Bạch Diệp - "Khuấy thinh lặng
trong tách trà màu bạc"
Sau cuối, thơ vẫn là sự trở về với tiếng nói bên trong, với
những nỗi niềm riêng, thật riêng mà ta đã cất giữ cho mình. Cùng với thời gian,
ta biết cách làm thế nào để nói và lắng nghe trong thinh lặng, để sự yên tĩnh
làm đầy tâm hồn. Thơ Bạch Diệp dẫn ta chạm đến biên giới của cái vô ngôn, như
cách chị khuấy thinh lặng trong tách trà màu bạc. Hãy thật khẽ khàng
và riêng tư khi bước vào thế giới thi ca Bạch Diệp. Chỉ cần tâm động, sẽ khó mà
nắm bắt được những cảm xúc tinh tế, mong manh như những sợi tơ sương ấy.
Đọc thơ Bạch Diệp, ta gặp một người phụ nữ duyên dáng và quý phái, hướng nội và
kín đáo, rất kiệm lời. Tôi cứ hình dung, chị khát khao được sẻ chia, được thấu
hiểu, mà lại không thể nào thổ lộ. Hoặc, chị không có thói quen tâm tình. Hơn một
lần, chị viết: Em nói thầm/ người nghe không (Mưa Hà Nội), em
nói thầm/ nhưng thể nào anh cũng biết (Thầm thì). Làm sao người có thể
nghe/ biết, nếu không phải là tương tri. Mà đã là tương tri, sao lời bày tỏ của
Bạch Diệp lại da diết, lại xót xa đến thế. Có cái gì đó rất mâu thuẫn, rất giằng
xé, mà cuối cùng, Bạch Diệp lựa chọn đành lòng vậy, cầm lòng vậy… Bạch Diệp tìm
đến thơ như một sự trải lòng những-im-lặng ấy, đậm đặc đến thành bầu khí quyển: lời
anh thì thầm, bụi cây thì thầm, tiếng gió thì thầm, những bạt ngàn thì thầm, những
lời thì thầm đã hết… và em nghe trong thinh lặng, vầng trán lặng thinh,
nín câm, giọng nói của anh tan cùng đất nâu, sự yên tĩnh, im lặng, ngày anh im
lặng, sự nín lặng, tiếng hát không thành lời, mạch ngầm im lặng… Và đôi khi đến
thành tuyệt vọng: chẳng ai nghe thấy đâu (Đừng nói gì cả); Tôi bện
những vòng dây cuối cùng/ cột mình cùng cô đơn và im lặng (La
pines). Sự im lặng thần thánh trở thành bờ bến nương tựa cứu rỗi. Lời
thì thầm và sự im lặng ấy chính là giọng điệu, là ẩn ức làm nên
tiếng thơ Bạch Diệp.
Lời thì thầm, đó là tiếng đêm - khu vườn của những bí mật
mênh mông, bí mật của vũ trụ và bí mật của muôn loài. Đêm lắng lại mọi ồn ào, nới
rộng và giãn nở mọi đường biên cảm xúc. Chỉ còn lại ta thôi. Mở mắt tràn
bóng tối. Bóng tối vũ trụ và bóng tối cõi lòng. Đêm của Bạch Diệp là đêm ngọt
ngào hay đang cạn dần trong hồi tưởng với những dấu vết của anh.
Đêm của niềm mê muội, nơi nàng nhận biết khuôn mặt anh bằng tay, bằng môi, bằng
hơi thở. Đêm của hỗn loạn nỗi nhớ, nỗi đau. Thinh lặng chỉ là vờ bình yên
thế thôi. Đêm che một ánh nhìn. Hoặc là những đêm đặc và vắng, rộng
và xa, mềm mại hay sắc ngọt như tiếng ai cười đâm thẳng vào tim
em. Đêm sũng nước mắt. Đêm mặn chát. Có khi đêm trống rỗng, đêm
huyền hoặc lấp lánh, nàng khâu những sợi mưa vào bóng tối như những
lời kinh bền bỉ hằng đêm.
Lời thì thầm, đó còn là tiếng yêu, là lời dịu dàng
riêng tư của những người tình. Chỉ cần rất khẽ thôi, hoặc chẳng cần nói gì. Những
người tình hiểu nhau đến từng hơi thở, từng run rẩy, từng rung cảm, như cách lũ
lá chạm vào nhau. Thơ Bạch Diệp dành rất nhiều không gian cho người ấy. Những
lời yêu của mộng ước không thành. Nàng để lại mình đâu đó, nơi có Phố và Anh.
Nàng nhớ mùi hương ấm trà chưa kịp chêm nước, hơi ấm tay anh, khuôn
mặt anh trong bàn tay em, lời anh thì thầm… Nàng không làm sao quên được bởi ngần
ấy năm/ trong ngực một mùi hương điểm chỉ, từng đêm lại đêm/ nàng vẽ khuôn
mặt người/ bằng mười đầu ngón tay của một kẻ mù (Chiếc giày của
Cinderella) … Và tưởng không gì có thể đầy đủ hơn khi nói về nỗi ám ảnh mang
tên Anh: Em độc vũ trong vòng quay không điểm dừng/ người khắc vào mỗi
ngày sáng đêm đen in vào da thịt ngấm vào mạch máu ám dấu mùi vị âm thanh/ chảy
loang một màu xám bạc (Độc thoại) … Nàng nuôi tình yêu bằng nỗi
nhớ, “ăn mình” hằng đêm để được sống lại với tình. Không bắt được nỗi nhớ, chỉ
có xót buồn mênh mông. Nàng gom từng chút một thời gian được kề
cận bên anh: Em yêu anh thêm được một ngày; Yêu anh thêm ngày nữa; Bàn tay
em níu anh không lời (Hà Nội)… Nàng cố thêm chút nữa, sắp hết
thì giờ rồi, nàng nói. Em biết chắc mùa đang xa dần (Thầm thì). Người
đi thật rồi (Mỗi lần mặt trời lặn xuống). Dường như Bạch Diệp có một căn
phòng đặc biệt, chỉ cần mở cửa ra, là nàng hoàn toàn thuộc về thế giới của anh.
Ở đó nàng mơ: … rồi ta tan biến như một mùi hương/ len vào đáy sâu tim người
ngủ yên ở đó/ nhắm mắt trong khu vườn những giấc mơ/ ngủ yên ở đó (Độc thoại)…
Vừa rụt rè vừa mãnh liệt, vừa mềm mại lụa là vừa khát khao cháy bỏng, tình yêu
trong thơ Bạch Diệp là tình đau đớn và lộng lẫy trong cùng một khoảnh khắc rụng
xuống của cánh anh đào, của tiếng chim hót trong bụi mận gai. Thứ tình không
nguôi ngoai ấy cũng là thứ tình níu kéo khiến nàng mắc kẹt. Bởi thế, lời
thì thầm cứ day dứt mãi: Bài thơ em viết/ Làm sao anh nhận ra (Mùa
đông).
Có thể hình dung tiếng thì thầm trong thơ Bạch Diệp là tiếng
mở cánh của một loài hoa trong đêm, là làn hương thấm vào hồn người trước khi
tan vào nắng sớm. Giấc mơ kịp trước khi tỉnh thức. Giọng thơ Bạch Diệp dịu nhẹ,
“như một thứ sương mưa” (Chu Văn Sơn), được viết nên bởi một điệu hồn tinh tế,
mỏng manh và bền bỉ trong cõi sương mơ giăng phủ. Nỗi nhớ phóng chiếu
vào giấc mơ, hiện thực hóa bằng giấc mơ. Mơ như là để giải tỏa những khát khao,
ước mong, ẩn ức. “Một con người khác ở trong” là cách Freud nói về những bí mật
của thế giới bên trong con người với thầm kín những suy tưởng mộng mơ. Chị tìm
kiếm gì? Phố, nơi có Anh. Và Đồng chiều, Ngọn đồi, nơi quê nhà có Cha và Mẹ,
nơi tuổi thơ trong trẻo, thánh thiện đến thành tín ngưỡng chị mang theo suốt cuộc
đời này. Đêm nào em cũng mơ. Và chị hỏi, Anh mơ thấy em
không. Chị nhớ cha. Mong được ôm cha. Phóng thích giấc mơ về phía ngọn
đồi. Mơ những ngọn đồi xa hơn đồi Trọ (Bông diếp đồi Trọ). Cũng trong
bài Bông diếp đồi Trọ, có hai dòng thơ định vị điểm nhìn giấc mơ Bạch Diệp: Khoảng
cách từ gốc cây dầu đến khu vườn hương thảo/ là giấc mơ thiếu nữ và người đàn
bà. Gốc cây dầu trong thơ Bạch Diệp là tín hiệu biểu tượng của làng, biểu
tượng của vùng tâm tưởng ấu thơ. Gốc cây dầu chỉ lối đến không gian
ngọn đồi, ga xép, tiếng còi tàu, nương chè, vườn ngoại; dẫn đến cánh đồng chiều,
ruộng, mặt đê, bến đò mưa, bậc thềm vườn sau, mái nhà, hiên mưa, bếp mẹ, những
con đường quê hoa vàng thơ thới… và tiếp tục mở ra ngọn đồi khác, vùng biển
khác, bầu trời khác. Còn khu vườn hương thảo là không gian hiện tại,
nơi phố ngợp hoa người, nơi chị bơ vơ, mơ về ngọn khói ngang trời, tiếng
còi tàu, lời ru của mẹ, tiếng cười con gái; mơ tiếng sấm gọi dông, trăng quê rộng
rãi, đàn dế ra đồng, con chép con rô, bờ lau vẫy gió, lá mục rơm vàng… Từ khu
vườn hương thảo đó, chị còn mơ Phố (khác), tháng tư, trắng buốt loa kèn,
mùi hương Hà Nội…. Nào có điều gì là thực. Thế nên chị cứ mãi kiếm tìm.
Có thể nói, thơ Bạch Diệp tìm về cõi mơ như một cách cân bằng
đời sống nội tâm vô cùng nhạy cảm. Sự nhạy cảm vừa như một món quà lại vừa như
một gánh nặng. Thơ chị ăm ắp mơ và tình. Nhưng đó là mơ trong tỉnh thức, tình tỉnh
thức. Chị tỉnh thức, và hơn một lần nhắc mình đừng khóc khi nhóm bếp.
Thiên tính nữ trong chị vẫn luôn ý thức làm tròn bổn phận và trách nhiệm của
mình, cho dù, sự phân thân, lưỡng cực ấy lại hằn sâu, tô đậm nỗi cô đơn,
nghiêng bên nào cũng không đủ đầy, nghiêng bên nào cũng lệch. Vì vậy, Bạch Diệp
tỉnh thức để hướng về vẻ đẹp ban sơ, thánh thiện, thanh khiết, đắm say của sự
khởi đầu. Đó cũng chính là vẻ đẹp tinh thần, vẻ đẹp tư tưởng trong thơ chị.
Đọc thơ Bạch Diệp như khuấy thinh lặng trong tách trà
màu bạc. Thinh lặng mà thấu hiểu. Thơ chị gợi đến những bản nhạc của Chopin,
tinh tế, dịu dàng, sang trọng. Âm nhạc ở ngoài nốt nhạc, như thơ ở ngoài lời.
Như ánh sáng chuyển động chậm thành một vùng sáng, người không nhận biết, không
cần biết khi nào ánh sáng tắt vì trong tâm trí đã kịp lưu giữ một vầng hào
quang rạng rỡ.
9/3/2023
Bùi Thị Diệu
Theo https://www.vanchuongviet.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét