong sự thở than,
nuối tiếc nhưng thờ ơ và bất lực?
VIẾT TRONG MƯA
Trích “Cà phê … mưa” – Dương Thụ
Trích “Cà phê … mưa” – Dương Thụ
Tôi không có áo mưa, nên trốn mưa trong một quán nhỏ.
Cà phê mưa, chỉ có mình tôi cùng dãy bàn im lặng, và
có lẽ cả hàng triệu giọt mưa nữa, ngoài kia. Chúng đang rơi để tạo nên tiếng
đàn mưa, trên mái phố nghèo.
Cô bán quán ngán ngẩm vì trời mưa, nên tắt nhạc. Thế
là thoát nạn. Bây giờ chỉ còn thứ âm nhạc thật sự, thứ âm nhạc tinh khiết của
trời đất: nhạc mưa.
Nhạc mưa có nhiều bè. Tiếng mưa gần xối bên hiên quán
dào dạt, tiếng mưa xa ầm ào mơ hồ, và tiếng mưa rỏ giọt xen vào đếm nhịp trong
chiếc xô nhôm cô chủ quán vừa đem ra hứng nước…
Cả ngày bị cầm tù trong nhạc máy (thứ nhạc được chế
tạo từ các phòng thu tối tân ở Hoa Kỳ mang nhãn hiệu hải ngoại, uốn éo, rên rỉ,
giả vờ yêu, giả vờ đau khổ). Thoát ra khỏi nó không phải là chuyện dễ. Hàng
xóm, hễ cứ mở mắt là mở nhạc, nghe. Nhào ra ngoài đường đâu cũng có nhạc, nghe.
Chui vào quán để làm việc, nghe. Đến nhà bạn, chị vợ tức tốc bật nhạc để khoe
dàn máy xịn, phải nghe! Ôi… cho nên tôi phải thầm cảm ơn mưa. Cái im lặng tuyệt
đỉnh do âm thanh dữ dội của mưa rơi mang lại đã trả cho tôi phút được trở về
mình, được đọng lại cái nội-tâm-người hiếm hoi, vâng, thật hiếm hoi trong thời
buổi khuấy động của âm thanh mưu sinh thường nhật.
Tôi sống một mình và hay nhớ những cái vớ vẩn trong
những lúc mưa như thế này. Nỗi nhớ ấy có tên là Mưa, nó như một bài hát không
lời. Làm sao chuyển dịch được những hạt mưa bé tí vào cái không cùng của tâm
tưởng. Làm sao…?
Có lẽ Paul Mauriat đã
làm được khi ông soạn cho dàn nhạc bản Transparent.
Và “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi…” của Đặng
Thế Phong, có lẽ…
Ta nghe trong những nhạc phẩm ấy nỗi u hoài xa rộng
của kiếp người mang tên Mưa và cái cảm hoài về một thời người tủi nhục mang tên
Mưa…
Vẫn mưa.
Cơn mưa kéo dài làm lạnh cả buổi chiều, khiến tôi phải
thu mình lại trong chiếc áo gió sờn cũ
Mùa thu đến rồi chăng? Kỷ niệm…
Thuở ấy, bạn bè dăm ba người cùng lứa tụ tập trong
quán nước đầu phố. Miếng ni lông che quán không đủ cho cả lũ nên mưa thấm ướt
vai áo, bắn vào mặt mát lạnh, tỉnh người. Chén chè nóng bốc khỏi ủ trong lòng
bàn tay. Khói thuốc lá Tam Đảo bay vào trong mưa, thơm mùi năm tháng cũ. Đãi
đằng nhau một chén nước năm xu, một bài hát ru mới làm, vài câu thơ nhặt nhạnh
được đâu đó. Chia nhau từng mẩu thuốc đen và cả khát vọng dâng hiến cho nghệ
thuật.
Kỷ niệm …
Mưa thì bao giờ cũng thế, không có tuổi, không diện
mạo, không lời lẽ. Còn chúng ta, có được những cái để mà nhớ nhung, để mà nhìn
ngắm, để mà nói, chúng ta già đi mỗi ngày, có khi già đi chỉ sau một cơn mưa
như thế này.
Cô chủ quán lặng lẽ thay chiếc xô đầy nước bằng một
chiếc chậu thật lớn.
Nhưng cơn mưa đã tạnh.
Vậy mà nhạc mưa vẫn còn đó trong tiếng nước mái hiên
rỏ giọt tí tách …
Mưa đi rồi.
Đi xa rồi.
Mưa để tiếng lại …
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét